Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Một số tư liệu về Hội nghị Genéve


Một số tư liệu về Hội nghị Genéve


Ngày 21/7/1954, tại Genéve (Thuỵ Sĩ ) đã diễn ra lễ ký Hiệp định đình chiến ở Đông Dương. TS xin giới thiệu những nét khái quát về sự kiện lịch sử này.
Mot so tu lieu ve Hoi nghi Geneve
Quang cảnh Hội nghị Genéve 1954.
Hội nghị Genéve khai mạc ngày 26/4/1954 bàn về vấn đề khôi phục hoà bình tại Triều Tiên và Đông Dương. Giai đoạn 1, các đại biểu bàn về Triều Tiên song không đạt được kết quả gì. Bắt đầu từ ngày 8/5, vấn đề Đông Dương được đưa ra thảo luận.
Thành phần tham dự
Tham dự Hội nghị Genéve về Đông Dương có 9 đoàn đại biểu bao gồm:
5 đoàn nước lớn: Anh (do Thủ tướng Anthony Eden dẫn đầu), Mỹ (Trưởng đoàn:Tướng Walter Bedell Smith, Thứ trưởng Ngoại giao); Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (Trưởng đoàn: Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Chu Ân Lai); Liên Xô (Vyacheslav Molotov, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng); Pháp (Trưởng đoàn là các Thủ tướng Georges Bidault, Pierre Mendes-France).
4 đoàn còn lại gồm: Việt Nam Dân chủ cộng hoà do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu; chính quyền Bảo Đại do Nguyễn Quốc Định dẫn đầu; Vương quốc Lào do Phoui Sananikone dẫn đầu và Vương quốc Campuchia do Tep Phan dẫn đầu.
Hai đồng chủ tịch của Hội nghị là Liên Xô và Anh.
Diễn biến
Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hoà do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu tham dự hội nghị với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh: đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".
Mot so tu lieu ve Hoi nghi Geneve
Đại biểu Pháp tham dự Hội nghị Genéve 1954.
Hội nghị Genéve về Đông Dương có thể chia làm 2 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1 (Từ 8/5 - 23/6): Đây là giai đoạn các bên trình bày lập trường của mình về cách giải quyết vấn đề Việt Nam và Đông Dương.
Trên thực tế, lập trường giữa các đoàn đại biểu tham dự hội nghị có một khoảng cách khá lớn. Các cuộc đàm phán tiến triển rất chậm chạp. 9 đoàn đại biểu ngồi xung quanh một chiếc bàn tròn, các bên đưa ra đề xuất và sau đó tiến hành thảo luận chung. Tuy nhiên, sự nhân nhượng lẫn nhau chỉ xuất hiện trong các cuộc thảo luận riêng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự "xa cách" này là khác biệt về hệ tư tưởng, đặc biệt là giữa đại biểu Mỹ và Trung Quốc. Trưởng đoàn Liên Xô Molotov và trưởng đoàn Anh Anthony Eden đã phải làm nhiệm vụ của "trung gian" và thông tín viên cho hai phía.
Đáng chú ý trong giai đoạn này là đoàn đại biểu Pháp và Trung Quốc đã vài lần đàm phán trực tiếp với nhau. Cuộc đàm phán có tính chất quyết định diễn ra vào ngày 17 và 23/6/1954, trong đó hai bên thoả thuận một giải pháp khung cho vấn đề Đông Dương: giải quyết vấn đề quân sự trước, tách rời giải pháp chính trị tại 3 nước Đông Dương.
Thay mặt đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng đã trình bày lập trường 8 điểm tại hội nghị:
1- Pháp công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.
2- Ký một hiệp định về việc rút quân đội nước ngoài ra khỏi 3 nước trong thời hạn do các bên tham chiến ấn định. Trước khi rút quân, đạt thoả thuận về nơi đóng quân của lực lượng Pháp hay Việt Nam trong một số khu vưc hạn chế.
3- Tổ chức tổng tuyển cử tự do trong 3 nước nhằm thành lập Chính phủ duy nhất cho mỗi nước.
4- Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố ý định xem xét việc tự nguyện gia nhập Liên hiệp Pháp và những điều kiện của việc gia nhập đó.
5- 3 nước thừa nhận các quyền lợi kinh tế, văn hoá của Pháp tại mỗi nước. Sau khi Chính phủ duy nhất được thành lập, các quan hệ kinh tế và văn hoá được giải quyết theo đúng các nguyên tắc bình đẳng và củng cố.
6- Hai bên cam kết không truy tố những người hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh.
7- Trao đổi tù binh.
8- Các biện pháp nói trên sẽ được thực hiện sau khi đình chỉ chiến sự.
Mot so tu lieu ve Hoi nghi Geneve
Lính Pháp tại căn cứ Điện Biên Phủ đợi đồ tiếp tế bằng dù.
Giai đoạn 2 (Từ 24/6 - 20/7): Trưởng đoàn Pháp và Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đàm phán trực tiếp để giải quyết các vấn đề cụ thể. Đoàn đại biểu VNDCCH kiên trì đấu tranh cho mấy vấn đề cơ bản bao gồm: quyền tham gia hội nghị của các đại biểu chính phủ kháng chiến Lào và chính phủ kháng chiến Campuchia; chọn vĩ tuyến để khẳng định giới tuyến quân sự thạm thời ở Việt Nam và thời hạn tổ chức tổng tuyển cử tự do thống nhất nước ta. Hai vấn đề chủ chốt phía sau mãi đến gần lúc Hội nghị kết thúc mới được giải quyết.
Ngày 20/7/1954 (thực chất là ngày 21/7), Hiệp định Genéve về Đông Dương bắt đầu được ký kết với nhiều văn kiện, chủ yếu là:
1- Ba hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam, Lào và Campuchia
2- Bản tuyên bố cuối cùng của hội nghị
3- Bản tuyên bố riêng ngày 21/7/1954 của Mỹ tại Hội nghị Genéve
4- Bản tuyên bố của chính phủ Pháp ngày 21/7/1954 trong đó nêu rõ Pháp sẵn sàng rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Lào, Campuchia theo lời yêu cầu của chính phủ những nước có liên quan trong một thời gian do các bên thoả thuận.
5- Các công hàm trao đổi giữa Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Pháp Mendes France.
Những hiệp định về Việt Nam có nội dung:
Các nước tham gia hội nghị tôn trọng quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương.
Vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt Việt Nam làm hai miền. Pháp rút quân về phía nam vĩ tuyến đó.
Tổng tuyển cử tự do trong cả nước sau hai năm để thống nhất nước Việt Nam.
Một số điều khoản quy định việc tổ chức thi hành hiệp định: Uỷ ban Quốc tế giám sát và kiểm soát gồm Ấn Độ (Chủ tịch ủy ban), Ba Lan và Canada.
Mot so tu lieu ve Hoi nghi Geneve
Bản đồ khu vực Đông Dương năm 1954.
Ý nghĩa
Hiệp định Genéve năm 1954 đánh dấu một bước thắng lợi của các lực lượng cách mạng 3 nước Đông Dương, mở đầu sự tan rã hoàn toàn của hệ thống thuộc địa của Pháp.
Tuy nhiên, những giải pháp tại Geneva đã ngăn cản nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia đạt được thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhất là sau khi ta thắng trận Điện Biên Phủ vẻ vang. Hiệp định cũng mở ra một thời kỳ dài đất nước ta bị chia cắt làm hai miền nam - bắc với khu vực phi quân sự (sông Bến Hải) ở giữa hai miền.
Từ sau Hội nghị Genéve, Mỹ đã bắt đầu trực tiếp can thiệp vào Đông Dương, thành lập chính quyền Ngô Đình Diệm thân Mỹ ở miền Nam. Ở miền Bắc, nhân dân ta bước vào một giai đoạn khó khăn: vừa khôi phục kinh tế bị chiến tranh tàn phá, vừa là hậu phương giúp nhân dân miền Nam đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genéve về Đông Dương ngày 21/7/1954
1- Các đại biểu tham dự hội nghị đã ký hiệp định đình chiến tại Việt Nam, Lào và Campuchia; tổ chức cơ quan quốc tế giám sát việc thực hiện các điều khoản trong hiệp định.
2- Hội nghị bày tỏ sự hài lòng trước việc chấm dứt chiến sự tại 3 nước Việt Nam, Lào và Cạmpuchia. Hội nghị tin rằng việc thực hiện những điều khoản trình bày trong tuyên bố này và trong những hiệp định đình chiến sẽ tạo điều kiện giúp Việt Nam, Lào, Campuchia có được nền độc lập, tự chủ hoàn toàn.
3- Tại hội nghị, chính phủ Lào và Campuchia đã đưa ra các tuyên bố về việc áp dụng quy tắc cho phép công dân tham gia kỳ tổng tuyển cử dự kiến được tổ chức trong năm 1955 phù hợp với hiến pháp của mỗi nước, thông qua hình thức bỏ phiếu kín và với điều kiện tôn trọng quyền tự do cơ bản.
4- Hội nghị ghi nhận các điều khoản trong hiệp định đình chiến tại Việt Nam, cấm các nước đưa quân đội và nhân viên quân sự cũng như tất cả các loại vũ khí, đạn dược vào Việt Nam. Hội nghị cũng ghi nhận các tuyên bố chung của chính phủ Lào và Campuchia về việc không yêu cầu viện trợ nước ngoài, cả thiết bị chiến tranh, nhân viên hay người hướng dẫn, trừ trường hợp yêu cầu được đưa ra vì mục đích phòng thủ lãnh thổ của họ.
5- Hội nghị ghi nhận những điều khoản trong hiệp định đình chiến tại Việt nam: không thiết lập căn cứ quân sự mới tại vùng tập kết, mỗi bên có trách nhiệm canh chừng những khu vực tập kết của mình để đảm bảo không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào và không sử dụng khu tập kết vì mục đích tiếp tục chiến sự hoặc phục vụ cho một chính sách hiếu chiến. Hội nghị ghi nhận tuyên bố của chính phủ Lào và Campuchia về việc không tham gia bất kì hiệp định nào với nước khác nếu hiệp định này bao gồm điều khoản phải tham gia liên minh quân sự trái với hiến chương LHQ.
6- Hội nghị công nhận mục đích chính của hiệp định liên quan tới Việt Nam là để giải quyết vấn đề quân sự theo hướng chấm dứt xung đột và các bên không nên coi đường ranh giới quân sự là biên giới lãnh thổ hay chính trị. Hội nghị bày tỏ sự tin tưởng rằng việc thực hiện những điều khoản đề ra trong hiệp định đình chiến sẽ tạo cơ sở cho việc đạt được một giải pháp chính trị tại Việt Nam trong tương lai gần.
7- Hội nghị tuyên bố, giải pháp cho những vấn đề chính trị ở Việt Nam dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ sẽ cho phép người dân Việt Nam được hưởng nền tự do cơ bản thông qua kết quả tổng tuyển cử tự do.
8- Những điều khoản trong hiệp định đình chiến nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dân và tài sản phải được tuân thủ một cách nghiêm túc và phải cho phép mỗi người dân Việt Nam được quyền tự do quyết định nơi họ sinh sống.
9- Các bên không được phép trả thù những cá nhân đã hợp tác với đối phương trong thời chiến cũng như gia đình của những người này.
10- Hội nghị ghi nhận tuyên bố của chính phủ Pháp về việc sẵn sàng rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam, Lào và Campuchia theo yêu cầu của chính phủ những nước liên quan trong thời gian do các bên lựa chọn.
11- Hội nghị ghi nhận tuyên bố của chính phủ Pháp về giải pháp khôi phục và củng cố hoà bình tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Chính phủ Pháp sẽ tôn trọng sự tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước.
12- Trong quan hệ với Việt Nam, Lào, Campuchia, mỗi thành viên tham dự hội nghị Genéve sẽ tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước; không can thiệp vào công việc nội bộ của 3 nước.
13- Các thành viên tham dự hội nghị đồng ý hỏi ý kiến nhau về bất kỳ vấn đề nào Uỷ ban Giám sát quốc tế đưa ra.
  • Đức Minh(Tổng hợp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét