Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Vị trí và vai trò của Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê trong xã hội Việt Nam


Vị trí và vai trò của Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê trong xã hội Việt Nam (Ngô Văn Hòa)
Trong quá trình dựng nước và giữ nước, những ông vua có tinh thần yêu nước rất cao này rất cần đến sự giúp đỡ, sự hiểu biết của tầng tri thức, để có thể đối đầu thắng lợi chống lại bọn xâm lược Trung Quốc. Các nhà sư và Nho sĩ là những người có văn hóa lúc bấy giờ.
Phật giáo chiếm ưu thế hơn Nho giáo, đóng một vai trò rất quan trọng trong xã hội Việt Nam thời Lý Trần và là hệ tư tưởng chính của giai cấp thống trị đương thời. Thơ văn Lý Trần thấm nhuần triết lý của đạo Phật. Chùa tháp được dựng lên nhan nhản khắp nơi trong nước, rất đông người đã cắt tóc làm tăng, làm ni khiến cho có lúc số lượng những người này đã nhiều đến mức như có tài liệu đã ghi: “Hầu bằng nửa số dân thường”.
Nhưng trước thời Lý Trần, trong thế kỷ X, Phật giáo hay nói chính thức hơn, giáo hội Phật giáo và các nhà sư, đã giữ một vị trí và đóng một vai trò gì trong xã hội Việt Nam đang sôi động đấu tranh giành độc lập dân tộc?
Những ông vua sáng lập ra các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê đều là những võ tướng và đều có những võ công hiển hách để xây dựng và củng cố nền độc lập, thống nhất đất nước. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, những ông vua có tinh thần yêu nước rất cao này rất cần đến sự giúp đỡ, sự hiểu biết của tầng tri thức, để có thể đối đầu thắng lợi chống lại bọn xâm lược Trung Quốc. Các nhà sư và Nho sĩ là những người có văn hóa lúc bấy giờ. Những tài liệu ít ỏi còn lại của các sử sách cho thấy các ông vua thời Ngô , Đinh, Tiền Lê đã dùng các nhà sư hơn là các Nho sĩ. Sư đã được mời tham dự và được giao những nhiệm vụ quan trọng trong triều đình. Nho sĩ chỉ được làm thư lại. Năm 931, nhà Đinh định ra giai phẩm cho các quan văn võ và tăng đạo, sách Đại Việt sử ký có chép đến một số tên người như “Nguyễn Bặc làm Đinh Quốc Công, Lưu Công làm Đô hộ phủ sĩ sư, Lê Hoàn làm thập đạo tướng quân, cho tăng thống Ngô Chân Lưu làm Khuông Việt đại sư, cho Trương Ma Ni làm tăng lục đạo sĩ” . Sách Việt sử thông giám cương mục chép rõ hơn : “Nhà vua tôn sùng đạo Phật, mới đặt phẩm cấp cho tăng nhân và đạo sĩ: ban hiệu thái sư cho Chân Lưu, lại cho Trương Ma Ni làm tăng lục đạo sĩ, Đặng Huyền Quang làm sùng chân uy nghi”.
Thời Tiền Lê, nhà sư Vạn Hạnh, người đứng đầu phái Thiền Tôn đã được vua Lê Đại Hành hỏi ý kiến trước khi xuất quân đáng Tống. Vạn Hạnh đã dự đoán: “Từ ba đến bảy ngày giặc Tống phải tan” và khuyên vua “Nên đánh ngay đừng để mất thời cơ” . Sau khi đánh thắng quân Tống xâm lược, việc ngoại giao đã trở thành một trong những công việc trọng yếu bậc nhất của nhà nước. Năm 987, nhà Tống sai Lý Giác sang nước ta. Vua Lê Đại Hành sai Pháp sư tên là Thuận giả làm Giang lệnh ra đón, hay nói theo ngôn từ hiện đại, nhà vua đã cử nhà sư làm một nhà ngoại giao cao cấp. Tài năng của Pháp sư đã khiến cho sứ nhà Tống phải khâm phục. Khi đến sứ quán, Lý Giác đã làm một bài thơ đưa cho pháp sư. Pháp sư đem thơ này dâng vua, vua triệu sư Khuông Việt vào xem. Khuông Việt nói: “Thơ này có ý tôn trọng bệ hạ không khác gì vua Tống”, nhà vua rất mừng. Khi Lý Giác ra về, nhà vua sai Khuông Việt làm bài hát để tiễn. Trong công việc ngoại giao với nhà Tống, hai sư Khuông Việt và Pháp Thuận đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, khiến cho người ta liên tưởng đến một nhà ngoại giao lỗi lạc thời kỳ sau này là Ngô Thì Nhậm. Sử gia Phan Huy Chú đã có nhận xét và đánh giá rất đúng đắn công lao của hai nhà sư này như sau: “Khúc hát hay cũng đủ khoe có nhân tài, mà quốc thể được thêm tôn trọng, làm cho người Bắc phải khuất phục. Sau này mỗi khi sứ Trung Quốc về nước đều có đưa thơ tiễn tống để khoa trương văn hoá, bắt đầu thực tự là đây”.
Qua những sự kiện trên đây, chúng ta thấy trong ba tôn giáo chính Phật, Nho, Lão của xã hội Việt Nam, Phật giáo là tôn giáo chiếm ưu thế trong xã hội, Phật giáo đã giữ vị trí số một lấn át rất nhiều Nho giáo. Triều đình trọng dụng giáo hội Phật giáo và các nhà sư hơn là các Nho sĩ. Đây là một đặc điểm của xã hội Việt Nam hồi thế kỷ X cũng như của các thế kỷ tiếp theo, khiến cho ngay từ khi giành được độc lập, xã hội Việt Nam đã khẳng định những nét khác so với xã hội Trung Quốc.
Trung Quốc có ba tôn giáo chính: Nho, Phật, Lão. Từ thời nhà Hán, Nho giáo đã chiếm đựơc địa vị độc tôn. Nhà vua đã sai làm lễ thái lao tế Khổng Tử, đặt quan bác sĩ để truyền dạy năm kinh. Từ đó trở đi, Nho giáo mỗi ngày một thịnh, mặc dầu trong nước có đạo Phật, Lão mặc lòng, bao giờ Nho giáo cũng vẫn được trọng hơn.
Phật giáo bắt đầu được truyền bá đến Trung Quốc, quê hương của Khổng Tử thời nhà Hán, khi Nho giáo đã trở thành hệ tư tưởng thống trị trong xã hội Trung Quốc. Từ đó Phật giáo đã dần dần được lan rộng ra khắp đất nước Trung Quốc và ngày càng phát triển với thời gian. Có những thời gian Phật giáo đã trở nên thịnh đạt như dưới thời Đường hoặc trước đó, dưới thời Bắc triều, khi lực lượng ngoại tộc và thống trị đất nước Trung Quốc. Thời Hiếu Văn đế (bắc triều thế kỷ thứ V), tất cả các chùa mới và cũ ở trong thành Lạc Dương có đến một trăm ngôi, tăng ni có đến hơn hai trăm người, còn chùa ở các nơi khác có đến hơn sáu nghìn ngôi, tăng ni có tới hơn 77.000 người . Phật giáo lôi kéo được một số đông người tin theo, nhưng chưa bao giờ, cho đến thế kỷ X, Phật giáo lấn át được Nho giáo và giữ được vị trí số một trong xã hội Trung Quốc.
Trong khi Phật giáo chỉ tạo ra được một chỗ đứng thứ hai trong xã hội Trung Quốc, thì ở các nước Đông Nam Á, đạo Phật đã gặp một số phận may mắn hơn. Từ đất Phật, Ấn Độ, các nhà sư đã dùng đường biển để đến truyền đạo các nước Đông Nam Á. Tại đây, trừ tín ngưỡng nhân gian địa phương, đạo Phật đã không gặp phải một hệ tư tưởng lớn của một nền văn minh khác như kiểu Nho giáo cạnh tranh hay đối địch. Do đó, đạo Phật đã gặp được những miếng đất tốt để ăn sâu cắm rễ trong xã hội và phát triển. Đạo Phật đã trở nên rất thịnh đạt ở tất cả các nước Đông Nam Á trừ Philippin, thậm chí còn trở thành quốc giáo tại một số nước trong vùng: Campuchia, Lào, Chiêm Thành, những tiểu quốc ở bán đảo Mã Lai, những vương quốc SuMatra, Bali, Giava, Vương quốc Thái và Miến Điện. Cho đến thế kỷ VI, người ta đã thấy xuất hiện một loạt những vương quốc chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn Độ, từ lưu vực sông Iraoadi, hạ lưu sông Mê kông, đến miền cực Tây đảo Giava. Trong phần lớn trường hợp, đạo Phật đã mở đường cho việc những vương quốc này du nhập nền văn hoá Ấn Độ. Người ta đã tìm thấy những tượng Phật kiểu Amarevati ở Pong Tuk và Cò-Rạt (Thái Lan), Đông Dương (Chiêm Thành), Palembang (Su-ma-tra), Java, Boócnêô . Vương quốc Phù Nam đã biết đến đạo Phật tiểu thừa từ thế kỷ V, VI dưới những triều đại Jayavarman và Rudravarman. Đạo Phật đại thừa đã bành trướng mạnh mẽ vào thế kỷ VIII ở những vương quốc Thái, Nam Chiếu (Miến Điện), bán đảo Mã Lai, Java, Campuchia. Ở kinh đô của vương quốc P’iao (Miến Điện), người ta đã thấy hơn một trăm ngôi chùa thờ Phật, những ngôi chùa này rất lộng lẫy và được trang trí bằng vàng, bạc, những bức tranh đầy màu sắc và tường được phủ bằng những tấm thảm thêu. Con trai và con gái đều cạo trạcđầu lúc lên bảy tuổi và được gửi vào chùa. Họ ở đây cho đến khi 20 tuổi để học kinh Phật. Sau đó họ mới quay về sống một cuộc đời bình thường ở ngoài đời. 
Việt Nam là một nước nằm trong vùng Đông Nam Á nên cũng như nhiều nước khác ở đây, từ rất sớm đã biết đến đạo Phật. Đạo Phật, sau khi truyền bá ở các xứ Ấn Độ, đã lan ra các nước châu Á vừa theo đường bộ vừa theo đường thủy. Nhờ các thương đoàn, đạo Phật qua Trung Á vào Mông Cổ, Tây Tạng, rồi đến Trung Quốc. Còn đường biển thì đạo Phật đi qua Xrilanka, truyền qua Mã Lai vào Đông Dương rồi sang Trung Quốc. Phật giáo truyền sang nước ta theo hai đường, một đường do Ấn Độ dương và một đường do Trung Quốc. Các nhà sư đác đến truyền đạo ở nước ta từ thế kỷ II. Từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ VI, việc dịch và thuyết pháp kinh Phật ở Việt Nam còn thịnh hành hơn ở Trung Quốc. Việt Nam còn là môi giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc và là một trong những trung tâm truyền bá của đạo Phật. Một nhà nghiên cứu về lịch sử Phật giáo ở nước ta đã đưa ra một nhận xét xác đáng: “Phật giáo nước Nam giúp cho Trung Quốc hơn là phần Trung Quốc đem sang cho nước Nam”. Trong suốt thời gian dài Bắc thuộc đạo Phật vẫn được phát triển trong bối cảnh bọn thống trị Trung Quốc ra sức cổ suý cho Nho giáo. Nhưng phải mãi đến thế kỷ X, khi nhân dân ta đã vùng lên đấu tranh thắng lợi giành lại nền độc lập dân tộc thì đạo Phật mới chiếm đựơc vị trí ưu thế rõ ràng trong xã hội nước ta cũng giống như tình trạng chung của nhiều nước Đông Nam Á. Điều này có ý nghĩa quan trọng.
Trong suốt một ngàn năm Bắc thuộc, trong xã hội nước ta đã luôn luôn diễn ra quá trình đồng hoá và chống đồng hóa, Hoa hoá và giải Hoa hoá. Nền văn hoá Việt có sự thay đổi so với thời Hùng Vương nhưng là một sự đổi thay theo chiều hướng pháp triển đi lên. Nhân dân ta vẫn giữ vững, bảo tồn được vốn liếng văn hoá dân tộc tích lũy được qua hàng ngàn năm trước, trong khi đó nhân dân ta vẫn không ngừng tiếp thu, tiến hoá và làm chủ những ảnh hưởng văn hóa của nước ngoài, bất kể từ Trung Quốc đến Ấn Độ và các nước phương Nam. Cùng với những chiến công lừng lẫy lịch sử, trong thế kỷ X, quá trình Hoa hoá và Việt hoá đã kết thúc thắng lợi, hoặc nói như một nhà sử học Mỹ chuyên nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á “Nền văn minh Việt Nam mang tính chất bản địa nhiều hơn là tính chất Trung Quốc” Trên bình diện văn hoá, xã hội, việc khẳng định vị trí số một của Phật giáo chứng tỏ các triều đại Việt Nam đã triệt để sử dụng tính chất “nhập thế” của các nhà sư, làm chủ được hệ tư tưởng Phật giáo như là một công cụ truyền bá nền văn minh Ấn Độ một cách hoà bình, một chỗ dựa tinh thần trong việc khẳng định nền độc lập tự chủ mới mẻ của mình, cũng như ý chí dứt khoát muốn thoát vòng kim kẹp tinh thần của bọn xâm lược Trung Quốc. Vừa giành được độc lập dân tộc, các triều đại Việt Nam cũng cho thấy chưa thể tin vào Nho giáo – một hệ tư tưởng có một quá khứ rất nặng nề gắn liền với lực lượng thù địch của dân tộc cùng với vó ngựa của những đoàn quân viễn chinh. Đó là công cụ nô dịch tư tưởng và tinh thần của bọn thống trị xâm lược Trung Quốc đối với người Việt.
Khi truyền bá vào Việt Nam, cũng như vào các nước khác, Phật giáo thường tôn trọng và pha trộn với những tín ngưỡng, tôn giáo dân gian cổ truyền của từng địa phương. Dưới thời Bắc thuộc, bọn đô hộ Trung Quốc để cho đạo Phật phát triển hòng lợi dụng triết lý của đạo Phật hòng làm nhụt ý chí chiến đấu của những người bị nô dịch. Nhưng nhân dân ta lại tìm thấy trong đạo Phật những thuyết bác ái, bình đẳng, từ bi hỷ xả và thuyết “Phật tại tâm” những chỗ phù hợp với tâm hồn Việt Nam Phật giáo đã không ngăn cản mà trái lại từ thế kỷ X đã góp phần tích cực vào việc vun trồng ý chí độc lập, tự cường, tinh thần dân tộc và ý chí độc lập của dân tộc, Phật giáo đã trở thành một bộ phận cấu thành của nền văn minh Đại Việt. Do đó, đạo Phật đã có điều kiện đâm chồi mọc rễ thật sâu ở nước ta vào những làng xóm Việt Nam. Từ đó, những ngôi chùa và đình đã trở thành những bộ phận hữu cơ, thân thiết, tượng trưng cho làng xóm Việt Nam, cơ cấu chủ yếu của đất nước ở thế kỷ X và những thế kỷ sau. Phật giáo đã góp phần tạo ra những đức tính khoan hoà, giản dị và phóng khoáng cho những làng xóm có quang cảnh: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt”.
Đất của vua và vua giao cho làng chia cho những thành viên của mình. Nhưng việc coi sóc phần đời sống tinh thần, phần hồn của những người nông dân trong làng lại do những vị sư trong chùa đảm nhiệm. Đó là những người trí thức đầu tiên của làng, những người có uy tín và được trọng vọng vì đã góp phần động viên quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh chống bọn xâm lược Trung Quốc.
Đạo Phật đã được dung hoà với những tín ngưỡng dân gian để góp phần tạo thành hệ tư tưởng của những người nông dân Việt Nam sống quây quần, đùm bọc trong các làng, hệ tư tưởng phù hợp với xã hội Việt Nam theo mô hình “Phương thức sản xuất châu Á”.
Nhìn chung lại, bằng những đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Phật giáo đã tìm thấy chỗ đứng xứng đáng với nó trong xã hội Việt Nam hồi thế kỷ X, và đặt nền móng cho những bước phát triển sau này của Phật giáo trong những thế kỷ tiếp theo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét