Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của Đảng và Hồ Chủ tịch- Yếu tố quan trọng hàng đầu dẫn đến chiến thắng Điện Biên Phủ


Nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của Đảng và Hồ Chủ tịch- Yếu tố quan trọng hàng đầu dẫn đến chiến thắng Điện Biên Phủ
Báo Bắc Ninh
Chiến thắng Điện Biên Phủ ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng đó do nhiều yếu tố tạo thành, trong đó nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của Đảng và Hồ Chủ tịch là yếu tố quan trọng hàng đầu dẫn đến thắng lợi vẻ vang.
 
Sau bảy năm tiến hành chiến tranh, quân Pháp trên chiến trường Đông Dương ngày càng lún sâu vào bị động, bế tắc và chịu nhiều tổn thất to lớn. Để cứu vãn tình thế đó, Chính phủ Pháp đã cử tướng bốn sao Nava thay tướng SaLăng làm Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Nava đã vạch ra một kế hoạch quân sự mới gồm 2 bước nhằm tìm cho nước Pháp “một lối thoát trong danh dự”.
Bước 1: Trong chiến cuộc 1953-1954, giữ thế phòng ngự ở phía Bắc vĩ tuyến 18 và tìm cách tránh giao chiến lớn với ta. Ngược lại, ở phía Nam, tập trung lực lượng tiến công ta để ổn định miền Trung và Nam Đông Dương.
Bước 2: Khi đã đạt được ưu thế thì mùa thu 1954 sẽ thực hành tiến công ở miền Bắc nhằm tạo ra một hình thái quân sự cho Pháp đưa ra một giải pháp có lợi để rút khỏi cuộc chiến tranh trên thế người chiến thắng.
Vào cuối tháng 9-1953, tại Tỉn Keo, Định Hoá, Thái Nguyên, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã mở Hội nghị bàn về nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954. Trong Hội nghị này, Bộ Chính trị phân tích cục diện chiến tranh, tình hình các chiến trường và âm mưu mới của Pháp và Mỹ. Bộ Chính trị khẳng định kế hoạch Nava tuy có gây cho ta những khó khăn mới, nhưng bản thân nó là một sản phẩm bị động, nên chứa đựng nhiều mâu thuẫn và có nhiều nhược điểm không thể khắc phục được. Đồng thời Bộ Chính trị đề ra chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954 là: Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào hướng quân Pháp sơ hở, đồng thời bằng cách đánh vận động tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch khi quân Pháp đánh sâu vào vùng tự do của ta, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng địch hậu…
Bộ Chính trị cho rằng: Điểm mấu chốt là tìm cách phá tan lực lượng cơ động chiến lược của quân Pháp vừa được tổ chức xây dựng. Trong Hội nghị của Bộ Chính trị, mưu kế chiến lược đó được Hồ Chủ tịch khái quát bằng một cử chỉ hết sức đơn giản, như lời kể sau này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Bàn tay Bác đang đặt trên bàn bỗng giơ lên rồi nắm lại, sau đó Bác lại mở xoè rộng năm ngón tay ra năm hướng. Người nói: địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh, không sợ! Ta buộc địch phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn.
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị và Hồ Chủ tịch, mở đầu chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, Đại đoàn 316 được lệnh tiến quân lên Tây Bắc, bước ra quân chiến lược đầu tiên đã điểm đúng huyệt quân địch, khiến Nava vội vã điều 6 tiểu đoàn cơ động tăng cường cho Điện Biên Phủ, biến nó thành một tập đoàn cứ điểm mạnh với binh lực lên tới hơn 9 tiểu đoàn. Nava muốn tương kế tựu kế, biến Điện Biên Phủ thành một pháo đài vững chắc, vừa là một cái chốt, một cái bẫy có đủ sức mạnh sẵn sàng nghiền nát các sư đoàn chủ lực của ta, đồng thời vẫn giữ được nước Lào. Như vậy, với việc tăng cường các tiểu đoàn cơ động và xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh đã làm cho kế hoạch Nava bị đảo lộn. Về phía ta cũng tương kế tựu kế, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Hồ Chủ tịch: căng địch ra trên toàn chiến trường Đông Dương mà đánh, trói địch lại trên chiến trường Điện Biên Phủ để tiêu diệt. Điện Biên Phủ trở thành điểm tựa chọn cho trận quyết chiến chiến lược.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Hồ Chủ tịch, qua năm đòn tiến công chiến lược ta đã điều động và giam chân khoảng 70 tiểu đoàn trong tổng số 84 tiểu đoàn cơ động chiến lược của địch trên chiến trường Đông Dương. Quả đấm mạnh của địch đã bị xoè ra thành 5 ngón tay. Chính Nava cũng phải thừa nhận rằng: Hơn 80% lực lượng cơ động của quân Pháp đã bị phân chia ra các chiến trường Đông Dương và khi ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ thì lực lượng cơ động chiến lược của địch không thể tập trung lớn để đối phó.
Như vậy, Nghị quyết Bộ Chính trị 9-1953 là sự mở đường đi tới những thắng lợi trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 6-12-1953, Hồ Chủ tịch chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị để nghe Tổng Quân uỷ báo cáo quyết tâm, kế hoạch tác chiến tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh “Trần Đình” và thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân uỷ. Bộ Chính trị ra Nghị quyết thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Điện Biên Phủ và cử đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tổng tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ mặt trận. Giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hồ Chủ tịch căn dặn: “Tướng quân tại ngoại, giao cho chú toàn quyền quyết định. Chắc thắng thì đánh, không chắc chắn thì kiên quyết không đánh”.
Mệnh lệnh của Bác Hồ khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ mặt trận thật ngắn gọn, súc tích, song lại hàm chứa nội dung rộng lớn, bao trùm toàn bộ phương hướng chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ. Như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: để bảo đảm cho chiến dịch Điện Biên Phủ chắc thắng, đồng chí đã phải thức trắng một đêm, suy xét vấn đề phương châm tác chiến của chiến dịch, để sáng hôm sau (ngày 26-1-1954) họp Đảng uỷ mặt trận đề nghị thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
Quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch của Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh chiến dịch được Bộ Chính trị và Hồ Chủ tịch đồng ý. Bởi vì, phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” chỉ phù hợp khi ta có ưu thế hơn địch, có đủ sức mạnh để nhanh chóng phá vỡ thế phòng ngự liên hoàn, vững chắc của địch. Đối với Điện Biên Phủ, vào thời điểm ta xác định phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”, quân địch chưa tăng thêm nhiều quân, công sự chưa kiên cố, ta còn giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ. Nhưng đến giữa tháng 1-1954, quân Pháp đã tập trung một lực lượng lớn, gồm: 17 tiểu đoàn cơ động, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội máy bay, với tổng quân số là 16.200 tên. Về trận địa, quân Pháp đã có 3 tháng để xây dựng thành hệ thống cứ điểm liên hoàn, có hầm ngầm cố thủ, có hoả lực pháo binh, không quân chi viện đắc lực cho bộ binh, xe tăng phản kích. Từ thực tiễn trên không cho phép ta “đánh nhanh, thắng nhanh” mà phải thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc” để giành thắng lợi.
Công tác bảo đảm, phục vụ hậu cần cho chiến dịch trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, được Bộ Chính trị và Hồ Chủ tịch đặc biệt quan tâm. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ thành lập Hội đồng cung cấp cho Mặt trận Điện Biên Phủ do đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng làm Chủ tịch. Khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Do đó, trong suốt quá trình chuẩn bị, thực hành chiến dịch, chúng ta đã xây dựng được thế trận hậu cần vững chắc, có chiều sâu đáp ứng mọi yêu cầu và tình huống của chiến dịch.
Do tính chất đặc biệt quan trọng của chiến dịch trước ngày nổ súng, Bác Hồ đã gửi thư động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ, dân công trên Mặt trận Điện Biên Phủ. Tiếp đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ Mặt trận đã ra lời kêu gọi tất cả cán bộ, chiến sĩ, tất cả các đơn vị kiên quyết, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.
Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, qua mỗi đợt tiến công, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy mặt trận luôn kiểm tra, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Sau tiến công đợt 2, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết chỉ đạo Đảng uỷ và Bộ Chỉ huy Mặt trận khắc phục khó khăn, quyết đánh thắng quân địch, huy động toàn lực của nhân dân, chính phủ làm mọi điều cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trịnh Khắc Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét