Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Cuộc kháng chiến trường kỳ (1946 - 1954) với cách nhìn của người Mỹ


Cuộc kháng chiến trường kỳ (1946 - 1954) với cách nhìn của người Mỹ

Năm ấy 1946! Đúng 20giờ 03 phút ngày 19 tháng 12, khi toàn bộ hệ thống đèn điện của thành phố vụt tắt, cũng là lúc tiếng đại bác rền vang từ pháo đài Láng - hiệu lệnh mở đầu ngày Toàn quốc kháng chiến. Cả nước đứng lên cầm vũ khí chống lại quân xâm lược nhằm bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

Lý giải vì sao lại xảy ra cuộc chiến, J.Duiker – người Mỹ trong cuốn sách Hồ Chí Minh (tập 2) được xuất bản tại New York năm 2000 cho rằng: "Sự kiện 19-12 tại Hà Nội gây tức giận ở Pháp, nhiều người cho rằng Việt Nam đã vô cớ tấn công vào các cứ điểm và dân thường Pháp ở Đông Dương. Nhưng nếu phân tích kỹ hơn các bằng chứng thì sẽ thấy Pháp đã gây ra cuộc chiến”. Ông đưa ra không ít chứng cứ cụ thể về những hành động khiêu khích vô cùng ngang ngược của Pháp như: "Ngày 17 tháng 12, xe thiết giáp Pháp tiến vào các đường phố Hà Nội phá hủy chướng ngại vật của Việt Minh, trong khi lính lê dương tuần tiễn trên đường phố từ thành cổ đến cầu Long Biên và trên đường
ra sân bay; phía Việt Nam vẫn không phản ứng. Sáng hôm sau, Pháp ra tối hậu thư không được dựng bất cứ chướng ngại vật nào trong thành phố. Chiều hôm đó, lại có một tối hậu thư nữa yêu cầu từ ngày 20 tháng 12 quân Pháp sẽ đảm nhận vấn đề an ninh tại Thủ đô. Phản ứng lại tối hậu thư này, phía Việt Nam đã phong tỏa mọi ngả đường vào thành phố. Sáng hôm sau, Pháp lại có tối hậu thư yêu cầu Chính phủ Việt Nam chấm dứt mọi hành động chuẩn bị chiến tranh, giải tán mọi lực lượng dân quân và bàn giao vấn đề an ninh tại Thủ đô cho Pháp”. Chính vì vậy, J. Duiker đã khẳng định "... Mặc dù chính phủ Pháp lưỡng lự không quyết định gây hấn, nhưng trên thực tế các đại diện Pháp tại Đông Dương đã tự quyết định vấn đề này. Quyết định của tướng Valuy gây chiến, cho rằng chiến tranh là tất yếu và cần phải hành động trước khi quân đội Pháp bắt đầu suy yếu...”.
Cũng về vấn đề trên, sử gia quân sự Mỹ Cecil - B. Currey trong tác phẩm mang tựa đề "Chiến thắng bằng mọi giá - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Thiên tài của Việt Nam” được xuất bản tại Mỹ năm 1997, đã khẳng định một lần nữa chính thực dân Pháp đã cố tình gây chiến và không quan tâm đến thiện chí của Việt Nam mong muốn cố gắng bằng mọi cách nhằm giải quyết xung đột bằng đàm phán hòa bình: "Ngày 19 tháng 12, Bộ chỉ huy tối cao Pháp kêu gọi Võ Nguyên Giáp hạ vũ khí các lực lượng an ninh địa phương để tỏ thiện chí. Ông đáp lại bằng cách cho dựng thêm chiến lũy và chuẩn bị sẵn một kế hoạch tác chiến đánh vào các vị trí của Pháp. Chiều hôm đó, với cố gắng lần cuối cùng, ông Võ Nguyên Giáp gặp tướng Moóclie đàm phán để tìm cách giảm tình hình đang trở nên tất yếu xảy ra xung đột. Moóclie không có ý kiến gì”.
Các tác giả trên, cũng rất quan tâm tới cuộc chiến đấu của nhân dân Thủ đô trong suốt 60 ngày đêm khói lửa - những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ. Viết về lực lượng của ta lúc đó, J. Duiker cho rằng "... Võ Nguyên Giáp có ba sư đoàn chính quy đóng tại Tây Nam ngoại ô và gần Hồ Tây nhưng ông quyết định không sử dụng”. Với cách nhìn nhận và đánh giá của nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Mỹ, Cecil - B. Currey đã viết "... Biết Pháp muốn kích động ông dùng lực lượng đánh vào quân của họ, Tướng Giáp cố gắng thực hiện chính sách ôn hòa và kiềm chế. Ông không khiêu khích quân Pháp, ông rút một bộ phận chính của lực lượng Việt Minh ra khỏi Hà Nội để về Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Các lực lượng tự vệ lân cận phải chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh tại Hà Nội bằng cách dựng các chiến lũy và tự chuẩn bị để đối phó với quân đội nhà nghề của Pháp. Những cuộc tập kích nhỏ đã diễn ra với quân Pháp đánh trả vào toàn bộ các khu vực lân cận”. Cũng chính vì vậy cho nên: " ... Tướng Giáp yêu cầu các lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Nội duy trì các vị trí trong thành phố ít nhất 15 ngày để tạo điều kiện cho các lực lượng khác đến chiến khu an toàn. Họ cầm cự được hai tháng. Cho mãi đến ngày 17-2-1947 các chiến sĩ Việt Minh mới lặng lẽ luồn qua vòng vây của Pháp ở Hà Nội hành quân đến các vị trí an toàn bên ngoài tầm bắn của Pháp”.
Cuộc rút lui trên của Việt Minh, đã làm cho Đépbơ - viên đại tá tham mưu trưởng quân đội Pháp phải kinh hồn khiếp vía kêu than "Lạy chúa! Làm sao có chuyện ma quỉ như vậy” (3). Hắn đã từng huênh hoang tuyên bố trước binh lính và sĩ quan Pháp: " ... Đối thủ của chúng ta trong khu vực này rồi sẽ phải khoanh tay cho ta bắt sống cả lũ” hoặc "chỉ có cách duy nhất là mạnh ai nấy thoát”. Phải chăng, vì thế mà William. J. Duiker đã viết trong cuốn sách của mình: "Kể cả trong khi rút lui, Việt Nam đã đưa ra tín hiệu cho Pháp thấy đây là cuộc chiến cay đắng. Khi quan chức chính phủ rời Hà Nội lên miền Tây Bắc, lực lượng dân quân vẫn tiếp tục cố thủ trong các đường phố nhỏ tại khu phố nhỏ đầy cảnh đẹp, có hơn ba vạn dân cư sinh sống. Tại đây họ đã kịch liệt chống lại mưu đồ của Pháp muốn đuổi họ đi... Tới trung tuần tháng 1-1947, quân Pháp mới tiến đến phía chợ khu phố Tàu, trong khi đó Việt Minh cùng nhiều dân chúng đã rời khỏi khu vực này chạy lên phía Bắc qua sông Hồng. Kể cả khi quân Việt Nam đã rời khỏi thành phố, những người ủng hộ Việt Minh vẫn dùng than củi hoặc gạch ngói viết lên tường khẩu hiệu: "Tạm biệt Hà Nội thân yêu!”, "Hỡi quân xâm lăng, hãy nhớ đấy. Chúng tao sẽ trở lại đây một ngày mai!”.
Đặc biệt ngay cả Tổng lãnh sự Mỹ Giêm. Ô. Su-li-vơn từ Hà Nội đã báo cáo về Oasinhtơn là người Việt Nam đã chiến đấu với "lòng quả cảm và kiên cường chưa từng thấy” không khác gì người Nhật trong chiến tranh Thái Bình Dương.
Nguyễn Kim Thành
(1) Trường Chinh - Kháng chiến nhất định thắng lợi, Nxb Sự thật, Hà Nội 1967, trang 19.
(2 ) Xem Lịch sử Quân sự, số 5/1988, trang 63.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét