Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Chiến thắng Phước Thành - đòn phủ đầu chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy


Chiến thắng Phước Thành - đòn phủ đầu chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy 
* PHƯƠNG NAM

Cách đây 45 năm, đêm 17 rạng ngày 18- 9-1961, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Phước thành vang dội. Chiến thắng đó là nỗi kinh hoàng của ngụy quân ngụy quyền lúc bấy giờ, là một tin sét đánh đối với Chính phủ Ken- nơ-đy và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ. Trận đánh lịch sử này đã tạo nên một cục diện mới mà nhiều tướng lĩnh Mỹ khi nói về chiến tranh Việt Nam đều nhắc đến trận Phước Thành. Tướng Oét-mo-len trong hồi ký “Một quân nhân tường trình” đã thú nhận: Mùa thu năm 1961 đã chứng kiến một bước đầu tiên họ tạm thời chiếm được tỉnh lỵ Phước Thành. Tài liệu mật Lầu Năm Góc của Mỹ cũng xác nhận: Trận tiến công lớn nhất có tác dụng làm cho Sài Gòn nhốn nháo là trận đánh chiếm Phước Thành, một tỉnh lỵ cách Sài Gòn 55km; và thực sự chiến thắng Phước Thành là tiếng còi báo hiệu sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ áp dụng tại Việt Nam giai đoạn 1960- 1965.
Như chúng ta đã biết, năm 1954, sau khi quân ta chiến thắng oanh liệt thực dân Pháp, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký hết. Mỹ hất cẳng Pháp, dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm làm công cụ thực hiện chính sách thực dân kiểu mới ở miền Nam.
Mục tiêu hành động của Mỹ trong những năm đầu là phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, gạt Pháp ra khỏi miền Nam Việt Nam, phân hóa và tiêu diệt các lực lượng giáo phái, tiêu diệt Đảng Cộng sản, đàn áp phong trào đòi hòa bình thống nhất nước nhà, trả thù những người tham gia kháng chiến.
Miền Đông Nam bộ là một địa bàn chiến lược quan trọng ở miền Nam. Ngay từ khi bắt đầu thay chân Pháp, đế quốc Mỹ đã nhận thức rằng Chiến khu Đ là một căn cứ địa của cách mạng trực tiếp uy hiếp các cơ quan đầu não của chúng ở miền Đông và Sài Gòn. Do vậy, một trong những mục tiêu hàng đầu của Mỹ - ngụy là triệt phá căn cứ Chiến khu Đ nhằm loại trừ mối đe dọa này. Ngày 22-10-1956, Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh 143/NV thành lập tỉnh Phước Thành gồm ba quận Tân Uyên, Hiếu Liêm và Phú Giáo. Trung tâm tỉnh lỵ đặt tại Phước Vĩnh, do thiếu tá Nguyễn Minh Mẫn làm tỉnh trưởng; ý đồ của Mỹ - Diệm là xây dựng Phước Thành thành một tiểu khu mạnh cùng với Chân Thành, Bình Long, Đồng Xoài, Lộc Ninh, Phước Long tạo thành một hệ thống cứ điểm quân sự liên hoàn bao vây chia cắt Chiến khu Đ với Chiến khu Dương Minh Châu, Chiến khu Đ với Nam Tây nguyên, đồng thời tạo thành tuyến phòng thủ về hướng đông và đông bắc Sài Gòn, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa đối với miền Nam.
Không cam chịu sự đàn áp khủng bố tàn bạo của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm và sớm nhận thức được bộ mặt thực dân kiểu mới của Mỹ. Năm 1960, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Nam đã phát động cuộc Đồng Khởi rộng lớn, nhanh chóng đập tan bộ máy kìm kẹp của Mỹ - Ngụy ở cơ sở và giành quyền làm chủ phần lớn vùng nông thôn và rừng núi ở miền Nam. Trước nguy cơ bị sụp đổ, các nhà chiến lược Mỹ cho ra đời chiến lược “chiến tranh đặc biệt” với kế hoạch đầy tham vọng là bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Chúng đưa quân vào càn quét các vùng căn cứ kháng chiến, đốt nhà, gom xúc dân vào các ấp chiến lược. Trong thời điểm đó, lực lượng vũ trang cách mạng chủ yếu là lực lượng quần chúng tay không nổi dậy, lấy súng địch để trang bị cho mình. Từ phong trào quần chúng mới bắt đầu hình thành các lực lượng vũ trang cách mạng, vũ khí trang bị còn thô sơ.
Bắt đầu thực thi kế hoạch bình định miền Nam, từ giữa năm 1961 trên địa bàn tỉnh Phước Thành, địch tăng cường lực lượng, lập thêm đồn bót, mở rộng Tiểu khu Phước Thành thành một cứ điểm quân sự mạnh, làm bàn đạp đánh phá, chia cắt Chiến khu Đ. Tiếp đó, ngày 13-4-1961, địch bố trí lại chiến trường, thành lập khu chiến thuật 31 đảm nhiệm việc đánh phá cách mạng ở miền Đông, trong đó có tỉnh Phước Thành và Chiến khu Đ. Với kế hoạch bình định gom dân, Mỹ - Diệm đã gây cho cách mạng miền Nam một số tổn thất. Chúng đã xây dựng được một số ấp chiến lược. Phong trào cách mạng của nhân dân một số nơi có bị núng thế.
Tuy nhiên, với quyết tâm đánh bại kế hoạch bình định của địch, chúng ta đã kịp thời rút ra những kinh nghiệm quan trọng nhằm đưa ra phương án thích hợp để đánh thắng kẻ thù. Tháng 9-1961, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Miền Đông quyết định tiến công vào tỉnh lỵ Phước Thành của địch nhằm phá tan ý đồ bao vây chia cắt chiến khu, đánh phủ đầu vào ý đồ bình định của địch. Mục tiêu của trận đánh là tiêu diệt toàn bộ quân địch, làm chủ tiểu khu, giải thoát tù chính trị. Ngay sau đó, Ban Chỉ huy trận đánh được thành lập. Đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến Tư lệnh Quân khu - Chỉ huy trưởng; đồng chí Nguyễn Việt Hồng - Chính ủy; đồng chí Đặng Ngọc Sỹ – Chỉ huy phó; đồng chí Đặng Hữu Thuấn - Tham mưu trưởng. Lực lượng tham gia đánh Phước Thành gồm cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 800 là Tiểu đoàn quân chủ lực Khu Miền Đông lúc đó gọi là D500, Đại đội C260, một phân đội đặc công, một trung đội DKZ (3 khẩu). Lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Phước Thành gồm một trung đội của tỉnh, một trung đội huyện Phú Giáo, hai tiểu đội huyện Tân Uyên và du kích các xã làm nhiệm vụ chặn viện, phá hoại, nghi binh và phối hợp đánh nhỏ với mặt trận chính. Sau 1 giờ 30 phút chiến đấu, ta đã tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng chiếm đóng gần 2.000 tên gồm: 1 tiểu đoàn biệt động quân, 1 tiểu đoàn bảo an, 1 chi đội thiết giáp, 1 đại đội pháo 105 ly, 1 đại đội bảo an, 1 đại đội cảnh sát dã chiến, 1 đại đội dân vệ. Tiêu diệt hoàn toàn Tiểu khu Phước Thành, Chi khu Phú Giáo cùng toàn bộ bộ máy hành chính của địch, thu trên 400 súng các loại và rất nhiều quân trang quân dụng, giải thoát gần 300 tù chính trị.
Ở mặt trận phối hợp của tỉnh, bộ đội địa phương các huyện suốt một dải từ Phước Hòa đi Cổng Xanh, bộ đội tỉnh từ Cổng Xanh trở xuống Bình Mỹ, Nhà Đỏ. Các đội tuyên truyền và các đội du kích làm nhiệm vụ phá hoại, đắp mô chặn viện, diệt ác, tuyên truyền kêu gọi binh sĩ khắp các đồn bót trong tỉnh. Mất cơ quan đầu não lại bị các lực lượng địa phương bức bách, 10 đồn bót địch đóng trên đường Phước Sang đi Đồng Xoài đã hốt hoảng bỏ chạy. Tề ở các vùng xung quanh thị xã cũng tan rã hoặc bỏ trốn. Những ngày tiếp sau, phát huy chiến thắng Phước Thành, các lực lượng vũ trang địa phương tỉnh tiếp tục bao vây tất cả các tua bót dọc lộ 8, Hiếu Liêm, Tân Uyên, đường 14, 16. Các đơn vị bộ đội Quân khu tiếp tục giải phóng Phước Bình, uy hiếp dọc cả đường 20 đi Định Quán - Xuân Lộc. Các tuyến đường lên Phước Long và các huyện nam Chiến khu Đ được giải phóng hầu hết. Căn cứ Miền Đông của Quân khu 7 và sau này của cả Nam Trung bộ được mở rộng và hình thành vững chắc. Chiến thắng Phước Thành có ý nghĩa vô cùng to lớn đó là: Lần đầu tiên, lực lượng vũ trang ta tấn công một tỉnh lỵ của giặc, đập tan bộ máy kìm kẹp cấp tỉnh. Bước đầu đánh bại kế hoạch bình định của chúng ở địa phương, đánh đòn phủ đầu vào âm mưu bao vây chia cắt Chiến khu Đ của địch. Báo hiệu sự phá sản của kế hoạch Sta-lay-Tay-lo, thường được gọi là chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ trên chiến trường miền Nam. Thắng lợi này không những có ý nghĩa lớn về tiêu diệt lực lượng quân sự địch mà còn có tác dụng cổ vũ không những đối với phong trào cách mạng miền Đông mà cả miền Nam.
Chiến thắng Phước Thành, với hiệu quả thắng lợi lớn, đã để lại những bài học kinh nghiệm ban đầu mà sau này Đảng ta đã xây dựng thành đường lối chiến tranh nhân dân vô địch. Đó là phát huy sức mạnh tổng hợp, đánh địch bằng cầ 3 mũi, 3 thứ quân, kết hợp tấn công với nổi dậy.
Chiến thắng Phước Thành là sự kết hợp đúng đắn đường lối chính trị, quân sự sáng tạo của Đảng ta, là kết tinh của tài trí và tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường của các lực lượng vũ trang cách mạng. Nó là kết tinh của sức mạnh truyền thống đồng thời là một đóng góp quan trọng tô điểm thêm truyền thống cách mạng của dân tộc ta. Với chiến thắng Phước Thành mãi mãi là niềm thào của quân và dân Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.
P.N

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét