Kinh thành Vạn Xuân |
Sưu tầm, 16-12-2004 |
Giữa thế kỷ thứ sáu, sau khi chiến thắng quân Lương, Lý Bí đã lên ngôi lấy hiệu là Nam Đế, chọn đất Thanh Trì xây thành Vạn Xuân. Lịch sử không hẹn mà gặp, không chờ đến chiếu dời đô của Lý Công Uẩn vào năm 1010, Hà Nội đã từng được chọn làm đất kinh kỳ từ hơn 400 năm trước đó. Kinh thành Vạn Xuân hiện chẳng còn lại dấu tích gì, nhưng vẫn còn lại trong lòng người niềm tự hào về một vùng đất hội đủ khí thiêng của dân tộc.
Suốt mấy năm liền, thôn Tĩnh Quang (Gia Lâm, Hà Nội) được mùa ngô, cả một triền phù sa dọc sông Hồng từ cầu Đuống kéo dài về xuôi hơn 3km, quanh năm bờ bãi thay đổi mầu sắc theo mùa gieo trồng. Đất nâu mịn màng lấm tấm hạt ngô vàng như cái cúc áo. Rồi ngô nhu nhú mầm non dễ thương như những chiếc răng sữa. Rồi bãi vồng lên mầu xanh của lá. Rồi bạt ngàn ngô lên ngọn, tưởng như tự dưới tầng sâu lắng đọng màu mỡ đã trào lên sắc biếc để rồi thai nghén một mùa thu hoạch lớn. Chiều chiều, lũ trẻ dong trâu về làng, tôi thường lấy râu ngô dán lên cằm vờ làm ông Lý Bí cưỡi voi đánh giặc Lương, hát mấy câu ca không biết được truyền lại tự bao giờ:
Nhớ thời đất dựng Vạn Xuân
Trời Nam có ngọn cờ thần tung bay Bắc triều chính sự lung lay Lên ngôi thần lại đặt bày núi sông.
Nghe các cụ nói, hồi trước Lý Bí có đóng quân tại vùng này, trừ được giặc, nhân dân nhớ ơn, lập đền thờ ngài. Lúc đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ lợp gianh. Về sau, dân làng quyên góp tiền của dựng thành tòa đền lớn... Cụ từ đền cho con cháu nghe bài văn tế kể lại công đức của thần:
”Khôi phục chân thành mà dấy lên, nước Vạn Xuân cũng như bàn thạch. Bảy năm việc lớn bèn thành tựu, thế Thăng Long mạnh tựa âu vàng...”.
Thôn Tu Hoàng (Từ Liêm) cũng có miếu thờ ông. Thôn Tử Đường (tỉnh Thái Bình), quê hương Lý Bí, cũng dựng một ngồi đền thờ tự lâu đời... người anh hùng ấy đã trở thành vị Thành hoàng của nhiều làng.
Hà Nội thời ấy là một địa bàn hoạt động lớn của nghĩa quân Lý Bí. 14 thế kỷ đi qua, dấu chân của lịch sử còn in trên vùng đất cổ kinh thành. Cửa sông Tô Lịch soi bóng thành lũy. Đầm Vạn Xuân lồng lộng bóng thiết triều... Đất kinh đô lần đầu tiên được in dấu chân của lịch sử chống xâm lược. Bà Trưng chỉ kéo quân qua miền tả ngạn sông Hồng. Trước đó, Thục An Dương Vương xây thành ốc ở mạn đông bắc thành phố. Lý Bí mới là người thực sự lấy địa bàn chủ yếu của cuộc khởi nghĩa tại khu vực núi Nùng sông Nhị. Dẫu thành quách đã bị thời gian tàn phá và cửa sông Tô Lịch đã bị bồi lấp, ngọn sóng dấy binh của 1.400 năm trước vẫn sôi động trong huyết thống của hôm nay và muôn sau...
* * *
Đầu thế kỷ thứ sáu, triều đình phong kiến nhà Lương (Trung Quốc) xáo trộn đất Châu Giao. Thuế má vô cùng nặng nề, khắc nghiệt. Bán vợ đợ con cũng phải nộp thuế. Cây dâu dài 1 m cũng phải nộp thuế. Cả một bầu không khí ngột ngạt đè nặng. Lý Bí là người đã vung thanh gươm lóe sáng anh hùng ca dân gian:
Quân uy dáo dựng ngang trời
Long Biên giặc chết máu trôi đỏ dòng Ba quân sấm dậy đùng đùng Xác bầy ác hổ ngập đồng làng ta Ra tay thần dựng sơn hà Lập nền tự chủ ấy là Vạn Xuân
Bài vè thôn Tĩnh Quang đã nhắc lại những nét lớn về quê quán và nghiệp lớn của Lý Bí.
Mùa xuân 542 là mùa xuân bùng nổ cuộc khởi nghĩa.
Tức nước vỡ bờ, nông dân khắp nơi hưởng ứng cuộc khởi nghĩa. Phạm Tu (người Thanh Trì) là một tướng giỏi. Lý Phục Man, quê Yên Sở được phong làm đại tướng quân và được Lý Bí gả con gái. Trong ngôi đền đồ sộ ở làng Yên Sở có đôi câu đối ngợi ca vị tướng này: ”Đại đạo sinh tài, tài ích thịnh - Tiên sư giáng phúc, phúc thường lai” (Đạo lớn sinh ra của cải, của cải ngày càng thịnh - thần thánh ban cho phúc lành, phúc lành ngày thường đến...).
Lý Bí trực tiếp dẫn ba vạn quân tới trấn giữ Chu Diên, đánh nhau dữ dội với giặc. Giặc mạnh quá, Lý Bí lui quân về cửa sông Tô Lịch.
Thuở ấy, Hà Nội còn là vùng lầy lội. Tô Lịch vốn là dòng sông lớn mở cửa từ sông Cái (khu vực chợ Gạo hiện nay) chảy về phía tây rồi vòng xuống hướng nam, đến thôn Hà Vĩ huyện Thanh Oai (Hà Tây) thì hợp lưu với sông Nhuệ. Ba cửa sông Tô hứng nước Nhị Hà tạo ra một ngã ba sông khá lớn. Mấy thế kỷ sau, ngã ba này trở thành nơi đô hội của phường Giang Khẩu, một trung tâm thành Đại La và thành Thăng Long...
Lý Bí sáng suốt nhận thấy đây là vị trí chiến lược hết sức quan trọng và chắc hẳn ông cũng đã thấp thoáng thấy được rằng: Vùng cửa Tô Lịch có thể trở thành một trung tâm kinh đô tương lai. Ông đóng quân tại đó. Xây thành lũy... Và như thế, lần đầu tiên Hà Nội được ghi nhận vào sử sách là một địa điểm xung yếu chống xâm lược.
Cách cửa sông Tô Lịch về phía đông chừng 3 km là nơi thờ Lý Bí làm Thành hoàng.
Cách cửa sông Tô Lịch về phía nam gần 10 km là làng Thanh Trì, vùng kinh đô cũ của nhà Tiền Lý.
Ba địa điểm nay đều quây quần trên một mảnh đất không rộng lắm thuộc vùng ven nội đông và đông nam thủ đô ngày nay.
Một nhà sử học hay bất cứ một người nào quan tâm đến lịch sử đều không thể không lưu ý đến điều đó.
Thanh Trì là một xã vào loại cổ nhất của Thăng Long - Hà Nội. Theo thần tích của địa phương, dân đã tụ họp về đây khai khẩn đất từ thời Hùng Vương. An Quốc, con trai vua Hùng thứ 18 và là bạn của Sơn Tinh, đã từng dựng dinh thự, dạy dân cày cấy.
Mùa xuân năm 544 là mùa xuân đầu tiên sau khi dẹp yên giặc phương bắc và giặc phương nam, Lý Bí tuyên bố dựng nước, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, lên ngôi vua tự xưng là Nam Đế.
Ông dong ngựa dạo chơi cùng quần thần, đến thôn Thanh Trì, xã Lĩnh Nam, bỗng thấy khí trời mát dịu. Và từ xa, một đàn cò rủ nhau bay tới, lượn 10 vòng rồi sà xuống đậu trắng cánh đồng. Lý Nam Đế đếm vừa đúng một vạn con. Vua cho đó là điềm lành, bèn chọn làm nơi định đô.
Mọi chi tiết của truyền thuyết nhuốm mầu sắc huyền bí. Nhưng qua truyền thuyết, điều ta có thể khẳng định được là đế đô nhà Tiền Lý thuộc xã Thanh Trì. Và, như vậy thủ đô Hà Nội chúng ta tính đến nay đã 1.400 tuổi. Nếu mở rộng phạm vi ngoại thành, tính từ thời Thục An Dương Vương xây Loa thành thì thủ đô đã già 2.000 tuổi. Lịch sử nào có hẹn nhau, nhưng tình cờ đã gặp nhau trên vùng đất thiêng này - vùng đất trung tâm giao lưu của cả nước.
Đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, nhà vua ”có ý mong xã tắc truyền lại muôn đời” (Đại Việt sử ký toàn thư). Ông tổ chức hẳn một triều đình riêng có hai ban văn võ, hoàn toàn tách khỏi triều đình nhà Lương. Nhà Nho học uyên thâm Tinh Thiều được cử đứng đầu ban văn. Vị tướng tài ba Phạm Tu được cử đứng đầu ban võ. Điện Vạn Thọ là một lâu đài dùng cho nhà vua và các quan văn võ hội họp thiết triều. Chùa Khai Quốc cũng được dựng lên cầu phúc cho thời kỳ thịnh trị mở nước. Bãi Vạn Xuân ven bờ sông Cái là nơi luyện tập binh lính. Hồ Vạn Xuân rộng hàng chục mẫu dùng để duyệt thủy quân.
1.400 năm trôi qua, sông Cái đã xê dịch dòng chảy. Điện Vạn Thọ ở nơi nào, có còn giữ lại một ít viên gạch nền móng cũ nữa không? Chùa Khai Quốc đâu còn dấu thơm. Bãi tập ở ngoài đê nay dùng làm bãi than của cảng Hà Nội sôi nổi nhịp điệu lao động ngày mới. Hồ ở trong đê bị lấn hẹp dần bởi các công trình xây dựng.
Lục lại trong một vài cuốn sử Đại việt, ”Việt sử thông giám cương mục” chép: Đầm Vạn Xuân ”còn gọi là đầm Vạn Phúc ở địa phận xã Vạn Phúc huyện Thanh Trì”. Sử đời Nguyễn cũng ghi ”nay ở xã Vạn Phúc huyện Thanh Trì có hồ Vạn Xuân, còn gọi là đền Vạn Phúc”. Vậy điện Vạn Thọ có lẽ ở đấy:
Bắc Nam quét sạch bằng tờ
Dời binh thánh giá định đô Long thành Ngoại trần sa mạc quét thanh Âu vàng khỏe đặt cung xanh vững vàng.
Đọc lại mấy câu trong Thiên Nam ngữ lục ngợi ca nhà nước Vạn Xuân, ta càng thêm tự hào về mảnh đất Long thành - Hà Nội của chúng ta. Sông Hồng vẫn ca lên khúc hát 4.000 năm. Đất đai đang trẻ lại với tầng sa bồi mới... Kìa, đàn cò trắng đang bay tới tự chân trời xa. Có phải đàn cò từ trong truyền thuyết rủ nhau về soi bóng trên mặt hồ xưa và đặt ấn dấu chân trên mảnh đất thực tại.
Giữa sương mù rạng đông, chúng đậu trắng ven đầm mờ ảo tựa như lâu đài kinh thành Vạn Xuân hiện lên...
|
Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012
Kinh thành Vạn Xuân
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét