Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Nhận thức mới về nhà Nguyễn


1. TIẾP CẬN MỘT CÁCH NHÌN VỀ TRIỀU NGUYỄN
-- Quốc Anh --- ĐHSP Tp Hồ Chí Minh

Triều Nguyễn tồn tại trong một thời kỳ lịch sử đầy biến động và triều đại này phải gánh chịu trách nhiệm khi để đất nước rơi vào ách thống trị của thực dân Pháp cuối thế kỷ 19. Theo tác giả Quốc Anh, vấn đề đánh giá triều Nguyễn được nghiên cứu kỹ càng hơn với thái độ khách quan, biện chứng để từ đó nhìn rõ và bảo vệ những giá trị văn hóa mà triều đại này để lại. 


Lịch sử thành văn của gần trọn một thiên niên kỷ sắp qua, giới sử học chúng ta đã quan tâm nhiều và chủ yếu đến một lịch sử giữ nước và mới bắt đầu quan tâm đến một lịch sử dựng nước, trong đó có lịch sử trị nước (quản lý đất nước) gắn liền với vai trò và đóng góp của các triều đại phong kiến ở Việt Nam. Có thể cũng vì thế và qua cái lăng kính ấy, triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam kéo dài gần một thế kỷ có chủ quyền (1802 - 1884) và hơn 60 năm sau chỉ còn là cái bóng của chế độ thuộc địa (1884 - 1945) chỉ còn được nhìn thấy trong sắc mầu ảm đạm của một chế độ chính trị suy đồi. Điều này cũng làm cho những dấu tích vật chất (mà thực chất là một phần di sản văn hóa dân tộc) gắn liền với triều đại này đã bị hủy hoại hay để mai một khá lâu.

Nhưng chính sự nghiệp xây dựng đất nước và đặc biệt là tư duy của công cuộc đổi mới kể từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ này đã đòi hỏi và kích thích một cái nhìn thực hơn về quá khứ gần gũi là triều Nguyễn. Thực ra, đó là sự nhìn nhận lại toàn bộ thế kỷ kề cận với thế kỷ chúng ta đang sống. Và người ta càng nhận thấy rằng cái thế kỷ 19 ấy giống như cái bản lề, cái cầu nối giữa xã hội truyền thống và hiện đại trong những điều kiện đầy thử thách ác liệt của sự áp đặt chế độ thực dân đến từ bên ngoài.

Một vài ông vua cuối triều Nguyễn phải gánh chịu trách nhiệm để đất nước rơi vào ách thống trị của thực dân Pháp cuối thế kỷ 19. Mầm mống của nó có từ việc Nguyễn Ánh, nhằm giành được quyền lực trong việc chống chọi với nhà Tây Sơn đã không ngần ngại gửi con trai là Hoàng tử Cảnh cho giám mục Pigneau de Béhaine sang Pháp để ký Hiệp ước Versailles 1787. Từ sau Hiệp ước Patenotre (1884), triều Nguyễn chỉ còn là một triều đại bù nhìn gắn với chế độ thuộc địa của Pháp cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám quét đi tất cả... Dần vượt qua cái định kiến về triều đại ấy, trong vòng hơn một thập kỷ gần đây, giới sử học đã bước đầu nhìn nhận lại một số lĩnh vực bắt đầu bằng những câu hỏi:

1. Nhà Tây Sơn, đặc biệt với vai trò của Nguyễn Huệ - Quang Trung đã có công lớn xóa bỏ tình trạng Nam - Bắc phân tranh, đánh giặc ngoại xâm Xiêm - Thanh, tạo ra nền tảng quyết định cho nền thống nhất đất nước. Nhưng phải chăng triều Nguyễn cũng đã kế tục nhà Tây Sơn, góp một phần hoàn thành sự nghiệp thống nhất, hoàn chỉnh lãnh thổ và xây dựng một thiết chế quản lý thống nhất của một quốc gia thời cận đại? Các đề tài nghiên cứu đi sâu vào đánh giá những thiết chế Nhà nước, những chính sách cai trị đất nước, những thành tựu trên lĩnh vực pháp luật, quản lý hành chính, quản lý ruộng đất, quan hệ đối ngoại với các quốc gia lân bang (Trung Hoa, Cam-pu-chia, Lào, Xiêm...), chế độ thi cử, quan chức luật pháp... và các nhân vật, đặc biệt là Minh Mạng (trị vì từ 1820 đến 1841) đã góp phần nhìn nhận toàn diện hơn và công bằng hơn về đóng góp của triều Nguyễn trên lĩnh vực này.

2. Triều đại nhà Nguyễn cho đến khi mất chủ quyền vào tay thực dân Pháp phải chăng chỉ là một chế độ phong kiến bị khủng hoảng và trên đà suy vong như nhiều nhận định đã từng có? Nếu vậy thì vì sao triều đình ấy có thể để lại nhiều di sản đáng ghi nhận, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, bao gồm cả văn hóa nghệ thuật và văn hóa chính trị. Thí dụ, chỉ trên lĩnh vực sử học, triều Nguyễn đã để lại một di sản rất đồ sộ với những bộ sử và các công trình mang tính bách khoa lớn do Nhà nước tổ chức biên soạn như Đại Nam thực lục, Lịch triều hiến chương loại chí, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí và rất nhiều tác phẩm sử học của nhiều tác giả đương thời kỳ. Nhiều vua triều Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... cũng là những tác giả của nhiều áng văn chương... Mặc dù bị thất thoát rất nhiều do chiến tranh, khí hậu và những xáo động chính trị, các địa bạ, những văn bản châu phê, hệ thống các hương ước cũng như các công trình kiến trúc trong thiết chế văn hóa (kinh thành Huế, các chùa chiền mới xây hoặc được trùng tu vào thời Nguyễn...) cho thấy dưới triều Nguyễn, nước ta đã đạt tới một trình độ phát triển cao ở kiến trúc thượng tầng... Và không ít các nhà sử học nước ngoài đánh giá trình độ phát triển nước ta thời này cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực...

3. Trên lĩnh vực phát triển đất nước, phải chăng triều Nguyễn luôn luôn gắn liền với chính sách bế quan tỏa cảng, kìm hãm phát triển thương nghiệp, bảo thủ chống lại các xu thế duy tân đất nước? ở đây tư tưởng Nho giáo chính thống đã tạo nên một quan niệm truyền thống thời phong kiến là trọng nông, ức thương. Đúng là có nhiều tư tưởng đổi mới do các nhà canh tân như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Huy Trứ, Phạm Phú Thứ... không trở thành hiện thực, nhưng điều đó có hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của nhà Nguyễn hay không, hay là trên thực tế do phải cảnh giác trước họa xâm lăng, triều đình có phần "đông cứng lại", chối từ mọi yếu tố ngoại lai kể cả kỹ xảo cơ khí của phương Tây. Nhưng trên nhiều lĩnh vực khác, triều Nguyễn không hoàn toàn khước từ sự du nhập những gì của phương Tây có lợi cho quyền lực của mình như sử dụng các chuyên gia người nước ngoài (Chaigneau, Vanier... được coi là các chuyên gia, cận thần gần gũi với nhà vua). Ngay các nhà canh tân dâng điều trần cho triều đình cũng đều do nhà nước cử đi tiếp xúc với nước ngoài như Đặng Huy Trứ, Phạm Phú Thứ,... Hơn thế nữa, chính cơ cấu kinh tế - xã hội Việt Nam truyền thống cũng tạo nên một kháng lực tự nhiên mà để thay đổi nó không chỉ nhờ ý chí của triều đình mà được. Những yếu tố đó đã tạo nên sự trì trệ nhất định đối với sự phát triển, hiện đại hóa và hòa nhập được với thế giới bên ngoài vào thời điểm đằng sau văn minh vật chất của phương Tây còn gặp cả một âm mưu thực dân.

4. Trên cái toàn cảnh ấy, sự đánh giá các nhân vật lịch sử phải chăng cũng nên được nhìn nhận lại một cách khách quan hơn và toàn diện hơn, mặc dù đây là vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm. Từ những người đứng đầu nhà nước như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, rồi các vua có tinh thần chống Pháp như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân đến một loạt các quan lại như Phan Thanh Giản, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Trọng Hợp... sự đánh giá tuy còn có những điều chưa được nhất trí, còn cần được nghiên cứu kỹ càng hơn, nhưng khuynh hướng rõ thấy là ngày càng khách quan hơn và biện chứng khi gắn các nhân vật ấy với thời đại của họ.

Triều Nguyễn bắt đầu từ đời Gia Long (1802) và về hình thức kết thúc với việc vua Bảo Đại thoái vị khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về triều Nguyễn, người ta cũng ngược dòng thời gian để nói về các Chúa Nguyễn tổng cộng chín đời, bắt đầu từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Các Chúa Nguyễn xuất phát từ cuộc đối đầu với các Chúa Trịnh ở phía bắc nhưng danh nghĩa vẫn thuận theo triều Lê đã mở mang bờ cõi về phương nam, tạo dựng cả một cơ đồ đã làm nên lãnh thổ của nước Việt Nam hiện đại. Đây là một giai đoạn lịch sử kéo dài ba thế kỷ chứa đựng rất nhiều vấn đề lịch sử quan trọng và phong phú mà đến nay vẫn chưa được tìm hiểu và nghiên cứu đầy đủ, tương xứng với tầm vóc to lớn liên quan đến quá trình phát triển lãnh thổ và sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Hơn một thập kỷ qua các đề tài được giới sử học nêu lên qua các cuộc hội thảo do các trung tâm nghiên cứu và giảng dạy sử học của cả nước đang làm rõ dần những câu trả lời cho các câu hỏi trên, nhiều kỷ yếu đã được xuất bản.

Các cuộc hội thảo có quy mô liên cơ quan hay quốc gia về văn hóa - xã hội triều Nguyễn, về các thời vua Nguyễn từ Gia Long, các hội thảo khoa học có liên quan đến Huế và việc trùng tu cố đô Huế trên quy mô ngày càng lớn, đặc biệt từ khi Huế trở thành di sản văn hóa của nhân loại; các cuộc hội thảo khác ở các tầm cỡ khác nhau về Phan Thanh Giản, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Trọng Hợp... việc dịch, xuất bản và tái bản các thư tịch thời Nguyễn như bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Minh Mạng chính yếu, Tự Đức văn tập, Châu phê... các công trình khảo cứu dựa trên các di sản của triều Nguyễn như địa bạ, hương ước... càng cho thấy việc nghiên cứu triều Nguyễn có ý nghĩa thực tiễn như thế nào đối với công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước hiện tại. Cũng vì việc nghiên cứu giai đoạn lịch sử này có ý nghĩa thực tiễn và bao hàm những vấn đề nhạy cảm nên nó càng cần tiếp tục được đẩy mạnh trong tinh thần và ý thức ngày càng nghiêm túc và thận trọng hơn.

Có thể hy vọng vào năm 2002 giới sử học chúng ta sẽ có một cái nhìn toàn diện về thế kỷ 19 của triều Nguyễn tương xứng với vị thế của nó trong toàn bộ tiến trình lâu dài của lịch sử dân tộc, cũng như đối với lịch sử những thế kỷ của chúng ta sắp qua và sẽ đến.

2. Cái nhìn mới mẻ về triều Nguyễn

Từ trước đến nay nhiều người trong chúng ta thường có những suy nghĩ và nhận định về các chúa Nguyễn và triều Nguyễn là bán nước, là "cõng rắn cắn gà nhà", "rước voi về dày mả tổ".... Nhưng trong cuộc hội thảo gần đây các nhà sử học Việt Nam đã ngồi lại bàn luận về vấn đề này. Sau đây là một số cách nhìn nhận mới về chúa Nguyễn và Triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
. Qua thảo luận ở 3 tiểu ban, chúng ta đã đi đến một số nhận thức đạt sự nhất trí cao, có thể nói là đồng thuận. Tôi xin phép được tóm lược nội dung cơ bản của sự nhất trí đó.
1. Mọi người tham gia hội thảo đều nhận thấy sự phê phán, lên án đến mức độ gần như phủ định mọi thành tựu của thời kỳ các chúa Nguyễn và triều Nguyễn trước đây là quá bất công, thiếu khách quan, nhất là khi đưa vào nội dung sách giáo khoa phổ thông để phổ cập trong lớp trẻ và xã hội. Dĩ nhiên thái độ đó có nguyên do của nó trong bối cảnh cách mạng phế bỏ triều Nguyễn, rồi cải cách ruộng đất xóa bỏ chế độ sở hữu ruộng đất phong kiến và nhất là khi cả dân tộc đang tiến hành cuộc chiến đấu vì độc lập và thống nhất tổ quốc. Trong bối cảnh đó, những hành động xâm phạm đến độc lập và thống nhất đều bị phê phán, lên án gay gắt. Đó là thái độ chính trị của xã hội, còn về phía các nhà sử học dĩ nhiên có trách nhiệm của mình trong vận dụng phương pháp luận sử học chưa được khách quan, trung thực.
2. Hội thảo nhất trí nhận thấy việc đánh giá lại công lao và cả mặt hạn chế của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn là rất cần thiết, có thể nói là một nhu cầu bức xúc không chỉ trong nhận thức khoa học mà cả trong tâm lý và công luận xã hội. Có người đặt vấn đề thời điểm tổ chức hội thảo phải chăng là quá chậm? Quả thực có thể nói là chậm so với yêu cầu xã hội nhưng về phương diện khoa học, nhận thức là một quá trình và một thay đổi có tính bước ngoặt phải có sự chuẩn bị của nó. Trước hội thảo của chúng ta, từ những năm 90 của thế kỷ XX đã có nhiều công trình nghiên cứu mới ở trong nước và ngoài nước, có khoảng 20 cuộc hội thảo về chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Đó là những bước chuẩn bị rất quan trọng tạo nên cơ sở khoa học, những điều kiện tương đối chín mùi cho cuộc hội thảo tầm cỡ quốc gia này. Trong những cuộc hội thảo đầu tiên, còn nhiều ý kiến khác nhau, rất khó đạt sự nhất trí, nhưng đến hội thảo này xu hướng xích lại gần nhau đã rõ nét và trên những nội dung cơ bản đã thực sự gặp nhau trong nhận thức.
3. Về việc đánh giá chúa Nguyễn và triều Nguyễn trong thời kỳ từ giữa thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX, hội thảo đã đạt được sự đồng thuận cao, khẳng định những cống hiến to lớn sau đây:
1. Các chúa Nguyễn đã có công mở rộng lãnh thổ về phía nam đến tận đồng bằng sông Cửu Long và xác lập chủ quyền vững chắc trên vùng đất mới.
2. Tiếp tục thành tựu của phong trào Tây Sơn đã xóa bỏ tình trạng phân chia Đàng Trong - Đàng Ngoài, đặt cơ sở cho sự khôi phục nền thống nhất, Nguyễn Ánh và triều Nguyễn đã hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước trên lãnh thổ rộng lớn bao gồm cả Đàng Trong và Đàng Ngoài.
3. Xây dựng và củng cố quốc gia thống nhất trên lãnh thổ tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện đại, bao gồm cả đất liền và hải đảo ven bờ cùng quần đảo trên biển Đông. Triều Nguyễn là một vương triều quân chủ tập quyền có những mặt hạn chế về chế độ chuyên chế, về một số chính sách đối nội, đối ngoại, nhưng cũng đạt nhiều tiến bộ về mặt quản lý quốc gia thống nhất, về cải cách hành chính, xây dựng thiết chế và cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước tổ chức rất quy củ.
4. Thời kỳ các chúa Nguyễn và triều Nguyễn để lại một di sản văn hóa đồ sộ bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể. Di sản này trải rộng trên cả nước từ bắc chí nam, là kết quả lao động sáng tạo của nhân dân ta, của cộng đồng các thành phần dân tộc Việt Nam, của các nhà văn hóa kiết xuất tiêu biểu cho trí tuệ và tâm hồn dân tộc. Di sản này được kết tinh trong một số di sản đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới nghĩa là hàm chứa những giá trị mang ý nghĩa toàn cầu như Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình, phố cổ Hội An. Do thái độ phê phán, lên án trước đây về nhà Nguyễn nên một thời việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản này có phần bị hạn chế.
4. Trong số những vấn đề đặt ra trong hội thảo, bên cạnh những vấn đề nhất trí như trên còn những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và thảo luận:
1. Về hành động Nguyễn Ánh cầu cứu đem 5 vạn quân Xiêm vào Gia Đinh, ký hiệp ước Versailles năm 1787, dựa vào lực lượng viện trợ của Bá Đa Lộc. Trên thực tế, 5 vạn quân Xiêm đã bị quân Tây Sơn đánh tan ở trận Rạch Gầm-Xoài Mút năm 1785 và Hiệp ước Versailles không được thực thi vì sự bùng nổ của cách mạng Pháp năm 1789. Còn viện trợ do Bá Đa Lộc vận động từ các thuộc địa Pháp thì lực lượng tuy không nhiều nhưng cũng có tác dụng giúp Nguyễn Ánh trong việc xây thành lũy, huấn luyện quân sĩ, phát triển thủy quân, mua sắm vũ khí... và hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của Nguyễn Ánh. Khi xem xét ngoại viện, điều quan trọng là cần phân tích và làm sáng rõ hành động cầu ngoại viện có được kiểm soát trên cơ sở giữ được chủ quyền, đưa lại lợi ích cho đất nước hay không, nếu dẫn đến mất chủ quyền, mất độc lập là phạm tội làm mất nước, một tội ác không thể dung thứ. Trên tinh thần đó, tuy còn những khác biệt nhất định nhưng hội thảo đều cho rằng hành động đưa 5 vạn quân Xiêm vào Gia Định là một "điểm mờ", một "tỳ vết" trong cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ánh.
2. Vấn đề canh tân đất nước của triều Nguyễn được thảo luận khá sôi nổi và còn những ý kiến khác biệt. Mọi người đều thống nhất cho rằng trong bối cảnh thế kỷ XIX, canh tân đất nước là một yêu cầu bức xúc ảnh hưởng đến sự tồn vong của dân tộc. Trên bình diện thế giới, khi các nước phương Tây đã bước vào thời đại phát triển tư bản chủ nghĩa và văn minh công nghiệp thì tình trạng tiền tư bản và tiền công nghiệp của Việt Nam và phương Đông nói chung đã bộc lộ sự chậm tiến, sự lạc hậu so với thời đại. Nếu không canh tân để khắc phục tình trạng lạc hậu của đất nước thì khó bảo toàn được sự tồn tại độc lập của quốc gia, không tạo nên tiềm lực để đương đầu thắng lợi với những thách thức mới của thời đại. Thời nhà Nguyễn đã có nhiều đề nghị cải cách dâng lên nhà vua. Nhưng chúng ta nên phân biệt những đề nghị cải cách như sửa đổi ít nhiều chế độ tuyển dụng quan lại, quản lý công trình thủy lợi, mở mang khai hoang, chỉnh đốn giáo dục... trên nền tảng không thay đổi của kết cấu kinh tế xã hội phong kiến, với những cải cách mở cửa khai thông giao thương, phát triển công thương nghiệp, học tập kỹ thuật phương Tây, nâng cao trình độ quốc phòng... vươn lên tầm nhìn thời đại.
Những cải cách sau mãi đến thời Tự Đức mới xuất hiện với những điều trần đầy tâm huyết và nỗi trăn trở của những trí thức cấp tiến như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Huy Trứ, Bùi Viện... Xu hướng cải cách như vậy là chậm và tuy vua Tự Đức có lúc quan tâm, nhưng không chấp nhận và thực hiện như một chủ trương của triều đình. Đây là mặt hạn chế lớn của triều Nguyễn và hội thảo cũng đã trao đổi sơ bộ về những nguyên nhân bên trong và bên ngoài cũng như trách nhiệm của triều Nguyễn và thấy cần thiết phải nghiên cứu sâu hơn nữa.
3. Cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1858 đến 1884 do triều Nguyễn lãnh đạo đã kết thúc thất bại. Hội thảo nhất trí nhận định để mất nước là một trách nhiệm nặng nề không thể thoái thác và biện hộ của triều Nguyễn với cương vị triều đình nắm chủ quyền quốc gia. Nhưng nguyên do mất nước cần phải nghiên cứu sâu sắc trong những nguyên nhân trực tiếp và sâu xa, nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt phải đặt trong bối cảnh khu vực và thế giới, cần so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Những nguyên nhân trực tiếp thì khá rõ như chủ trương không nhất quán khi chủ chiến, khi chủ hòa, khi lúng túng giữa chủ chiến và chủ hòa, tổ chức và lãnh đạo kháng chiến phạm nhiều sai lầm về chiến lược và chiến thuật, nhất là không huy động được sức mạnh đoàn kết dân tộc, sức mạnh toàn dân đánh giặc, bỏ lỡ nhiều cơ hội đáng tiếc... Nhưng hội thảo nhận thấy cần nghiên cứu sâu hơn trong cả quá trình dẫn đến thất bại của triều Nguyễn, trong đó mối quan hệ giữa canh tân đất nước và bảo vệ độc lập dân tộc là rất quan trọng.
Ngoài những vấn đề trên, trong hội thảo cũng có người đề cập đến hệ tư tưởng Nho giáo, chính sách ngoại thương có phải là "bế quan tỏa cảng" hay không, chính sách và giải pháp đối với Ki Tô giáo, chính sách đối với các nước láng giềng, nguyên do tình trạng xã hội bất ổn định thời Nguyễn... Nhưng do điều kiện thời gian, hội thảo không mở rộng phạm vi thảo luận mà chỉ trao đổi, gợi ra một số ý kiến để cùng nghiên cứu.
5. So với yêu cầu đặt ra từ đầu, có thể kết luận hội thảo đã thành công tốt đẹp. Thành công lớn nhất là hội thảo đã đạt được sự nhất trí cao đến mức độ đồng thuận cho rằng thái độ phê phán, lên án toàn diện các chúa Nguyễn và triều Nguyễn trước đây dù có lý do của nó, nhưng đã đến lúc cần phải thay đổi. Kéo dài nhận thức cũ đã gây ra sự phản đối trong nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, đã tạo nên nhiều phản ứng bất bình trong tâm lý xã hội và công luận. Trên cơ sở đó, hội thảo đã xác lập một nhận thức mới về thời kỳ các chúa Nguyễn và triều Nguyễn, công nhận và tôn vinh những cống hiến lớn lao của chúa Nguyễn và triều Nguyễn trong sự nghiệp mở mang lãnh thổ về phía nam, thống nhất đất nước và xây dựng quốc gia thống nhất trên lãnh thổ rộng lớn tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện đại và để lại một di sản văn hóa đồ sộ, một bộ phận tạo thành quan trọng của di sản văn hóa dân tộc.
Hội thảo cũng nhất trí nêu lên những mặt hạn chế của thời kỳ chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Tuy còn nhiều vấn đề đang tồn tại nhưng hội thảo đã tạo nên một hướng nhận thức mới để cùng tiếp tục nghiên cứu và thảo luận. Đây là một đổi mới quan trong trong nhận thức về chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Nhưng cần nhấn mạnh "đổi mới" hoàn toàn không có nghĩa là lật ngược lại vấn đề, chuyển từ cực đoan phê phán sang cực đoan tôn vinh một chiều mà là nhận thức lại trên cơ sở những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất ở trong nước và trên thế giới với những luận chứng khoa học có sức thuyết phục.
Những kết quả của hội thảo cần được quảng bá trong xã hội, cần được tiếp thu trong chỉ đạo công việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, trong biên soạn lịch sử Việt Nam, trong chỉnh sửa sách giáo khoa phổ thông. Tất nhiên hội thảo khoa học chỉ đưa ra các tư vấn và kiến nghị khoa học, còn công việc thực thi thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng của hệ thống chính trị hiện nay.
Nhận thức lịch sử một cách khách quan, trung thực, công bằng là trách nhiệm của giới sử học và các thế hệ hôm nay, biểu thị một thái độ sòng phẳng đối với quá khứ. Đó cũng chính là cơ sở khoa học quan trọng để giải tỏa những bất bình, những mặc cảm bị dồn nén bởi những nhận thức sai lầm trước đây, từ đó góp phần ổn định xã hội, tăng cường sự đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp chấn hưng dân tộc, xây dựng đất nước văn minh, giàu mạnh hiện nay.
 
GS Phan Huy Lê (Báo Người Hà Tĩnh)

3, Việt Nam trong thế kỷ XIX - Một cách nhìn khác

KHI nhận xét về triều đình nhà Nguyễn, Lê Thành Khôi đã viết: “dửng dưng với nhịp bước của các biến cố quốc tế dù cuộc chiến á phiện đã báo động, triều đình Huế, vì khinh bỉ bọn “bạch quỷ” và nghi ngại những kỹ thuật của họ, vẫn cố giữ đất nước ở trong một trạng huống cô lập huy hoàng” (1).
Đọc bài viết của Frédéric Mantienne(2) và trong quá trình thu thập tài liệu về mối quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong thế kỷ XIX, chúng tôi đã tình cờ phát hiện ra 1 chi tiết khá lý thú về chuyến “dương trình hiệu lực” của Cao Bá Quát vào năm 1844 đến vùng Hạ Châu thuộc Đông Nam Á. Trong bài viết này, dựa trên những tư liệu của Việt Nam và của nước ngoài, chúng tôi sẽ đưa ra 1 số thông tin nhằm thấy rõ hơn về mục đích của phái bộ Việt Nam đi Hạ Châu và 1 số vấn đề cần trao đổi.
 Trước hết, chúng ta cần xác định rõ vị trí của vùng Hạ Châu thuộc khu vực Đông Nam Á mà bài viết này đề cập đến.
 Trong bộ Đại cương lịch sử Việt Nam do Trương Hữu Quýnh chủ biên thì thấy địa danh Hạ Châu được đề cập: “Khác với các triều trước, nhà Nguyễn nắm độc quyền ngoại thương khá chặt và trên cơ sở đó, tổ chức các chuyến buôn và công cán ở nước ngoài. Từ năm 1824, Minh Mạng đã sai người đi công cán ở Hạ Châu (Singapore) và Giang Lưu Ba (Indonexia). Sau đó, từ các năm 1831 - 1832 trở đi, việc cử thuyền đi công cán, buôn bán ngày càng nhiều sang Hạ Châu, Giang Lưu Ba, Quảng Đông, Lữ Tống (Luy xông – Philippin), Boocnêô, Băng cốc… Hàng đem bán là gạo, đường, lâm thổ sản quý, hàng mua về là len, dạ, vũ khí, đạn dược. Nhân hoạt động này, một số thương nhân giàu có cũng lén lút chở gạo, lâm thổ sản quý sang Hạ Châu hay Quảng Đông buôn bán”(3).
Đại Nam Thực lục (4) đã viết: “trước kia, dưới triều Minh Mạng chắc hẳn là chuyến đi vào tháng 11 năm Minh Mạng thứ 21, tức 1840”, Trí Phú đã được phái đi mua tàu hơi nước, đó là các tàu Yên Phi, Vụ Phi, và Hương Phi, … Nhưng những tàu này chỉ thuộc loại cỡ nhỏ. Trong cùng mục tháng 7 năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), Thực lục cho biết: “Đào Trí Phú về lại từ Tây dương, mua một chiếc tàu hơi nước trị giá hơn 28 vạn quan tiền...”.
Trong thời điểm đó, Siam và Việt Nam là hai nước láng giềng có quan hệ rất xấu. Khi chiến tranh Nha phiến vừa bùng nổ, vì nghe tin đồn là các chiến hạm Anh ở Trung Quốc sẽ tiện đường “ghé viếng thăm Siam" một khi chiến tranh kết thúc, vua Siam lo sợ nên đã đặt mua nhiều súng ống và một chiếc tàu chạy bằng hơi nước qua công ty của Robert Hunter lo về việc mậu dịch giữa Bangkok với các nước Âu Châu. Vì các mặt hàng vua Siam đặt mua đến chậm, đến lúc sắp sửa giao hàng thì chiến tranh Nha phiến đã kết thúc và nỗi lo sợ của người Siam bị vạ lây với Trung Quốc cũng đã vơi dần. Chính vì vậy, vua Siam eo sách, không chịu mua chiếc tàu chạy bằng hơi nước theo giá hai bên đã thỏa thuận lúc ban đầu. Hunter do đó mới đề nghị bán cho người Việt Nam (đối thủ của người Siam). Kết quả là Hunter bị trục xuất ra khỏi Bangkok, tuy sau đó có được phép trở về Siam để thu hồi tài sản. “Trong thời gian ở Singapore, ông ta đã hoàn tất thủ tục bán chiếc tàu chạy bằng hơi nước cho người An Nam”(5).
Trong khi đó, nhìn lại mậu dịch giữa Việt Nam với các thuộc địa Anh thuộc vùng Hạ Châu chỉ bắt đầu sau khi tân cảng Singapore trở thành thuộc địa của người Anh (1819). Trước đó hầu như không có dấu vết gì về mậu dịch giữa Campuchia và Cochin-China với các thuộc địa Anh ở trên eo biển.
Theo số liệu thống kê của Toàn quyền Anh ở Singapore, John Crawfurd, năm 1821, số thuyền mành đến Singapore từ hai nước này và Siam là 21 chiếc, và 3 năm sau (1824) số thuyền đến Singapore tăng lên thành 70 chiếc mỗi năm. Mậu dịch với Singapore rất bị hạn chế vào thập niên 1820, bởi lẽ phần lớn những sản phẩm của Cochin-China chỉ thích hợp với thị trường Trung Quốc, và chỉ có giai cấp thượng lưu ở Cochin - China và quân đội của nhà vua mới có nhu cầu về những hàng bông và hàng nỉ của Anh. Hàng nỉ của Anh dùng may trang phục cho quân đội của nhà vua hầu hết được đặt mua từ Quảng Đông. Mậu dịch giữa An Nam và Singapore do người Hoa trong nước đảm nhiệm.
Báo cáo của Toàn quyền Anh ở Singapore John Crawfurd về London cho biết là năm 1825 đánh dấu một mốc quan trọng trong việc mậu dịch giữa Cochin-China và Singapore. Vào năm ấy, “nhà vua [vua Minh Mạng] gửi hai thuyền mành có trang bị vũ khí cùng quan viên sang Singapore để mua hàng nỉ và hàng thủy tinh”. Sau đó, nhà đương cuộc Anh đã “khám phá là những quan viên này đến Singapore có nhiệm vụ nghiên cứu nhằm báo cáo về tình hình trên những thuộc địa của người Âu Châu ở eo biển Malacca”. Tuy người ta không biết trong báo cáo đó đã ghi những gì, nhưng sau lần thăm viếng đó, triều đình “đã giành độc quyền mậu dịch với Singapore” (6).
Báo cáo trên đã cho chúng ta thấy rằng nếu như khả năng xuất khẩu của Việt Nam bị giới hạn trong thập niên 1810, khi nó vẫn còn phải phấn đấu để phục hồi từ sự tổn hại của các cuộc nội chiến hồi cuối thế kỷ thứ XVIII.  Tổng số trọng tải đầu thập niên 1820 chắc chắn ít hơn 30.000 tấn mỗi năm, phán đoán theo sự ước lượng của Crawfurd trong năm 1823(7). Song vận tải đường biển đã gia tăng một cách rõ rệt trong các thập niên sau đó. Mậu dịch của Việt Nam với Singapore vào khoảng 4.000 tấn trong năm 1823 (8). Con số này đã tăng hơn gấp hai lần vào khoảng 10.000 tấn trong năm 1839, và vào năm 1857 nó lên tới 31.000 tấn, hay một sự tăng trưởng gấp 7 lần(9).
Từ những cứ liệu trên chúng tôi không chia sẻ lối khẳng định phiến diện của Lê Thành Khôi khi ông viết về triều Nguyễn.
Và nó hoàn toàn phù hợp với nhận định của Frédéric Mantienne: “Thời kì 1790-1802 đánh dấu sự chuyển đổi trong thái độ của người Việt đối với đại dương và các nước khác. Trong vòng 12 năm, dân tộc Việt Nam, những người trước đó bị cho là không hợp với các chuyến hải hành đường dài, đã học được các kỹ thuật nước ngoài, áp dụng chúng trong hoàn cảnh địa phương để xây dựng một hạm đội mạnh. Một ví dụ mang tính biểu tượng cho sự mở cửa của Việt Nam ra với biển: đoàn sứ thần do nhà Nguyễn gửi đến Trung Quốc để xin hoàng đế nhà Thanh công nhận triều Nguyễn đã đi bằng đường biển thay vì đi qua biên giới phía Bắc như hàng thế kỷ trước đó.
Trong thời hậu chiến, các con tàu kiểu châu Âu cũng được dùng cho việc buôn bán. Chúng không chỉ chở gạo từ miền Nam ra miền Trung Việt Nam, mà còn dùng cho các hành trình ra nước ngoài. Gia Long năm 1802 chấm dứt việc gửi phái đoàn thương mại ra nước ngoài để mua súng đạn, nhưng Minh Mạng sau đó lặp lại lề thói này. Các chuyến hải hành thương mại cũng đem lại cơ hội cho thủy thủ đoàn Việt Nam tập ra biển lớn, và sử dụng kỹ thuật phương Tây. Năm 1823, Minh Mạng ra lệnh cho thủy thủ đoàn học sử dụng các dụng cụ đi biển, học xác định phương hướng. Năm 1835, các chỉ thị tương tự ban hành xoay quanh việc nhập khẩu các kỹ thuật hải trình; năm 1842, đến lượt người kế vị Minh Mạng, Thiệu Trị, ra các chỉ thị như vậy.
Ý chí chính trị học hỏi các kỹ thuật nước ngoài đạt đỉnh cao trong cuối thập niên 1830 khi Minh Mạng ra lệnh mua tàu chạy bằng hơi nước. Phan Huy Chú năm 1833 lần đầu tiên nhìn thấy tàu hơi nước ở Batavia, và Lý Văn Phức mô tả một tàu khác trong chuyến đi đến Calcutta. Năm 1839, Việt Nam mua con tàu hơi nước đầu tiên, sau đó là ba thuyền khác – có tên Yên Phi, Vũ Phi và Hương Phi. Năm 1844, một con tàu lớn hơn được mua, với tên Diễn Phi.
Đáng lưu ý là ngay cả người Pháp, cho đến trước năm 1816-1818, còn chưa dùng tàu hơi nước cho các sứ mạng thương mại. Đến cuối thập niên 1820, các hạm đội Anh và Pháp mới đặt hàng các tàu hơi nước đầu tiên. Tại châu Á, người Hà Lan đặt hàng con tàu hơi nước đầu tiên cho hạm đội của họ năm 1837, và một hai năm sau mới có con tàu thương mại đầu tiên.
Trong khi đó mãi đến thập niên 1830, vua Rama III của Thái Lan mới quyết định chỉ dùng toàn mô hình châu Âu cho hạm đội nhà nước Thái. Tức là trong khi người Thái mới bắt đầu nói về tàu kiểu Tây phương, thì Việt Nam đã mua tàu chạy bằng hơi nước. Có vẻ như trong nửa đầu thế kỷ 19, tại châu Á, Việt Nam thuộc một vài nước đầu tiên quan tâm kỹ thuật hàng hải châu Âu”(10).
 Như vậy chúng ta thấy rằng 3 vị vua đầu tiên của triều Nguyễn không phải là những người đã theo đuổi chính sách bế quan tỏa cảng, mà ngược lại, là những nhà lãnh đạo đã thực hành chính sách mở cửa để tiếp thu và thích nghi các khoa học, kỹ nghệ mới lạ từ bên ngoài có lợi cho quyền lợi của quốc gia.
Với ý chí tiến thủ như thế của triều đình nhà Nguyễn nhưng tại sao 20 năm sau đó khát vọng canh tân nước nhà và những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ lại bị không được chấp nhận? Và không phải chỉ có vậy, các chủ trương mở cửa, giao lưu với bên ngoài của Nguyễn Lộ Trạch, Bùi Viện… đều bị triều đình ngăn cản và thất bại.
Phải chăng nhà Nguyễn lúc này đã phân hóa thành các thế lực, các phe phái dẫn đến có những quan điểm khác nhau trong nhận thức về đối nội và đối ngoại. Một dẫn chứng cho thấy là triều Nguyễn dưới thời vua Tự Đức đã có chính sách cấm đạo cực đoan. Chính sách này rất có thể là một nguyên nhân khiến các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ bị rơi vào quên lãng. Đó là những ẩn số của lịch sử mà chúng ta cần nghiên cứu để xác định./.
 -----------------
(1) Yoshiharu Tsuboi. Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa. Ban KHXH Thành ủy Tp.HCM 1990.
(2) Xem “The Transfer of Western Military Technology to VietNam in the late 18th and early 19th Centuries: The case of the Nguyễn”. Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á. Đại học quốc gia Singapore, số tháng 10 năm 2003.
(3) Trương Hữu Quýnh chủ biên. Đại cương Lịch sử Việt Nam. Tập 1. NXB Giáo dục, 1998.
(4) Quốc Sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục (nhiều tập).Bản dịch tiếng Việt của Trịnh Đình Rư-Trần Duy Hân Hoa Bằng hiệu đính).NXB KHXH,HN, 1971.
(5) Anthony Reid, “A New Phase of Commercial Expansion”, New York: MacMillan Press, 1997, trang 70.
(6) Vĩnh Sính. Thử tìm hiểu thêm về chuyến đi công vụ ở Hạ Châu của Cao Bá Quát. Tạp chí DĐĐT Paris 2004.
(7) (8) Crawfurd, Journal of an Embassy to the Courts of Siam and Cochinchina, Oxford University Press, 1987, trang 513.
(9) Wong Linken, “Singapore: Its Growth as an Entrepot Port, 1819-1941, Journal of Southeast Asian Studies, no. 9, 1978, trang 61.
(10) Xem “The Transfer of Western Military Technology to VietNam in the late 18th and early 19th Centuries: The case of the Nguyễn”. Sđd.
(11) Chu Thiên, Đặng Huy Văn, đồng chủ biên, Hợp tuyển thơ văn yêu nước: thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX , Nhà Xuất bản Văn Học, Hà Nội,1970, trang 416.
(12) Bài dụ: khiển trách viện thương bạc và viện Thừa Thiên Phủ trong tập Tự Đức thánh chế văn tam tập, bản dịch của Bùi Tấn Niên và Trần Tuấn Khải, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa xuất bản, Sài Gòn, 1973, trang 45-46.

4. Từ sự thành lập vương triều Nguyễn đến sự đảo lộn nhận thức về triều đại này trong giai đoạn vừa qua

Như bao triều đại khác tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, vương triều Nguyễn cũng đã được thành lập, phát triển và lụi tàn theo nhịp phế hưng của dòng chảy lịch sử dân tộc và theo đà trôi xuôi man mác của thời gian. Với thời gian làm chủ đất nước dài ngắn khác nhau, triều đại nào cũng có ưu nhược điểm, mặt tích cực và mặt tiêu cực, không nhiều thì ít. Tuy nhiên, sự đánh giá về về những mặt này đối với vương triều Nguyễn có vẻ đặt biệt hơn so với các triều đại khác trong lịch sử nước ta. Đặc biệt ở chỗ người đời chưa có được sự nhất trí trong nhận thức và sự giống nhau trong quan điểm. Chẳng hạn như nếu có người cho rằng nhờ có nhà Nguyễn nên dân tộc ta mới có được một đất nước Việt Nam rộng lớn và hoàn chỉnh như ngày nay, thì kẻ khác lại lên án triều Nguyễn là một triều đại “bán nước” và “cực kỳ phản động”.

Đứng trước tình trạng dị biệt trong việc đánh giá về công và tội của triều đại này như thế, trong khoảng vài thập niên qua, kể từ khi Nhà nước đưa ra chính sách đổi mới trên mọi phương diện, các cơ quan liên quan đến ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhất là ở phía Nam, đã tổ chức cả chục cuộc Hội thảo Khoa học để cố gắng rút ngắn dần khoảng cách trong nhận định của giới sử học và văn hóa học về vương triều Nguyễn. Chúng tôi may mắn từng được tham dự hầu hết các cuộc Hội thảo ấy và nhận thấy kết quả chung là tương đối khả quan mặc dù chuyển biến trong nhận thức của một số người vẫn còn hơi chậm vì định kiến ăn sâu có sẵn từ trước.

  Nay, để góp phần làm rõ hơn cho một số vấn đề liên quan, chúng tôi xin trình bày tham luận của mình với nhan đề “Từ sự thành lập vương triều Nguyễn đến sự đảo lộn nhận thức về triều đại này trong giai đoạn vừa qua”.

 I. Sự thành lập vương triều Nguyễn: 

Để đánh giá bất cứ sự kiện hay vấn đề nào, một trong những việc phải làm là cần tìm hiểu về nguồn gốc xuất hiện của nó, bao gồm hoàn cảnh chính trị xã hội và xuất xứ, lai lịch cũng như thân thế của những cá nhân, dòng họ hoặc cộng đồng có liên quan, tức là căn cơ của sự việc và động cơ cũng như phẩm chất của người trong cuộc.

  Vương triều Nguyễn tuy chỉ mới được thành lập một cách chính thức vào đầu thế kỷ XIX, nhưng, sự chuẩn bị để đi đến kết quả ấy thì đã bắt đầu từ rất lâu trước đó, muộn lắm là cũng vào thế kỷ XVII.

  Như một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Thanh Hóa là nơi phát tích của những dòng họ vua chúa nổi tiếng trong thời kỳ lịch sử trung cận đại Việt Nam: vua Lê, chúa Trịnh, vua chúa nhà Nguyễn. Nhưng, lịch sử thật trớ trêu. Vì quyền lợi riêng tư, chính những dòng họ đồng hương này có lúc đã trở nên thù địch, muốn loại trừ nhau để tranh bá đồ vương. Bi kịch ấy đã diễn ra sau khi nhà Mạc chiếm ngôi vua Lê vào năm 1527. Từ đó, sự phân cực quyền lực trên chính trường đầy rối ren ở đất Bắc giữa các dòng họ Mạc, Lê, Trịnh, Nguyễn và câu nói chỉ đường đầy hấp dẫn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” đã đẩy đưa Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa năm 1558, rồi kiêm nhiệm xứ Quảng Nam năm 1570.

  Đây là những mốc thời gian đáng ghi nhớ trong quá trình hình thành và phát triển của lãnh thổ Đàng Trong. Mãi cho đến khi gần lìa đời vào năm 1613, Nguyễn Hoàng còn dặn Nguyễn Phúc Nguyên, người con sắp lên kế vị mình, rằng: “Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang và sông Gianh hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời” (1).

  Bằng chính sách mềm dẻo và chiến lược khôn khéo được lòng dân, chúa Tiên Nguyễn Hoàng và các thế hệ chúa Nguyễn kế vị ông đã tiếp tục thực hiện cuộc Nam tiến của dân tộc khởi đầu từ thời Lý, trải qua các triều đại nhà Trần, nhà Hồ, nhà Lê, và cơ bản hoàn thành sứ mạng lịch sử cao cả này để mở ra một đất nước Đại Việt tương đối hoàn chỉnh vào giữa thế kỷ XVIII (Xem Sơ đồ Nam tiến thời các chúa Nguyễn đính kèm).

  Tất nhiên, đến bấy giờ, sông Gianh vẫn còn là nhát dao oan nghiệt chia cắt đất nước thành Đàng Ngoài và Đàng Trong. Nhưng, một Tiến sĩ sử học người nước ngoài gần đây khi nghiên cứu về “Xứ Đàng Trong” thời ấy, đã viết rằng: “Chỉ trong vài trăm năm, người Việt Nam đã tạo ra được một Việt Nam khác về cả lãnh thổ lẫn nhân lực”, tạo ra được một “vùng đất mới”, một xứ “Đàng Trong hội nhập và sáng tạo”, “hoàn cảnh lịch sử đã đặt dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 17 và 18 ở Đàng Trong có cơ hội để phát triển tính linh hoạt về mặt văn hóa, tạo nên những truyền thống mới”, “Đàng Trong đã thành công trong vai trò là một động cơ của sự thay đổi tại Việt Nam trong suốt hai thế kỷ, kéo trọng tâm văn hóa, kinh tế và chính trị của cả nước xuống phía nam. Không có hai thế kỷ này của Đàng Trong, cuộc Nam tiến hẳn đã không thành” (2).

  Trong hai thế kỷ ấy, Đàng Trong đã được đặt dưới sự lèo lái của 9 đời chúa Nguyễn sau đây (2):

 Stt  Huý danh                 Công thụy        T/gian trị vì     Miếu hiệu truy tôn
1 Nguyễn Hoàng               Chúa Tiên        1558-1613       Thái tổ Gia dũ Hoàng đế
2 Nguyễn Phúc Nguyên    Chúa Sãi           1613-1635      Hy tông Hiếu văn Hoàng đế
3 Nguyễn Phúc Lan           Chúa Thượng   1635-1648      Thần tông Hiếu chiêu Hoàng đế
4 Nguyễn Phúc Tần           Chúa Hiền         1648-1687     Thái tông Hiếu triết Hoàng đế
5 Nguyễn Phúc Thái          Chúa Nghĩa       1687-1691      Anh tông Hiếu nghĩa Hoàng đế
6 Nguyễn Phúc Chu          Quốc chúa         1691-1725     Hiển tông Hiếu minh Hoàng đế
7 Nguyễn Phúc Chú           Ninh vương       1725-1738     Túc tông Hiếu ninh Hoàng đế
8 Nguyễn Phúc Khoát        Võ vương          1738-1765     Thế tông Hiếu võ Hoàng đế
9 Nguyễn Phúc Thuần       Định vương       1765-1775     Duệ tông Hiếu định Hoàng đế

  Tuy nhiên, theo bước thăng trầm của lịch sử mọi triều đại, ngai vàng của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã bị lung lay ngay sau cái chết của chúa Nguyễn Phúc Khoát vào năm 1765.

 Từ đó, Quốc phó Trương Phúc Loan, một con người vừa tham quyền vừa tham tiền, đã khuấy động cả triều đình Phú Xuân. Bằng mọi thủ đoạn gian ác, ông đưa hoàng tử thứ 16 của vị chúa thứ 8 là Nguyễn Phúc Thuần mới 11 tuổi còn trẻ dại lên nối ngôi để lợi dụng. Sự lộng quyền của Trương Phúc Loan đã làm thất nhân tâm từ Trung ương đến địa phương, làm cho bộ máy cai trị của nhà chúa yếu kém dần và lâm vào tình trạng bị “dột từ trên nóc dột xuống”.

  Đó chính là lý do khiến ba anh em nhà Tây Sơn nổi dậy ở Quy Nhơn vào năm 1771, chống lại chính quyền sở tại và mở rộng ảnh hưởng ra ở các địa phương lân cận. Với chiêu bài “phù Nguyễn diệt Trương”, phong trào khởi nghĩa này nhắm đến mục tiêu trước mắt là mang lại sự công bằng và no ấm cho người nghèo trong xã hội.

  Biến động chính trị ấy lại trở thành cái cớ để chúa Trịnh Sâm ở Đàng Ngoài vận dụng sách lược “đục nước béo cò” bằng cách sai lão tướng Hoàng Ngũ Phúc kéo hàng vạn quân vượt sông Gianh vào Phú Xuân lấy cớ diệt trừ Trương Phúc Loan và xin mượn đường đi thẳng qua bên kia đèo Hải Vân để tiêu diệt “loạn” Tây Sơn giùm cho nhà Nguyễn. Tất nhiên, triều đình Phú Xuân thừa biết âm mưu lợi dụng cơ hội ấy, cho nên bố trí một phòng tuyến để đối phó. Nhưng, lực lượng chống chọi quá yếu. Bắc quân tiến đánh Đô thành Phú Xuân, chúa tôi họ Nguyễn đã phải xuống thuyền di tản vào Nam để lánh nạn và chờ dịp khôi phục cơ đồ.

  Sau khi làm chủ vùng đất Thuận Hóa vào năm 1775, quân Trịnh vượt qua đèo Hải Vân và tạo ra một liên minh bất đắc dĩ với lực lượng Tây Sơn để tìm cách tiêu diệt hẳn triều đình lưu vong của chúa Nguyễn Phúc Thuần ở tận trong Nam. Chiếm cứ Quảng Nam trong một thời gian ngắn, quân Trịnh rút về Thuận Hóa. Dù liên minh vừa nói bị đổ vỡ, nhưng quân Trịnh vẫn làm chủ được vùng Thuận Hóa - Phú Xuân cho đến năm 1786.

  Đây là thời điểm phong trào Tây Sơn đã lớn mạnh. Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc cử bào đệ là Nguyễn Huệ kéo quân từ Qui Nhơn ra đánh chiếm Phú Xuân. Chiến thắng trận này, ông đã dùng mưu nhiều hơn là dùng sức. Quân Trịnh đại bại, chỉ còn lại một ít tàn binh chạy trốn ra Bắc. Thuận Hóa - Phú Xuân lại thêm một lần đổi chủ. Sẵn đà chiến thắng, Nguyễn Huệ tiếp tục tiến quân ra Bắc với chiêu bài “diệt Trịnh phù Lê”. Thành công theo dự kiến, ông đã tiến thêm một bước trong việc xóa bỏ ranh giới sông Gianh từng chia cắt đất nước ra làm hai miền từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Nguyễn Nhạc phong cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương đóng bản doanh tại Phú Xuân để canh giữ địa bàn từ Thuận Hóa trở ra.

Năm 1788, để duy trì cái ngai vàng ọp ẹp của mình, nhà Lê cầu viện Trung Hoa và Tôn Sĩ Nghị đã kéo 29 vạn quân Thanh sang Thăng Long chuẩn bị loại bỏ nhà Tây Sơn. Đứng trước tình hình “dầu sôi lửa bỏng” ấy, Bắc Bình Vương lên ngôi Hoàng đế với niên hiệu Quang Trung, mở cuộc Bắc phạt, và với chiến thuật thần tốc, chỉ sau 5 tuần lễ, đã đánh tan quân Thanh ở Thăng Long vào đầu xuân năm Kỷ dậu (1789). Trong quãng đời làm tướng và làm vua của mình, đây là công trạng to lớn và sáng ngời nhất của vị anh hùng dân tộc. Tuy nhiên, vua Quang Trung chết vì bệnh quá sớm giữa lúc mới 40 tuổi vào năm 1792. Sự chia rẽ trong gia đình nhà Tây Sơn vốn manh nha từ trước, nay có dịp bộ lộ rõ hơn, sự kế vị của vua Cảnh Thịnh lúc 10 tuổi (4) và sự mâu thuẫn giữa một số quan tướng đương thời đã gây ra tình trạng nội bộ lủng củng cho triều đại, ngay cả tại triều đình Phú Xuân. Tình trạng này làm cho nhà Tây Sơn ngày càng suy yếu.

 Đây là cơ hội để cho lực lượng lưu vong của hậu duệ các chúa Nguyễn từ trong Nam tiến dần ra khôi phục cơ đồ.

  Trở lại với diễn biến lịch sử vào đầu năm 1775 tại Thuận Hóa khi quân Trịnh vào đánh chiếm xứ này. Trong nhóm người thuộc triều đình chúa Nguyễn phải bỏ thành Phú Xuân đi tị nạn vào thời điểm ấy, có một cậu bé mới 13 tuổi tên là Nguyễn Phúc ánh (sinh năm 1762). Cậu bé này là con của cố thế tử Nguyễn Phúc Côn (còn đọc là Luân: 1733-1765) và là cháu nội của chúa Nguyễn Phúc Khoát; tuy còn trẻ tuổi, nhưng trên quá trình sống lưu vong, đã nuôi dưỡng ý chí “khắc phục cựu kinh” của tổ tiên mình một cách bền bỉ.

  Vào thời gian cuối đời, chúa Nguyễn Phúc Khoát có ý định lập người con trai thứ 2 là Nguyễn Phúc Côn làm thế tử, vì người con đầu là Nguyễn Phúc Chương đã chết sớm vào cuối năm 1763. Nhưng khi chúa vừa qua đời thì quyền thần Trương Phúc Loan thay đổi di chiếu, phế bỏ hoàng tử Côn, lập mưu bắt giam vào ngục và đưa hoàng tử thứ 16 là Nguyễn Phúc Thuần mới 11 tuổi lên kế vị để dễ bề khuynh loát như trên đã nói. Trong mấy tháng bị giam giữ, hoàng tử Côn lo buồn mà sinh bệnh, đến khi về nhà thì mất, cũng vào năm 1765.

  Mười năm sau đó, đoàn người lưu vong theo chúa Nguyễn Phúc Thuần vào tá túc trong một thời gian ngắn ở Quảng Nam, rồi vượt biển vào Gia Định năm 1776. Tại đây, họ đã tập hợp được một lực lượng trung thành với các chúa Nguyễn đi theo phò tá, trong đó có Mạc Thiên Tứ, Đỗ Thanh Nhân ... Bấy giờ, chúa Nguyễn Phúc Thuần giao cho Nguyễn Phúc ánh giữ chức Chưởng sứ, thường cùng ông bàn tính việc quân. Nhưng, năm 1777, Nguyễn Huệ đem quân từ Qui Nhơn vào đánh Gia Định, chúa tôi nhà Nguyễn phải chạy xuống Định Tường, Cần Thơ, rồi Long Xuyên. Quân Tây Sơn đuổi theo, bắt được chúa và đoàn tuỳ tùng, họ đều bị giết, chỉ trừ Nguyễn Phúc ánh là người đã kịp rời đất liền ra trốn tránh ở đảo Thổ Châu. Sau đó, ông trở về Long Xuyên tụ tập được một số người thân tín và tái khởi binh đánh chiếm lại Sài Gòn. Năm 1778, ông được các tướng tá dưới trướng tôn lên làm Đại nguyên soái quyền coi việc nước. Năm ấy, ông mới 16 tuổi (17 tuổi ta). Hai năm sau, ông được tôn lên ngôi vương, cũng tại Sài Gòn (5). “Rồi từ đó, suốt 24 năm trời, nghĩa là từ 1778 đến 1802, Nguyễn [Phúc] ánh đã liên tiếp chống lại kẻ thù họ Nguyễn. Trong thời gian đó, khi thắng, khi bại, khi chơi vơi trên mặt biển, khi lưu lạc đất người, ông không bao giờ nản chí, luôn luôn theo đuổi nghĩa lớn, và nhờ đó, cuối cùng gây dựng được cơ đồ cũ, thống nhất được giang sơn, ... [lên ngôi] với đế hiệu Gia Long, cai trị trên một lĩnh thổ to rộng hơn bao giờ hết về trước, và lĩnh thổ này, chính ông đã đặt cho tên Việt Nam” (6).

 Trước đó, đã có khi dòng máu của thời các chúa Nguyễn suýt bị đứt mạch bởi quân Trịnh rồi nhà Tây Sơn, nhưng, do có ý chí sắt đá của một hậu duệ là Nguyễn Phúc ánh mà nó vẫn tiếp tục chảy và có ảnh hưởng đến lịch sử dân tộc Việt Nam trong một thời gian khá dài về sau. Từ một kẻ lưu vong không còn một mảnh đất để cắm dùi, ông đã kiên trì giữ gìn huyết thống và uy tín của dòng họ, nên đã khôi phục được cơ đồ cho tổ tiên và thống nhất đất nước sau 275 năm nội chiến (1527-1802).

 Trong “Việt Nam sử lược”, tác giả Trần Trọng Kim đã dành ra một chương với tiêu đề “Nguyễn vương nhất thống nước Nam” để khẳng định Nguyễn Phúc ánh là người đã “đem giang sơn về một mối, nam bắc một nhà, làm cho nước ta thành một nước lớn ở phương nam” (7).
 Li Tana thì viết: “... Chính đồng bằng sông Cửu Long đã cứu họ Nguyễn. Đối với Nguyễn [Phúc] ánh, nó trở thành một chân trời khác, một căn cứ đầy tiềm lực của đồng bằng sông Cửu Long, cách riêng, thóc gạo tại đây, đã giúp Nguyễn [Phúc] ánh có thể đánh bại Tây Sơn ..., thiết lập triều Nguyễn và một quốc gia thống nhất mới” (8).

 Nếu nói cho công bằng thì sự thống nhất quốc gia vào đầu thế kỷ XIX không phải là công riêng của ông vua đầu triều Nguyễn, mà nó đã được đặt sẵn nền tảng trước đó trên dưới hai thập nên với việc xóa bỏ ranh giới sông Gianh khi quân Trịnh mở cuộc Nam chinh vào đầu năm 1775 và nhất là lúc hoàng đế Quang Trung mở cuộc Bắc phạt vào năm 1788 như trên đã nói. Và, việc thiết lập vương triều Nguyễn cũng đã dựa trên nền tảng của một số triều đại tiền nhiệm trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, mà căn cơ đặc biệt và quan trọng nhất của vương triều này vẫn là thời các chúa Nguyễn.

 Gia Long là vị vua khai sáng vương triều. Nó kéo dài 143 năm (từ 1802 đến 1945) qua 13 đời vua; xin liệt kê như sau:

 Stt       Huý danh                     Niên hiệu         T/gian trị vì            Miếu hiệu
1   Nguyễn Phúc Ánh                Gia Long           1802-1819           Thế tổ Cao Hoàng đế
2   Nguyễn Phúc Đảm                Minh Mạng        1820-1840          Thánh tổ Nhân Hoàng đế
3   Nguyễn Phúc Miên Tông       Thiệu Trị           1841-1847          Hiến tổ Chương Hoàng đế
4   Nguyễn Phúc Hồng Nhậm     Tự Đức             1848-1883          Dực tông Anh Hoàng đế
5   Nguyễn Phúc Ưng Chân       Dục Đức            1883 (3 ngày)    Cung tông Huệ Hoàng đế
6   Nguyễn Phúc Hồng Dật         Hiệp Hòa           1883 (4 tháng)      (Phế đế)
7   Nguyễn Phúc Ưng Đăng       Kiến Phúc           1884                  Giản tông Nghị Hoàng đế
8   Nguyễn Phúc Ưng Lịch         Hàm Nghi            1885                      (Xuất đế)
9   Nguyễn Phúc Ưng Đường   Đồng Khánh       1886-1888          Cảnh tông Thuần Hoàng đế
10  Nguyễn Phúc Bửu Lân        Thành Thái         1889-1907               (Phế đế)
11  Nguyễn Phúc Vĩnh San        Duy Tân            1907-1916                (Phế đế)
12  Nguyễn Phúc Bửu Đảo       Khải Định           1916-1925           Hoằng tông Tuyên Hoàng đế
13  Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy      Bảo Đại             1926-1945

  Nay nhìn lại lịch sử 143 năm trải qua 13 đời vua ấy, các nhà sử học dễ nhất trí với nhau rằng có thể chia đại khái ra làm hai giai đoạn. Gia đoạn độc lập tự chủ tồn tại dưới đời các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và một phần đời vua Tự Đức. Nhưng, sau cái chết của vị vua thứ tư này thì thực dân Pháp đã có thể gây áp lực trực tiếp lên chính triều đình Huế, buộc Nam triều phải ký Hiệp ước Patenôtre (6-6 - 1884) và tước đoạt nền độc lập của Việt Nam. Mặc dù ngay sau đó, ngọn lửa giành lại chủ quyền có loé lên vào năm 1885 dưới thời Hàm Nghi, rồi Thành Thái và Duy Tân, nhưng lực bất tòng tâm, Kinh đô thất thủ, Việt Nam hoàn toàn bị đặt dưới quyền cai tị của người Pháp. Vương triều Nguyễn tuy không bán nước nhưng đã để mất nước (cho  đến năm 1945). Tất nhiên, đây là khó khăn chung của các nước nhược tiểu mà triều đình nhà Nguyễn không thể vượt qua được thời đại trong tình hình Đông - Tây bấy giờ. Nhược điểm này chính là lý do mà một số người đã nêu ra để báng bổ vương triều ấy một cách nặng lời nếu không nói là quá đáng. Chủ yếu là do nhận thức phiến diện và thái độ cực đoan của một gian đoạn lịch sử.

II. Sự đảo lộn nhận thức về triều Nguyễn trong giai đoạn vừa qua:

Trong khi đang viết bài tham luận này, chúng tôi đọc được một cuộc phỏng vấn ngắn của nhà báo Minh Thi đối với nhà thơ Nguyễn Duy đăng trên báo Lao Động số ra ngày 16-7-2008 với nhan đề “Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ”. Đây là câu thơ mà Nguyễn Duy dùng để mở đầu cho kịch bản phim “Đi tìm dấu tích 3 vua lưu đày” đang được Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Nội dung cuộc phỏng vấn rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Khi trả lời câu hỏi tại sao lại phải “khơi dòng lịch sử bị nghẽn” vào thời điểm này, nhà thơ Nguyễn Duy thổ lộ: “Lịch sử có cách đi của nó. Cho đến bây giờ, nhiều người biết rằng nhà Nguyễn có công lớn đối với nước nhà, nhưng không hiểu tại sao và từ lúc nào, lại bị biến dạng, bị hạ thấp một cách oan sai về thang bậc giá trị lịch sử và văn hóa. Cho đến nay, đã có 10 hội thảo về nhà Nguyễn, nhưng chỉ là hội thảo khu vực, để nhìn nhận về một góc của vấn đề lịch sử thời ấy. Sắp tới, vào tháng 10, lần đầu tiên mới có một cuộc hội thảo quốc gia mang tính quốc tế do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức với chủ đề “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn”, nhằm kỷ niệm 450 năm ngày Chúa Nguyễn Hoàng đi mở đất. Cùng với hội thảo này, hy vọng bộ phim của chúng tôi có đóng góp một chút gì đó, dù rất nhỏ, xây dựng một cái nhìn mới về nhà Nguyễn. Bởi lẽ, nếu không công tâm với lịch sử thì sẽ không thực thi được công bằng xã hội... Minh bạch với quá khứ là phẩm chất tối thiểu của đạo lý” (9).

  Lời thổ lộ vừa nêu tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa một số nội dung liên quan đến cuộc hội thảo này, trong đó có thắc mắc “không hiểu tại sao và từ lúc nào, [nhà Nguyễn] lại bị biến dạng, bị hạ thấp một cách oan sai về thang bậc giá trị lịch sử và văn hóa”.
  Để trả lời phần nào cho thắc mắc ấy, chúng tôi xin nêu ra một cách cụ thể hai trong những tư liệu chính thống được viết với định kiến của một giai đoạn trước đây.

  - Vào năm 1961, ngay trước khi cho ấn hành tập đầu tiên (trong số 38 tập) của bản dịch bộ “Đại Nam thực lục”, Viện Sử học đã viết “Lời giới thiệu” về bộ sách, trong đó có những nhận định như sau:
  “Những sự kiện lịch sử xảy ra trong khoảng thời gian từ Nguyễn Hoàng đến Đồng Khánh [1558-1888], những công việc mà các vua [chúa] nhà Nguyễn đã làm trong khoảng thời gian 330 năm ấy, ... tự chúng tố cáo tội ác của nhà Nguyễn trước lịch sử của dân tộc chúng ta.
  “Theo lệnh của các vua nhà Nguyễn, bọn sử thần của nhà Nguyễn làm công việc biên soạn “Đại Nam thực lục” đã cố gắng rất nhiều để tô son vẽ phấn cho triều đại nhà Nguyễn ...
Nhưng bọn sử thần ấy vẫn không che giấu nổi các sự thật của lịch sử. Dưới ngòi bút của họ, sự thật của lịch sử ... vẫn phơi bày cho mọi người biết tội ác của bọn vua chúa phản động, không những chúng đã cõng rắn cắn gà nhà, mà chúng còn cố tâm kìm hãm, đày đọa nhân dân Việt Nam trong một đời sống tối tăm đầy áp bức” (10).

  - Sau đó đúng 10 năm, vào năm 1971, Uỷ ban Khoa học Xã hội đã biên soạn và cho ấn hành tập I của bộ “Lịch sử Việt Nam” gồm 8 chương mà chương cuối cùng dành để viết về phong trào Tây Sơn và vương triều Nguyễn. Trong chương này, các tác giả của nó đã lên án triều Nguyễn như sau:
  “Triều Nguyễn là vương triều phong kiến cuối cùng dựng lên bằng một cuộc chiến tranh phản cách mạng nhờ thế lực xâm lược của người nước ngoài. Gia Long lên làm vua lập ra triều Nguyễn sau khi đàn áp cuộc chiến tranh cách mạng của nông dân ... Triều Nguyễn là vương triều tối phản động ... Bản chất cực kỳ phản động của chế độ nhà Nguyễn bộc lộ rõ ngay từ đầu qua những hành động khủng bố, trả thù vô cùng đê hèn của Nguyễn ánh đối với các lãnh tụ nông dân và những người thuộc phái Tây Sơn kể cả phụ nữ và trẻ em ...
  “Chính quyền nhà Nguyễn hoàn toàn đối lập với nhân dân và dân tộc. Nó chỉ đại diện cho quyền lợi của những thế lực phong kiến phản động, tàn tạ, nó không có cơ sở xã hội nào khác ngoài giai cấp địa chủ. Vì vậy, các vua nhà Nguyễn từ Gia Long (1802-1819) đến Minh Mệnh (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1847-1883) đều rất sợ nhân dân và lo lắng đề phòng các hành động lật đổ. Chính vì kiếp nhược trước phong trào nhân dân mà nhà Nguyễn không dám đóng đô ở Thăng Long, phải dời vào Huế”. Sau hai tiểu mục “Nhà Nguyễn khôi phục chế độ phong kiến phản động” và “Chế độ quân chủ chuyên chế cực kỳ phản động” mang nội dung đại khái như vừa trích dẫn, các tác giả của chương sách này tiếp tục phê phán vương triều Nguyễn về những lĩnh vực khác với các tiêu đề lớn nhỏ, như “Tăng cường bộ máy đàn áp”, “Bộ máy quan lại hủ lậu mục nát”, “Chế độ áp bức bóc lột nặng nề”, “Chính sách kinh tế lạc hậu và phản động”, “Chính sách đối ngoại mù quáng”, v.v... (11).

  Chưa hết, trong tập II của bộ “Lịch sử Việt Nam” xuất bản vào năm 1985, các tác giả thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội còn trở lại “đánh” triều Nguyễn bằng những từ ngữ sau đây: “triều đình nhà Nguyễn thối nát và hèn mạt” (tr. 11), “Vương triều Nguyễn tàn ác và ngu xuẩn” (tr. 15), “cực kỳ ngu xuẩn” (tr. 17), “tên chúa phong kiến bán nước số 1 là Nguyễn ánh... Nguyễn ánh cầu cứu các thế lực ngoại bang giúp hắn thỏa mãn sự phục thù giai cấp” (tr. 29), v.v... (12).

  Đọc “Lời giới thiệu” trong bản dịch bộ “Đại Nam thực lục” và học các chương mục lịch sử chính thống với những lời lẽ như vừa nêu, độc giả và học sinh sinh viên trong cả nước chắc hẳn đều phải phẫn nộ và căm thù các vua chúa nhà Nguyễn đến tận xương tuỷ! Có một điều ghi rõ trong “Lời nhà xuất bản” ở tập II của bộ “Lịch sử Việt Nam” là sách này đã được “viết theo đề cương” và “tư tưởng chỉ đạo” từ trên xuống (13). Nghĩa là các tác giả đã viết theo quan điểm lập trường của lãnh đạo chứ không phải viết theo tư duy sử học của cá nhân. 

  Nhưng, cũng ngay trong những năm của thập niên 1980, đã có những sử gia, những nhà nghiên cứu, từng đưa ra một cách công khai và thẳng thắn quan điểm riêng của mình về triều Nguyễn. Chẳng hạn như vào năm 1987, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã viết trên tạp chí Sông Hương rằng:
  “Nhưng tôi không thích nhà làm sử cứ theo ý chủ quan của mình và từ chỗ đứng của thời đại mình mà chửi tràn chửi lấp toàn bộ nhà Nguyễn cho sướng miệng và ra vẻ “có lập trường”(14).

  Có thể xem đây là một trong những người đầu tiên phát biểu ý kiến cần phải nhận thức lại một cách trung thực và khách quan về vương triều cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Trong ngót hai thập niên từ đó đến nay (1987-2008), nhiều cuộc hội thảo khoa học và nhiều công trình nghiên cứu đã dần dần đem lại một cái nhìn dễ chịu hơn chứ không còn gay gắt như trước đối với vương triều này. Chúng tôi hy vọng cuộc hội thảo được tổ chức ở Thanh Hóa, quê hương nhà Nguyễn, càng đẩy nhanh tiến độ nhận thức lại và cung cấp những cứ liệu lịch sử đầy đủ hơn để đánh giá một cách công bằng về vương triều ấy.

  Nhìn chung, vấn đề nào cũng có hai mặt của nó, kể cả “tấm huy chương” mà một số sử gia, trong đó có các nhà bỉnh bút ở Quốc Sử Quán, Nội Các và Hàn Lâm Viện triều Nguyễn, đã gắn cho vua Gia Long nói riêng và vương triều Nguyễn nói chung. Nhưng, vì chính vua Gia Long là người muốn giành lại vương quyền cho dòng họ mình để thành lập triều Nguyễn với bất cứ giá nào, kể cả việc cầu viện ngoại bang, cho nên, con cháu ông sau đó đã phải trả một cái giá rất đắt khi quân đội thực dân Pháp đến xâm lược nước ta.

  Dù sao, trong bài viết vừa nêu, Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng đã đưa ra một nhận định đầy công tâm và rất chính xác: “Có thời Nguyễn, chúng ta mới có một Việt Nam hoàn chỉnh như ngày nay” (15).

  Cuối cùng, chúng tôi xin cung cấp một mẩu tư liệu thực địa liên quan đến niềm tự hào của vị vua đầu triều Nguyễn khi ông vừa thống nhất sơn hà, mở ra một triều đại mới và bắt đầu tái thiết quốc gia. Mẫu tư liệu rất ngắn gọn, chỉ gồm 4 câu thơ ngũ ngôn, được khắc chạm để trang trí ở một liên ba nằm ngay trước ngai vàng đặt tại nội thất điện Thái Hoà trong Hoàng thành Huế. Toà cung điện vàng son lộng lẫy ấy vốn được xây dựng vào năm 1805 và tồn tại cho đến ngày nay. Bốn câu thơ được phiên âm như sau:
 “Văn hiến thiên niên quốc,Xa thư vạn lý đồ.Hồng Bàng khai tịch hậu,Nam phục nhất Đường Ngu”.
 Tạm dịch:
 Nước ngàn năm văn hiến,Vạn dặm một sơn hà.Từ Hồng Bàng khai quốc.Thịnh trị Việt Nam ta.Có thể xem đây là bản tuyên ngôn thống nhất quốc gia và độc lập dân tộc của vương triều Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX trong lịch sử nước nhà.

Chú thích:
(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục”, bản dịch của Viện Sử học, tập I (Tiền biên), NXB Sử học, Hà Nội, 1962, tr. 44.
(2) Li Tana, “Xứ Đàng Trong”, bản dịch của Nguyễn Nghị, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, tr. 36, 213, 214.
(3) “Đại Nam thực lục”, tập đã dẫn, tr. 27-264. Xem thêm: Vĩnh Cao và các cọng tác viên, “Nguyễn Phúc tộc thế phả”, NXB Thuận Hóa, Huế, 1995, tr. 101-199.
(4) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, “Đại Nam liệt truyện”, bản dịch của Viện Sử học, NXB Thuận Hóa, Huế, 1993, tập 2, tr. 530.
(5) “Đại Nam thực lục”, bản dịch đã dẫn, tập II, tr. 27-33.
(6) Nguyễn Phương, “82 năm Việt sử 1802-1884”, Đại học Sư phạm Huế xuất bản, Huế, 1963, tr. 13-14.
(7) Trần Trọng Kim, “Việt Nam sử lược”, NXB Tân Việt, in lần thứ 7, Sài Gòn, 1964, tr. 385-405.
(8) Li Tana, sách đã dẫn, tr. 219.
(9) Minh Thi, “Nhà thơ Nguyễn Duy: Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ”, báo Lao Động, số 161/2008, ngày 16-7-2008, tr. 5.
(10) “Lời giới thiệu” của Viện Sử học về bộ “Đại Nam thực lục”, bản dịch đã dẫn, tập I, tr. 6-7.
(11) Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, “Lịch sử Việt Nam”, tập I, NXB KHXH, Hà Nội, 1971, tr. 368-386 (In 300.500 cuốn).
(12) Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, “Lịch sử Việt Nam”, tập II, NXB KHXH, Hà Nội, 1985, tr. 7-33 (In 15.500 cuốn).
(13) Sách vừa dẫn, tr. 7.
(14) Trần Quốc Vượng, “Vài suy nghĩ về vị thế xứ Huế và vị thế lịch sử của nó”, tạp chí Sông Hương, Huế, số 25, tháng 5-6 năm 1987, tr. 75.
(15) Trần Quốc Vượng, bài đã dẫn, tr. 74. 

Phan Thuận An
(Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế).






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét