Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

tư liệu về nhà Lý


1. Ý nghĩa của việc dời đô từ Hoa Lư ra Đại La và sự hình thành đô thị Thăng Long
(30.09.2010, 05:47 pm GMT+7)
Chọn kinh đô là việc cần thiết nhất trong những buổi đầu khai quốc, nhưng để chọn được vị trí đóng đô mang tầm chiến lược về nhiều mặt là điều không dễ. Để làm được điều này yêu cầu phải có là một nhà lãnh đạo tài ba, có tầm nhìn sáng suốt. Việc Lý Công Uẩn sau khi lên ngôi đã quyết định dời đô từ vùng đất Hoa Lư chật hẹp về Đại La có thế đất bằng phẳng đã chuyển vị thế đất nước từ phòng thủ sang thế phát triển lâu dài, đặt nền móng cho việc xây dựng kinh đô Thăng Long trở thành đô thị phát triển thịnh vượng, là trung tâm của đất nước về sau, mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của dân tộc.



Đoàn thuyền dời đô từ Hoa Lư về Đại La (Hình ảnh trích từ phim 3D về Thăng Long)

Lý Công Uẩn vốn thông minh từ nhỏ, xuất thân từ vùng đất văn hiến lâu đời, lại được sự dạy bảo của những vị cao tăng xuất chúng vào thời đó như Lý Khánh Văn, Sư Vạn Hạnh… đã giúp ông sớm bộc lộ tài năng cũng như đức độ của mình. Lý Công Uẩn thực sự là người con ưu tú của dân tộc và cùng với triều Lý làm rạng danh nước Đại Việt, viết nên những trang sử oanh liệt trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Bắt đầu từ mùa thu năm 1010, một đoàn thuyền hướng từ Hoa Lư tiến về Đại La, từ chỗ dựa vào vùng núi non hiểm trở để phòng thủ chuyển sang giai đoạn phát triển, mở mang cơ nghiệp của vương triều Lý và gây dựng nên vị thế của của nước Việt tại vùng đất bằng phẳng, thế đất sông núi trước sau, rồng chầu hổ phục, xứng đáng là nơi định đô muôn đời của các bậc đế vương.
Việc dời đô mang ý nghĩa chuyển từ thế phòng thủ sang thế phát triển quốc gia trên nhiều mặt
Về  chính trị - văn hóa: một vùng đất với nhiều lợi thế, đồng thời là đầu mối giao thông, buôn bán quan trọng, địa hình rộng rãi là nơi hội tụ giao lưu văn hóa trong điều kiện có đầy đủ cơ sở kinh tế - xã hội, cư dân no ấm, văn  hóa cũng dựa vào đó mà phát triển và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ, để lại di sản Thăng Long văn hiến cho dân tộc. Cùng với việc xây dựng hoàng thành Thăng Long, đã trở thành trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước, chi phối một cách trực  tiếp, điều hành mọi mặt của đời sống đất nước. Đồng thời thể hiện ý đồ chính trị của nhà cầm quyền là để dễ điều hành, quản lý nhân dân; bên cạnh đó dễ dàng thu nguồn nhân lực vật lực từ nhân dân dể phục vụ, nuôi sống bộ máy hành chính nhà nước và các giai cấp và tầng lớp thống trị.
Về hành chính: do địa hình thuận lợi, lại nằm giữa trung tâm của đất nước lúc bấy giờ, nên việc thiết lập một mạng lưới hành chính một cách chặt chẽ từ trung ương lan tỏa ra những vùng xung quanh được tiến hành một cách có hệ thống, thậm chí đến những vùng cao ở Tây Bắc hay xuôi về phương Nam, từ đó có thể dễ dàng đưa quân đi và thiết lập cơ sở hành chính ở các nơi này.
Về quân sự: ở Hoa Lư (Ninh Bình) là một địa bàn chật hẹp chỉ mang ý nghĩa phòng thủ là chính con tấn công và phát triển kinh tế thì rất khó khăn. Việc vận động chiến đấu của binh lính thủy bộ gặp phải nhiều trở ngại do địa hình núi non hiểm trở, chỉ thuận lợi cho việc phòng thủ; còn ở Đại La địa hình bằng phẳng, có nhiều nhánh sông chằng chịt thông thương ngược lên mạng bắc, qua phía tây, xuôi về phương nam và có nhiều sông đổ ra biển qua nghiều cửa sông, phù hợp với cách đánh vận động chiến của cả hai bộ phận quân thủy bộ, đặc biệt là thủy binh, thế mạnh quân sự chính của cư dân Đại Việt lúc bấy giờ. Với địa hình như thế có thể đưa quân đi tác chiến ở các khu vực tỏa ra từ trung tâm Thăng Long.
Về kinh tế: đây là một vùng hậu cần quan trọng, một nơi đồng bằng trù phú mật ngọt, có khả năng cung cấp đầy đủ, thậm chí là dồi dào nguồn nhân lực, vật lực trong thời bình cũng như thời chiến. Trong thời bình, thì cung cấp lực lượng lao động phát triển kinh tế và nguồn lương thực thực phẩm nuôi sống bộ máy nhà nước và cư dân nơi đây. Trong thời chiến, thì cung cấp quân lực, lương thực thực phẩm, phương tiện chiến tranh và các loại vũ khí, trang thiết bị cho quân đội. Là một vùng có đất đai canh tác màu mỡ rộng lớn, cư dân đông đúc thuận lợi để phát triển nông nghiệp và nhiều ngành thủ công, thông qua việc giao lưu buôn bán qua nhiều con đường thủy bộ.
Từ những ý nghĩa trên, thông qua tầm nhìn xa trông rông của Lý Thái Tổ đã tạo nên sự phát triển cho Thăng Long – Hà Nội đến ngày hôm nay. Thăng Long mãi là hình ảnh con rồng bay thẳng lên bầu trời xanh tượng trưng cho sự  phát triển của con dân đất Việt này.
Đô thị Thăng Long hình thành
“Thăng Long đô hội rộn ràng
Gần xa vang tiếng kinh thành rồng bay”
Kinh đô Thăng Long được nhiều người biết đến bằng việc Lý Công Uẩn ra chiếu dời đô từ Hoa Lư ra Đại La mà dựng nên. Tuy thế, đó chỉ là về mặt kinh đô còn về mặt thị tứ được hình thành ra sao để  có được một đô thị sầm uất, nhộn nhịp trở thành trung tâm văn hóa của đất nước lúc bấy giờ thì quả là một quá trình được hình thành một cách có quy luật mang nặng tính phương Đông.
Quá trình hình thành đô thị theo quy luật mang nặng tính phương Đông được thể hiện bắt đầu bằng việc Lý  Công Uẩn ra chiếu dời đô và kinh đô của đất nước được chính thức tọa lạc trên vùng đất Thăng Long. Khi phần “đô” đã được định hình thì phần “thị” mới dần dần được hình thành và phát triển để cùng với phần “đô” hợp thành nên “đô thị” bậc nhất của đất nước. Việc dời đô về Thăng Long dã hình thành ở đây một bộ máy nhà nước trung ương, với hệ thống các cơ quan nhà nước, hệ thống quan lại, quý tộc, binh lính và một số tầng lớp  khác phục vụ cho các cơ quan nhà nước phong kiến. Bên cạnh đó, cũng đồng nghĩa với việc kéo theo một bộ phận người ăn không ngồi rồi và chuyên làm việc trong lĩnh vực hành chính, quân sự…. Khi đó, sẽ kéo theo nhiều tầng lớp dân cư về đây sinh sống, ta có thể thấy:
Tầng lớp thợ xây dựng, kiến trúc và những thương nhân buôn bán vật liệu xây dựng tụ hội về đây khá đông để phục vụ nhu cầu xây dựng đền đài, cung điện, phố xá, nhà cửa… của tầng lớp quý tộc, quan lại, những người giàu có và một số tầng lớp khác trong xã hội. Đồng thời, kéo theo một bộ phận lao động làm thuê và người ở để phục vụ cho cầu vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng và phục vụ cho sự giàu sang của tầng lớp thống trị. Cũng từ sự tập trung đó, mà hệ thống  phố xá, nhà cửa, đền đài, cung điện,…được xây dựng một cách có hệ thống và lộng lẫy sang trọng, để góp phần hình thành phần “thị”.
Tầng lớp những người buôn bán nhỏ, thương nhân, thợ thủ côngcũng quy tụ về vùng đất này để tìm kế sinh nhai và phục vụ nhu cầu của các tầng lớp quan lại, quý tộc giàu có như mua sắm, sử dụng các loại hang hóa cao cấp, đồ mỹ nghệ. Đây là những loại hàng hóa mang tính mang tính thưởng thức, trang trí…
Khi xây dựng kinh thành Thăng Long, các vị vua nhà Lý cần có một hệ thống quân đội bảo vệ kinh thành, bảo vệ các cơ quan nhà nước phong kiến như chùa, miếu, đền, đài…. Từ đó, một bộ phận thợ rèn cũng quy tụ đến nhằm sản xuất vũ khí, quân trang, quân dụng và phương tiện chiến đấu cho các đội quân bảo vệ nhà vua, triều đình, kinh thành…
Khi  chuyện an cư lạc nghiệp đã ổn định, đời sống vật chất dần được cải thiện thì nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần được chú ý đến. Xuất phát từ nhu cầu đó, bộ phận những người làm nghề hát tuồng, chèo, hát xướng, các họa sỹ, nhà văn, nhà thơ… cũng được tập trung về vùng đất này, góp phần làm đa dạng các tầng lớp dân cư đô thị.
Với việc chọn vị trí đóng đô tại vùng đất Thăng Long bằng phẳng, trước có sông, sau có núi còn đã biến nơi đây trở thành vùng đồng bằng trù phú, đồng thời được sự trị vì của vị thiên tử anh minh, đức độl nên đã thu hút khá lớn một bộ phận nông dân về đây sinh sống lập nghiệp tại vùng ngoại kinh thành, góp phần tạo nên sự nhộn nhịp cho đô thị Thăng Long.
Với sự tập trung, quy tụ của nhiều tầng lớp cư dân, nhiều dịch vụ buôn  bán phát triển đã hình thành nên một thị tứ sầm uất, nhộn nhịp với hệ thống nhà cửa, phố xá, đền đài, cung điện uy nghi…. Chính phần “thị tứ” này đã két hợp với phần “kinh đô” đã hình thành nên một “đô thị” Thăng Long phồn hoa, sung túc; một trung tâm văn hóa, hành chính bật nhất của đất nước ta thời bấy giờ. Điều này cũng hợp quy luật với một nền văn minh nông nghiệp lúa nước ở phương Đông nói chung và ở Việt Nam thời bấy giờ nói riêng là phần “đô” hình thành trước phần “thị”, để từ đó có sự kết hợp hoàn hảo tạo nên bộ mặt Thăng Long phát triển liên tục trong các thế kỷ sau.
Tham khảo:
Phim tư liệu lịch sử "Thăng Long nhân kiệt"
Nguyễn Vinh Phúc. Kể chuyện Thăng Long Hà Nội
Trần Trọng Kim. Việt Nam sử lược
Ngô Sỹ Liên. Đại việt sử ký toàn thư

2. TẤM BIA “HOA LÂM TAM BẢO THỊ” (1656) -  MỘT TƯ LIỆU ĐÁNG TIN CẬY VỀ
LÝ CÔNG UẨN VÀ VÙNG MAI LÂM
                                                                  Nguyễn Hùng Vĩ-Nguyễn Văn Thanh
            Đang tập hợp tư liệu cho bài viết Chìa khóa để hiểu rõ hơn gốc tích Lý Công Uẩn thì chúng tôi gặp bản dập tấm bia này. Thấy đây là một tài liệu quí hiếm nên giới thiệu cùng các nhà nghiên cứu để có thêm chứng cứ và cùng quan tâm.
            Bản dập tấm bia đã được tiến hành vào đầu thế kỉ trước và hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong tình trạng còn khá nguyên vẹn. Thời gian dập thuộc đợt một, chừng 1918 đến 1925. Kí hiệu lưu trữ là 2985/2986. Bia hoàn toàn không có dấu hiệu tẩy xóa hoặc khắc lại.
            Thác bản 2 mặt, khổ 54 x 90 cm, gồm 43 dòng chữ Hán và Nôm, toàn văn có 1222 chữ (một số chữ viết kiểu tiểu chú, chữ rất nhỏ, mờ, khó đọc), có hoa văn, có chữ húy TRỪ. Niên đại: Thịnh Đức thứ 4 (năm 1656).
            Hoa văn trán bia mặt trước khắc lưỡng long triều nhật. Mặt trời tỏa 10 tia sáng hình ngọn lửa thẳng, rực rỡ. Diềm trên đầu bia cũng hoa văn lửa xếp vòng cung. Hai diềm bên khắc hình ảnh chim (đứng, bay, liệng, đậu), hoa sen cách điệu, hoa dây và hoa cúc. Diềm dưới là các cánh sen cách điệu kết thành băng ngang. Tên bia khắc chữ khải phong cách Lê mềm mại, đóng khung trên trán bia.
            Mặt sau, trán bia khắc đôi phượng chầu mặt trời dáng uyển chuyển, sinh động. Mặt trời tỏa 10 ngọn lửa sáng cong lên. Diềm hai bên và diềm trán khắc liên tục chim các tư thế, hoa sen, hoa dây, hoa cúc, phượng hoàng. Diềm chân là cánh hoa sen kết thành băng ngang. Hoa văn sắc nét, chạm trổ công phu, tỉ mỉ.
            Người soạn: Họ Đồng, tên hiệu Chuyết Phu; quê quán: xã Thiết Úng huyện Đông Ngàn; chức vị: Tán trị thừa chính sứ các xứ Sơn Tây chí sĩ; tước Lai Xuyên bá.
            Người viết chữ: Nguyễn Sĩ Duyên; học vị: Trúng thư toán khoa Mậu Dần, hoa văn học sinh; chức vị: tước Văn Lâm nam.
            Người viết chữ: Đỗ Văn Vị; chức vị: Đô lại Bộ công; tước Văn Hương nam.
            Nội dung:
            Mặt trước, phiên âm:
HOA LÂM TAM BẢO THỊ
Trùng san Hoa Lâm Tam bảo thị bi tịnh minh.
Tự hữu thử thiên địa dĩ hữu thử thị khu tư. Hoa Lâm cổ tích thị nhất khu nãi tiền Lý triều Thánh Thiện tổ khảo tỉ chi danh hương dã. Khảo tỉ lăng miếu tại thị chi đông. Trinh Tiết phạm cung tại thị chi tây. Phương dân tôn phụng linh ứng mặc phù, nhi thị cư tự miếu chi trung. Thị trung quan lộ vãng lai nhân nhân tụ hội, chân đệ nhất hảo xứ dã. Tự cổ chi nhân nhật trung vi thị mỗi nguyệt lục phiên, chí sóc vọng nhật nhân giai cúng dàng hiển tích, tố hiệu vi Tam Bảo chi thị. Nhân tuần nhật cửu, kinh lịch niên đa cửu nhi tệ trùng nhi tu chung nhi phục thủy giả. Tất hữu chủng thiện đê nhân đại quyền lực, đại kỳ lão, vi năng hội kiến, phương kim tứ phương ninh mịch, vạn thiện lạc vi. Hâm tiện Chưởng giám Tổng thái giám Đô đốc đồng tri Duệ quận công Lê Giản Kiến, bản Cai Từ Sơn phủ, Đông Ngàn huyện, Hoa Lâm xã, quan viên Đỗ Văn Bảng, Đỗ Đình Luận, Nguyễn Chân Gián, Nguyễn Văn Quảng, Trịnh Trí Trị, Nguyễn Văn Căn, Tướng thần Nguyễn Quang Nhâm, Xã trưởng Hoàng Xuân Vi, Thôn trưởng Nguyễn Tuấn Vinh, Hoàng Văn Đạt, Đỗ Văn Hạc, Đỗ Công Tri, Nguyễn Thu Vi, Nguyễn Văn Cơ, Hoằng Văn Quảng, Vương Văn Do, Đỗ Văn Kỷ, Nguyễn Văn Đốc đẳng, cập tín sãi Nguyễn Văn Việt tự Phúc Nhân, Nguyễn Văn Tốt tự Phúc Hà, Nguyễn Văn Tú tự Phúc Đạo đẳng, thân lai vị bản xã hữu quảng khai cổ tích Tam bảo thị, khất nhưng thi như tiền đẳng nhân nhưng cúng thí vi Tam bảo như cựu. Vưu sở xứng giả bản xứ Tán trị Thừa chánh sứ ti Tham chính Thụy (?) nam Lê Đức Vọng, cập bản phủ Tri phủ Thọ lộc nam Nguyễn Hằng Liêm, bản Huyện Tri huyện Trịnh Ngọc Liễn, Huyện thừa Tuấn Ngạn tử Nguyễn Ngọc Ngô đẳng, nha môn quan lại tịnh hành thiện chính chuẩn phê, nhưng thí vi tam bảo thị như tiền tu qui. Thả Hữu thừa ti Cai lại Nguyễn Khắc Sĩ thừa hệ đệ niên biểu tâm lễ tịnh chuẩn trừ phó dữ bản thị sãi vãi chí sóc vọng nhật cúng dàng Tam bảo thiêu hương trại nguyện. Thượng chúc bản quốc,thánh đế minh vương vạn thọ vô cương; Hạ chúc thiên hạ thái bình ức niên hữu vĩnh. Dĩ chí nội ngoại thần liêu, cập xã dân sãi vãi thiện nam tín nữ cộng vi Phật quả thiện duyên hàm hựu xuân đài thọ vực. Vạn linh bảo hộ tam bảo chứng minh, nãi ư Bính Thân niên tứ nguyệt thập cửu nhật, lương thời ngoan thạch vi bi.
Thuyên công lặc thành, lập vu trung thị, thùy vu vĩnh thế, nhân minh vu thạch, hậu thế tri chi, dĩ thọ kỳ truyền, vân.
Minh viết:
Huyện danh Đông Ngàn. Xã hiệu Hoa Lâm. Cựu hữu thành thị. Đảo sơn chi khống. Đức giang chi khâm. Đoài tự tất kính. Chấn miếu di khâm. Năng cổ nhi phục. Duy thiện kỳ tâm. Vi thiện thu phúc. Bất hiển diệc lâm. Thử công thử đức. Vạn cổ bi âm.
Thịnh đức tứ niên tứ nguyệt cốc nhật.
Tứ Mậu Thìn khoa Tiến sĩ xuất thân đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu Sơn Tây đẳng xứ Tán trị thừa Chánh sứ ti thừa chánh sứ, Lai Xuyên bá Trí sĩ Đồng Chuyết Phu soạn.
Bản xã Mậu Dần khoa thí trúng Thư toán ưu trúng Thư giám hoa văn học sinh Văn Lâm nam Nguyễn Sĩ Duyên tả
Quan viên tử ư Nhâm Thìn khoa thí trúng Thư toán ưu trúng, Công bộ đô Lại Hương nam Đỗ Văn Vị tả.
Dịch nghĩa:
Trùng san bia chợ Tam Bảo ở Hoa Lâm.
Từ khi có trời đất đã có khu chợ này. Khu chợ thuộc hàng di tích lịch sử (cổ tích) mang tên Hoa Lâm này nằm trên quê hương nổi tiếng của ông bà nội Thánh Thiện của triều nhà Lý trước đây. Lăng miếu của Bố và Mẹ ngài tại phía đông chợ. Chùa Trinh Tiết ở phía tây của chợ. Chợ nằm giữa chùa và miếu nên dân quê tôn phụng được linh ứng ngầm giúp. Giữa chợ có đường cái quan qua lại, người người tụ hội. Đúng là chỗ tốt đẹp hàng đầu vậy. Cũng bởi từ xưa, kể cả những ngày họp chợ mỗi tháng sáu phiên cho chí mùng một ngày rằm, người ta đều cúng dàng chốn dấu xưa đành rạnh (hiển tích) đó, cho nên chợ mới được gọi tên lành là chợ Tam Bảo. Lần lữa lâu ngày, trải năm trải tháng càng lâu nên đã hư hại, cần trùng tu đặng cho được như ban đầu vậy. Ắt là phải nhờ vào từ người lương thiện cho đến quan quyền lớn, tuổi thọ cao đều có thể họp lại. Lúc này tứ phương phẳng lặng, muôn điều thiện cùng vui. Liền kính nhờ ngài Chưởng giám Tổng Thái giám Đô đốc Đồng tri Duệ Quận công, vốn quản phủ Từ Sơn, huyện Đông Ngàn; các ông quan viên Đỗ Văn Bảng, Đỗ Đình Luận, Nguyễn Chân Gián, Nguyễn Văn Quảng, Trịnh Trí Trị, Nguyễn Văn Căn, Tướng thần Nguyễn Quang Nhân, Xã trưởng Hoàng Xuân Vi, Thôn trưởng Nguyễn Tuấn Vinh, các ông Hoàng Văn Đạt, Đỗ Văn Hạc, Đỗ Công Tri, Nguyễn Thu Vi, Nguyễn Văn Cơ, Hoằng Văn Quảng, Vương Văn Do, Đỗ Văn Kỷ, Nguyễn Văn Đốc, cùng các ông tín sãi Nguyễn Văn Việt tự Phúc Nhân, Nguyễn Văn Tốt tự Phúc Hà, Nguyễn Văn Tú tự Phúc Đạo, xã Hoa Lâm, đứng ra (thân lai) vì bản xã mở rộng chợ Tam Bảo lịch sử và xin cúng tế tam bảo theo lệ cũ như người xưa đã làm. Lúc ấy lại được các ngài Tán thị Thừa Chánh sứ ti Tham chính Thụy [ ] nam Lê Đức Vọng, cùng Tri phủ bản phủ Thọ Lộc nam Nguyễn Hằng Liêm, Tri huyện bản huyện Trịnh Ngọc Liễn, Huyện thừa Tuấn Ngạn tử Nguyễn Ngọc Ngô, cùng nha môn quan lại lần lượt theo đó chuẩn phê mà cho sửa chợ Tam Bảo như xưa, cũng như Hữu thừa ti Cai lại Nguyễn Khắc Sĩ tỏ lòng kính lễ cũng như miễn trừ cho những sãi vãi ở chợ hàng năm ngày sóc vọng đốt hương cúng dàng tam bảo để báo nguyện.
            Trên chúc nước nhà thánh đế minh vương vạn thọ vô cương.
            Dưới chúc thiên hạ thái bình vạn năm lâu dài, cho chí thần liêu trong ngoài cùng xã dân sãi vãi thiện nam tín nữ tất cả quả Phật thiện duyên đến chốn xuân đài thọ vực. Vạn linh bảo hộ tam bảo chứng minh, ngày 19 tháng 4 năm Bính Thân, thời lành dựng đá làm bia, khắc ghi đã thành, dựng lên giữa chợ, để lại lâu dài, tên ghi trên đá, đời sau được biết, truyền mãi bia này.
Minh rằng: Huyện tên Đông Ngàn, xã gọi Hoa Lâm, Tam Bảo chợ cũ, Đảo Sơn án bắc, Đức Giang ôm nam, Tây chùa rất kính, Đông miếu rất thiêng, Làm theo nếp cũ, Chỉ một lòng lành, Làm thiện được phúc, Chứng giám rõ rành, Công ấy đức ấy, vạn đời bia minh.
Ngày tốt tháng 4 năm Thịnh Đức thứ tư.
Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Tán trị thừa Chánh sứ Ty Tán trị thừa chánh sứ các xứ Sơn Tây, tước Lai Xuyên bá trí sĩ Đồng Chuyết Phu soạn.
Đỗ ưu hạng hai khoa Thư toán và Thư giám hoa văn học sinh khoa thi năm Mậu Dần, tước Văn Lâm nam Nguyễn Sĩ Duyên viết chữ.
Đỗ ưu hạng khoa Thư toán khoa thi năm Nhâm Thìn, Công bộ đô, quan viên tước Lại Hương nam Đỗ Văn Vị viết chữ. 
Mặt sau:
                                                    HƯNG CÔNG TẠO BI
Hưng công
Tạ Thị Phương, Nguyễn Văn Trạng, Dương Văn Lập tự Phúc Sài ?, Thị Vân hiệu Từ Nhân, Nguyễn Thị Phượng hiệu Diệu Hòa.
Mai Hiên xã Nguyễn Văn Hùng, đạo hiệu Huyền Vi, tự Minh Tiến phát Bồ đề tâm tác kiều mãi bi.
Nam tử Nguyễn Văn Cao tự Minh Nhân, thê Nguyễn Thị Thìn. Nguyễn Văn Quí, nữ tử Nguyễn Thị Ước, Nguyễn Thị Đắc tế Nguyễn Văn Mộ, mẫu Nguyễn Thị Như hiệu Từ Vinh, Nguyễn Thị Lắm hiệu Từ Xuân, Nguyễn Văn Ảnh đẳng.
Hoa Lâm xã, Thái Đường thị Văn hội, Nguyễn Văn Tú tự Phúc Đạo tịnh thê Lê Thị Liên hiệu Từ Đức, nam tử Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Dụng, Nguyễn Thị Thi, Nguyễn Thị Lợn, tế Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Huyên đệ Nguyễn Thị Dao
Tín thí Nguyễn Văn Liễm, Lê Thị Gương, Nguyễn Thị Bài, Nguyễn Văn Đổ, Đỗ Thị Hựu.
Thiên Thi huyện, Dã Cầu thôn, Văn hội nam Đỗ Viết Phú, sãi vãi Nguyễn thị Hồng hiệu Từ Quảng, Nguyễn Thị Kháo hiệu Từ Chân, Nguyễn Thị Hậu hiệu Từ Quang, Nguyễn Văn Niên tự Phúc Nhẫn, Nguyễn Thị Tố hiệu Từ Thông, Lâm Thị Ngoan hiệu Từ Huệ, Mai Thị Nhiêu hiệu Từ Cẩn, Lê Văn Kim tự Phúc Hiếu, Lê Thị Gia hiệu Từ Kính, Nguyễn Thị Nguyên hiệu Huệ Tịnh, Thái Đường Đông thôn Nguyễn Thị Nhị, Nguyễn Thị Miên, Nguyễn Văn Nguyên thê Nguyễn Thị Bàng, Nguyễn Thị Nhuyễn, Nguyễn Sĩ Nghị, Nguyễn Thị Cán, Nguyễn Văn Cử, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Thị Thảo.
            Bản tự tăng Lê Viết Đô, Đào Tiến Thọ tự Đức Tông hiệu Huyền Nghiêm, Nguyễn Thị Tôn. Ngô Khê xã Tạ Thị Ngọc Lý. Thái Đường Thị Thôn, Nguyễn Thị Chung, Nguyễn Tiến Đống, Đào Thị Chàng, Nguyễn Hữu Đại, Nguyễn Hữu Tốt hiệu Đức Nhân, Trí Huệ Tiên Nhân Lại Đà thôn, Huyện sĩ Nguyễn Triệu Nghiêm tự Phúc Thông Đạo hiệuPháp Cầu, Nguyễn Văn Thích tự Phúc Đô, vãi Nguyễn Thị Liên hiệu Diệu Phú, Thái Đường Đông thôn Nguyễn Thị Lá hiệu Từ Thọ, Lưu Công Vinh tự Phúc Toàn thê Đỗ Thị Hán hiệu Từ Đường, Hoàng Thị Ninh hiệu Từ Thành, Tạ Thị Biều, Nguyễn Thị Úy, Mai Hiêu xã Đỗ Văn Đô thê Tạ Thị Thăng, Nguyễn Văn Tước thê Tạ Thị Má, Nguyễn Văn Niêm thê Nguyễn Thị Tuyển, Nguyễn Văn Láu ? thê Nguyễn Thị Tốn. Du Cầu xã, Du Nội thôn, Ca [][] tự Nguyễn Thị Đạm chân đạo đức tiên Nguyễn Thị Ngọc Xuyến. Ông Xá xã Phạm Thị Dựng hiệu Từ Mẫn, Đào Thị Xuân hiệu Từ Dung, [] Xá thôn Đỗ Công Vị tự Phúc Thuận thê Nguyễn Thị Lộc hiệu Từ Tiến. Mai Hiên xã, Nguyễn Duy Phùng tự Phúc Nghiêm thê Nguyễn Thị Ý hiệu Tiên Từ. Thái Đường Thị thôn Đỗ Tô, Lê Thị Nghĩa, Kiêm Tri phủ sĩ Nguyễn Viết Phú tự Phúc Lộc hiệu Huyền Thanh, Thiết Ủng xã Du Ngoại Cổ Lâm thôn, Nguyễn Thị Nãi hiệu Từ Xu, bản xã Sinh đồ Văn Nham nam Đỗ Văn Hạc tả.
            Tuế thứ Bính Thân niên tứ nguyệt cốc nhật. Thuận An phủ Gia Định huyện, Đoan Bái xã, Ngọc Thạch cục, cục tượng Văn Mỹ nam Nguyễn Thứ san.
Mặt sau này của tấm bia không cần thiết phải dịch.          
           Tấm bia khẳng định với chúng ta:
1.      Hoa Lâm là vùng quê nổi tiếng (danh hương) của ông nội, bà nội Lý Công Uẩn.
2.      Thụy hiệu của ông nội bà nội Lý Công Uẩn là Thánh Thiện.
3.      Lăng miếu của Cha và Mẹ Lý Công Uẩn là ở đây, nằm ở mé đông của chợ Hoa Lâm và cũng là phía đông của chùa Trinh Tiết, bắc là Tam Đảo - Sóc Sơn, nam là sông Đuống.
            Một số nhận xét chung:
            Có thể nói, trong số những tư liệu thành văn liên quan đến quê hương Lý Công Uẩn, đến quê mẹ Lý Công Uẩn, đây là tư liệu có niên đại định bản SỚM NHẤT. Thực chứng niên đại định bản có tầm quan trọng hàng đầu để nhận định về giá trị cũng như nội dung thông tin. Những tấm bia thời Lý đã từng được khảo sát thì một số đã khắc lại, một số còn chữ cũ, để lại cho chúng ta nhiều thông tin quí nhưng trực tiếp về Lý Công Uẩn và bố mẹ ông thì không có. Tấm bia Cổ Pháp điện tạo bi có niên đại sớm hơn cũng không có thông tin về nội dung trên. Niên đại định bản Đại Việt sử ký toàn thư bản sớm nhất hiện tồnlà bản Chính Hòa 1697 (sau văn bia này 41 năm), Thiền uyển tập anh đến tay chúng ta là bản in Vĩnh Thịnh 1715, An Nam chí lược mà ta vẫndùng là bản đời Thanh, Đại Việt sử kí tiền biên là bản in 1800, các thần tích thần phả dù mang niên đại sớm như Hồng Đức 3 (1472) nhưng hầu hết là chép lại hoặc ngụy tạo, các bản diễn ca lịch sử đều là văn bản được định bản vào đời Nguyễn, tư liệu sắc phong, câu đối đình chùa, hoành phi đại tự, đều là tư liệu hoặc không xác định được niên đại hoặc có niên đại muộn, chủ yếu là đời Nguyễn, có cái còn được sáng tác vào những năm 1980 đến sau năm 2000. Các di tích thì đã nhiều lần trùng tu hoặc phục dựng. Truyền thuyết dân gian chủ yếu được ghi lại vào đầu thế kỉ XX với tính chất rất phân tán về nội dung. Đó là tấm lòng của nhân dân, khó mà tin cậy về mặt lịch sử nếu không có cách phân tích thực sự khoa học. Tài liệu Trung Hoa ta tiếp cận chưa được nhiều nhưng chủ yếu cũng rút từ Tứ khố toàn thư chép lại vào thời nhà Thanh. Dùng văn học dân gian thay cho sử liệu rất dễ dẫn đến những nhận định thiên kiến. Tư liệu khảo cổ học là đáng tin cậy nhưng chưa hề khai quật đúng mộ ông này bà nọ đời tiền Lê, đời Lý. “Mộ cổ Dương Lôi” có thể đào ngay lập tức tại chỗ thêm vài cái nữa với gạch Hán và Lục triều rõ rệt.
            Theo dõi những ý kiến nghiên cứu, tranh luận về vấn đề quê hương Lý Công Uẩn từ trước tới nay, chúng tôi chưa từng thấy ai sử dụng tư liệu tấm bia Hoa Lâm Tam Bảo thị độc đáo này cho công việc dù nó đã nằm trong kho Viễn Đông Bác cổ và sau đó là kho Viện Nghiên cứu Hán Nôm ngót một thế kỉ.
            Tấm bia được thực hiện bởi những người có học vị và tước vị, đều đã và đang thuộc bộ máy quan phương của triều đình phong kiến lúc bấy giờ, họ chứng kiến thực tế và có tri thức sử học. Hơn nữa, chắc chắn họ có sự đồng thuận của nhiều trí thức khác khi tham gia trùng tu chợ Hoa Lâm lúc đó. Người soạn là Đồng Nhân Phái (1581 - ?), người xã Thiết Úng, huyện Đông Ngàn, nay là thôn Thiết Úng xã Vân Hà, Hà Nội, sau ông đổi tên là Đồng Chính Phái. Năm 48 tuổi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ 10 (1628) đời Lê Thần Tông. Làm quan đến chức Công bộ Hữu Thị lang. Được về trí sĩ. Khi mất, được thăng Thượng thư. (TheoCác nhà khoa bảng Việt Nam, tr. 533; Bia số 32 Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ 10). Dù hơn 19 tuổi nhưng ông đỗ cùng khoa và cùng hạng với nhà sử học nổi tiếng Phạm Công Trứ (1600 - 1643), người sẽ tổ chức hoàn chỉnh bộ Đại Việt sử ký toàn thư bản in sớm nhất hiện còn (1697). Là đồng liêu, làm việc trong kinh kì nhỏ hẹp với một loạt nhà sử học nổi tiếng thời bấy giờ như Dương Hạo, Hồ Sĩ Dương, Đặng Công Chất, Nguyễn Công Bích, Bùi Đình Viên, Đào Công Chính, Ngô Khuê, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Công Bật.... cho đến tận Lê Hy trong đời Lê Thần Tông, lại là Hữu Thị lang Bộ Công, gắn với việc trùng tu di tích, chắc chắn tri thức sử học của Đồng Chính Phái là tin cậy được. Hơn nữa, trong văn bia có chữ “trùng san” gợi ý cho chúng ta sẽ rằng có một tấm bia khác xưa hơn nữa với nội dung tương tự.
            Về nội dung, điều cần nói trước tiên là, việc xác định quê hương (chỗ ở của ông bà, bố mẹ) Lý Công Uẩn như nội dung tấm bia, hoàn toàn KHÔNG MÂU THUẪN với bất cứ tài liệu Hán Nôm khả tín thời phong kiến nào mà chúng tôi đã có dịp tiếp cận. Các bản Đại Việt sử kí toàn thưĐại Việt sử kí tiền biên... đều thống nhất ghi Lý Công Uẩn là người CHÂU Cổ Pháp, (nếu khác đi, thì đó chỉ là ý kiến của lời bàn hoặc của những người dịch sách khi chú thích các địa danh), mà chúng ta biết rằng, châu Cổ Pháp đời Lý sẽ là phủ Thiên Đức, sau này sẽ là phủ Từ Sơn thì trong suốt quả trình lịch sử, Hoa Lâm nằm gọn gàng trong đó. Tấm bia cụ thể hóa cho ta biết, trong châu đó, làng (hương?) Hoa Lâm là quê chính của Lý Công Uẩn. Đây là thông tin rất quý giá, đáng cho chúng ta nghiên cứu tiếp tục.
            Nói thêm là, năm 2000, chúng tôi đã dập và giới thiệu tấm bia Lý gia linh thạch hiện còn ở chùa Tiêu. Với những chữ còn đọc được trong nội dung, chúng tôi đã chắc chắn khẳng định rằng: Những người soạn bia cũng như quan viên lão đẳng các xã thôn Đình Bảng, Dương Lôi, Tam Sơn, Tam Tảo, Tiêu Sơn Thượng, Tiêu Long (những lực lượng tham gia trùng tu chùa Tiêu lúc đó) đã đồng thuận là: Xã Hoa Lâm huyện Đông Ngàn là quê Phạm Mẫu, mẹ Lý Công Uẩn. Còn việc họ, tổ tiên 10 đời của chúng ta, có đúng hay không thì chúng tôi sẽ luận giải. Về niên đại tấm bia ấy, do chữ quá mờ, chúng tôi đã kết hợp tra cứu lịch sử địa danh với đoán khuôn chữ, dấu vết còn lại và khẳng định là Cảnh Thịnh nguyên niên (1793). Rất may, bia này cũng đã từng được dập một mặt vào thời Pháp thuộc, trên đó, hai chữ Cảnh Thịnh còn rất rõ ràng (kí hiệu bia Vô đề 03897 – có lẽ vì tấm bia một mặt úp vào tường mà những người dập chỉ làm được một mặt và dĩ nhiên là không biết tên bia). Chúng tôi đã đúng.
            Cũng về nội dung, chúng tôi mạnh dạn cho rằng, đây là lần đầu tiên, tên THỤY của tổ khảo tỉ của Lý Công Uẩn được ghi lại, đó là THÁNH THIỆN. Đại Việt sử kí toàn thư chỉ ghi sự kiện Lý Công Uẩn vào năm “Mậu ngọ, Thuận Thiên năm thứ 8, mùa Xuân, tháng 2, truy phong bà nội làm hậu và đặt tên thụy”. Tuy nhiên, không rõ tên đó là gì?. Cụm từ: Lý triều Thánh Thiện tổ khảo tỉ được chúng tôi đưa ra nhiều khả năng cú đậu:
            1.Lý triều thánh thiện / tổ khảo tỉ (thánh thiện là tính từ đi với Lý triều)
            2.Lý triều / thánh thiện tổ khảo tỉ (thánh thiện là tính từ đi với tổ khảo tỉ)
            3.Lý triều Thánh Thiện tổ khảo tỉ (Thánh Thiện là danh từ riêng với hai cách hiểu: 3.a, Thánh Thiện tổ khảo/Thánh Thiện tổ tỉ; 3.b, Thánh tổ khảo/Thiện tổ tỉ).
            Sau khi cân nhắc thì thấy cách hiểu 3.a. là ổn thỏa nhất. Việc ĐVSKTT không ghi việc Lý Công Uẩn truy phong cho ông nội mà chỉ ghi truy phong và đặt tên thụy (không rõ tên) cho bà nội chắc là do sự khiếm khuyết thư tịch trước đó gây ra. Chữ Thánh hay Thánh tổ thì không phải bàn vì đó là trên 3 đời của Hoàng đế. Còn chữ Thiện sẽ là thụy danh phong tặng. Chúng tôi vững tin như vậy và tấm bia quả là một tài liệu quí giá, bổ sung cho chính sử.
            Như vậy, Lý Gia lăng trên đất Hoa Lâm, dù đã không còn, một lần nữa được khẳng định không chỉ dựa vào thơ của Nguyễn Phi Khanh, câu đối của Nguyễn Tư Giản và kí ức của các bậc lão thành yêu quê hương mà còn bằng văn bia cách đây hơn ba thế kỉ rưỡi.
            Bài giới thiệu ngắn này chúng tôi dừng lại đây. Hẹn gặp các bạn ở các bài viết đang triển khai như đã giới thiệu ở trên.

3. THĂNG LONG TRONG THỜI ĐẠI LÝ TRẦN
                                                        
                                                                                               PGS.TS Vũ Văn Quân
                                                                                               (Đại học Quốc gia Hà Nội)
 1. Vương triều Lý ra đời, năm 1009, mở đầu một thời kỳ phát triển mạnh mẽ của quốc gia người Việt, của một “thời đại Lý - Trần” vàng son trong lịch sử Việt Nam. Ngay sau ngày lên ngôi, năm 1010, Lý Thái Tổ - người sáng lập vương triều - đã quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Thăng Long có nghĩa là rồng bay lên, là thể hiện khát vọng vươn lên của đất nước. Sự kiện này, xét trên mọi ý nghĩa, phản ánh bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc:  
Định đô Thăng Long đánh dấu bước trưởng thành về lực lượng qua hơn một thế kỷ với rất nhiều hoạt động quân sự để giành lại và khẳng định vững chắc nền độc lập dân tộc, để khắc phục khuynh hướng phân tán cát cứ và khẳng định thắng thế của xu hướng tập quyền và thống nhất quốc gia. Thành tựu đó là cộng dồn của cả một thế kỷ (905 - 1009) cha ông ta nỗ lực không ngừng, của đóng góp của họ Khúc, họ Dương, của các nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê, làm tiền đề cho cuộc bứt phá vĩ đại mà sự kiện dời đô vừa như một biểu hiện, vừa như một mốc mở đầu.
Định đô Thăng Long đánh dấu bước trưởng thành về nhận thức trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng kinh đô muôn đời. Thăng Long ở vào vị trí “trung tâm” đất nước, trung tâm châu thổ sông Hồng, đủ thế mạnh để hội tụ và lan toả, để trở thành kinh đô của đất nước. Một cách “tự nhiên”, từ rất sớm những lợi thế của vùng đất này đã được phát hiện. Bằng chứng là, sau kháng chiến chống Lương thắng lợi năm 542, Lý Bí - Lý Nam Đế đã chọn vùng trung tâm Hà Nội ngày nay để đặt thủ phủ, dựng thành luỹ, mở chùa Khai Quốc - tiền thân của chùa Trấn Quốc ngày nay. Tiếp đấy, thế kỷ VII-IX, các chính quyền đô hộ Tùy và Đường cũng đã chọn nơi đây làm thủ phủ. Có vẻ như đặc tính “đất đế vương” của Thăng Long - Hà Nội là điều tự nhiên, dễ nhận thấy. Việc Lý Công Uẩn dời đô ra thành Đại La có thể coi là sự tiếp nối của nhận thức này, nhưng khác với trước đó, đây là lần đầu tiên, nó được “tuyên ngôn” với những phân tích toàn diện – phản ánh một tư duy khoa học đáng kinh ngạc của Lý Công Uẩn về vị thế của Thăng Long – Hà Nội: “… Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi mãi muôn đời…”. Từ cảm nhận tự nhiên (Lý Bí) đến nhận thức khoa học (Lý Công Uẩn) là một bước tiến, bước trưởng thành của người Việt Nam trong nhận thức về vị thế của vùng đất Thăng Long - Hà Nội này.
Định đô Thăng Long đánh dấu bước trưởng thành về tư duy quản lý đất nước – tư duy dựa trên quan điểm phát triển, lấy phát triển để tạo ra khả năng phòng thủ. Trong quản lý và phát triển đất nước nói chung, kinh đô – thủ đô nói riêng, mối quan hệ giữa an ninh và phát triển luôn là một bài toán đặt ra phải giải quyết. Trên một ý nghĩa nhất định, hai nhà Đinh - Tiền Lê đóng đô ở Hoa Lư là sự lựa chọn ưu tiên cho mục tiêu an ninh (Hoa Lư ở vào địa thế hiểm yếu, khả năng phòng thủ tốt), mà hạn chế phát triển (Hoa Lư không thuận lợi về vị trí, về điều kiện tự nhiên để trở thành trung tâm kinh tế, trung tâm văn hoá lớn), có thế xem là sự “hy sinh” phát triển để đáp ứng yêu cầu an ninh. Còn Thăng Long, ngược lại, tập trung rất nhiều lợi thế để phát triển thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá hàng đầu của đất nước, nhưng lại ở vào nơi rất trống trải giữa vùng đồng bằng, khả năng phòng thủ kém. Chọn Thăng Long làm nơi đóng đô không phải là sự “đánh đổi”, “hy sinh” an ninh cho phát triển, mà là lấy phát triển để tạo ra khả năng quốc phòng, để đảm bảo an ninh.
Nhà Lý ra đời và dời đô ra Thăng Long đã khép lại một thế kỷ với dồn dập những sự kiện quân sự, với sự thay đổi liên tục các dòng họ - triều đại cầm quyền, với sự “loay hoay” của cha ông ta trong dựng đặt kinh thành - để mở đầu một thời kỳ mới phát triển rực rỡ của quốc gia dân tộc - của “kỷ nguyên Đại Việt, văn hoá Thăng Long”.   
2. Kinh đô - thủ đô là trung tâm quyền lực quốc gia với đầy đủ ý nghĩa của nó (quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế, quyền lực văn hoá). Quyền lực đó phải được tập trung và lan toả để đáp ứng yêu cầu và hiệu quả về quản lý và phát triển đất nước và tạo nên sự gắn kết quốc gia - dân tộc. Thăng Long với tất cả những ưu thế của mình có thể thoả mãn được các mục tiêu trên. Từ rất sớm, vùng đất núi Nùng sông Nhị này đã có sự tập trung dân cư, rồi từ khi được chọn đặt làm nơi đóng thủ phủ dưới thời chính quyền đô hộ Tuỳ Đường, với hệ thống thành luỹ được xây dựng, với quan quân kéo về, rồi chợ búa mọc lên, nơi đây dần trở nên đô hội. Đến đầu thế kỷ XI, như nhận định của Lý Công Uẩn, thì thành Đại La đã là “chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương”. Tính chất “hội tụ” của đô thị này sẽ được nâng lên ở một tầm mức mới, cao hơn, sâu sắc hơn, thể hiện tính kết tinh hơn kể từ khi nó được chọn đặt làm kinh đô của quốc gia độc lập Đại Cồ Việt – Đại Việt, trở thành trung tâm chính trị, hành chính của một đất nước đang trên con đường phục hưng và phát triển mạnh mẽ. Nhà Lý (1009-1226) rồi nhà Trần (1226-1400), trên cơ sở thành Đại La thời Tùy, Đường đã xây dựng Thăng Long trở thành trung tâm chính trị - hành chính, trung tâm kinh tế và trung tâm văn hóa của đất nước. Bộ máy nhà nước được xây dựng và kiện toàn theo hướng tập quyền nên Thăng Long ngay từ đầu đã trở thành trung tâm quyền lực với sự tập trung cao. Quan lại, quân đội, trí thức, thợ thủ công, thương nhân tập trung về Thăng Long làm thay đổi tính chất và làm sống dậy đô thị này: đời sống kinh tế, đời sống văn hóa đều phát triển mạnh mẽ. Từ vai trò trung tâm chính trị, hành chính quốc gia Thăng Long đã nhanh chóng phát triển thành trung tâm kinh tế, văn hóa số một của đất nước. Tính chất hội tụ (tập trung quyền lực, hội tụ cư dân), kết tinh (văn hóa) và lan tỏa (quyền lực và văn hóa) của Thăng Long thời Lý Trần dần định hình và ngày càng được tô đậm. Trên cơ sở đó, Thăng Long cùng với cả nước thời Lý Trần đã đạt được những thành tựu hết sức rực rỡ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ trung tâm quyền lực Thăng Long, triều đình Lý - Trần đã thực hiện được sự kiểm soát hiệu quả trên phạm vi cả nước và phát huy mạnh mẽ ảnh hưởng ra bên ngoài.  
Kinh thành Thăng Long thời Lý Trần là một đô thị lớn ở khu vực Đông Nam Á, một biểu tượng của quyền lực quốc gia. Cấu trúc ba vòng thành (tam trùng thành quách) sớm định hình, trong đó rất đặc sắc là vòng thành thứ ba – ngoài cùng, tức La Thành hay Đại La thành, thực chất cũng là những tuyến đê ngăn lũ (sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu). Thời gian, những biến động tự nhiên, những thăng trầm bể dâu thế sự, khiến điện đài xưa trong chồng lớp thời gian – triều đại nay hầu như vắng bóng trên mặt đất. Những mô tả của sử sách, nhất là những phát lộ ở khu vực khảo cổ học Trung tâm Hoàng thành Thăng Long số 18 đường Hoàng Diệu, mà kể từ 6.30 sáng 1 tháng 8 năm 2010 đã trở thành Di sản văn hoá thế giới, cho thấy vẻ bề thế nguy nga của lầu son gác tía, phản ánh trình độ phát triển kinh tế - kỹ thuật và sự mở rộng giao lưu quốc tế của người Việt bấy giờ.
Trên phương diện quản lý và phát triển đất nước, thời đại Lý - Trần là thời kỳ đạt được những thành tựu lớn, một “mẫu mực” của Việt Nam thời trung đại, trong đó Thăng Long có thể xem là một “mẫu mực” của quốc gia. Điều này thể hiện trong tổ chức bộ máy quản lý, trong quy hoạch và phát triển đô thị, trong ứng phó với các trạng thái bất thường… Ngay từ đầu, Thăng Long đã là một khu vực hành chính đặc biệt, trực thuộc chính quyền trung ương. Trong quản lý và phát triển, các nhà nước Lý - Trần đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa triều đình trung ương với địa phương Thăng Long cũng như mối quan hệ giữa kinh thành với các địa phương khác của cả nước. Trong quy hoạch, Thăng Long thời Lý Trần là một thành phố được xây dựng nương dựa và tận dụng triệt để môi trường tự nhiên. Vị trí trống trải, đặc tính sông hồ nên khả năng “tự phòng thủ” của Thăng Long nhiều hạn chế. Nhận thức được điều này, các nhà nước Lý Trần đã không quá chú trọng đến việc xây dựng hệ thống thành luỹ kiên cố, mà đặt vấn đề bảo vệ kinh thành từ xa như dưới thời Lý, hoặc uyển chuyển biến hoá như dưới thời Trần. Sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, với điểm hội tụ là Thăng Long, Đại Việt thời Lý đã đủ sức ngăn quân Tống ở phòng tuyến sông Cầu. Trong một bối cảnh mới, nhà Trần qua ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông đều đã chủ động sơ tán triệt để cả kinh thành đi kháng chiến. Chắc chắn trong tổ chức quản lý, nhà Trần đã lường tính đến yếu tố bất thường này nên mới có thể làm tốt, trong một thời gian rất ngắn nhiệm vụ phức tạp như thế. Phải có một tài năng tổ chức siêu việt đồng thời trong bản thân tổ chức quản lý đô thị đã có những yếu tố linh hoạt có thể ứng phó và xử lý các tình huống bất thường.
Thời Trần cũng là một mẫu mực trong việc chọn người đứng đầu kinh thành. Theo quy định, để trở thành người đứng đầu Thăng Long (chức Đại an phủ sứ) phải tuân thủ “quy trình”: qua chức đứng đầu một lộ phủ bình thường (chức An phủ sứ), rồi đứng đầu phủ Thiên Trường (được coi là kinh đô thứ hai dưới thời Trần), rồi về triều đình làm việc ở Thẩm hình viện, tất cả các cương vị trên đều phải hoàn thành xuất sắc sau đó mới được cân nhắc bổ nhiệm làm người đứng đầu kinh thành Thăng Long. Nhờ “quy trình” nghiêm ngặt này mà thời Trần đã tuyển chọn được nhiều người tài đức để quản lý kinh đô (tiêu biểu như Trần Thì Kiến, Trần Khắc Chung, Nguyễn Trung Ngạn). Điều này có tác động mạnh mẽ đến cả nước. Bởi, sâu xa hơn, kinh đô không chỉ vì mình mà còn vì cả nước, quản lý và phát triển kinh đô không chỉ vì bản thân nó mà còn liên quan đến sự phát triển hay tụt hậu, sự mất còn của cả quốc gia – dân tộc.     3. Những thành tựu trong quản lý và phát triển đất nước, khát vọng vươn lên của toàn dân tộc đã tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần để cha ông ta giành được những kỳ tích trong kháng chiến chống ngoại xâm dưới thời Lý - Trần. Trên con đường phục hưng dân tộc, thế kỷ XI và XIII là những thời khắc vận mệnh quốc gia - dân tộc đứng trước thử thách một mất một còn, nhưng cha ông ta đã hiên ngang vượt qua, ngời sáng một “bản lĩnh” Lý Thường Kiệt và hào hùng một “hào khí” Đông A muôn đời bất diệt.
Từ trung tâm quyền lực Thăng Long, nhà Lý đã tổ chức thắng lợi cuộc kháng chiến chống Tống (1075-1077) bằng quyết định đem 10 vạn quân sang đất Tống, triệt phá các căn cứ xâm lăng của Tống (ở Khâm Châu, Liêm Châu và nhất là thành Ung Châu) và, đặc biệt, bảo vệ an toàn trọn vẹn cho kinh thành bằng phòng tuyến sông Như Nguyệt - kỳ tích mà các triều đại về sau hầu như không thực hiện được. Sự lớn mạnh của Đại Việt thế kỷ XI, thắng lợi vĩ đại của Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống Tống 1075 – 1077 có phần góp sức của những người con thuộc thế hệ đầu tiên sinh thành trên đất Thăng Long. Đó là Lý Thường Kiệt (1019 - 1105 ) người anh hùng dân tộc “cầm quân tất thắng, trị nước tất an”; là Ỷ Lan (… - 1115), người phụ nữ tiêu biểu thế kỷ XI, người đóng vai trò như một hoàng đế trong những thời điểm quan trọng của đất nước, khi vua và các đại thần phải rời kinh thành, lúc vào nam, khi lên bắc; là các hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn đã hy sinh anh dũng trên phòng tuyến sông Như Nguyệt góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống…
Thế kỷ XIII Đai Việt phải ba lần đương đầu với đế chế Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới bấy giờ (các năm 1258, 1285 và 1288). Chúng ta chứng kiến một Thăng Long nhẫn nhịn khi Trần Quốc Tuấn chịu để tên người hầu của sứ giả Nguyên là Sài Thung cầm tên đâm chảy máu đầu mà sắc mặt vẫn bình thản, khi kinh thành sứ giặc đi lại ngênh ngang ở ngoài đường… Nhưng trên hết là một Thăng Long mang hào khí Đông A, sẵn sàng gô cổ bọn sứ giả hống hách tống vào ngục tối hoặc đuổi cổ về nước, là một Thăng Long với những người lính khắc trên cánh tay hai chữ “Sát Thát”… Thắng lợi đó là mẫu mực của tinh thần “cả nước đồng lòng”, của sức mạnh toàn dân, của những hoàng đế anh hùng như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, của những quý tộc anh hùng như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, của những bình dân anh hùng như Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng, Yết Kiêu, và của đông đảo những người lính anh hùng khắc trên cánh tay hai chữ “Sát Thát”…   
4. Lý Trần là một “thời đại văn hoá” rực rỡ, một đỉnh cao của văn hoá Việt Nam truyền thống. Thành tựu đó là sự tích hợp của cả nhân tố vật chất và tinh thần, nội lực và ngoại sinh: kinh tế phát triển, những thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp chống xâm lăng, cởi mở với bên ngoài, tinh thần vươn lên để khẳng định…
Một nền kinh tế năng động và phát triển, trọng nông mà cũng trọng thương là cơ sở vật chất cho công cuộc kiến thiết, cho sự xuất hiện những công trình văn hoá lớn. Thời Lý Trần nổi tiếng với những chùa tháp quy mô hoành tráng, với “An Nam tứ đại khí”: chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên (Thăng Long), vạc Phổ Minh (Nam Định), tượng chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh), với những cung điện lớn mà dấu tích mới phát lộ ở khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu làm ngạc nhiên các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Thắng lợi vĩ đại của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm là một tác động tinh thần vô cùng to lớn đến đời sống văn hoá, nhất là văn học. Văn học thời đại Lý Trần mang âm hưởng mạnh mẽ của chủ nghĩa anh hùng. Những thử thách lớn mang tính thời đại đã thổi vào đời sống văn hoá nói chung, văn học nói riêng cái không khí hào hùng đó: là kết tụ tinh thần của cả dân tộc thành “Nam quốc sơn hà” vang lên trong thời khắc khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống Tống năm 1077; là Trần Quốc Tuấn với Hịch tướng sĩ hào sảng trong những ngày chuẩn bị cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai; là Trần Nhân Tông – ông vua anh hùng của hai cuộc kháng chiến lần thứ hai và thứ ba với hai câu thơ bất hủ (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá; Non sông ngàn thuở vững âu vằng); là hình tượng người chiến sĩ cầm ngang ngọn giáo bảo vệ non sông trong thơ của người chiến sĩ – thi sĩ bình dân Phạm Ngũ Lão (Hoành giáo giang sơn cáp kỷ thu)… Một thời đại nở rộ anh hùng – anh hùng cứu nước, anh hùng văn hoá - , hữu danh và vô danh, quý tộc và bình dân.
Là kinh đô, Thăng Long trở thành nơi hội tụ của văn hoá Đại Việt bấy giờ, thành hình ảnh của văn hoá dân tộc bấy giờ, với một nền “Văn hoá Thăng Long” cân bằng giữa bác học và dân gian, giữa xung lực của khát vọng vươn lên tự khẳng định  sau hơn một ngàn năm mất nước với tích hợp tinh hoa bên ngoài, cả Nam Á và Đông Á, để tạo lập một bản lĩnh văn hoá Việt đầy cá tính, mở cửa mà không choáng ngợp, bản sắc mà không bảo thủ. Cũng là từ trung tâm Thăng Long, những giá trị văn hoá  Đại Việt được kết tinh đã thực sự lan toả mạnh mẽ, trên phạm vi cả nước, làm nên tính “thống nhất văn hoá” của văn hoá dân tộc bấy giờ - nhân tố quan trọng bậc nhất của sự cố kết và thống nhất quốc gia - dân tộc.
5. Làm nên Đại Việt – Thăng Long thời Lý Trần với những thành tựu rực rỡ đó là chung đúc của sự phục hưng các truyền thống Văn Lang – Âu Lạc nghìn xưa, của tinh thần “nối lại quốc thống, chắp lại mạch dòng”, của sự sáng tạo mấy trăm năm thời đó. Đó là sự “thăng hoa” của cả một dân tộc bằng hợp lực của cả truyền thống và hiện tại, bên trong và bên ngoài. Trên tất cả mọi ý nghĩa, Đại Việt thời Lý Trần đã là một thực thể quốc gia thống nhất khá cao với điểm hướng tâm – kết tụ là Thăng Long. Bằng sự tổng hợp “quyền lực” chính trị, kinh tế và văn hoá, Thăng Long thời Lý Trần đã đóng một vai trò mang tính quyết định đến sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, trở thành biểu tượng và hình ảnh dân tộc của một trong những trang hào hùng nhất của lịch sử Việt Nam.
(Bài in trên báo Nhân dân, số ra ngày 6-8-2010, in lại trên Lịch sử Quân sự, số 226, 10-2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét