Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chỉ có 34 người?


Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chỉ có 34 người?


Đây là đội quân vũ trang đầu tiên của cách mạng giải phóng dân tộc 1945, đồng thời là nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.
Dưới đây là câu chuyện chưa từng được kể về Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Tư liệu do Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cung cấp.
 
  
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Lê Khả Phiêu gặp gỡ các đồng chí trong Ban liên lạc VNGPQ (năm 1992).
 
Giữa rừng, 34 chiến sỹ

Đại tá, Tiến sỹ Trần Ngọc Long- Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử quân sự Việt Nam ngồi trầm ngâm khi được hỏi quá trình tìm hiểu để viết lên chính sử về 34 chiến sỹ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm 1944.
 
Trước khi nói về quá trình tìm kiếm thông tin, hay giải đáp thắc mắc xung quanh đội quân tiên phong này, Đại tá Long bảo rằng, phải hiểu được Đội thì mới lý giải được những thông tin, thắc mắc bấy lâu. Những cứ liệu lịch sử mà Tổ công tác (trong đó có ông tham gia) thu thập được đã được đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ Quốc phòng thẩm định và phê duyệt.

Tình thế cách mạng lúc ấy, giặc Pháp khủng bố phong trào rất gắt gao, bởi vậy, nếu chỉ có tuyên truyền cách mạng sẽ khó thành công. Lãnh tụ Hồ Chí Minh sau khi nghiên cứu kỹ tình hình đã ra chỉ thị về việc thành lập một lực lượng vũ trang cách mạng, nòng cốt là các chiến sỹ cơ sở, lực lượng vũ trang du kích. Người đã thể hiện chủ trương này bằng một bức thư ngỏ, để trong vỏ bao thuốc lá chuyển cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Bức thư này chính là chỉ thị của Người, được viết bằng tay.

Về địa điểm tổ chức lễ thành lập Đội, sau khi cân nhắc các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" và cả mặt địa danh lịch sử, tên gọi... địa điểm được chọn là khu rừng đại ngàn nằm giữa 2 khu Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, thuộc châu Nguyên Bình, Cao Bằng. Khu rừng này thuộc núi Dền Sinh, dãy Khâu Giáng, nơi có nhiều cây cổ thụ và đỉnh Slam Cao, cao nhất trong các dãy núi xung quanh, rất tiện cho việc bố trí vị trí quan sát...
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc với nhóm tác giả nghiên cứu về đội VNTTGPQ.

Tháng 9/1944, 3 đội vũ trang tập trung của Tam Kim, Hoa Thám, Chí Kiên đã được dự lớp huấn luyện 20 ngày tại rừng Khuổi Cọ (cách đèo Cao Bắc khoảng 6km) do các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Hoàng Sâm làm giảng viên.

Đúng 17h chiều 22/12/1944, lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân bắt đầu. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân lúc ấy tuyên thệ có 34 người, đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch-tình báo. Đội viên biên chế thành 3 tiểu đội.

Các đội viên đều tỏ rõ tinh thần quyết tâm vượt qua gian khổ thử thách, thậm chí hy sinh cả xương máu để giết giặc, lập nhiều chiến công trả thù nhà, đền nợ nước. 34 con người đều thống nhất nguyện vọng mong sao giết được nhiều giặc, lấy được nhiều súng Tây, mau chóng phát triển thành một đội quân hùng hậu để một ngày gần nhất giành được độc lập cho nước nhà và cắm cờ chiến thắng giữa Thủ đô Hà Nội.

Đêm 22/12/1944 sẽ mãi mãi không bao giờ phai mờ trong ký ức của những người chứng kiến buổi lễ trọng đại đó.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Nông Hồng Thái - Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cắt băng khánh thành khu di tích lịch sử - văn hóa tại rừng Trần Hưng Đạo (tháng 12/1994)
 
Tìm sự thật

Việc ra đời đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có ý nghĩa trọng đại, là đội quân tiên phong, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng mà sau này chiến công hiển hách lẫy lừng, mang lại độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Có rất nhiều tài liệu nghiên cứu về số lượng đội viên của đội ngày thành lập. Một vài người đưa ra chứng cứ cho rằng số lượng không phải 34, mà phải là 36 người hoặc hơn.

Trong nhiều năm, thông tin này được Bộ Quốc phòng rất quan tâm và đã giao cho Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tiến hành thẩm tra. "Chúng tôi nhận được chỉ thị của cấp trên và đã tiến hành xác minh, tìm chứng cứ chứng minh từng tình tiết nhỏ nhất. Xác minh rất công phu, gặp nhiều khó khăn... ", Đại tá Trần Ngọc Long nhớ lại.
 
Vào năm 1992, nhân chuẩn bị 47 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, có một cuộc bàn thảo về việc tiến hành thẩm tra, xác minh nhằm xây dựng đầy đủ bức tranh về Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Tiếp đó, khi tham dự cuộc họp của Ban liên lạc Việt Nam giải phóng quân ở Thái Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: "Bây giờ làm là chậm, nhưng vẫn còn kịp và vẫn phải làm".
 
Tuy nhiên, do thời gian trôi qua đã ngót nửa thế kỷ, nhiều người trong cuộc đã mất, hoặc già yếu nên việc lập danh sách rất khó khăn. Vì thế, việc đầu tiên phải làm là dựa vào các đồng chí lão thành cách mạng, nhân chứng và các đội viên Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân còn sống để tìm hiểu, xác minh.
 
Những người đó là: Cụ Nông Văn Lạc, người được coi là cánh tay phải của đồng chí Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp-PV) trong việc tổ chức, thành lập đội, nhà cụ chính là nơi địch chiếm dụng để làm đồn Phai Khắt; Cụ Nông Văn Quang, nguyên bí thư chi bộ của Đội xung phong Nam tiến và nhiều người khác nữa.

Đại tá Nguyễn Huy Văn, tức Kim Sơn, nguyên cán bộ Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu), nguyên là đội viên Việt Nam Giải phóng quân cho biết: Ban liên lạc Việt Nam giải phóng quân đã đề nghị một số đồng chí có liên quan trực tiếp và một số cơ quan hữu quan lập danh sách Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Kết quả đã lập được 8 bản danh sách của các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Dương Mạc Thạch (nguyên chính trị viên của Đội), Nông Văn Lạc, Nông Văn Quang, Doanh Thắng Hỷ (tức Doanh Hằng - lão thành cách mạng, nguyên ủy viên Ban cán sự tỉnh Bắc Kạn thời kỳ kháng chiến chống Pháp), đoàn cán bộ Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Viện Bảo tàng quân đội và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

Sau khi đối chiếu, trừ những người trùng tên, danh sách còn lại là 74 người. Điều này cũng dễ hiểu bởi mới chỉ căn cứ vào trí nhớ của từng người, hơn nữa thời gian xảy ra đã lâu và các đội viên gặp nhau trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, hoặc cùng sống, chiến đấu với nhau trong thời gian không dài, cũng như sau này đã phân tán hoạt động ở các đơn vị khác, địa bàn khác.
 
Chính vì số người trong danh sách được lập ra đông như vậy nên từ cuối năm 1992 cho đến giữa năm 1994, Ban liên lạc Việt Nam giải phóng quân đã phải tổ chức 3 cuộc họp, hội thảo tại Cao Bằng, Thái Nguyên và Hà Nội, mời các đơn vị, cá nhân có liên quan để rà soát, thống nhất lại danh sách.

Cũng cần nói rõ thêm rằng việc xác định ai nằm trong danh sách 34 cán bộ, chiến sỹ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân rất khó, bởi hôm thành lập, số người được triệu tập từ các địa phương về khá đông. Bên cạnh đó, còn có đại biểu và nhân dân địa phương quanh vùng.
 
Lễ đón nhận Bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa nơi thành lập Đội VNTTGPQ.
 
Nhiều nhân chứng được hỏi chuyện đều nói hôm 22/12/1944 có khá đông, phải đến gần 100 người, nhưng chủ yếu là đứng xung quanh, còn 34 đội viên đứng thành hàng ở giữa và làm lễ thành lập, tuyên thệ. Khi làm lễ, lúc đó khoảng 5h chiều, lại ở trong rừng, mùa đông nên trời tối, không nhìn mặt hết tất cả mọi người, chưa kể nhiều người chỉ mang bí danh để hoạt động.

Sau khi bước đầu xác định và thống nhất danh sách, ngày 4/7/1994, đồng chí Đàm Quang Trung viết thư báo cáo kết quả cho các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Khả Phiêu, Võ Văn Kiệt. Sau đó bản danh sách được thẩm định nhiều lần, đến ngày 2/11/1994, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký xác nhận bản danh sách 34 cán bộ, chiến sỹ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
 
Sau này, còn có nhiều ý kiến khác cho rằng bản danh sách chưa chuẩn xác, nhất là tên họ, chức danh, một số cán bộ của đội đã là Liệt sỹ nhưng không được cập nhật... Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã tiến hành thẩm tra, xác minh và cho bổ sung các thông tin chưa chuẩn, còn thiếu để có được bản danh sách cụ thể, chính xác như bây giờ.

Như vậy, nghi vấn xung quanh số lượng đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân- tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng cuối cùng cũng được xác minh, làm rõ là vào hôm thành lập có 34 người.
 
Ra trận là thắng

Sau khi được thành lập, đồn Phai Khắt được Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân lựa chọn đánh mở màn. Phai Khắt là một bản nhỏ thuộc xã Tam Lộng, tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng). Quân địch có 21 tên lĩnh dõng do tên quan người Pháp tên là Simono làm đồn trưởng.

Chiều 24/12/1944, toàn đội xuất phát. Suốt ngày 25/12, cả đội ở trên quả núi nhỏ phía sau bản này. Cùng ngày, tin dân bản cho biết tên cai đồn Simono đã lên châu dự lễ Giáng sinh. Đúng 17h ngày 25/12, cả đội đã cải trang thành toán lính dõng đi tuần, tiến vào đồn địch. Đến cổng gác, tiểu đội trưởng Thu Sơn (giả làm cai đội) hỏi tên lính gác, giọng hách dịnh: "Chúng tao đang đi tuần, quan đồn có nhà không?". Tên lính sợ hãi báo quan Tây không có nhà. "Quan Tây đi vắng thì chúng mày phải canh gác cẩn thận", đồng chí Thu Sơn đe. Nói rồi đồng chí Thu Sơn dẫn cả đội tiến vào đồn.

Tiểu đội 1 nhanh chóng tiếp cận và phong tỏa chỗ để súng. Tiểu đội 2 bao vây nhà lính ở. Ngay lập tức, 16 tến lính đồn Phai Khắt bị khống chế. Đúng lúc ấy, tin báo cho biết tên Simonno đang trên đường về, theo sau là mấy tên lính không mang súng. Kế hoạch phục kích được đặt ra và tên đồn trưởng Simono đã bị tiêu diệt.

Trận đánh kết thúc, nhân dân trong bản mừng vui khi thấy tên đồn trưởng gian ác bị trừng trị. Mọi người reo lên phấn khởi, ai cũng hả lòng hả dạ bởi quân địch đã phải đền tội.
 
Ngọc Tước
(Ảnh do Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cung cấp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét