Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

19/12/1946: Phát lệnh toàn quốc kháng chiến


19/12/1946: Phát lệnh toàn quốc kháng chiến

Giữa tháng 12/1946, không khí chuẩn bị chiến tranh bao trùm cả nước. Hà Nội căng như sợi dây đàn, hầu như đụng vào chiến lũy nào, khu phố nào cũng là lẫy đàn.
Tin tức khắp nơi dồn dập đưa về Trung tâm thụ tín Trung ương.
Xanh-tơ-ni tuyên bố: “đã đến lúc giải quyết thời cuộc bằng quân sự. Quân đội Pháp sẵn sàng hành động.”
Ngày 16/12/1946, Đac-giăng-li-ơ ngạo mạn đòi khôi phục lại các Hiệp ước 1883 và 1884 mà triều đình nhà Nguyễn đã ký với Pháp. Y trắng trợn tuyên bố: “Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng là lãnh thổ của nước Pháp”.
Liên tiếp trong các ngày 15, 16/12/1946 quân Pháp liên tục khiêu khích nổ súng, ném lựu đạn nhiều nơi ở Hà Nội, làm chết nhiều thường dân, bộ đội và công an của ta. Bộ chỉ huy quân đội Pháp phổ biến kế hoạch đánh chiếm Hà Nội và khu vực phía bắc vĩ tuyến 16.
Trưa ngày 17/12/1946, quân đội Pháp cho xe ủi phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, đồng thời gây ra vụ thảm sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và Yên Ninh.
Trưa ngày 18/12, Pháp gửi tối hậu thư đòi chiếm Sở Tài chính, đòi ta phá bỏ công sự và vật chướng ngại trên đường phố. Cũng chiều hôm ấy, Pháp lại gửi tối hậu thư đòi làm nhiệm vụ trị an ở Hà Nội và đe dọa đến sáng 20/12, những điều nêu trên đây không được thực hiện thì “quân Pháp sẽ chuyển sang hành động.”
Sáng ngày 19/12, thực dân Pháp gửi tiếp cho ta một tối hậu thư nữa, ngang ngược đòi tước vũ khí của tự vệ, đòi ta phải đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến, và lần nữa đòi được quyền giữ trật tự trong thành phố. Đây là những giờ phút mà sức chịu đựng của nhân dân ta trước sự khiêu khích, lấn tới của thực dân Pháp đã vượt quá giới hạn. Không thể khác, Tạm ước 14/9 là sự nhân nhượng cuối cùng của Chính phủ và nhân dân ta.
Tuy vậy, Hồ Chủ Tịch vẫn gửi thư cho Xanh-tơ-ni, yêu cầu ông ta gặp đại diện Chính phủ ta để “tìm một giải pháp cải thiện bầu không khí hiện tại”. Xanh-tơ-ni khước từ!
Như vậy là vận mệnh dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng. Một lần nữa nhân dân ta lại đồng lòng nhất trí đứng lên. Dân tộc ta, nhân dân ta không muốn và càng không thể trở lại chuỗi ngày nô lệ lầm than, nghiệt ngã.

Tất cả sẵn sàng

Trưa ngày 19/12/1946, Thường vụ Trung ương Đảng điện cho các Khu và Tỉnh ủy: Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi tước khí giới của quân đội, tự vệ, công an ta. Chính phủ đã bác bỏ tối hậu thư ấy. Như vậy chỉ trong vòng 24 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng. Chỉ thị của Trung ương: “Tất cả hãy sẵn sàng”.
Ngay chiều hôm ấy, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng chỉ huy quân đội quốc gia Việt Nam lệnh cho toàn thể lực lượng vũ trang. Nội dung bản mật lệnh như sau: “Chuyến hàng sẽ đến lúc 18 giờ ngày 21/12. Hàng mang mã hiệu A cộng hai, B trừ hai. Chú ý theo dõi đón hàng đúng giờ”. Ta quy  ước “chuyến hàng sẽ đến” có nghĩa là tổng tiến công bắt đầu. A là giờ cộng thêm hai, B là ngày trừ đi hai. Tức là cuộc Tổng tiến công bắt đầu lúc 20 giờ ngày 19/12/1946. Mệnh lệnh lịch sử đã được chuyển hỏa tốc đến các chiến khu, đơn vị.
Nhận rõ tác dụng mau lẹ của Đài phát thanh, để bảo đảm khắp nơi cùng lúc nhận được chỉ thị tối quan trọng này, Tổng chỉ huy quy ước khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát câu: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Cuộc kháng chiến toàn quốc đã bắt đầu”. Đó là tín hiệu tiến công.
Những thông tin dồn dập cách đây hơn nửa thế kỷ mà chúng tôi cảm thấy như cận kề, như đang tỏa sức nóng. Tôi hỏi bà Dương thị Ngân lúc nước sôi lửa bỏng ấy bà ở đâu? Lo lắng đến mức nào? Bà Ngân từ tốn: “Cậu thì lúc nào cũng hỏi cụ thể, hỏi dồn dập, làm sao mà trả lời ngay được. Để chị nhớ lại đã”.
Bà hơn tôi hai giáp, nhưng vẫn thân mật xưng chị và gọi tôi là em, là cậu. Bà bảo, trước ngày 19/12/1946, bà cùng bộ phận biên tập của Đài ở phố Cambetta (phố Trần Hưng Đạo ngày nay). Quá trưa ngày 19/12/1946 bà Ngân được lệnh về làm việc tại một căn phòng bên cạnh khu điện đài Bạch Mai (128C Đại La ). Không khí Hà Nội lúc ấy căng thẳng lắm, lính lê dương ngang ngược khiêu khích, đi từ ngã tư Cambetta – Bà Triệu về Ngã Tư Vọng mà mất gần tiếng đồng hồ, có cảm giác như phố phường chất đầy phuy xăng, hễ đâu đó cháy que diêm nhỏ sẽ lập tức bùng lên thành ngọn lửa lớn.
Đài Tiếng nói Việt Nam cùng dân tộc đi vào cuộc kháng chiến thần thánh
Cũng sống trong thời khắc lịch sử ấy, mỗi lần nhớ lại, ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Cục phó Cục Điện chính, Tổng cục Bưu điện bồi hồi xúc động, mà khi xúc động thì ông nói chậm chạp, khó khăn và ngắt quãng. Tôi nghe nhiều lần, đối chiếu với tài liệu, khớp nối với lời kể của nhiều người, chắp các mảnh vụn của thời gian và sự kiện mới hình dung ra cái đêm hôm ấy, đêm 19/12/1946 lịch sử ở mảnh đất điện đài Bạch Mai, 128C Đại La.
Tôi gặp ông lần đầu tiên tại 58 Quán Sứ khi ông đã gần kề tuổi tám mươi, đã bị tai biến nhẹ mạch máu não. Tôi nói rành rẽ là “cụ cứ ở nhà C4, tập thể Kim Liên để chúng cháu đến ghi chép chuyện của cụ”, nhưng ông không nghe. Ông bảo: “Không hiểu sao, cứ phải lên Quán sứ, cứ phải về Bạch Mai, cứ phải gặp các đồng chí ở Đài tôi mới nhớ hết chuyện cũ”.
Ông nhớ từ trạm trực chiến đặt trên gác trong khu điện đài Bạch Mai nhìn ra Ngã Tư Vọng, có thể nhìn rõ mọi sự chuyển động dọc đường Một từ bắc xuống nam, chạy ngang từ đường Đại La sang đường Tàu Bay (nay là đường Trường Chinh). Ở đây có trung đội tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu, phân khu Phó Đức Chính, có đơn vị Vệ Quốc đoàn và anh em tự vệ tại chỗ.
Theo lệnh trên phải nhanh chóng phá khu điện đài Bạch Mai, không để rơi vào tay quân Pháp như ở Sài Gòn Gia Định. Sau khi bàn bạc với anh em công nhân xung phong ở cơ sở, Đội công nhân xung phong quyết tử được thành lập ngay. Ban đầu đội có 12 người, nhưng đến phút chót, đội không tiếp nhận một người, vì anh ta tỏ ra do dự. Đã xung phong làm cảm tử quân mà sợ chết thì không thể được, mặc dù ban đầu anh ta tỏ ra hăng hái. Ông Nguyễn Tân báo cáo lên trên là lúc gay go nguy hiểm nhất phải sàng lọc đội ngũ kỹ lưỡng nhất và được chuẩn y. Đội quyết tử gồm 11 người, do ông Nguyễn Văn Tân làm đội trưởng [i] và ông Liên phụ trách.
Anh em trong Đội không gọi nhau bằng tên mà theo bí số từ XP1 đến XP 11 (XP là viết tắt Xung phong). Trong tình thế ngặt nghèo như vậy, xung phong nhận nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm không khó, mà cái khó nhất là phải làm như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ. Mười một anh em chụm đầu suy tính, bàn bạc.
Khu vực điện đài Bạch Mai khá rộng, 4 cột ăngten cao 75m, trải dài ra tận cánh đồng, cách nhà trung tâm hàng trăm mét. Nhà đặt máy phát sóng khá kiên cố, được bao che bằng tường bê tông khá dày, trong khi đó phương tiện bom mìm, chất nổ quá nghèo nàn. Đang lúc rối bời thì anh em bên quân sự đưa sang hai quả bom 50 kg, hai đầu đạn 75ly và một ít kíp nổ, dây cháy chậm. Hôm sau, đội quyết tử được cấp trên cho đồng chí Ký ở Công nhân Cứu quốc đưa xuống một thùng mìn nhựa và dây cháy chậm cùng kíp nổ.
Anh em vui mừng khôn xiết, nhưng khốn nỗi chưa có ai sử dụng thành thạo. Một vấn đề kỹ thuật đặt ra là nếu nổ đơn lẻ thì không thể phá đài phát sóng một lúc. Một số anh em đã từng làm ở mỏ, có kinh nghiệm sử dụng mìn, càng chôn chặt sức công phá càng lớn. Anh em lại nhớ tới hiện tượng cộng hưởng trong VTD, một giọt nước có thể  bẻ gãy một thanh đường ray. Từ đó đi đến kết luận phải làm kíp mìn bằng điện, nổ cùng một lúc mới tạo sức công phá lớn, phá sập các mục tiêu.
Cuối cùng đội Quyết tử đã thành công khi dùng đạn “mut-cơ-tông” bỏ kíp nổ thay bằng dây điện trở đốt cháy thuốc đạn để kích nổ các bom mìn cùng một lúc. Để chắc ăn, anh em tiến hành thực tập tại Trường bắn Tương Mai và mọi việc diễn ra suôn sẻ.
Khoảng 4 giờ chiều ngày 19/12/1946, ông Cừ, phụ trách đội tự vệ Phó Đức Chính đi họp về phổ biến ngắn gọn: “tối nay hành động”. Tin tuyệt đối bí mật, báo riêng từng người đến địa điểm tập trung. Phương án khi điện thành phố tắt phải có ngay điện của khu điện đài Bạch Mai được gấp rút chuẩn bị. Các cửa sổ phải đóng kín, đề phòng lộ mục tiêu, địch bắn phá.
Tối hôm đó bên tự vệ chiến đấu đưa sang cho mỗi đội viên Quyết tử một nắm cơm nắm và một cục đường đỏ, do gia đình một đồng chí ở Hàng Bún giúp đỡ. Ông Tân chậm rãi: “Có lẽ trong đời tôi chưa bao giờ cảm thấy đồng hồ chạy chậm đến như thế. Tôi liếc sang thấy nét mặt anh Đỗ Ái Liên, một trong hai đảng viên và cán bộ phụ trách đội cũng rất căng thẳng.
Qua đường dây điện thoại, lệnh thứ nhất được phát ra: “chuẩn bị phá”.
Anh Liên chiếm lĩnh ngay hố giật bom mìn, anh em trong nhóm thao tác nhanh các công việc chuẩn bị. Tôi cùng anh An đi theo kiểm tra. Vì việc gì cũng thế, chuẩn bị càng kỹ, càng chu đáo thì sơ suất, rủi ro càng ít. Trong lúc này chúng  tôi lo nhất là sai sót, chứ không dám nghĩ đến sai lầm.
Lệnh thứ hai cũng qua điện thoại, anh Cừ thông báo: “sẵn sàng”. Tất cả các đội viên Quyết tử vào vị trí chiến đấu. Anh Cừ cùng tôi đi kiểm tra. Ai cũng yên lặng, mắt chăm chăm nhìn ánh đèn đường phố.
Một công văn hỏa tốc được đưa đến, tôi và anh Cừ dùng đèn pin soi từng chữ: “Ủy ban Kháng chiến ra lệnh phá đài trước khi rút lui”. Chúng tôi đọc lại mệnh lệnh hỏa tốc một lần nữa, như ý của anh Cừ là phải hết sức cẩn thận, làm sai là mất đầu đấy!
Chúng tôi thống nhất, khi giờ G điểm, sẽ có 3 hồi còi, tiếng còi cuối cùng vừa dứt là đóng cầu dao. Anh Cừ đứng ở cửa phía sau đài phát sóng, tôi và anh An vác súng đi sau hộ vệ. Đài phát tín vẫn chạy đều. Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn phát chương trình thường lệ, như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ giây lát nữa thôi tất cả sẽ tan tành, nghĩ vậy tôi vừa tức, vừa tiếc. Bất thần tôi vung kiếm dài chặt mấy nhát vào bảng điều khiển, giọng lạc đi “Giặc Pháp này, chúng mày sẽ chết vì thù hận này!”.
Chúng tôi vần đổ phuy xăng trăm lít xuống đất rồi lặng lẽ ra cửa sau, đóng cửa nhà đặt đài phát sóng. Anh Cừ nhìn tôi, anh Liên, anh An, nhìn anh em rồi từ từ đặt chiếc còi lên miệng. Hồi còi thứ hai vừa dứt, điện thành phố vụt tắt, tiếng đại bác rền vang từ pháo đài Láng.
Bà Dương Thị Ngân kể lại: “Lúc ấy đầu tôi ong lên, tim đập nhanh, hai tay bấm mạnh nút đọc. Trấn tĩnh giây lát, tôi đọc mạnh, dứt khoát: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Tiếng súng đại bác đã nổ ở Hà Nội. Cuộc kháng chiến toàn quốc đã bắt đầu. Buổi phát thanh phải ngừng ở đây. Xin mời đồng bào đón nghe vào sáng mai như thường lệ!”
Tiếng còi thứ ba vang lên. Một tiếng nổ vang dội. Ngọn lửa bốc lên cao. Khu nhà chính đặt máy phát sóng nổ tung. Khu vực nhà máy cơ khí, kho tàng vẫn nằm im dưới ánh lửa. Vì thiếu bom mìn nên anh em dùng phương pháp hỏa công để phá khu này. Dầu madut từ các thùng phuy phụt ra, lênh láng, mồi lửa tung vào, cả nhà máy cơ khí, nhà kho bốc cháy rần rật như chiếc tàu thủy bằng lừa bừng sáng một góc trời Hà Nội.
Đêm ấy, Đài Tiếng nói Việt Nam cùng Hà Nội, cùng cả dân tộc đi vào cuộc kháng chiến thần thánh./. 

[i] Năm 1996, ông Nguyễn Văn Đào, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại thương, năm 1946 là Bí thư Đảng bộ, kiêm Chủ tịch ủy ban kháng chiến Liên khu 2 và ông Trần Lâm, nguyên uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, khóa V, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam, Tổng biên tập đài Tiếng nói Việt Nam, năm 1946 là Giám đốc đài Tiếng nói Việt Nam đã xác nhận ông Nguyễn Văn Tân là Đội trưởng Đội Quyết tử 11 người phụ trách phá đài phát sóng Bạch Mai và cơ sở Vô tuyến điện của Pháp ở đây đêm 19/12/1946.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét