Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

QUAN HỆ VIỆT NAM-LIÊN XÔ 1924 – 1954 VÀ VẤN ĐỀ HÒA NHẬP *


QUAN HỆ VIỆT NAM-LIÊN XÔ 1924 – 1954 VÀ VẤN ĐỀ HÒA NHẬP *


Nguyễn Hồng Dung
Tạp chí Lịch sử quân sự – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Dưới thời đô hộ Pháp, nhân dân, trí thức Việt Nam qua con đường Trung Quốc – Pháp đã biết đến một “Cách mạng tháng 10 Nga”, Lênin, chủ nghĩa cộng sản… Và người dân Việt Nam – ngay cả như đồng bào vùng núi – “đang mơ về nước Nga” (Thơ Tố Hữu).
Sự giúp đỡ của nhân dân Liên Xô – nhất là trong những thời điểm khó khăn của bản thân mình, của chính phủ, của Đảng Cộng sản Liên Xô, tình cảm của các nhà lãnh đạo, chuyên gia, các tầng lớp nhân dân Liên Xô về mặt tinh thần cũng như vật chất thật là sâu đậm, to lớn, mang ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất của Việt Nam.
Khác với một số quốc gia khác, nay đã hoà nhập với Việt Nam – nhưng do điều kiện lịch sử, trong quá khứ cũng đã có một bộ phận lực lượng vũ trang xâm lược, chống lại Việt Nam (Anh, Mỹ, Pháp, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…). Nước Nga, Liên Xô chưa hề có bộ đội mang vũ khí vào Việt Nam phản đối công cuộc cách mạng của Việt Nam.
Nhân dân Nga – Liên Xô trước sau vẫn mong muốn – và đã thực hiện – sự hoà nhập với Việt Nam. Tuy nhiên, trong một thời gian không ngắn, ý thức hệ, sự áp đặt, thiếu dân chủ của một bộ phận lãnh đạo Nga – Liên Xô, có thể nói chủ yếu là Stalin, đã làm cho sự hoà nhập Việt – Nga không được nhanh, đầy đủ và kết quả mong muốn cho cả hai phía.
Lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, kể từ khi rời phía Nam sông Dương Tử, đi về phía Hoa Nam ngày nay, dừng chân trên vùng đồi ở phía Bắc sông Hồng rồi xuống đồng bằng sông Hồng, men theo biển vào Thanh – Nghệ – Tĩnh, tiếp đó phát triển đến Mũi Cà Mau thực tế là một phát triển “mở” chứ không “khép kín”. “Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rõ nét rằng Việt Nam có nguồn gốc Bách Việt… thuộc thành phần chính thống, trung kiên, bất khuất…”1, “trung kiên, bất khuất” bảo vệ mình để phát triển là phải khắc phục, vượt lên hoặc chung sống có điều kiện với khí hậu, thiên tai, thú rừng, kẻ dòm ngó, xâm lược.
Và phải cần có kinh nghiệm của bản thân, của hàng xóm lân bang “cùng hội, cùng thuyền”, nên Việt Nam đã sớm có những mối quan hệ “ngoại giao nhân dân”, “ngoại giao chính phủ” với các mường, động… với các thủ lĩnh vùng biên giới.
Khi có điều kiện, cũng đã chấp nhận sự có mặt buôn bán, trao đổi, giao lưu với các nước xa hơn – không có đường lục địa thông với Việt Nam – như Gia-va (In-đô-nê-xia), Nhật Bản, Phi-líp-pin… qua các thương cảng như Vân Đồn, Phố Hiến rồi Hội An, Sài Gòn…
Dưới thời Việt Nam chịu sự thống trị của phong kiến phương Bắc, hay trong những thời gian giữ được độc lập, tự do, vẫn phải “triều cống”, các đoàn sứ giả Việt Nam đến thủ đô các triều đại Trung Quốc cũng phải tranh thủ “giao lưu” với các đoàn, các sứ giả Cao Ly, Nhật Bản nếu họ cũng có mặt đồng thời tại đây. Cũng qua sự “hoà nhập” ngắn ngủi, nhỏ hẹp, nhưng các sứ thần cũng đã mang về Việt Nam – dù bị hạn chế – bị kiểm tra – nhiều tác phẩm văn hóa, nhiều bí mật ngành nghề để phát triển kinh tế, văn hoá trong nước.
Những kết quả “giao lưu”, “hội nhập” ấy đã giúp Việt Nam trong các ngành nghề in, làm hàng mỹ nghệ, có thêm các tác phẩm văn học của mình đã bị các triều đại Trung Quốc tịch thu với âm mưu xoá bỏ văn hoá Việt Nam, hiện biết thêm phần nào tình hình lịch sử văn hoá các nước khác.
Điều đó cho thấy từ mấy ngàn năm trước dân tộc Việt đã sớm có hiểu biết về nhu cầu, về kết quả lợi ích của việc tìm hiểu nhau, học tập lẫn nhau trong một không gian hoà hợp, hoà nhập.
Thế kỷ thứ 19, Việt Nam “mang tiếng” là “bế quan, toả cảng”. Nhưng với những điều trần của Nguyễn Trường Tộ, việc các vua Triều Nguyễn cử người đi Macao học cách đúc súng, đóng thuyền, mua báo Hồng Kông để đọc… là những động thái ” hoà nhập”, mong muốn hoà nhập, nhưng “lực bất tòng tâm”, không thực hiện được do nhiều nguyên nhân, chủ quan và khách quan.
Thực dân, đế quốc Pháp trong thời gian cai trị Việt Nam đã “cấm đi ra ngoài”, một thủ đoạn bưng bít, cấm hoà nhập.
“Lệ cấm đi ra ngoài là một cái lệ rất dã man. Anh cai trị tại ấn Độ, Nhật Bản cai trị Triều Tiên cũng là các nước khác cai trị dân thuộc địa khác không có nước nào có các chính sách như thế, chỉ có Pháp cai trị An Nam thì từ xưa – đến nay cho những người An Nam đi ra ngoài là sự phạm tội rất nặng”2.
Thống trị Việt Nam, nên mọi công việc ngoại giao của Việt Nam đều do chính quyền Pháp quyết định. Cùng với những “mất tự do” khác. nhân dân Việt mất luôn quyền “được hiểu biết, được hoà nhập”. Cũng cần phải công nhận rằng, mặc dù chính phủ Pháp có lệnh cấm đi ra ngoài, nhưng người Việt cũng tạo ra điều kiện để “xuất dương” bằng con đường công khai (đi học, du lịch…) hoặc bằng con đường bí mật tham gia các Hội kín, Đông Du, các tổ chức cách mạng, dù bị hạn chế bởi vòng vây của chính quyền, để nới rộng ra “vòng kim cô” của đế quốc Pháp, không chịu “cô lập”, “biệt lập”… với thế giới bên ngoài.
Những du học sinh Việt Nam sang Nhật thời Đông Du, được sự chỉ đạo của Phan Bội Châu, được sự giúp đỡ ban đầu của Chính phủ Nhật – lao động, học tập trong các trường văn hoá – quân sự Nhật Bản đã giúp cho các học sinh này hiểu biết thêm về nước Nhật “duy tân” đổi mới, đang dần tiến lên một nước hùng mạnh. Với các lưu học sinh, các binh lính, nhà buôn người Việt đi học, lao động, phục vụ chiến đấu ở Pháp, ở Nga, ở Châu Phi… cũng đã giúp họ “mở tai, mở mắt” khi hoà nhập với một xã hội văn minh, tiến bộ, dân chủ, cách mạng. Và khi họ trở về nước, dù ở hoàn cảnh nào, họ cũng thấy sự cần thiết phải “học hỏi”, “làm theo cái tốt” của các nước ấy, phải “đổi cũ ra mới, đổi xấu ra tốt”, phải làm cách mạng mới có thể ngang hàng được với các nước trong hoàn cầu thông qua con đường hoà nhập.
Năm 1924, bấy giờ đang ở Mátskơva, Nguyễn Ái Quốc đã có “Thư gửi đồng chí Pêtrôp, Tổng thư ký Đông Phương Bộ“, nêu lên “một ý kiến của tôi (Nguyễn Ái Quốc) đã ngẫm nghĩ từ lâu” và “thấy có trách nhiệm phải trình bày” rằng:
“Nguyên nhân đầu tiên đã gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là sự ĐƠN ĐỘC3.
Không giống như các dân tộc phương Tây, các dân tộc phương Đông không có những quan hệ và tiếp xúc giữa các lục địa với nhau. Họ hoàn toàn không biết đến những việc xảy ra ở các nước láng giềng gần gũi nhất của họ, do đó họ thiếu sự tin cậy lẫn nhau, sự phối hợp hành động và sự cổ vũ lẫn nhau”.
Cũng có thể nói theo một cách khác, trên cơ sở nội dung bức thư trên của Nguyễn Ái Quốc: “Nếu các dân tộc phương Đông có những quan hệ và tiếp xúc giữa các lục địa với nhau – (có nghĩa là có thể hoà nhập với nhau) họ có thể biết đến những việc xảy ra ở các nước láng giềng (chính trị, kinh tế, văn hoá, thương mại, quân sự…) và có thể tin cậy lẫn nhau (để chung sống và phát triển) để phối hợp hành động (chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hoá…) và để cổ vũ lẫn nhau”.
Phương Đông có những điểm tương đồng và dị biệt với Phương Tây.
Nguyễn Ái Quốc đã nêu lên luận điểm: “đấu tranh giai cấp ở phương Đông không giống Phương Tây, chủ nghĩa Mác xây dựng cơ sở lịch sử của mình ở châu Âu, mà châu Âu không phải là toàn thế giới”, ” cần bổ sung chủ nghĩa dân tộc (một động lực – lòng yêu nước) vào chủ nghĩa Mác…”
Nắm vững thực tiễn Việt Nam, thực tiễn giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam nên Nguyễn Ái Quốc đã chủ trương “chia địa chủ ra làm 3 hạng… đoàn kết với các tầng lớp yêu nước…, tiến hành chống đế quốc trước – để giải phóng dân tộc… đồng thời hạn chế sự bóc lột của phong kiến…, thành lập chính quyền cộng hoà dân chủ nhân dân (mà không lập Xô Viết, không chủ trương lập chính phủ chuyên chính vô sản…”
Những ý kiến trên đây của nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc, đại biểu dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 5 tại Mátskơva, năm 1924, người đã lên tiếng phê bình nặng lời các Đảng cộng sản, công nhân đã không “quan tâm đến các thuộc địa”, “không làm hoặc làm rất ít cho thuộc địa…”, đều là trái với những luận điểm của Quốc tế cộng sản, đứng đầu là Stalin.
Điều đó chứng tỏ rằng Nguyễn Ái Quốc, anh thuỷ thủ đã đi, đã sống với rất nhiều người lao động các màu da trên thế giới, con người đã có kết luận: “chỉ có hai loại người – người đi áp bức và người bị áp bức” và giữa những người bị áp bức là một “mối tình giai cấp”. Trước khi đến Mátskơva năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức được sự cần thiết phải “hoà nhập” – dù ở mức độ nào đó giữa các dân tộc – nhất là các dân tộc bị áp bức với nhau để “hiểu nhau, cổ vũ lẫn nhau…”.
Việc áp đặt và ràng buộc Nguyễn Ái Quốc vào Quốc tế Cộng sản (QTCS), không cho phép, hạn chế việc giao lưu giữa Nguyễn Ái Quốc với các đối tượng khác, nên vào năm 1925, khi Nguyễn Ái Quốc trở về Châu Á, QTCS đã không cấp cho Nguyễn Ái Quốc giấy giới thiệu với ĐCS Trung Quốc, với Quốc dân Đảng của Tôn Dật Tiên, không cung cấp tài chính đi đường, sinh sống.
Năm 1930, với “Chính cương, điều lệ Đảng tóm tắt”, dù đã “tế nhị” vừa làm vừa lòng QTCS, vừa giữ vững chủ kiến của mình cho cả một đường lối cách mạng của dân tộc4, nhưng vẫn bị QTCS và Stalin nghi ngại.
Trong lúc Liên Xô – đứng đầu nhà nước là Stalin, không chấp nhận những mối liên lạc của các đảng với các tổ chức chính phủ (mà chưa được QTCS đồng ý) vì quyền lợi của mình, Liên Xô đã “mở cửa” với Mông Cổ ngày 12 tháng 3 năm 1936. Để chống lại hiệp ước chống QTCS của Nhật và Đức ký ngày 25 tháng 11 năm 1936, Liên Xô lại bắt tay thoả thuận với Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch “đề nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc ngừng cuộc nội chiến và có cử chỉ hợp tác thân thiện với chính quyền Quốc dân đảng để chống lại Nhật Bản”5. Năm 1937, Liên Xô lại ký với Tưởng Giới Thạch hiệp ước không xâm lược ngày 21 tháng 8. Theo hiệp ước này, Liên Xô cung cấp cho Tưởng vật liệu chiến tranh qua Ngoại Mông, Tân Cương giữa lúc Hồng Quân Trung Hoa bị Tưởng vây đánh phải trường chinh từ căn cứ phía Nam lên phía Tây xây dựng cơ sở mới.
Nguyễn Ái Quốc cũng không thoát khỏi sự “xét nét” của QTCS. Không được triệu tập dự Đại hội 6 QTCS, bị bắt ở Hồng Kông năm 1931, rồi được ra tù với những lý do “không xác định rõ”… Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người bị cô lập – không được hoà nhập – trở thành “lữ hành cô đơn” (ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) trong những năm 1934 – 1938.
Tại đại hội VII, QTCS, bản tham luận của Trưởng đoàn đại biểu ĐCSĐD Lê Hồng Phong – tất nhiên phải thông qua QTCS, được coi như là chỉ thị của QTCS – phê phán Nguyễn Ái Quốc là “tàn dư của cương lĩnh các nhóm cộng sản cũ đã máy móc chia giai cấp địa chủ thành hạng đại và trung 6.
Năm 1945, khi nhân dân Việt Nam giành được chính quyền, mặc dù ở Hà Nội có đại diện, chính phủ Liên Xô chỉ đến thảo luận với Việt Nam về những công dân Liên Xô, nếu có, trong quân đội Pháp – Nhật… mà không có cuộc gặp gỡ ngoại giao chính thức nào, kể cả khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có điện gửi Stalin…
Cũng phải đề cập tới, là trong những năm 40 giữa thế kỷ trước, Liên Xô còn bị ràng buộc bởi “Hiệp ước Xô – Pháp” có thời hạn 20 năm ký kết vào tháng 12 năm 1944, trong đó “hai bên cam kết không can dự vào công việc nội bộ của nhau” không tham gia một liên minh nào chống lại nước kia (điều 5) nên, nếu Liên Xô – chính thức công nhận, ủng hộ Việt Nam – là vi phạm Hiệp định (Sau Chiến thắng Biên giới 1950, Liên Xô đã công nhận Việt Nam…).
Năm 1948, Nam Tư có công hàm chính thức đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam – nhưng Việt Nam – biết ứng xử, “giữ ý” với Liên Xô – thực chất cũng vẫn bị o ép, nên đã không mở được cửa sang phía Tây.
Không làm gì quá để Liên Xô có thể “mất lòng”, “chỉ trích” trong chủ trương hạn chế Việt Nam giao lưu, hoà nhập quốc tế, Việt Nam cũng đã khéo léo mở ra những cánh cửa – dù hẹp – để thoát khỏi “vòng vây” từ nhiều phía.
Việt Nam đã “kín đáo” giao thiệp với các nước láng giềng ở Đông Nam Á, với 2 nước Lào, Campuchia xin được đặt trụ sở đại diện chính phủ ở Băng Cốc (Thái Lan) được ra báo, xin được đặt một điện đài thu và chuyển các tin tức quốc tế tại Miến Điện (Mianma) để chuyển về Việt Nam…
Năm 1949, trả lời nhà báo Thái Lan Naiut Thorn Phokul, Hồ Chí Minh nói: “Việt Nam sẽ hợp tác với mọi nước vui lòng hợp tác thật thà và bình đẳng với Việt Nam”.
“Năm 1950, Hồ Chí Minh bí mật sang Liên Xô, tìm cơ hội gặp Stalin khi Mao Trạch Đông còn ở đó. Hồ Chí Minh được Stalin tiếp nhưng cuộc gặp không thành công, Stalin vẫn lạnh nhạt với ông Hồ và không chấp nhận ký một hiệp ước với Việt Nam như Liên Xô đã ký với Trung Quốc. Cũng trong phiên họp này, Stalin đã chất vấn ông Hồ tại sao giải tán Đảng cộng sản Đông Dương, tại sao chưa tiến hành cải cách ruộng đất”7.
Trong lúc Liên Xô – đứng đầu nhà nước là Stalin không chấp nhận những mối liên lạc của các đảng với các tổ chức chính phủ – (mà chưa được QTCS đồng ý), Hồ Chủ Tịch cũng đã nhiều lần tuyên bố “Việt Nam mong muốn làm bạn với tất cả các nước yêu chuộng hoà bình, tự do, dân chủ”…
Tuy nhiên cho đến năm 1954 – gần 30 năm sau bức thư của Nguyễn Ái Quốc gửi Bộ Phương Đông – Nguyễn Ái Quốc, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cũng chưa làm gì được nhiều để hoà nhập.
Cuộc ngăn ngừa “hoà nhập của Việt Nam” với thế giới còn kéo dài mãi cho tới những năm 70 thế kỷ trước. Trong kháng chiến chống Mỹ, một mặt Liên Xô giúp đỡ Việt Nam theo ý thức hệ để bảo vệ “tiền đồn chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á”, mặt khác vẫn không muốn Việt Nam ngồi vào bàn thương lượng với đối phương. (Vì nếu kéo dài chiến tranh – và thực tế đã diễn ra là trong khi Mỹ suy yếu ở Việt Nam, Liên Xô có điều kiện tăng trưởng kinh tế, xây dựng lực lượng vũ trang…). Ngay cả khi N. Khơrútsốp “bắt tay với Mỹ”, “chung sống hoà bình”, Việt Nam vẫn chưa được tự do hoà nhập. Bạn đồng minh lớn một thời của Liên Xô là Trung Quốc cũng từng cho “Mỹ là con hổ giấy”, từng tuyên bố “Trung Quốc là hậu phương lớn của Việt Nam đánh Mỹ” nhưng vẫn “răn đe” Việt Nam “hoà đàm” với Mỹ, “khuyên bảo” Việt Nam từ chối viện trợ của Liên Xô. Nhưng, chính Trung Quốc lại mở ra “ngoại giao bóng bàn” rồi đón Nichxơn tại Bắc Kinh, ưu ái “chú Sam Hoa Kỳ” không muốn Việt Nam chấm dứt chiến tranh sớm…
Là một người đã đi gần khắp thế giới “đã đến Châu Phi, qua các nước Châu Á, đến Mỹ, Anh, sống nhiều năm ở Pháp, ở Nga, đặt chân đến Thuỵ Sĩ, Đức, Xiêm… Nguyễn ái Quốc đã thực sự, qua thực tiễn của mình, của lịch sử, đã sớm nêu ra mệnh đề “đại đoàn kết, đại hoà hợp” – có thể hiểu là “đại hoà nhập”… không tán thành “đơn độc”, “biệt lập”, “đóng cửa”.
Thực ra, trên những văn bản chính thức qua cuốn “50 năm quan hệ Xô – Việt”, người đọc không tìm thấy một văn bản, một dòng chữ, một câu nói về việc Liên Xô hạn chế Việt Nam “hoà nhập”.
Nhưng trong đời sống chính trị, ngoại giao… có nhiều vấn đề không căn bản” mà lại có giá trị, sức mạnh như – hoặc hơn văn bản…
Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, chính phủ Việt Nam cũng khó có thể chính thức cho rằng Liên Xô cản trở Việt Nam hoà nhập. Chỉ có thể coi đó là quá khứ lịch sử, là một bài học, một kinh nghiệm cho hiện nay, mai sau.
Trong kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh đã nêu khẩu hiệu “Đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, đại thành công”. Hai chữ “đoàn kết” này không phải chỉ bó hẹp “đoàn kết” trong nước mà còn đoàn kết với các nước anh em, các nước bạn bè… Ngày 8 tháng 1 năm 1957, trong thư gửi các vị tăng ni và đồng bào tín đồ Phật giáo nhân dịp lễ Đức Phật thích ca thánh đạo, Hồ Chủ Tịch đã “thân ái gửi đến các vị lời chào đại hoà hợp”. Xét về mặt tư tưởng cũng như từ ngữ, “đại hoà hợp”8 có thể hiểu là “đại hoà nhập”, “hoà hợp” có vẻ như “cao” hơn “hoà nhập”? Có bao giờ “nhập” nhưng không “hợp”? Dù sao thì ý định hoà nhập của Hồ Chí Minh, của Việt Nam đã có từ lâu rồi.
Xét về mặt địa – chính trị, Việt Nam là nước lục địa, bán đảo, có chiều dài không nhỏ về bờ biển, là một bao lơn nhìn ra Thái Bình Dương – một biển lớn ngày càng có tầm quan trọng cao – Việt Nam tất phải có nhu cầu – bắt buộc phải có nhu cầu hoà nhập để tự bảo vệ mình, để phát triển, phát triển cũng là để tự bảo vệ.
Quá trình giữ nước và dựng nước của nhân dân Việt Nam cho thấy nhân dân Việt – các triều đại trị vì ở Việt Nam – dù có vị vua này, thời gian kia – hạn chế, e ngại sự hoà nhập, nhưng nhìn chung hoà nhập vẫn là thiện ý, thiện chí là điều mong mỏi của Việt Nam, từ ngàn xưa cho đến nay.
Tuy nhiên sự hoà nhập, và hoà nhập phải được đòi hỏi cả hai phía. Cần tôn trọng những cái riêng của nhau, bảo tồn cái của mình, của bạn. Không nên (và thực ra cũng khó có thể làm được) để bị “hoà tan” trong khi hoà nhập.
Trong chiều dài của lịch sử, những cuộc chiến tranh về kinh tế, về lãnh thổ, tôn giáo, sắc tộc xẩy ra gây nên bao khổ đau cho con người sinh ra tính vốn lành, có một nguyên nhân là không biết, không được hiểu biết nhau, thương yêu nhau, không được hoà nhập với nhau…
Đức Phật, Đức Chúa, Thánh Môhamét và các vị khác… đều răn dạy, khuyên bảo “phải thương yêu nhau”, “thương yêu cả kẻ thù”, “tha thứ cho mọi sự không lành, người ác…”.
Trong thế kỷ thứ 21 này, nguyện vọng, xu thế của Việt Nam – của nước Nga – và của loài người trên hành tinh là chung sống hoà bình, hoà nhập.
Thực tiễn ở Việt Nam – dù chỉ qua một mối quan hệ Việt Nam – Liên Xô đã chỉ ra:
- Dù có những quan điểm chính trị, tôn giáo, dân tộc… khác nhau, các nước đều có thể hoà nhập được với nhau 9.
- Hoà nhập không chỉ là một mong ước, nguyện vọng của đa số nhân dân mà có thể còn là một nhu cầu, yêu cầu của thời đại, một quy luật mới phát sinh buộc phải tìm hiểu, nghiên cứu, thực hiện.
Cho đến nay, dù ở những cấp độ khác nhau, ở những hiệu quả chưa đồng đều, chưa được mong muốn, về phía Việt Nam, cũng như về phía các quốc gia đối tác khác, Việt Nam đã là thành viên của Liên hợp quốc của ASEAN, của WTO, của khối cộng đồng Pháp ngữ… So sánh với thời kỳ còn “đóng cửa” do nhiều nguyên nhân – trong đó có “nguyên nhân” ý thức hệ, do QTCS…, Việt Nam đã học tập, được “thu hoạch nhiều “trong hoà nhập với cộng đồng quốc tế. Đối với Việt Nam, điều đó đang dần trở thành một “quy luật” tất yếu để tồn tại, phát triển.
Năm 2001, trong thời gian thăm nước Đức, Tổng thống Putin có nói:
“Lịch sử cũng như những đại dương, không chỉ có tách ra mà có khả năng nối liền”10.
Và hiện nay, “quy luật” đó đã được thực hiện trong quan hệ truyền thống Việt – Nga, cũng như mối quan hệ với nhiều quốc gia khác, trong một mái nhà chung của Hoà nhập./.
——————-
1 Bs. Ts. Nguyễn Thị Thanh, Việt Nam, Trung tâm nông nghiệp lúa nước và
công nghiệp đá xưa nhất thế giới, Việt Catholic, 30- 9- 2003 (Dẫn theo tư liệu tham khảo họ Đỗ, 6- 2007).
2 Báo Thanh niên số 63, ngày 3 tháng 10 năm 1926. Theo nhiều nhà nghiên
cứu, tuy bài viết này không ký tên tác giả, nhưng nhiều khả năng là do Nguyễn Ái Quốc viết.
Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, (1920 – 1925), Nxb Sự thật, 1980. tr. 207. Hồ
Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, 1995, đã đổi 2 chữ “Đơn Độc” này thành “Biệt lập“. Nguyên văn tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc là “isolement“.
4 Mặt khác, từ 1930 – đến 1940 cách mạng Việt Nam cũng đã phạm sai lầm
trong giáo điều tả khuynh.
5 Jean Baptiste Duroselle. Lịch sử ngoại giao từ 1919 đến ngày nay, bản dịch
của Lưu Đoàn Huynh, Học viện quan hệ quốc tế, Hà Nội, 10/1944, tr. 276.
6 Viện nghiên cứu Hồ Chí Minh và các lãnh tụ, Đồng chí Lê Hồng Phong, một
lãnh tụ xuất sắc của Đảng, Nxb CTQG, H, 1997, tr. 85.
7 Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945 – 1995, Tiên Rồng, 2004, tr. 215.
Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb ST, tập 8, tr. 561.
9 Do không được hoà nhập sớm nên Việt Nam không nắm bắt được tình hình
quốc tế, thời cơ, xu thế thời đại, đã vi phạm giáo điều tả khuynh trong cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp 1950 – 1960, rồi sau đó là “bao cấp duy ý chí”, bị bao vây, cấm vận từ 1977 đến 1985…
10 Báo Thanh niên, ngày 10 tháng 6 năm 2008.
—————
* Tham luận tại HỘI THẢO QUỐC TẾ VIỆT NAM HỌC LẦN THỨ BA “Việt Nam: Hội nhập và Phát triển”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét