Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Điện Biên Phủ dưới mắt các nhà nghiên cứu lịch sử quốc tế: Lòng quyết tâm của cả một dân tộc


Điện Biên Phủ dưới mắt các nhà nghiên cứu lịch sử quốc tế: Lòng quyết tâm của cả một dân tộc

Trong 2 ngày 27 và 28/4 tại Hà Nội đã diễn ra một cuộc hội thảo quốc tế có chủ đề "50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ" với sự tham gia đông đảo của giới nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước. Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn; Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm; Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dự lễ khai mạc hội thảo.
Điều đặc biệt ở cuộc hội thảo này là số lượng bài tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử nước ngoài chiếm tới 2/3 cuộc hội thảo. Và điều đáng mừng, theo các nhà khoa học Việt Nam và các nhân chứng lịch sử từng có mặt trong cuộc chiến Điện Biên Phủ, là những bài tham luận đó đều đưa ra những câu trả lời chân xác, toàn diện và rất đầy đủ về chiến dịch Điện Biên Phủ.
Rõ ràng, với không ít những người đã từng biết đến một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, "trận bão" Điện Biên Phủ vẫn chưa lắng lại trên con đường nửa thế kỷ lịch sử đã đi qua. Trong bài tham luận có tựa đề đáng chú ý "Điện Biên Phủ nhìn từ nước Pháp: từ lạc quan cuồng nhiệt đến chấn thương vì thất bại", Chủ tịch Trung tâm Thông tin và tài liệu về Việt Nam hiện đại Pháp - tiến sĩ Alain Ruscio thừa nhận: "Năm 1953. Đó là sự sa lầy. Ở Pháp, dư luận xen lẫn những lúc thờ ơ, những khi bực tức, giận dữ".
Nhà Việt Nam học nổi tiếng, Giáo sư tiến sĩ Charles Fourniau là người Pháp cuối cùng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trước ngày Người từ trần một tuần. Với cách nhìn rất sâu sắc về Việt Nam, ông cho rằng chiến thắng Điện Biên Phủ được giải thích trước hết bởi cuộc chiến đấu anh hùng của dân tộc Việt Nam, bởi sự tài tình trong chỉ huy chính trị và quân sự, bởi sự ủng hộ mang tính quốc tế của các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới, nhưng theo ông có lý do về phía nước Pháp - đó là "sự mù quáng của thế giới thuộc địa muốn được áp đặt sức mạnh và lợi ích của nó đối với một dân tộc".
"Vừa qua, một số sinh viên đại học Italy đề nghị tôi giải thích hai cuộc chiến tranh Việt Nam, nhất là trận chiến Điện Biên Phủ. 50 năm đã qua, sự kiện đã từng làm rung chuyển dư luận Italy và châu Âu đã đi vào quá khứ. Những sinh viên đang phải học về những năm tháng đó luôn đặt ra câu hỏi như trên, bởi trong nhiều giáo trình lịch sử quan trọng, người ta thấy nhiều câu trả lời, nhưng ít khi tìm được "câu trả lời" viết hoa. Câu trả lời đúng nhất, đầy đủ nhất phải là: Dân tộc Việt Nam đã chiến thắng vì lòng quyết tâm của cả một dân tộc". -Nhà nghiên cứu người Italy Pino Tagliazucchi
Trong bài tham luận của mình, giáo sư sử học người Pháp Benjamin Stora thừa nhận có một sự "ám ảnh" Điện Biên Phủ: "Trong tập đại album mang tên Thế kỷ (Century) lưu giữ những hình ảnh tiêu biểu của thế kỷ 20, có 2 bức họa đen trắng minh họa cho năm 1954. Bức ảnh thứ nhất là hình hai người lính Pháp đang nằm dài, mệt mỏi, chờ quân đội Việt Nam của tướng Giáp tấn công. Bức ảnh thứ hai, một người lính trẻ như đang bị lạc trên một con đường ở châu Á, đầy hốt hoảng, bồng trên tay một đứa bé. Lời thuyết minh đề: Điện Biên Phủ là một thảm họa của quân đội Pháp".
Dựa vào nguồn tư liệu từ hai cuốn sách Chiến dịch Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Những nhân tố quyết định của 20 chiến dịch lớn trên thế giới của nhà sử học quân sự người Anh William Simo, ông Li Zhenwu (Viện Khoa học xã hội Quảng Đông, Trung Quốc) lý giải khá chân xác những nguyên nhân giành chiến thắng của quân đội Việt Nam với 3 yếu tố cơ bản: chiến lược, chiến thuật rõ ràng; quân đội anh dũng thiện chiến; công tác hậu cần được bảo đảm vững chắc. Ông Li Zhenwu nhấn mạnh: "Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ có ý nghĩa về chính trị, mà còn là chiến dịch kinh điển trong lịch sử quân sự thế giới...".
Cuộc hội thảo đã để lại nhiều xúc cảm khó quên không chỉ đối với giới sử học Việt Nam, các nhân chứng đã từng có mặt trong cuộc chiến đầy hào hùng của dân tộc, mà còn để lại trong tâm thức và tình cảm các nhà nghiên cứu đến từ nhiều nước những dấu ấn đáng nhớ, khi họ được cùng ngồi với chính những người con của một đất nước đã làm nên một "Điện Biên Phủ - thiên sử vàng". Và điều có ý nghĩa hơn cả cuộc hội thảo này sẽ khép lại trang sử 50 năm Điện Biên Phủ để mở ra một trang sử mới giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp cùng đoàn kết, hợp tác, phát triển, như câu nói của nhà Việt Nam học Charles Fourniau.
Thu Hồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét