Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu và Cách mạng tháng Tám 1945 ở Nam Bộ


Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu và Cách mạng tháng Tám 1945 ở Nam Bộ



TS. PHAN VĂN HOÀNG
Sáu mươi lăm năm trước, GS Trần Văn Giàu là nhà lãnh đạo cao nhất ở Nam Bộ với các trọng trách như Bí thư Xứ ủy, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ… Ngày 6/9 năm nay, GS bước vào tuổi đại thọ: 100 tuổi. Hồn Việt xin giới thiệu bài viết sau đây như một bó hoa chúc thọ vị Giáo sư đáng kính.
Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, cuộc khởi nghĩa ngày 23/11/1940 do Xứ ủy Nam Kỳ phát động - đã nhanh chóng thất bại. Thực dân Pháp bắt giam, lưu đày, bắn giết hàng nghìn cán bộ, đảng viên và người dân yêu nước. Tổ chức Đảng các cấp cơ hồ tan rã, lực lượng quần chúng cơ sở tổn thất nghiêm trọng.
Hai tháng sau khi phần lớn Xứ ủy viên bị bắt, các Xứ ủy viên còn lại tái lập Xứ ủy. Nhưng chỉ vài tháng sau, 9 trong 10 thành viên của Xứ ủy lại bị bắt.
Cách mạng Nam Kỳ rơi vào tình cảnh đen tối: không còn Xứ ủy, liên lạc với Trung ương bị gián đoạn.
Lúc này, trước sức ép của phát-xít Nhật, Pháp phải để quân Nhật tràn vào Việt Nam. Nhằm rảnh tay chuẩn bị chiến tranh ở những nơi khác, Nhật cho bộ máy hành chính và quân sự của Pháp tiếp tục tồn tại để ổn định an ninh trật tự và cung ứng nhân công, lương thực… cho quân Nhật. Dân ta chịu cảnh “một cổ hai tròng”.
Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra khi ông Trần Văn Giàu và các đồng chí của ông đang bị quản thúc ở căng (camp) Tà Lài. Hay tin thực dân Pháp dìm cách mạng ở Nam Kỳ trong biển máu, các ông vô cùng lo lắng. Đảng ủy căng Tà Lài quyết định một số đảng viên phải vượt ngục để tìm cách xây dựng lại tổ chức: đợt 1 gồm 3 người vào đầu tháng 2/1941, đợt 2 gồm 8 người vào đầu tháng 3/1941. Vượt ngục thành công, nhưng lần lượt 6 người bị bắt lại, chỉ trừ ông Giàu và Dung Văn Phúc (tức Dương Quang Đông). Ông Giàu lên Đà Lạt, về Phú Lạc (tỉnh Tân An) rồi xuống Xẻo Bần, U Minh (tỉnh Rạch Giá) để ẩn mình một thời gian, vì Pháp đang lùng bắt ông.

GS Trần Văn Giàu.
Khôi phục lại các tổ chức cách mạng (đầu năm 1943 - đầu năm 1945)
Đầu năm 1943, ông trở lên Chợ Gạo (Mỹ Tho) rồi vào Sài Gòn, tiếp tục hoạt động. Ông tìm gặp các cán bộ, đảng viên, cùng họ lập ra Ban cán sự Đảng cho thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Trong khi đó, người đồng chí thân thiết của ông là Dung Văn Phúc đang lập lại các Tỉnh ủy lâm thời cho các tỉnh miền Tây và miền Trung Nam Kỳ.
Từ 13 đến 15/10/1943, đại biểu các tổ chức Đảng các tỉnh, thành họp hội nghị ở Chợ Gạo (tỉnh Mỹ Tho) quyết định tái lập Xứ ủy Nam Kỳ. Ông Giàu không có mặt, hội nghị bầu ông Phúc làm bí thư. Ông Phúc tạm nhận chức bí thư và tuyên bố sẽ trao lại chức vụ này cho ông Giàu. Hội nghị đồng ý.
Không liên lạc được với Trung ương ngoài Bắc, Xứ ủy Nam Kỳ hoàn toàn không hay biết việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về nước, triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 và thành lập Việt Minh (1941). Ông Giàu kể: “Không đành chịu ngồi chờ, bất đắc dĩ bọn tôi phải tự vạch ra một đường lối cách mạng” (1) cho Nam Kỳ.
Căn cứ vào Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (tháng 11/1939) - Hội nghị Trung ương cuối cùng họp trên đất Nam Kỳ - vận dụng sao cho phù hợp với hoàn cảnh Nam Kỳ trong những năm đầu thập niên 1940, ông Giàu - nhà lý luận số 1 của Xứ ủy Nam Kỳ - đề ra khẩu hiệu chiến lược của Cách mạng ở Nam Kỳ là “Đánh đổ đế quốc Nhật, bài trừ phản động Pháp, Đông Dương độc lập muôn năm”. Ông Giàu giải thích: Phát-xít Nhật và thực dân Pháp đều là kẻ thù không đội trời chung của dân tộc Việt Nam, nhưng Nhật là kẻ thù số 1, vì các lẽ sau đây:
- Hiện nay, người thật sự làm chủ Đông Dương là Nhật chứ không phải Pháp.
- Riêng tại Nam Kỳ, các đảng phái và giáo phái thân Nhật khá đông và mạnh.
- Pháp xâm lược và đô hộ Nam Kỳ gần trăm năm nên ai cũng thấy rõ bản chất xấu xa của họ; còn Nhật (và những phe nhóm thân Nhật) đang lừa bịp nhân dân bằng chiêu bài “Đại Đông Á” khiến một số người không thấy tham vọng đế quốc của Tokyo, nghĩ rằng có thể dựa vào “người anh cả đồng chủng đồng văn” để đánh đuổi bọn xâm lược da trắng.
- Ở Nam Kỳ, ngoài số Pháp phản động (phe Decoux), còn những người Pháp tiến bộ, chống phát-xít mà ta có thể liên minh với điều kiện họ chấp nhận Đông Dương độc lập.
Trong hơn 1 năm (từ ngày thành lập đến trước cuộc đảo chính của Nhật), Xứ ủy Nam Kỳ đã:
- Khôi phục hệ thống tổ chức Đảng các cấp. Đặc biệt, ông Giàu quan tâm nhiều đến tổ chức Đảng của thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn, nơi đầu não chính trị và quân sự của địch đóng, và cũng là nơi quyết định cho sự thành bại của khởi nghĩa ở Nam Kỳ trong tương lai. Đích thân ông Giàu phụ trách Ban cán sự thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn.
- Phục hồi tổ chức công đoàn. Tháng 4/1944, 20 đại biểu công đoàn họp tại hãng thuốc lá MIC, lập ra Tổng công đoàn Nam Kỳ và bầu ra Ban chấp hành. Cho đến đầu năm 1945, riêng Sài Gòn-Chợ Lớn có 40 công đoàn cơ sở với 5.000 đoàn viên.
- Tập hợp nhiều trí thức, sinh viên, nhà công thương vào một số tổ chức như Tân dân chủ đoàn, Hội truyền bá quốc ngữ (thành lập ngày 18/8/1944), nhóm báo Thanh Niên…
- Xuất bản báo Tiền Phong và các sách bỏ túi (“Việt Nam trên đường độc lập”, “Rạng đông của dân tộc”…của Xuyên Vân Nhạn - bút hiệu của Trần Văn Giàu), mở hàng chục lớp huấn luyện chính trị không chỉ cho cán bộ, đảng viên mà cho cả trí thức, sinh viên ngoài Đảng (giảng viên là Trần Văn Giàu, được tặng biệt danh là “Thầy Giáo Đỏ”)
Nhanh chóng xây dựng và phát triển “đạo quân chính trị”, khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa (tháng 3/1945 đến tháng 8/1945)
Cuối năm 1944 - đầu 1945, nhiều sự kiện trong nước và trên thế giới làm cho quan hệ Pháp - Nhật ở Đông Dương ngày càng xấu đi.
Sau khi Paris thoát khỏi ách chiếm đóng của Đức Quốc xã (25/8/1944), De Gaulle chuyển chính phủ lưu vong của ông ta từ Alger (Algérie) về Pháp, tuyên bố “giải phóng Đông Dương” (thực chất là tái chiếm Đông Dương làm thuộc địa).
Từ giữa tháng 9/1944, Mỹ bắt đầu chiến dịch giành lại Philippines từ tay Nhật. Sau hơn 5 tháng giao tranh ác liệt, Mỹ chiếm lại Manila (25/2/1945).
Theo kế hoạch ban đầu, từ Philippines, Mỹ sẽ cho quân đổ bộ lên Đông Dương, chia cắt lực lượng Nhật ở Trung Hoa và ở Đông Nam Á.
Thực dân Pháp trước đây cam tâm làm theo lệnh của Nhật, nay tính chuyện bắt tay với Mỹ để đâm sau lưng quân Nhật. Vì vậy, Nhật quyết định ra tay trước: tiến hành đảo chính trong đêm 9/3/1945, bắt giam toàn bộ quân nhân và công chức Pháp, một mình làm chủ Đông Dương.
Ở Trung Bộ và Bắc Bộ (2), Nhật dựng lên chính phủ bù nhìn Bảo Đại – Trần Trọng Kim. Nhưng ở Nam Bộ, Nhật tiếp tục cai trị trực tiếp. Ngày 30/3/1945, Thống đốc Nam Bộ Fujio Minoda tuyên bố: “Nam Bộ không chỉ bị đặt dưới sự kiểm soát quân sự mà vẫn còn đang ở dưới sự kiểm soát quân sự của Nhật. Vì vậy, không có chuyện độc lập cho Nam Bộ”(3). Nam Bộ tiếp tục bị tách khỏi phần còn lại của lãnh thổ Việt Nam. Ở đây, “các viên chức Nhật nắm các vị trí trước đây do Pháp giữ”(4).
Ở những cấp thấp hơn, Nhật tuyển dụng những người bản xứ thân Nhật làm việc dưới sự chỉ huy trực tiếp của họ. Nhật giúp đỡ các đảng phái thân Nhật phát triển lực lượng: Đảng Phục quốc (dựa trên tín đồ các giáo phái Cao Đài Tây Ninh của Trần Quang Vinh và Hòa Hảo của Huỳnh Phú Sổ), Đảng Quốc gia (dựa trên tín đồ Tịnh độ cư sĩ), Đảng Quốc gia độc lập (do Nguyễn Văn Sâm và Hồ Văn Ngà đứng đầu), Nhật Việt phòng vệ đoàn (của Nguyễn Hòa Hiệp), Thanh niên ái quốc đoàn (của Đinh Khắc Thiệt), Võ sĩ đoàn (của Đỗ Như Ánh), Cựu binh sĩ (của Lương Văn Tương) v.v… Về phương diện quân sự, “ở Sài Gòn, Nhật có những lực lượng lớn hơn ở Hà Nội”(5).
Sau hơn một năm nỗ lực khôi phục tổ chức, lực lượng cách mạng vẫn còn ít và yếu. Xứ ủy cử Lý Chính Thắng ra Bắc để bắt liên lạc với Trung ương, nhưng lúc này Thắng chưa về lại Sài Gòn. Xứ ủy phải tiếp tục tự vạch ra đường đi nước bước cho Cách mạng ở Nam Bộ.
Trước hết ông Giàu tiếp tục khẳng định: phát-xít Nhật là kẻ thù chính của dân tộc Việt Nam, bác bỏ luận điệu của Nhật rêu rao rằng Nhật lật đổ Pháp để ban “độc lập” cho chính phủ Bảo Đại - Trần Trọng Kim. Như Thống đốc Minoda tuyên bố, Nam Bộ không có độc lập mà vẫn do Nhật trực tiếp cai trị. Do đó nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ở Nam Bộ là tiếp tục chống Nhật và tay sai của Nhật.
Mặt khác, không sớm thì muộn, phe Trục nói chung và Nhật nói riêng sẽ bại trận trước phe Đồng minh. Điều đó sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực. Cách mạng phải nhanh chóng phát triển lực lượng cho đủ mạnh để khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Ông Giàu lý luận: “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân; riêng lực lượng của Đảng không làm nổi cách mạng; phải có sự tham gia, sự nổi dậy của hàng triệu đồng bào”(6) . Nếu ta yếu, ta chỉ có thể đứng nhìn thực dân Pháp (phe De Gaulle) cũng như các thế lực xấu chớp lấy thời cơ.
Cuối tháng 3/1945, thống đốc Minoda và Tổng Ủy viên thể thao - thanh niên Ida gặp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Các quan chức Nhật biết bác sĩ Thạch là một bác sĩ giỏi, giàu có, vào quốc tịch Pháp, có vợ đầm… nhưng không biết ông là đảng viên Cộng sản. Họ nhờ bác sĩ Thạch đứng ra thành lập một tổ chức thanh niên ở Nam Bộ như tổ chức thanh niên mà Nhật đã nhờ luật sư Phan Anh thành lập ở Trung Bộ. Xứ ủy Nam Bộ “thấy đây là cơ hội tốt để Đảng nắm chắc hơn nữa phong trào thanh niên sinh viên công khai, thông qua đó mà mở một khâu đột phá để đẩy mạnh việc chuẩn bị lực lượng chính trị, đón bắt thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đang tới gần”(7).
Phong trào Thanh niên tiền phong (TNTP) ra đời, hoạt động công khai hợp pháp dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Xứ ủy Nam Bộ thông qua Đảng đoàn và Hội đồng quản trị (Bác sĩ Thạch là Bí thư Đảng đoàn kiêm Tổng thư ký Hội đồng quản trị, Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ và Huỳnh Văn Tiểng là hai ủy viên Đảng đoàn kiêm tráng trưởng phụ trách thể thao và thanh niên).
Nhiều cán bộ, đảng viên được phân công giữ các vị trí then chốt của phong trào. Ông Nguyễn Văn Trân, một cán bộ kỳ cựu của Đảng ở Nam Bộ, kể: “Chúng tôi, đảng viên Cộng sản, nắm chắc tổ chức đó và biết rõ tổ chức đó là phương tiện tạm thời, công khai, để nắm và giác ngộ tổ chức hội quần chúng. Tôi biết rõ tôi dùng “gậy ông để đánh lưng ông” (phát-xít Nhật), đưa người cảm tình Cộng sản có thân thế, uy tín ra nắm [TNTP], làm thủ lĩnh các cấp tỉnh, huyện, xã, ấp; Cộng sản nắm chặt các thủ lĩnh ấy”(8). TNTP là một tổ chức do địch lập ra nhưng được Xứ ủy sử dụng để phục vụ cho mục đích của cách mạng: đây là một tổ chức “xanh vỏ, đỏ lòng” điển hình.
Được Xứ ủy dìu dắt, TNTP trở thành một phong trào yêu nước, đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của quần chúng, nên chỉ trong một thời gian ngắn đã thu hút đông đảo người tham gia, và được thành lập ở khắp nơi: các trường học, nhà máy xí nghiệp, công tư sở, các khu phố…, lan tỏa rộng ra các tỉnh thành, quận huyện, làng xã của toàn Nam Bộ. Ngoài TNTP còn có Phụ nữ Tiền phong, Phụ lão Tiền phong, Thiếu niên Tiền phong. Đến giữa tháng 8/1945, số đoàn viên lên tới hơn 1 triệu người, trong đó thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn có 8 vạn đoàn viên.
Xứ ủy rất quan tâm đến việc nâng cao giác ngộ chính trị của đoàn viên TNTP bằng báo chí (báo Tiến, cơ quan ngôn luận của TNTP, do Mai Văn Bộ làm chủ bút), bằng biểu diễn văn nghệ (nhạc, kịch…) và nhất là bằng các lớp học tập lý luận chính trị (dạy cho cán bộ TNTP cấp tỉnh thành để họ về dạy lại cho đoàn viên cấp huyện, xã). Nhiều đoàn viên TNTP có trình độ giác ngộ cách mạng cao được kết nạp vào Mặt trận Việt Minh, có người đứng vào hàng ngũ Đảng.
Dưới vỏ bọc là thành viên TNTP, các cán bộ đảng viên có thể di chuyển hợp pháp, hoạt động công khai. Nhờ vậy, công tác của Đảng tiến triển rất tốt. Các nhà sử học nước ngoài nhận xét:
David Marr: Trần Văn Giàu “chỉ thị cho đảng viên cộng sản gia nhập TNTP ở mọi cấp, dùng TNTP làm vỏ bọc hợp pháp để khôi phục những mối liên lạc bí mật và làm phương tiện móc nối với các nhóm chống thực dân khác…Những đảng viên cộng sản tham gia TNTP đã lợi dụng địa vị hợp pháp của họ để tiến hành những công việc bí mật của Đảng như lập lại các mối quan hệ với chi bộ địa phương, kết nạp những đoàn viên TNTP đáng tin cậy nhất vào những “đội xung phong” hay thành lập các đơn vị Cứu quốc của Việt Minh” (9).
Stein Tønnesson: “Vào giữa hè 1945, phong trào TNTP kết nạp một số lớn đoàn viên trong vùng Sài Gòn và lan tỏa đến các làng xã… Nó được dùng như một phương tiện để phát triển hệ thống của Đảng cộng sản Đông Dương. Những người cộng sản nắm giữ những vị trí có chức trách ở mọi cấp trong phong trào và nhờ vậy có thể di chuyển và liên lạc một cách không giới hạn… Rõ ràng rằng chiến lược TNTP đã giúp những người cộng sản có vai trò lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc”(10).
William J. Duiker: Xứ ủy Nam Bộ “đã nắm quyền kiểm soát một tổ chức thanh niên được thành lập dưới sự bảo trợ của Nhật gọi là TNTP…TNTP đóng vai trò vỏ bọc cho những nỗ lực của Đảng vận động thanh niên yêu nước phục vụ sự nghiệp cách mạng trong tương lai… Phong trào này lan rộng trong giai đoạn mùa xuân và mùa hè 1945 tại các trường học, nhà máy và làng xã. Đến tháng Tám, TNTP đã có số hội viên trên một triệu, ở hầu hết các tỉnh Nam Bộ”(11).
Không chỉ hợp pháp hóa hoạt động của Đảng, Xứ ủy Nam Bộ còn dùng TNTP để công khai hóa tổ chức công đoàn. Cho đến đầu năm 1945, Tổng công đoàn Nam Kỳ vẫn còn hoạt động bí mật, số đoàn viên chưa đông. Sau khi TNTP ra đời, Xứ ủy cho Tổng công đoàn mang tên TNTP - Ban xí nghiệp, mượn danh nghĩa tổ chức thành viên của TNTP để hoạt động công khai hợp pháp, nhưng vẫn giữ nguyên hệ thống tổ chức của mình, có ban lãnh đạo riêng (gồm các đảng viên Hoàng Đôn Văn, Nguyễn Lưu, Nguyễn Văn Tư…). Nhờ vậy, TNTP - Ban xí nghiệp lớn mạnh nhanh chóng. Đến giữa tháng 8/1945, số đoàn viên tăng lên 120.000 người sinh hoạt trong 324 công đoàn cơ sở, chủ yếu là ở thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.
TNTP là nơi tập hợp và rèn luyện đối với giới trí thức và viên chức. Nhiều bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, luật sư, nhà giáo, nhà văn và công tư chức được cử làm thủ lĩnh, tráng trưởng, cố vấn của TNTP. Qua các lớp lý luận chính trị và qua thực tiễn hoạt động trong TNTP, nhận thức của họ về dân tộc, về cách mạng được nâng cao. Một số người gia nhập Việt Minh hay được kết nạp vào Đảng.
Đồng hành với TNTP còn có Liên đoàn công chức (gồm những người đang làm việc trong các công sở) và Liên đoàn cựu binh sĩ (quy tụ gần 1.000 người từng đi lính cho Pháp hay cho Nhật) hoạt động công khai dưới sự chỉ đạo của các cán bộ Xứ ủy.
Phong trào TNTP được các nhà nghiên cứu đánh giá cao:
“Tranh thủ điều kiện hợp pháp để tổ chức và lãnh đạo được một phong trào như TNTP là một sáng kiến độc đáo của Xứ ủy Tiền phong, tạo ra bước đột phá trong tập hợp và xây dựng lực lượng cách mạng ở Sài Gòn và Nam Kỳ” (12).
“TNTP của Sài Gòn - Gia Định đã thực sự là một đội quân chính trị hùng hậu của Đảng và có vai trò to lớn trong cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền tại thành phố. Với sự phát triển nhanh chóng, rộng rãi, TNTP đã trở thành một phong trào, một hình thức mặt trận có tổ chức do Đảng lãnh đạo” (13).
“TNTP thực sự là mặt trận đoàn kết rộng rãi những người yêu nước gồm đủ lứa tuổi, đủ giới, không phân biệt vị trí xã hội hay tín ngưỡng. TNTP đã làm được một việc hết sức quan trọng là đoàn ngũ hóa nhân dân, tập luyện cho mọi người ý thức tập thể và thống nhất hành động”(14).
“TNTP thực sự trở thành một mặt trận dân tộc thống nhất, lôi cuốn hầu hết các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo vào cao trào cách mạng toàn dân”(15).
Một tác giả băn khoăn: “Trong điều kiện đó [tức hoạt động công khai hợp pháp], Xứ ủy Tiền phong không thể công khai giương cao ngọn cờ chống phát-xít Nhật như ở Bắc Kỳ hay Trung Kỳ” và cho đó là “một hạn chế của công cuộc vận động cứu quốc ở Nam Kỳ trong thời kỳ tiền khởi nghĩa” (16).Tác giả ấy quên rằng, ngoài hoạt động công khai hợp pháp của TNTP, Xứ ủy Nam Bộ còn có những hoạt động bí mật và nửa công khai trong Đảng, trong Việt Minh, trong công đoàn v.v…
Ngay trong diễn văn đọc trước hàng vạn đoàn viên TNTP ngày 1/7/1945 tại vườn Ông Thượng (nay là công viên Tao Đàn thành phố Hồ Chí Minh), bí thư Đảng đoàn kiêm tổng thư ký TNTP Phạm Ngọc Thạch công khai kêu gọi: “Anh em hãy gia nhập hàng ngũ TNTP để đáp lại lời di chúc của mấy nhà chí sĩ cách mạng xưa, để giải phóng dân tộc ta, để chống lại hết thảy đế quốc thực dân mà kiến thiết nền độc lập của nước Việt Nam”(17). Lời kêu gọi đó là câu đáp trả cho tuyên bố ngày 30/3/1945 của thống đốc Minoda: “Không có chuyện độc lập cho Nam Bộ”. Mọi người đều hiểu “hết thảy đế quốc thực dân” bao gồm cả thực dân da trắng lẫn đế quốc da vàng, những kẻ đã và đang thống trị trực tiếp Nam Bộ và tách Nam Bộ khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Khoảng giữa tháng 4/1945, Lý Chính Thắng cùng Cái Thị Tám (tức Nguyễn Thị Kỳ, nữ giao liên của Trung ương Đảng) về tới Sài Gòn, mang theo tài liệu và thư của Trung ương gửi Xứ ủy. Lần đầu tiên Xứ ủy biết được nội dung Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941) và chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12/3/1945). Xứ ủy thành lập Mặt trận Việt Minh Nam Bộ. Những đoàn viên Tổng công đoàn Nam Bộ, TNTP, Tân dân chủ đoàn… có tư tưởng cách mạng tiên tiến được kết nạp vào Việt Minh. Có thể nói Nam Bộ lúc đó có hai mặt trận: Việt Minh (hoạt động bí mật) và TNTP (hoạt động công khai hợp pháp) - phối hợp nhịp nhàng dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy.
Nắm bắt thời cơ, phất cờ khởi nghĩa giành chính quyền (15-25 tháng 8/1945)
Ngày 15/8/1945, Nhật hoàng Hirohito tuyên bố Nhật đầu hàng vô điều kiện. Một ngày trước đó, Nhật mới chịu giao Nam Bộ cho chính phủ bù nhìn Bảo Đại - Trần Trọng Kim. Chính phủ này cử Nguyễn Văn Sâm làm khâm sai Nam Bộ (14/8), sau đó cử tiếp Hồ Văn Ngà làm quyền khâm sai (16/8) vì mãi đến chiều 22/8 Sâm mới từ Huế về tới Sài Gòn. Sâm và Ngà đều là những người thân Nhật, thủ lĩnh của Đảng Quốc gia độc lập.
Hay tin Nhật đầu hàng, bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu triệu tập Ban thường vụ Xứ ủy họp ngay trong ngày 15/8. Một Ủy ban khởi nghĩa Nam Bộ được cử ra, gồm 6 người, do ông Giàu làm chủ tịch. Thường vụ Xứ ủy vạch ra kế hoạch khởi nghĩa gồm mấy ý chính:
- Khởi nghĩa phải được tiến hành sau khi Nhật đầu hàng và trước khi quân Đồng minh kéo vào Việt Nam giải giới quân Nhật.
- Tập trung lực lượng để khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, trung tâm đầu não của địch.
- Trong đêm khởi nghĩa, lực lượng cách mạng (Tổng công đoàn Nam Bộ, TNTP…) sẽ đồng loạt chiếm các công tư sở từ bên trong, treo cờ Việt Minh; đóng giữ các cầu, các quảng trường; tuần tra các đường phố để bảo vệ an ninh trật tự.
- Ngày hôm sau, huy động nhân dân nội ngoại thành và các tỉnh lân cận đến dự mít-tinh và tuần hành chào mừng khởi nghĩa thành công và ủng hộ chính quyền cách mạng.
- Duy trì việc cung cấp điện, nước và hoạt động bình thường của nhà thương, nhà dây thép…
- Nhật đã đầu hàng nên ta không đánh vào các cơ quan và doanh trại của Nhật. Ông Giàu cử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và kỹ sư Ngô Tấn Nhơn vào tổng hành dinh Nhật ở Sài Gòn, yêu cầu Nhật giữ thái độ trung lập, không can thiệp, không cản trở công cuộc giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Thống chế Terauchi, tổng chỉ huy đạo quân Phương Nam, đồng ý.

Tuần hành chào mừng Cách mạng thành công ở Sài Gòn (25/8/1945).
Ảnh: TL.
Ông Giàu hy vọng kế hoạch của Ban thường vụ sẽ được hội nghị Xứ ủy (họp trong đêm 16/8 tại Chợ Đệm) nhanh chóng thông qua để khởi nghĩa có thể tiến hành trong đêm 17/8 hay chậm lắm là đêm 18/8. Không ngờ, có 3 cán bộ kỳ cựu - còn bị ám ảnh bởi thất bại cay đắng của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 5 năm trước đó - bàn ra. Do đó, hội nghị Xứ ủy (lần thứ 1) chưa ấn định được ngày N.
Trong khi chờ đợi, ông Giàu tìm cách tập hợp và tập dượt quần chúng.
Ngày 18/8, lễ tuyên thệ (lần thứ hai) của TNTP được tổ chức ở vườn Ông Thượng. Theo tường thuật của báo Điễn tín, “Phạm Ngọc Thạch đứng ra nói mấy lời về thời cuộc và cử chỉ hành động của TNTP lúc này. Anh Thạch được tráng sinh nam nữ và khán giả rất hoan nghênh ở những lời hùng hồn… Những khẩu hiệu “Việt Nam độc lập”, “Việt Nam thống nhất” và “Việt Nam hùng cường” được tất cả 50.000 vừa TNTP, vừa khán giả hô vang một góc trời”(18).
Đêm 20/8, Nguyễn Văn Tạo và Huỳnh Tấn Phát nói chuyện tại rạp Nguyễn Văn Hảo. Lần đầu tiên, có tiếng hô “Việt Minh muôn năm!” từ đám đông.
Đêm hôm sau, 21/8, bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng trong một buổi diễn thuyết do Liên đoàn công chức tổ chức tại rạp Nguyễn Văn Hảo. Ông nói: “Trong nước có nhiều tổ chức. Xét như vậy, Đảng cộng sản mới kêu gọi tất cả các đảng phái yêu nước, tất cả dân chúng liên hiệp lại làm một mặt trận để chống bọn đế quốc xâm lăng, để mưu đồ cuộc độc lập hoàn toàn cho nước nhà. Mặt trận ấy là Việt Nam độc lập đồng minh, tức Việt Minh”(19).Với lời tuyên bố đó, ông Giàu Minh chính thức đưa Việt Minh ra công khai.
Hay tin Hà Nội khởi nghĩa thành công ngày 19/8, ông Giàu triệu tập hội nghị Xứ ủy (lần thứ hai) vào sáng 21/8 tại Chợ Đệm và gợi ý: Sài Gòn khởi nghĩa đêm 22/8. Vẫn còn ý kiến bàn ra. Ông Giàu đề nghị: lấy tỉnh Tân An (quê hương của ông) làm thí điểm, nếu Tân An khởi nghĩa thành công thì Sài Gòn-Chợ Lớn và các tỉnh của Nam Bộ khởi nghĩa tiếp theo. Hội nghị đồng ý.
Đêm 22/8, Tân An khởi nghĩa thành công. Sáng 23/8, Hội nghị (lần thứ ba) của Xứ ủy họp tại Chợ Đệm nhanh chóng đi tới quyết định: Sài Gòn - Chợ Lớn khởi nghĩa trong đêm 24/8 và mít-tinh tuần hành sáng hôm sau. Hội nghị cũng cử ra Ủy ban hành chánh lâm thời Nam Bộ gồm 9 thành viên. Hội nghị bầu ông Giàu làm chủ tịch. Ông Giàu đề nghị bác sĩ Phạm Ngọc Thạch giữ chức vụ này nhưng bác sĩ Thạch không nhận.
Trước đó, trong ngày 22/8, TNTP- Ban xí nghiệp quyết định lấy lại tên cũ Tổng công đoàn Nam Bộ và tuyên bố là một thành viên của Mặt trận Việt Minh. Cùng ngày, TNTP cũng tuyên bố gia nhập Mặt trận Việt Minh.
Ngày 23/8, đại diện Việt Minh gặp đại diện Mặt trận quốc gia thống nhất. Mặt trận này mới thành lập ngày 14/8, gồm các đảng phái và giáo phái thân Nhật (như Đảng Quốc gia độc lập, Tịnh độ cư sĩ, Hòa Hảo, Cao Đài Tây Ninh), Nhóm Trí thức (trôtxkit) và hai tổ chức cách mạng (TNTP, Liên đoàn công chức). Thừa nhận Việt Minh là lực lượng chính trị mạnh nhất, có uy tín nhất trước đồng bào, Mặt trận quốc gia thống nhất xin gia nhập Việt Minh, tán thành khẩu hiệu “Việt Nam hoàn toàn độc lập dưới chính thể dân chủ cộng hòa, chánh quyền về Việt Minh”. Thế là mục tiêu mà Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu đề ra từ đầu năm 1945“Ta phải mạnh hơn tất cả các chánh đảng và giáo phái thân Nhật cộng lại thì mới mong đem chính quyền về tay nhân dân được”(20) nay được thực hiện.
Về tới Sài Gòn chiều 22/8, khâm sai đại thần Nguyễn Văn Sâm đánh hơi thấy cuộc khởi nghĩa sắp nổ ra, liền ra lệnh Bảo an binh phải tăng cường bảo vệ các công sở và các nhà chức trách. Viên chỉ huy Trương Văn Giàu ôn tồn trả lời:“Thưa ngài, tất cả Bảo an binh chúng tôi đã đứng về phía Việt Minh” (21).
Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn - Chợ Lớn cũng như ở khắp các tỉnh Nam Bộ diễn ra nhanh gọn, không cần phải nổ một phát súng, nhờ ba nguyên nhân:
- Kế hoạch khởi nghĩa được Xứ ủy vạch ra một cách khoa học và chi tiết.
- Lực lượng cách mạng phát triển nhanh chóng, tiềm phục từ lâu trong các công tư sở, các địa phương, chỉ cần Xứ ủy ra lệnh là đồng loạt nổi dậy.
- Các thế lực có thể gây trở ngại (Nhật và phe thân Nhật) đều bị vô hiệu hóa.
Nhà sử học Na Uy Stein Tønnesson nhận định: “Cách mạng ở Sài Gòn diễn ra sau và có ít ảnh hưởng hơn ở Hà Nội và Huế, nhưng nó được tiến hành theo một cách tập trung hơn và có trật tự hơn. Trong khi ở Hà Nội, những nhóm người biểu tình vũ trang di chuyển từ công sở này đến công sở khác để chiếm từng công sở một, thì ở Sài Gòn tất cả những điểm chiến lược được chiếm cùng một lúc. Nhiều công sở được chiếm từ bên trong bởi những chi đoàn công chức được thành lập một cách bí mật. Dinh Khâm sai Nam Bộ (22) được chiếm bởi một nhóm TNTP gồm những thư ký, những người bảo vệ v.v…
Tại Nhà dây thép, Công đoàn và Thanh niên phối hợp với nhau nắm quyền kiểm soát. Vài đơn vị vũ trang của Lực lượng phụ trợ Việt Nam [tức Bảo an binh] cũng làm binh biến. Đây là một cuộc lật đổ chính quyền hữu hiệu, yên lặng và nhanh chóng, được thực hiện trong vòng 4 tiếng đồng hồ, từ 6 giờ chiều đến 10 giờ tối và kết thúc bằng việc tuyên bố thành lập Ủy ban hành chánh [lâm thời] Nam Bộ vào ngày hôm sau, 25 tháng 8” (23).
Thành công của Cách mạng tháng Tám 1945 ở Nam Bộ có công đóng góp vô cùng to lớn và quan trọng của bí thư Xứ ủy kiêm chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Trần Văn Giàu.
Xứ ủy Tiền phong và Xứ ủy Giải phóng
Sẽ là một thiếu sót nếu nói đến Xứ ủy Nam Bộ do ông Giàu làm bí thư (thường gọi là Xứ ủy Tiền phong, vì cơ quan ngôn luận của nó là báo Tiền phong) mà không nhắc tới Xứ ủy Giải phóng (ví có xuất bản báo Giải phóng).
Trước hết, xin trích một số đoạn trong hồi ký “Từ đất Tiền Giang” của bà Nguyễn Thị Thập, một cán bộ chủ chốt của Xứ ủy Giải phóng. Bà Thập viết: “Từ sau Nam Kỳ khởi nghĩa, giặc Pháp khủng bố tàn bạo. Đảng ta lớp bị bắt, bị giết, bị tù đày. Xứ ủy Nam Kỳ không còn, các tổ chức Đảng hầu như tan rã, rời rạc, lẻ tẻ, mất liên lạc với nhau.
Những đồng chí trốn thoát cảnh bị khủng bố, phải tạm nằm yên một thời gian, rồi tự mình đi tìm đồng chí mình, gầy dựng lại cơ sở, mỗi nơi một nhóm”. Một trong những nhóm đó gồm “các đồng chí Trần Văn Di [đúng ra là Vi], Nguyễn [đúng ra là Lê] Hữu Kiều, Lê Minh Định, Trần Văn Trà, Chế (thợ giày), Bùi Văn Dự… các đồng chí này tiếp tục xuất bản bí mật tờ báo Giải phóng” nên nhóm này được gọi là Nhóm Giải phóng. “Trong lúc các đồng chí đang chuẩn bị tổ chức ra Xứ ủy Nam Kỳ thì trụ sở tại Sài Gòn lại bị bao vây và các đồng chí Ngoạn, Trà, Định, Dự và một số đồng chí nữa vào tù”(24). Sau đó đồng chí Vi cũng bị bắt. Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết tương tự: “Một số cán bộ bị bắt và cơ quan in báo ở Sài Gòn cũng bị địch đánh phá. Việc thành lập Xứ ủy của Nhóm Giải phóng không thành”(25).
Sau khi thành lập Xứ ủy Tiền phong, ông Trần Văn Giàu nhờ ông Chín Còn (em chồng bà Thập, cũng là một cán bộ của Nhóm Giải phóng) mời bà Thập tham gia Xứ ủy Tiền phong. Bà Thập từ chối, viện cớ: “Xứ ủy cũ [thật ra, Nhóm Giải phóng định lập Xứ ủy, nhưng không thành] dù bị bắt gần hết, dù chỉ còn một đôi người, nhưng đã giải tán đâu. Bây giờ, ta tập hợp, liên hệ một số đồng chí lại, khôi phục tổ chức, rồi sau sẽ thống nhất với Xứ ủy của ảnh [tức của ông Giàu]”(26).
Thế là cơ hội đầu tiên để thống nhất tổ chức Đảng ở Nam Kỳ trôi qua.
Bà Thập kể tiếp: Sau khi Nhật đảo chính Pháp, “khoảng tháng 4 năm 1945, chúng tôi họp tại Xoài Hột, bầu ra Xứ ủy lâm thời” (27)Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh viết hơi khác về ngày tháng: “Ngày 20/3/1945, các đồng chí Nhóm Giải Phóng họp tại Xoài Hột (Mỹ Tho) lập Xứ ủy Nam Kỳ lâm thời và bầu đồng chí Dân Tôn Tử [tức Trần Văn Vi] làm bí thư… Tháng 5/1945, Xứ ủy lâm thời họp tại Bà Điểm (Hóc Môn) lập ra Xứ ủy chính thức, gọi là Ban cán sự Nam Kỳ, do Lê Hữu Kiều làm bí thư”(28).
Vẫn theo Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, “Xứ ủy Tiền phong đã nhiều lần cử cán bộ liên hệ với Xứ ủy Giải phóng để bàn việc thống nhất Đảng ở Nam Kỳ”(29). Nhưng Xứ ủy Giải phóng nêu mấy vấn đề:
- Tại sao Xứ ủy Tiền phong làm khác với Trung ương: Trung ương chủ trương tổ chức Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Phụ lão Cứu quốc, Thiếu niên Cứu quốc, trương cờ đỏ sao vàng… còn Xứ ủy Tiền phong lại thành lập Thanh niên Tiền phong, Phụ nữ Tiền phong, Phụ lão Tiền phong, Thiếu niên Tiền phong, phất cờ vàng sao đỏ?
- Tại sao Xứ ủy Tiền phong ủng hộ TNTP, một tổ chức do phát-xít Nhật lập ra? Mặc cho ông Giàu giải thích, Xứ ủy Giải phóng không chịu nghe.
Theo sách “Cách mạng tháng Tám 1945 ở Sài Gòn-Chợ Lớn và Gia Định”, “Xứ ủy Tiền phong đòi gộp lại trọn gói hai Xứ ủy, không có sự phân biệt, chọn lọc cần thiết. Còn Xứ ủy Giải phóng thì cho rằng Xứ ủy Tiền phong có sự phức tạp về tư tưởng chính trị và cơ cấu thành phần, do đó đòi hỏi phải được thanh lọc, lựa chọn từng người, từng bộ phận”, nói một cách khác, Xứ ủy Giải phóng “chủ trương giải tán hết [Xứ ủy] Tiền phong để kết nạp lại vào Xứ ủy mới” (tức Xứ ủy Giải phóng) (30).
Một lần nữa, cơ hội hợp nhất hai Xứ ủy không thành.
Trong Cách mạng tháng Tám ở Nam Bộ, Xứ ủy Giải phóng (mới thành lập sau ngày Nhật đảo chính, hoạt động bí mật là chính) đã đóng góp như thế nào?
Ông Giàu nhận định: “Làm như các anh ấy [tức Xứ ủy Giải phóng] thì chẳng bao giờ có cách mạng thành công ở Nam Kỳ đâu. Có sức đâu mà làm. Thời cơ tốt thì anh em có nhiều lắm là giành được chính quyền ở mấy làng, ở một vài quận là cùng” (31).
Để khách quan, chúng ta thử xem các tác giả trong nước và nước ngoài đánh giá như thế nào về Xứ ủy Giải phóng:
“Do nhiều nguyên nhân mà hoạt động của Xứ ủy Giải phóng chỉ đạt kết quả khá hạn chế…Bản thân Xứ ủy Giải phóng cũng phạm phải sai lầm chiến thuật, quá tập trung vào việc xây dựng chỗ đứng ở nông thôn mà không có chủ trương thích hợp trong việc xây dựng lực lượng ở thành thị” (Phạm Hồng Tung) (32).
“Vì mất liên lạc với Trung ương, lại hoạt động chủ yếu ở vùng nông thôn nên Xứ ủy Giải phóng có bị hạn chế, không nắm bắt kịp thời tình hình [để] đề ra những chủ trương, nhiệm vụ mới”. Chẳng hạn, sau đảo chính 9/3/1945, chính quyền Pháp ở Việt Nam đã bị lật đổ, Xứ ủy Giải phóng vẫn “nêu khẩu hiệu đánh đuổi đế quốc Pháp và phát-xít Nhật” như cũ (Trương Bích Đào) (33).
[Xứ ủy Giải phóng] dường như không mấy thành công trong việc thành lập những hội Cứu quốc của họ và còn kém thành công hơn trong việc xây dựng các đơn vị du kích” (Stein Tønnesson) (34).
“Ở Long Xuyên, ủy ban thuộc Tiền phong đưa một đảng viên vào Ban chấp hành TNTP, che đậy phần nào hoạt động của Đảng ở cấp làng xã, trong khi đó ủy ban thuộc Giải phóng than phiền rằng các đơn vị Thanh niên Cứu quốc và Phụ nữ Cứu quốc không phát triển được vì thanh niên nam nữ bị lôi cuốn vào TNTP”(David Marr) (35).
Sở dĩ chúng tôi bàn đến vấn đề Xứ ủy Tiền phong và Xứ ủy giải phóng vì trong nửa thế kỷ sau Cách mạng tháng Tám, vấn đề này vẫn chưa được giải thích một cách khoa học.

(1), (6), (19), (20), (21), (31)
Trần Văn Giàu, Hồi ký 1940- 1945 (bản đánh máy), TP. Hồ Chí Minh, 1995, tr.67, 123, 227, 123, 234, 142.
(2)
Từ sau đảo chính, các địa danh Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ được đổi thành Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ.
(3), (4)
Ellen J. Hammer, The Struggle for Indochina, Stanford University Press xuất bản, California, 1954, tr.51, 50.
(5), (10), (23), (34)
Stein Tonnesson, The Vietnamese Revolution of 1945, Nxb Sage, London, 1991, tr.384, 388, 342.
(7), (12), (16), (32)
Phạm Hồng Tung, Nội các Trần Trọng Kim - bản chất, vai trò và vị trí lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.162, 163, 164, 158.
(8), (15)
Huỳnh Văn Tiểng, Bùi Đức Tịnh, Thanh niên Tiền phong và các phong trào học sinh - sinh viên - trí thức Sài Gòn, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1995, tr.28, 25.
(9), (35)
David Marr, Vietnam 1945 - The Quest for Power, University of California Press, Berkeley - Los Angeles - London, 1995, tr.218, 219.
(11)
William J. Duiker, Ho Chi Minh - a Life, Nxb Hyperion, New York, 2000 (bản dịch của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hà Nội, 2001, tr.215).
(13), (25), (28), (29)
Trần Trọng Tân (chủ biên), Lịch sử Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tập I, tr.184- 185, 166, 179, 179.
(14), (30)
Phạm Ngọc Bích (chủ biên), Cách mạng tháng Tám 1945 ở Sài Gòn - Chợ Lớn và Gia Định, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.95, 82- 59.
(17)
Báo Điễn Tín, ngày 3/7/1945.
(18)
Báo Điễn Tín, ngày 19/8/1945.
(22)
Dinh Khâm Sai Nam Bộ (nay là Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh) là cơ quan quyền lực cao nhất của Chính phủ Bảo Đại - Trần Trọng Kim ở Nam Bộ. Việc chiếm Dinh Khâm sai là biểu tượng cho sự sụp đổ của chính quyền bù nhìn thân Nhật ở Nam Bộ (chú thích của người trích dẫn).
(24), (26), (27)
Nguyễn Thị Thập, Từ đất Tiền Giang, Nxb Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1985, tr.259-260, 261, 265.
(33)
Trương Bích Đào, “Vai trò của các Đảng bộ Sài Gòn và Gia Định trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945”, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 4 (56), 1994.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét