Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Sự kiện 20/12/1960 - bước trưởng thành vượt bậc của các lực lượng cách mạng miền Nam


Sự kiện 20/12/1960 - bước trưởng thành vượt bậc của các lực lượng cách mạng miền Nam



- Ngày 20/12/1960, Đại hội đại biểu Quốc dân miền Nam họp tại Rùm Đuông, xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay thuộc huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh. Đại hội đã quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự kiện quan trọng này đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của các lực lượng cách mạng miền Nam .

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, ghi nhận thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Đáng lẽ đất nước ta được hòa bình, độc lập, thống nhất, nhân dân ta được sống tự do, hạnh phúc. Nhưng đế quốc Mỹ dã tâm chia cắt lâu dài nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, khống chế khu vực Đông - Nam Á và ngăn chặn phong trào cách mạng ở khu vực này, đã hất cẳng Pháp, buộc Pháp đến hạn cuối cùng vào ngày 28 - 4 - 1956 phải rút hết 90.000 quân về nước, dựng nên chính quyền tay sai, đặt ách thống trị ở miền Nam nước ta.
Cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới với hình thái mới. Trong khi miền Bắc được giải phóng, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thì ở miền Nam, đồng bào ta phải sống dưới sự thống trị tàn bạo của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai.
Đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm rắp tâm tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam. Chúng “đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh” (chiến tranh một phía), mở các đợt “tố cộng”, “diệt cộng”, đặc biệt với Luật 10 – 59, lập các tòa án quân sự đặc biệt thẳng tay giết hại, giam cầm các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. Ngô Đình Diệm tuyên bố không thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử như Hiệp định Giơnevơ quy định, sau đó tổ chức “trưng cầu dân ý” phế truất Bảo Đại và lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Ngô Đình Diệm còn tuyên bố tại Mỹ: “biên giới Hoa Kỳ đến vĩ tuyến 17”. Quân đội của Việt Nam cộng hòa còn điên cuồng hô hào “Bắc tiến”, “vượt sông Bến Hải”, “giải phóng cố đô”, “rửa hận thù”…
Cách mạng miền Nam lâm vào tình thế hiểm nghèo, nếu không vùng dậy chiến đấu một mất một còn với kẻ thù thì lực lượng cách mạng có nguy cơ bị tiêu diệt.
Từ cuối năm 1956, phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam đã dần hướng vào đấu tranh hợp pháp, bán hợp pháp đòi quyền dân sinh dân chủ. Trong hai năm 1957, 1958 phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân miền Nam ngày càng lan rộng và mạnh mẽ với các hình thức quyết liệt và mục tiêu đấu tranh đa dạng hơn. Tình thế để nổ ra các cuộc khởi nghĩa từng phần đã xuất hiện. Bước phát triển mới của phong trào đấu tranh trong hai năm 1957, 1958 đã hình thành trên thực tế Mặt trận thống nhất hành động của các tầng lớp nhân dân miền Nam.
Đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng và nguyện vọng bức thiết của nhân dân miền Nam, tháng 1 – 1959, Nghị quyết Trung ương 15 khẳng định: “Con đường tiến lên của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân bằng sức mạnh của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang”.
Về Mặt trận Dân tộc thống nhất ở miền Nam, Nghị quyết Trung ương 15 chỉ rõ: vì nhiệm vụ cơ bản của mỗi miền khác nhau, nên nhiệm vụ, tính chất, thành phần Mặt trận ở mỗi miền có khác nhau. Vì vậy, cần có Mặt trận riêng cho miền Nam. Nghị quyết đánh giá thái độ chính trị của các giai cấp, tầng lớp xã hội miền Nam, từ đó đề ra chủ trương tiến tới thành lập Mặt trận ở miền Nam tuy là riêng cho miền Nam, không nằm trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng cùng thực hiện mục tiêu chung là nhằm xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và phải do Đảng lãnh đạo[1].
Dưới ánh sáng Nghị quyết Trung ương 15, từ cuối năm 1959 sang năm 1960, phong trào “đồng khởi” đã nhanh chóng bùng lên ở đồng bằng Nam Bộ, Tây Nguyên và một số địa phương ở Trung Bộ. Tính đến cuối năm 1960, quân và dân miền Nam đã căn bản làm tan rã chính quyền cơ sở của địch ở nông thôn, lập chính quyền tự quản ở 1.383/2.627 xã trên toàn miền Nam, đồng thời làm tê liệt chính quyền địch và làm tan rã các tổ chức chính trị phản động ở hầu hết các xã khác.
Phong trào “đồng khởi” ở nông thôn đã thúc đẩy đấu tranh chính trị ở cả đô thị và nông thôn. Trong năm 1960 có 10 triệu lượt người tham gia đấu tranh chính trị.
Phong trào “đồng khởi” đã làm cho chế độ Việt Nam Cộng hòa lung lay, rệu rã tác động mạnh đến các tầng lớp nhân dân, tạo nên sự rung động lớn đối với tầng lớp trên và khoét sâu mâu thuẫn, phân hóa nội bộ địch. Nhiều nhân sĩ trí thức tự bỏ hết gia sản, cuộc sống ở thành phố, vào khu căn cứ tham gia kháng chiến. Cao trào nổi dậy của đồng bào miền Nam được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều chính phủ và nhân dân tiến bộ trên thế giới. Phong trào ủng hộ Việt Nam, lên án chính sách phát xít của Ngô Đình Diệm và đòi Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam ngày càng mở rộng.
Phong trào “đồng khởi” đã chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Thời kỳ cách mạng mới đòi hỏi cấp bách phải có một tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất để đoàn kết toàn thể quân và dân miền Nam tiến công liên tục và mạnh mẽ lật đổ ách thống trị Mỹ - tay sai, giải phóng miền Nam.
Tháng 9/1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp đề ra đường lối cách mạng cả nước và cách mạng từng miền trong giai đoạn mới. ”[2].
Đại hội đã tổng kết, bổ sung, phát triển đường lối xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất ở miền Nam do Nghị quyết Trung ương 15 đề ra trước đó. Đại hội chỉ rõ: Xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi chống Mỹ - Diệm, lấy liên minh công nông làm cơ sở. Mặt trận này phải đoàn kết được tất cả những lực lượng có thể đoàn kết, tranh thủ bất cứ lực lượng nào có thể tranh thủ, trung lập những thế lực cần trung lập, đoàn kết được các giai cấp và tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, các đảng phái vào phong trào đấu tranh chung chống Mỹ - Diệm.
Đến cuối năm 1960, những tiền đề cho sự ra đời Mặt trận đã được hội tụ. Trung ương Đảng đã chỉ đạo kịp thời thành lập ngay Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ngày 20/12/1960, Đại hội đại biểu Quốc dân miền Nam họp tại Rùm Đuông, xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay thuộc huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh. Đại hội đã quyết định thành lập , thông qua Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm của Mặt trận và cử ra Ủy ban Trung ương lâm thời do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Đại hội khẳng định: Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chủ trương đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo và thân sĩ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị để đấu tranh chống bọn xâm lược Mỹ và đánh đổ ách thống trị của bọn tay sai phản động, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.
Sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là sự kiện đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc và yêu cầu mới của cách mạng miền Nam. Kể từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận là người đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam, là tổ chức chính trị công khai hiệu triệu, tập hợp, đoàn kết và tổ chức kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành sự nghiệp vẻ vang giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc.
[1] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tập 20, tr. 1 – 96.
[2] . Hồ Chí Minh;, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002, tập 10, tr. 198

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét