Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

Về sự vận dụng sáng tạo Tuyên ngôn Đảng Cộng sản vào cách mạng Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Về sự vận dụng sáng tạo Tuyên ngôn Đảng Cộng sản vào cách mạng Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tác giả : Th.s Thái Bình Dương - GVC Trường Đại học Vinh


Ngày 24 tháng 02 năm 1848, Tuyên ngôn Đảng Cộng sản do C.Mác, F.Ăngghen soạn thảo đã được xuất bản lần đầu tiên tại Luân Đôn. Đó là một tư tưởng lớn, một tư duy vạch dòng thời đại. Tuyên ngôn Đảng Cộng sản đã thực sự trở thành cương lĩnh chính trị của Chủ nghĩa cộng sản khoa học; là ngọn cờ tư tưởng và kim chỉ nam hành động cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Bảy mươi năm, sau ngày Tuyên ngôn Đảng Cộng sản ra đời, Chủ nghĩa cộng sản khoa học từ lý luận trở thành hiện thực bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, đã mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
        Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra, lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than khổ cực, Người đã ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Sau gần một thập kỷ bôn ba, tìm tòi, khảo nghiệm ở các nước tư bản, các thuộc địa trên các châu lục, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm được con đường cứu nước, giải phóng dân tộc là con đường cách mạng vô sản. Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã nghiên cứu kỹ, thấm nhuần những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó có Tuyên ngôn Đảng Cộng sản. Khi nghiên cứu Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã thấm nhuần lời nhắc nhở của C.Mác, F.Angghen đối với những người cộng sản: “Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, việc vận dụng những nguyên lý đó cũng phải tuỳ thuộc vào hoàn cảnh đương thời”(1). Vì vậy, khi truyền bá và vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh luôn căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể Việt Nam vận dụng sáng tạo, đề ra cương lĩnh, đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn. Sự vận dụng và phát triển sáng tạo Tuyên ngôn Đảng cộng sản của Hồ Chí Minh được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, trong bài viết này chúng tôi chỉ xin đề cập một vài vấn đề:
        1. Về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam: Tuyên ngôn Đảng Cộng sản đã khẳng định, giai cấp công nhân cần phải có một chính đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh của giai cấp mình. Đó là Đảng Cộng sản - đội tiên phong của giai cấp công nhân - để đoàn kết giai cấp và nhân dân lao động tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lật đổ giai cấp tư sản thiết lập chuyên chính của giai cấp vô sản. V.I.Lênin coi sự ra đời của Đảng Cộng sản là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân. Vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, một nước thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế nông nghiệp lạc hậu, Hồ Chí Minh thấy rằng, việc ra đời của Đảng Cộng sản nếu chỉ kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân thì chưa đủ, vì giai cấp công nhân còn nhỏ bé, phong trào cách mạng còn non yếu. Khái quát về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã viết: “Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”(2). 
        Theo Hồ Chí Minh, giai cấp công nhân Việt Nam tuy mới ra đời còn non trẻ, số lượng ít ỏi nhưng đã có đầy đủ những đặc điểm chung của giai cấp công nhân thế giới như: sống tập trung, có tinh thần cách mạng cao và là giai cấp duy nhất có khả năng đảm nhiệm sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngoài những đặc điểm chung đó, giai cấp công nhân Việt Nam có những đặc điểm riêng của mình: giai cấp công nhân Việt Nam ra đời muộn hơn giai cấp công nhân thế giới nhưng lại ra đời trước giai cấp tư sản dân tộc nên nó đã kế thừa được truyền thống tốt đẹp của dân tộc là yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất, cần cù, thông minh, sáng tạo, yêu thương con người, có tình nghĩa... Giai cấp công nhân Việt Nam sinh ra hoà mình vào phong trào đấu tranh của dân tộc, được sự nuôi dưỡng của phong trào dân tộc. Trong giai cấp công nhân Việt Nam không có bộ phận "công nhân quý tộc" nên không có miếng đất cho chủ nghĩa cải lương, công đoàn phát triển. Giai cấp công nhân xuất thân từ giai cấp nông dân, khi chủ nghĩa đế quốc áp đặt ách thống trị lên đất nước ta, người nông dân bị bần cùng hoá, “cha đi vào đồn điền, hầm mỏ, anh đi vào đất đỏ cao su, bán thân đổi mấy đồng xu”, trở thành người của giai cấp công nhân. Do đó có sự gắn bó mật thiết và mối đồng minh tự nhiên để thiết lập liên minh công nông, tạo nên sức mạnh, nền tảng cho cách mạng. 
        Phong trào yêu nước có trước phong trào công nhân, nó được hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước, là dòng chủ lưu. Chính vì vậy, yêu nước là nấc thang cao nhất trong bảng thang giá trị văn hoá tinh thần của con người Việt Nam. Phong trào yêu nước có bề dày trong truyền thống lịch sử của dân tộc, là động lực, sức mạnh to lớn làm nên những thắng lợi vẻ vang trong quá trình chống ngoại xâm, giành và giữ độc lập dân tộc. Nói đến phong trào yêu nước trong tiến trình lịch sử dân tộc, chủ yếu là phong trào nông dân; đến những năm đầu thế kỷ XX mới có thêm phong trào của tiểu tư sản trí thức.. Phong trào yêu nước đã từng đấu tranh giành độc lập dân tộc, đồng thời đấu tranh giành quyền dân chủ, đó là dân chủ phi vô sản. Đến những thập niên đầu thế kỷ XX, khi phong trào yêu nước bế tắc khủng hoảng về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, nó dễ dàng tiếp nhận con đường dân chủ vô sản. 
        Mặt khác, giữa phong trào công nhân và phong trào yêu nước có điểm tương đồng, mẫu số chung là những người dân mất nước, nô lệ và mục tiêu chung là đấu tranh để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Phong trào yêu nước với mục tiêu cao nhất là đấu tranh, giải phóng cho dân tộc thoát khỏi xiềng xích nô lệ. Giai cấp công nhân đấu tranh nhằm giải phóng cho giai cấp mình, giải phóng cho dân tộc. Song muốn giải phóng cho giai cấp thì trước hết phải giải phóng cho dân tộc.
        Chủ nghĩa Mác - Lênin, là tiền đề lý luận, đáp ứng cho cả phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đối với phong trào công nhân khi chưa có lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin dẫn đường, họ đấu tranh tự phát, hoà mình vào phong trào yêu nước. Khi tiếp nhận được chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào công nhân đã chuyển từ đấu tranh tự phát sang tự giác; từ chỗ hoà mình vào phong trào yêu nước, đã vươn lên nắm quyền lãnh đạo phong trào và đưa phong trào yêu nước đấu tranh theo con đường cách mạng vô sản.  Theo Hồ Chí Minh, phong trào yêu nước là miếng đất màu mỡ cho chủ nghĩa Mác - Lênin gieo mầm và phát triển. Sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc đã tạo ra điều kiện, phương tiện cho các dân tộc vùng lên đấu tranh tự giải  phóng, “chủ nghĩa đế quốc đã dọn đất rồi, chủ nghĩa cộng sản chỉ cần gieo hạt giống nữa thôi”. Khi phong trào yêu nước đấu tranh theo con đường Cần Vương, con đường dân chủ tư sản đều lần lượt thất bại, sự bế tắc khủng hoảng về con đường cứu nước, bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin như  “đang khát có nước uống, đang đói có cơm ăn”, họ đã tiếp nhận và góp phần tích cực thúc đẩy quá trình hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam. 
        Việc Hồ Chí Minh đưa thêm yếu tố phong trào yêu nước vào trong các yếu tố cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một luận điểm sáng tạo, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin về sự ra đời của Đảng Cộng sản, phù hợp với một nước thuộc địa, nửa phong kiến. Luận điểm đó không những có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cho cách mạng nước ta mà còn có ý nghĩa đối với các nước có điều kiện, hoàn cảnh tương tự Việt Nam.
        2. Về vấn đề dân tộc và giai cấp:  Vấn đề quan trọng, cốt lõi của cách mạng vô sản trong Tuyên ngôn là đấu tranh giai cấp. Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác, vấn đề dân tộc luôn gắn với một giai cấp nhất định, không có dân tộc phi giai cấp, siêu giai cấp. Vấn đề dân tộc ở các nước Tây Âu đã được giai cấp tư sản giải quyết. Các nước Tây Âu là các quốc gia, dân tộc độc lập, không có sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, và chính họ lại đi xâm lược, áp bức thuộc địa. Mặt khác, ở Tây Âu xã hội công dân ra đời sớm, sự phân hoá giai cấp triệt để, mâu thuẫn giữa giai cấp giữa tư sản và vô sản đối chọi nhau, một mất, một còn. Vấn đề C.Mác- F.Ăngghen quan tâm là vấn đề xã hội Tây Âu quan tâm: đó là đấu tranh giai cấp.  Điều đó hoàn toàn đúng ở Tây Âu, vì khi giai cấp vô sản lật đổ tư sản, giải phóng cho giai cấp mình, đồng thời giải phóng cho dân tộc. Vì thế, trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Mác kêu gọi  “giai cấp vô sản ở mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự xây dựng thành một giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu”(3). Đưa vấn đề đó vào Việt Nam thì đúng nhưng chưa đủ, vì  ở Việt  Nam  xã  hội  thuộc địa  nửa  phong kiến, mâu thuẫn xã hội chưa phát triển cao như ở Tây Âu. Người chỉ rõ: “Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra như ở phương Tây”, bởi vì “về mặt cấu trúc kinh tế, không giống các xã hội phương Tây thời trung cổ, cũng như thời cận đại, và đấu tranh giai cấp ở đó không quyết liệt như ở đây”(4). Nguyễn Ái Quốc phân tích làm sáng rõ: “Những địa chủ hạng trung và hạng nhỏ và những kẻ mà ở đó được coi là đại địa chủ thì chỉ là những tên lùn tịt, bên cạnh những người trùng tên với họ ở châu Âu và châu Mỹ”... “nếu nông dân gần như chẳng có gì thì địa chủ cũng không có vốn liếng gì lớn; nếu nông dân chỉ sống bằng cái tối thiểu cần thiết thì đời sống của địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa; nếu thợ thuyền không biết mình bị bóc lột bao nhiêu thì chủ lại không hề biết công cụ để bóc lột của họ là máy móc. Sự xung đột về quyền lợi của họ được giảm thiểu. Điều đó, không thể chối cãi được”(5).
        Mặt khác, Việt Nam còn bị sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, dân tộc còn nô lệ. Cho nên, địa chủ, nông dân, tư sản dân tộc, tiểu tư sản đều có điểm tương đồng là người dân nô lệ, mất nước và có nguyện vọng giải phóng dân tộc. Mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Việt Nam cần giải quyết là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Vì vậy, muốn giải phóng giai cấp vô sản theo học thuyết của Các Mac thì trước hết phải giải phóng cho dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Có giải phóng được dân tộc mới giải phóng được giai cấp, nếu chỉ đấu tranh giải phóng giai cấp thì không thể giải phóng được giai cấp và cũng không thể giải phóng được dân tộc, vì  chủ nghĩa đế quốc sẽ đàn áp cách mạng.
        Nắm vững bản chất cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã độc lập, tự chủ đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, không giáo điều, dập khuôn. Trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng, Hồ Chí Minh đã xác định: “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập”.(6). Từ sự phân tích, thấy rõ vai trò, vị trí của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, Người chủ trương liên minh các giai cấp, các tầng lớp yêu nước: “Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo, làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn địa chủ và phong kiến” …Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt,.v.v... để lôi kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng Lập hiến.v.v..) thì phải đánh đổ”(7). Nguyễn ái Quốc đặt giải phóng dân tộc lên hàng đầu nhằm đoàn kết tập hợp hết thảy các lực lượng yêu nước, thương nòi, tạo ra sức mạnh dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, Người luôn đứng vững trên lập trường, quan điểm của giai cấp vô sản để giải quyết vấn đề dân tộc: “Trong khi liên lạc với các giai cấp, phải cẩn thận, không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thoả hiệp”(8). Như vậy, Nguyễn ái Quốc đã đứng vững trên lập trường của giai cấp vô sản để giải quyết vấn đề dân tộc. Tư tưởng đó đã soi sáng cho Đảng và nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi trong tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám (1945). Đây là luận điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh đã bổ sung, phát triển cho chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến. 
        Những nguyên lý do C.Mác, F.Ăngghen nêu lên trong Tuyên ngôn đã được Hồ Chí Minh luôn luôn quán triệt, vận dụng và phát triển sáng tạo đã đưa cách mạng Việt Nam đi tới giành những thắng lợi to lớn. Ngày nay, bối cảnh lịch sử mới đang đặt ra cho chúng ta tiếp tục nghiên cứu vận dụng sáng tạo những nguyên lý đó vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn. 
        Chú thích:1. C.Mác và Ph.Ăngghen. Tuyển tập, tập I. Nxb Sự thât – Hà Nội 1980, tr 504
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10. Nxb Chính trị quốc gia – Hà Nội 2000, tr 8.
3. C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, tập 4. Nxb Chính trị quốc gia – Hà Nội 1995, tr 623 - 624
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1. Nxb Chính trị quốc gia – Hà Nội 2000, tr 465.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1. Nxb Chính trị quốc gia – Hà Nội 2000, tr 464.
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3. Nxb Chính trị quốc gia – Hà Nội 2000, tr 3.
7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3. Nxb Chính trị quốc gia – Hà Nội 2000, tr 3.
8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3. Nxb Chính trị quốc gia – Hà Nội 2000, tr 3.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét