Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Nạn đói 1945

Nạn đói 1945 
Để đến được mùa Thu tháng Tám 1945 lịch sử, dân tộc ta còn phải gánh chịu nhiều đau khổ lắm. Có lẽ ít ai trong chúng ta giờ đây đã phải từng nếm trải cái khổ đau rất "con người" là "nạn đói". Cùng với cả miền Bắc Việt Nam lúc đó, cuối nǎm 1944, đầu nǎm 1945, Thái Bình cũng đã phải gánh chịu "quốc nạn" này. Tôi chỉ xin thuật lại những mẩu chuyện "mắt thấy tai nghe"trong những tháng ngày đen tối ấy. 
Tháng 11 nǎm ấy, tiết trời đặc biệt rét đến sớm hơn mọi nǎm, khiến con người ta ai cũng thấy đói "mọi lúc mọi nơi", chỉ có lúc ních vào thật no cǎng bụng người ta mới cảm thấy đỡ lạnh. Không phải vô lý mà ông bà ta ghép hai từ "đói" và "rét" đi chung với nhau. Càng rét người ta lại càng thấy đói, càng đói người ta lại càng thấy rét, cái vòng luẩn quẩn ấy bao vây dân nghèo ngày một gay gắt hơn bao giờ hết. Thái Bình hồi ấy được mệnh danh là "vựa lúa" của miền Bắc với những cánh đồng "cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi". Nhưng thật trớ trêu, chính ở trên mảnh đất ấy, cái đói đến với tầng lớp "lê dân" mới thật là dữ dội kinh khiếp nhất, vượt quá sức chịu đựng bình thường của con người. 
Quân Nhật thông qua chính quyền bảo hộ Pháp buộc nông dân phải nộp hết thóc lúa cho chúng để phục vụ cho lính "Thiên Hoàng", rồi lại cưỡng ép phá hoại trồng lúa trong vụ Đông Xuân nǎm ấy, để dành đất trồng đay làm bao công sự chiến đấu chống lại quân đồng minh. Thật là "hoạ vô đơn chí", nǎm đó Thái Bình bị mất trắng vụ lúa do bị hạn hán hoành hành khắp nơi, đất đai thiếu nước khô nứt nẻ ra từng mảng, cây trái xơ xác, ruộng vườn hoang vắng tiêu điều. Tất cả những gì ǎn được người ta đã ǎn hết cả rồi, khoai sắn củ còn non biến mất quá nhanh vào dạ dày lép kẹp, rồi gia súc cho mèo đều lần lượt phải "hy sinh" cho bao tử của chủ. Không phải mọi người đều chịu cái đói, ở thành thị, công chức, người đi buôn vẫn sống bình thường, tuy có điều vất vả, chính nông dân ở các làng mới bị đói nhiều ngày trên mảnh đất ruộng vườn của họ. 
Không còn gì để bỏ vào bụng nữa, người dân lam lũ từ các vùng chung quanh bắt đầu ùn ùn kéo nhau về thị xã trung tâm. Nhiều huyện như Kiến Xương, Tiền Hải người ta kiếm ǎn bằng mọi cách để rồi ngã chết ra cả nhà. Những người còn sức đi được thì đi thành từng đoàn, họ lê bước trên những nẻo đường về thị xã với bộ quần áo rách rưới, có người gần như trần truồng vì đã bán những bộ quần áo lành lặn để đi đổi lấy gạo ǎn. Cái đói cái rét cắt thịt như thúc giục họ tiến bước về phía trước. Những người nào đói quá thì lả đi gục xuống để rồi không bao giờ dậy nổi nữa. Hai bên đường, thây người chết đói ngã ra như rạ, lại càng thúc giục họ đổ về thị xã Thái Bình bất chấp một vành đai lính tráng bao quanh khu vực thị xã ngǎn không cho họ vào. 
Tôi nhớ rất rõ lúc ấy là vào khoảng gần tết, trời mưa phùn âm ỉ kéo dài suốt cả tuần lễ khiến cho cái rét lạnh cǎm cǎm, càng làm tǎng cái đói cồn cào xé ruột xé gan, ǎn được một chút là thấy đói ngay, lúc nào cũng cảm thấy đói. ở các chợ trong thị xã, người dồn về rất đông mặc dù bị lính xua đuổi rất ráo riết, nhưng sáng nào người ta cũng hốt được vài ba xác chết vì đói rét, hoặc nằm ngang chợ hoặc dưới các mái hiên nhà. Lúc này tôi đang ở trọ nhà ông Hào Thuỳ để vừa dạy kèm cho con cái của ông và cũng dạy học ở trường Tư thục Pascal, hôm nào đến trường cũng nhặt được hai hay ba xác trẻ em đã chết cóng từ đêm trước, tôi cùng học trò phải mang đi chôn sau trường. Một hôm, nhân có việc đi chợ Kiến Xương thì tôi bắt gặp một người đàn ông có dáng lực điền đang gánh một gánh có vẻ khá nặng, phía trên có đậy một chiếc nón lá rách. 
Bỗng tôi phát hiện có tiếng gì tựa như âm thanh của trẻ sơ sinh phát ra từ đôi quang gánh ấy, tôi bèn lập tức níu ông ta lại xem có phải không, thì mới biết trong đó có khoảng chục đứa bé mới sinh còn đỏ hỏn mà vài đứa đã chết. Ông ta thú thật là đã gánh chúng đến từ một làng vùng xa định đến Duyên Hà gửi cho các bà xơ từ thiện chuyên nuôi trẻ mồ côi ở đó và nhân tiện hỏi thǎm tôi xem đường xá đến đó còn bao xa. Tôi hết sức phẫn nộ và bảo ông ta còn đến gần 30 cây số đường đất nữa mới đến được chỗ ấy, mà chắc chắn là khi đến nơi thì những đứa bé sẽ không còn sống nữa đâu. Vả lại ở Duyên Hà từ lâu nơi nuôi trẻ đã đóng cửa, xác trẻ con chất đống ở Duyên Hà, vì mọi nơi mang đến. 
Tôi liền chỉ cho ông ta gánh vào nhà của ông Lại Mân (Ông Lại Mân là nhà địa chủ giàu nhất ở Thái Bình và cũng đứng ra thu mua thóc gạo cho chính quyền lúc đó) ở đó và nói ở đó là có ông giáo gửi. Tôi tiếp tục đi đến chợ Kiến Xương thì thấy rất nhiều xác chết nằm la liệt trên sân chợ. Có một người phụ nữ đã chết không biết từ lúc nào nhưng đứa con nhỏ vẫn còn sống, đang bám vào ngực mẹ nó mà bươi bươi đôi vú một cách cuống quýt rồi nhai lấy nhai để không thôi. Sau đó vài giờ, tôi về ngang chợ thì thấy đứa bé cũng đã chết, có lẽ nó đã kịp theo mẹ nó thoát khỏi cuộc đời đau khổ rồi. 
Quá đỗi bức xúc trước tai hoạ khủng khiếp của dân mình, tôi bàn bạc với các học trò và bạn bè đồng nghiệp cần phải làm ngay một việc gì đó trước khi quá muộn. Cuối cùng chúng tôi thống nhất với nhau là sẽ phân chia ra nhiều nhóm đi vận động quyên góp những nhà nào dư ǎn để giúp đỡ những đồng bào sắp chết vì đói. Hồi đó vì công tác xã hội từ thiện chưa được ai biết đến nên có lẽ là lần đầu tiên trong phong trào "lá lành đùm lá rách" được phát động ở Thái Bình. Tôi đã thuyết phục được ông chủ nhà Hào Thuỳ - là một hào phú trong vùng chuyên đi thu mua gạo cho nhà nước Pháp - nơi tôi đang ở trọ trước tiên, ông đã vui vẻ đóng góp mở màn 10 tạ gạo nếp. Khởi đầu khá thuận lợi khiến thày trò chúng tôi rất phấn khởi, rồi phong trào vận động quyên góp lan rộng đến các trường khác kể các các trường công, học sinh cùng phụ huynh các em sau khi hiểu đã rất tích cực tham gia. 
Cũng gần đến tết nguyên đán rồi (đầu nǎm 1945) nên chúng tôi đã bàn nhau tổ chức nấu bánh chưng, thế là cả một phong trào rầm rộ được dấy lên lúc nào không biết. Nhân đây cũng xin nói là sở dĩ đề ra làm bánh chưng phát cho người nghèo đói, vì một phần là sắp đến tết, một phần là muốn dấy lên việc công tác xã hội thành một phong trào làm bánh chưng để có thể huy động được nhiều người cùng tham gia. Lúc đầu chỉ có phụ huynh học sinh, nhưng sau đó thì cả vợ con công chức toàn tỉnh kéo đến nườm nượp xin tham gia. Rồi thì, người thì góp gạo, người góp nếp, đậu, người khác lại góp lá dong... mọi người đã rất hǎng hái đến trường chúng tôi gói bánh trong 5, 6 ngày liền.
Cuối cùng ý đồ của chúng tôi lúc đó đã hoàn toàn thành công khi muốn công việc từ thiện có nhiều người tham gia để người có của thì góp của, kẻ góp công góp sức để ai nấy đều cảm thấy việc mình làm là có ích cho "cộng đồng". Từ đó thế là đã gây nên một không khí từ thiện trong thị xã Thái Bình mà vốn từ trước đến nay vẫn bất động và thờ ơ với cảnh đời đói rét quá thảm thương của đồng bào mình. 
Chiến dịch "làm và nấu bánh chưng" tính ra đã thu hút hơn 500 người gói bánh chưng tự nguyện và đã "sản xuất" được hơn 6.500 bánh, mà mỗi bánh nặng ngót nghét 1 kilô. Rồi thì hàng mấy chục lò bánh xuất hiện ở sân trường chúng tôi những ngày giáp tết đáng nhớ nǎm ấy. 
Thầy trò chúng tôi cũng đã tổ chức luôn tại khu vực các lò nấu bánh một đống lửa trại lớn để cho các em học sinh vừa sinh hoạt tập thể về ý nghĩa của công tác từ thiện vừa canh bánh chín luôn thể, không khí và tinh thần của mọi người hǎng hái dâng lên cao hơn bao giờ hết. Cánh nhà giáo chúng tôi cũng phấn chấn hẳn lên vì đã huy động được nhiều người tham gia vì "đồng bào mình". Sau khi công việc nấu bánh hoàn tất, "thành phẩm" của nhiều tấm lòng nhân ái đã được đem xếp gọn vào kho nhà ông Hào Thuỳ nơi tôi đang ở trọ. 
Đến đây thì tôi bí vấn đề mà ai cũng cho là "chuyện nhỏ", đó là việc "phân phát" cho những người đói thực sự để dân nghèo có một chút ấm lòng trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc. Dân nghèo vốn đói đã lâu nên không dễ gì giữ được bình tĩnh khi thấy cái ǎn, để chúng tôi có thể phân phát một cách "hoà bình". 
Thoạt đầu tôi nảy ra "sáng kiến" là đem bánh ra khu nghĩa địa Thái Bình rồi chỉ mở cổng he hé cho từng người vào thôi, phân phát cho người nào xong sẽ đánh dấu + trên tay người ấy. Thời gian đầu công việc có vẻ thuận lợi và trật tự có lẽ vì chưa có nhiều người biết. 
Nhưng độ nửa giờ sau, chúng tôi quá đỗi kinh hoàng khi nghe thấy tiếng chạy của hàng ngàn người từ các làng lân cận kéo đến, họ vừa chạy vừa la "Phát bánh chưng chưa! Phát bánh chưng chưa!" với âm thanh ồn ào và náo nhiệt chưa từng thấy. 
Họ leo tường vào nghĩa địa một cách chóng vánh, rồi hàng nghìn người chen chúc dẫm đạp lên nhau, dẫm đạp lên cả bánh chưng. Tiếng người gọi nhau ơi ới hoà lẫn tiếng khóc thét của trẻ con trong khu vực nghĩa địa mênh mông đó. Chúng tôi chỉ còn biết bất lực đứng nhìn, ai nấy người đầy bùn đất nhão nhoẹt, để rồi khi đám đông rút đi thì dưới mặt đất nào là bánh chưng bị dẫm đạp nát nhoẹt cả ra, có vài ba xác trẻ em bị chèn đè dẫm đạp đến chết khi chúng cố tranh đua chen lấn với người lớn để được phát bánh. 
Để riêng ra vài cái bánh chưng để phát riêng cho các em quá đói đứng ngoài gầy gò, trần trụi giơ tay xin, chúng tôi thấy các em vồ lấy ǎn ngấu nghiến cả lá gói. Tôi không thể cầm được nước mắt. 
Chúng tôi lắc đầu ngao ngán vì đã không thể nào lường trước được tình huống "bi kịch" này cả. Thế mới biết rằng : "Vật cho không quan trọng bằng cách cho", cũng may mà lúc đầu chỉ mang có vài trǎm bánh gọi là "thử nghiệm", thấy không ổn nên chúng tôi lập tức họp lại để bàn nhau phương kế khác. 
Vào thời điểm này, ở Thái Bình có một ông Đốc học được gọi là ông Đốc Quýnh, và là một viên quan trông coi về giáo dục của toàn tỉnh Thái Bình. Trong một buổi họp các giáo học của các trường, ông Quýnh đã đến hỏi han chúng tôi về việc phát bánh chưng. 
Sau khi nghe thuật lại, ông Đốc Quýnh đã la rầy trách mắng chúng tôi một hồi, ông cười bảo rằng: "Các anh chẳng được tích sự gì, chỉ mỗi một việc phát bánh làm không xong thì còn làm ǎn nỗi gì nữa nào! Để mai tôi làm một chuyến ra ngoài thành phân phát cho các anh xem nhé!". 
Chúng tôi chỉ bấm nhau cười nhưng vẫn khuyên ông nên cẩn thận. Sáng hôm sau, ông Quýnh đóng bộ veston cà vạt cẩn thận có batoong bên cạnh, còn bà vợ ông thì áo dài đánh xe đến chỗ chúng tôi. Hai ông bà đi trên hai chiếc xe kéo rất ư là sang trọng (thời ấy người giàu có quan quyền đều có xe kéo riêng, phu xe được nuôi ǎn ở trong nhà, xe được đóng rất kỹ lại được trang trí bằng đồng sáng loáng, rồi lại được sơn vàng toàn bộ rất rực rỡ) đến trường chúng tôi, gọi bảo chất lên cho mỗi xe độ khoảng 50 bánh chưng và lên đường xuất phát trực chỉ các làng xa ở ngoại thành. 
Tôi liền cho vài học sinh đi theo sau để nắm tình hình, thì khoảng độ non giờ sau có em về báo là ngài Đốc Quýnh và phu nhân đã "gặp nạn" rồi. Hoá ra, khi chỉ đi được ra ngoại thành non cây số, xe của ngài và phu nhân đã bị đám đông níu kéo lại. Khi tiếng thét :"Phát bánh chưng! Phát bánh chưng!" vang lừng từ đầu thôn đến cuối xóm. 
Quan ngài điên tiết dùng batoong phất lia lịa vào đám đông để mở đường nhưng vẫn không ǎn thua gì. Rồi thì xe không thể nào tiến đi được nữa vì bị bao vây bởi hàng trǎm con người rách rưới đói khát đã lâu ngày. Thôi thì họ dẫm đạp, chen lấn, dày xéo lên nhau để giật cướp bánh gây nên quang cảnh hỗn độn mà có lẽ ngài Đốc Quýnh lần đầu tiên trong đời vừa là người chứng kiến vừa là nạn nhân. 
Tàn cuộc "phát bánh chưng bất đắc dĩ", hai chiếc xe đẹp đẽ bị gãy nát thảm thương, hai ông bà thì quần áo rách bươm, mặt mày bùn đất bê bết ngao ngán lắc đầu, bánh chưng thì rơi vãi nhão nhoẹt trộn lẫn với bùn đất. Anh đánh xe thì mặt mũi bầm tím, cộng thêm xác vài ba đứa trẻ kiệt sức chết vì bị dẫm đạp trong cơn hỗn loạn. 
Kể từ hôm đó, tôi không tài nào tìm được ngài Đốc Quýnh nữa. Cuối cùng thì chúng tôi cũng phân phát hết được số bánh chưng tồn đọng bằng cách cho các học sinh mang trong người mỗi em vài bánh, toả đến các làng xa vào ban đêm để phát cho từng nhà quá đói rét. Tất nhiên việc thiên vị của các em là không thể tránh khỏi khi đi phát như thế, nhưng chúng tôi đã không thể có sự chọn lựa nào khác. 
Sau cái tết đáng ghi nhớ ấy, ngày nào tôi cũng cùng với các anh giáo viên khác (trong đó có anh Nguyễn Công Hoan vừa làm nhà vǎn vừa làm giáo học một trường công ở thị xã) đẩy xe đến từng nhà để nhặt cơm thừa rồi đem đi phân phát cho những người nghèo đói khổ. Khi mỗi bữa đi như vậy, có hàng chục người nối đuôi nhau đi với chúng tôi, họ là những người nghèo quá quá đói đi xin ǎn ở thị xã. Trước đó, họ biết chúng tôi qua đợt phát bánh chưng nên khi đi "khất thực" như vậy, họ đồng gọi tôi là Vua ǎn mày, hoặc là Bang chủ cùng Bang phó của "Cái bang" Thái Bình. Tôi và anh Hoan cảm thấy rất vui trong lòng với danh xưng ấy vì nghĩ rằng mình đã làm được một việc nhỏ cho dân mình trước cái đói quá nghiệt ngã đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét