Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Quan hệ Nhật Bản - Việt Nam 1954 - 1975


Quan hệ Nhật Bản - Việt Nam 1954 - 1975

Mối quan hệ Nhật Bản – Việt nam được hình thành từ thế kỉ XVI – XVII, trãi qua những bước thăng trầm ở các thế kỉ sau và đến những năm 90 của thế kỉ XX thì bước sang một  “tầm cao mới”. Trong bối cảnh chung như vậy, chúng tôi tập trung tìm hiểu bối cảnh quốc tế cũng như điều kiện lịch sử mỗi nước, những hình thức quan hệ giữa hai quốc gia, hai dân tộc Nhật Bản – Việt Nam từ 1954 – 1975.
1. Thất bại trong chiến tranh thế giới thứ hai, từ thắng 8 – 1945, Nhật Bản bị quân đội Đồng minh  - Hoa Kì chiếm đóng. Do bối cảnh quốc tế và khu vực khiến mỹ phải có những thay đổi trong chính sách đối với Nhật Bản.
Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) ảnh hưởng lớn, mở ra cục diện mới cho sự phát triển kinh tế Nhật Bản. Nhờ những đơn đặt hàng mua vật dụng quân sự, cơ sở phục vụ cho chiến tranh của Mỹ với hơn 4 tỉ USD, cùng trên 2 tỉ USD viện trợ của Mỹ trước đó giúp Nhật có điều kiện phát triển mạnh. Có thể nói, chiến tranh được ví như “ngọn gió thần thổi vào nền kinh tế Nhật Bản”[1]. Nhằm biến Nhật Bản tại vùng đệm chiến lược thành đồng minh trụ cột ở châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ kí với Nhật Bản Hiệp định Xan Phrăngxicô (9 – 1951) và sau đó là Hiệp ước an ninh Mỹ  - Nhật (5 – 1952). Việc chiếm đóng Nhật Bản chấm dứt, Nhật trở thành nước độc lập. Năm 1954, Nhật Bản tham gia Ủy ban Viện trợ phát triển (DAC) do Mỹ cầm đầu, để làm cho các nước phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn. Năm 1956, Nhật Bản là thành viên của Liên hợp quốc. Chính sách đối ngoại của Nhật cơ bản lệ thuộc vào Mỹ, trở thành một bộ phận trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chính quyền Nhật Bản đã động viên được lòng tự trọng dân tộc, nghị lực, ý chí và tinh thần sáng tạo của nhân dân, đưa “cả dân tộc đônà kết một lòng để cải cách và xây dựng lại nền kinh tế”[2].
Trong thời kì chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954 – 1975), Mỹ biến Nhật Bản thành căn cứ quân sự và cơ sở hậu cần, phục vụ cho mục đích quân sự - chính trị của Mỹ. “Cuộc chiến tranh Việt Nam “ được đánh giá là ngọn gió thần thứ hia thổi vào nền kinh tế Nhật Bản vì những đơn đặt hàng của Mỹ[3].
Từ năm 1965 đến năm 1972, đơn đặt hàng quân sự của Mỹ cho Nhật Bản đạt 4,5 tỉ USD. Từ năm 1965 – 1968, theo Viện nghiên cứu Nômura Sôgô thì Nhật Bản thu lợi trong chiến tranh Việt Nam là 1.369 triệu USD[4].
Từ cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, trước những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, Mỹ phải tiến hành đàm phán và kí Hiệp định Pari với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (1973), đồng thời tích cực hòa hoãn với Trung Quốc.
Để ngăn chặn sự lạm phát trong “chiến tranh thương mại” với Nhật, Mỹ đã định lại giá trị đồng yên qui đổi (từ 360 xuống 308 yên /1USD), đánh thuế hàng nhập khẩu của Nhật vào Mỹ thêm 10%. Tiếp tục chiến dịch “ngoại giao bóng bàn”, Níchxơn bất ngờ đến thăm Trung Quốc và ra “Thông cáo Thượng Hải” (1972) mà không báo cho Nhật Bản biết, dù Nhật được coi là “Đồng minh số 1” của Mỹ ở châu Á. Những biện pháp về kinh tế, chính trị mà Níchxơn thực hiện đã gây cho Nhật Bản những hậu quả khá nặng nề, mà người Nhật thường gọi là “cú đòn Níchxơn” (Nison shock).
Tuy bị lệ thuộc vào Mỹ, nhưng bằng tiềm lực kinh tế của Mình, Nhật Bản cố gắng tăng cường tính chủ động trong quan hệ đối ngoại, khiến quan hệ Mỹ  - Nhật bị biến dạng về kinh tế và chính trị. Nhật Bnar đã thực hiện chính sách “Seikei Bunri” – tách vấn đề kinh tế ra khỏi vấn đề chính trị một cách tích cực hơn.
Lợi dụng áp lực của phong trào chống Mỹ can thiệp vào châu Á, bằng chính sách ngoại giao khôn khéo, Nhật Bản đã đòi Mỹ trả lại quần đảo Ôkinaoa (Okinaoa gồm 160 hòn đảo, diện tích 2.250 Km2). Nhật Bản cũng cố gắng giữa vị trí trung gian trách không để bị lôi kéo trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam và có quan điểm mền dẻo hơn với Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Từ năm 1971, Nhật Bản đã có những cuộc gặp gỡ không chính thức với đại diện Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Pari. Năm 1972, Trưởng phòng Đông Nam Á của Nhật sang Việt Nam để đàm phán, nhằm xúc tiến lập lại quan hệ đối ngoại giữa hai nước. Sau khi Hiệp định Pari được kí kết, thì 8 tháng sau – tháng 9 – 1973, Đại sứ lâm thời Nhật Bản đến Hà Nội. Nhật Bản là nước thứ 59 công nhận Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Quan hệ ngoại giao của Nhật Bản – Việt Nam được thiết lập tuy còn hạn chế về quy mô mức độ, nhưng đã thể hiện một nền ngoại giao bình đẳng, tạo cơ hội đối thoại trực tiếp mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước.
Quan hệ kinh tế chính thức giữa hai nước trong thời kì này cũng chưa được thiết lập, mới có sự trao đổi hàng hóa thông thường. Giá trị xuất khẩu còn nhỏ bé: năm 1960 tổng kim ngạch đạt 16,1 triệu USD, năm 1965 là 15,3 triệu USD và năm 1970 là 11,3 triệu USD[5].
Thắng lợi của dân tộc ta trong đại thắng mùa xuân 1975 làm cho Nhật Bản càng nhận rõ vai trò Việt Nam trong khu vực cùng tiềm năng kinh tế của một đất nước thống nhất. Cùng với việc mở rộng quan hệ chính trị, tháng 10 – 1975, Nhật Bản đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 8,5 tỉ Yên (thực chất là bồi thường chiến tranh lần hai) để nhập vật tư hàng hóa, máy móc phụ vụ cho công cuộc xây dựng đất nước. Cho đến trước khi xảy ra “vấn đề Capuchia” năm 1978, Nhật là nước tích cực viện trợ cho Việt Nam và Việt Nam cũng là nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên nhận viện trợ từ Nhật Bản. Kim ngạch buôn bán giữa hai nước tăng nhanh chóng: năm 1975 là 27,5 tỉ Yên, năm 1976 tăng lên 64 tỉ Yên, 1977 là 65,9 tỉ Yên.
2. Nếu như quan hệ chính phủ Nhật Bản – Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975 bị mối quan hệ giữa hai hệ thống đối lập nhau chi phối, thì mối quan hệ giữa các tổ chức phi chính phủ, quan hệ nhân dân hai nước phát triển mạnh mẽ vì trong lịch sử đã có mối quan hệ tốt đẹp.
Khi Nhật Bản đầu hàng Đồng minh (15 – 08 – 1945 ), nhiều sĩ quan, binh lính quân đội Thiên Hoàng choáng váng vì “lòng tin của họ vào số phận tổ quốc mình bị lung lay”[6]. Được chứng kiến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, một số người cho rằng đã “tìm thấy con đường sống lại lý tưởng của mình” và tham gia vào cuộc đấu tranh này. Có “khoảng 400 sĩ quan và binh lính Nhật Bản đã tham gia vào Việt Minh[7]”. Họ được gọi là những “chiến sĩ Việt Nam mới”. Nhiều người đã đóng góp xương máu và mồ hôi trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc từ sau 1954. Ghi nhận sự cống hiến của các “chiến sĩ Việt Nam mới”, Đảng và chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã trao tặng nhiều Huân chương Chiến thắng, Chiến sĩ, Huân chương lao động và Bằng khen của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam[8].
Theo chủ trương của Chính phủ hai nước, từ năm 1954 đến 1960, phần lớn các “chiến sĩ Việt Nam” đã hồi hương về Nhật Bản. họ lại tích cực tham gia phong trào đấu tranh ủng hộ nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt trong tổ chức Hội hữu nghị Nhật – Việt, như ông Takeshi Sugiharna – người đầu tiên sáng lập Hôi hữu nghị Nhật – Việt OSAKA từ năm 1959, nay là Chủ tích Ban lãnh đạo Hội hữu nghị Nhật –Việt Osaka.
Từ năm 1954, các đảng phái đối lập và nhân dân tiến bộ Nhật Bản đã tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh vì hòa bình độc lập của nhân dân Việt Nam, kịch liệt phản đối chính phủ Nhật đặt quan hệ ngoại giao và bồi thường riêng rẽ cho ngụy quyền miền Nam. Ủy ban phản đối bồi thường, gồm 15 đoàn thể hợp thành cùng nhiều tổ chức, công ty có quan hệ buôn bán với Việt Nam dân chủ cộng hòa, đấu tranh đòi Quốc hội không được thông qua Hiệp định bồi thường cho chính quyền Sài Gòn. Họ khẳng định đây là sự bất công, vì sự tàn phá do chiến tranh đối với miền Nam không đáng kể (“bằng ba con gà thép” – Ni Watorissanba) mà “nạn đói năm 1945 ở Việt Nam” và những hậu quả nặng nề mà nhân dân miền Bắc phải gánh chịu trong thời gian 1940 – 1945 mới nặng nề to lớn. Tuy Hiệp định được phê chuẩn, nhưng Ngoại trưởng Nhật Ôhira phải cam kết trước Quốc hội là viện trợ của Nhật cho chính quyền Sìa Gòn “không mang tính chất quân sự”[9], chỉ là hàng hóa tiêu dùng và “công cụ sản xuất”.
Khi đế quốc Mỹ tăng cường can thiệp và mở rộng chiến tranh xâm lược Việt nam, phong trào đấu tranh của nhân dân Nhật ủng hộ Việt Nam bùng lên mạnh mẽ. Nổi bật là cuộc mít tinh ngày 9-6-1963, thu hút tới 3 triệu người trong cả nước tham gia.
Khi Mỹ tiến hành chiến tranh bằng không quân ra miền Bắc (5-8-1964) và trực tiếp tham chiến ở miền Nam thì phong trào đấu tranh chống Mỹ, ủng hộ Việt Nam nổi lên mạnh mẽ. Phong trào do Đảng Cộng sản, các lực lượng cánh tả và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ ở Nhật tổ chức, diễn ra liên tục với những hình thức và nội dung phong phú về tinh thần cũng như vật chất.
Trong thời gian này, nhiều tổ chức quần chúng đã được thành lập để xúc tiến việc giao lưu với Việt Nam[10].
Ngày 19 – 5 – 1965, Ủy ban Nhật Bản – Việt Nam được thành lập. Cùng với Hội hữu nghị  Nhật – Việt, Ủy ban là trung tâm của phong trào ủng hộ Việt Nam.
Ngày 13 – 2- 1966, Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của Nhật Bản được thành lập và tổ chức nhiều đợt sang Việt nam điều tra và phối hợp với các tổ chức quốc tế tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
Các báo, như “Akahata”, hãng truyền hình NDN của Nhật đã cử phóng viên thường trú sang Hà Nội, đưa nhiều tin tức sốt dẻo, kịp thời về cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta. Chỉ từ ngày 5 – 8 đến 2 – 9 – 1964, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình được tổ chức tại 14 tỉnh và 10 thành phố, riêng ở Tokyo có 29 cuộc. Ngày 31 – 5 – 1965, các tổ chức cách tả huy động lấy 40 triệu chữ ký, phản đối Mỹ tiến hành chiến tranh ở Việt Nam. Từ năm 1965 đến 1968, có hơn 20 triệu lượt người tham gia mít tinh chống Mỹ. Nhiều người như Kaneko, Oki, Matxuhara và Takahasi, trong số nhiều năm đã luôn đeo trước người khẩu hiệu phản đối Mỹ xâm lược Việt nam. Khi thủ tướng Sato lên đường sang thăm miền Nam Việt Nam (21 – 10 – 1967) thì “những cuộc biểu tình khổng lồ” đã xảy ra tại phi trường Haneda. Cuộc biểu tình bị đàn áp, một số người chết, một số người bị thương[11]. Cụ Jui Chunoshin, 73 tuổi đã tự thiêu trước dinh Thủ tướng Nhật Bản vào 17 giờ ngày 11 – 11 – 1967. Cụ đã để lại hai bức thư phản đối gửi Thủ tướng Sato và tổng thống Mỹ Johnson. Trong bức thư gửi L.B.Johnson, cụ viết: “Mặc dù tôi biết trước là ông chẳng bao giờ chịu lắng nghe những tiếng nói nhỏ bé như tiếng nói của tôi, song giờ đây tôi không thể không nhắc nhở lương tâm ông về những hành động ghê tởm, vô nhân đạo của ông ở Việt Nam, về việc leo thang chiến tranh không chỉ ở miền Nam mà còn ở miền Bắc Việt nam. Trước hết, tôi tuyên bố rằng tôi không phải là người cộng sản, để ông khỏi cho rằng ý kiến của tôi là ý kiến cộng sản. Tôi nhấn mạnh điều đó, bởi vì khuynh hướng người Mỹ gọi mọi người là “cộng sản” khi họ chống lại chính sách của Mỹ hoặc thúc đẩy phong trào hòa bình...
Tôi cực lực phản đối thái độ tiêu cực của Thủ tướng Nhật và đòi ông chấm dứt ngay và không điều kiện việc ném bom miền Bắc Việt Nam
“Có thể có người sẽ cười nhạo tôi về việc tự thiêu này, bởi vì tôi không phải là người Mỹ cũng chẳng phải là người Việt nam mà là người của một nước thứ ba. Song tôi chắc chắn rằng những ai mong muốn hòa bình thế giới và giải pháp nhanh chóng cho vấn đề Việt nam, sẽ không coi cái chết của tôi là vô ích[12]
Lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh là những chủ đề nổi bật và được các nhà trí thức tiến bộ Nhật Bản, nhất là các nhà sử học Nhật Bản đã tập trung nghiên cứu và công bố nhiều công trình có giá trị. Công lao đó thuộc về các nhà nghiên cứu lão thành như GS. Yamato Tatsuro, Kawamato Kunie.
Giáo sư Kunie đã xuất bản hàng chục công trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam và nhà yêu nước Phan Bội Châu. Với tấm lòng kính mến đối với chủ tịch Hồ Chí minh, sau hai đợt sang thăm Việt Nam (1970 và 1976). Giáo sư Kunie đã viết nhiều bài giới thiệu về Người. Giáo sư Yamato Tatsuro và Kawamato Kunie là những người đã góp phần đào tạo nhiều nhà Việt Nam học của Nhật Bản.
Nhiều tác phẩm viết về Chut tịch Hồ chí minh của Naxaka Xanđo (Chủ tịch Đảng cộng sản Nhật Bản) đã được xuất bản. Các nhà khoa học đã tổ chức thành “Hội nghiên cứu Hồ Chí Minh” và “Ban nghiên cứu Đảng lao động Việt Nam” (Thuộc Hội hữu nghị Nhật – Việt và Đảng Cộng sản Nhật). Thế hệ Việt Nam học thứ ba ở Nhật cũng được hình thành còn được gọi là “thế hệ chiến tranh Việt Nam”. Ngày nay, nhiều đã trở thành những nhà Việt Nam học xuất sắc ở Nhật như Sakurai Yumio, Masaya Shiraisi, Furuta Moto...Họ là giáo sư các trường đại học lớn của Nhật Bản như Đại học Quốc gia Tookyo, Kyoto, Yakohama...
Không chỉ dừng lại ở việc ủng hộ về chính trị, tinh thần, mà nhân dân nhật bản còn tổ chức nhiều phong trào quyên góp ủng hộ nhân dân Việt Nam về vật chất. Nhiều đợt hoạt động quyên góp như: “Tháng ủng hộ bà mẹ, trẻ em Việt Nam” để xây dựng bện viện Nguyễn Văn Trỗi; phong trào quyên góp 100 triệu – 200 triệu yên ủng hộ nhân dân Việt Nam để mua thuốc men và dụng cụ y tế...Từ năm 1966 đến 1975, nhân dân Nhật Bản được khoảng 700 triệu yên[13] để mua hàng hóa và tổ chức 11 chuyến tàu chở sang Việt Nam. Nhật Bản là nước có phong trào đấu tranh và ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh chống Mỹ (về vật chất và tinh thần) cao nhất trong các nước tư bản.
Nhìn chung, từ năm 1954 – 1975, do bối cảnh quốc tế và điều kiện lịch sử mỗi nước mà quan hệ Nhật Bản và Việt Nam đã diễn ra rất tế nhị, phức tạp. Do hai nước thuộc về hai hệ thống chính trị đối lập nhau nên quan hệ Nhật – Việt trong thời kì này “mang tính chất quan hệ hai nước bốn bên[14]”. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nhật bị lệ thuộc vào Mỹ nên đặt quan hệ và bồi thường riêng rẽ cho chính quyền Sài Gòn. Tuy “tuân theo Mỹ”, nhưng chính quyền Nhật Bản cố gắng tránh dính líu trực tiếp vào cuộc chiến tranh Việt Nam, và trên thực tế nhật Bản chỉ “ủng hộ Mỹ về chính trị, chia sẻ gánh nặng về kinh tế, giúp đỡ Mỹ tích cực về hậu cần, nhưng kiên quyết tránh dính líu với Mỹ về quân sự và chỉ lợi dụng về cuộc chiến tranh này để kiếm lợi[15]”.
Quan hệ chính thức hai nước tuy phát triển chậm, nhưng mối quan hệ giữa nhân dân Nhật Bản và Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Phong trào nhân dân Nhật Bản ủng hộ, đoàn kết với Việt Nam chống Mỹ đã diễn ra liên tục, kịp thời với nhiều hình thức đấu tranh phong phú và đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nó là nhịp cầu hữu nghị nối tiếp quan hệ truyền thống tốt đẹp và làm cơ sở vững chắc cho quan hệ giữa hai nước Nhât Bản – Việt Nam ngày nay bước vào tầm cao mới.
TS. Trịnh Tiến Thuận
Khoa Lịch sử, Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh

[1] Phan Ngọc Liên (Chủ biên), Lịch sử Nhật Bản, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1995, tr.236 – 242.
[2] Athur M.Vhitehill, Quản lý Nhật Bản truyền thống và quá độ, Trung Tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Hà Nội, 1996, tr.48.
[3] Phan Ngọc Liên (Chủ biên), Lịch sử Nhật Bản, sđd, tr.236 – 242.

[4] Masaya Shiraishi, Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản 1951 – 1987, Nxb Khoa học xã hội, H, 1994, tr.73.
[5] Vũ Hà, Những xu hướng mới trong quan hệ Nhật Bản – Việt nam, Tạp chí nghiên cứu Nhật Bản, số 2 – 1995, tr.12.
[6] Furuta Moto, Oka Kazuaki, Từ binh lính quân đội Thiêng Hoàng đến chiến sĩ Việt Minh – Vài nét về nhừng người Nhật Bản tham gia Việt Minh, trong quyển “Cách mạng tháng Tám một số vấn đề lịch sử” (Văn Tạo – Chủ biên), Nxb Khoa học Xã hội, H, 1995, tr.314 – 315.
[7]  Furuta Moto, Oka Kazuaki, Sđd, tr.314 – 315.
[8] Vũ Hà, sđd, tr.58 – 59..

[9] Việc bồi thường chiến tranh và đầu tư của Nhật Bản vào miền nam Việt nam (1954 – 1975), tr.3.
[10] Hoàng Nhật, 30 năm Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản, số 4 – 1995, tr.12.
[11] Phạm Lương Giang, Nền bang giao Việt – Nhật, tạp chí Bách khoa thời đại, 11 – 1967, tr.9.
[12] Báo Quân đội nhân dân, ngày 21 – 11 – 1992.
[13] Phong trào đấu tranh của nhân dân Nhật Bản ủng hộ Việt Nam chống Mỹ (1954 – 1975).
[14] Hà Hồng Hải, Sự thăng trầm quan hệ Việt – Nhật, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 3, tr.23.
[15] Việc bồi thường chiến tranh và đầu tư của Nhật bản vào miền Nam Việt nam (1954 – 1975), tr.3.
Võ Minh Tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét