Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Nền cộng hòa 49 ngày (11/1940)

Nền cộng hòa 49 ngày  (11/1940)
Bùi Thanh
Kỳ 1: Tổn thất trước ngày khởi nghĩa


Nam kỳ khởi nghĩa - một trang sử oanh liệt và đau thương của nhân dân miền Nam. Dân chúng đã đứng lên, quyết giành lại độc lập cho xứ sở, dưới lá cờ của những người cộng sản trẻ tuổi.
Và ít ai biết rằng Đảng Cộng sản Đông Dương đã gánh chịu một tổn thất nặng nề trước ngày khởi nghĩa. Hầu hết các nhân vật lãnh đạo trung ương, xứ ủy, thành ủy... đã bị bắt, tra khảo, tù đày, sau đó bị tử hình tại Hóc Môn.
Tổng bí thư và tất cả ủy viên trung ương đều bị bắt
Một ngày cuối tháng 8-1940, tại tòa tiểu hình Saigon, thực dân Pháp đã đưa ra xét xử và sau đó kết án:
- Nguyễn Văn Cừ: 5 năm tù, 10 năm quản thúc.
- Hà Huy Tập: 5 năm tù, 10 năm quản thúc.
- Lê Hồng Phong: 5 năm tù, 10 năm quản thúc.
- Lê Duẩn: 5 năm tù, 10 năm quản thúc.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - tổng bí thư Đảng năm 1940 - Ảnh tư liệu
Cả bốn người này đều là tổng bí thư Đảng. Đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập là tổng bí thư giai đoạn trước năm 1940. Đồng chí Lê Duẩn sau này cũng giữ chức vụ tổng bí thư. Còn trong thời điểm đó, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đang giữ chức vụ cao nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây cũng là lúc chính quyền thực dân Pháp mở chiến dịch lùng sục, bắt bớ hàng loạt chiến sĩ cách mạng và những người dân có liên quan đến cộng sản đệ tam.
Thật ra, chiến dịch này bắt đầu từ cuối tháng 9-1939, sau khi nhà cầm quyền Paris ra lệnh giải tán Đảng Cộng sản Pháp và bắt giam những người cộng sản. Ba ngày sau khi có lệnh giải tán Đảng Cộng sản Pháp, toàn quyền Đông Dương Catroux ban hành nghị định cấm hết thảy mọi hoạt động liên quan đến cộng sản ở Đông Dương, giải tán tất cả tổ chức và hội ái hữu có liên hệ đến Đảng Cộng sản. Toàn quyền Catroux tuyên bố trước Hội đồng chính phủ Đông Dương: “Chúng ta đánh toàn diện và mau lẹ vào các tổ chức cộng sản. Trong cuộc đấu tranh này phải tiêu diệt cộng sản thì xứ Đông Dương mới được yên ổn và mới trung thành với nước Pháp”.
Và trong chiến dịch bố ráp lùng bắt dữ dội đó, mật thám Pháp đã bắt được thêm một ủy viên Trung ương Đảng tại Hóc Môn. Đó là đồng chí Võ Văn Tần, bí thư Xứ ủy Nam kỳ. Đồng chí Võ Văn Tần sa lưới giặc Pháp do bị khai báo, sau khi địch bắt được và tra khảo tám cán bộ lãnh đạo của tỉnh Thủ Dầu Một.
Như vậy, trong lúc kế hoạch khởi nghĩa Nam kỳ được triển khai ráo riết thì Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ còn mỗi đồng chí Phan Đăng Lưu là chưa bị bắt (riêng ủy viên trung ương Phạm Văn Xô vào thời điểm này đang nằm trong nhà tù Thái Lan). Nhưng cuối cùng, vào ngày 22-11-1940, một ngày trước khi khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra, đồng chí Phan Đăng Lưu cũng sa vào tay giặc Pháp ngay tại nội thành Saigon.
Toàn bộ ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương, từ tổng bí thư đến các ủy viên trung ương, đều phải vào tù. Một tổn thất rất nặng trước giờ miền Nam đứng lên phất cờ khởi nghĩa. Do vậy, trách nhiệm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lịch sử này đè nặng trên vai Xứ ủy Nam kỳ.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1940 - Ảnh tư liệu
Tại sao Saigon không tham gia khởi nghĩa?
Đó là một câu hỏi đặt ra khi mở lại những trang hồ sơ về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.
Cuộc khởi nghĩa đó đồng loạt nổ ra vào đêm 22 rạng sáng 23-11-1940 ở nhiều tỉnh thành miền Nam, đặc biệt là ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nhưng lạ thay, ngay trung tâm đầu não cai trị của Pháp ở miền Nam là thành phố Saigon - Chợ Lớn, mọi sự lại yên ắng. Trong khi ban lãnh đạo khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ xem nội thành Saigon - Chợ Lớn là mục tiêu số 1, nhưng cuối cùng mục tiêu số 1 và mang tính quyết định thành bại ấy đã không xuất hiện trên bản đồ khởi nghĩa. Vì sao?
Vẫn do tổn thất về nhân sự lãnh đạo. Do bị nội gián chui sâu vào xứ ủy, thành ủy. Và do một số cán bộ lãnh đạo cấp cao không chịu nổi đòn tra tấn của giặc Pháp nên đã đầu hàng, rồi khai báo. Vì thế, mạng lưới lãnh đạo khởi nghĩa tại Saigon đã bị phá vỡ và tê liệt trước giờ G.
Bí thư Thành ủy Saigon - Chợ Lớn lúc đó là đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị mật thám Pháp săn lùng ráo riết. Ráo riết đến mức nữ bí thư thành ủy này không thể về Mỹ Tho dự Hội nghị Tân Hương - một hội nghị quan trọng của xứ ủy bàn về kế hoạch khởi nghĩa. Nhưng chỉ sau hội nghị nói trên ba ngày, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị bắt cùng với đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (người hiện nay được cho là đã vẽ nên lá cờ đỏ sao vàng). Họ và nhiều cán bộ lãnh đạo khác bị bắt là do bị khai báo. Và người khai báo lại chính là bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn (vào thời điểm đó, tỉnh Chợ Lớn có bốn quận: Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước và Trung quận. Còn phần đất hiện nay là quận 5, 6, 11 đã được Pháp nhập vào Saigon, thành thành phố Saigon - Chợ Lớn).
Tái hiện tiếng mõ Nam Lân tại buổi hội trại của đoàn viên và thanh niên TP.HCM trong ngày kỷ niệm Nam kỳ khởi nghĩa tại khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (ảnh chụp ngày 23-11-2002) - Ảnh: N.C.T.
Tài liệu mới nhất từ công trình nghiên cứu cấp nhà nước về Nam kỳ khởi nghĩa cho biết chiều 22-5-1940, sau cuộc bố ráp kéo dài cả tuần lễ, địch đã bắt được N.D.H., bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Sau một thời gian bị tra tấn, bí thư N.D.H. không chịu đựng nổi nên đã đầu hàng và khai báo. Từ những thông tin khai báo đó, mật thám Pháp đã bắt thêm được nhiều cán bộ lãnh đạo khác. Nhưng nghiêm trọng nhất, tai hại nhất trong đợt này là mật thám Pháp đã bắt được đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Hữu Tiến ngày 30-7-1940, đồng thời phá vỡ luôn cơ quan in ấn và mạng lưới liên lạc của thành ủy.
Chưa hết. Do bị nội gián chỉ điểm, đồng chí Nguyễn Như Hạnh, người mới lên làm bí thư Thành ủy Saigon - Chợ Lớn thay đồng chí Minh Khai, cũng bị bắt. Rồi từ tài liệu lấy được trong người bí thư thành ủy Nguyễn Như Hạnh, cảnh sát đặc biệt Saigon đã lùng bắt được đồng chí Tạ Uyên - tân bí thư Xứ ủy Nam kỳ kiêm trưởng ban khởi nghĩa Saigon - Chợ Lớn lúc 16 giờ ngày 22-11-1940, tức trước giờ G khởi nghĩa chỉ có tám tiếng đồng hồ. Ngay tối hôm đó, mật thám Pháp đã mở cuộc bố ráp, bắt thêm hơn 50 người, gồm lãnh đạo thành ủy và cán bộ phụ trách khởi nghĩa, cùng nhiều tài liệu bí mật khác. Kế hoạch khởi nghĩa tại Saigon coi như bị lộ và mạng lưới hành động gần như bị tê liệt trước giờ G. Saigon - Chợ Lớn vì vậy không thể động binh.
Như vậy, trước ngày Nam kỳ khởi nghĩa, có thể thấy rõ được sự tổn thất quá lớn về nhân sự lãnh đạo, cả từ trung ương đến xứ ủy, thành ủy… Nhưng cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra đồng loạt lúc 0 giờ ngày 23-11-1940. Dân chúng ở hầu hết các tỉnh đã đứng lên dưới lá cờ của nghĩa quân miền Nam, với tất cả khát vọng về tự do và độc lập cho xứ sở.
Khởi nghĩa Nam kỳ cuối cùng đã bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Nhưng nó đã để lại cho đất nước một báu vật vô giá. Đó là lá cờ đỏ sao vàng ra đời tại miền Nam năm 1940. Đó cũng chính là quốc kỳ của “Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc”.
* Chú thích: Tác giả loạt bài này có tham khảo và trích dẫn các tài liệu: Công trình nghiên cứu cấp nhà nước về Nam kỳ khởi nghĩa (năm 2001), Lịch sử Đảng bộ TP.HCM (1995), Nam kỳ khởi nghĩa của Tầm Vu (1960), Nam kỳ khởi nghĩa 23-11-1940 của Trần Giang (1996),  Văn kiện Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam kỳ năm 1939-1940, tài liệu hội thảo Nam kỳ khởi nghĩa tại Mỹ Tho năm 2005, các ghi chép và hồi ký chưa xuất bản của các nhân chứng Nam kỳ khởi nghĩa, cuộc phỏng vấn nhà văn Sơn Tùng (Hà Nội), nhà nghiên cứu Trần Giang (Saigon), nhà nghiên cứu Lê Minh Đức (Mỹ Tho)... và một số tư liệu lịch sử trên mạng Internet.

Kỳ 2: Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chính thức ra đời sau Cách mạng Tháng Tám. Nhưng trước đó năm năm, lá cờ đỏ sao vàng của “Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc” đã được phất lên tại miền Nam.
Những sử liệu mới cho chúng ta cái nhìn mới về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23-11-1940.
“Xô viết công nông” hay "cộng hòa dân chủ"?
Quốc hiệu “Việt Nam dân chủ cộng hòa” ra đời ở miền Nam từ năm 1940 là một chuyện mới. Chuyện này chỉ được đề cập đến gần đây, sau khi các nhà nghiên cứu tìm thấy những “chứng cứ” từ các kho lưu trữ.
...Đêm 29-9-1940, tại khắp các khu phố ở Chợ Lớn đã xuất hiện những tờ truyền đơn dưới dạng “thư ngỏ gửi anh chị em Hoa kiều” của Thành ủy Saigon - Chợ Lớn. Thư ngỏ kêu gọi đồng bào người Hoa hãy sát cánh cùng Đảng Cộng sản Đông Dương để đứng lên chống lại thực dân Pháp và phát xít Nhật, trong đó có đoạn:
... Anh chị em hãy mau mau đoàn kết cùng chúng tôi dũng cảm tiến lên!
Khẩu hiệu của chúng tôi là:
Các dân tộc nhược tiểu châu Á hãy liên hiệp lại!
Đả đảo đế quốc Pháp phản động đầu hàng (phát xít Đức)!
Thành lập Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa!
Nhà nghiên cứu Trần Giang, người nhiều năm công tác ở Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng trung ương, đã phát hiện tài liệu này trong một kho lưu trữ tại Saigon. “Chứng cứ” này phù hợp với một tài liệu khác được lưu trữ tại Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng trung ương. Đó là thông báo của Xứ ủy Nam kỳ ngày 3-10-1940: “Phải giải thích cho nhân dân hiểu rằng sau khi đánh thắng thực dân Pháp, chúng ta sẽ thành lập một chính phủ dân chủ cộng hòa”. Với những tư liệu này, nhà nghiên cứu Trần Giang mới đưa vấn đề “Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1940" vào công trình nghiên cứu cấp nhà nước năm 2001. Còn trong cuốn sách về Nam kỳ khởi nghĩa của mình năm 1996, ông "chưa dám đề cập đến”.
Cần lưu ý rằng vào thời điểm tháng chín, tháng 10 - 1940, ở miền Nam lúc đó không có ủy viên trung ương nào. Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ còn duy nhất đồng chí Phan Đăng Lưu là chưa bị bắt, nhưng lúc đó đồng chí Phan Đăng Lưu đã ra Bắc. Toàn bộ việc lãnh đạo và triển khai khởi nghĩa đều do Xứ ủy Nam kỳ quyết định. Nhưng thật ra những quyết định của Xứ ủy Nam kỳ về việc khởi nghĩa và thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đều dựa vào nghị quyết hội nghị trung ương tháng 11-1939. Trong nghị quyết này, trung ương đã xác định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, lập mặt trận đoàn kết với tất cả tầng lớp, giai cấp, dân tộc, đảng phái nhằm đánh đổ thực dân Pháp và giải phóng đất nước. Trung ương cũng chủ trương không lập chính phủ “Xô viết công nông” (như kiểu Xô viết Nghệ Tĩnh), mà phải lập “Chính phủ liên bang cộng hòa dân chủ Đông Dương”.
Nhưng sau nhiều hội nghị bàn thảo kế hoạch khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ, chủ trương lập “Chính phủ liên bang cộng hòa dân chủ Đông Dương" không còn được nhắc đến nữa, mà thay vào đó là "Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Đáng lưu ý, theo nhà nghiên cứu Trần Giang, trước ngày khởi nghĩa, Xứ ủy Nam kỳ đã đề ra một danh sách những người trong chính phủ lâm thời. Danh sách này không còn văn bản lưu lại, nhưng theo các nhân chứng còn sống, “nội các” đó có Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tài (tức sư Thiện Chiếu), Võ Công Tồn (tư sản, địa chủ yêu nước)...
Đặc biệt, người đứng đầu “nội các 1940” chính là Nguyễn Ái Quốc. Dù lúc đó đồng chí Nguyễn Ái Quốc không có mặt ở Nam kỳ và một thời gian dài không hoạt động trong nước, nhưng tất cả mọi người đều tôn sùng và chọn đồng chí Nguyễn Ái Quốc làm tổng thống.
Chi tiết nói trên được một trong những nhân chứng của Nam kỳ khởi nghĩa hiện còn sống - ông Nguyễn Văn Chí - xác nhận. Ông Nguyễn Văn Chí (nguyên phó chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra trung ương) nhớ lại: “Lúc đó tôi có dự hội nghị bàn về khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam bộ. Hội nghị xác định là chúng ta phải có “nội các”. Lần đầu tiên tôi nghe từ “nội các”. Giành chính quyền xong phải có "nội các” để điều hành đất nước. Người đứng đầu "nội các" này là Nguyễn Ái Quốc".
Nhưng có phải tất cả những điều đó chỉ nằm trong nghị quyết hay trong các cuộc bàn thảo trước ngày khởi nghĩa? Không! Ông Lê Minh Đức, phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang, khẳng định: “Sáng sớm 23-11-1940, cùng với lá cờ đỏ sao vàng, quốc hiệu “Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc” đã được trương lên trân trọng tại đình Long Hưng. Và cùng với quốc hiệu đó, thiết chế dân chủ cộng hòa cũng đã được thể nghiệm ở Mỹ Tho trong 49 ngày”.
Nền cộng hòa 49 ngày
Nếu trong khởi nghĩa Nam kỳ, thành phố Saigon - Chợ Lớn không hề “động binh”, ngược lại, tỉnh Mỹ Tho là nơi giành được chính quyền với qui mô rộng nhất và giữ được chính quyền lâu nhất.
Năm 2005, tại Mỹ Tho có một cuộc hội thảo khá lớn về Nam kỳ khởi nghĩa, với sự tham dự của lãnh đạo Viện Lịch sử Đảng, Viện Lịch sử quân sự, các nhà sử học... Một chủ đề quan trọng được đưa ra mổ xẻ tại hội thảo này là: thể chế dân chủ cộng hòa đã ra đời và được thực thi tại Mỹ Tho trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Nhà nghiên cứu Lê Minh Đức thuật lại diễn biến đó như sau:
...Đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa bùng nổ. Chỉ trong ba ngày, gần như đồng loạt, nghĩa quân đã giành quyền làm chủ 70 xã trong tổng số 114 xã. Ngay sau khi chiếm nhà việc xã Long Hưng, Ủy ban khởi nghĩa quyết định thành lập chính quyền nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho, đặt trụ sở tại đình Long Hưng, quận Châu Thành. Ngay tại đây, trong sân đình Long Hưng, lá cờ đỏ sao vàng được treo trên chót cây bàng và cổng đình đã trở thành cổng chào với băngrôn đỏ, nổi bật hàng chữ “Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc”. Chính quyền cách mạng tỉnh đã tổ chức một cuộc mittinh lớn, có hơn 3.000 người dự để ra mắt nhân dân...
Cùng với việc ra đời chính quyền cách mạng, tòa án nhân dân cũng đã được thành lập ở cấp tỉnh và nhiều địa phương. Tòa án được lập ra nhằm hạn chế tình trạng manh động, tùy tiện của nghĩa quân và đồng bào đối với hội tề gian ác hoặc cai đội lính đồn ngoan cố bắn vào những người khởi nghĩa trước đó. Trong các phiên xử đều có người biện hộ đàng hoàng và "luật sư" duy nhất là bà Nguyễn Thị Thập (sau này trở thành phó chủ tịch Quốc hội). Không có chuyện đưa ra xét xử hoặc đấu tố địa chủ.
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Thập, các phiên xử của tòa án tỉnh nói trên chỉ xử cảnh cáo hương quản Sâm và cai Trí, còn lại đều răn đe, khuyên nhủ rồi khoan hồng. Những người được tha bổng, trước khi ra về có thề sau này sẽ không làm gì chống lại cách mạng, nếu sai lời sẽ bị quan lớn thượng móc mắt (vì tòa án đặt tại đình Long Hưng, còn gọi là miếu Tả quân Lê Văn Duyệt). Một hành động ý nghĩa, gây dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân, theo nhà nghiên cứu Lê Minh Đức, là việc khui kho thóc và lấy ruộng đất của một vài địa chủ “có máu mặt” để chia cho dân nghèo và tá điền. Ngoài ra, chính quyền mới còn tiến hành hủy bỏ tất cả sổ sách, khế ước, giao kèo bất công của một số địa chủ, hội tề đối với nhân dân; xóa bỏ tất cả thứ thuế vô lý mà thực dân Pháp áp đặt lúc bấy giờ.
Có mặt tại cuộc hội thảo nói trên, tiến sĩ Hồ Thị Tố Lương cũng trình bày dữ liệu nghiên cứu của mình giống như nhà nghiên cứu Lê Minh Đức trình bày. Tiến sĩ Tố Lương nhấn mạnh: “Ở Mỹ Tho, không chỉ thành lập được chính quyền cách mạng mà chính quyền ấy còn tồn tại lâu nhất (49 ngày), thực thi được thể chế dân chủ cộng hòa”.
Còn tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, đã gút lại vấn đề này khi tổng kết hội thảo như sau: “Trong hội thảo, các tham luận đã thống nhất rằng trong khởi nghĩa Nam kỳ, ở Mỹ Tho đã thực thi thiết chế Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chúng ta đã tìm được những tư liệu rất quí, khẳng định thiết chế dân chủ cộng hòa đã được thực thi. Có đại biểu đã khẳng định về việc thành lập nội các, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Với tư liệu đó, chúng ta có thể đưa vào lịch sử chính thức được”.
Như vậy, hội thảo năm 2005 tại Mỹ Tho đã làm sáng tỏ phần nào một nội dung mới và quan trọng của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.
Cuộc khởi nghĩa lịch sử đó, cuối cùng, đã bị dìm trong biển máu... Nhưng, như nhận định của GS Trần Văn Giàu, “Khởi nghĩa Nam kỳ 1940 mặc dù thất bại, nhưng nó đã để lại cho toàn thể dân tộc ta một vật báu tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, cho hi vọng đầy tràn của nhân dân vào tương lai xán lạn của dân tộc. Đó là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh - lá cờ của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ và sau này là quốc kỳ Việt Nam”.



Kỳ 3: Báu vật 23-11-1940
Bây giờ mỗi khi nhìn lá cờ đỏ sao vàng, hay mỗi sáng thứ hai hát vang quốc ca trong lễ chào cờ, có thể bạn sẽ tự hỏi: Lá cờ đó ra đời thế nào? Ở đâu? Ai là tác giả? Tại sao năm cánh sao? Tại sao đỏ? Tại sao vàng? Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng không hẳn vậy. Chúng tôi đi tìm câu trả lời.

Nhà ông Năm Vẹm - nơi diễn ra Hội nghị Tân Hương (Mỹ Tho) tháng 7-1940 và ra quyết định về lá cờ đỏ sao vàng - Ảnh: Vân Trường
Lá cờ của sĩ, nông, công, thương, binh
Hồi đó, năm 1940, lá cờ dân chúng VN thường thấy là quốc kỳ Pháp. Đương nhiên rồi, thực dân Pháp cắm lá cờ tam tài của họ trên xứ sở này đã hơn 80 năm. Còn ở Bắc kỳ và Trung kỳ, thực dân Pháp chấp thuận cho triều Nguyễn Bảo Đại treo cờ long tinh - tức cờ vàng một sọc đỏ. Cũng lúc đó, Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra đời được 10 năm. Cờ đỏ búa liềm đã được nhiều người biết đến như biểu tượng của những người cộng sản VN. Nhưng đó chỉ là lá cờ của Đảng.
Nhưng sáng sớm 23-11-1940, thật bất ngờ, cờ đỏ sao vàng đã đồng loạt phất lên trong cuộc khởi nghĩa ở nhiều tỉnh thành miền Nam. Lá cờ đó ở đâu ra? Việc chọn lá cờ này làm cờ khởi nghĩa và cũng là cờ của “Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc” đã được quyết định như thế nào? Cần phải “nghe” lời kể của các nhân chứng năm 1940.
“Hồi ký” của ông Trần Quang Lợi (năm 1940 là huyện ủy viên Huyện ủy Châu Thành) có đoạn, xin trích nguyên văn: “Tháng 7-1940 có cuộc phán đại hội nghị (chắc là khoáng đại hội nghị - NV) của Xứ ủy Nam kỳ họp tại xã Tân Hương có nghị quyết của xứ ủy về việc lập chính quyền quân sự các cấp. Chính quyền thì lập chính phủ lâm thời nhân dân, chính phủ toàn quốc sứ tỉnh huyện xã. Về quân sự tổ chức ủy ban quân sự từ trên xuống xã. Lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Chính phủ và Mặt trận.
Tôi xuống xã Long Hưng họp huyện ủy, nghe phổ biến nghị quyết của xứ ủy và mang về phổ biến lại cho các chi bộ. Sau khi phổ biến nghị quyết của xứ ủy thì công cuộc khởi nghĩa càng ráo riết. Về công tác tuyên truyền, theo chủ trương của xứ ủy là vẽ ngôi sao trên đường, trên cầu, vách tường, treo băng cờ thả bè chuối trôi sông, phải thường xuyên và may cờ chuẩn bị lúc khởi nghĩa mang theo”.
Như vậy, nhân chứng Trần Quang Lợi đã xác định việc “quyết” lá cờ đỏ sao vàng là từ Hội nghị Tân Hương tháng 7-1940, sau đó các địa phương mới triển khai may cờ và cho người đi vẽ ngôi sao khắp nơi. Lời kể của ông Nguyễn Văn Trọng, tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Mỹ Tho lúc đó, cho chúng ta những dữ liệu chi tiết hơn:
...“Vào trung tuần tháng 7-1940, Xứ ủy mở cuộc hội nghị mở rộng tại nhà đồng chí Vẹm, xã Tân Hương. Hội nghị nghị quyết thành lập du kích, lập Chính phủ cộng hòa nhân dân, dân chủ lâm thời, qui định quốc kỳ”.
Về quốc kỳ: lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh và qui định cờ: lá cờ hình chữ nhật, bề dài bằng 3/2 bề ngang, ngôi sao năm cánh bằng 1/3 bề dài lá cờ, trung tâm là trung tâm cờ.
Định nghĩa cờ: nền đỏ là tượng trưng cho cuộc đấu tranh của nhân dân. Ngôi sao năm cánh tuợng trưng cho sĩ, nông, công, thương, binh. Ngôi sao màu vàng có ý nghĩa là màu của dân tộc".
Cũng theo lời kể của ông Nguyễn Văn Trọng, khi các nơi phổ biến về lá cờ mới do Xứ ủy Nam kỳ quyết nghị, mọi người đều tán thành, đặc biệt là ý nghĩa đoàn kết sĩ, nông, công, thương, binh vào cuộc tranh đấu giành lại độc lập cho xứ sở. Theo nhà nghiên cứu Lê Minh Đức - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang, những điều đó đều bắt nguồn từ nghị quyết trung ương tháng 11-1939, trước khi các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Lê Duẩn... bị bắt. Nghị quyết này khẳnh định: "Công nông phải đưa cây cờ dân tộc lên", phải huy động dân chúng, tập họp tất cả vào Mặt trận dân tộc thống nhất, phải đặt quyền lợi dân tộc lên trên các quyền lợi khác; "Phải đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc là tối cao, tất cả mọi vấn đề của cách mạng, kể cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm mục đích ấy mà giải quyết". Và ngôi sao năm cánh thể hiện cụ thể điều đó, khiến cho các tầng lớp dân chúng đã đồng lòng đứng lên khi nghĩa quân phất cao lá cờ khởi nghĩa Nam kỳ.
Vậy là mọi tư liệu hiện có đều xác định thời điểm quyết định chọn lá cờ đỏ sao vàng là tại Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ từ ngày 21 đến 27-7-1940. Công trình nghiên cứu cấp nhà nước năm 2001 về Nam kỳ khởi nghĩa cũng khẳng định như vậy. Song đó chỉ là thời điểm quyết định về lá cờ, còn ý tưởng về cờ đỏ sao vàng và việc phác thảo, thiết kế đã diễn ra trước đó. Vậy ai đã làm điều đó?
Ai là tác giả cờ đỏ sao vàng?
Ông Nguyễn Hữu Tiến. Ảnh tư liệu
Ở quận Tân Phú, TP.HCM hiện nay có một con đường mang tên Nguyễn Hữu Tiến - quê ở Hà Nam, nguyên xứ ủy viên Xứ ủy Nam kỳ năm 1940. Tên đường này được UBND TP.HCM đặt từ năm 1999. Trên website www.tanphu.hochiminhcity.gov.vn có nói rõ Nguyễn Hữu Tiến chính là tác giả quốc kỳ. Trên website của Quốc hội và Đảng Cộng sản Việt Nam, trong phần nói về quốc kỳ cũng đều khẳng định đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là tác giả cờ đỏ sao vàng. Cả hai website này đều lấy nguồn từ báo Nhân Dân tháng 8-1997. Đã có hàng trăm bài báo viết như vậy về tác giả quốc kỳ trong gần 30 năm qua. Tuy nhiên, hầu hết những bài báo đó, tư liệu đó đều có cùng một nguồn: nhà văn Sơn Tùng, tác giả cuốn sách Nguyễn Hữu Tiến xuất bản lần đầu năm 1981.

Chúng tôi đến khu tập thể Văn Chương (Hà Nội) tìm gặp nhà văn Sơn Tùng, chỉ với một câu hỏi mang theo: ông đã tìm ra tác giả quốc kỳ như thế nào? Nhà văn Sơn Tùng chậm rãi kể lại câu chuyện mà trước đó ông đã kể hàng trăm lần.
“…Tôi bắt đầu tìm hiểu về lá cờ đỏ sao vàng từ năm 1965. Cũng vào năm ấy, tôi gặp được cụ Đặng Văn Cáp - người được Bác Hồ giao nhiệm vụ theo dõi tin tức thời sự qua radio. Lúc ở Quế Lâm (Trung Quốc), cụ Đặng Văn Cáp biết tin Nam kỳ khởi nghĩa qua radio. Nghe báo, Bác lặng đi, rồi nói: “Dậy non rồi, tổn thất lớn”. Bác Hồ lại hỏi ngay: “Trong Nam kỳ khởi nghĩa có gì mới nữa?”. Cụ Đặng Văn Cáp báo lại là có cờ đỏ sao vàng. Lần đầu tiên nghe nói đến cờ đỏ sao vàng. Bác Hồ hỏi tiếp: “Sao mấy cánh? Sao vàng ở giữa hay ở góc?”. Cụ Cáp trả lời: “Không thấy họ nói”... Sau khi gặp cụ Đặng Văn Cáp, tôi cứ canh cánh trong lòng về một câu hỏi: lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong khởi nghĩa Nam kỳ, ai đã vẽ nên?
Hai năm sau đó, tôi trở thành phóng viên chiến trường vùng Liên khu 4 cũ, rồi được điều đi B. Năm 1968, tại một bệnh viện trong rừng miền Đông Nam bộ, tôi tình cờ gặp ông Năm Thái, một chiến sĩ cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Ông Năm Thái kể lại rằng chính ông là người in lá cờ đỏ sao vàng, lời kêu gọi của Xứ ủy, truyền đơn và báo Tiến Lên. Ông cho biết tác giả cờ đỏ sao vàng là ông Hai Bắc kỳ, người phụ trách cơ quan ấn loát, cũng là ủy viên thường vụ Xứ ủy Nam kỳ. Gọi là ông Hai Bắc kỳ vì ông quê ở Hà Nam, ông hoạt động cộng sản và bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo, sau đó vượt ngục Côn Đảo trở về hoạt động ở các tỉnh miền Tây. Ông Hai Bắc kỳ cũng thường hay dạy học nên người ta còn gọi ông là thầy giáo, giáo Hoài. Trong một lần tổ chức in ấn, ông Hai Bắc kỳ bị lính kín ập đến bắt. Ông bị xử tử tại Hóc Môn vào tháng 8-1941.
Sau khi gặp được ông Năm Thái, tôi phải trở ra Bắc. Cho đến khi giải phóng miền Nam năm 1975, tôi mới quay trở vào để tìm kiếm thêm tư liệu về Bác Hồ và tác giả quốc kỳ. Tìm kiếm ở kho lưu trữ, tôi biết được ông Hai Bắc kỳ chính là ông Nguyễn Hữu Tiến.
Năm 1977, tôi tìm về quê ông Nguyễn Hữu Tiến ở Hà Nam, làng Lũng Xuyên, huyện Duy Tiên. Tôi về đó tổng cộng 16 lần, ghi chép hồi ức về ông Nguyễn Hữu Tiến của những người thân và bạn bè của ông. Từ những tư liệu đó, cộng với những tư liệu trước đó, tôi viết thành một truyện danh nhân. Bản thảo được đưa lên Ban nghiên cứu lịch sử Đảng trung ương. Năm 1981, Nhà xuất bản Thanh Niên đã ấn hành cuốn truyện nói trên với tựa đề Nguyễn Hữu Tiến. Tác phẩm ấy từ đó đến nay đã được tái bản rất nhiều lần...”.
Nhưng một câu hỏi đặt ra: ngoài nhà văn Sơn Tùng, có cơ quan nào đã tìm hiểu và xác nhận điều đó là đúng hay không? Câu hỏi này đã được đặt ra trước đây và bây giờ lại được bạn đọc báo Tuổi Trẻ đặt ra ngay sau khi Tuổi Trẻ đăng tải loạt bài về chào cờ và ý thức công dân trước lá cờ Tổ quốc.

Kỳ 4: Nguyễn Hữu Tiến hay Lê Quang Sô?
Trong khi nhiều phương tiện truyền thông hiện nay cho rằng đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là tác giả cờ đỏ sao vàng, Bộ Văn hóa - thông tin lại không xác nhận điều đó.
Và mới đây, tại cuộc hội thảo khá lớn về Nam kỳ khởi nghĩa, nhiều ý kiến đã đề cập đến tên một nhân vật khác: đồng chí Lê Quang Sô.
Ông Nguyễn Thanh Trà (xã Bà Điểm) đã dùng mõ Nam Lân đánh cổ vũ bà con xông lên chiếm lấy bót Ngã Năm (xã Tân Thới Nhứt) trong ngày Nam kỳ khởi nghĩa (đêm 22 rạng sáng 23-11-1940) - Ảnh tư liệu (N.C.T. chụp lại)

Bộ Văn hóa - thông tin: không có cơ sở!
Tư liệu quan trọng nhất khiến nhà văn Sơn Tùng khẳng định đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là tác giả quốc kỳ là cuộc trò chuyện với một người tên Năm Thái trong một bệnh viện ở rừng miền Đông. Nhưng chính nhà văn Sơn Tùng cũng không biết được ông Năm Thái tên thật là gì, quê ở đâu, từng công tác ở đơn vị nào…
Chúng tôi đặt câu hỏi với nhà văn Sơn Tùng: “Ông nghĩ gì khi có một vài bài báo gần đây cho rằng ông Nguyễn Hữu Tiến không phải là tác giả lá cờ đỏ sao vàng và một số công trình nghiên cứu cũng không công nhận những gì ông đã nêu ra?”. Nhà văn Sơn Tùng: “Tôi biết thế nào viết thế ấy. Tôi yêu con người này và viết về con người này. Còn sự thật lịch sử như thế nào, tôi nghĩ các nhà khoa học cứ tiếp tục làm rõ”.
Các nhà nghiên cứu đã làm rõ tới đâu? Nhà nghiên cứu Trần Giang, chủ nhiệm công trình nghiên cứu cấp nhà nước về Nam kỳ khởi nghĩa, cho biết điều này đã được hội đồng biên soạn công trình nghiên cứu đưa ra thảo luận và đi đến kết luận: thông tin về việc đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người đầu tiên vẽ cờ đỏ sao vàng là chưa có căn cứ khoa học xác đáng, nên chưa thể đưa vào công trình khoa học này.
Ông Trần Giang cũng cho biết thêm: đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã không có mặt tại hội nghị Tân Hương tháng 7-1940 - hội nghị quyết định về khởi nghĩa Nam kỳ, trong đó có bàn thảo và quyết định cờ đỏ sao vàng. Và chỉ ba ngày sau hội nghị nói trên, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã bị bắt cùng với rất nhiều tài liệu quan trọng tại cơ sở in ấn bí mật.
Đồng chí Lê Quang Sô (phải)  ở miền Bắc năm 1965 - Ảnh tư liệu

Đồng chí Lê Quang Sô sinh năm 1894 ở Chợ Gạo (Mỹ Tho), hoạt động cách mạng sớm, là trí thức Nho học và biết tiếng Pháp. Ông đã đi Trung Quốc năm 1927, từng gặp nhà ái quốc Phan Bội Châu, từng ở tù Côn Đảo cùng với Ngô Gia Tự, Trần Văn Giàu, Lư Sanh Hạnh... Khi ra tù, ông được Tỉnh ủy Mỹ Tho giao nhiệm vụ mở ba lớp đào tạo cán bộ năm 1937-1939. Đồng chí Lê Quang Sô cũng là người dịch quyển Chiến lược và chiến thuật du kích chiến tranh của Trung Quốc và sau đó in 500 quyển phổ biến cho các nơi trước ngày khởi nghĩa.
Theo hồ sơ lưu trữ của mật thám Pháp, trong số 74 thứ tài liệu, vật dụng thu được trong vụ bắt đồng chí Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Thị Minh Khai ngày 30-7-1940, không có cờ đỏ sao vàng hoặc vật liệu, dụng cụ nào liên quan đến việc vẽ và in cờ.
Ngoài ra, cũng theo nhà nghiên cứu Trần Giang, sau đó đồng chí Nguyễn Hữu Tiến cùng bị giam chung nhiều tháng liền với một người cộng sản khác là đồng chí Nguyễn Văn Cung.
Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã kể cho đồng chí Nguyễn Văn Cung rất nhiều chuyện, nhưng chưa bao giờ kể rằng mình đã vẽ cờ đỏ sao vàng. Ngay cả khi đồng chí Nguyễn Văn Cung nói rằng mình đã thấy lá cờ đỏ sao vàng tại phòng tra tấn ở bót Catinat, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến cũng không nói gì.
Đó là ý kiến và cũng là kết luận của các nhà nghiên cứu và nhân chứng Nam kỳ khởi nghĩa. Còn cho đến nay đã có cơ quan chức năng nào đề cập chính thức việc này? Có. Đó là công văn số 1393/VHTT-BTCM do Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin Lưu Trần Tiêu ký ngày 18-4-2001 nhằm phúc đáp tờ trình của UBND tỉnh Hà Nam (quê hương đồng chí Nguyễn Hữu Tiến) về việc xem xét công nhận đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người vẽ nên lá cờ đỏ sao vàng.
Trong văn bản này, Bộ Văn hóa - thông tin khẳng định: “Tất cả các nguồn tài liệu hiện có tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, tại Viện Lịch sử Đảng trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh đều không có tài liệu nào chứng minh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người vẽ lá cờ Tổ quốc”. Do không có cơ sở chứng minh, Bộ Văn hóa - thông tin trong văn bản này cũng nói rõ là không thể đề nghị Thủ tướng Chính phủ ghi nhận công trạng này của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến.
Tỉnh ủy Tiền Giang: chính là ông Lê Quang Sô!
Trong khi Bộ Văn hóa - thông tin có ý kiến như vậy, một số tờ báo như Ấp Bắc, Sài Gòn Giải Phóng, Lao Động... bắt đầu nhắc đến tên một nhân vật khác có thể là tác giả lá cờ đỏ sao vàng: đồng chí Lê Quang Sô.
Đó cũng là cái tên được nhắc đến khá nhiều tại hội thảo về Nam kỳ khởi nghĩa năm 2005 tại Mỹ Tho. Một trong những mục đích của cuộc hội thảo là nhằm trả lời câu hỏi: ai là tác giả lá cờ đỏ sao vàng năm 1940? Tại hội thảo, nhà nghiên cứu Lê Minh Đức (phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang) đã trình bày kết quả xác minh, tìm hiểu nhiều năm của mình như sau:
...Đầu năm 1940, đồng chí Phan Văn Khỏe (bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, sau này là bí thư Xứ ủy Nam kỳ) có trao đổi với đồng chí Lê Quang Sô về đòi hỏi của các tầng lớp dân chúng về một lá cờ Mặt trận, lá cờ đoàn kết rộng rãi các giai tầng xã hội. Đòi hỏi đó là đúng đắn, cần nghiên cứu.
Đồng chí Lê Quang Sô đã tham khảo ý kiến với ông Lê Kiến Đức - một nhà Nho tiến bộ, trước đây đã bán đất để góp tiền xây dựng Nam Cường thư xã (nhà sách của đảng bộ Mỹ Tho). Ông nói: “Mỗi nước đều có lá cờ của mình, trong đó chứa đựng ý nghĩa của nó như cờ Pháp, cờ Liên Xô, cờ Nhật… Còn mình lấy cái gì làm nội dung đây…”.
Ý kiến của đồng chí Sô là: lá cờ của Đảng mình là cờ đỏ búa liềm, nay thêm cờ Mặt trận, thêm một cờ đỏ nữa, nền đỏ phải giữ, còn bên trong vẽ cái gì thì phải tính. Sau đó đồng chí Lê Quang Sô và Hồ Tri Hạ (đảng viên ở Bà Rịa lánh địch theo đồng chí Sô về tham gia hoạt động ở Mỹ Tho) mày mò vẽ các kiểu ngôi sao, vẽ đi vẽ lại nhiều lần, cuối cùng chọn ngôi sao năm cánh màu vàng vì thấy đẹp.
Ngôi sao được dời đi dời lại khắp mọi chỗ trên lá cờ, cuối cùng được chọn đặt ở vị trí giữa cờ. Đồng chí Phan Văn Khỏe đồng ý với hình mẫu được phác thảo... Lúc bấy giờ khoảng tháng 4-1940.
Đến tháng 7-1940, hội nghị Xứ ủy Nam kỳ ở Tân Hương đã họp và quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến cuộc khởi nghĩa, trong đó có hình thức của chính quyền, quốc kỳ, khẩu hiệu, các chính sách đối với các tầng lớp nhân dân.
Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng năm cánh, nền đỏ tượng trưng cho cách mạng, năm cánh sao tượng trưng cho tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh đoàn kết, màu vàng có ý nghĩa là màu dân tộc. Kích cỡ lá cờ cũng được sơ bộ qui định thống nhất: lá cờ hình chữ nhật, bề dài bằng 1,5 bề ngang, ngôi sao năm cánh bằng 1/3 bề dài lá cờ và đặt ở trung tâm. Riêng cánh sao không qui định cụ thể, hình bầu hay nhọn đều được.
Như vậy, hội nghị Xứ ủy Nam kỳ tháng 7-1940 ở Tân Hương đã chấp nhận phác thảo lá cờ do Tỉnh ủy Mỹ Tho đề nghị làm quốc kỳ của “Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc”.
Nhà nghiên cứu Lê Minh Đức xác định đồng chí Lê Quang Sô là người đã thiết kế lá cờ đỏ sao vàng. Ông Đức cũng cho biết tư liệu nói trên được rút ra từ các hồi ký của các đồng chí tập kết ra miền Bắc năm 1954 (những hồi ký này do Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng trung ương tổ chức viết từ năm 1960-1972). Ngoài ra, tư liệu nói trên còn dựa vào lời kể của các nhân chứng lịch sử còn sống sau Nam kỳ khởi nghĩa.
Sau khi nghe nhiều ý kiến trình bày tại hội thảo ở Mỹ Tho, ông Trần Hoàng Diệu - trưởng Ban tuyên giáo, Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang - đã “gút” lại rằng: người thiết kế cờ đỏ sao vàng là đồng chí Lê Quang Sô, từ ý tưởng của nhiều người, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Nam kỳ.
Có mặt tại hội thảo này, ông Huỳnh Văn Niềm - nguyên bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang - cũng tán thành như vậy và nhấn mạnh thêm rằng: “Theo tôi và các đồng chí của mình, hồi ký của đồng chí Lê Quang Sô được viết trong thời kỳ cải cách ruộng đất, viết ở miền Bắc, theo gợi ý của trung ương thì khó có thể viết sai được”.


Kỳ 5: Tác giả quốc kỳ: vẫn là dấu chấm hỏi
 Cho đến nay đã xuất hiện thêm những tình tiết mới, tư liệu mới, kể cả nhân vật mới liên quan đến tác giả cờ đỏ sao vàng. Chúng tôi xin công bố "tờ khai" của con trai đồng chí Lê Quang Sô - người chứng kiến và trực tiếp tham gia việc thiết kế lá cờ.
Từ phải sang trái:  đồng chí Lê Quang Sô, con trai Lê Vũ Lang và con dâu (ảnh chụp ở Hà Nội năm 1956) - Ảnh tư liệu

"Cha tôi đã vẽ quốc kỳ!"
Trong số báo trước, nhà nghiên cứu Lê Minh Đức (phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang) đã khẳng định tác giả thiết kế cờ đỏ sao vàng căn cứ vào hồi ký năm 1968 của đồng chí Lê Quang Sô. Tuy nhiên, đó là hồi ký thuật lại nhiều chuyện liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Quang Sô, nên những nội dung liên quan đến việc vẽ cờ đỏ sao vàng chưa được chi tiết lắm.
Nhưng vào tháng 12-2004, con trai đồng chí Lê Quang Sô là ông Lê Vũ Lang đã công bố "Tờ khai liên quan đến những người sáng tác lá cờ đỏ sao vàng". Ông Lê Vũ Lang sinh năm 1920, vào thời điểm Nam kỳ khởi nghĩa ông tròn 20 tuổi, sau đó ông tập kết ra Bắc và trở thành cán bộ Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia. "Tờ khai" này có nội dung như sau:
...Đầu năm 1939, cha tôi là Lê Văn Sô (tức Lê Quang Sô) cùng với ông Hồ Tri Hạ (lớn hơn tôi trên 10 tuổi) loay hoay vẽ thử lá cờ có ngôi sao năm cánh. Lúc đầu vẽ dưới đất, ngôi sao ở góc trên, bên trái.
Khoảng tháng 8-1939, cha tôi có sai tôi đi chợ mua hai tờ giấy hồng đơn màu đỏ và vẽ lên đó ngôi sao bằng bút chì, rồi lấy vôi xoa vào làm ngôi sao trắng, rồi lại bôi đi, thay vị trí ngôi sao, cuối cùng để ở chính giữa. Cuối tháng tám năm đó, đồng chí Thẹo ghé hỏi: có gì mới không? Cha tôi trả lời chỉ xong cờ đỏ có ngôi sao, nhưng chưa ưng ý lắm. Đồng chí Thẹo sau này tôi mới biết rõ tên là Phan Văn Khỏe - bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, thường vụ Xứ ủy Nam kỳ.
Tháng 4-1940, đồng chí Thẹo ghé nhà kiếm cha tôi vào buổi trưa trời nắng chang chang và ngồi nói chuyện rất lâu. Khoảng 3 giờ sáng, đồng chí Thẹo cùng với cha tôi thức dậy đi đâu không rõ. Khi trở về, cha tôi sai tôi in cho ông các loại truyền đơn có nội dung hiệu triệu các nơi ủng hộ tài chính cho cách mạng. Các tờ truyền đơn này đều có vẽ ngôi sao năm cánh.
Đến tháng 7-1940, cha tôi lại sai tôi đi chợ mua giấy hồng đơn màu đỏ và màu vàng. Hồi đó, cả Đạo Thạnh chỉ gia đình tôi là có xe đạp. Tôi đạp xe ra chợ Vĩnh Kim mua cho cha ba tờ giấy hồng đơn, hai tờ màu đỏ, một tờ màu vàng. Ông Hồ Tri Hạ đã vẽ hình ngôi sao lên giấy vàng và cắt theo đường chì vẽ, sau đó để lên tờ giấy màu đỏ, xoay tới xoay lui cho cha tôi coi. Cha tôi ưng ý để ngôi sao ở giữa và kêu tôi dán vào. Sau đó, cha tôi đem lá cờ giấy có nền đỏ sao vàng đi đâu không rõ.
Khi khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nơi và sau này Đảng và Nhà nước lấy làm cờ Tổ quốc. Cha tôi nói với tôi rằng thật ra ý tưởng về một lá cờ quốc gia đã hình thành từ khi ông ở tù cùng với đồng chí Ngô Gia Tự ở Côn Lôn từ năm 1931-1936. Trong thời gian này, ông học tiếng Pháp của Ngô Gia Tự và dạy lại Ngô Gia Tự chữ Nho. Đồng chí Ngô Gia Tự cho rằng cách mạng Việt Nam cần có một ngọn cờ riêng để tập họp thêm đông đảo lực lượng quần chúng, mặc dù trong chi bộ nhà tù chưa có ai hình dung lá cờ như thế nào…
Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói gì?
Như vậy, cơ sở để khẳng định "tác giả quốc kỳ Lê Quang Sô" chính là hồi ký của ông và lời kể của con trai. Cơ sở này có lẽ chắc chắn hơn "lời kể trong rừng của ông Năm Thái" như trường hợp "tác giả Nguyễn Hữu Tiến".
Nhưng liệu những tư liệu đó có đầy đủ giá trị và cơ sở khoa học để kết luận về một vấn đề lịch sử quan trọng hay không? Hơi khó. Do sau khởi nghĩa Nam kỳ, thực dân Pháp đã đàn áp dã man và khủng bố tàn bạo bằng hải, lục, không quân trên diện rộng nên đến nay chúng ta vẫn không tìm thấy những tài liệu quan trọng: biên bản và nghị quyết hội nghị Tân Hương tháng 7-1940, hội nghị Bến Lức tháng 4-1940...
Vì vậy, mặc dù lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và nhà nghiên cứu Lê Minh Đức khẳng định tác giả quốc kỳ là đồng chí Lê Quang Sô, Hội đồng biên soạn công trình nghiên cứu cấp nhà nước về Nam kỳ khởi nghĩa vẫn tỏ ra thận trọng. Chủ nhiệm công trình, nhà nghiên cứu Trần Giang, cho biết: “Hội đồng đã trao đổi về tài liệu do tỉnh Tiền Giang cung cấp, trong đó nêu đồng chí Lê Quang Sô là người vẽ cờ đỏ sao vàng. Nhưng hội đồng cho rằng đó là hồi ký, chưa đủ căn cứ khoa học để kết luận”.
Còn viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - đã “gút” lại như thế nào tại hội thảo Mỹ Tho năm 2005? Sau đây là nguyên văn phát biểu của tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc về vấn đề tác giả quốc kỳ:
...Trong hội thảo các đồng chí đã đưa ra chi tiết đồng chí Phan Văn Khỏe (bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho) trao đổi với đồng chí Lê Quang Sô và sau đó đi đến thiết kế cờ đỏ sao vàng. Thế thì đến nay có hai loại ý kiến: Một là, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến thiết kế. Hai là, đồng chí Phan Văn Khỏe và đồng chí Lê Quang Sô thiết kế. Nhưng cả hai loại ý kiến trên đều chưa có cơ sở vững chắc để khẳng định.
Theo chúng tôi, có một vấn đề chung cần thống nhất khẳng định: lá cờ đỏ sao vàng là từ chủ trương của Đảng, là biểu tượng của Mặt trận Dân tộc thống nhất. Nói chủ trương của Đảng là nói chung, nhưng trực tiếp xây dựng lá cờ là Xứ ủy Nam kỳ. Và thực tế đồng chí Khỏe, đồng chí Tiến và một số đồng chí nữa đều tham gia Xứ ủy Nam kỳ. Do đó có thể kết luận lá cờ đỏ sao vàng là do các đồng chí Xứ ủy Nam kỳ trực tiếp xây dựng, ý tưởng và kết quả công trình cờ đỏ sao vàng là của tập thể chứ không phải của cá nhân nào.
Thống nhất như thế có lẽ sẽ thuyết phục hơn. Bây giờ chúng ta khẳng định một ai đó, nếu thế sau này có một công trình khác chứng minh khác đi thì sẽ rất phức tạp.
Chúng ta khẳng định lá cờ đỏ sao vàng ra đời như thế. Sau này Hội nghị Trung ương 8 (năm 1941) đã quyết định: lá cờ Nam kỳ khởi nghĩa được chọn làm lá cờ của Mặt trận Việt Minh. Và Quốc dân đại hội Tân Trào quyết định lấy cờ đỏ sao vàng làm lá cờ chính thức của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau đó đến Quốc hội khóa 1 (năm 1946), lá cờ đó chính thức trở thành quốc kỳ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
* * *
Như vậy, câu hỏi về tác giả lá cờ đỏ sao vàng cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể và chính xác. Nhưng hi vọng các nhà nghiên cứu, các sử gia tiếp tục cuộc kiếm tìm. Những cuộc kiếm tìm đó sẽ càng làm sáng tỏ về ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ trong lịch sử cứu nước, về khát vọng độc lập cho dân tộc, khát vọng tự do và dân chủ của nhân dân.
BÙI THANH 
Chính phủ liên hiệp kháng chiến tuyên thệ trước Quốc hội ngày 2-3-1946. Phía sau là lá cờ đỏ sao vàng với múi sao rộng hơn hiện nay - Ảnh tư liệu
Một chi tiết cần lưu ý là sự thay đổi về hình múi ngôi sao ở quốc kỳ. Theo các nhân chứng lịch sử, lá cờ năm 1940 tại cuộc Nam kỳ khởi nghĩa có cánh sao thon như quốc kỳ hiện nay. Trong thời kỳ Mặt trận Việt Minh và khi họp Quốc dân đại hội ở Tân Trào (lá cờ còn lưu giữ ở Bảo tàng Cách mạng), cờ lại có múi sao rộng hơn.
Để chuẩn hóa quốc kỳ, ngày 5-9-1945, sau ngày độc lập, Sắc lệnh số 5 do đồng chí Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc đó, ký thay Chủ tịch Chính phủ lâm thời về quốc kỳ, qui định: Cờ hình chữ nhật màu đỏ và vàng tươi, bề ngang bằng 2/3 chiều dài. Ngôi sao có năm góc lồi và năm góc lõm. Ngôi sao ở trung tâm nền cờ. Mẫu cờ này được kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I tháng 11-1946 biểu quyết thông qua.
Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa I tháng 9-1955, Bộ Tuyên truyền thay mặt Chính phủ báo cáo lên Quốc hội xin sửa đổi chi tiết về ngôi sao vàng trên quốc kỳ như sau: “Múi sao phình ra bây giờ sửa lại múi sao thon lại. Năm góc thẳng đều nhau, như vậy sẽ dễ hơn, đơn giản hơn”.
Quốc hội giao cho một tiểu ban nghiên cứu về quốc kỳ, quốc ca, quốc huy do bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng làm trưởng tiểu ban và báo cáo của tiểu ban đọc trước Quốc hội có đoạn như sau: “Tiểu ban chúng tôi hoàn toàn đồng ý với đề nghị của Chính phủ qui định rằng: hình những cánh sao của quốc kỳ sẽ thon lại. Năm nét thẳng đều nhau. Nhân dân từ trước đến nay vẫn vẽ ngôi sao với cánh thon”.
Quốc hội đã nhất trí thông qua qui định này về quốc kỳ.
(Theo tạp chí Lịch Sử Quân Sự số 5-2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét