Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Hiệu ứng to lớn của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 ở Nam Bộ và Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định

Hiệu ứng to lớn của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 ở Nam Bộ và Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam



Ngày 3/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập mở đầu thời kỳ cách mạng Việt Nam do giai cấp công nhân lãnh đạo với một chính đảng thống nhất theo học thuyết và chủ nghĩa Mác – Lê Nin đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về vai trò lãnh đạo phong trào cách mạng nước ta. Cuộc cách mạng này trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới và Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận của Quốc tế Cộng sản. Được vậy là nhờ sự có mặt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong ba mươi năm đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài (6/1911-2/1941).
          Từ đó, Đảng Cộng sản và Cách mạng Việt Nam luôn được sự hậu thuẫn phong trào cộng sản, công nhân và giải phóng dân tộc quốc tế, trong đó có đông đảo nhân dân yêu chuộng hòa bình của thế giới. Và cũng từ khi có Đảng cộng sản chân chính, các phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân trong nước mới bắt đầu khởi sắc, có kết quả. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân và nông dân là hai giai cấp chủ yếu liên minh quan trọng nhất ở trong nước do Đảng lãnh đạo đã có khả năng thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
          Sự lớn mạnh đó bắt đầu từ lần kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1930 đầu tiên ở nước ta được tổ chức có sự lãnh đạo của Đảng. Khắp nơi trong cả nước, nhất là ở nhiều tỉnh thành, quận huyện và làng xã, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình được tổ chức với sự tham gia đông đảo của lực lượng quần chúng nhân dân, trong đó có nông dân và công nhân làm nòng cốt. Những truyền đơn, biểu ngữ đòi tăng lương, giảm giờ làm việc, bỏ tệ đánh đập công nhân và hoãn thuế cho nông dân…Nổi bật, công nhân ở các đồn điền cao su như Phú Riếng (nay thuộc tỉnh Bình Phước), Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hòn Gay, Nam Định, Vinh và đặc biệt hàng ngàn nông dân các huyện Thanh Chương, Can Lộc biểu tình đòi giảm thuế thân, giảm tô, bỏ thuế chợ, thuế đò…
          Thực dân Pháp đàn áp dữ dội nhưng phong trào này ngày càng lan rộng trong hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Đến ngày 12/9/1930 hàng vạn nông dân huyện Hưng Nguyên xếp hàng dài mấy cây số với cờ đỏ búa liềm kéo về tỉnh lỵ Vinh đưa các yêu sách nói trên. Chính quyền thực dân Pháp cho bính lính đến đàn áp bằng súng đạn và cho máy bay ném bom vào đoàn biều tình làm trên 200 người chết và trên 100 người khác bị thương. Theo Sổ tay báo cáo viên năm 2005 của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, hoảng sợ trước khí thế đấu tranh của quần chúng, Pháp cho máy bay ném bom vào đoàn biều tình, giết chất hàng trăm người. Đến chiều khi nhân dân các làng Thông Lạng, Thái Lão ra chôn cất người hy sinh, máy bay lại ném bom, tổng số người hy sinh là 217 (trang 66).
          Tình hình đàn áp rất nghiêm trọng này đã dẫn đến nhiều cuộc nổi dậy của nông dân ở nhiều nơi khác trong tỉnh bằng các cuộc đánh phá các huyện lỵ, đồn điền, trạm kiểm lâm, nhà ga, trại giam làm cho người đứng đầu bỏ trốn. Do đó, hệ thống chính quyền ở thôn xã của thực dân, phong kiến bị tan rã. Lập tức các chi bộ Đảng lãnh đạo thành lập và tổ chức các xã bộ nông(nông hội) dưới hình thức chính quyền Xô Viết (theo mô hình của Liên Xô sau cách mạng tháng Mười 1917).
          Chính quyền Xô viết đầu tiên được hình thành hàng loạt tại nhiều xã thuộc các huyện, thị xã: Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Nghi Lộc, Vinh - Bến Thuỷ, Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Hưng Nguyên... Các chính quyền Xô viết một mặt thi hành các chính sách mới, mặt khác phá bỏ hệ thống chính quyền cũ, trưng thu đất, thóc gạo, tiền bạc của các địa chủ, đồng thời đòi yêu sách với các chủ xưởng, chủ tàu…để cải thiện đòi sống cho lực lực lượng công nhân lao động.
          Các Xô viết đóng vai trò chính quyền điều hành mọi mặt đời sống xã hội.
+ Về chính trị: Quần chúng được tự do hội họp. Các đội tự vệ đỏ và toà án nhân dân được thành lập.
+ Về kinh tế: thi hành chính sách chia lại ruộng đất công, tiền, lúa công cho dân nghèo cày, bãi bỏ thuế chợ, thuế muối, thuế thân, thuế đò. Xóa nợ cho người nghèo, đắp đê phòng lụt, tu sửa cầu cống, đường giao thông, lập các tổ chức để nông dân giúp đỡ nhau trong sản xuất.
+ Về văn hóa-xã hội: chính quyền cách mạng mở lớp dạy chữ cho các tầng lớp nhân dân, xoá bỏ mê tín dị đoan, rượu chè, cờ bạc...Trật tự trị an được giữ vững. Tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong nhân dân được xây dựng tạo nên một tình hình cách mạng mới ở các địa phương có chính quyến mới – chính quyền Xô Viết.
          Thực dân Pháp phản công đàn áp dữ dội nên chính quyền chỉ tồn tại bốn, năm tháng. Như vậy, Xô Viết Nghệ Tĩnh được coi là đỉnh cao của phong trào Cách mạng trong những năm 1930 - 1931 và là cuộc khởi nghĩa đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi ra đời. Riêng ở Gia Định (nay là quận Bình Thạnh) Đại hội Đảng bộ đã chính thức thành lập Tỉnh ủy Gia Định gồm 5 đồng chí do đồng chí Nguyễn Văn Tây làm Bí thư và các đồng chí Nguyễn Chí Hiếu, Hồ Văn Long, Lê Văn Phận, Bùi Văn Châu. Tiếp theo đó, nhiều tổ chức Đảng cấp quận, xã lần lượt ra đời đã lãnh đạo và tổ chức quần chúng đấu tranh với quy mô ngày càng sâu rộng tạo nên một cao trào cách mạng trong toàn tỉnh, khu vực và hòa vào cao trào cách mạng 1930-1931 của cả nước, trong đó hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5.
          Khởi đầu nhân dân Bình Hòa – Thạnh Mỹ Tây đã thực hiện cuộc biểu tình tuần hành từ giao lộ Hàng Xanh theo đường Bạch Đằng ngày nay kéo về Tòa bố Gia Định (nay là trụ sở UBND quận) vừa đi vừa hô khẩu hiệu, rải truyền đơn ngay từ đầu đã tạo nên một khí thế đấu tranh mạnh mẽ. Sau đó là công nhân lao động cao su vùng Cây Quéo (nay thuộc phường 5, 6) từ các sở cao su do chủ người Pháp cai quản đã bãi công hưởng ứng cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống của công nhân đồn điền Phú Riềng (tỉnh Bình Phước), công nhân sở Bông, hãng dầu Guyonnet ở vùng Thị Nghè.. cũng tổ chức bãi công hưởng ứng.(Lịch sử đấu tranh, xây dựng của Đảng bộ và nhân dân quận Bình Thạnh 1930-2005 – năm 2008, trang 29).
          Ở Nam Bộ, phong trào cách mạng nổi lên sau khi Đảng bộ và Công hội Nam Kỳ được thành lập rất sôi nổi, nhất là ủng hộ phong trào  Xô viết Nghệ Tĩnh tháng 9/1930 với nhiều cuộc đấu tranh nổ ra liên tục, trong đó vai trò của tổ chức Công hội và Nông hội có tác dụng rất lớn khắp Sài Gòn – Chợ Lớn và vùng lân cận. Suốt trong hai năm 1930-1931 cao trào cách mạng đã diễn ra dưới nhiều hình thức đấu tranh, từ bãi công, đình công, bãi khóa ở thành thị đến mít tinh, biểu tình, tuần hành thị uy ở các làng xã, thị trấn, quận huyện. Có những cuộc đấu tranh nổ ra đẫm máu của nông dân ở Sài Gòn ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập với lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc như cuộc mít tinh đòi hoãn thuế của 1.500 nông dân kéo vào quận lý Đức Hòa (lúc ấy thuộc tỉnh Chợ Lớn) ngày 4/6/1930 do đồng chí Châu Văn Liêm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn – Gia Định đạo và đã hy sinh tại đây.
Trước đó, đêm 1/5/1930, đồng chí Ngô Gia Tự Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ bị giặc Pháp bắt tại Thị nghè – Gia Định sau nhiều cuộc họp chỉ đạo các chi bộ lãnh đạo nhân dân đi theo cách mạng chống thực dân phong kiến. Ngày 8/2/1931 Tổng công hội Nam Kỳ tổ chức mít tinh ở trung tâm Sài Gòn để kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Yên Bái được đồng chí Phan Bôi diễn thuyết bị mất thám Pháp tới vây bắt và đồng chí Lý Tự Trọng nổ súng đề bảo vệ. Bọn chúng đã kết án tử hình đồng chí Trọng tại khám lớn Sài Gòn (nay là Thư viện tổng hợp TP Hồ Chí Minh).
          Thời kỳ này, chính sách đàn áp, khủng bố của thực dân Pháp trước và sau phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã gây cho phong cách cách mạng của Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định nhiều tổn thất nghiêm trọng. Nhiều đống chí từ Trung ương đến Xứ ủy, Thành ủy và các chi bộ cơ sở bị giặc Pháp bắt tù đày hoặc hy sinh, trong số này còn có đồng chí Trần Phú Tổng Bí Thư đã bị Pháp bắt, giam giữ và tra tấn đến lâm trọng bệnh và hy sinh tại nhà thương Chợ Quán (nay là bệnh viện Nhiệt đới thành phố HCM).
Cuộc đấu tranh của quần chúng công nhân, nông dân và lao động dưới lãnh đạo của Đảng bộ thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn và tỉnh Gia Định ngay sau khi thành lập cùng lúc với Xứ ủy Nam Kỳ và sự có mặt của Trung ương Đảng đã mở ra một trang mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng ngày càng khởi sắc của nhân dân thành phố từ sau cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 12/9/1930 và cách mạng 1930-1931mà sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975 được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
           Hơn thế nữa, lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam cho thấy phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là cuộc diễn tập khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân đầu tiên làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám 1945 trên quy mô cả nước thành công rực rỡ để thành lập Ủy ban hành chính các cấp mà ngày nay là Ủy ban nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét