1. Dòng họ Khúc và nhân vật lịch sử
tượng Khúc Thừa Dụ
Ỡ Việt Nam có rất nhiều dòng họ nổi tiếng và các hậu duệ còn kế tục, phả hệ truyền tới ngày nay, như họ Mạc, viễn tổ Mạc Hiển Tích là người tài, làm quan triều Lý Nhân Tông (1086), sau này dòng họ còn những nhân vật nổi tiếng- Mạc Đĩnh Chi (1272-1346) vị lưỡng quốc trạng nguyên Việt Nam và Trung Hoa; rồi Mặc Đăng Dung, hiện con cháu thuộc đời thứ 30, hay họ Nguyễn, khởi tổ là Nguyễn Bặc (924-979), một khai quốc công thần triều Đinh, con cháu nay đã hơn 30 đời... Khúc Thừa Dụ và dòng họ Khúc cũng nằm trong các gia tộc đặc biệt ấy.
Năm 905 Khúc Thừa Dụ chiêu quân mã, nổi lên chống ách đô hộ của nhà Đường. Thế cùng nhà Đường phải công nhận Khúc Thừa Dụ và phong ông là Tĩnh Hải quận tiết độ sứ (ngày 7 tháng 2 năm Bính Dần-906). Năm sau ông mất, con là Khúc Hạo lên thay. Lịch sử đã ghi nhận công lao họ Khúc- sự nghiệp gây dựng nền độc lập, tự chủ của nước Việt. Cha con ông là những người mở đầu cách ứng xử với các triều đại phong kiến phương Bắc, thần phục trên danh nghĩa nhưng độc lập thực sự, loại bỏ quan lại phong kiến là người
phương Bắc, thay bằng người Việt. Ngoài ra, cha con ông còn cải cách và áp dụng hàng loạt chính sách, nhằm xây dựng một quốc gia độc lập, tự chủ, như thành lập năm cấp quản lý hành chính: Lộ, phủ, châu, giáp, xã. Lần đầu tiên, xuất hiện xã - cấp hành chính cơ sở ở Việt Nam. Họ Khúc truyền được ba đời từ năm 906 đến khi Khúc Thừa Mỹ bị nhà Nam Hán bắt, đưa về Quảng Châu, năm 923, tổng cộng được 18 năm. Còn tính từ khi Khúc Thừa Dụ xưng tiết độ sứ đến nay, thời gian trôi qua gần 11 thế kỷ. Với khoảng cách ấy, một dân tộc, một đất nước đã bao thăng trầm, biến thiên, tới 9 triều đại phong kiến Việt Nam và nhiều cuộc kháng chiến của quân dân nước Việt chống xâm lăng (5 triều đại phong kiến phương Bắc và nhiều thế lực xâm lược từ phương Nam đến phương Tây).
Cho đến nay, ngoài dấu ấn để lại trong lịch sử độc lập, tự chủ của nước nhà, điều đặc biệt của dòng họ Khúc, tính đến năm 1998, truyền đến con cháu là đời thứ 40- 41. Họ Khúc gốc gác ở đất Trung Quốc xưa. Theo gia phả họ Khúc ở Hoè Thị- Xuân Phương, huyện Từ Liêm (Hà Nội) và sử ký Tư Mã Thiên thì từ năm 744 trước Công nguyên, vua Chiêu Hầu nước Tấn cho một vị hoàng tử nước chư hầu là Thành Sự cai quản đất Khúc ốc . Thành Sự đổi họ cũ, lấy tên đất mình cai quản làm họ mới, họ Khúc. Vùng đất Khúc ốc nay thuộc huyện Văn Hỷ, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Năm 756 sau Công nguyên một người thuộc họ Khúc là Khúc Hoàn được vua nhà Đường (Túc Tôn), phái sang cai quản đất Giao Châu. Đến Giao Châu Khúc Hoàn “cắm dinh” ở đất Hồng Châu (thuộc phần Hưng Yên và Hải Dương ngày nay). Khi hết nhiệm kỳ làm quan, ông trở về Trung Hoa, song con cháu ông thì ở lại đất Giao Châu. Từ đời Khúc Hoàn (năm 756) đến đất Giao Châu, truyền đến Khúc Thừa Dụ là 4 đời, Khúc Thừa Mỹ là 6 đời, qua 168 năm.
Nhiều sử sách xưa chép, Khúc Thừa Dụ quê ở Cúc Bồ, đất Hồng Châu. Còn sách ngày nay, chú giải là thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Hiện nay ở làng Cúc Bồ không còn người họ Khúc. Lý giải điều này thế nào? Có người cho rằng nhà Nam Hán sau khi bắt được Khúc Thừa Mỹ, đưa về Quảng Châu, chắc chắn chúng sẽ thẳng tay trừng trị con cháu họ Khúc. Muốn tồn tại, duy trì nòi giống, con cháu họ Khúc phải di tán, mai danh ẩn tích và giấu hoặc đổi họ... Cách Cúc Bồ không xa như xã An Đức (cùng huyện Ninh Giang) và huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) giáp với Ninh Giang, vài huyện xa hơn như Thái Thuỵ, Hưng Nhân (thái Bình), Mỹ Văn (Hải Dương), Văn Lâm (Hưng Yên) đều có người họ Khúc sinh sống. Xa hơn nữa như ở Từ Liêm (Hà Nội), xã Điệp Phước- huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), Thiện Tài - huyện Lương Tài (Hà Bắc) cũng có người họ Khúc. Một số dòng họ Khúc, như họ Khúc ở Từ Lâm- An Bài (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) còn tương truyền gốc ở Cúc Bồ: Cúc Bồ để nghiệp tổ, hạt Hồng(Châu) dấy tương lai. Theo các cụ người Cúc Bồ, trước ngôi đình làng thờ thành hoàng là Khúc Thừa Dụ, năm 1951, Tây đã phá ngôi đình. Làng còn một ngôi đền, thờ Khúc Tiên Chúa. Để bảo vệ ngôi đền này, trong chín năm kháng chiến, dân làng đã dỡ đi. Hoà bình lập lại, đền được dựng lại trên nền đình cũ của làng.
Tiếc rằng, do thời gian và chiến tranh, những tư liệu chứng cứ xưa không còn. Vậy Cúc Bồ, xã An Đức, huyện Ninh Giang, Hải Dương có phải là quê hương của họ Khúc không? Điều đó ngày nay vẫn chưa được khẳng định. Và tất nhiên trên cả nước, chưa có một di tích, hay công trình nào liên quan đến họ Khúc, được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Thật là không phải với một người từng có công trong việc mở nền độc lập, tự chủ của nước Việt. Rất nên có những công trình nghiên cứu và việc làm để biểu hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn với người xưa!
2. 10 cuộc cải cách trong lịch sử VN: Họ Khúc
Cải cách đổi mới để phát triển đất nước là xu thế tất yếu trong lịch sử. Trong lịch sử Việt Nam cũng đã có nhiều cuộc cải cách, đổi mới cả về kinh tế - xã hội, hành chính, chế độ… Để hiểu hơn về các cuộc cải cách, đổi mới trong lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam qua bài viết của GS Sử học Văn Tạo.
Thời điểm lịch sử thực hiện cải cách là: sau hơn một thiên niên kỷ đấu tranh chống ngoại xâm, đến những năm cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X, lực lượng ta cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa… đã mạnh hơn xưa. Bọn thống trị ngoại xâm đã suy yếu do cuộc khủng hoảng Hậu Đường và sự phản kháng mạnh mẽ của dân tộc ta gây nên. Nhân cơ hội đó, Khúc Thừa Dụ đứng lên nắm quyền tự chủ dân tộc.
Họ Khúc nắm được khâu trọng yếu là cải cách cơ cấu hành chính do bọn xâm lược dựng lên là theo phương thức “nắm từ trên xuống”, từ Tiết độ sứ đến quân lệnh”… mục đích là để đàn áp, bóc lột. Nay họ Khúc thay cơ cấu hành chính “nắm từ dưới lên”, nắm từ cơ sở cấp “xã” và trên thì thay chế độ “quận, huyện, hương” của nhà Đường bằng cơ chế mới.
Giao châu trước kia chia thành quận, huyện. Dưới huyện là hương và xã. Hương có đại hương (từ 160 đến 540 hộ), tiểu hương (từ 70 đến 150 hộ).
Xã có đại xã (40 đến 60 hộ), tiểu xã (10 đến 30 hộ). Nhưng bọn thống trị chưa bao giờ với tay được đến xã và không đặt được chức xã quan. Họ Khúc đã đặt ra các chức “chánh lệnh trưởng” và “tá lệnh trưởng” tức các xã quan để trông coi các xã…
Trên xã là “hương” (có 159 hương) thì Khúc Hạo đã đổi “hương” thành “giáp”, đặt thêm 150 giáp. Tổng số thành 314 giáp. “Mỗi giáp có gồm khoảng gần 10 “xã”. Lại “định ra hộ tịch”, “lập sổ hộ khẩu, kê rõ họ tên, quê quán” nhằm nắm vững dân số và thông hiểu dân tình, điều mà đô hộ nhà Đường không thể nào làm được. (Biện pháp này cho đến nay chúng ta vẫn còn thực hiện).
Cùng với trọng tâm cải cách hành chính, đã tiến hành cải cách kinh tế, văn hóa, xã hội. Về kinh tế, thực hiện chính sách “Bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực địch”.
Nếu trước kia bọn đô hộ bóc lột siêu kinh tế, mặc sức vơ vét của dân, nhiều tầng thu và thu nhiều loại thuế, thì nay họ Khúc căn cứ vào phân phối ruộng đất theo chế độ công xã (tức toàn bộ ruộng đất đều là công hữu, được phân chia cho các hộ canh tác), đánh thuế một cách bình quân theo ruộng đất mà các hộ được phân chia.
Bỏ hẳn thuế đinh. Người thu thuế không phải là xã quan tức chánh lệnh trưởng hay tá lệnh trưởng mà là phó tri giáp, theo mô hình cống nạp liên danh của phương thức sản xuất châu Á, khắc phục được sự phiền hà sách nhiễu của các xã quan cũng như nạn thu thuế nhiều tầng nhiều loại trước đó, tránh cả được nạn thất thu cho ngân sách Giao Châu.
Còn lực dịch trước là một thứ khổ sai, bắt dân đi mò trai lấy ngọc, săn voi lấy ngà… nay họ Khúc thực hiện “tha bỏ lực dịch”. Đó là một sự “cởi trói cho dân”, có tác dụng to lớn đến việc thu phục nhân dân ổn định xã hội.
Chính lệnh về văn hóa xã hội được ghi vắn tắt là “khoan, giản, an, lạc”: Khoan là “khoan sức cho dân. Giản là quản lý giản dị, gần dân sao cho dân dễ hiều, dễ thấm, dễ thực hành… An là đem lại bình yên cho cuộc sống. Chính quyền nắm sát dân đến tận xã, giúp ích cho việc giữ vững trật tự, trị an… Lạc là hệ quả cuối cùng của các biện pháp trên, nhờ thực hiện cải cách mà “nhân dân đều được yên vui” bớt được hờn, giận, oán, sầu…
Thành công và hiệu quả lâu dài của cải cách là đem lại sự vững vàng ổn định cho đất nước. Đối nội là củng cố và phát huy được quyền độc lập tự chủ. Đối ngoại chống lại được mọi kẻ thù, giữ được chính quyền trong mấy chục năm, tạo điều kiện tiền đề thuận lợi cho các bước phát triển của đất nước. Nếu sau các cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng, Lý Bôn, Triệu Quang Phục…
Trước đây, dân tộc ta chỉ giữ được chính quyền trong một thời gian ngắn rồi lại bị bọn xâm lược quay lại thống trị thì nay cuộc giành chính quyền và cải cách của họ Khúc đã mở đầu cho một quá trình liên tục đấu tranh giành cho kỳ được độc lập dân tộc.
(Theo Tạp chí Xưa và Nay Số tháng 10/2009)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét