Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Giá từng thước đất


Giá từng thước đất
Đây là tên bài thơ của nhà thơ Chính Hữu viết sau chiến thắng Điện Biên Phủ.

Khi bạn ta / lấy thân mình / đo bước / Chiến hào đi, / Ta mới hiểu / giá từng thước đất, / Các anh ở đây / Trận địa là đây, / Trận địa sẽ không lùi nửa thước, / Không bao giờ, / không bao giờ để mất / Mảnh đất / Các anh nằm.
Từng thước đất thấm máu này giành lại từ tay kẻ thù không chỉ là ở chiến trường. Bởi những người lính đánh trận Điện Biên, những người lính Cụ Hồ đi suốt hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, là những người nông dân yêu nước thương nhà. Họ cầm súng lên đường từ nỗi đau “những cánh đồng quê chảy máu”, từ nỗi hờn căm “Bát cơm chan đầy nước mắt / Bay còn giằng khỏi miệng ta / Thằng giặc Tây, thằng chúa đất / Đứa đè cổ, đứa lột da” (Nguyễn Đình Thi). Do vậy, sự giải phóng đất nước ở đây trước hết là giải phóng đất đai quê hương xứ sở khỏi sự chiếm đóng của quân ngoại bang, khỏi sự chiếm đoạt của những tên chúa đất, đem lại cho người nông dân mặc áo lính mảnh đất sinh sống của họ để sau chiến trận họ “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”.
Bước vào chiến dịch Đông-Xuân 1953-1954 và trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, những người nông dân mặc áo lính đã được thúc đẩy bởi một động lực lớn lao do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ phát động là cuộc “giảm tô giảm tức” ở hậu phương, tiến tới cho “người cày có ruộng”. Họ đã ra trận, đã chiến đấu, đã hy sinh trong niềm vui đất đai về tay mình. Đất đai với họ là đất nước. Bất kỳ kẻ thù nào động đến đất đai tiên tổ là động đến đất nước, là “ta phải chiến đấu quét sạch nó đi”. Họ đã hóa thân thành đất nước non sông, từ chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 đến chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Một nhà thơ đã ca ngợi: “Đất nước đi đây hết thảy Con Người / Bóng họ tỏa mênh mang ngày nắng gắt / Họ đi như gió họ đứng như rừng / Lúc nằm xuống họ hóa thành mặt đất”(Thanh Thảo).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam có một khái niệm là “địa hình” chỉ những vùng đất trống trơn do kẻ thù quyết tâm tiêu diệt mọi biểu hiện sự sống, quyết không cho cách mạng có chỗ bám trụ. Nhưng ở nơi tưởng như đất chết vẫn có con người sống, đó là người dân tin theo cách mạng và các cán bộ cách mạng kiên trì bám dân giữ đất. Không có những người dân như vậy, những cán bộ như vậy, cách mạng đã bị đánh bật ra khỏi địa bàn và thắng lợi cuối cùng đã không thể có được.
Những trận bão đi qua nén thành dấu vết
Đất nằm im như chết
Có bao giờ đất chết đâu anh
(Thanh Thảo)
Những chiến binh Điện Biên còn sống nay đã về già, đã rơi rụng theo thời gian bởi quy luật đời người. Nhưng chiến công của họ, sự hy sinh của các đồng đội họ luôn nhắc nhở các thế hệ đang sống không được quên máu đã đổ trên đất đai, máu đã làm thắm lá cờ, và máu đã xây nên chế độ. Tất cả rồi trở về với đất. Tất cả biến đi chỉ trừ mặt đất / Mặt đất không chạy được / Vẫn lỳ gan như một tấm lưng trần / Tấm lưng gồng lên trời như đòn gánh / Đòn gánh giờ trĩu nặng vai anh... (Trần Mạnh Hảo).
Trận chiến Điện Biên Phủ đã lùi lại gần 60 năm. Nhưng “giá từng thước đất” trong chiến hào, trên chiến trường và giữa đời thường, vẫn còn rớm máu và nước mắt. Đừng quên họ!
PHẠM XUÂN NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét