Thời khắc lịch sử ra đời “Thế trận đại đoàn kết toàn dân tộc”
Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt trọng đại của các phong trào tập hợp quần chúng đấu tranh chống Mỹ - ngụy, đứng lên đòi quyền độc lập, tự chủ, thống nhất đất nước. Tròn nửa thế kỷ trôi qua, giờ đây những nhân chứng sống của thời khắc lịch sử ấy còn lại không nhiều, đa số đã mất. Thật may, trước thời điểm Lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, chúng tôi được gặp một số nhân vật đặc biệt của thời khắc lịch sử đó...
PV: Là những trí thức đầu tiên của miền Nam tham gia trực tiếp vào các phong trào đòi độc lập, dân chủ và hòa bình cho dân tộc từ giai đoạn đầu thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN), các ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm về bối cảnh lịch sử dẫn tới sự thành lập MTDTGPMNVN ?
* Tiến sĩ Hồ Hữu Nhựt, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Thanh niên Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN):
Khi chuẩn bị thành lập MTDTGPMNVN, lúc đó tôi đang tham gia trong phong trào của Tổng hội sinh viên Sài Gòn - Gia Định. Để lãnh đạo phong trào, chúng tôi được tổ chức cài vào học tại trường Petrus Ký (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong). Cùng học chung lớp với tôi khi đó còn có anh Sáu Phong (Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết) và một số các đồng chí sau này được chuyển về công tác tại các cơ quan của Trung ương Cục miền Nam. Giai đoạn những năm 1959 – 1963 là thời kỳ mà chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam, đàn áp các phong trào cách mạng, khủng bố tôn giáo... Chính vì vậy, nhân dân khắp các tỉnh Nam Bộ khi đó hết sức phẫn uất và căm thù. Trong đó, Đạo luật 10/59 của chính quyền Ngô Đình Diệm đã gây một làn sóng phản đối và biểu tình, đấu tranh rầm rộ trong các phong trào đấu tranh của trí thức, sinh viên – học sinh Sài Gòn – Gia Định. Lúc này, một yêu cầu khách quan của cách mạng miền Nam là phải có một tổ chức tập hợp và huy động quần chúng tiến hành đấu tranh, lãnh đạo phong trào theo đường lối đúng đắn.
* Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Tổng Thư ký Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (LMCLLDTDCVHBVN):
Khi anh Hai Nhựt (Hồ Hữu Nhựt) đang tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên tại trường Petrus Ký thì tôi đang học ở Đại học Luật khoa Sài Gòn và tham gia vào các hoạt động đòi dân chủ và các quyền tự do tôn giáo. Có thể nói, cùng với các phong trào biểu tình, đấu tranh công khai của sinh viên, học sinh, trí thức, quần chúng Sài Gòn trong giai đoạn từ năm 59 – 60, đặc biệt là cao trào Đồng Khởi nổ ra vào cuối năm 1959, đầu năm 1960 đã tạo điều kiện để những tổ chức cách mạng và các đoàn thể yêu nước có thể hoạt động công khai. Ở khắp Nam Bộ, nhân dân thành lập chính quyền cơ sở; “Ủy ban tự quản”, trong các vùng giải phóng ra đời... Bối cảnh này chính là thời cơ quan trọng dẫn tới sự ra đời của MTDTGPMNVN vào ngày 20-12-1960 tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh nhằm tập hợp các lực lượng yêu nước toàn miền Nam dưới một ngọn cờ duy nhất, minh chứng cho khối đại đoàn kết dân tộc do Đảng ta lãnh đạo.
PV: Trong bối cảnh mới được thành lập, MTDTGPMNVN đã phải tổ chức hoạt động như thế nào để tập hợp các tầng lớp quần chúng nhân dân vào phong trào đấu tranh chung?
* Tiến sĩ Hồ Hữu Nhựt: Gian nan, thử thách lắm! Chính quyền Diệm tăng cường “tố cộng”, “diệt cộng”, lê máy chém khắp miền Nam, khủng bố cách mạng, kể cả các phong trào của sinh viên, học sinh. Tuy nhiên, để duy trì tổ chức, sau khi MTDTGPMNVN được thành lập, anh Sáu Phong được rút về vùng giải phóng, còn tôi được lệnh chủ động thi rớt môn học để tiếp tục ở lại lãnh đạo phong trào. Cùng ở lại với tôi hoạt động trong Tổng hội sinh viên Sài Gòn- Gia Định lúc đó có anh Lê Hiếu Đằng và anh Nguyễn Hữu Phước (phụ trách báo chí tuyên truyền cho phong trào). Tuy nhiên, do bị chính quyền Diệm phát hiện, sau đó tôi và 17 sinh viên khác đã bị Nha Cảnh sát tới bắt đi lính, buộc phải thôi học với lý do “thanh niên bất phục tùng”. Cùng thời gian đó thì hoạt động tập hợp các lực lượng quần chúng của MTDTGPMNVN cũng gặp vô vàn khó khăn do miền Nam bị chia cắt; các phong trào tự phát nổ ra ở các địa phương do không được chỉ đạo, phối hợp đều bị đàn áp hết sức dã man. Bản thân tôi sau khi bị bắt ra quân trường, tưởng số phận coi như đã hết. Báo chí Sài Gòn tung tin tôi chết và hầu hết bạn bè, đồng chí, gia đình đều nghĩ rằng tôi đã chết rồi. Về sau này khi báo chí đăng tôi đã theo Việt cộng và đã vào vùng giải phóng hoạt động, khi đó thì gia đình mới biết tôi còn sống.
*Ông Lê Hiếu Đằng: Tháng 6-1969, MTDTGPMNVN và LMCLLDTDCVHBVN quyết định triệu tập đại hội Quốc dân toàn miền Nam để bầu Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN ) và bầu Kiến trức sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Chính phủ. Bên cạnh đó có một Hội đồng cố vấn cho Chính phủ do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, còn tôi được phân công về hoạt động tại khu Sài Gòn – Gia Định. Phải thừa nhận rằng, thời kỳ đầu là thời kỳ hết sức gian nan, thử thách đối với cách mạng. Bản thân những vị lãnh đạo chủ chốt của MTDTGPMNVN và CPCMLTCHMNVN cũng đều thuộc tầng lớp trung lưu nhưng chịu hi sinh, mất mát, bỏ hết gia sản của mình để đi theo lý tưởng cách mạng, chịu đựng gian khổ. Thậm chí, trong đó có cả ông Lâm Văn Tết là nhân vật trước đây chống cộng nhưng khi thấy Mỹ - ngụy giết chóc đẫm máu đồng bào mình, ông đã quyết định đi theo cách mạng, tham gia chiến đấu trong cuộc nổi dậy giành chính quyền vào Tết Mậu Thân (1968). Mặc dù bị đàn áp như vậy nhưng dưới ngọn cờ tập hợp của MTDTGPMNVN, các phong trào yêu nước vẫn bùng nổ mạnh mẽ trên toàn miền Nam, kéo dài mãi cho đến giai đoạn Mỹ chính thức nhảy vào miền Nam. Tôi còn nhớ, sự kiện đầu tiên có sự đóng góp rất lớn của MTDTGPMNVN là các cuộc mít tinh, bãi khóa, biểu tình với sự tham gia của hàng chục ngàn công nhân các đồn điền cao su, đồng bào, các tín đồ đạo Cao Đài, các cựu sỹ quan và binh sỹ trong quân đội Sài Gòn tại Tây Ninh, Mỹ Tho, Bến Tre, Tân An, Cao Lãnh, Long Xuyên, Ba Tri... trong giai đoạn 60 – 63. Trong khi ở nước ngoài, các phong trào của bà con kiều bào hưởng ứng hiệu triệu của MTDTGPMNVN cũng tổ chức rải truyền đơn, dán khẩu hiệu, mít tinh, kêu gọi quyên góp tiền gửi về ủng hộ các phong trào đấu tranh trong nước.
PV: Có thể nói sự ra đời của MTDTGPMNVN đã đáp ứng đúng và kịp thời yêu cầu khách quan của lịch sử và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Là người trực tiếp tham gia hoạt động và tập hợp quần chúng vào một ngọn cờ đấu tranh chung lúc bấy giờ, ông có thể cho biết những kinh nghiệm quý báu gì cần rút ra trong giai đoạn này?
*Ông Lê Hiếu Đằng: Trải qua những năm tháng gian khổ, cùng tham gia với các phong trào đấu tranh, đặc biệt của học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định, tôi nghiệm lại một điều: Trong suốt 15 năm dài, Mặt trận đã tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân yêu nước ở miền Nam, tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của các lực lượng cách mạng và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đặc biệt, để hỗ trợ cho công tác xây dựng phong trào, tập hợp các lực lượng vào phong trào đấu tranh chung của nhân dân miền Nam thì vào ngày 20-4-1968, LMCLLDTDCVHBVN chính thức được thành lập do luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch. Đồng thời, một yêu cầu bức thiết đặt ra là Liên minh phải có sự liên hệ với MTDTGPMNVN để phối hợp tổ chức lực lượng, tập hợp quần chúng. Để thực hiện được kế hoạch trên, đồng thời nhờ sự đùm bọc, che chở của quần chúng, tới cuối tháng 4-1968, Hội nghị Hiệp thương giữa hai tổ chức được tiến hành. Cũng bắt đầu từ sau Hội nghị này, Ủy ban Liên minh các địa phương tại Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ cũng được thành lập, đã góp phần rất lớn vào công tác tuyên truyền, tập hợp các tầng lớp nhân dân vào phong trào đấu tranh chống lại Mỹ ngụy trên toàn miền Nam lúc bấy giờ. Qua những kinh nghiệm quý báu của các bậc tiền bối đi trước đã để lại bài học hết sức sâu sắc về hòa hợp dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân mà vai trò nòng cốt là của Mặt trận các cấp dưới sự lãnh đạo của Đảng.
PV: Ngày nay, trong bối cảnh phát triển mới, là các cựu lãnh đạo, từng nhiều năm gắn bó với công tác Mặt trận từ giai đoạn đầu thành lập cho đến nay, các ông có thể cho biết hệ thống MTTQ hiện nay cần phải tổ chức hoạt động như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất, trên cơ sở kế thừa được uy tín và vai trò nòng cốt của Mặt trận trong lịch sử ?
*Ông Lê Hiếu Đằng: Xét về cơ bản thì mục tiêu công bằng, dân chủ là mục tiêu xuyên suốt được Đảng vạch ra ngay từ khi thành lập, trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc cho đến tận hôm nay. Trong bối cảnh phát triển mới của đất nước, MTTQ đã tham gia tích cực vào công tác vận động, tập hợp quần chúng, nhân sĩ, trí thức góp sức cho công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, tôi thấy rằng hiện nay vai trò giám sát – phản biện mặc dù được nêu rõ trong Luật Mặt trận, được Đại hội Đảng lần thứ X đề ra nhưng đến nay vẫn chưa thực sự đi vào thực chất và đạt được hiệu quả như mong muốn. Một kinh nghiệm thực tế mà trong quá trình công tác tại UB MTTQ TP. Hồ Chí Minh bản thân tôi rút ra và muốn kiến nghị cùng UBTƯ MTTQ Việt Nam, đó là: Đã đến lúc hệ thống Mặt trận cần phải được đổi mới toàn diện, tổ chức hoạt động giám sát – phản biện đi vào thực chất, bám sát vào Luật Mặt trận mới có thể đáp ứng vai trò là một tổ chức liên minh chính trị đặc biệt quan trọng của Đảng. Trong đó, muốn đổi mới vai trò của Mặt trận thì phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả, bản lĩnh thực hiện các chức năng cơ bản của Mặt trận.
*Tiến sĩ Hồ Hữu Nhựt: Tôi cũng đồng quan điểm với anh Lê Hiếu Đằng. Tôi cho rằng hiện nay Mặt trận đã có Luật Mặt trận, chỉ cần chiếu theo các quyền hạn, chức năng đó mà thực hiện một cách triệt để, quyết liệt thì sẽ giúp cho Đảng và Nhà nước rất nhiều cho công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt là trong xây dựng, sửa đổi các quyết sách và văn bản luật pháp quan trọng trên các lĩnh vực.
PV: Xin chân thành cảm ơn các ông về cuộc trao đổi này.
Thành Luân (lược ghi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét