Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Điện Biên Phủ


Điện Biên Phủ

Bài 1: Quân báo tịch thu bản đồ địch


Lính Pháp chuẩn bị nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên Phủ.
Chiến dịch chuyển quân đường không lớn nhất trong chiến tranh Đông Dương. Bắt sống quan ba Pháp.
Cách đây 55 năm, ngày 7-5-1954, toàn bộ bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Pháp ở Điện Biên Phủ đầu hàng. Điện Biên Phủ, miền đất mà đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt tên là “điểm hẹn lịch sử”, đã được ghi danh vào danh sách những trận chiến nổi tiếng của thế kỷ 20.
Được sự đồng ý của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Báo Pháp Luật TP.HCM xin trân trọng giới thiệu những đoạn tóm trích trong cuốn sách Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009 mới xuất bản (tựa bài và tít nhỏ của tòa soạn).
Ngày 27-7-1953, Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua kế hoạch Navarre (*). Trong cuộc họp này, Hội đồng Quốc phòng Pháp nhấn mạnh phải ưu tiên bảo vệ Lào và chính phủ thân Pháp ở Lào. Sau đó, tướng Navarre ra chỉ thị chiếm Điện Biên Phủ để can thiệp kịp thời nếu Việt Minh đe dọa Lào.
Chiến dịch Hải ly bắt đầu
Năm 1953 là năm cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước vào năm thứ tám. Một trong những mục tiêu của chiến dịch Thu-Đông năm 1953 là giải quyết tập đoàn cứ điểm Nà Sản (Sơn La) của Pháp. Không ngờ đầu tháng 8-1953, quân Pháp rút toàn bộ khỏi Nà Sản bằng đường không. Bộ tổng tham mưu của ta phải nghiên cứu lại toàn cục.
Đầu tháng 10-1953, Bộ Chính trị họp bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 ở Thái Nguyên. Bác Hồ chỉ đạo lấy Tây Bắc làm hướng hoạt động chính.
Nhằm ngăn chặn quân ta đang hành quân lên Tây Bắc, đồng thời giữ Tây Bắc và che chở cho Thượng Lào, tướng Navarre ban hành quân lệnh mật ngày 2-11-1953 lệnh cho tướng René Cogny (chỉ huy các lực lượng bộ binh Bắc Việt Nam) phải tiến hành chiến dịch Castor (Hải ly) từ ngày 15 đến 20-11. Mục tiêu của chiến dịch nhằm chiếm lại lòng chảo Điện Biên Phủ, nơi một số tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 148 của ta có mặt từ đầu năm 1953.
Ngày 4-11, máy bay Dakota ném bom napalm xuống lòng chảo Điện Biên Phủ nhằm hủy diệt lúa và cây cỏ, tuy nhiên kết quả không như ý vì độ ẩm quá cao. Trước đó, một máy bay trinh sát của Pháp đã quan sát và chụp ảnh địa hình. Những động thái này mở màn cho chiến dịch chuyển quân bằng đường không lớn nhất trong chiến tranh Đông Dương.
Sáng ngày Pháp nhảy dù
Sáng 20-11-1953, từ sân bay Bạch Mai, 33 máy bay Dakota cất cánh hướng về Tây Bắc. 32 chiếc khác sẵn sàng chờ lệnh tại sân bay Gia Lâm.
Trong ba ngày, gần 4.500 quân Pháp và các loại vũ khí được thả xuống lòng chảo Điện Biên Phủ. Kế đến là máy móc và dụng cụ mở đường băng sân bay cho máy bay hạng nhẹ, thực phẩm, quân nhu và lính thuộc các lực lượng ngoài lính dù.
Ngày 29-11, tám ngày sau khi chiến dịch Hải ly bắt đầu, tướng Navarre và tướng Cogny đích thân thị sát Điện Biên Phủ và rất hài lòng với kết quả ban đầu của chiến dịch.
Ông Trần Can (tức Trần Cân) 80 tuổi, nguyên đại đội trưởng Đại đội 634, Tiểu đoàn 910, Trung đoàn 148, nhớ lại buổi sáng sớm ngày 20-11-1953:
“Dù của địch lúc này đã dày đặc trời Điện Biên. Dù rơi trùm lên cả trận địa của hai đại đội 221 và 225 chỗ sân bay. Súng cối mình không biết bắn thế nào vì bắn nó sẽ trúng cả quân mình. Sau này nghĩ lại, tôi tiếc ngày ấy chưa huấn luyện cho súng đại liên bắn máy bay. Hôm đó, nhiều chiếc Dakota sau khi trút dù đã sà xuống rất thấp để uy hiếp quân ta.
Đánh nhau lẫn lộn, lục bục suốt từ 8 giờ sáng đến khoảng một giờ rưỡi chiều, chúng tôi và Đại đội 220 mới vào bắt liên lạc được với Đại đội 221 và Đại đội 225. Hai đại đội này đã thương vong nhiều do đánh giáp lá cà, dùng lựu đạn và lưỡi lê.
Khoảng hơn 10 giờ, súng cối 81 ly của ta phía Bản Kéo lên tiếng, bắn tan rã từng mảng lính dù địch đang co cụm trên sân bay Mường Thanh. Đầu giờ chiều, địch cụm quân lại được trong cánh đồng gần phố Mường Thanh, vẫn chưa chiếm các điểm cao.
Đánh nhau đến 4 giờ chiều thì sương mù nhiều, ta và địch không thấy nhau. Sức chiến đấu của ta sau một ngày cũng xuống, chúng tôi cho rút quân, một bộ phận lên hướng Him Lam, số đông về Sam Mứn, cách trung tâm Mường Thanh chừng 6 km”.
Bắt sống quan ba Pháp
Trong lúc hội nghị phổ biến nhiệm vụ quân sự và kế hoạch Đông Xuân 1953-1954 đang diễn ra, Bộ tổng tư lệnh của ta nhận được tin quân đội Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Ông Nguyễn Việt 84 tuổi, nguyên cán bộ Cục Quân báo (Bộ tổng tham mưu), nhớ lại: “Quân báo và trinh sát của Bộ tổng tham mưu được lệnh vào Điện Biên Phủ phối hợp với các đơn vị khác tìm hiểu xem ý định của địch là gì, tại sao nó rút khỏi tập đoàn cứ điểm xây kiên cố Nà Sản từ hồi tháng 8-1953, giờ lại đưa quân lên một vùng núi xa hơn, hiểm trở hơn.
Lúc ấy tại chỗ đã có trinh sát của Trung đoàn 148 rồi. Một đại đội trinh sát của Đại đoàn 316 đang hành quân lên Lai Châu cũng được lệnh rẽ sang Điện Biên. Chúng tôi đồng thời khai thác tin thêm về Điện Biên Phủ qua một tên quan ba Pháp mà ta bắt khi giải phóng Điện Biên cuối năm 1952... Hắn cung cấp thông tin về địa hình và có nói đến tầm quan trọng của quả đồi sau này là A1, muốn khống chế trung tâm Mường Thanh thì phải chế ngự được nó. Từ thông tin này, ta vẽ một tấm sơ đồ.
Muốn đánh phải có bản đồ, thế mà tấm bản đồ Đông Dương ta có khi ấy chỉ là một bản đồ hành chính... chỉ có mấy nét ngoằn ngoèo của con sông Nậm Rốm, còn lại là trắng, không có bình độ. Phải làm binh yếu địa chí, vẽ được bản đồ quân sự thì mới đánh được, nhất là ta biết trận này có pháo.
Anh em trinh sát bám Điện Biên Phủ đi điều tra vị trí từng đồn, đặt tên cho những quả đồi A, B, C, D, E... hơn 40 vị trí. Đang lúc thu thập tin và số liệu để lập sa bàn thì ta lấy được bản đồ của nó”.
Chiến công đêm Noel
Giữa tháng 12-1953, quân báo ta được tin Bộ tham mưu Pháp lo những tấm bản đồ cũ có nhiều sai sót sẽ ảnh hưởng lớn tới việc sử dụng hỏa lực. Do đó quân Pháp đã dùng máy bay để chụp ảnh và hệ thống lại bản đồ bố phòng Điện Biên Phủ. Các tổ chiến sĩ quân báo ta được lệnh bắt sống sĩ quan đi từ trung tâm Mường Thanh xuống Hồng Cúm bằng bất cứ giá nào.
Đêm 24-12-1953, sáu chiến sĩ quân báo thuộc Đại đội 62, Tiểu đoàn 426 do Trung đội trưởng Trần Văn Phận dẫn đầu đột nhập vào sân bay để lấy dù của địch. Bò qua gần 6 km đường, chui qua các lớp rào thép gai, các anh mang được một thùng hàng về vào rạng sáng 25-12. Ông Nguyễn Việt kể:
“Ngày bám cứ điểm quan sát địch, đêm anh em bò vào lấy dù của nó. Thằng giặc ném dù bừa bãi cả ngoài hàng rào thép gai, ngoài cánh đồng. Chắc nó chủ quan nghĩ đã khống chế cả vùng nên cứ để đó, không thu ngay.
Đêm ấy tổ trinh sát mang về một chiếc dù đỏ kèm dù trắng, có hòm lương thực kèm một hòm kẽm. Về cứ mở ra thì trong hòm kẽm có 25 bản đồ 1/25.000 và 32 ảnh chụp Điện Biên Phủ từ trên máy bay. Trinh sát mừng húm, biết tầm quan trọng của chiến lợi phẩm này nên mang ngay lên chỉ huy đại đội là anh Ngọc Bảo.
Bản đồ được chuyển cấp tốc về cho anh Cao Pha (Cục phó Cục Quân báo chiến dịch) rồi về Tuần Giáo, đến tay Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái. Ông cho ôtô mang mấy tấm về an toàn khu ở Thái Nguyên in sao ra để chia cho các đơn vị.
Đó là bản đồ chi tiết của Điện Biên, có địa hình, bình độ, sông suối..., bảo đảm thông tin cho pháo ta bắn tốt. Anh Trần Văn Phận, người trực tiếp bò qua hàng rào vào lấy dù ra, được tặng thưởng ngay Huân chương Chiến công hạng Hai”.
5 giờ sáng 20-11, một máy bay Dakota rời Hà Nội chở theo ba viên tướng Pháp: Jean Gilles - chỉ huy các lực lượng đổ bộ đường không, Jean Dechaux - tư lệnh lực lượng không quân chiến thuật và Pierre Bodet - phó tổng tư lệnh liên quân của tướng Navarre. Nhiệm vụ của họ là quyết định triển khai hay tạm dừng chiến dịch Hải ly. Hơn hai tiếng sau, sau khi quan sát lòng chảo Điện Biên Phủ từ trên không, họ bật đèn xanh cho chiến dịch Hải ly.
________________________
(*) Tướng bốn sao Henri Navarre được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Viễn Đông (CEFEO) hồi đầu tháng 5-1953

Bài 2: Quyết định khó khăn nhất của tướng Giáp


Mở đường trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Quân Pháp đã biết trước rất rõ kế hoạch đánh Điện Biên Phủ của ta. Năm mũi tiến công chiến lược.
Sáng ngày 20-11-1953, quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ nhằm xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh để trấn giữ Tây Bắc và che chở cho Thượng Lào.
Ngày 6-12, Bộ Chính trị họp, nhất trí thông qua phương án tác chiến trong chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, dự kiến kéo dài 45 ngày. Tuy nhiên sau đó, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương án.
Ngày 6-12-1953, quân Pháp hay tin đại đoàn (sư đoàn) 316 của ta đã đến Tuần Giáo (chuẩn bị đánh Lai Châu). Lo sợ bị chia cắt lực lượng, tướng Cogny vội vã ra lệnh rút toàn bộ lực lượng khỏi Lai Châu, tập trung về tăng cường phòng ngự Điện Biên Phủ.
Nô nức chờ ngày nổ súng
Ngày 20-12, đại đoàn công pháo 351 của ta hành quân lên Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ ban đầu mang mật danh là chiến dịch Trần Đình. Hầu hết các đại đoàn chủ lực của ta đã được lệnh tham gia chiến dịch.
Ngày 14-1-1954, bộ chỉ huy chiến dịch họp để phổ biến mệnh lệnh và kế hoạch chiến đấu cho các đại đoàn. Phương châm chiến dịch là “đánh nhanh-giải quyết nhanh”. Dự kiến trận đánh sẽ kéo dài hai, ba ngày đêm. Thời gian nổ súng lúc đầu quy định ngày 20-1.
Các nẻo đường từ hậu phương lên mặt trận sôi động từ cuối tháng 12-1953. Bộ đội, dân công, thanh niên xung phong... tất cả đều náo nức chờ ngày nổ súng.
Sau khi nghe các cán bộ đi trước chuẩn bị chiến trường báo cáo, đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy việc lựa chọn phương án “đánh nhanh-giải quyết nhanh” là quá mạo hiểm.
Ông đã phải trải qua 11 ngày đêm cân nhắc, suy tính để đi đến cái mà hàng chục năm sau, trong hồi ký của mình ông gọi là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy. Một quyết định mang tính lịch sử bởi đây là điểm tựa đưa đến ngày chiến thắng. Một quyết định mà bao cán bộ, chiến sĩ Điện Biên Phủ đến giờ vẫn ngợi ca là sáng suốt, nhân đức.
Kế hoạch đánh bị lộ
Ông Lê Trọng Nghĩa 88 tuổi, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo, nhớ lại:
“Ngày 15-12-1953, ta quyết định kế hoạch chiến dịch. Sau đó, tôi đi cùng với đại tướng Võ Nguyên Giáp và anh Trần Văn Quang (1) lên Tây Bắc.
Ở Điện Biên Phủ, ngày 19-1-1954, tình báo ta biết được địch mở chiến dịch Atlante(2). Tôi với anh Trần Văn Quang trực tiếp báo cáo với đại tướng về chiến dịch này. Thời điểm đó ta đang chuẩn bị đánh nhanh. Chỉ còn ít ngày là nổ súng, rất mừng và phấn khởi vì địch dồn tất cả lực lượng vào chiến dịch Atlante, có nghĩa ít nhất cũng phải mất hai tháng, đủ thời gian cho ta xơi Điện Biên Phủ.
Đêm 22-1, tôi nhận được tin: Địch biết rất rõ kế hoạch của ta đánh Điện Biên Phủ. Sáng 23-1, sau khi tập hợp tin tức tình báo cả đêm, tôi đến trực tiếp báo cáo với tổng tư lệnh về chuyện địch đã có được kế hoạch cụ thể của ta, đánh ở đâu, ngày giờ nào, cách đánh như thế nào.
Việc làm của tôi là rất nguy hiểm vì trong kỷ luật chiến trường, khi Bộ tổng tư lệnh đã hạ quyết tâm, khi mệnh lệnh đã ban ra thì ở dưới nhất nhất thi hành, cấm tất cả tướng sĩ không được nói khác đi, làm người chỉ huy nao núng...”.
Vùng Tây Bắc giáp với Lào và chiến trường Điện Biên Phủ (hình sao trong bản đồ của Pháp).
Tổng tư lệnh trực tiếp đi kiểm tra
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe báo cáo không phải đã tin ngay. Ông ra lệnh kiểm tra lại tin này.
Ông Lê Trọng Nghĩa kể:
“Trực tiếp tôi phải xác định lại tin này, không được qua báo cáo nữa. Bên Cục Bảo vệ, ông Phạm Kiệt cũng phải trực tiếp kiểm tra tin từ tù binh bị bắt. Vì theo tôi báo cáo, việc bị lộ thông tin là do địch bắt được chiến sĩ của ta. Ông Giáp cũng trực tiếp xuống tận lán của tình báo kỹ thuật, yêu cầu người thu được tin địch biết động thái của ta giải thích. Trong các chiến dịch lớn, không bao giờ tổng tư lệnh lại đi kiểm tra trực tiếp một chuyện nhỏ như thế!
Tôi ra sát Điện Biên Phủ, dùng ống nhòm và tai nghe để kiểm tra tình hình, thấy nó vẫn đang nhảy dù xuống. Lúc bấy giờ các tướng lĩnh đã được phái đi đốc chiến hết, ở sở chỉ huy chẳng còn mấy người.
Đến chiều, tôi tổng hợp và báo cáo lại đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi lại khẳng định là địch đã biết rõ kế hoạch của ta và có kế hoạch cụ thể để đối phó. Ông Phạm Kiệt hôm ấy đi kiểm tra tại các đơn vị 312 và 308 đã vào chiếm lĩnh trận địa, chuẩn bị để chỉ một, hai ngày nữa là đánh. Chiều, ông Kiệt nói: Đúng là 312 mất một chiến sĩ, còn 308 xa quá không liên lạc được, đồng thời cũng báo cáo lên là “không nắm được quân nữa”.
Tôi cứ nhấn mạnh về việc kế hoạch của ta đã bị lộ. Đại tướng không kết luận gì, chỉ nói: “Báo cáo thế là được rồi” nhưng ra lệnh cho tôi không được báo tin đó với bất kỳ ai, nhất là với cố vấn. Các ông cố vấn vẫn luôn xuống chỗ tôi hỏi han tình hình.
Sau đó, đại tướng họp với cố vấn, đưa ra ý kiến không theo kế hoạch cũ được. Cuối cùng, cố vấn Vi Quốc Thanh cũng đồng ý và nhận sẽ đả thông cho cả đoàn cố vấn, những người vẫn theo tư tưởng “đánh nhanh-thắng nhanh””.
Năm mũi tiến công chiến lược
Kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 của ta gồm năm mũi tiến công chiến lược đã lần lượt xé nhỏ phần lớn lực lượng quân cơ động chiến lược của địch.
- Đầu tháng 11-1953, đại đoàn 316 lên Tây Bắc tiến công giải phóng Lai Châu. Lo sợ mất Tây Bắc, lá chắn cho Thượng Lào, tướng Navarre cho quân cấp tốc nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ. Đại đoàn 316 đã đánh tan cánh quân địch rút từ Lai Châu về và cánh quân từ Mường Thanh lên tiếp ứng tại Bản Tấu, Pu San, Mường Pồn. Navarre vội vã điều thêm nhiều tiểu đoàn cơ động lên Điện Biên Phủ.
- Đầu tháng 12-1953, một số trung đoàn chủ lực thuộc các đại đoàn 325 và 304 sang Trung Lào cùng bộ đội bạn tiến công giải phóng thị xã Thà Khẹt, làm chủ toàn tỉnh Khăm Muộn, giải phóng hầu hết vùng Trung Lào. Tướng Navarre cuống cuồng điều thêm quân tăng cường cho Trung Lào.
- Đầu tháng 1-1954, quân ta và bộ đội bạn thừa thắng tiến xuống Hạ Lào giải phóng thị xã A tô pơ và toàn bộ cao nguyên Bô lô ven. Tướng Navarre phải điều bốn tiểu đoàn cơ động đến Pắc xế.
- Ngày 20-1-1954, tướng Navarre huy động sáu binh đoàn cơ động tổ chức chiến dịch Atlante đổ bộ lên Tuy Hòa nhằm đánh chiếm vùng tự do liên khu 5 của ta. Ta sử dụng lực lượng địa phương bảo vệ vùng tự do và điều hai trung đoàn chủ lực của liên khu 5 lên mở chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng thị xã Kon Tum và toàn bộ vùng bắc Tây Nguyên. Sợ mất cả Tây Nguyên, Navarre buộc phải bỏ dở cuộc hành binh Atlante, đưa 14 tiểu đoàn cơ động lên tăng cường cho Tây Nguyên.
- Ngày 26-1-1954, ta quyết định thay đổi phương châm tác chiến tại Điện Biên Phủ. Đại đoàn 308 được lệnh hành quân cấp tốc sang Thượng Lào, cùng bộ đội bạn đánh đuổi địch đến tận bờ sông Mékong, chỉ cách thủ đô Lào 15 km. Ở phía tây Bắc, trung đoàn 148 và bộ đội bạn đánh địch giải phóng toàn bộ tỉnh Phong xa lì. Tướng Navarre phải cấp tốc lập cầu hàng không, rút tám tiểu đoàn cơ động từ các nơi sang Lào.

Bài 3: Chuyển sang đánh chắc-tiến chắc


Đưa pháo vào Điện Biên Phủ.
“Tổng tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại! Trao cho chú toàn quyền” - Bác Hồ giao quyền cho đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi ra mặt trận.
Chiều 26-1-1954, một phái đoàn Pháp gồm Bộ trưởng Bộ Các quốc gia liên kết Marc Jacquet, Cao ủy Pháp ở Đông Dương Maurice Dejean, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương Henri Navarre, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Bắc Việt Nam René Cogny đến kiểm tra Điện Biên Phủ. Họ đặt câu hỏi: “Vì sao tối qua Việt Minh không tấn công?”...
Sau 11 ngày đêm cân nhắc, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định phải chuyển từ phương án “đánh nhanh-thắng nhanh” sang “đánh chắc-tiến chắc”. Các đơn vị pháo binh được lệnh kéo pháo ra vị trí tập kết ban đầu.
Ba khó khăn lớn
Trong sách Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử (NXB Quân đội nhân dân, 2000), đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại:
“Đêm ngày 25-1-1954, tôi không sao chợp mắt. Đầu đau nhức. Đồng chí Thùy, y sĩ, buộc lên trán tôi một nắm ngải cứu...
... Khi nghe anh Thái nói lần đầu ở Tuần Giáo về khả năng đánh nhanh-thắng nhanh, tôi đã cảm thấy làm như vậy là mạo hiểm. Từ đó đến nay, tình hình địch đã thay đổi nhiều. Chúng đã củng cố công sự phòng ngự, không còn là trận địa dã chiến. Bộ đội sẽ phải tiến hành một trận công kiên vào một tập đoàn cứ điểm phòng ngự vững chắc chưa từng có.
Ba khó khăn hiện lên rất rõ.
Thứ nhất, bộ đội chủ lực ta đến nay chỉ tiêu diệt cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường, có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ. Ở Nà Sản, chúng ta mới đánh vào vị trí tiểu đoàn, dưới tiểu đoàn, công sự dã chiến nằm trong tập đoàn cứ điểm, vẫn có những trận không thành công, bộ đội thương vong nhiều.
Thứ hai, trận này tuy ta không có máy bay, xe tăng nhưng đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với quy mô lớn lần đầu, mà lại chưa qua diễn tập. Có trung đoàn trưởng xin trả lại pháo vì không biết phối hợp thế nào!
Thứ ba, bộ đội ta từ trước tới nay mới chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu. Chủ lực ta chưa có kinh nghiệm công kiên ban ngày trên trận địa bằng phẳng, với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng. Trận đánh sẽ diễn ra trên một cánh đồng dài 15 km và rộng 6-7 km...
Tất cả mọi khó khăn đó đều chưa được bàn bạc kỹ và tìm cách khắc phục.
Nhưng giải quyết ra sao? Pháo binh đã vào vị trí, các đại đoàn đều có mặt ở tuyến xuất phát xung phong. Quyết định hoãn trận đánh một lần nữa sẽ tác động tới tinh thần bộ đội như thế nào...?
Tôi nhận thấy phải cho các đơn vị rút khỏi trận địa để nghiên cứu một cách đánh khác dù bộ đội có thắc mắc. Phải chuyển từ phương án “đánh nhanh-thắng nhanh” sang “đánh chắc-tiến chắc”...
Tướng De Castries chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Ai cũng bàn đánh nhanh
Trước khi đại tướng Võ Nguyên Giáp thay đổi cách đánh, phương án đánh nhanh có vẻ chiếm ưu thế. Ông Hoàng Minh Phương 81 tuổi, nguyên phiên dịch Trung văn cho đại tướng Võ Nguyên Giáp, kể:
“Ngày 12-1-1954, khi đại tướng cùng cố vấn Vi Quốc Thanh (*) lên đến sở chỉ huy thì tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái nói ta và bạn đã lên kế hoạch xong xuôi rồi, sẽ đánh ngày 20-1, giải quyết Điện Biên Phủ trong ba đêm hai ngày...
Trên đường ra mặt trận, ông Thái thận trọng bàn với ông Mai Gia Sinh (*) dừng ở Nà Sản nghiên cứu vì sao năm 1952 ta đánh không thành công. Ông Mai nói ta không thành công vì đánh theo lối bóc vỏ, tập trung đánh một điểm của địch nhưng không có lực lượng chế áp pháo binh nên bị pháo nó quần xung quanh cùng không quân tập trung ném bom. Kiểu ấy không chiếm được tập đoàn cứ điểm mà có chiếm cũng không giữ được. Ông Mai nói lần này đánh moi tim và phải đánh nhanh, nếu không tranh thủ đánh sớm địch sẽ tăng quân củng cố công sự.
Tôi tham dự cuộc họp của đại tướng Võ Nguyên Giáp với các thành viên Đảng ủy chiến dịch và cố vấn. Ông Đặng Kim Giang phụ trách hậu cần mặt trận bảo: “Tranh thủ đánh sớm, Điện Biên Phủ mỗi ngày quân ăn 50 tấn gạo. Dân công gánh tải gạo từ Thanh Hóa lên đến kho thì tính ra chỉ còn 1-2 kg mỗi người. Ta chỉ có 628 xe Liên Xô viện trợ, đường độc đạo bị nó đánh ghê, nhất là ở đèo Lũng Lô, ngã ba Cò Nòi”.
Chủ nhiệm chính trị Lê Liêm thì nói: “Bộ đội ngại đi Tây Bắc. Chưa cần nói đến vắt, bọ chó, muỗi thì tâm lý anh em đã là thích đánh đồng bằng. Lên đến đây họ muốn đánh sớm còn về xuôi. Đánh nhanh hợp tâm lý bộ đội”.
Bác Giáp sang gặp ông Vi Quốc Thanh bàn, tôi đi dịch. Ông nói: “Tôi với anh bàn ở hậu phương dự kiến đánh chắc-tiến chắc. Ta đã báo cáo với Bác Hồ và Trung ương là đánh 45 ngày. Giờ anh em ở đây định giải quyết trong ba đêm hai ngày”.
Ông Vi là người thận trọng nhưng cũng bảo: “Tôi thấy anh Mai và anh Thái đi cả tháng trời rồi. Đúng là có khi phải đánh nhanh, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội đánh trận này. Mà Đông - Xuân này phải đánh một trận, chả nhẽ kéo năm vạn quân lên đây rồi kéo về tay không”.
Trước khi ra mặt trận, đại tướng gặp Bác Hồ, được Bác giao: “Tướng quân tại ngoại, cho chú toàn quyền quyết định. Việc gì đã bàn bạc nhất trí trong Đảng ủy và cố vấn thì chú quyết, chưa cần xin ý kiến của Trung ương, báo cáo sau...”. Quyết thế nào khi Đảng ủy mặt trận và cố vấn đều muốn đánh nhanh. Nguyên tắc bí mật, đại tướng không thể đánh điện về hỏi cũng không kịp cho người về báo. Đại tướng đành chấp nhận phương án đánh nhanh.”
Thảo luận cách đánh nhanh
Ngày 14-1-1954, đại tướng Võ Nguyên Giáp triệu tập cán bộ họp ở hang Thẩm Púa. Mệnh lệnh chiến đấu được phổ biến trên một sa bàn lớn. Ông Hoàng Minh Phương thuật tiếp:
“Ông Giáp hỏi: “Có ai thắc mắc gì không?”. Không ai thắc mắc. Trận này ta có 24 lựu pháo, mấy chục sơn pháo, cối 120 ly. Trong lịch sử chiến đấu của quân đội nhân dân chưa bao giờ có hỏa lực mạnh thế. Mọi người khí thế, tin tưởng, muốn đánh lắm rồi...
Trước lúc kết thúc hội nghị, bác Giáp cũng chuẩn bị tư tưởng cho mọi người trước: “Giờ ta đánh theo phương án này nhưng suốt quá trình chuẩn bị phải theo dõi đài địch để nếu có gì mới kịp xử trí!”.
Tôi ngồi dịch cho cố vấn nghe. Trước mặt ba quân, đại tướng không biểu hiện gì do dự, căng thẳng cả. Nhưng ông không xuôi cái phương án đánh nhanh này.
Đêm 16 rạng 17-1, sở chỉ huy chuyển từ hang Thẩm Púa vào bản Nà Tấu cách Điện Biên Phủ 22 km theo đường ôtô, 15 km đường chim bay... Chậm nhất 18-1 pháo phải vào trận địa để ngày 20 đánh lúc 17 giờ. Ngày 18, pháo chưa vào được một nửa. Dốc cao, đường hẹp, địch bắn phá, máy bay nó ràn rạt, bên ta kéo pháo vào đã có thương vong. Bác Giáp bàn với cố vấn Vi hoãn năm ngày. Vậy là 25-1 sẽ đánh. Đến ngày 25 rồi pháo vẫn chưa vào hết.
Hôm 23-1, đồng chí Phạm Kiệt, Cục phó bảo vệ, là phái viên của Bộ đi theo dõi kéo pháo, gọi về chỉ huy sở. Tôi nhấc máy: “Phương à, cho tớ gặp bác Giáp, rất cần”. “Báo cáo anh, tôi Kiệt đây. Tôi đi theo pháo vào nhưng trận địa dã chiến chứ không vững chắc. Nếu ta đánh mà địch phản kích bằng pháo binh, thậm chí xe tăng nó sục ra, chả nhẽ bộ đội cầm tay kéo pháo chạy à? Đề nghị anh cân nhắc”...
(*) Cố vấn Trung Quốc
Tại cuộc họp cán bộ ở hang Thẩm Púa ngày 14-1, cố vấn Mai Gia Sinh đề nghị chiều 20-1-1954 cấp tập hỏa lực, giọt 2.000 viên 105 mm làm tê liệt pháo binh địch, sau đó chuyển làn về sau yểm hộ bộ binh xung phong. Đại đoàn 308 theo kế hoạch sau khi pháo bắn xong cứ xông qua cánh đồng Mường Thanh vào sở chỉ huy nó.
Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái thận trọng hỏi: “Đường chưa mở sao đưa pháo vào kịp?”. Ông Mai Gia Sinh giải thích chỉ cần mở đường Tuần Giáo đi Mường Thanh để xe GMC kéo pháo, cách Điện Biên 12 km thì hạ càng pháo, dùng sức người kéo pháo vào, nếu làm được tạo nên yếu tố bất ngờ. Nghe cũng có lý. Bên Trung Quốc có kinh nghiệm đánh rồi.
Lại hỏi: “Bộ đội tôi chưa quen đánh ban ngày, giờ đánh ngày, địch có máy bay, pháo...”. Ông Mai Gia Sinh giải thích ta xông vào đêm trước, sáng hôm sau đánh xen kẽ với địch thì máy bay nó không dám ném bom vì chết ta thì cũng chết nó.

Bài 4: Từ Him Lam đến ngày chiến thắng


Ngày 13-3-1954, pháo ta đồng loạt nhả đạn xuống Him Lam, phân khu trung tâm, sân bay Hồng Cúm.

Đồi A1 diện tích khoảng 2.000 m2, quân ta hy sinh khoảng 3.000 người. Nếu lên đồi A1, hãy cắm hương vào bất cứ chỗ nào vì nơi nào cũng có người nằm xuống.
Ngày 24-1-1954, quân ta bắt trên đài vô tuyến của quân Pháp: “Chuẩn bị đối phó, Việt Minh sẽ tiến công vào 17 giờ ngày 25-1”. Khi đó, một chiến sĩ của đại đoàn 312 bị bắt. Ta nghi chiến sĩ này khai nhưng hóa ra địch bắt được tin do Tổng cục Cung cấp tiền phương thông báo về hậu phương. Địch giải mã và biết kế hoạch tiến công của ta.
Hoãn tiến công, kéo pháo ra
Ông Hoàng Minh Phương 81 tuổi, nguyên cán bộ phiên dịch Trung văn cho đại tướng Võ Nguyên Giáp, kể:
“Rồi ta bắt sống một trung úy Pháp ở gần đồi Him Lam. Nó nói đồi Him Lam bất khả xâm phạm, tiểu đoàn bán lê dương số 3 của binh đoàn lê dương số 3 nổi tiếng khắp chiến trường đóng ở đó...
Tương kế tựu kế, bác Giáp bàn lui giờ mở màn 24 giờ. Sáng 26-1, đại tướng bảo tôi báo với đồng chí Vi Quốc Thanh (*) ông sang làm việc sớm. Khi hai ông gặp nhau, đại tướng nêu mấy điểm bất lợi cho ta.
Ông Vi hỏi: “Ý Võ tổng thế nào?”. “Theo tôi nên lui quân về củng cố, khi sẵn sàng thì đánh”. Ông Vi nói: “Tôi đồng ý với Võ tổng, tôi sẽ đả thông tư tưởng cho các đồng chí trong đoàn cố vấn nhưng đồng chí phải đả thông cho các đồng chí Việt Nam”.
Nhiều năm sau ta mới biết thực ra ông Vi Quốc Thanh cũng thấy đánh nhanh không ổn. Ngày 24-1, ông ấy điện về xin ý kiến Quân ủy trung ương Trung Hoa và Mao Chủ tịch nhưng đến sáng 27-1 mới nhận được câu trả lời”.
Cuộc họp Đảng ủy mặt trận được triệu tập ngay. Sau khi trao đổi mãi vẫn chưa thể kết luận, cuộc họp tạm dừng.
“Sau khi nghỉ giải lao, đại tướng Võ Nguyên Giáp bảo: “Tình hình rất khẩn trương. Theo kế hoạch chiều nay đánh... Tôi xin hỏi, với trách nhiệm cao nhất trước Đảng và Bác, trước Bộ Chính trị, trước sinh mạng của hàng ngàn chiến sĩ, các đồng chí có bảo đảm đánh thắng 100% không?”... Không ai dám chắc 100%.
“Đại tướng nói: “... Tôi tuyên bố hoãn cuộc tiến công chiều nay, kéo pháo ra, lui quân về, chuẩn bị theo đánh chắc-tiến chắc... Hậu cần chuẩn bị cho đánh dài ngày, đả thông tư tưởng anh em nhưng bây giờ chưa giải thích. Lui là lui, giải thích sau! Anh Thái phổ biến cho các đơn vị khác, tôi phổ biến cho pháo và 308”...
Khi lệnh rút quân dời ngày đánh đến các đại đoàn, anh em nhiều người không hiểu, nói: “Sao lại rút? Cẩn thận Việt gian hoang báo. Thằng nào bảo lui?”. Họ đâu biết người quyết định và ra lệnh lui chính là vị tổng tư lệnh của họ”.
Mở màn chiến dịch
17 giờ 5 ngày 13-3-1954, 40 khẩu pháo ta đồng loạt nhả đạn xuống Him Lam, phân khu trung tâm, sân bay Hồng Cúm. Một trái đạn rơi trúng sở chỉ huy Him Lam. Tiểu đoàn trưởng Pégot chết tại chỗ. Nửa giờ sau, bộ binh ta xung phong. 22 giờ 30, cả ba cứ điểm tại Him Lam bị tiêu diệt.
Ông Đào Văn Trường 93 tuổi, nguyên đại đoàn trưởng 351 (đại đoàn công pháo), nhớ lại:
“Lần đầu tiên pháo mặt đất cỡ lớn 105 ly xuất trận, chúng tôi hồi hộp. Không lo địch mạnh hơn, không lo nó phản pháo..., lo nhất là pháo ta đấm lưng quân ta. Ta và địch chỉ cách nhau có vài hàng rào dây thép gai và một dãy lô cốt tiền tiêu. Tản xạ của pháo 105 ly lại lớn... Ngay loạt đạn đầu tiên, đại đội 806 với bốn viên đạn đã bắn trúng hầm chỉ huy của cụm cứ điểm Him Lam”.
14 giờ hôm sau, pháo 105 mm của ta đồng loạt nhả đạn vào đồi Độc Lập. Trời mưa, đường trơn, sơn pháo 75 mm và cối 120 mm của ta cơ động chậm. Đến 3 giờ 30 sáng ngày 15-3, bộ binh ta mới được lệnh mở đột phá khẩu. Trận đánh mới bắt đầu.
6 giờ 30 sáng 15-3, ta hoàn toàn làm chủ đồi Độc Lập. Tướng De Castries cho hai tiểu đoàn dù và sáu xe tăng từ Mường Thanh lên phản kích nhưng bị quân ta chặn lại. Đến tám giờ sáng, quân Pháp phải rút chạy. Ngày 16-3, thêm một tiểu đoàn lính dù được thả xuống tăng viện.
Cụm cứ điểm Bản Kéo là mục tiêu thứ ba của pháo binh ta từ ngày 17-3. Vòng vây ta siết chặt, kèm theo thư gọi hàng chuyển vào cứ điểm. Trong ngày 17-3, ta giải phóng cụm cứ điểm Bản Kéo. Cánh cửa thép phía bắc Điện Biên Phủ của quân Pháp bị đập tan.
Kế hoạch ném bom của Mỹ
Cuối tháng 3-1954, khi quân ta khép gọng kìm ở Điện Biên Phủ, chính phủ Pháp cử tướng tổng tham mưu trưởng Paul Ely sang Mỹ. Mục đích: Xin viện trợ khẩn cấp và yêu cầu Mỹ can thiệp bằng không quân để giữ Điện Biên Phủ.
Các nhà quân sự Mỹ đề xuất kế hoạch tác chiến mang mật danh Diều hâu nhằm hủy diệt toàn bộ trận địa Việt Minh. Kế hoạch dự kiến sử dụng 60 máy bay ném bom hạng nặng B29 từ Philippines bay đêm đến Điện Biên Phủ. 300 máy bay khu trục xuất phát từ các tàu sân bay sẽ ném 450 tấn bom vào các vị trí Việt Minh.
Bộ tham mưu Pháp quan tâm đến kế hoạch này. Tuy nhiên, do khó khăn kỹ thuật nảy sinh như thời gian bay dài, không có đài chỉ dẫn mặt đất, hơn nữa chính phủ Mỹ từ chối bật đèn xanh cho kế hoạch này vì sau chiến tranh Triều Tiên, Mỹ lo ngại nguy cơ quốc tế hóa xung đột tại Đông Dương.
Dù vậy, ngay thời điểm ấy, sự ủng hộ về vật chất của Mỹ cho quân đội Pháp không giảm. Hàng trăm quả bom đặc biệt có tên gọi Hail đã được trao cho Pháp. Bom được chế tạo trong chiến tranh Triều Tiên nhưng chưa sử dụng bao giờ. Mỗi quả chứa 11.000 phi tiêu bằng thép, lao xuống đất đạt tốc độ hơn 1.000 km/giờ. Số bom giao cho Pháp đều được máy bay chiến đấu ném xuống Điện Biên Phủ.
Ngày chiến thắng
Ngày 6-5-1954, tiếng nổ của khối bộc phá trên đồi A1 được chọn làm hiệu lệnh tiến công chung cho toàn mặt trận. Các cứ điểm của địch lần lượt rơi vào tay quân ta. Sáng ngày 7-5, lá cờ quyết chiến quyết thắng tung bay trên cao điểm A1, báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Sau 17 giờ, cánh đồng Mường Thanh trắng cờ hàng của địch. Tướng De Castries chỉ huy tập đoàn cứ điểm cùng toàn bộ ban chỉ huy binh đoàn tác chiến Tây Bắc bị bắt. Tại phân khu phía nam, ý định rút chạy sang Lào của địch cũng phá sản. Rạng sáng 8-5, cụm cứ điểm Hồng Cúm hạ súng quy phục.
Theo Ủy ban điều tra Pháp về Điện Biên Phủ họp năm 1955, trước chiến thắng Điện Biên Phủ, Pháp còn 10.133 lính trong cụm cứ điểm trung tâm và 1.588 lính tại Hồng Cúm (tổng cộng là 11.721). Trong số đó có 4.436 thương binh, chiếm gần 38%.
Theo tài liệu của Pháp, từ khi Pháp chiếm lòng chảo Điện Biên Phủ từ tháng 11-1953 đến 7-5-1954, khu căn cứ đã ngốn 17 tiểu đoàn, tức hơn 15.700 lính và sĩ quan. Trong số đó, 3.420 người chết và mất tích, gần 5.300 bị thương, hơn 1.100 đảo ngũ. Không quân có hơn 50 máy bay bị hạ trên không và trên mặt đất.
Về phía ta, theo số liệu Viện Lịch sử quân sự Việt Nam công bố đầu năm 2004, tổn thất gồm 4.020 người hy sinh, 792 mất tích và 9.118 bị thương.
Quân ta đã thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, cơ sở vật chất kỹ thuật của Pháp ở Điện Biên Phủ, trong đó có 28 khẩu pháo lớn, 64 xe (có sáu xe tăng), 5.915 súng các loại, 20.000 lít xăng dầu, 21.000 dù, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y cùng nhiều đạn dược, quân trang, quân dụng. (Trích Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009. NXB Chính trị quốc gia, 2009)
(*) Cố vấn Trung Quốc.

Nhóm biên soạn cuốn sách Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009(NXB Chính trị quốc gia, 2009) gồm năm nhà báo trẻ: Đào Thanh Huyền, Phạm Thùy Hương, Phạm Hoài Thanh, Đặng Đức Tuệ, Phạm Hoàng Nam cùng đại tá Nguyễn Xuân Mai, Tổng biên tập Báo Phòng Không-Không Quân.
Từ đầu năm 2008 đến đầu năm 2009, nhóm biên soạn đã gặp, phỏng vấn, ghi âm và chụp ảnh hơn 200 nhân chứng Điện Biên Phủ sinh sống tại nhiều địa phương khác nhau. Cuốn sách được xây dựng dựa trên ba trục thông tin chính: Hồi ức của các nhân chứng, tư liệu lịch sử tái hiện chiến dịch và hình ảnh minh họa.
BẢO PHƯỢNG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét