Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Nam Bộ trong chiến cuộc đông xuân 1953 - 1954 và Ðiện Biên Phủ


Nam Bộ trong chiến cuộc đông xuân 1953 - 1954 và Ðiện Biên Phủ 
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Tại Hội thảo quốc gia "Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước" do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp Tỉnh ủy và UBND tỉnh Ðiện Biên vừa tổ chức tại TP Ðiện Biên Phủ, PGS, TS Phan Xuân Biên, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, đã có bài tham luận. Website Đảng Cộng sản Việt Nam xin trích giới thiệu cùng bạn đọc bài tham luận này. 
...Tháng 9-1953, Bộ Chính trị đã họp để bàn kế hoạch chỉ đạo, bảo đảm thế chủ động tiến công trong mọi tình huống. Với tầm nhìn toàn Ðông Dương như một chiến trường, Bộ Chính trị đã nêu chủ trương chiến lược: "Tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược, ở đó địch đang trong thế tương đối yếu, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó với ta, tạo ra những điều kiện thuận lợi mới để tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, giải phóng thêm đất đai. Ðồng thời ta đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các vùng sau lưng địch, bảo vệ vùng tự do, tạo điều kiện để quân chủ lực của ta rảnh tay tiêu diệt địch ở những hướng đã định". 
Bộ Chính trị cũng nêu rõ phương hướng nhiệm vụ của từng khu vực chiến trường như sau: "Tập trung phần lớn chủ lực của Liên khu 5, mở cuộc tiến công lên chiến trường miền núi Tây Nguyên, ra sức tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một bộ phận đất đai. Ở Nam Bộ và Trung Bộ, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tăng cường hoạt động đánh nhỏ ăn chắc, tiêu hao và tiêu diệt một bộ phận nhỏ sinh lực địch, đẩy mạnh ngụy vận, mở rộng các căn cứ du kích và khu du kích". 
Tinh thần cơ bản của chủ trương chiến lược phá kế hoạch Navarre là "dàn mỏng" quân địch ra toàn bộ chiến trường Ðông Dương để bẻ gẫy từng mảng lực lượng của chúng. Bác Hồ nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: "Ðịch muốn chủ động, ta buộc chúng phải lâm vào bị động. Ðịch muốn tập trung quân cơ động thì ta có kế hoạch buộc chúng phải phân tán mà đánh"(1). Nam Bộ bước vào chiến dịch Ðông Xuân 1953 - 1954 với tư tưởng chỉ đạo đó. 
Nhìn trên toàn cục chiến trường Ðông Dương và lấy Ðiện Biên Phủ làm chuẩn thì Nam Bộ là chiến trường xa nhất về phía nam. Ðối với ta, khoảng cách ấy hầu như không thể chi viện cụ thể bằng sức người, sức của cho Ðiện Biên Phủ, nhưng đối với thực dân Pháp thì Nam Bộ lại rất "gần" với chiến trường chính của chúng về chính trị, chiến lược quân sự và những vấn đề kinh tế - xã hội. 
Nhìn lại lịch sử, ngay từ giữa thế kỷ 19, khi xâm lược Việt Nam, thực dân pháp đã chọn giải pháp đánh chiếm Nam Bộ trước. Chúng xây dựng, củng cố nơi đây trở thành hậu phương trực tiếp, làm bàn đạp để tiến quân đánh chiếm miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Ðến cuộc xâm lược lần thứ hai - tháng 9-1945, thực dân Pháp cũng đánh chiếm Sài Gòn - Nam Bộ trước. Chúng ổn định tình hình ở đây và một năm sau mới chính thức gây chiến ở Hà Nội và Bắc Kỳ. 
Sự lặp lại ấy hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà là sự tính toán rất có cơ sở của các nhà quân sự Pháp, vì: đối với Ðông Dương, Sài Gòn và Nam Bộ là đầu cầu đường biển gần nhất nối với Pháp, cho nên giữ được đầu cầu này có ý nghĩa chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến sức chiến đấu của đội quân viễn chinh ở xa chính quốc hàng vạn dặm. Mặt khác, Nam Bộ lại là nơi đông dân, nhiều của nhất, thực dân Pháp có thể khai thác thuộc địa được nhanh và nhiều để phục vụ cho chính sách "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt". Tóm lại, trong chiến tranh Ðông Dương, Nam Bộ luôn có vai trò là hậu phương trực tiếp của quân xâm lược Pháp. 
Trong bối cảnh chiến trường Ðông Dương đông xuân 1953 - 1954, Nam Bộ còn có ý nghĩa quan trọng hơn đối với Pháp vì ở đây còn chứa đựng những quyền lợi trước mắt và lâu dài của Mỹ mà Pháp phải bảo vệ để đổi lấy viện trợ quân sự. Ban Bí thư Trung ương Ðảng Lao động Việt Nam cũng đã chỉ rõ vấn đề này cho Trung ương cục miền Nam như sau: "Nam Bộ là nơi Mỹ bỏ vốn vào các đồn điền cao-su, các hãng buôn và nhà máy. Như vậy Mỹ càng mưu mô với Pháp việc bình định Nam Bộ, Mỹ còn có hy vọng phát triển các đội quân ngụy. Ngụy quân càng nhiều Mỹ càng có điều kiện nắm lấy lực lượng vũ trang ở Ðông Dương". Chính vì vậy mà: "Trong năm 1953, địch bị động đối phó với ta ở chiến trường chính, phải rút nhiều quân ở nam ra bắc, nhưng ở Nam Bộ, địch vẫn chủ động càn quét và chiếm đóng thêm nhiều nơi."(2) 
Trên cơ sở đánh giá tình hình như trên, Ban Bí thư nhận định: "Cuộc kháng chiến ở Nam Bộ sẽ thêm khó khăn và lâu dài, nhưng Nam Bộ có nhiều thuận lợi để đối phó thắng lợi với âm mưu của địch". Những thuận lợi đó là: "Quân và dân Nam Bộ đã chiến đấu bền bỉ, gian khổ, anh dũng suốt tám năm. Ðó là điều kiện căn bản để giữ vững phong trào kháng chiến. Ðịch càng thua ở chiến trường chính, càng bị động, tinh thần càng suy nhược. Ta có nhiều điều kiện để tiêu diệt các bộ phận sinh lực, phá âm mưu càn quét bình định của địch"... 
...Mặc dù phải tập trung cho chiến trường chính Bắc Bộ, nhưng lực lượng quân Pháp ở Nam Bộ vẫn lớn hơn ta khá nhiều: chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 1953, chúng đã bắt thêm được 17.000 lính mới, chuyển được 20 tiểu đoàn Cao Ðài và Hòa Hảo sang hệ thống chính quy, lực lượng này làm nhiệm vụ chiếm đóng thay thế cho bảy tiểu đoàn lính Âu Phi được rút ra làm lực lượng cơ động. Với lực lượng như trên, chúng tiến hành các hoạt động bình định ở hầu hết các tỉnh miền trung Nam Bộ và miền tây Nam Bộ. 
Cũng vào thời điểm này, lực lượng chủ lực của ta ở Nam Bộ chỉ có ba tiểu đoàn của Khu là 302, 304, 307 và bảy tiểu đoàn của các tỉnh là: 300, 303, 306, 308, 310, 311, 410, ngoài lực lượng này còn có các đại đội, trung đội bộ đội địa phương của các huyện và dân quân du kích xã. 
Lực lượng ta so với địch không những ít hơn về số lượng mà trang bị vũ khí cũng kém hơn, vì vậy mà nhiệm vụ của Nam Bộ trong đông xuân 1953 - 1954 chủ yếu là hoạt động đều khắp ở các vùng sau lưng địch, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa theo kiểu du kích nhằm tiêu hao, cầm chân và gây bất ổn hậu phương địch. 
Về chỉ đạo, Trung ương cục miền Nam đã chủ động đề ra chủ trương "chuẩn bị đón thời cơ mới" bằng cách đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị kết hợp với "địch ngụy vận" để phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ. Chủ trương này được thực hiện trong năm 1953 và đạt kết quả như sau: loại khỏi vòng chiến đấu 11.203 tên địch, trong đó có 7.891 tên bị giết, 2.889 tên bị thương, 423 tên bị bắt. Thu 1.619 khẩu súng, phá hủy 151 xe quân sự, bắn rơi bảy máy bay, diệt 101 đồn bốt, bức rút 61 đồn tua. Với kết quả ấy, có thể nói trong năm 1953, chiến trường Nam Bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu sau lưng địch, gây cho chúng nhiều tổn thất lớn lao. 
Trên cơ sở đứng vững trên chiến trường và giữ quyền làm chủ tiến công trong năm 1953, khi chiến dịch Ðiện Biên Phủ bắt đầu từ ngày 13-3-1954, Trung ương Cục miền nam đã chỉ đạo dốc toàn lực đẩy mạnh nhịp độ tiến công để phối hợp chiến trường. Các tiểu đoàn chủ lực của khu và tỉnh đã kết hợp với bộ đội địa phương tiến công vào vùng địch hậu của các tỉnh như: Gia Ðịnh, Thủ Biên, Long Châu Sa, Mỹ Tho, Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu... và tiến công vào hàng loạt các trục giao thông quan trọng của địch như quốc lộ 1, 13, 14 các tuyến đường sắt Sài Gòn - Phan Thiết, Sài Gòn-Lộc Ninh. 
Lực lượng ta đánh nhiều hình thức, từ phục kích, tập kích, đến công đồn... và đã diệt được khá nhiều sinh lực và đồn bốt ngay sau lưng địch, trong đó có những trận thắng lớn cả về tác dụng đánh vào tinh thần và tiêu hao vật chất, sinh lực địch, điển hình là trận đánh của đặc công vào khu kho quân sự ở Phú Thọ Hòa (tháng 5-1954) đã phá hủy được 9.000 tấn bom đạn, thiêu hủy mười triệu lít xăng dầu cùng với một tiểu đoàn lính Âu - Phi. 
Mặc dù lực lượng ta ở Nam Bộ ít hơn địch, nhưng ở vào thời điểm chiến dịch Ðiện Biên Phủ đang tiếp diễn, ta đã nâng cao nhịp độ tiến công cả về quân sự, chính trị và binh vận: như ở Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre... và nhiều nơi khác, nhân dân đã nổi lên biểu tình, bao vây đồn bốt, tiến công binh vận làm rã ngũ hàng nghìn lính ngụy, trong đó có sáu đại đội Hòa Hảo tự tan rã, hàng chục đồn bốt rút chạy vì thiếu lính canh giữ. Cũng trong thời điểm này, phong trào đấu tranh chính trị trong các đô thị lớn ở Nam Bộ cũng phát triển mạnh mẽ với các khẩu hiệu đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình, chống bắt lính, chống đàn áp... 
Kết quả chiến đấu của quân và dân Nam Bộ trong đông xuân 1953 - 1954 là: tiêu diệt, bức hàng, bức rút được 1.200 đồn bốt, phá hủy 132 xe quân sự, bắn cháy 20 tàu chiến, diệt hàng nghìn tên địch và làm rã ngũ hàng vạn tên khác. Một thành quả quan trọng khác của đông xuân 1953 - 1954 ở Nam Bộ là ta đã mở rộng được nhiều vùng giải phóng thuộc các tỉnh: Gia Ðịnh, Vĩnh Trà, Sóc Trăng, Gò Công, Mỹ Tho, Long Châu Sa, Tây Ninh, Thủ Dầu Một... với hàng chục vạn dân trở về vùng tự do. 
Quân và dân Nam Bộ không chỉ hướng về Ðiện Biên Phủ bằng những hành động chiến đấu phối hợp chiến trường mà còn gửi cả những tình cảm chân thành đến động viên các chiến sĩ đang chịu đựng gian khổ, đang "khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt..." trực tiếp chiến đấu ở Ðiện Biên Phủ. Một phong trào gửi thư, gửi điện cho chiến sĩ Ðiện Biên Phủ đã được phát động ở tất cả các đoàn thể, tổ chức quần chúng cách mạng như Hội Phụ nữ, Thanh niên, Phụ lão, Nông hội... 
... Với diện tiến công rộng, nhịp độ tiến công liên tục và toàn diện cả về quân sự, chính trị của ta, quân địch ở Nam Bộ đã bị dồn vào thế chống đỡ, bị động, chúng không còn khả năng chủ động mở những cuộc càn quét quy mô lớn vào các vùng giải phóng như đầu năm 1953, tình trạng ấy cũng có nghĩa là địch không thể sử dụng được tiềm năng sức người, sức của ở Nam Bộ để chi viện cho chiến trường chính Bắc Bộ, mà ngược lại đã làm cho những người chỉ huy cao nhất của Pháp phải lúng túng vì đối phương tiến công liên tục ngay ở hậu phương quan trọng nhất của chúng ở Ðông Dương, đồng thời còn là nơi có quyền lợi của Mỹ mà Pháp phải bảo vệ để đổi lấy viện trợ vũ khí cho chiến trường đang bị nguy khốn ở Bắc Bộ. Quân và dân Nam Bộ đã thực hiện lời dạy của Bác Hồ, sự chỉ đạo của Trung ương Ðảng "phân tán kẻ thù ra mà tiêu diệt" góp phần thiết thực với Ðiện Biên Phủ, với cả nước. 
PGS, TS Phan Xuân Biên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét