(Đại học An Giang)
Nhà nước Vạn Xuân ra đời sau cuộc khởi nghĩa thắng lợi của Lý Bí năm 544 và được tiếp nối dưới thời của Triệu Quang Phục là mốc son tiêu biểu trong suốt thời đại đất nước ta bị chính quyền phong kiến phương Bắc thống trị. Đây là chính quyền tự chủ lần thứ hai trên nước ta trong thời Bắc thuộc sau hơn 500 năm đấu tranh bền bỉ (tính từ sau CN), khẳng định sự trưởng thành của ý thức dân tộc, sự phát triển lực lượng, năng lực quản lí và làm chủ đất nước của dân tộc ta.
Đôi nét về Lý Bí
Lý Bí hay còn gọi Lý Bôn, vốn dòng dõi người phương Bắc. Tổ tiên ở Tây Hán, do tránh biến loạn nên chạy sang xứ Giao Châu, đến lúc bấy giờ đã qua 11 đời nên trở thành người bản xứ.
Lý Bí sinh năm 503 và mất năm 548, quê Ông ở phủ Long Hưng thộc tỉnh Sơn Tây (Hà Nội ngày nay). Thuở nhỏ Lý Bí đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, sớm hiểu biết. Khi lên 5 tuổi thì cha mất, lúc 7 tuổi thì mẹ qua đời, ông đến ở với chú ruột, sau đó được một vị Pháp tổ thiền sư nhận đem về chùa nuôi dạy. Sau hơn 10 năm rèn luyện chuyên cần, Lý Bí trở thành người học rộng có tài. Nhờ có tài văn võ kiêm toàn nên ông được tôn làm thủ lĩnh của địa phương và được Thứ sử Tiêu Tư nhà Lương mời ra làm Giám quân ở Đức Châu (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Vì không chịu đựng nổi chế độ cai trị hà khắc của chính quyền nhà Lương và tên Thứ sử Tiêu Tư nên ông đã bỏ quan, về quê chiêu binh, tập hợp lực lượng và chờ đợi thời cơ nổi dậy chống lại chính quyền đô hộ. Hành động của của Lý Bí đã được nhiều người ủng hộ, trong đó có Tù trưởng Chu Diên (Hải Dương) là Triệu Túc cùng con là Triệu Quang Phục đem quân gia nhập; ngoài ra còn có những văn, võ tướng khác cũng đầu quân dưới trướng của Lý Bí như Tinh Thiều, Phạm Tu…
Cuộc khởi nghĩa của Lý Bí chống lại nhà Lương và sự thành lập nhà nước Vạn Xuân
Năm 541, cuộc khởi nghĩa chống lại sự cai trị của nhà Lương trên đất nước ta do Lý Bí lãnh đạo bùng nổ. Nhân dân và hào kiệt khắp nơi cùng nổi dậy hưởng ứng, lực lượng và thanh thế nghĩa quân tăng lên nhanh chóng. Sau khi đánh chiếm được các địa phương, nghĩa quân tiến về bao vây thành Long Biên (trị sở đô hộ phương Bắc, đến thời nhà Tùy thì chuyển đến Tống Bình, Hà Nội). Quân Lương thất bại, Thứ sử Tiêu Tư bỏ chạy về nước, thành Long Biên được giải phóng. Cuộc khởi nghĩa diễn ra chỉ trong vòng 3 tháng đã hoàn toàn giành thắng lợi. Nghĩa quân làm chủ đất nước.
Năm 542, nghĩa quân của Lý Bí còn đánh bại các đạo quân của Thứ sử Việt Châu là Trần Hầu, thứ sử La Châu là Ninh Cự, thứ sử An Châu là Lý Trí, thứ sử Ái Châu là Nguyễn Hán do vua nhà Lương cử sang đàn áp. Sau chiến thắng này nghĩa quân của Lý Bí làm chủ cả một vùng rộng lớn bao gồm vùng Bắc bộ đến Nghệ An, Hà Tĩnh, cả vùng Ái Châu, An Châu (Quảng Ninh).
Mùa xuân 543, vua Lương lại sai Thứ sử giao Châu là Tôn Quýnh, Thứ sử Tân Châu là Lư Tử Hùng đem quân sang đánh một lần nữa. Lý Bí đã tổ chức một trận đánh lớn ở Hợp Phố để giành thế chủ động, quân Lương thua to và chạy về nước.
Trong khi đối phó với nhà Lương ở phía Bắc thì tại phía Nam, vua Lâm Ấp định tấn công Giao Châu khi mà ranh giới giữa hai bên chỉ cách nhau một dãy Hoành Sơn. Tháng 5 năm 543, vua Lâm Ấp đem quân xâm chiếm quận Nhật Nam (từ dãy Hoành Sơn đến Huế, vùng đất này nằm trong Giao Châu do Thứ sử phương Bắc cai trị) và tiến đến quận Cửu Đức (vùng đất Nghệ An và Hà Tĩnh). Trước tình hình đó, Lý Nam Đế cử Phạm Tu đem quân vào trấn áp và ông đã đánh bại quân Lâm Ấp tại Cửu Đức.
Năm 544, Lý Bí tự xưng là Lý Nam Đế và lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Đức (đức trời), đặt tên nước là Vạn Xuân (xã tắc truyền đến muôn đời). Ông cho đóng đô ở miền cửa sông Tô Lịch, dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Thành lập triều đình với hai ban văn, võ. Lấy Triệu Túc làm thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ. Nhà Tiền Lý còn cho đúc tiền đồng, đây là tiền đồng đầu tiên ở nước ta. Ngoài ra, Lý Nam Đế còn cho xây dựng chùa Trấn Quốc trên bờ sông Hồng, đến thế kỷ XVII thì dời về đảo Kim Ngư, phía Đông của Hồ Tây.
Mặc dù tổ chức bộ máy nhà nước Vạn Xuân vẫn còn đơn giản, chưa được hoàn chỉnh nhưng đã thực sự có ý nghĩa rất lớn, thể hiện ý thức dân tộc và mong muốn giành quyền tự chủ của nhân dân ta trong bối cảnh đất nước bị phong kiến phương Bắc đô hộ.
Cuộc chiến đấu chống quân Lương trở lại xâm lược
Mùa hè năm 545, nhà Lương sai Dương Phiêu làm Thứ sử Giao Châu và Trần Bá Tiên làm Tư Mã đem quân sang xâm lược nước ta. Được tin, Lý Nam Đế đem 3 vạn quân ra trấn giữ Chu Diên nhưng bị thua trân, quân ta rút về cửa sông Tô Lịch và sau đó lại phải rút về thành Gia Ninh (Bạch Hạc) nhưng cuối cùng vẫn bị quân Lương chiếm được thành, nhiều tướng của quân ta tử trận, trong đó có hai nhân vật trụ cột của nhà nước Vạn Xuân là Tinh Thiều, Phạm Tu…
Tháng 10 năm 546, Lý Nam Đế kéo 2 vạn quân ra đóng ở hồ Điển Triệt với rất đông thuyền bè. Hồ Điển Triệt nằm bên bờ sông Lô (Vĩnh Phúc), xung quanh có núi bao bọc, chỉ có một con sông nhỏ dẫn vào hồ. Bình thường nước sông cạn nên địch khó có thể huy động một số lượng lớn thuyền bè để tiến quân cùng một lúc. Lý Nam Đế đã chọn cho mình một địa hình rất thuận lợi để đóng quân, làm căn cứ chống giặc. Vì lẽ đó, quân của Trần Bá Tiên không dám tiến quân vào mà chỉ đóng ở cửa sông và chờ đợi thời cơ.
Vào một đêm bất ngờ nước sông Lô dâng lên rất cao và ồ ạt đổ vào Hồ Điển Triệt. Nhân cơ hội hiếm có đó, Trần Bá Tiên xua quân, cho thuyền theo dòng nước mà tiến vào hồ. Chính yếu tố bất ngờ này khiến quân ta không kịp phòng bị nên đã bị quân Trần Bá Tiên đánh bại. Lý Nam Đế phải rút vào động Khuất Lão (Tam Nông, Phú Thọ) và trao quyền chỉ huy lại cho Triệu Quang Phục. Năm 548 Lý Nam Đế qua đời.
Lý Nam Đế là một bậc anh tài, có chí lớn đã lãnh đạo nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành lại quyền tự chủ, thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất,kiên cường và liên tục của nhân dân ta trong suốt chiều dài lịch sử bị phương Bắc đô hộ. Tuy việc lớn vẫn chưa thành, nhưng ông đã để lại cho những người tiếp nối sự nghiệp đấu tranh giành quyền tự chủ bài học về ý thức dân tộc, về nghệ thuật chiến đấu chống giặc ngoại xâm.
Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta được đúc kết thành những bài học kinh nghiệm và nghệ thuật quân sự quý giá. Đó là nghệ thuật lãnh đạo, tổ chức chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, lấy ích địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh và những bài học về thu phục nhân tâm, xây dựng và cũng cố lực lượng, chớp lấy thời cơ, tận dụng yếu tố bất ngờ trong chiến đấu. Có được những yếu tố “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” như trên thì khả năng chiến thắng của ta sẽ càng cao và qua những năm thắng chống ngoại xâm trong lịch sử dân tộc đã chứng minh điều đó.
Trở lại với trận hồ Điển Triệt, xét về tài lãnh đạo, Lý Nam Đế là một người thực sự có tài vì ông đã lãnh đạo nhân dân đánh tan các đạo quân của nhà Lương giành lại quyền độc lập tự chủ cho dân tộc, hiên ngang hùng cứ một cõi với triều đại phong kiến phương Bắc. Xét về yếu tố địa lợi, Lý Nam Đế đã tận dụng tối đa lợi thế địa hình để làm phương án cầm cự chiến đấu lâu dài với đội quân Trần Bá Tiên, vì đây là đội quân đi xâm lược và khó có thể chiến đấu lâu dài trên đất nước ta. Xét về yếu tố nhân hòa, binh lực của Lý Nam Đế tuy là đội quân được tập hợp từ nhiều tầng lớp, chủ yếu là những người chịu sự áp bức nặng nề của các triều đại phong kiến phương Bắc nhưng đã từng sát cánh chiến đấu với nhau trong nhiều năm, tuy lực lượng chiến đấu chưa mạnh mẽ và số lượng ít, nhưng lòng quyết tâm, ý chí chiến đấu thì có thừa. Tuy nhiên, yếu tố quyết định là thiên thời lại không đứng về phía quân ta, chính yếu tố mang tính bất ngờ này đã làm cho những toan tính của Lý Nam Đế trở nên vô hiệu hóa. Nước sông Lô dâng cao vô tình đã mở ra con đường để đoàn quân của Trần Bá Tiên dễ dàng tiến vào hồ Điển Triệt, quân ta bị bất ngờ cùng với lực lượng chưa kịp hồi phục đã bị bại trận và phải rút lui về Khuất Lão, từ đây binh quyền cũng đã được Lý Nam Đế trao lại cho Triệu Quang Phục.
Chúng ta có thể nói là Lý Nam Đế là nhân vật lịch sử không gặp thời. Dù là một người có tài năng nhưng gặp phải hoàn cảnh không thuận lợi khi đương đầu với một thế lực lớn của phương Bắc; đồng thời đó là sự chênh lệch về lực lượng và khả năng chiến đấu khi mà nhân dân ta đã bị đô hộ và chịu sự áp bức, bốc lột hơn nửa thế kỷ.
Nhưng những gì Lý Nam Đế để lại là cả một sự nghiệp cao cả, Lý Nam Đế đã dựng lên nhà nước Vạn Xuân, một nhà nước độc lập, tự chủ cho dân tộc ta sau hơn 500 đấu tranh bền bĩ của nhân dân ta. Công lao của ông vô cùng lớn và xứng đáng được sử sách lưu danh để ngàn đời sau còn ca ngợi.
Tham khảo:
Các triều đại Việt Nam
Việt sử giai thoại, tập 1
Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập 1
|
Thanh Hải - DH11SU
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét