Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Những điều cần xác minh về sự thất bại của Khởi nghĩa Đô Lương

Những điều cần xác minh về sự thất bại của Khởi nghĩa Đô Lương
Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Nghệ An


 Cuộc khởi nghĩa Đô Lương được nổ ra vào nửa đêm 13 rạng ngày 14/1/1941 và nhanh chóng bị thất bại; thủ lĩnh khởi nghĩa là ông Đội Cung. 51 nghĩa binh theo ông lần lượt bị bắt ngay trong ngày 14/01. Riêng ông thì gần một tháng sau ngày khởi sự mới bị bắt. Không lâu sau đó, vào các ngày 18-19-20/02/1941, Thực dân Pháp đã lập tòa án đặc biệt, xử số nghĩa binh này bằng một bản án cực kỳ nặng nề với 11 án tử hình (trong đó có ông Cung), 12 án khổ sai chung thân và 24 án khổ sai có thời hạn. Từ bản án này ông Nguyễn Văn Cung cùng 10 đồng chí của mình đã bị giặc Pháp hành quyết, cách nhau kẻ trước người sau vài tiếng đồng hồ sáng ngày 25/4/1941 tại 3 địa điểm trong tỉnh Nghệ An. Riêng ông Cung cùng
Cuộc khởi nghĩa Đô Lương được nổ ra vào nửa đêm 13 rạng ngày 14/1/1941 và nhanh chóng bị thất bại; thủ lĩnh khởi nghĩa là ông Đội Cung. 51 nghĩa binh theo ông lần lượt bị bắt ngay trong ngày 14/01. Riêng ông thì gần một tháng sau ngày khởi sự mới bị bắt. Không lâu sau đó, vào các ngày 18-19-20/02/1941, Thực dân Pháp đã lập tòa án đặc biệt, xử số nghĩa binh này bằng một bản án cực kỳ nặng nề với 11 án tử hình (trong đó có ông Cung), 12 án khổ sai chung thân và 24 án khổ sai có thời hạn. Từ bản án này ông Nguyễn Văn Cung cùng 10 đồng chí của mình đã bị giặc Pháp hành quyết, cách nhau kẻ trước người sau vài tiếng đồng hồ sáng ngày 25/4/1941 tại 3 địa điểm trong tỉnh Nghệ An. Riêng ông Cung cùng 3 đồng đội bị hành quyết tại thành phố Vinh vào lúc 9h40 phút. Tính đến nay, vừa tròn 70 năm kể từ ngày ông Đội Cung cùng các nghĩa quân khởi nghĩa Đô Lương bị giặc giết hại. Lịch sử cách mạng cũng như nhân dân nước ta đã tuyên dương và ghi công các nghĩa sĩ khởi nghĩa Đô Lương. Tuy nhiên vẫn có những vấn đề đặt ra với các nhà nghiên cứu lịch sử về nguyên nhân thất bại trực tiếp của cuộc khởi nghĩa.
A. Những điều đã được nhiều sách báo mô tả
Về cuộc khởi nghĩa Đô Lương đã có nhiều sách báo mô tả khá kỹ, trong đó đáng kể nhất là mục nói về cuộc khởi nghĩa này trong cuốn “Cách mạng tháng 8 ở Nghệ An” (gồm 28 trang chính và 9 trang có 5 phụ lục). Cuốn sách này do Tiến sĩ Sử học Trần Văn Thức - Trưởng khoa Sử trường Đại học Vinh biên soạn qua tra cứu khá công phu những hồ sơ từ các sở mật thám và tòa đệ hình thời Pháp thuộc, được lưu trữ tại Bộ Công an, và Lịch sử Đảng bộ Đảng Nghệ An; Hồ sơ trong kho lưu trữ Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
Theo nhiều tư liệu đã công bố, cuộc khởi nghĩa Đô Lương tóm tắt sơ lược như sau:
I. Vài nét về thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa
Thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa này là ông Nguyễn Văn Cung, quê gốc ở huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh, là một viên đội khố xanh (nên thường gọi là ông Đội Cung). Là người Hà Tĩnh (vốn là họ Trần), nhưng vì ông được bố mẹ cho ông bác ngoại là Nguyễn Văn Phúc, quê ở huyện Đông Sơn, Thanh Hóa làm con nuôi, nên ông mang họ Nguyễn. Năm 1926 - vào tuổi 23 ông đi lính khố xanh, nhưng thừa hưởng dòng máu bố đẻ là một sĩ phu yêu nước từng tham gia phong trào Cần Vương, nên khi đóng quân ở đồn Kim Nhan (Đô Lương) được Pháp cử đi đàn áp biểu tình của quần chúng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông chỉ cho lính bắn chỉ thiên. Ít lâu sau, ông được điều về Tòa giám binh ở Vinh (Bộ chỉ huy bảo an binh Nghệ An) và tại đây ông được đề bạt lên chức quyền Đồn trưởng đồn Rạng để tạm thay tên Alonzo - Đồn trưởng chính thức ở đó về Huế đi học. Chiều ngày 12/1/1941 ông đã đến Rạng nhận chức vụ mới.
II. Tóm lược diễn biến cuộc khởi nghĩa:
Sáng 13/1/1941, chỉ một đêm sau khi làm quen sơ bộ với đồn Rạng, ông phác thảo nhanh một kế hoạch và bắt tay vào thực hiện luôn: Chọn một số lính khỏe mạnh, nhanh nhẹn, trang bị đầy đủ súng đạn, dẫn họ đến đồn Đô Lương (một đồn khố xanh quan trọng hơn đồn Rạng ở miền Tây Nam Nghệ An cách Rạng 11 km). Số người ông chọn ra là 1 cai (ông Cai Vị) và 9 lính, được ông và Cai Vị chuẩn bị súng đạn đầy đủ, và đến 20h30’ hôm 13/1/1941 thì ông cho hành quân về hướng Đô Lương với một nhiệm vụ được ông ngụy trang là đi bắt một sòng bạc. Toán lính do ông dẫn đầu đi đến gần Đô Lương vào lúc 23h, được ông phổ biến là theo chỉ thị từ Trung ương họ sẽ cùng ông đến đồn Đô Lương giết tên Đồn trưởng người Pháp tên Bach để hưởng ứng với việc đội quân cứu nước của Cường Để đã về đến Cửa Hội và đang định chiếm toà giám binh ở Vinh. Giết xong tên Bach, toàn bộ sẽ kéo về Vinh phối hợp với quân trung ương. Dù khá bất ngờ, nhưng cả toán binh sĩ không ai phản đối kế hoạch ông vừa phổ biến và hăng hái theo ông tiến về đồn Đô Lương. Trước khi đến Đồn, ông đem quân đến nhà bưu điện phá hủy máy móc thông tin ở đây. Tại đây, do nhân viên trực có ý phản kháng, ông đã phải nổ súng. Xong ông phái Cai Vị dẫn mấy lính đến nhà Tây Đoan và phủ đường Anh Sơn để tiêu diệt các quan chức cầm đầu ở đấy; Còn ông thì trực tiếp dẫn anh em binh sĩ còn lại tiến về đồn khố xanh Đô Lương. Nại ra một lý do là cần gặp Đồn trưởng Bach về việc đi bắt một nhóm Cộng sản trong vùng, tên lính gác đã chỉ cho ông nơi nghỉ của tên Bach, ông đã tiếp cận dễ dàng tên này; và vợ chồng tên này đã bị diệt ngay mấy phút sau đó. Tiếp theo, ông cho tập hợp lính ở đồn này lại, lệnh cho họ theo ông về Vinh diệt bọn chỉ huy ở Tòa giám, như đã phổ biến trước đó với anh em binh lính ở đồn Rạng.
Trong lúc ông làm nhiệm vụ ở đồn khố xanh thì Cai Vị theo lệnh ông đem 5 lính đến giết bọn quan chức Đoan và phủ đường Anh Sơn, nhưng vì động, nên các quan chức ở đây đã tránh mặt, cho lính ra bảo là xếp mình đi vắng, nên Cai Vị đã trở lại đồn Đô Lương hội quân cùng ông Cung mà không hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi hội quân, ông Cung cử 5 lính ở Rạng quay về giết vợ chồng tên Tây phụ trách đồn kiểm lâm Rạng.
Cùng thời gian đó, tại Đô Lương, Đội Cung đã trưng dụng 2 lái xe và 2 ô tô rồi chở số binh lính của Đô Lương và số còn lại của đồn Rạng tiến về Vinh. Đi đến cầu Cấm, ông gom luôn 5 người lính gác cầu lên xe và cùng đi về Vinh; tổng số trên xe lúc này là 31 người: gồm 6 của đồn Rạng, 20 người đồn Đô Lương, và 5 lính ở cầu Cấm. Nghĩa binh đến Vinh vào 4h sáng 14/1/1941. Để xe ngoài cổng thành, ông dẫn Cai Á vào thành cổ để đến trại Giám Binh (đặt trong thành cổ). Và phân công Cai Vị (đồn Rạng) dẫn số quân còn lại quành ra cửa Tả của thành chờ ở đó. Đến cổng trại Giám Binh, lính gác cho ông vào để gặp giám binh Derioux với điều kiện để súng lại trạm gác cùng với Cai Á đứng chờ ở đây.
Vào trại, không đến ngay phòng Derioux mà trước hết ông Cung đến phòng ngủ của mấy viên đội, thuyết phục họ việc giết Derioux hỗ trợ cho quân Cường Để đang bao vây tòa Giám binh. Nhưng vừa nói đến đó thì ở trạm gác, Cai Á bỗng nhiên nổ súng (?). Derioux cảnh giác mà ra lệnh báo động, tập hợp quân trong trại.
Trước tình hình bị động đó, một người bạn đã dẫn ông Cung ra cửa sau và ông đã trèo tường thoát ra khỏi trại. Ông Cung sau đó đã trốn về quê ngoại mấy hôm, nhưng không có tiền, đành quay về Vinh và tìm vào nhà một người bạn cũ là Tống Gia Liêm, thủ từ một ngôi đền gần trại Giám binh nhưng tên Liêm trở mặt, báo cho Tây đến bắt ông vào lúc 21h ngày 11/2/1941.
Còn đồng đội ông Cung thì ngay sáng hôm 14/1, sau khi ông Cung thoát ra khỏi trại, trong vòng dăm tiếng đồng hồ tất cả đều lần lượt kẻ trước người sau bị Pháp bắt, tước khí giới hết, và tất cả số nghĩa binh cùng thủ lĩnh của mình đã bị tòa án đặc biệt của Pháp kết án như đã nói ở đầu bài.
B. Vấn đề cần được các nhà sử học xác minh
Diễn biến của cuộc khởi nghĩa trình bày ở trên là theo tư liệu đã được công bố. Theo đó, ta thấy hình như là Bộ chỉ huy Bảo an binh Nghệ An hoàn toàn bất ngờ khi Đội Cung cùng nghĩa quân xâm nhập trại lính của Tòa giám binh. Derioux chỉ được biết khi Cai Á nổ súng (chú ý rằng, trong số bị kết án sau này thì Cai Á không có tên). Nhưng theo chúng tôi và nhiều người dân sống thời đó thì Tòa giám binh không bị bất ngờ, mà đã có sự chuẩn bị sẵn từ khi Đội Cung vừa hành sự tại Đô Lương, vì tại đấy đã rò rỉ tin về Vinh. Sự rò tin về Vinh bắt nguồn từ chỗ tại nhà vợ chồng một viên chức người Pháp (Bản điện? Đoan? Kiểm lâm? Hay đồn Khố xanh?). Có một thầy giáo tên là Nguyễn Trung Lục làm gia sư để kèm cặp con cho họ. Khi ông Cung xâm nhập căn hộ và giết vợ chồng tên Pháp (chủ của ông) và phá máy điện thoại, phá két sắt tịch thu tiền bạc, thì ông Lục đang có mặt tại một phòng bên, theo dõi hết mọi hành động này của ông Cung cùng binh lính (nhưng ông Cung thì không biết ông Lục đang theo dõi mình). Khi ông Cung cùng binh lính rút thì ông Lục dùng một điện thoại cơ động (loại dùng mát manhêtô để khởi động) lẻn ra sau nhà, ngoắc máy lên đường dây trần của bưu điện, thông báo về Vinh (cơ quan nào?) rằng có một tốp người ăn mặc và trang bị đồ lính đã vào cơ sở mà ông Lục đang có mặt phá két lấy tiền và phá dụng cụ thông tin … Tin rò rỉ có căn nguyên là như vậy, và vì thế Tòa giám binh không bị bất ngờ.
Thầy giáo Lục là ai? Ông là một thầy giáo mẫu mực. Trước cách mạng ông đã là Đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương hoạt động bí mật ở Đô Lương, và chính ông với tư cách chủ nhiệm Việt Minh phủ Anh Sơn (lúc đó bao gồm cả Đô Lương hiện nay) đã cầm đầu nhân dân phủ này khởi nghĩa cướp chính quyền vào tháng 8/1945. Sau khi cướp được chính quyền, ông được bầu làm Chủ tịch UBND lâm thời phủ Anh Sơn. Trừ những chi tiết còn nghi vấn (mà khi viết chúng tôi có đánh dấu hỏi bên cạnh khi thuật lại ở trên) thì việc ông Lục có liên quan đến sự thất bại của khởi nghĩa Đô Lương là có thật, chúng minh là: Vào cuối năm 1945 (hay năm 1946?) Tòa án Đại hình Nghệ An đã phát lệnh tạm giam ông vào nhà đá, và mở phiên tòa đặc biệt để xét xử ông về tội phá hoại khởi nghĩa Đô Lương. Tôi, lúc đó mới mười bốn mười lăm tuổi nhưng có dự khán phiên tòa này được mở công khai tại Sân vận động thành phố Vinh. Trước khi mở phiên tòa, tôi cũng được biết, là nhiều chi bộ Đảng ở Anh Sơn lúc đó đã họp và làm đơn thỉnh nguyện lên Bác Hồ và tòa Đại hình Nghệ An kêu oan cho ông Lục - Chủ tịch lâm thời của phủ mình. Lý do mà ông Lục được nhân dân kêu oan hộ là: Khi ông Cung tiến hành khởi nghĩa, xâm nhập nhà tên Tây mà ông Lục làm gia sư, thì ông Lục hoàn toàn không biết ông Cung là ai (một ông đội khố xanh khởi nghĩa hay một toán cướp ngụy trang sắc phục lính). Thêm nữa, với sự có mặt ông Lục tại hiện trường (không có chứng cứ ngoại phạm) nếu ông Lục không khai báo về Vinh việc xảy ra tại nơi mình làm gia sư, rất có thể ông sẽ bị kết tội đồng lõa. Vì lẽ đó, kết luận việc ông thông tin về Vinh cố tình phá hoại khởi nghĩa là không thỏa đáng. Đơn thỉnh nguyện của các chi bộ lúc đó chủ yếu là xin cho ông Lục được tại ngoại, hậu cứu, không bị giam cấm cố ở nhà đá.
Hôm dự khán phiên tòa ở Sân vận động Vinh, tôi đứng cạnh mấy bác lớn tuổi (chừng 30 - 40 tuổi), thấy mấy người này chỉ vào một vị mặc áo thụng đen trên tòa mà rỉ tai nhau rằng: đó là Luật sư Phan Anh, người được Bác Hồ phái về làm nhiệm vụ bào chữa cho ông Lục. Họ nói, được đơn thỉnh nguyện, Bác đã trả lời rằng: Bác không đặt mình trên pháp luật, mà chỉ giúp cử một luật sư giỏi về tranh tụng tại tòa. Nếu ông Lục có hay không mắc tội, luật sư sẽ cùng tòa án làm rõ trắng đen (không biết điều này chính xác đến đâu, có đúng thực tế vậy không, mong được các sử gia minh định).
Các anh này còn dự đoán là ông Lục sẽ được chứng minh vô tội vì đó là một người có đạo đức, được lòng dân, khi biết vì mình mà khởi nghĩa Đô Lương thất bại, ông đã từ chối món tiền thưởng 1000đ Đông Dương và 1 huân chương Bắc đẩu bội tinh do thực dân Pháp tặng. Và quả thật, kết thúc phiên tòa ấy, ông Lục chỉ bị một mức án nhẹ là 5 năm tù án treo, và chuyển sang làm một công tác khác mà thôi nhiệm vụ Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn.
Chuyện tôi kể lại đây, có điểm biết chắc, và có những điểm còn nghi vấn, nhân giỗ thứ bảy mươi của ông Đội Cung tôi xin mạnh dạn trình bày lại để những ai nắm được vấn đề thì bổ sung cho thành một tư liệu chuẩn xác hoàn toàn, để khi vẽ lại cuộc khởi nghĩa Đô Lương, ta có một bức tranh toàn bích cho hậu thế thấy được vấn đề một cách đích thực với những gì nó có.

ĐINH VĂN HIẾN - Chi hội Khoa học Lịch sử Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét