Mọi việc bắt đầu từ lúc 8 giờ 15 phút, ngày 20/11/1953. Từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) và sân bay Cát Bi (Hải Phòng), một thê đội Đakôta đặc biệt chở đầy lính Âu - Phi được sự yểm trợ của một phi đội cường kích B.26 - loại máy bay oanh tạc “Invadơ” thế hệ mới - bất ngờ dàn hàng ngang lao vun vút lên vùng trời Tây Bắc...
Hành động đó mở đầu cho cuộc hành quân “Hải ly” (Cátxtô), để tái chiếm thung lũng Mường Thanh (tỉnh Lai Châu), do tướng Gin (Gilles) cầm đầu - đấy là một viên tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc, từng chỉ huy đổ bộ thành công lên căn cứ Nà Sản (Sơn La) trước kia. Những ngày sau đó, việc bố trí phòng thủ Điện Biên được quân Pháp ráo riết thực hiện, theo đúng sơ đồ bố phòng và kế hoạch tác chiến, đã được chuẩn y bởi Bộ Quốc phòng Pháp và các chuyên gia hàng đầu của Mỹ, về kỹ thuật phòng thủ mặt đất.
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt Tổng quân ủy và Bộ tổng Tư lệnh, báo cáo quyết tâm và phương án tác chiến, hội nghị đã nghiên cứu và phân tích tình hình trong nước và thế giới cũng như diễn biến trên toàn bộ chiến trường Đông Dương, những khó khăn, thuận lợi của ta và địch, khả năng giành thắng lợi của ta. Bộ chính trị đã quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954 và đánh giá Điện Biên Phủ tuy là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhưng có điểm yếu cơ bản là bị cô lập, xa hậu phương địch, mọi tiếp tế, vận chuyển phải dựa vào đường hàng không. Đối với ta, Điện Biên Phủ cũng là nơi hậu phương, vấn đề cung cấp tuy rất khó khăn nhưng vẫn có khả năng khắc phục hơn địch.
Với quyết tâm chung của quân và dân cả nước “tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, để giải quyết những vấn đề cấp bách do thực tế đặt ra, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tỉnh, Ban cán sự Điện Biên chủ trương phân huyện ra làm hai vùng: Vùng ngoài (tức vùng giải phóng) và vùng địch chiếm đóng. Ban cán sự huyện đề ra nội dung, nhiệm vụ cho từng vùng, phân công các đồng chí ủy viên phụ trách từng khu vực để nắm dân, nắm tình hình địch, gây dựng lại cơ sở, chỉ đạo bộ đội địa phương, dân quân du kích, tổ chức phục kích, chặn đánh những cuộc hành quân càn quét, thăm dò của địch nhằm vào lực lượng ta. Đại đội 820 bộ đội địa phương huyện có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan huyện, củng cố lực lượng du kích các xã, diệt tề trừ gian, chống càn và bảo đảm an toàn cho các cơ sở cũng như cán bộ đi lại hoạt động được dễ dàng. Ngày 30/12/1953, đại đội 820, được dân quân du kích giúp đỡ đã phục kích chặn đánh 2 đại đội lính Âu - Phi trên đường đi bản Mển (gần đồi Độc Lập), phía Bắc Mường Thanh 5km.
Ngày 10/01/1954, được bọn chỉ điểm báo tin có dấu hiệu hoạt động của bộ đội ta, địch tổ chức hai cuộc càn quét vào khu vực của hai xã Sam Mứn và Thanh Tiêng, huyện Điện Biên (nay là xã Thanh An, Thanh Xương, Thanh Minh). Một hướng gồm 20 tên địch từ đồn Hồng Cúm càn vào bản Cang, xã Sam Mứn, 1 đại đội khác lùng sục vào khu rừng bản Bồ Hoóng (xã Thanh Tiêng). Do nắm được tình hình, đại đội 820 đã tổ chức phục kích đánh địch. Được sự hỗ trợ của nhân dân, du kích xã Sam Mứn và Thanh Tiêng đã diệt tại chỗ 5 tên, bắt sống 20 tên, trong đó có 2 tên chỉ huy Pháp, bọn còn lại vội vã tháo chạy.
Hưởng ứng lời kêu gọi, nhân dân khắp nơi trong tỉnh từ vùng thấp đến vùng cao đều hăng hái phục vụ cách mạng. Các đội du kích từ các khu căn cứ vùng cao, nơi sát địch cử người đưa, đón, dẫn đường phối hợp cùng bộ đội chủ lực chiến đấu, chặn đánh, truy quét tàn binh địch. Nhân dân các vùng tự do, nhất là vùng mới giải phóng hăng hái đóng góp lương thực, thực phẩm, đi dân công phục vụ kháng chiến. Những đóng góp đó đã tăng thêm sức mạnh cả về vật chất và tinh thần, tạo điều kiện cho bộ đội ăn no đánh thắng.
Trong thời gian này, giữa lúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch, thì từ phía địch để đỡ đòn cho Điện Biên Phủ và phục vụ âm mưu trở lại chiếm đóng lâu dài Lai Châu. Thực dân Pháp tiến hành gây phỉ trên quy mô lớn, ở các huyện vừa mới giải phóng phía Bắc Lai Châu, chúng cho một số sỹ quan gián điệp Pháp nhảy dù xuống tập hợp tất cả bọn tay sai phản động ở Điện Biên, Tuần Giáo, Quỳnh Nhai và các huyện phía Bắc Lai Châu, xây dựng thành các cụm phỉ. Chúng dựa vào rừng núi hiểm trở, biên giới dân cư thưa thớt, để ẩn náu và cất giấu lương thực. Kết hợp với bọn tàn quân đặc vụ Quốc dân đảng, tập hợp lại, trang bị súng đạn cho bọn phìa, tạo và một số người dân cả tin, âm mưu “Phỉ hóa toàn dân”. Ngoài ra, Pháp còn dùng máy bay do thám, thả biệt kích, vũ khí, điện đài, lương thực xuống địa bàn có phỉ đóng.
Một mặt phối hợp tiêu hao sinh lực địch ở Mường Thanh, mặt khác, các lực lượng vũ trang Lai Châu phải căng mình ra trên 2 tuyến biên giới, trước nạn thổ phỉ hoành hành. Tuy vậy, quân và dân Lai Châu tự tin bước vào trận đánh 56 ngày đêm sôi sục hờn căm, cùng cả nước làm nên “cơn địa chấn” dọc thung lũng Mường Giời...
Song Sơn (B.S)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét