Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HÓA ĐỊA TRUNG HẢI TRONG VĂN HÓA ÓC EO


ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HÓA ĐỊA TRUNG HẢI
TRONG VĂN HÓA ÓC EO
ThS. Phan Anh Tú
Khoa Văn hóa học, ĐH KHXH&NV Tp.HCM

Óc Eo là tên một gò đất lẫn đá nổi trên mặt cánh đồng phía Đông nam núi Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang. Tên này đã có từ lâu và đã lưu truyền từ nhiều thế hệ cư dân nhưng không ai biết được xuất xứ của nó. Một vài nhà khoa học Pháp cho rằng chữ Óc Eo đồng âm với từ Khmer địa phương là Ur Keo, có nghĩa là “rạch ngọc”. Từ Keo trong tiếng Thái cũng có nghĩa là ngọc. Ở Thái Lan có một ngôi chùa tên là “Wat Phra Keo” có nghĩa là “Chùa Phật Ngọc”.
Trong khoảng thời gian cuối thập niên 30 đầu 40 của thế kỷ XX, những người nông dân làm việc trên cánh đồng Ba Thê thỉnh thoảng có nhặt được những khí vật bằng vàng có hình thù kì lạ. Tin đó lan truyền đi rất nhanh trong dân chúng và sau đó xảy một cơn sốt đào vàng quanh vùng Óc Eo lúc bấy giờ. Số lượng vàng đào được người ta đem nấu thành khối rối chuyển sang bán tại Phnôm Phênh vì sợ bị điều tra bắt bớ của chánh quyền Pháp thuộc ở Việt Nam.
Đến năm 1942, Louis Finot, giám đốc trường Viễn Đông Bác Cổ mới cử ông Louis Marellet, quản thủ Bảo tàng Blanch De La Brosse (nay là BTLSVN.TPHCM) tiến hành điền dã vùng miền tây Nam bộ từ năm 1942 và khai quật vào năm 1944 tại gò Óc Eo trên cánh đồng Ba Thê. Tại nơi này Marellet phát hiện hàng trăm phế tích Ấn Độ giáo và Phật giáo bị chìm sâu dưới lòng đất, hàng chục hàng di vật các loại được tìm thấy và đưa về bảo quản tại bảo tàng Blanch de la Brosse hoặc bảo tàng Guimet ở Pháp. Đặc biệt, ông tìm thấy một số lượng lớn di vật bằng vàng có dấu vết của văn hóa Bà La Môn giáo, Phật giáo hoặc tín ngưỡng bản địa nhưng theo ước đoán của các nhà khoa học thì số lượng vàng ông tìm thấy không bằng 1/10 số lượng mà dân thường đã đào đi.
            Lúc sinh thời Malleret cho rằng Óc Eo là một thương cảng, có tiền cảng là di chỉ Tà Keo (Nền Chùa-Kiên Giang) nằm cánh đó 15 km về phía biển và Óc Eo được xem là thành phố vệ tinh của kinh đô Angkor Porei nằm tại tỉnh Srey Vieng trên đất Kampuchia. Vì qua các đợt thám sát bằng máy bay, ông nhận ra có nhiều đường nước cổ nối liền Tà Keo với Óc Eo và Angkor Porei (thuộc lãnh thổ vương quốc Campuchia). Ông cũng cho rằng văn hóa Óc Eo chỉ có ảnh hưởng ở vùng tây Nam bộ và một phần của Kampuchia.
            Sau năm 1975, những phát hiện mới về khảo cổ học Óc Eo cho thấy văn hóa Óc Eo không chỉ tồn tại ở khu vực Ba Thê mà còn trải rộng khắp vùng Nam Bộ và hầu như không có tỉnh nào ở Nam Bộ mà không tìm thấy di chỉ này. Nhiều nhất là hai tỉnh An Giang và Long An, mỗi tỉnh có hơn 100 di tích. Văn hóa này còn ảnh hưởng đến cả vùng hồ Trị An và còn lan tỏa đến cả vùng thánh địa Nam Cát Tiên ở thượng nguồn sông Đồng Nai cùng nhiều nơi khác trên vùng Đông Nam Á lục địa và bán đảo Sumatra.
            Vi vị trí của một thương cảng tọa lạc tại địa điểm trung gian của Con đường tơ lụa trên trên biển (Silk Sea Road), cư dân Óc Eo đã sớm tiếp xúc với nhiều nền văn hóa trên thế giới. Điều này đã khiến cho nhiều học giả xem Óc Eo là một trung tâm liên thế giới của vương quốc Phù Nam. Ngoài việc ảnh hưởng sâu đậm nền văn hóa Ấn Độ và vài yếu tố văn hóa không rõ ràng từ Trung Hoa, các học giả còn nhận ra rằng trong các di chỉ văn hóa Óc Eo còn lưu lại dấu vết của văn hóa vùng Địa Trung Hải.
Về lĩnh vực nghệ thuật: trước hết phải kể đến pho tượng người ở Trà Vinh (hiện trưng bày tại Bảo tàng Guimet – Paris) được định niên đại thế kỷ I. Có khả năng đây là pho tượng thần Poseidon (thần Đại dương) chế tác tại Hy Lạp và được đưa vào lãnh điạ Phù Nam từ rất sớm. Một pho tượng khác được tìm thấy tại Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) vào năm 1988 lại hoàn toàn tạo hình theo phong cách Hậu Hy Lạp (trường phái Hellenistique). Chúng tôi cho rằng đây là tượng thần Pan, thần Mục đồng trong thần thoại Hy Lạp vì có đặc điểm mình người chân dê, đầu có sừng. Điều kỳ lạ là pho tượng ở Vĩnh Hưng lại diễn tả thần Pan trong hình hài của một em bé, một phong cách hoàn toàn hiếm thấy ngay cả tại quê hương của nó, vùng Địa Trung Hải. Ở Hy Lạp và La Mã, thần Pan được thể hiện ở tuổi thanh niên hay tuổi già có tay cầm kèn hay thổi loại sáo hai ống. Tượng thần Pan ở Vĩnh Hưng có lẽ là một sản phẩm bản địa hóa do cư dân Óc Eo tạo nên với hình ảnh của đứa trẻ mục đồng chăn trâu thổi sáo của quê hương Đông Nam Á.
            Về lĩnh vực văn hóa thương mại: Quan hệ thương mại giữa Óc Eo với vùng Địa Trung Hải sớm được chứng minh qua hai đồng tiền vàng La Mã được tìm thấy và hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. HCM. Một thuộc thời kỳ hoàng đế Antonius (138 – 161) và đồng tiền còn lại thuộc thời đại hoàng đế Marcus Aurelius (161 – 180). Hiện nay tại nhiều địa điểm ở Đông Nam Á, người ta đã tìm thấy các hiện vật có nguồn gốc từ La Mã. Điển hình là chiếc đèn đồng kiểu Alexandrie có cán chạm hình lá cọ và hai con cá heo tìm thấy tại Pong Tuk tỉnh Kanchanaburi (Thái Lan). Theo ông C. Glover cũng có một đồng tiền vàng khác thuộc thời kỳ hoàng đế Vitorinus (268 – 270) tìm thấy tại U Thong, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Bangkok. Trong thời kỳ hùng mạnh của đế chế Phù Nam (thế kỷ III SCN) vùng đất nay là Thái Lan cũng được xem như một phần của vương quốc cổ này nên không loại trừ khả năng những hiện vật kia đã đến thương cảng Óc Eo rồi theo các thương đoàn ngược dòng sông Mekong lên tận Thái Lan.
            Trong thời kỳ cực thịnh của đế quốc La Mã có khả năng con đường giao thương trên biển trực tiếp giữa phương Đông và Tây đã được thiết lập mà Óc Eo là trung điểm của con đường này. Song cũng có thể các hiện vật có nguồn gốc từ La Mã hay Hy Lạp là do những thương nhân Ấn Độ, Ả Rập hay Ba Tư đưa đến. Để đưa ra một kết luận chính xác chúng tôi còn phải cần thêm thời gian và nhiều cứ liệu khoa học liên ngành.
            Hiện nay, phần lớn các công trình khảo cứu văn hóa Óc Eo chỉ nói nhiều đến sự ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa hay khu vực Đông Nam Á. Quan hệ văn hóa giữa Óc Eo và khu vực Địa Trung Hải không được các học giả quan tâm đúng mức. Thiết nghĩ trong tương lai cần có những công trình khảo cứu cụ thể hơn để giúp cho giới nghiên cứu và những người say mê văn hóa cổ có cái nhìn chính xác về qua trình giao lưu tiếp biến văn hóa giữa Phù Nam và các vùng văn hóa khác trên thế giới. Bên cạnh đó, cũng cần đánh giá lại vai trò trung gian của của vương quốc cổ này trong quá trình kết nối hai khu vực Đông – Tây thông qua con đường Tơ lụa trên biển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Hương (1974). “Sử Liệu Phù Nam”, Sđđ.Sài Gòn.
  2. Nhiều tác giả (1994). “ Văn Hóa Óc Eo và Các Nền Văn Hóa Cổ ở Đồng Bằng Sông Cửu Long”, Long Xuyên, sở VHTT An Giang xuất bản, 380tr.
  3. Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải (2000). “Văn Hóa Óc Eo: Những Khám Phá Mới” Hà Nội. NXBKHXH, 472tr.
  4. Jame C.M. Khao (editor) (2003). “Art and Archeaology of Fu Nan” Bangkok Orchide Press163 p.
Nguồn: Hội thảo Khoa học Ảnh hưởng của văn hoá Tây Âu, Bắc Mỹ đối với thế giới và Việt Nam trong quá trình toàn cầu hoá, 2008


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét