Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Kỷ niệm Ngày Nam bộ kháng chiến: 23/9/1945- Chương trình Thời sự đột xuất đầu tiên


Kỷ niệm Ngày Nam bộ kháng chiến: 23/9/1945- Chương trình Thời sự đột xuất đầu tiên

(VOV) - Cứ mươi, mười lăm phút chúng tôi nhắc lại câu “Đề nghị đồng bào đừng rời máy thu thanh, đêm nay sẽ có tin đặc biệt quan trọng thông báo trên đài”.
Nếu như ông Trần Lâm không bị chấn thương đùi trong một lần ngã thì chắc lúc kể chuyện ông sẽ đi đi lại lại, tay vung, miệng nói sôi nổi như thời giao ban tuyên truyền ở 58 Quán sứ. Lúc này, khổ nỗi, cái chân làm mệt cái tay, bởi cái chân đau nằm yên, cứng ngắc trên ghế nên hai tay ông hết giơ cao liền hạ xuống thấp, rồi khoanh vòng tròn trên mặt bàn lủng củng chén uống nước.
Ông bảo, có thế mới diễn tả được tình hình, không khí chính trị thời bấy giờ, tức là tình hình đất nước sau cách mạng tháng Tám thành công: “Đại thể là ngay trong khi tiến hành khởi nghĩa, giành chính quyền cách mạng thì nhân dân Sài Gòn- Chợ Lớn đã chống lại âm mưu xâm lược của thực dân Pháp rồi”.
Khí thế cách mạng sục sôi
Ngày 2/9/1945, giữa lúc 50 vạn nhân dân Sài Gòn họp mít tinh mừng ngày Độc lập, thì một số tên Pháp nấp trong nhà thờ Đức bà xả súng, làm 47 người chết, nhiều người bị thương. Hành động láo xược của bọn chúng đã gây công phẫn trong các tầng lớp nhân dân. Mười giờ đêm 4/9, công nhân Sài Gòn kéo đến trụ sở Tổng Công đoàn Nam bộ tổ chức mít tinh, biểu dương lực lượng và tuyên thệ: “Là chiến sỹ xung phong công đoàn, xin thề trước bàn thờ Tổ quốc: quyết cùng anh em lao động không nản chí trước khó khăn, không lùi bước trước nguy hiểm để cùng đồng bào bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ non sông”. Nghe thông tin qua các đài quốc tế, tin tức từ các địa phương gửi về cho thấy tình hình đất nước như ngàn cân treo sợi tóc.
Đêm 22 rạng ngày 23/9/1945, dựa vào thế lực quân đội Anh, được Đồng minh phân công vào tước khí giới quân đội Nhật ở miền Nam và trên 5.000 lính Nhật, thực dân Pháp nổ súng tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta một lần nữa. Sáng ngày 23/9, Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam bộ họp hội nghị tại đường Cây Mai, Chợ Lớn. Ông Hoàng Quốc Việt thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh tham dự. Lúc này không khí Sài Gòn căng thẳng đến cực độ. Công nhân, học sinh, sinh viên, các lực lượng vũ trang kiên quyết đòi đánh. Nhân dân toàn thành phố nín thở chờ mệnh lệnh chiến đấu.
Nhờ ở cùng khu nhà với Trung tâm Thụ tín Trung ương (BCR) nên ông Trần Lâm biết được bức điện khẩn của Chủ tịch Ủy ban hành chính Nam bộ Phạm Văn Bạch gửi Chính phủ báo cáo nhanh sự kiện quân đội Pháp núp sau lưng quân Anh tấn công Sài Gòn và xin Chỉ thị của Chính phủ.
Giữ thính giả cho chương trình Thời sự đặc biệt
Ông Trần Lâm kể lại: Lúc nhận được điện khoảng tám giờ rưỡi tối, sắp kết thúc toàn bộ chương trình phát thanh trong ngày, vào 9 giờ tối. Tôi liền viết thư cho anh Hoàng Hữu Nam, Chánh văn phòng của Chính phủ, đồng thời là trợ lý của Bác Hồ, gửi kèm bức điện thượng khẩn của BCR. Tôi báo tin cho anh Hoàng Hữu Nam biết là Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ kéo dài để giữ thính giả cho đến khi nào nhận được Chỉ thị của Chính phủ trong đêm, dù khuya đến mấy.
Gửi thư đi rồi tôi lo quá, ruột gan nóng cồn cào. Không biết đến bao giờ mới nhận được Chỉ thị của Chính phủ. Suốt trong thời gian ấy đọc cái gì để giữ được thính giả bên máy thu thanh? Trong phòng thu lúc ấy có tôi, chị Ngân, anh Nhất, anh Xuyến và anh Lân công nhân truyền âm. Sau khi hội ý chớp nhoáng anh Xuyến cấp tốc về lấy cuốn Lên án chủ nghĩa thực dân bằng tiếng Pháp ở tủ sách của Bộ Tuyên truyền. Tôi và anh Xuyến gỡ ra từng tờ, xem lướt qua một lượt rồi thay nhau ngồi trước micro trực tiếp dịch ra tiếng Việt và đọc thẳng lên sóng. Trong khi người này dịch đọc thì người kia chuẩn bị trang tiếp, cứ thế chúng tôi thay nhau dịch, đọc hết cuốn sách.
Xen kẽ, anh Nhất viết nhanh những bài bình luận kể tội thực dân và cổ vũ, động viên tinh thần yêu nước của nhân dân ta, đặc biệt là đồng bào Nam bộ. Trong khi chị Ngân, anh Nhất thay nhau đọc bình luận, tôi và anh Xuyến tranh thủ nghỉ lấy hơi. Thời gian chậm chạp trôi, tài liệu cạn dần, tôi nghĩ ngay đến một số đĩa hát ít ỏi trong studio, nhưng xem ra toàn là bài hát bằng tiếng Tây và hát ả đào (ca trù) không thể dùng trong chương trình đặc biệt như thế này. Cứ mươi, mười lăm phút chúng tôi nhắc lại câu “Đề nghị đồng bào đừng rời máy thu thanh, đêm nay sẽ có tin đặc biệt quan trọng thông báo trên đài”.
Chúng tôi nghe chăm chú, ông Trần Lâm cũng nghỉ lấy hơi, gian phòng như lắng đọng vào hồi tưởng. Ông Trần Lâm bảo, sau này mới biết: nhận được điện hỏa tốc của Chủ tịch Ủy ban hành chính Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thường vụ Trung ương Đảng họp khẩn cấp ở Bắc Bộ phủ nhất trí cao với quyết tâm của Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam bộ. Hội nghị hạ quyết tâm tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được và kêu gọi nhân dân cả nước chi viện sức người, sức của cho Nam bộ. Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập những đơn vị Nam tiến. Ông Trần Lâm kể tiếp:
“Khoảng một giờ sáng ngày 24/9 giao thông hỏa tốc của Phủ Chủ tịch đem đến Đài bức điện ngắn của Chính phủ chỉ thị cho Ủy ban hành chính Nam bộ, kêu gọi đồng bào Nam Bộ nhất tề đứng dậy kháng chiến. Chị Dương Thị Ngân và anh Nguyễn Văn Nhất đọc đi đọc lại Chỉ thị lịch sử này trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông Lâm khẳng định: Đây thực sự là một chương trình thời sự đột xuất, chưa từng có, gây xúc động lớn cho đồng bào và chiến sỹ cả nước.”
Lắng nghe lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch
Ông Nguyễn Văn Nhất nhớ lại: lúc ấy chúng tôi ở trong phòng thu nên không biết không khí Hà Nội như thế nào. Anh em bảo vệ khu vực Đinh Lễ nói lại là dưới các loa phóng thanh của phòng Thông tin Tràng Tiền đồng bào tụ họp rất đông, chăm chú, hồi hộp lắng nghe. Ông Trần Văn Hà, phụ trách phòng thông tin cho biết, dưới các ban công có loa phóng thanh, nhân dân trật tự nghe thông báo của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiều gia đình khá giả có máy thu thanh nhỏ đều đặt ở cửa sổ để nhiều người cùng nghe. Ngay đêm hôm đó, tin tức từ các địa phương điện về cho biết, nhiều nơi, chiến sỹ và đồng bào chăm chú theo dõi buổi phát thanh đột xuất của Đài truyền đi Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng và Chính phủ cho Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam bộ tiến hành kháng chiến.
Đến trưa ngày 26/9, Đài TNVN nhận được văn bản thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Nam Bộ:
“Hỡi đồng bào Nam Bộ!
Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm. Khi còn chiến tranh với Nhật, thì thực dân Pháp hoặc đầu hàng hoặc chạy trốn. Nay vừa hết chiến tranh thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật hoặc công khai mò lại. Trong 4 năm, họ đã bán nước ta 2 lần. Nay họ muốn thống trị dân ta lần nữa.
Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”.
Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sỹ và nhân dân đang hy sinh đấu tranh để giữ vững nền độc lập của nước nhà.
Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng, tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta.
Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân.
Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng.
Tôi chỉ muốn dặn đồng bào Nam Bộ một lời: “Đối với những người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ cho khoan hồng. Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước.
Nước Nam độc lập muôn năm.
Đồng bào Nam Bộ muôn năm.”[1]
Bức thư ngắn gọn, súc tích, đầy tâm huyết của Bác Hồ được phát đi phát lại nhiều lần cùng với tin tức, bình luận cổ vũ đồng bào, chiến sỹ Nam Bộ kháng chiến. Ông Trần Lâm sôi nổi: không khí chính trị và không khí làm việc lúc ấy như hòa làm một, nó cứ bừng bừng, cứ rạo rực, dùng từ thế nào cho trúng nhỉ? À phải rồi, phải nói là khí thế, đi đứng cũng khí thế, nói năng cũng khí thế, làm việc cũng khí thế, bài vở lại càng khí thế. Ngôn từ bình luận khí thế thì phải kể đến anh Nhất là nhất, thế a mà!
Với khí thế bừng bừng của Cách mạng tháng Tám, với lòng căm thù giặc cao độ, với triệu triệu con tim hướng về đồng bào Nam Bộ, đồng bào miền Bắc coi việc chi viện cho tiền tuyến miền Nam là tình cảm và nghĩa vụ thiêng liêng. Những ngày này, Đài TNVN tập trung bài vở cổ vũ mạnh mẽ phong trào thanh niên miền Bắc nô nức vào chi viện cho miền Nam, gọi là “phong trào Nam tiến”.
Tôi hỏi nhỏ: “Đài mình có ai Nam tiến không ạ?” Ông Trần Lâm nói to: “Có chứ! Lúc ấy ở Đài mình, người rất ít, nhất là phóng viên, biên tập viên lại càng hiếm, nhưng đài cũng cử hai phóng viên xông xáo nhất, giỏi nhất là anh Hoàng Tuấn và anh Nguyễn Văn Nhất tham gia phong trào Nam tiến để viết tin, phóng sự tại chỗ chuyển về kịp phát sóng”.
Vẫn giọng sôi nổi, ông Trần Lâm kể tiếp: Trong lúc bận rộn như thế thì may quá, anh Hải Triều từ miền Trung ra công tác ngắn ngày ở Bộ Tuyên truyền, liền tham gia viết bình luận cho Đài TNVN, đặc biệt là anh có giọng văn bình luận quốc tế rất sắc sảo, tăng thêm tính chiến đấu, thêm khí thế cho làn sóng đài Quốc gia trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến./.

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4- tr 27, 28 – NXB Chính trị Quốc gia – 1995.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét