Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Gốm Champa, Óc Eo trong bối cảnh gốm Đông Nam Á nửa đầu TNK I SCN



 
 
Gốm Champa, Óc Eo trong bối cảnh gốm Đông Nam Á nửa đầu TNK I SCN
Đồ gốm những thế kỷ đầu Công nguyên ở miền Bắc, miền Trung (Champa), miền Nam (Óc Eo) Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á
Lâm Thị Mỹ Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Nguyễn Anh Thư (Viện Khảo cổ học Hà Nội)
- Bảo tàng Nhân học - Trường ĐHKHXHNV_ĐHQG Hà Nội


Tóm tắt
Trong những thế kỷ đầu Công nguyên dưới tác động của nhiều yếu tố khác nhau những nhà nước sơ khai dạng mandala hay một dạng nào đó đã hình thành ở Đông Nam Á. Cấu trúc xã hội - kinh tế mới kéo theo những thay đổi trong lĩnh vực vật chất và tinh thần và ngược lại, sản xuất và sử dụng đồ gốm cũng không nằm ngoài quá trình biến đổi này.
Dựa trên nghiên cứu so sánh đồ gốm trong các địa điểm khảo cổ có niên đại từ khoảng thế kỷ 1-5 SCN ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam bài viết tập trung nêu bật những vấn đề sau:

i. Một số cách tiếp cận nghiên cứu đồ gốm trong việc tìm hiểu sự tiếp nối hai giai đoạn sơ sử và lịch sử.
ii. Nghiên cứu so sánh đồ gốm những thế kỷ đầu Công nguyên ở miền Trung (Champa) và miền Nam (Óc Eo), Việt Nam. Những biến đổi về kỹ thuật chế tác, loại hình đồ gốm. Yếu tố, nguyên nhân tác động đến quá trình đó.
iii. Gốm Champa sớm và gốm Óc Eo trong bối cảnh gốm cùng thời ở Đông Nam Á.

Từ khóa: Gốm thô, gốm tinh mịn, Lâm Ấp, Óc Eo, Đông Nam Á.

Bài viết

I. Bối cảnh lịch sử - văn hóa 500 BC – AD 500
Nửa sau thiên niên kỷ I TCN và đầu thiên niên kỷ I SCN chứng kiến những biến đổi chính trị và xã hội quan trọng, những thay đổi cơ bản trong cấu trúc xã hội và đặc biệt là sự biến chuyển từ các dạng xã hội “kiểu lãnh địa” hay những dạng xã hội với mức độ phức hợp thấp tương đương lãnh địa sang những hình thức chính thể dạng nhà nước với mức độ phức hợp cao hơn. Những thay đổi đó dẫn đến sự hình thành một loạt các nhà nước sớm (dưới các hình thức khác nhau) trong khu vực ở các vùng châu thổ sông và ven biển ở khu vực Đông Nam Á lục địa.
Những biến đổi chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa được các nhà nghiên cứu diễn giải từ nhiều góc độ tùy thuộc vào quan điểm, cách tiếp cận và đặc biệt là các nguồn tư liệu sử dụng và cách khai thác những tư liệu này. Xu hướng nghiên cứu hiện nay thiên về so sánh nhiều loại dữ liệu từ lịch sử, dân tộc học, nhân học đến khảo cổ học… áp dụng tiếp cận hệ thống – cấu trúc. Trong đó, đặc biệt là cách tiếp cận đa biến thể mà trong đó mỗi biến thể vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của những biến thể khác. Ví dụ giữa sản xuất gốm với chăn nuôi, giữa hai biến thể này với tập trung dân cư, với địa vị dựa trên sự khác nhau về của cải... (Peregrine. P.N., Ember. C.R., và Ember Melvin 2007. Bảng 1). Từ góc độ lý thuyết, cách tiếp cận này khá hữu dụng khi nghiên cứu một khu vực ít tính đồng nhất đa dạng tộc người, đa ngành kinh tế, tính chất phồn tạp của hệ sinh thái, dân số không đông với mật độ phân bố không đều và đa nguyên văn hoá như Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Quá trình chuyển biến từ các văn hóa sơ sử sang những nhà nước sớm, quá trình hội nhập và kết tinh những tiểu quốc vào trong một dạng chính thể liên kết chặt chẽ hơn và thống nhất hơn như vương quốc Champa (Nagara Champa) ở Trung và Nam Trung Bộ, vương quốc Phù Nam ở Hạ lưu sông Mê công có không ít quan điểm và diễn giải khác nhau. Tuy nhiên, giữa các quan điểm này nổi bật lên sự đồng thuận trong đánh giá vai trò đáng kể của điều kiện môi trường sinh thái, kinh tế (như yếu tố biển, vị thế trung điểm của miền Trung, miền Nam Việt Nam trên tuyến đường giao thương biến quốc tế và những luồng di chuyển của dân cư, đặc biệt là của cư dân ngữ hệ Nam Đảo) và điều kiện chính trị (mối quan hệ với Trung Quốc, với miền Bắc Việt Nam, với Đông Nam Á hải đảo và với Nam Á)... tác động tới quá trình hình thành nhà nước và lựa chọn mô hình chính trị của các cộng đồng cư dân.
II. Đồ gốm nửa đầu thiên niên kỷ I SCN ở Việt Nam
II.1. Miền Bắc
Giai đoạn đầu thiên niên kỷ I (thế kỷ 1-5), ở miền Bắc đã hình thành một số vùng sản xuất gốm tập trung, sản xuất hàng loạt. Một số lò gốm thuộc giai đoạn này đã được khai quật như khu lò Đại Lai (thế kỷ 2-6) khai quật năm 1982, lò gốm Gia Lương (thế kỷ 2-6), khai quật năm 1982 (Bắc Ninh), khu lò Tam Thọ (thế kỷ 1-4) ở Thanh Hóa khai quật năm 1937, lò gốm Đồng Đậu (thế kỷ 2-6) ở Vĩnh Phúc khai quật năm 1984. Nhờ có các lò nung gốm, sự thay đổi trong chất liệu và kỹ thuật làm gốm mà giai đoạn này có ba dòng gốm phát triển mạnh mẽ là gốm đất nung, gốm sành và gốm tráng men. Cả ba loại gốm này đều là sản phẩm của các lò nung gốm, mỗi một lò có một dòng sản phẩm chủ đạo bên cạnh các sản phẩm phụ khác.
Đồ gốm men: Đồ gốm có men ở Việt Nam xuất hiện từ thời Tây Hán và phát triển từ thời Tây Hán trở về sau. Giai đoạn thế kỷ 1-5, loại hình của đồ gốm men khá đơn giản, chủ yếu là đồ gia dụng dùng trong sinh hoạt như bát, đĩa, âu, nắp vung. Phần lớn được tráng men trắng đục, trắng ngả xám, xanh lục.
Đồ gốm đất nung: Tồn tại song song bên cạnh dòng gốm có men, truyền thống gốm Đông Sơn vẫn được bảo lưu trên loại hình đồ gốm đất nung. Lò Đồng Đậu sản xuất loại nồi đáy tròn, miệng loe, thân vát về phía miệng và đáy rất giống nồi gốm thô kiểu Đường Cồ.
Đồ đất nung gồm vật liệu xây dựng như gạch, ngói các loại (ngói âm dương, ngói ống…), mô hình nhà bằng đất nung, tượng động vật, dọi xe chỉ, bàn dập hoa văn…
Vật liệu xây dựng: gạch, ngói các loại, hoàn toàn chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Từ thế kỷ 1-3 đến 4-6, các lò sản xuất gạch múi bưởi, trang trí văn trám lồng, vạch xiên, mắt lưới, gạch dày, kích thước lớn. Đầu ngói ống thế kỷ 1-6 trang trí văn thừng, chữ Hán, mặt người. Từ thế kỷ 6 xuất hiện đầu ngói ống trang trí hoa sen.
Đồ sành: Đồ sành giai đoạn thế kỷ 1-5 được làm từ sét mịn, xương chắc, độ nung cao, gồm các loại như nồi, bình, vò, cối, đồ đựng chân cao, con kê (lò Đại Lai, Tam Thọ). Lò Tam Thọ chủ yếu sản xuất đồ sành gia dụng có kích thước lớn, thành dày, độ nung không cao.
Nồi miệng rộng, vành miệng bẻ ngang hơi xiên, phình rộng nhất ở giữa thân, vát về phía miệng và đáy.
Bình, vò được nung chín thành sành màu xám đen, đỏ sẫm có dáng hình quả lê, cổ đứng, ngắn, cổ cao 0,5cm – 1,5cm, miệng hẹp, đường kính miệng 10-16cm, vai nở phình, từ vai xuống đáy trang trí văn in ô vuông nhỏ, trên vai thường có 1-2 đường chỉ khắc chìm. Phong cách trang trí đậm, dày đặc ở vai và thân với các mô típ hoa văn in trám lồng, mắt lưới, văn in hình học, chưa thấy văn sóng nước. Đến thế kỷ 4-6 mới xuất hiện văn sóng nước. (sản phẩm lò Tam Thọ). Rất ít vò có tai, vò có 4 núm quai ngang hoặc vểnh lên chiếm tỷ lệ lớn, càng về giai đoạn muộn phong cách trang trí trên vò theo xu hướng giảm dần hoa văn trang trí.
Đồ đựng chân cao: chân đế thô, đặc, có trổ lỗ (sản phẩm lò Đại Lai)
Giai đoạn thế kỷ 1-5 đánh dấu sự xuất hiện của một số kỹ thuật mới như kỹ thuật nung gốm trong lò, kỹ thuật chống dính men, sự thay đổi chất liệu làm gốm, phương pháp làm gốm, sự xuất hiện của các vùng sản xuất gốm tập trung… Sản phẩm của các lò gốm giai đoạn này tương đối đa dạng, chưa mang tính chuyên hóa, đồ sành mới bắt đầu phát triển. Loại hình gốm cứng chiếm tỷ lệ lớn. Đồ gốm men mới xuất hiện, loại hình đơn giản, chủ yếu được tráng men tro, màu men còn lẫn nhiều màu đa sắc, chưa phân chia rõ thành các dòng men. Hai dòng gốm này càng về sau càng phát triển mạnh mẽ cả về loại hình, số lượng và chất lượng.
Từ thế kỷ 1-5, đồ gốm đất nung và đồ sành chịu nhiều ảnh hưởng bởi phong cách Hán cả về loại hình và hoa văn. Chất liệu gốm cứng thành sành và mỏng hơn. Một số loại hình đồ gốm ảnh hưởng phong cách Hán đặc trưng giai đoạn này là các loại gạch, ngói, ngói ống; các loại nồi, vò, bình trang trí văn in ô vuông, bếp lò, mô hình nhà, mô hình tháp, tượng động vật, nồi gốm kiểu giỏ cua, đỉnh, lịch 3 chân, bình, cốc đốt trầm, chân đèn, bình hình con tiện, ấm hình đầu gà, đầu voi, mâm 3 chân, nhĩ bôi…. Văn in ô vuông trên đồ sành đã xuất hiện phổ biến ở thời Hán, sang thời Lục triều vẫn tồn tại nhưng ít dần.

II.2. Lâm Ấp - Champa
Từ sau Công nguyên có những thay đổi đáng kể trong loại hình và chất liệu gốm ở miền Trung. Bên cạnh loại gốm đất nung thô truyền thống có mặt từ thời tiền, sơ sử, nhờ có những đổi mới và tiến bộ trong xử lý chất liệu, kỹ thuật và cách thức nung giai đoạn này có sự xuất hiện của đồ gốm chất liệu sét mịn, gốm men và đồ sành. Tuy nhiên, khác với tình hình ở miền Bắc Việt Nam, nơi đã phát hiện hàng loạt những khu lò nung gốm cổ có niên đại kéo dài suốt TNK I SCN, ở miền Trung nơi sản xuất gốm vẫn chưa được phát hiện. Một điểm khác biệt giữa hai miền đó là gốm sành và gốm men rất phổ biến ở miền Bắc, trong khi ở miền Trung gốm đất nung chất liệu sét mịn đóng vai trò chủ đạo. Gần như gốm sành và gốm men trong các địa điểm Chăm cổ, Champa thiên niên kỷ I SCN đều là sản phẩm từ bên ngoài.
Nhóm 1- Nhóm gốm truyền thống sản xuất tại chỗ bao gồm một số loại dùng trong sinh hoạt hàng ngày, chất liệu gốm thô. Nhóm này thể hiện phần nào đó truyền thống gốm Sơ sử.
Gốm có chức năng riêng biệt: Gồm bình hình trứng và ngói in dấu vải, văn thừng, niên đại từ giữa thế kỷ 1 đến muộn nhất là cuối thế kỷ 2 SCN, không thấy có những cổ típ từ trước và sau đó cũng không còn dấu vết của loại gốm này.
Gốm sinh hoạt, gia dụng: Nồi thường có chất liệu thô và hơi thô, tỉ lệ cát và bã thực vật cao nên xương thô và thường có màu xám đen. Cá biệt có loại nồi xương đen xốp, song lớp áo rất hồng lộ rõ việc pha thổ hoàng vào áo. Màu sắc bên ngoài gốm không đồng nhất. Thân nồi thường có những đường văn chải chéo nhau (tỷ lệ lớn) hoặc văn thừng mịn (rất ít). Dạng chung của nồi là dáng không cao, thân hình cầu, bán cầu hay gãy gấp, đáy tròn hoặc bằng, miệng rộng và loe. Trên vai của một số kiểu nồi có 2 đến 3 gờ nổi tạo thành những dải chạy vòng quanh vai
Bình hình củ tỏi : Đây là kiểu bình mới chỉ tìm thấy ở tầng văn hoá sớm của Hậu Xá I-di chỉ thuộc chất liệu gốm thô màu xám mốc, dáng hình củ tỏi, miệng hẹp (giống loại Hou-Hồ Chiến Quốc-Hán Trung Hoa), trên vai có quai hình đỉa, cũng có bình không quai, chân đế choãi.
Bát, bát bồng, đĩa, đèn kiểu đĩa, cốc, cốc có chân, chén và các loại chân đế: Những mảnh bát tìm được trong các khai quật không nhiều về số lượng, do vỡ nhỏ nên rất khó xác định chính xác loaị hình giữa bát, phần trên bát bồng hay đĩa. Thông thường, những đồ gốm nhóm này thường làm bằng chất liệu hơi thô và mịn. Bát thường có dáng thấp, miệng loe rộng, đế thấp hoặc không có đế.
Đĩa: Dáng gần như bát, có đáy bằng, xương cứng, hơi thô, màu đỏ gạch. Đĩa dạng này đã xuất hiện trong giai đoạn muộn của văn hoá Sa Huỳnh. Đĩa có chân đế cao, đặc, miệng loe rộng, lòng nông. Phía dưới chân tạo thành một bản rộng có hình tròn dẹt. Xương cứng, hơi thô, màu đỏ nhạt, da ráp. Một số tiêu bản đĩa ở Gò Cấm, Trà Kiệu, Cổ Luỹ-Phú Thọ và Thành Hồ cho thấy bát hay đĩa, đĩa đèn loại này được làm bằng tay với phương pháp ghép con trạch (Nguyễn Kim Dung 2007). Kỹ thuật con trạch khá phổ biến ở trung tâm sản xuất gốm Tam Thọ cùng thời ở miền Bắc Việt Nam.
Bếp lò: Trong một số địa điểm như Trà Kiệu, Cổ Luỹ-Phú Thọ, Thành Hồ... đã tìm thấy mảnh vỡ của dạng bếp lò bằng đất nung tương tự kiểu cà ràng trong văn hoá Óc Eo.
Nhóm 2 - Nhóm gốm sản xuất tại chỗ song dưới tác động hay chịu ảnh hưởng những yếú tố văn hoá ngoại sinh từ Trung Hoa, Ấn Độ... Nhóm này xuất hiện ở giai đoạn muộn từ đầu thế kỷ 2, 3 SCN và phổ biến trong những thế kỷ 4-10. Chất liệu đất sét được lọc kỹ, gốm tinh mịn với các màu sáng từ đỏ, vàng đến trắng.
Vò gốm mịn: Đây là loại hình thường gặp nhất trong các địa điểm từ thế kỷ 3,4 sau công nguyên trở đi, ở giai đoạn sớm hơn như ở Gò Cấm bình vò miệng rộng gốm thô cũng đã được tìm thấy Vò thường có màu đỏ nhạt, hồng nhạt, vàng nhạt hay xám nhạt. Độ nung vừa phải. Một số mảnh có hoa văn in ô vuông, hay những đường chỉ chìm trên vai. Một số vò có trang trí hình cánh sen kép.
Bình có vòi không quai - kendi (dùng dâng rượu và nước trong tế lễ, dùng như cốc để uống), kendi vừa là đồ gia dụng vừa là đồ nghi lễ, kendi thường gặp ở những địa điểm giai đoạn muộn từ thế kỷ 3 trở đi. Địa điểm Trà Kiệu nơi cung cấp bộ sưu tập lớn nhất về kendi được biết cho đến nay ở khu vực miền Trung Việt Nam.
Bát, bát bồng, đĩa, đèn kiểu đĩa, cốc, cốc có chân, chén và các loại chân đế... gốm kiến trúc...
Chân đế cao, đặc: Chân đế đặc phổ biến từ thế kỷ 2,3 đến thế kỷ 9-10 sau Công nguyên. Chúng có hình dáng tương đối giống nhau với chất liệu hơi thô và mịn, xương gốm cứng, màu đỏ nhạt hoặc vàng nhạt, phần thân của chân đế có hình trụ tròn hơi thắt ở giữa, phần dưới của chân đế là một bản hình tròn dẹt. Đa phần đựơc làm bằng tay nên trên bề mặt còn nhiều vết lồi lõm. Chân đế đặc có mặt ở hầu khắp các địa điểm.
Chân đế cao, rỗng loe và loe choãi: Loại này khá phổ biến trong các di tích thời sơ sử Việt Nam. Chúng thường được làm bằng đất sét mịn không pha cát hoặc pha rất ít cát mịn, màu hồng hay đỏ nhạt. Chân đế rỗng giữa, phía dưới choãi hình loa, được chế tạo riêng rồi gắn chắp với phần trên hiện vật có thể là đĩa, bát hay cốc.
Cốc- chén: Là những đồ gốm có dáng cao mà tròn, nhỏ, miệng rộng, sâu lòng, có chân đế hay không có chân đế.
Đồ gốm khác: Trong các di tích giai đoạn này còn gặp nhiều kiểu dáng gốm khác nhau, số lượng không nhiều, hình dáng lại đa dạng và không đồng nhất giữa các địa điểm. Có thể kể một số kiểu sau:
Lọ: Có hình dáng giống lọ hoa. Kiểu này đã tìm thấy ở Trà Kiệu, Bãi Làng, Nam Thổ Sơn... ở mỗi nơi đều có những biến thể riêng.
Vung: Số lượng mảnh vung lớn nhất là ở Trà Kiệu, tại các điạ điểm khác như Trảng Sỏi, Nam Thổ Sơn, Đồng Nà ... cũng tìm thấy loại hình này. Phần lớn mảnh thân và núm vung được làm bằng gốm mịn, số gốm hơi thô ít hơn. Thường có màu đỏ gạch non, màu vàng nhạt họăc hồng nhạt. Một số vung có trang trí. Ví dụ một vung kích thước khá lớn ở Trà Kiệu trang trí rất đẹp. Hoa văn trang trí là những đường tròn đồng tâm và cách nhau đều đặn xen kẽ giữa những đường tròn ấy là hoa văn sóng nước. Tâm của đường tròn đồng thời là tâm và núm vung .
Có hai kiểu vung: kiểu vung đậy úp và kiểu vung đậy ngửa.
Núm vung cũng có hai kiểu: Hình búp sen. Những núm vung to kiểu này thường là gốm mịn, rỗng giữa Những núm nhỏ thường đặc. Hình trụ tròn, hơi thắt eo ở giữa. Những núm vung được làm bằng gốm hơi thô thường có lõi đặc và mặt trên lồi. Còn những núm vung được làm bằng gốm mịn thường có lõi rỗng và mặt trên hơi lõm lòng chảo.
Ngoài ra còn có hộp gốm, quai gốm, chén mắt trâu, cong, cối, hiện vật hình chuông ...
Gốm trang trí, gốm kiến trúc: Trong các hố đào và sưu tầm trên mặt đất còn cú những loại hình đất nung trang trí, gốm hình con tiện, ngói, gạch, ngói ống, đầu ngói ống, chốt/đinh gốm... . Nhìn chung chất liệu của loại gốm này hơi thô và mịn, độ nung vừa phải. Thường gặp ở các lớp văn hoá có niên đại từ thế kỷ thứ 3 trở đi.
Đầu ngói ống. Trong các địa điểm Trà Kiệu, Cổ Luỹ-Phú Thọ, Thành Hồ và một số khu đền tháp đầu ngói ống các loại đã được tìm thấy. Loại đầu ngói ống liên quan đến giai đoạn sớm này (từ sau thế kỷ thứ 3) là những đầu ngói trang trí mặt hề. Các đầu ngói có cùng chất liệu như ngói lợp, gạch và các chi tiết kiến trúc đất nung khác. Kỹ thuật chế tác là kỹ thuật dùng khuôn.
Nhóm 3 - Nhóm gốm có men, không men, đồ bán sứ, sành nhập ngoại từ Trung Hoa, Nam Ấn...
Gốm văn in Hán: Những mảnh vò gốm nung gần sành văn in ô vuông, ô trám lồng, hình đồng tiền sắc nét Hán được tìm thấy cùng nhóm gốm 1 ở lớp dưới Trà Kiệu, Gò Cấm, Hậu Xá I-di chỉ, Đồng Nà, Xóm Ốc
Ngoài loại này ra còn thấy có gốm hay đồ bán sứ éụng Hán-Lục Triều rải rác ở một vài địa điểm như Hậu Xá I-di chỉ, Trà Kiệu, Gò Cấm... dỏng luu ý là trong cỏc d?a di?m giai do?n s?m và gi?a, d? cú men r?t hi?m th?y. Trong nhóm gốm 3- giai đoạn sớm này tiêu biểu là nhóm gốm ở di chỉ Gò Cấm. Tại đây đã tìm thấy một số hiện vật gốm và đất nung nhu phong nờ được coi là đồ ngoại lai mang đặc trưng Hán rất rõ (Ian Glover và nnk 2001:38). Gốm ấn Độ ở Trà Kiệu. Cho tới nay chỉ mới xác định được 01 mảnh gốm xuất xứ trực tiếp từ ấn Độ. Đó là mảnh nhỏ của bát Rulét rất giống loại đã tìm thấy ở Arikamedu và một số địa điểm ở miền Đông ấn Độ, những phân tích định tính cũng cho thấy mảnh này có cấu tạo thành phần xương gốm giống những mảnh ở Arikamedu, có niên đại vào giữa thế kỷ 3 trước công nguyên đến thế kỷ 1 sau Công nguyên (Trịnh Sinh và nnk 1993: 20, hình vẽ XXI-1).
Những mảnh gốm thương mại Nam Ấn cũng đã tìm thấy ở Gò Cấm. Đây là những mảnh gốm xám, mịn, có trang trí in hai hàng chấm mịn là đặc trưng của gốm Indo-Roman Greyish Ware, nguồn gốc có thể từ Arikamedu (Nam Ấn) (Nguyễn Kim Dung 2005: 32).
Những mảnh gốm từ phương Nam này tuy nhiên mới chỉ thấy ở các địa điểm sớm và ít ỏi về số lượng nếu so với gốm có nguồn gốc từ phương Bắc. Điểm đáng lưu ý, gốm Ấn Độ chỉ tìm thấy ở lớp văn hoá có niên đại giữa thế kỷ 1 SCN đến đầu thế kỷ 2 SCN. Trong các lớp văn hoá muộn hơn phổ biến loại hình kendi và bình có vòi vẩy được xem có nguyên mẫu từ Ấn Độ bằng chất liệu sét mịn và hơi thô sản xuất tại chỗ.






alt

Hình 1. Loại hình gốm Chăm sớm (thế kỷ 1-5SCN)

Kỹ thuật chế tác gốm.
Dòng gốm thô và hơi thô tiếp tục truyền thống chế tác gốm văn hoá Sa Huỳnh tuy có những thay đổi về loại hình. Xương gốm có hai loại chính, đó là:
i. Xương gốm đen nhẹ, xốp pha nhiều bã thực vật và những mảnh vỏ nhuyễn thể nhỏ khi bị nung cháy để lại những lỗ nhỏ li ti. Loại gốm này thường có lớp áo màu đỏ hay hồng. Loại hình chủ yếu là nồi. Gốm loại này được sản xuất bằng tay hay bằng các phương pháp thủ công khác như con trạch, dải cuộn. Tuy nhiên do những mảnh vỡ quá nhỏ nên khó xác định được chính xác kỹ thuật chế tác. Nung ngoài trời.
ii. Xương gốm xám đen hay nâu đỏ, mới thoạt nhìn rất giống với gốm Sa Huỳnh, tuy nhiên lượng cát ít hơn so với gốm Sa Huỳnh và đặc biệt không còn loại xương “rỗng” như một số gốm văn hoá Sa Huỳnh. Có loại xương dày, gốm chất liệu rất thô nhưng cũng có loại xương mỏng chất liệu hơi thô tuỳ thuộc vào chức năng và loại hình gốm. Loại hình bình hình trứng, nồi, bát đĩa, đĩa đèn, nắp vung, bếp lò, ngói ... Kỹ thuật chế tác nặn tay, ghép con trạch, dùng bàn quay, khuôn...Trong loại này có những đồ gốm có độ cứng cao nhưng có lẽ đại bộ phận đồ gốm loại này được nung ngoài trời, nung ngoài trời cũng có thể đạt tới 700-800 độ C, do màu sắc gốm không đều. Trong dòng gốm thô này có nhiều yếu tố kế thừa từ gốm Sa Huỳnh như xử lý bề mặt bằng cách miết láng, tô ánh chì, tô thổ hoàng. Nồi, đĩa và bát đáy bằng là những loại hình phát triển từ một số gốm gia dụng của văn hoá Sa Huỳnh. Loại gốm xương mỏng, chất liệu hơi thô ít cát thực ra đã xuất hiện trong một số gốm Sa Huỳnh ở An Bang, Hậu Xá II và Lai Nghi.
Những phân tích nhiệt hoá các mẫu gốm các loại và ngói thu thập trong cuộc khai quật Cổ Luỹ-Phú Thọ (Quảng Ngãi) cho thấy chúng được làm khô chậm, quá trình nung lâu và độ nung dao động từ 500 đến 700 độ C và không có sự khác biệt lớn giữa các loại chất liệu thô, thô xốp, mịn và gốm cứng. Những mảnh gốm có màu sẫm là do có sự cháy của than trong quá trình nung.
Thay đổi có tính chất bước ngoặt trong chế tác đồ gốm từ sau thế kỷ 1,2 SCN đó là sự du nhập của kỹ thuật chế tác ngói các loại và sau đó là gạch từ phương Bắc (Đông Hán), cùng với đó là loại chất liệu sét mịn mềm và cứng, mà nguyên liệu sét sử dụng đã được lọc kỹ. Loại hình gốm có sự thay đổi đáng kể. Từ gốm mộ là chính ở giai đoạn Sa Huỳnh đã chuyển sang gốm đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của đời sống cá nhân và cộng đồng
Đồ gốm chất liệu sét mịn màu sắc đồng nhất với độ cứng vừa và cứng chắc chắn không thể nung ngoài trời lộ thiên giống như kỹ thuật nung gốm thô truyền thống. Có nhiều khả năng đã có những lò nung kín, chuyên dụng, những lò này có thể có cấu trúc giống như những lò nung gốm sau Công nguyên ở miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, nghề làm gốm ở miền Trung Việt Nam giai đoạn này mặc dù tiếp nhận kỹ thuật mới (trực tiếp từ Trung Hoa hay qua miền Bắc Việt Nam) nhưng do đáp ứng nhu cầu phát triển nội tại nên dòng gốm sành và gốm men hầu như không phát triển. Loại hình gốm cũng mang những yếu tố địa phương rõ rệt, một số loại do kế thừa từ giai đoạn văn hoá Sa Huỳnh, một số loại khác phát sinh từ những nhu cầu mới. Gần như không có những loại gốm Hán điển hình ngoại trừ một số bình hình Hồ và vò văn in hình hình học.
Những đồ gốm tìm được trong các địa điểm đa phần được làm tại chỗ bằng cách khai thác nguyên liệu địa phương. Những mẫu gốm thuộc cả ba dòng chất liệu thô, mịn và hơi thô của Trà Kiệu khai quật năm 1993 được phân tích bằng cách cắt lớp cho thấy thành phần kết cấu không khác nhau nhiều và khả năng lớn là khai thác nguyên liệu và sản xuất tại chỗ (Lâm Thị Mỹ Dung 2008).
Vấn đề đặt ra ở đây là mức độ chuyên hoá của nghề làm gốm. Tính phổ biến và mức độ đồng nhất trong các loại hình gốm của cả hai dòng gốm thô và gốm sét tinh mịn ở những địa điểm khá xa nhau về không gian cho thấy bên cạnh kiểu sản xuất hộ gia đình hay quy mô nhỏ lẻ, chắc chắn đã có những trung tâm sản xuất tập trung phục vụ cho nhu cầu xây dựng các công trình công cộng đặc biệt từ sau thế kỷ 3 SCN, những nơi sản xuất như thế đa phần được quản lý và điều hành bởi những tổ chức chính quyền theo từng khu vực.
Giải thích việc không hay chưa tìm thấy những lò nung gốm quy mô chuyên hoá cao dạng các khu lò đã phát hiện ở miền Bắc Việt Nam cùng thời kiểu Tam Thọ, Thanh Hoá ở những trung tâm kinh tế - chính trị của miền Trung Việt Nam theo chúng tôi có hai nguyên nhân. Thứ nhất đó là sự hạn chế của mức độ nghiên cứu thực địa và lý thuyết và thứ hai chính là sự không ưa chuộng loại gốm men mà chỉ chú trọng vào gốm để mộc.
II.3. Óc Eo
Văn hóa Óc Eo phân bố trên một địa bàn rộng lớn gồm nhiều tiểu vùng sinh thái khác nhau, sự thuận lợi về giao thông sông, biển tạo nhiều điều kiện và cơ hội cho tiếp xúc giao lưu văn hóa-kinh tế nội vùng và liên vùng phát triển, những điều kiện tự nhiên và xã hội như thế đã góp phần tạo nên sự đa dạng của các loại hình di tích, di vật khảo cổ mà di vật gốm giới thiệu dưới đây cho thấy tính đa dạng đó.
Đồ gốm tìm thấy trong các di tích văn hóa Óc Eo thuộc về hai chất liệu chính (Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải 1986; Lê Thị Liên 1996; Nishimura Masanari, Nguyễn Duy Tỳ, Hoàng Đình Chung 2008…):
Gốm thô đất pha cát hạt mịn, hạt thô, trấu…. đa sắc, thiên về các gam màu xám, xám đỏ, thường có lớp áo bở, dễ bong mòn. Trong gốm thô có những biến thể theo độ thô, phụ gia và màu sắc
Gốm tinh mịn có màu sắc từ xám trắng đến đỏ, đất sét được tinh lọc kỹ. Loại gốm này cũng có sự khác nhau tùy theo mức độ tinh mịn của đất và màu sắc.
Do khai thác nguyên liệu tại chỗ để chế tác nên giữa các khu vực khác nhau đồ gốm có sự khác nhau. Khu vực An Giang do sử dụng loại đất sét lẫn sạn laterit màu đỏ nhạt nên xương gốm có màu đỏ, thô ráp và loạigốm đen. Khu vực Kiên Giang khai thác đất sét pha cát hạt mịn còn vùng Đồng Tháp Mười là loại sét bùn lẫn tạp chất hữu cơ.
Đồ gốm trong văn hóa Óc Eo có thể chia làm 4 loại hình chính: Vật liệu xây dựng – kiến trúc (gạch, ngói, điêu khắc, phù điêu trang trí…), công cụ sản xuất (bàn xoa, chì lưới, dọi se sợi, nồi nấu kim loại…), đồ gia dụng (bếp lò, đèn, hũ, bình, nồi lớn nhỏ), đồ thờ cúng (bình Kendi, ly chân cao…) (Nguyễn Thị Hậu 2006). Trong những loại gốm này, một số được kế thừa từ giai đoạn tiền, sơ sử như bếp lò (cà ràng), bàn xoa gốm, một số đồ gốm gia dụng khác… Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu của một xã hội với cấu trúc và chức năng mới nhiều loại hình gốm mới đã được sản xuất và sử dụng, trong đó có khá nhiều loại hình tương tự như gốm cùng giai đoạn ở Đông Nam Á như bếp lò, kendi, nồi có gờ, nhưng cũng có một số loại hình riêng như nắp gốm có núm cầm giật cấp, chai gốm, gốm trang trí hình động vật, người...
Đồ gốm gia dụng: Nồi có gờ, nồi thân hình cầu, nồi có gờ trên thân, hũ, vò, bếp lò cà ràng, chai gốm, bát, đĩa, chậu, nắp vung…
Đồ gốm nghi lễ: Bình, ấm, kendi, ly chân cao, mâm bồng…
Công cụ sản xuất: Khuôn đúc, bàn xoa gốm, dọi xe sợi, bi gốm, chì lưới, nồi nấu kim loại
Gốm trang trí, trang sức: Các loại tượng người và động vật, vòng tay, khuyên tai…
Vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc: Phần lớn có chất liệu tinh mịn. Một số nhà nghiên cứu tìm kiếm yếu tố ngoại sinh (Ấn Độ) trong nguồn gốc của ngói lợp thuộc giai đoạn sớm của văn hóa Óc Eo (Yuko Hirano 2008).

alt

Hình 2. Đồ gốm văn hóa Óc Eo

III. Đông Nam Á.
III.1. Đồ gốm nửa đầu thiên niên kỷ I SCN trong một số địa điểm khảo cổ Cămpuchia
III.1.1. Đồ gốm khai quật ở Angkor Borei, chương trình LOMAP (The Lower Mekong Archaeological Project – Dự án Khảo cổ học Hạ lưu sông Mê công) năm 1996 (Stark M., 2001; Bong Sovath 2003)
Địa điểm Angkor Borei thuộc tỉnh Takeo, miền Nam Cămpuchia, đồ gốm của mùa khai quật LOMAP 1996 được phát lộ và thu được trong hai hố thám sát AB -3 và AB – 4 mỗi hố 2m2 (1m x 2). Theo người khai quật ở Angkor Borei có ba tổ hợp gốm đặc trưng ứng với ba giai đoạn: Giai đoạn AB 1 (500 TCN đến 200 TCN); Giai đoạn AB 2 (200 TCN đến 200/300 SCN); Giai đoạn AB 3 (200/300 SCN đến 600 SCN).
Loại hình gốm Angkor Borei rất đa dạng gồm đồ gốm sử dụng hàng ngày (gia dụng) như nồi thân hình cầu, chum, bát, đồ đựng hình trụ, bếp đất nung, đèn; dụng cụ như chì lưới, dọi xe chỉ, bếp lò; trang trí kiến trúc và vật liệu xây dựng bằng đất nung ( từ sau thế kỷ 5 SCN). Cư dân trong làng còn phát hiện nhiều loại gốm không thấy trong hố khai quật như mảnh muôi nấu đồng, con dấu, ngói, đầu ngói ống…







Hình 3. Đồ gốm do cư dân địa phương tìm thấy ở Angkor Borei, trong hố khai quật Wat Komnou cũng có những loại hình tương tự
(nguồn M.Stark 2001, hình 2)






alt






Hình 4. Gốm hình nấm ở Angkor Borei
(Nguồn:


Giai đoạn 1 có bốn nhóm gốm, bao gồm gốm miết láng, gốm xám, gốm có áo và gốm văn thừng. Loại hình có bát có chân, vại có miệng loe cong rộng và ngắn, bát có gờ.


Giai đoạn 2 chủ đạo là gốm mịn màu da cam với loại hình phổ biến đồ đựng hình trụ.
Giai đoạn 3 là giai đoạn của gốm mịn màu da bò với hai loại hình chính: Kendi và đồ gốm có chân
Gốm Angkor Borei rất không đồng nhất về thành phần chất liệu được phân thành 12 biến thể với nhiều nhóm nhỏ hơn. Tuy vậy có thể phân chia thành ba loại gốm chính:
- Gốm văn thừng (Cord – Marked Earthenwares: Phân bố ở mọi lớp khai quật nhưng tập trung ở các lớp từ 20-35 và có niên đại 500 TCN đến 200 SCN. Màu sắc bên ngoài của gốm văn thừng từ xám đậm đến nhạt, văn thừng ngang hay dọc. Xương màu xám rất đậm. Thường có thân hình cầu, cổ bóp hẹp lại. Loại hình chính là nồi và chum.
alt


Hình 6. Gốm văn thừng Angkor Borei

- Gốm mịn màu da cam (Fine Orangewares): Loại gốm này chỉ phân bố ở giai đoạn 2. Gốm rất mỏng (~3-4mm), màu sắc từ da cam đến da bò. Loại hình rất hạn chế, chủ yếu là đồ đựng hình lăng trụ có kích thước đường kính 6cm hay nhỏ hơn, cao 10-12cm (Stark M., 2000: tr.77, h.5). Ngoài ra còn có loại vò nhỏ miệng loe xiên. Theo những người khai quật gốm hình trụ không có những dạng tương tự ở Đông Nam Á và về chức năng loại gốm này rất đặc biệt – nghi lễ (Stark M., 2000; 7 và Bong Sovath 2003: 3).
- Gốm mịn màu da bò (fine Buffwares): Gốm có độ dày mỏng khác nhau mỏng nhất ( 7mm), xương mịn. Màu sắc đỏ da bò và đỏ cá hồi, đôi khi màu trắng. Xương thi thoảng có hạt than màu xám nhạt hay thẫm. Hai loại hình chính là kendi và bát bồng. Loại gốm mịn màu da bò này có niên đại sau thế kỷ 3 SCN. Đối với loại hình kendi, niên đại có mặt của kendi ở châu thổ song Mê công là từ nửa sau TNK I SCN và kendi có nguồn gốc từ Ấn Độ, nơi mà niên đại của kendi sớm nhất là từ thế kỷ 3 SCN (Stark M., 2000: 79, hình 7,8).
alt
alt

Hình 5. Gốm miết láng Angkor Borei
(Nguồn:


Hình 6. Niên biểu của đồ gốm Angkor Borei

Ở Angkor Borei, bên cạnh gốm cư trú còn có một số gốm tùy táng. Gốm tuỳ táng đa dạng hơn và có những loại hình riêng không thấy trong nơi cư trú, đặc biệt loại bình có chân đến kiểu chân đế bát ăn cơm, miệng loe xiên (Stark M., 2000: 80, hình 9, 10).
III. 1.2. Gốm ở một số địa điểm khác Laang Spean, Samrong Sen, Sambor, Plei Kuk…
Không có thông tin cụ thể, niên đại của nhiều địa điểm kéo dài từ thời đại Đá mới đến giai đoạn Lịch sử. Đồ gốm nhiều loại từ làm bằng tay đến bàn xoay, văn thừng, văn khắc vạch, đắp nổi, tô màu. Sự xuất hiện của đồ gốm được chế tác bằng bàn xoay theo Groslier ở Campuchia là do ảnh hưởng từ Ấn Độ (dẫn theo Bong Sovath 2003: 51).
III.2. Lào: Gần như không có thông tin ngoài đồ gốm tìm thấy ở Cánh đồng Chum có niên đại Sơ kỳ Sắt sớm sang đến thế kỷ 2,3 SCN.
III.3. Thái Lan: Đồ gốm từ một số cuộc khai quật các địa điểm từ miền Trung và Đông Bắc Thái Lan (Bong Sovath 2003: 53-57).
Gốm Phimai Cổ điển (200 TCN đến 300 SCN). Đặc điểm của gốm đen Phimai là những đường miết láng trên nền để mộc với những họa tiết như đường xoắn ốc, đường ngang, thẳng và hình hình học. Loại hình gốm Phimai chủ yếu là bát nhỏ đáy lõm, đáy tròn, bát nông lòng có chân đế thấp hình vành khăn, bát nông lòng gốm dày đáy bằng.
Gốm Chansen (giai đoạn 1- 4 từ thế kỷ 2 TCN đến thế kỷ 6 SCN) có nhiều điểm tương đồng với gốm Óc Eo và Angkor Borei.
Gốm Chansen I: Gốm có độ nung tốt, màu sáng, xương gốm có nhiều khoáng chất. Gốm được trang trí bằng những đường trắng trơn, những băng ngang rộng, những đường song song, sóng nước trên vai và văn thừng. Theo Bronson đồ gốm giai đoạn I được nhập từ bên ngoài.
Gốm Chansen II: Gốm thô, xương ít khoáng chất. Trang trí miết láng, văn đập thừng ở đáy, nhữngđường rãnh trên vai, ấn móng tay hay vạch ngắn. Miệng gốm dày, loại hình phổ biến là nồi có gờ. Đây là gốm gia dụng, được sản xuất tại chỗ.
Gốm Chansen III. Gốm có bề mặt bóng kiểu miết láng, gốm mịn thường có màu sáng. Xương dày với nhiều lỗ hổng hơn so với giai đoạn trước. Phổ biến là gốm có bề mặt màu đen. Trang trí văn đập, miết láng và xoi rãnh ở miệng, đường gờ trên vai.
Gốm Chansen IV. Gốm có bề mặt hơi bóng, màu hồng đục. Xương thô. Loại hình chính là nồi có gờ. Gốm thường được trang trí bằng những đường ngang trắng hay đỏ.
Gốm Dravarati (thế kỷ 6 đến 10 SCN): Gốm có kích thước lớn nhưng thành mỏng. Loại hình mới như gốm có vòi, gốm văn in và quân cờ gốm. Loại gốm trang trí văn in hình hoa, hình động vật được xác định là đồ nhập khẩu (Thanik Lertcharnrit).
Nghiên cứu gốm ở các địa điểm khảo cổ từ thời đại đá mới đến thời kỳ lịch sử sớm ở miền Trung Thái Lan Sawang Lertrit nhận thấy có ba thời kỳ phát triển khá liên tục trong chế tác và sử dụng đồ gốm: Thời kỳ sớm (đá mới và đồng) với tỉ lệ tương đối cao của gốm văn thừng; Thời kỳ giữa (giai đoạn chuyển từ đồng sang sắt sớm),Ttếp nối đồ gốm của thời kỳ sớm, gốm văn thừng giảm dần, gốm khắc vạch tăng lên và nhiều gốm văn in; Thời kỳ muộn có liên quan đến thời kỳ giữa do gốm có cùng cách xử lý bề mặt, nhiều gốm khắc vạch và in ấn. Gốm văn in thời kỳ này được cho là có liên quan đến sự bành trướng về phía Nam của đế chế Hán (Sawang Lertrit: 25-27).

Hình 7. Gốm Chaibadan, Miền Trung Thái Lan
(Nguồn: Sawang Lertrit 2003)

Nhận xét

Gốm đất nung ở Đông Nam Á có diễn biến khá đồng nhất giữa các địa điểm. Giai đoạn sớm trước Công nguyên, gốm thô văn thừng, miết láng và khắc vạch, chất liệu gốm rất không đồng nhất – có sự pha trộn giữa phong cách và loại hình --- nhiều nơi sản xuất, nhiều truyền thống ; từ sau Công nguyên loại gốm mịn tinh màu da cam, vàng, hồng xuất hiện và trở nên phổ biến, nhiều loại hình mới bên cạnh những loại hình từ giai đoạn trước. Kendi hay bình có vòi xuất hiện – chất liệu khá đồng nhất, sản xuất đồ gốm được chuẩn hóa, kendi và một vài loại hình gốm khác liên quan đến nghi lễ, trang trí kiến trúc và vật liệu xây dựng, đây là những loại hình từ bên ngoài được sản xuất tại chỗ. Một số đồ gốm men, sành văn in Trung Hoa, gốm Indo – Roman Rouletted Ấn Độ cũng đã được phát hiện trong một số địa điểm khảo cổ học Đông Nam Á nửa đầu thiên niên kỷ I SCN.
Đồ gốm từ sau Công nguyên ở cả khu vực Đông Nam Á đã có bước chuyển biến rõ rệt trong kỹ thuật sản xuất, chất liệu và loại hình. Phạm Quốc Quân đã gọi sự chuyển biến này ở miền Bắc Việt Nam là bước chuyển thứ nhất (Phạm Quốc Quân 2006:99). Do sự tăng cường tiếp xúc với Hán và do sự tham gia của văn hoá Hán (từ miền Bắc Việt Nam và trực tiếp từ Trung Quốc) cũng như với Nam Á, các cộng đồng cư dân bản địa trên nền tảng văn hoá đã rất phát triển của mình (đặc biệt là sản xuất đồ gốm) đã tiếp thu một số công nghệ mới từ bên ngoài. Kỹ thuật lọc đất, kỹ thuật sản xuất bằng khuôn, bàn xoay, khống chế độ nung, kỹ thuật sản xuất vật liệu xây dựng và kiến trúc...tạo ra một bộ sưu tập gốm với nhiều loại hình, chức năng đa dạng và chuyên hoá phục vụ những nhu cầu của dạng cấu trúc xã hội mới.. Khi đặt những tổ hợp gốm thời lịch sử sớm của các miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam bên cạnh nhau và đặt chúng trong so sánh với gốm cùng thời ở Đông Nam Á chúng ta thấy giữa chúng có khá nhiều khác biệt song cũng không ít tương đồng (về cả hai lĩnh vực chế tác và sử dụng) (Sovath Bong 2003; Lâm Thị Mỹ Dung 2006). Nếu trong các văn hoá Sơ sử chỉ có một dòng gốm duy nhất đó là gốm thô thì vào giai đoạn nửa đầu thiên niên kỷ I TCN có ít nhất hai đến ba dòng gốm cùng song hành, trong đó có dòng gốm thô tiếp nối truyền thống gốm sơ sử và dòng gốm tinh mịn, dòng gốm có men mang phong cách gốm ngoại sinh (từ phía Bắc và Nam). Trong dòng gốm thô truyền thống bản địa, để đáp ứng những thay đổi trong xã hội đã có những thay đổi về cả loại hình, trang trí và kỹ thuật chế tác, lượng tạp chất ít hơn và chất liệu gốm được lọc kỹ hơn, độ nung cao hơn. Gốm thô thời kỳ muộn hơn này đơn giản hơn về loại hình và trang trí so với gốm thô sơ sử nhưng được tạo hình bằng kỹ thuật phát triển hơn, kiểu dáng cân đối, thành gốm mỏng đều, độ nung cao hơn do vậy gốm đanh cứng hơn. Đặc biệt trong dòng gốm thô này giữa những loại hình đồ đựng, đồ sinh hoạt, đồ đun nấu như nồi, đĩa đèn, bát... ở các khu vực phân bố cách xa nhau về không gian (trong địa vực của mỗi vùng hay khu vực văn hóa) vẫn có nhiều những đặc điểm chung về kỹ thuật sản xuất, độ nung, hình dáng và trang trí. Như vậy, tuy dòng gốm thô có nhiều khả năng vẫn được sản xuất theo kiểu thủ công nhỏ mức độ gia đình song không loại trừ đã có những nơi làm gốm tập trung hơn cung cấp sản phẩm cho toàn vùng. Dòng gốm tinh mịn và có men được sản xuất tập trung và có tổ chức mang tính chuyên hoá trong cả sản xuất lẫn phân phối sản phẩm.
Có thể nhận thấy một số xu hướng và đặc điểm sau trong sản xuất và sử dụng đồ gốm giai đoạn này ở Đông Nam Á:
i. Lượng đồ gốm khổng lồ tìm thấy trong các địa điểm lịch sử sớm ở Đông Nam Á minh chứng sự phát triển và tầm quan trọng của kỹ nghệ sản xuất gốm trong đời sống của cư dân.
ii. Gốm lịch sử sớm Đông Nam Á kế thừa và phát triển nhiều cổ típ từ giai đoạn tiền, sơ sử. Có thể nói gốm là loại di vật in đậm dấu ấn của cơ tầng văn hóa bản địa.
iii. Quá trình tiến hóa của tính phức hợp xã hội và gia tăng quan hệ tiếp xúc với văn hóa bên ngoài được phản ánh một cách đầy đủ trong các lĩnh vực tổ chức, quản lý, kỹ thuật và phân phối đồ gốm.
iv. Những đặc điểm chung trong loại hình và kỹ thuật sản xuất đồ gốm Đông Nam Á giai đoạn lịch sử sớm có nguyên nhân chủ yếu do cùng tiếp xúc và chịu ảnh hưởng từ các yếu tố ngoại sinh Trung Hoa, Ấn Độ… --> Quá trình khu vực hóa.
v. Mỗi tổ hợp gốm đều có những đặc điểm riêng --> Quá trình địa phương hóa.

Tài liệu dẫn
Stark Miriam 2000, Pre – Angkor Earthenware Ceramics from Cambodia’s Mekong Delta. UDAYA: Journal of Khmer Studies 2000. 1: 69-90
Bong Sovath 2003, The Ceramic Chronology of Angkor Borei, Takeo Province, Southern Cambodia. A DISSERTATION SUBMITTED TO THE GRADUATE DIVISION OF THE UNIVERSITY OF HAWAI'I IN PARTIAL FULFILLMENT OF THE REQUIREMENTS FOR THE DEGREE OF DOCTOR OF PHILOSOPHY IN ANTHROPOLOGY DECEMBER 2003
Thanik Lertcharnrit, Late Prehistoric and Early Historic Archaeology in Thailand: Recent Evidence from Sab Champa.
Sawang Lertrit 2003, Ceramic Vessels from Chaibadan, Lopburi and the Later Prehistory of Central Thailand. IPPA Bulletin 23 (Tapei Papers, Volume 1: 27-33)
Nishimura Masanari, Nguyễn Duy Tỳ và Hoàng Đình Chung 2008, Excavation of Nhơn Thành at the Hậu Giang River Reach, Southern Vietnam (Bản copy của Nishimura tặng tác giả) 9.2008
Sawang Lertrit, Late Prehistoric and Early Historic Ceramic Chronology for Central Thailand.
Peregrine. P.N., Ember. C.R., và Ember Melvin 2007. Modeling State Origins Using Cross-Cultural Data. Cross-Cultural Research 2007; 41;75. http://ccr.sagepub.com
Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải 1986, Văn hóa Óc Eo – Những khám phá mới. Nxb KHXH. Hà Nội.
Nguyễn Thị Hậu, 2006. Cổ vật trong văn hóa Óc Eo. http://www.newvietart.com/NGUYENTHIHAU_saigon.html
Yuko Hirano 2008, Nghiên cứu về giao lưu văn hóa của cụm Óc Eo tại đồng bằng sông Cửu Long: Tư liệu Ngói di tích Gò Tư Trâm (2005-2006). Bài trình bày tại Hội nghị quốc tế Việt Nam học Hà Nội tháng 12 năm 2008.
Lâm Thị Mỹ Dung 2008, Nghiên cứu quá trình chuyển biến từ sơ sử sang lịch sử ở miền Trung và Nam Trung bộ Việt Nam. Đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Đại học Quốc gia. Mã số QGTĐ.06.07. Hà Nội.
Trịnh Sinh, Lê Đình Phụng, Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Chiều 1993. Báo cáo khai quật di chỉ khảo cổ học Trà Kiệu năm 1993. Tư liệu Viện Khảo cổ học, Hà Nội.
Phạm Quốc Quân 2006. Ba bước chuyển quan trọng của gốm sứ Việt. Tạp chí Di sản Văn hoá. Hà Nội
Stark M., Sovath Bong Recent Research on Emergent Complexity in Cambodia’s Mekong IPPA Bulletin 21, 2001 (Melaka Papers, Volume 5).
Nguyễn Kim Dung 2005. Di chỉ Gò Cấm và con đường tiếp biến văn hoá sau Sa Huỳnh khu vực Trà Kiệu. Khảo cổ học, số 6: 17-50.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét