Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum (12/12/1931 - 12/12/2011)


Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm đấu tranh Lưu huyết tại
Ngục Kon Tum (12/12/1931 - 12/12/2011)

CUỘC ĐẤU TRANH LƯU HUYẾT VANG ĐỘNG NÚI RỪNG

I. Nhà lao Kon Tum và tội ác của thực dân Pháp đối với những người tù chính trị:
1. Hệ thống nhà lao Kon Tum:
Nhà lao Kon Tum do thực dân Pháp xây dựng bao gồm 02 lao: Lao trong và Lao ngoài.
* Lao trong: Là nhà lao cấp tỉnh, được thực dân Pháp dựng lên ngay khi thiết lập được bộ máy cai trị ở tỉnh Kon Tum (khoảng từ năm 1915-1917), nằm ở gần sông Đăk Bla, cách đường quốc lộ 14 trên 1.000 mét về phía tây, gần với toà nhà làm việc của viên công sứ Pháp, của giám binh, trụ sở của tên quản đạo và trại lính bảo an.
Nhà lao này ban đầu xây dựng không kiên cố, với bốn dãy nhà liền nhau tạo thành một hình vuông theo kiểu pháo đài Vôbăng (Vauban) của Pháp. Mặt trước bốn dãy nhà đều hướng vào một sân rộng mỗi chiều 18 m. Nhà lợp ngói, tường đất, xung quanh không có tường cao, hàng rào đơn giản không chắc chắn. Cả khu vực nhà lao chỉ có một cửa ra vào và hai chòi gác cao có thể quan sát được cả trong và ngoài lao. Ngăn cách giữa sân với các phòng giam là hàng rào chắn song bằng gỗ dày, cứng chắc. Mỗi nhà giam có chiều rộng 3,5m, trong đó dành 2m lát ván nằm cho tù nhân, 1,5m là đường đi lại. Hai đoạn đầu của 2 dãy nhà ngang dọc ấy ngăn thành 4 phòng nhỏ hẹp, trong đó có 3 cái để giam phạt tù và một phòng cạnh cổng ra vào là nơi làm việc của xếp lao. Bảo vệ nhà lao có đơn vị lính khố xanh thường xuyên thay nhau canh giữ rất nghiêm ngặt.
* Lao ngoài (hay còn gọi là lao kẽm, lao sắt, lao cầu mới): Nhà lao này được thực dân Pháp xây dựng khoản tháng 3-1931. Mục đích là nhằm để tạm giam tù từ công trường làm đường 14 ở Đăk Pao, Đăk Pét trở về Thị xã "tạm" nghỉ trong 6 tháng mùa mưa, nên có tính chất tạm bợ. Nó nằm cách trung tâm thị xã khoảng 2 km về phía tây, cạnh sát bờ sông Đăk Bla. Gồm 2 nhà giam: nhà lớn dài khoảng 18-20 m, rộng 12 m. Bên trong có 4 sạp tù nằm dài, có thể giam giữ được trên dưới 100 tù nhân; nhà nhỏ có 2 sạp, giam được 50 tù nhân. Ở giữa 2 nhà là nhà lính gác. Cửa ra vào được làm bằng thép gai chằng chịt và trước cửa có một chòi gác của lính. Đặc điểm nổi bật của nhà lao này là xung quanh không có thành xây giữ kín như các nhà lao khác, bốn bề trống trải, không có nơi ẩn nấp, nên hễ khi tù nhân bỏ trốn thì dễ bị lính gác phát hiện. Do đó, việc thiết kế của lao ngoài tuy nhìn vào đơn giản, nhưng có chủ ý rất thâm sâu. 
Nhà lao Kon Tum lúc đầu giam giữ những người địa phương bị thực dân Pháp ghép vào “tội” chống đối hoặc vi phạm “pháp luật” của chúng. Từ cuối năm 1929 đến giữa năm 1930, có 2 tù chính trị được đưa lên giam giữ tại đây là đồng chí Đổng Sỹ Bình và đồng chí Ngô Đức Đệ. Sau thất bại của Cao trào cách mạng Xô Viết-Nghệ Tĩnh (1930-1931), thực dân Pháp tiến hành đàn áp, truy ráp, bắt bớ hàng loạt các chiến sỹ Cộng sản và quần chúng giác ngộ tham gia cuộc đấu tranh đem giam giữ chật kín các nhà lao ở các tỉnh Trung châu.
2. Tội ác của thực dân Pháp đối với tù chính trị:
Để giải quyết lượng tù nhân quá tải, đồng thời phục vụ cho ý đồ xâm lược, từ tháng 12-1930 đến tháng 4-1931, thực dân Pháp tiến hành đày ải những đoàn tù chính trị từ nhà lao các tỉnh Trung châu lên giam giữ tại Kon Tum. Đoàn tù chính trị đầu tiên gồm 150 người từ lao Vinh (Nghệ An) được đưa lên giam ở Ngục Kon Tum (tháng 12-1930). Tiếp sau đó, từ tháng 1-1931 đến tháng 4-1931, có 4 đoàn nữa từ nhà lao Vinh, Hà Tĩnh, Nha Trang lần lượt đày lên Kon Tum, nâng tổng số tù lên tới 295 người.
Thực dân Pháp đưa tù chính trị lên đày ải ở nhà lao Kon Tum nhằm mục đích:
- Nhanh chóng giảm bớt số lượng tù nhân bị giam giữ chật kín ở nhà đày các tỉnh Trung châu.
- Dùng sức lao động của tù nhân để làm đường giao thông phục vụ cho mưu đồ cai trị của chúng.
- Lợi dụng nơi rừng núi xã xôi, dân cư thưa thớt cách xa các trung tâm đô thị và đồng bằng nhằm cách ly tư tưởng Cộng sản; đồng thời để giết dần, giết mòn các tù nhân chính trị mà không sợ tai tiếng và dư luận lên án.
Chính vì vậy, ngay từ khi đoàn tù chính trị đầu tiên được đưa lên Kon Tum, thực dân Pháp đã dùng chiêu bài phủ đầu trấn áp tù nhân bằng roi vọt, báng súng, gậy gộc và lập tức đưa ngay tù nhân lên công trường làm đường 14. Tiếp theo đó, một chế độ nhà tù vô cùng hà khắc, tàn bạo và cảnh giết chóc dã man tù chính trị trên công trường làm đường xâm lược 14 liên tục diễn ra. 
 Công việc trên công trường làm đường rất nặng nhọc, tù nhân làm lụng quần quật, dầm mưa, dãi nắng, đầu không nón, không tấm che mưa, mỗi ngày lao công không dưới 10 tiếng đồng hồ với đòn roi tới tấp của lính cai vụt lân đầu, lên người. Công trường làm đường với đèo, dốc hiểm trở, cây cối âm u nhưng công cụ lao động lại hết sức thô sơ. Sau một ngày quần quật trên công trường, việc ngủ, ăn và phóng uế đều diễn ra trong phòng giam với đôi chân bị cùm chặt. Thức ăn mà chúng dành cho tù nhân là nhúm cơm lộn trấu và một ít mắm đầy dòi bọ. Vì điều kiện sống và lao động như thế nên tù nhân nhanh chóng bị kiệt sức, thương tích, bệnh tật đầy người, nhất là bệnh kiết lỵ và tiêu chảy. Khi bị bệnh họ vẫn phải làm việc, hễ ai làm việc chậm một chút, leo dốc chậm một chút thì bọn chúng liền bắn bỏ.
Để thực hiện dã tâm của mình, bọn cai Pháp đã đào tạo một đội quân lính cai người đồng bào thiểu số và nhồi nhét vào họ tư tưởng căm ghét tù chính trị bằng việc tuyên truyền, lừa mị rằng những tù nhân là những tên xấu xa, lười biếng, là những tên cướp của và rất ghét người dân tộc…Vì thế bọn lính cai càng hung hăng, tàn bạo. Ngoài những đánh đập thông thường hàng ngày, bọn lính còn bày ra những trò chơi man rợ để giết hại anh em tù: bắt ăn phân người, treo tù lên cây cho đến chết, bắt anh em bị ốm trẫm mình dưới nước khe cho đến khi tắt thở, ép người khát nước phải uống đến mức lăn ra mà chết…
Với cách đối xử tàn bạo, dã man ấy, chỉ trong 6 tháng làm đoạn đường dài 15 km từ Đăk Pao đi Đăk Pék, trong số 295 người tù chính trị đã bị chết một cách thê thảm, chỉ còn lại chừng 1/3 sống sót trong cảnh ốm yếu, da bọc xương.
II. Cuộc đấu tranh Lưu huyết vang động núi rừng:
Tháng 6-1931, mùa mưa đến, thực dân Pháp đưa số tù nhân còn sống sót về giam tại thị xã Kon Tum. Tính cả số tù chính trị đưa lên từ đồng bằng những đợt sau, cho đến thời điểm này có khoảng 200 tù nhân, chúng chia ra giam giữ tại Lao trong và Lao ngoài. Trong đó có các đồng chí Ngô Đức Đệ, Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Trương Quang Trọng, Lê Viết Lượng, Bùi San…là những cán bộ trung, cao cấp của Đảng. Tại đây, số tù nhân này phải tiếp tục chịu một chế độ hà khắc, tàn bạo của thực dân Pháp và tay sai, cảnh sống, sinh hoạt khổ cực không kém gì ở Đăk Pao, Đăk Pét.
Đứng trước tình cảnh bị đối xử tàn bạo và cảnh giết chóc dã man, tinh thần đấu tranh bất khuất của những tù chính trị càng trỗi dậy mạnh mẽ. Dù họ biết rằng, con đường đấu tranh đó sẽ rất đau thương, tàn khốc, nhưng họ đã đứng lên với quyết tâm: sẵn sàng chấp nhận lấy cái chết của mình để đổi lấy sự sống cho đồng chí, anh em “Sau khi ta chết rồi, họa may mấy trăm anh em mới còn phương sống”. Trước mắt các cuộc đấu tranh mang tính tập dượt đã diễn ra bằng các hình thức: tổ chức lễ truy điệu những anh em đã bỏ mình trên công trường Đăk Pao, Đăk Pét; chăm sóc những anh em ốm đau, liệt nhược, đuối sức, nhất là số anh em từ công trường trở về; đấu tranh chống lệnh bắt gánh nặng quá sức... đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động, giác ngộ nhân dân và binh lính, làm cho họ hiểu rõ hơn, đúng hơn về người tù chính trị. Được chứng kiến tận mắt về sự thật đối xử với tù chính trị của chính quyền thực dân và sự tích cực tuyên truyền của Chi bộ binh, Chi bộ đường phố, quần chúng nhân dân Thị xã  vô cùng khâm phục tinh thần bất khuất anh dũng của tù chính trị - những người yêu nước chân chính. Tình cảm của đồng bào với tù chính trị trở nên thân thiết hơn. Thái độ và hành động đối xử của binh lính đối với tù nhân cũng khác hơn trước. Một số anh em lính bắt đầu chống lại bọn chỉ huy, họ đứng về phía tù nhân đấu tranh khi chúng bắt tù đi làm ngày chủ nhật hoặc chống lại sự đàn áp người tù. Những hoạt động bước đầu của tù nhân đã thu được một số kết quả. 
Đầu tháng 7-1931, Chi bộ binh ở Lao trong bị khủng bố, địch đưa đồng chí Ngô Đức Đệ ra giam giữ ở Lao ngoài. Tại đây, số tù chính trị cũ và mới gặp nhau. Sau khi nghe đồng chí Ngô Đức Đệ thông báo tình hình tù nhân làm đường, sự đàn áp, đày đọa tù nhân của địch, tình hình của chi bộ binh, chi bộ đường phố... các chiến sĩ cách mạng cốt cán đã bàn bạc thống nhất, nhanh chóng hình thành Ban phụ trách nhà lao nhằm mục đích tổ chức lực lượng, xây dựng kế hoạch đấu tranh chống lại chính sách cai trị tàn ác của chế độ thực dân, giành lại quyền sống, quyền tự do cho tù chính trị; chống lại âm mưu tiêu diệt người Cộng sản của thực dân Pháp. Ban phụ trách nhà lao có sự phân công cụ thể cho từng thành viên: Một số đồng chí làm nhiệm vụ xây dựng nội bộ về tư tưởng và tổ chức; một số đồng chí lo việc nghiên cứu kế hoạch đấu tranh, đề ra yêu sách, tuyên ngôn, soạn các bài tuyên truyền bằng tiếng phổ thông, tiếng Pháp, tiếng Ba Na, tiếng Gia Rai. Ban phu trách nhà lao nhất trí hạ quyết tâm: “Muốn sống, không có con đường nào khác ngoài con đường đấu tranh mà Đảng đề ra. Muốn bảo đảm cuộc đấu tranh thắng lợi, nhất định chúng ta phải làm cho anh em đoàn kết nhất trí, có quyết tâm cao. Phải đấu tranh kiên quyết, bền bỉ, có kế hoạch chu đáo[1]. Ban phụ trách nhà lao cũng đã tổ chức tập duyệt cho các tù chính trị ở Lao ngoài đấu tranh chống lại chính sách cai trị của nhà cầm quyền. Phương châm từ thầm lặng đến công khai, trực diện. Biện pháp đấu tranh theo từng tổ, nhóm: tổ chức 3 người thành một nhóm, nhiều nhóm gộp lại thành tổ. Tổ trưởng mỗi tổ thường xuyên giữ mối liên lạc với Ban phụ trách nhà lao.
Theo phương châm và biện pháp trên, các anh em tù chính trị đã triển khai đấu tranh chống lại chính sách cai trị của địch và đã thu được một số kết quả đáng khích lệ.
Với những thành công bước đầu trong đợt tập duyệt đấu tranh từ thầm lặng đến công khai, trực diện với địch đã nâng cao được tinh thần đoàn kết và ý chí đấu tranh của các anh em tù chính trị. Ban phụ trách nhà lao quyết định vận động anh em tiếp tục nâng lên hình thức đấu tranh mới, cao hơn, quyết sống còn với kẻ thù xâm lược, giành lại quyền được sống, quyền được tự do. Theo đó, hai đội cảm tử và quyết tử trong nhà lao cũng được thành lập. Thành phần của hai đội là lực lượng trung kiên, tiên phong, tự nguyện và có nhiệm vụ gánh vác mọi khó khăn, gian khổ nhất trong cuộc đấu tranh, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu tự do, độc lập.
Có mục tiêu, có tổ chức, kinh nghiệm đấu tranh của một tập thể tù nhân khoảng 200 người giờ đây đã dày dạn hơn, khôn khéo hơn. Nhiều cuộc đấu tranh dưới nhiều hình thức khác nhau đã liên tục nổ ra, đỉnh cao là cuộc đấu tranh Lưu huyết vang động núi rừng của các anh em tù chính trị phản đối việc bắt  tù nhân đi làm con đường xâm lược lần thứ 2.
Với tinh thần chuẩn bị sẵn sàng đối phó, với quyết tâm đấu tranh đến cùng, sáng ngày 12-12-1931, khi bọn cầm quyền tiến hành thực hiện chính sách ly gián tù nhân và chuẩn bị đưa một số tù còn lại lên Đăk Pét lần 2, đã gặp phải sự đấu tranh quyết liệt của tù chính trị ở Lao ngoài, trong đó có nhiều đồng chí trong đội cảm tử, quyết tử và Ban phụ trách nhà lao như Đặng Thái Thuyến, Trương Quang Trọng, Nguyễn Huy Lung, Hồ Độ,... Anh em tù nhân đã đồng tâm đóng chặt cửa, hô khẩu hiệu phản đối đi làm đường, phản đối chế độ thực dân cai trị... kiên quyết không chịu lên công trường Đăk Pet lần thứ hai.
Trước sự phản đối quyết liệt của tù nhân, bọn công sứ, giám binh, nhiều binh lính kéo đến bao vây xung quanh nhà lao. Trong lao, cuộc đấu tranh ngày càng quyết liệt. Anh em tù vẫn xiết chặt hàng ngũ và tiếp tục hô vang các khẩu hiệu, đồng thời dùng gậy gộc chống lại, không để cho bọn địch vào định bắt từng người đưa đi. Theo lệnh công sứ, viên đội Mulê cầm súng, tiến lại cửa nhà lao gọi: “Thằng tù số 299 đâu?”. Anh em trong nhà lao đồng thanh trả lời: “Không có tù số 299! Đả đảo đi Đăk Pék”. Nhưng đúng lúc ấy, đồng chí Trương Quang Trọng (số tù 303) đang đứng ở hàng đầu đã phanh áo, chỉ vào ngực, nói bằng tiếng Pháp “Le voici” (nó ở đây). Tên Mulê lập tức bóp cò, đồng chí Trọng hi sinh.
Hành động anh dũng chết thay cho đồng đội của đồng chí Trương Quang Trọng và tội ác giết người không gớm tay của bọn cầm quyền Pháp đã thôi thúc anh em đấu tranh quyết liệt hơn, sẵn sàng đương đầu với súng đạn. Bọn địch điên cuồng nã súng tàn sát đẫm máu anh em tù chính trị làm 8 người chết, 8 người bị thương.
Sau khi đàn áp đẫm máu tù chính trị ở lao ngoài, địch tiến hành bắt một số anh em không bị thương, còng tay áp tải lên Đăk Sút, số còn lại, chúng dồn tất cả vào Lao trong. Do cuộc đấu tranh chống làm đường ở Đăk Pét đã được anh em tù chính trị chuẩn bị chu đáo về mặt tư tưởng, cũng như tổ chức, nên sự việc diễn ra ở Lao ngoài mới chỉ là điểm mở đầu của cuộc đấu tranh.
Tại Lao trong, sáng ngày 13-12-1931, số anh em tù còn lại đã tổ chức lễ truy điệu cho các đồng chí, đồng đội đã hi sinh. Trong niềm đau thương vô hạn, nỗi uất hận khôn lường, tù nhân càng siết chặt đội ngũ, đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh đến cùng. Chiều cùng ngày, Bản tuyên ngôn chính trị và yêu sách của tù nhân đối với chính quyền thực dân Pháp cũng được đưa ra. Bản tuyên ngôn đã vạch trần chế độ đối xử tàn bạo với tù chính trị của thực dân Pháp. Nhân danh công lý và công quyền, Bản tuyên ngôn đã đưa ra các yêu sách đòi nhà cầm quyền Pháp phải chịu trách nhiệm thực hiện. Trong đó đòi quyền được ăn uống, được thuốc men khi đau ốm cho tù nhân; bãi bỏ chế độ đánh đập, bắn giết, gông cùm và các hình phạt khắc nghiệt; đòi quyền được đọc sách báo và viết thư từ cho người thân…
Cuộc đấu tranh của anh em tù ngày càng sôi sục. cùng với những yêu sách đưa ra, anh em tù chính trị kiên quyết đấu tranh tuyệt thực để phản đối đi làm đường, phản đối hành động giết người tàn bạo của kẻ địch. Nhận thấy không thể lay chuyển được tinh thần, ý chí đấu tranh kiên quyết đến cùng của tù chính trị, sáng ngày 16-12-1931, thực dân Pháp một lần nữa nã súng tàn sát cuộc đấu tranh tuyệt thực làm cho 7 đồng chí hy sinh và 8 đồng chí bị thương, đồng thời lập tức áp giải, phân tán số tù nhân còn lại, dập tắt cuộc đấu tranh.
Cả hai đợt đấu tranh trực diện, thực dân Pháp đã giết hại 15 đồng chí và làm bị thương 16 đồng chí.
Tuy vậy, sau cuộc đấu tranh này nhà cầm quyền Pháp buộc phải thả 50 người tù chính trị có án nhẹ và một số tù thường phạm; phải nhượng bộ bằng việc thay đổi chế độ lao dịch của tù, bỏ chế độ đánh đập tù nhân, người tù ốm đau được nghỉ và có thuốc men. Tháng 12-1932, địch bỏ hẳn việc đưa tù chính trị đi làm đường 14. Tháng 4-1934, thực dân Pháp phải xóa bỏ nhà đày Kon Tum và đưa tất cả số tù chính trị còn lại vào nhà đày Buôn Ma Thuột.
II. Ý nghĩa lịch sử của cuộc đấu tranh Lưu huyết của các tù nhân chính trị tại Ngục Kon Tum
- Cuộc đấu tranh Lưu huyết, với tinh thần quyết liệt, chấp nhận hy sinh của các tù nhân chính trị vì mục tiêu cao cả "Chết để sống", "Chết một người để cứu muôn người" đã thể hiện được bản lĩnh, khí phách hiên ngang của các chiến sĩ Công sản trước lưỡi lê, mũi súng tàn bạo của quân thù; thể hiện ý chí khát vọng vươn lên đấu tranh tìm đến chân lý độc lập, tự do cho mọi người, cho dân tộc.
- Sự hy sinh anh dũng, bất khuất của các anh em tù chính trị trong nhà lao Kon Tum đã gây được tiếng vang lớn đối với dư luận thế giới về quyền tự do công lý và nhân phẩm con người; tạo cho dư luận trong nước và thế giới được rõ hơn về chính sách cai trị lao tù của Pháp ở Đông Dương; đã lật tẩy được bộ mặt đê hèn với sự giả danh của ngọn cờ "tự do", "bình đẳng", "bác ái" của bọn thực dân Pháp .
- Hình ảnh các chiến sĩ ngã xuống để giữ gìn khí tiết người Cộng sản đã tác động sâu sắc đến đồng bào các dân tộc Kon Tum, đến binh lính, công chức trong hàng ngũ địch; làm cho nhân dân các dân tộc Kon Tum hiểu rõ hơn về chế độ lao tù, về những người Cộng sản và về Đảng quang vinh; nhiều binh lính, công chức trong hàng ngũ địch đã giác ngộ theo cách mạng.
- Cuộc đấu tranh Lưu huyết quyết liệt ấy đã thể hiện tinh thần quyết tâm sắt đá, là mệnh lệnh thiêng liêng của trái tim, khối óc của các chiến sĩ Cộng sản trước vận mệnh sống còn của quốc gia, dân tộc. Tuy cuộc đấu tranh bị bọn thực dân tàn sát đẫm máu, nhưng kết quả đạt được là rất vẻ vang, đã buộc địch phải thay đổi chế độ cai trị hà khắc và chấp nhận nhượng bộ theo yêu sách của anh em tù chính trị đưa ra. Và nhất là từ bỏ việc xây dựng con đường 14 xâm lược, từ bỏ hoàn toàn nhà Ngục Tum-lò giết người Cộng sản vào năm 1934 đã chứng minh sự thừa nhận thất bại của thực dân Pháp trước tinh thần đấu tranh quyết tử của tù chính trị và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.
- Hình ảnh những người tù chính trị đã đi vào lịch sử một Ngục Kon Tum kiên cường, bất khuất - một biểu tượng về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên trung, anh dũng của những người Cộng sản. Các anh đã tô thắm thêm truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của quê hương Kon Tum anh hùng. Tinh thần và tấm gương anh dũng của những chiến sỹ Cộng sản, những quần chúng ưu tú của Đảng trong cuộc đấu tranh lưu huyết vang động núi rừng ngày ấy càng thôi thúc ý chí vươn lên của các thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần xứng đáng vào trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, vững bền. Những tấm gương ấy đã, đang và sẽ sống mãi trong trái tim người dân Kon Tum và cả dân tộc Việt Nam, trong lịch sử, hiện tại và tương lai/. 



[1]  theo hồi ký của đồng chí Ngô Đức Đệ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét