Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) - 60 năm sau nhìn lại

Ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) - 60 năm sau nhìn lại


Sáu mươi năm đã trôi qua, nhìn lại ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), với những tài liệu, hồ sơ đã được giải mật hoặc những chi tiết cho đến nay mới công bố, chúng ta có thể nhận thức đầy đủ hơn sự kiện này và rút ra được nhiều điều bổ ích. Bài viết này tập trung vào những sự kiện xảy trước ngày 19-12-1946, chủ yếu ở phía đối phương, để từ đó càng thấy rõ hơn những đối sách của Đảng, Chính phủ ta để xử lý các tình huống cực kỳ gay go phức tạp thời kỳ đó.
Hiệp định Sơ bộ 6-3, một thỏa ước tình thế, "hoà để tiến" và bản Tạm ước "hoãn binh" 14-9-1946
Hiệp định Sơ bộ được ký một cách gấp gáp trong hoàn cảnh đặc biệt, với nội dung mập mờ, mỗi bên đều có thể hiểu theo cách riêng của mình, nhưng có chung một điểm là đẩy lùi nguy cơ xung đột quân sự. Âm mưu của thực dân là tái lập sự thống trị thuộc địa đã lỗi thời, mặc dù có điều chỉnh chút ít theo bản Tuyên bố ngày 24-3-1943 về Đông Dương của ủy ban dân tộc giải phóng nhân dân Pháp (CFLN) do tướng De Gaulle đứng đầu, công bố tại Alger (thủ đô Algérie), một chủ trương đã bị thực tế Cách mạng Tháng Tám Việt Nam bác bỏ. Dựa vào thế lực quân đội Anh, theo sự phân công của Đồng minh vào giải giáp quân Nhật từ Vĩ tuyến 16 trở vào, nhà cầm quyền mới của nước Pháp đã thực hiện dễ dàng ý định đó ở Campuchia và Hạ Lào. Nhưng tại Nam Bộ, họ đã vấp phải cuộc kháng chiến quyết liệt của quân dân Nam Bộ, được các đơn vị Nam tiến từ miền Bắc vào chi viện. Tuy nhiên, so sánh lực lượng lúc đó chỉ cho phép ta giữ được phần lớn nông thôn. Còn các thành phố, thị trấn lớn nhỏ cùng các trục giao thông quan trọng đều do quân địch chiếm giữ. Nhưng quân Pháp vẫn không nhanh chóng bình định được Nam Bộ. Từ đầu năm 1946, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp Leclerc đã nghĩ đến việc đem quân ra Bắc để vừa hoàn thành tái chiếm Đông Dương, vừa giải quyết tình hình Nam Bộ mà họ thấy chìa khóa để giải quyết vấn đề là Chính phủ Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Vấn đề đặt ra là làm sao tránh đổ máu mà vẫn thực hiện được đưa quân ra miền Bắc, thực hiện chính sách “tằm ăn dâu”. Vừa dàn xếp với Chính quyền Tưởng Giới Thạch, vừa điều đình với Chính phủ Hồ Chí Minh. Ngày 16-1-1946, Tướng Lư Hán-Tổng chỉ huy quân Tưởng ở Bắc Đông Dương, thoả thuận để Pháp tổ chức lại và trang bị mới cho trên 3.000 tàn binh Pháp, đang ẩn náu ở Vân Nam từ sau đảo chính Nhật 9-3-1945, được vào Lào thay thế Sư đoàn 93 quân Trung Hoa dân quốc, bằng cách đi qua miền Tây Bắc Bắc Bộ. Tướng Salan và Đại tá Crépin được phái đi Trùng Khánh để thương lượng với Tưởng Giới Thạch về việc đưa quân Pháp từ Sài Gòn ra Bắc để thay thế quân Trung Hoa dân quốc, đổi lấy một số quyền lợi về kinh tế bằng Hiệp ước Pháp-Hoa ký ngày 28-2-1946 tại Trùng Khánh.
5 ngày sau, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ta ra Chỉ thị ngày 3-3-1946, nhận định: “… Hiệp ước Pháp-Hoa là chuyện chung của phe đế quốc và bọn tay sai của chúng ở thuộc địa. Dù nhân dân ta muốn hay không muốn, nhất định chúng sẽ thi hành hiệp ước ấy”. Ta không thể chống lại việc Pháp sẽ đưa quân ra Bắc, trong khi Pháp có thể lôi kéo cả Trung Hoa dân quốc vào để hợp sức đánh ta với lý do ta chống lại Đồng minh. Về phía Pháp, chúng thấy không thể đủ sức mở rộng xung đột quân sự ra miền Bắc, trong lúc Nam Bộ chưa bình định xong. Vì vậy, chúng ký với ta Hiệp định 6-3: Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính của mình, là một thành viên trong Liên hiệp Pháp.
Nguyên tắc chủ quyền của Việt Nam và nền thống nhất của Việt Nam chưa được đưa vào văn bản như là quyền cơ bản của Việt Nam.
Cái được lớn nhất đối với ta là ta đã tranh thủ được một thời gian hoà bình, dù rất ngắn ngủi, để xây dựng lực lượng, và quan trọng hơn cả là nhanh chóng đẩy quân Trung Hoa dân quốc ra khỏi nước ta, tránh cho ta một mình phải đối phó với nhiều kẻ thù một lúc, tiếp đó là tạo cho nước ta có một vị trí quốc tế nhất định.
Qua những tình thế gấp gáp của tháng 3-1946, Pháp đã triển khai quân ở các điểm theo thoả thuận giữa hai bên ở miền Bắc, thì sự căng thẳng từng nơi từng lúc đã xuất hiện ngay sau đó. Cuộc đàm phán chính thức tại Fontainebleau họp từ ngày 6-7 đến 13-9-1946 nhưng không đạt được một sự thoả thuận nào. Phái đoàn ta lên đường về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lại cố gắng nhân nhượng lần cuối cùng để có bản Tạm ước Việt-Pháp ký đêm khuya 14-9-1946 giữa Người và Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet. Bản Tạm ước gồm 11 điều khoản, trong đó có một điểm là hai bên hẹn nhau đến tháng 1-1947 sẽ họp lại. Các điều khoản quan trọng khác thể hiện thiện chí nhân nhượng của ta.
Ký Tạm ước nhưng ta nhận rõ chiến tranh là không tránh khỏi. Đảng Cộng sản Đông Dương nhận định: “Nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền của nước, là hại đến quyền lợi cao trọng của dân tộc. Tạm ước 14-9 là bước nhân nhượng cuối cùng. Ta cố gắng kéo dài thời gian hòa hoãn để tranh thủ dư luận, xây dựng và củng cố lực lượng về mọi mặt để sẵn sàng đối phó với tình thế xấu nhất là chiến tranh mở rộng trên phạm vi cả nước. Sự linh hoạt, khôn khéo, mềm dẻo trong đối xử về sách lược đi đôi với tính cứng rắn, vững vàng về nguyên tắc, vừa tranh thủ hoà hoãn cố kéo dài thời gian hoà bình, dù rất mong manh, vừa tích cực chuẩn bị mọi mặt để “bất cứ tình thế nào cũng không để bị bất ngờ”.
Từ Pháp trở về, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Cao ủy Pháp D’Argenlieu trên chiến hạm Dumont d’Urville ghé tại vịnh Cam Ranh ngày 18-10-1946. Phía Pháp lại đưa ra những điều kiện mà ta không thể chấp nhận như trong khi chờ đợi trưng cầu dân ý, Việt Nam phải giải thể cơ quan lãnh đạo kháng chiến Nam Bộ, rút lực lượng vũ trang của ta (mà họ gọi là lực lượng không chính quy) ra khỏi Nam Bộ (và cả Nam Trung Bộ) trở về miền Bắc…
Khúc dạo đầu: Sự kiện Bắc Ninh, Lạng Sơn và Hải Phòng
Theo thoả thuận khi ký Tạm ước 14-9, thời gian hiệu lực thi hành là từ ngày 30-10-1946. Nhưng sau một tuần tạm lắng, tiếng súng lại rộ lên. Địch càn quét, ta chống trả. Chúng củng cố Chính phủ Nam Kỳ tự trị sau khi Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh tự treo cổ ngay trong phòng ngủ (10-11).
ở miền Bắc, Valluy đã tính chuyện làm chủ Hải Phòng để đảm bảo nhận quân tăng viện từ Sài Gòn ra, kiểm soát trục giao thông nối liền Hải Phòng với sân bay Gia Lâm và Hà Nội và nếu cần sẽ rút khỏi các nơi bị cô lập khó bảo vệ như Lạng Sơn, Phủ Lạng Thương (tức thị xã Bắc Giang), Bắc Ninh và thành phố Vinh ở Trung Bộ. Valluy cũng dự tính cả kế hoạch chộp bắt Chính phủ Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, Pháp đã trang bị lại cho số quân Pháp bị Nhật bắt làm tù binh, giam trong thành Hà Nội (do quân Trung Hoa dân quốc quản lý sau khi tiếp nhận đầu hàng của quân Nhật, nay giao lại cho Pháp sau Hiệp ước Pháp-Hoa và Hiệp định Sơ bộ Việt-Pháp). Các thường dân Pháp có khoảng 7.000 người (lúc đó được gọi là Pháp kiều) ở rải rác trong thành phố, tập trung nhất là ở các phố Tây, trong các nhà biệt thự hay nhà xây kiên cố, được cấp vũ khí để “tự vệ”. D’Argenlieu ra lệnh cho Tổng chỉ huy Valluy và Morlière, chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ, đưa quân chiếm đóng Phủ Toàn quyền (tức Phủ Chủ tịch bây giờ). Tiếp đó, Pháp chiếm luôn Bộ Tài chính (tức Bộ Ngoại giao bây giờ, nguyên là Sở Tài chính Đông Dương cũ) và Bộ Giao thông Công chính ở phố Hàng Tre (nguyên là Sở Công chính Đông Dương cũ). Tuy chỉ là những nhà bỏ trống nhưng hành động đó lộ rõ ý đồ Pháp muốn “đòi lại các cơ quan của Phủ Toàn quyền cũ thời Pháp thuộc gọi là Liên hiệp Đông Dương (Union Indochinoise, đến thời Toàn quyền Decoux 1940-1945 mới có tên là Liên bang Đông Dương (Fédération Indochinoise). Ngày 5-12, giữa lúc các vụ xung đột ở Lạng Sơn và Hải Phòng chưa giải quyết xong thì Pháp lại tự ýđổ bộ vào Đà Nẵng một tiểu đoàn Lê dương và một đơn vị pháo binh, bất chấp sự thoả thuận giữa hai bên ghi rõ trong Hiệp định quân sự ký ngày 3-4-1946.
Nổi cộm nhất là vụ Hải Phòng xảy ra ngày 20-11-1946. Về mặt kinh tế và chủ quyền, đây là thương cảng biển duy nhất của ta đem lại nguồn thuế quan khá quan trọng bổ sung cho ngân sách eo hẹp của ta. Nhưng trong Hiệp ước Pháp-Hoa, Pháp nhận cho Trung Quốc có đặc quyền với quy chế cảng tự do. Đương nhiên ta không bao giờ thừa nhận hiệp ước này.
Khi công an và nhân viên thuế quan ta kiểm soát bắt giữ các thuyền buôn Hoa kiều thì Pháp ngăn cản. Hai bên nổ súng. Không khí căng thẳng dần mặc dù có cấp cao nhất trong Ban Liên kiểm Trung ương từ Hà Nội xuống dàn xếp. Sự kiện Hải Phòng đã mau chóng trở thành cuộc xung đột thật sự sau khi Đại tá Dèbes, chỉ huy quân Pháp tại Hải Phòng, nhận lệnh trực tiếp từ tướng Valluy, vượt qua cấp dưới trực tiếp là Tướng Morlière, chỉ huy Bắc Bộ, 7 giờ sáng ngày 23-11, hạ tối hậu thư hẹn trong hai tiếng đồng hồ bộ đội, tự vệ và dân chúng phải rút khỏi Hải Phòng nếu không sẽ bị triệt hạ. Đến 10 giờ 5 phút, quá hạn tối hậu thư hơn một tiếng, quân Pháp tập trung nã pháo từ biển kết hợp máy bay oanh tạc và súng bộ binh các cỡ bắn vào mọi công trình phòng thủ, công sở, doanh trại trong nội thành và cả các nơi chúng cho là tập trung đông người tại các xã ngoại thành Hải Phòng. Quân ta chống trả quyết liệt cho đến ngày 28 mới rút khỏi thành phố. Cuộc chiến đấu bảo vệ Hải Phòng đã để lại nhiều bài học cho cuộc chiến đấu tại Thủ đô Hà Nội sau này. Bị chê trách là kẻ châm ngòi cho cuộc chiến kéo dài 8 năm, ba mươi năm sau, Valluy còn viết bài chống chế, đổ lỗi cho Dèbes quá hăng hái lập công để tranh chức chỉ huy Bắc Bộ của Tướng Morlière, dùng những từ quá mức cần thiết như tối hậu thư,nhân danh Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp Georges Valluythời gian thực hiện tối hậu thư quá ngắn chỉ có ba tiếng cho một thành phố đông dân (trước chiến tranh, Morlière là cấp dưới của Dèbes, nhưng khi Pháp mất nước năm 1940, đã đi theo De Gaulle trước nên đã leo nhanh lên cấp tướng và trở thành chỉ huy của ông ta.
Giữa lúc tình hình Hải Phòng đang nóng bỏng, thì ngày 20-11, lại xảy ra vụ Lạng Sơn. Theo thoả thuận ghi trong hiệp định quân sự ký giữa Võ Nguyên Giáp và Salan, thì mọi sự di chuyển của quân Pháp phải được báo trước cho sĩ quan Liên kiểm đi kèm, nhưng cũng như ở nhiều nơi khác, quân Pháp ở Lạng Sơn đi tìm mồ chôn quân nhân Pháp bị Nhật tiêu diệt ngày 9-3-1945, nhưng không báo cho ta, thế là hai bên nổ súng. Cho đến tối ngày hôm sau, ta phải rút khỏi Lạng Sơn.
Trận tiến công tự vệ đêm 19-12-1946
Đến nay, không ai còn nghi ngờ về sự kiện đêm 19-12-1946 do ai gây ra. Sách báo của Việt Nam mười năm trở lại đây đã nói rõ, sau vụ Hải Phòng, âm mưu dùng bạo lực quân sự của các thế lực phản động trong hàng ngũ thực dân đã rõ ràng, không còn nghi ngờ gì nữa. Phía Việt Nam đã tỏ rõ mong muốn còn nước còn tát vừa để kéo dài thời gian chuẩn bị vừa làm động tác nghi binh để thăm dò thêm ý đồ của địch vừa giành thế bất ngờ. Trong sự kiện Hải Phòng, ta hết sức tỏ thiện chí, kể cả sau ngày 28-11, ta phải rút khỏi Hải Phòng. Ban Liên kiểm vẫn tiếp tục hoạt động. Ngày 2-12, Sainteny trở lại Hà Nội, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Hữu Nam, Hoàng Minh Giám, Phan Mỹ đã ra sân bay Gia Lâm đón y. Ngay ngày hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang mệt, còn nằm trên giường, vẫn tiếp Sainteny. Trong những ngày cuối cùng trước khi xảy ra sự kiện 19-12, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục trao đổi văn thư với đối phương, vẫn gọi họ là “bạn quý mến”. Trong khi đó, ngoài đường phố quân và dân ta vẫn sôi sục không khí chuẩn bị kháng chiến, đào hào đắp luỹ, đục lỗ tường làm đường đi lại qua các nhà hai bên mặt phố, di chuyển cơ quan, sơ tán phụ nữ, người già và trẻ em khỏi thành phố, tổ chức nghi binh, di chuyển quân đội ra vào thành phố... Những vụ xô xát nhỏ liên tục diễn ra trên đường phố. Bộ chỉ huy Mặt trận rà soát kế hoạch, bố trí lực lượng, quán triệt cách đánh. Cho đến gần đây, các nhà nghiên cứu Pháp không bỏ ý kiến là ta nổ súng trước, còn cho rằng ta điều hành kém, thiếu phối hợp giữa các tỉnh, nơi sớm, nơi muộn, không dám đánh vào các vị trí hiểm yếu, nơi tập trung quân Pháp mà chỉ nhằm giết hại thường dân, bắt sống con tin Pháp để làm con bài mặc cả sau này… Điều đó chứng tỏ họ không hiểu gì về cách đánh của một đội quân còn nhỏ yếu trong chiến tranh tự vệ, tận dụng yếu tố bất ngờ trong đêm tối, đánh tiêu hao lực lượng địch trong những trận chắc thắng để giữ gìn lực lượng chiến đấu lâu dài sau này
NGUYỄN VĂN SỰ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét