Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

VĂN HÓA SA HUỲNH TRÊN ĐẤT QUẢNG NGÃI


VĂN HÓA SA HUỲNH TRÊN ĐẤT QUẢNG NGÃI
                                                                                     Đoàn Ngọc Khôi
        Văn hóa Sa Huỳnh được biết đến khá sớm ở nước ta, bắt đầu từ năm 1909. Từ đó đến nay, đã gần một thế kỷ, nhiều phát hiện và nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh ở trong nước cũng như ngoài nước, của các học giả Việt Nam cũng như các học giả nước ngoài cứ ngày một nhiều hơn và ngày một làm rõ hơn diện mạo và những mối giao lưu rộng rãi khắp vùng Đông và Đông Nam Á của văn hóa này.
Các nhà khảo cổ học Việt Nam đã thống nhất cách phân kỳ lịch sử nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh thành hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất từ năm 1909-1975. Giai đoạn thứ hai từ năm 1975 đến nay.
1. Khởi đầu năm 1909 mốc quan trọng của là về văn hóa Sa Huỳnh của M. Vinet về khu mộ chum vùi đồi cát ven biển cạnh đầm An Khê của vùng Sa Huỳnh, cực nam tỉnh Quảng Ngãi. M. Vinet thông báo trong BEFEO về một kho chum ước tính khoảng 200 chiếc vùi không sâu trong cồn cát biển. Những chiếc chum bằng đất này có chiều cao trung bình 0,80m, khác nhau về hình dáng, trong chứa những chiếc nồi, bình bằng gốm và những đồ trang sức bằng đá quý, thủy tinh. Khái niệm “một kho chum” (Un Dépôt de Jarre) lần đầu tiên được M.Vinet sử dụng. Sau này khi chỉnh lý hiện vật bà LaBarre đào năm 1923 ở Sa Huỳnh, H. Parmentier đưa ra khái niệm “kho chum Sa Huỳnh” (Dépôts de Jarres à Sahuynh) nhằm để chỉ khối lượng lớn các cụm mộ chum chôn trong giải cồn cát của vùng Phú Khương (Quảng Ngãi). Địa hình vùng Sa Huỳnh là núi lan ra ven biển, đồng bằng hẹp với giải cồn cát kéo dài ngăn cách biển và các khu đầm nước ngọt hoặc nước lợ ở bên trong. Trên dải cồn cát này, năm 1934 M.Colani khai quật 55 chum ở Thạnh Đức và 187 chum ở Phú Khương. Ngoài ra M.Colani còn khai quật ở Tăng Long (Động Cườm), Đông Phù, Phú Nhuận (Bình Định). Kết quả được bà công bố rải rác trong hội nghị Tiền sử Viễn Đông học tại Manila (Philipin) năm 1935 và trong tạp chí BEFEO. Tuy nhiên mãi đến năm 1936 trong bài viết Ghi chú về tiền sơ sử Quảng Bình, phát hiện mộ chum ở Cổ Giang và Cương Hà đăng trên tạp chí “Những người bạn Huế xưa”, M.Colani lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “Văn hóa Sa Huỳnh”, nội dung “Bằng vào các tóm tắt và các mô tả trên, người ta thấy rằng nền văn hóa cạnh Đồng Hới này có những điểm gần gũi với Văn hóa Sa Huỳnh và Văn hóa Đông Sơn”. Song M.Colani không kèm theo định nghĩa khái niệm “Văn hóa Sa Huỳnh”.
2. Sau năm 1975 là thời kỳ phúc tra, phát hiện mới và nghiên cứu lại văn hóa Sa Huỳnh. Công cuộc nghiên cứu bắt đầu từ nơi khai sinh văn hóa Sa Huỳnh đó là vùng đất Quảng Ngãi vào năm 1976, 1977, Viện Khảo cổ học đã trở lại chính Sa Huỳnh, nơi người Pháp nghiên cứu trước đây để phúc tra. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện được di chỉ cư trú ở ngay Sa Huỳnh có tầng văn hóa dầy hơn 2m. Trong tầng văn hóa chứa cả hiện vật: rìu, cuốc, chày nghiền, nhiều mảnh gốm, mộ có kích thước lớn là chum gốm cổ. Năm 1977, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã cùng Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình khai quật địa điểm Gò Ma Vương ở thôn Long Thạnh. Tiếp đó năm 1978, Viện Khảo cổ tổ chức khai quật diện rộng 150m2 ở khu vực này. Di tích Long Thạnh niên đại ở giai đoạn sơ kỳ đồng thau, là di tích sớm ở thời đại đồ đồng ở ven biển miền Trung. Long Thạnh có các bộ sưu tập công cụ đá, đồ trang sức đặc trưng phong phú đẹp. Long Thạnh phát triển trực tiếp lên Sa Huỳnh.
Trong giai đoạn này lên địa bàn Quảng Ngãi có nhiều những phát hiện nghiên cứu mới và quan trọng của các nhà khảo cổ Việt Nam. Đó là địa điểm khảo cổ học Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) được phát hiện năm 1977 và năm sau Viện Khảo cổ học tổ chức khai quật lớn với diện tích 400m2. Các nhà khảo cổ học thấy ở đây có cả khu vực mộ táng và khu vực cư trú. Điều đáng nói là cách thức chôn cất ở đây có nhiều nét khác biệt với cách chôn ở địa điểm Sa Huỳnh. Hiện vật tìm được cũng có những nét đặc trưng riêng. Vì thế lúc đầu, nhiều nhà khoa học có những nhận định không thống nhất: nên hay không nên xếp vào hệ thống Sa Huỳnh? Nhưng qua các tài liệu nghiên cứu gần đây cho thấy Bình Châu nằm trong phổ hệ văn hóa Sa Huỳnh, là di tích tiền Sa Huỳnh, có nguồn gốc phát triển từ Long Thạnh, tham gia vào sự hình thành Sa Huỳnh sắt. Đặc biệt năm 2001, 2002 đã thám sát và khai quật cụm di tích có tính chất văn hóa sớm của Bình Châu ở ngay khu vực chân gò cát Bình Châu, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Đặc trưng của di tích Bình Châu II có tầng văn hóa dày gần 2m tìm thấy một lớp sớm nhất tương tự với lớp sớm nhất của Xóm Ốc, tiếp đến là lớp Long Thạnh muộn và phát triển lên lớp Bình Châu I của năm 1978. Qua diễn biến địa tầng ở Bình Châu II có thể kết nối những giai đoạn phát triển của văn hóa Tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh và khẳng định Bình Châu là di tích Tiền Sa Huỳnh phát triển lên Sa Huỳnh.
Trên địa bàn Quảng Ngãi còn có những điểm di tích Tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh khác nữa như: Địa điểm Núi Sứa được điều tra thám sát, tìm thấy mộ vò và tầng văn hóa dày khoảng 50 cm. Năm 1982 tại cánh đồng Gò Văng ở miền núi Quảng Ngãi nhân dân canh tác tìm được nhiều hiện vật văn hóa Sa Huỳnh như rìu, cuốc, chày nghiền bằng đá, hạt chuỗi bằng bạc, hạt mã não hình cầu. Cũng ở miền núi Quảng Ngãi, năm 1987 Định Bá Hòa thông báo những phát hiện văn hóa thời đại kim khí lẻ tẻ nằm ở xã trà Xuân, huyện Trà Bồng và ở đồi Đồng Tranh, xã Tinh Thọ, huyện Sơn Tịnh. Khu vực này tìm được rìu đá có vai, rìu đá tứ giác, các mảnh gốm có hoa văn khắc cạnh, rìu vỏ sò... Tại đồi Đồng Tranh có 2 mộ vò mà bên trong có chì sống than tro. Hàng loạt các địa điểm di tích cư trú và mộ táng thời đại kim khí như: Gò Nà, Gò Quánh, Gò Mả Chóc, Đồng Chim Chim, được Đoàn Ngọc Khôi nghiên cứu và thông báo. Ngoài ra các địa điểm cư trú lẻ tẻ như Gò Đình được Nguyễn Chiều thông báo. Gò Kim được Bùi Văn Liêm thông báo tìm thấy mộ chum, có thể là một di tích nằm trong hệ thống văn hóa Sa Huỳnh. Tại Phú Thọ tìm thấy di tích Chăm sớm chồng lên dấu vết cư trú Sa Huỳnh. Cũng trong khu vực Dung Quất, các nhà khoa học đã tìm được chiếc rìu đá lạ ở Hóc Mọi xã Bình Đông, huyện Bình Sơn. Chiếc rìu đá này có thể liên quan đến một di tích khảo cổ thời đại kim khí ở khu vực này.
Đặc biệt ở Quảng Ngãi tìm thấy khuôn đúc mũi tên đồng Bình An, chất liệu bằng đá cát kết, kiểu khuôn mũi tên khá giống với Dốc Chùa. Và một trống đồng Đông Sơn loại A tìm thấy ở Bàu Lát, khá nhiều rìu đồng Đông Sơn tìm thấy ở Quảng Ngãi. Đây là các phát hiện quan trọng phản ánh mối quan hệ giữa Sa Huỳnh với Đông Sơn và Đồng Nai, cũng như có thể tìm thấy được di chỉ luyện kim trong thời đại kim khí ở Bình An. Đồng thời còn tìm thấy loại hình gương đồng ở vùng huyện Nghĩa Hành đánh dấu mối quan hệ giao lưu với văn hóa Hát trên vùng đất này.
Cuối thập niên 90, các khảo sát phát hiện về văn hóa Sa Huỳnh chuyển ra phía đảo gần bờ Lý Sơn. Đó là di tích Xóm Ốc thuộc thôn Đông, xã Lý Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn được Đoàn Ngọc Khôi phát hiện 1996. Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng Quảng Ngãi khai quật năm 1997 đã đem lại tư liệu và nhận thức mới về loại hình văn hóa Tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh vùng đảo gần bờ. Năm 1999, 2000 trên đảo Lý Sơn di chỉ suối Chình được phát hiện và khai quật đã tìm được dấu tích cư trú, mộ táng, gần 100 hiện vật đá, xương vỏ nhuyễn thể, đồng, sắt thủy tinh và nhiều mảnh gốm vụn. Di chỉ có tầng văn hóa dầy khoảng 1m, lớp sớm suối Chình là Sa Huỳnh muộn. Đặc trưng văn hóa di chỉ Suối Chình cho thấy di chỉ này phát triển lên từ lớp muộn của Xóm Ốc. Di chỉ này là nơi cư trú và mộ táng của cư dân Sa Huỳnh giai đoạn muộn và Chăm Pa sớm. Qua trên có thể rút ra một số nhận định về Tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi như sau:
+ Đặc trưng quan trọng của các di tích Tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi là không gian phân bố của các di tích này trải rộng từ vùng trung du miền núi đến vùng hải đảo ven bờ.
Vùng trung du miền núi có các di tích: Trà Xuân, Gò Ná, Gò Quánh. Các di tích này hầu hết là các điểm cư trú lẻ tẻ của cư dân văn hóa Sa Huỳnh trên mật độ cư trú không lớn, tầng cư trú không dày. Hiện vật tìm thấy ở đây là các quốc đá sa thạch có kích thước khá lớn. Tuy nhiên, có một số chiếc kích thước trung bình tương tự giống với các cuốc đá lưỡi mèo của Long Thạnh. Gốm tìm thấy ở các điểm này là các loại gốm thô pha cát có văn thừng và in răng vỏ sò. Đặc biệt ở địa điểm Gò Nà tìm thấy mảnh chum in văn thừng có xương gốm mỏng, đồng thời tại đây còn thu nhặt được những chiếc rìu có vai khá giống với loại rìu của văn hóa Biển Hồ. Đặc biệt tại di tích Bình An tìm thấy khuôn đúc mũi tên cánh én bằng đá sa thạch mịn có phong cách giống với Dốc Chùa. Trong cảnh quan chung của vùng miền núi, các di tích này đều gắn với các dòng sông, suối; chẳng hạn di tích Trà Xuân gắn với sông Trà Bồng, di tích Gò Nà gắn với suối Đập Nà, di tích bình an gắn với các dòng suối nhỏ chảy cạnh đó.
Trải xuống vùng đồng bằng, trên địa hình gò cao hoặc đồi sót, các di tích văn hóa Sa Huỳnh có số lượng ít và vẫn là di tích cư trú, với các điểm cư trú lẻ tẻ, mật độ cư trú không dày. Đó là điểm di tích: Núi Sứa, Gò Đình, Gò Mới, Gò Kim. Tại đây tìm thấy các công cụ cuốc đá, chày nghiền có số lượng không nhiều lắm. Gốm tìm thấy khá ít, gồm các mảnh gốm thô với kỹ thuật văn thừng, văn in răng sò, khắc vạch. Tìm thấy dấu vết mộ chum ở Gò Nà, Gò Kim, núi Sứa. Đặc biệt, cách địa điểm núi Sứa 200m về hướng đông, trên đỉnh núi Bàu Lác tìm thấy một trống đồng chôn ngửa, mặt trống úp sấp. Đây là trống Heger I có dáng đẹp. Trống đồng văn hóa Đông Sơn được tìm thấy tại khu vực phân bố của văn hóa Sa Huỳnh đã chứng tỏ sự giao lưu khá mật thiết giữa hai văn hóa này.
Dọc theo các cồn cát ven biển và hải đảo Quảng Ngãi đã có sự bùng nổ về số lượng các di tích văn hóa Sa Huỳnh. Di tích văn hóa Sa Huỳnh ở đây bao gồm hai dạng: Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh. Chúng có mối quan hệ kế thừa và phát triển từ giai đoạn sớm sơ kỳ đồng thau của các di tích Tiền Sa Huỳnh như Long Thạnh, Bình Châu đến các di tích muộn Sa Huỳnh sắt của các di tích Phú Khương, Thạnh Đức mà trước đây các nhà khảo cổ học người Pháp đã khai quật. Đặc trưng của các di tích văn hóa Sa Huỳnh vùng cồn cát ven biển là chúng phân bố trên các cồn cát cổ, sát biển ven theo đầm nước ngọt. Có lẽ đây là mô hình cảnh quan phân bố chung của các di tích văn hóa Sa Huỳnh vùng duyên hải Quảng Ngãi nói riêng và cả khu vự miền trung. Đồng thời các di tích này phân bố gần cửa sông, biển. Chẳng hạn di tích Long Thạnh, Phú Khương gắn liền với đầm An Khê, có lạch sông chảy ra cửa Mỹ Á; di tích Thạnh Đức gắn liền với đầm Thạnh Đức chảy ra cửa Sa Huỳnh; di tích Bình Châu gắn với sông Châu Me chảy ra cửa Sa kỳ. Thậm chí trên đảo Lý Sơn cũng có cảnh quan tương tự; di tích Xóm Ốc gắn với suối Ốc, di tích suối Chình gắn với dòng suối Chình, đều chảy ra cửa biển cạnh đó.
+ Nhìn rộng hơn về phía núi có thể nhận thấy không gian phân bố của các di tích tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh Quảng Ngãi theo hai mô hình cảnh quan.
- Các di tích tiền Sa Huỳnh ở vùng núi trung du, di tích phân bố trên đồi, gò gắn liền với vùng sông suối , đồng bằng trũng.
- Các di tích tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh ven biển, hải đảo di tích phân bố trên các cồn cát gắn liền với cảnh quan bàu, đầm nước ngọt, suối, của biển.
Từ nhận xét cảnh quan phân bố các di tích văn hóa Sa Huỳnh như trên, chúng tôi tán thành quan điểm của GS.Trần Quốc Vượng cho rằng, khi nghiên cứu di tích hay cụm di tích ở Việt Nam, nên đặt nó vào trong một thế cảnh - môi sinh bao quanh nó hay ở chính giữa lòng nó và đối với văn hóa Sa Huỳnh cũng vậy, không thể nghiên cứu khi tách rời đặc thù cảnh quan môi sinh nơi di tích phân bố.
Tại các điểm di tích Tiền Sa Huỳnh ở vùng núi, đồi gò trung du có dấu vết của mộ chum với mảnh chum xương gốm mỏng và bộ sưu tập công cụ đá tương đối khác so với các di tích ở vùng cồn cát ven biển. Chẳng hạn như di tích Gò Nà xuất hiện các loại quốc đá diệp thạch lưỡi thuôn dài, hình bầu dục có kích cỡ lớn, loại quốc có vai, rìu vai khá giống với văn hóa Biển Hồ (Tây Nguyên) và ở Gò Quánh có các loại quốc đá dạng lưỡi mèo khá giống với Long Thạnh. Tại các di tích Tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh ven biển như Long Thạnh, Bình Châu, Phú Khương, Thạnh Đức song song tồn tại với các bộ nông cụ bằng sắt như cuốc đá lưỡi mèo, rìu tứ giác, bôn đá răng trâu cùng các lưỡi câu bằng xương, chì lưới bằng đất nung ở Long Thạnh, bộ lưỡi câu, lao bằng đồng ở Bình Châu.
Chúng tôi cho rằng, các di tích Tiền Sa Huỳnh có dấu vết mộ chum tìm thấy ở Trà Xuân, Gò Nà, Gò Quánh có niên đại sớm hơn các di tích Long Thạnh, Bình Châu, ở các di tích này tìm thấy các công cụ cuốc, rìu có vai gần gũi với cuốc, rìu vai của văn hóa Biển Hồ. Đặc biệt trong năm 2002 đã thám sát vùng Trà Phong của miền Tây Quảng Ngãi tìm thấy các loại rìu vai, bàn mài, trang sức bằng đá lửa hay sa thạch có đặc trưng giống với văn hóa Biển Hồ của vùng Tây Nguyên. Niên đại của di tích ở hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí. Không gian của di tích này trải rộng trên vùng thung lũng thượng nguồn sống Trà Khúc của vòng cung núi miền Tây Quảng Ngãi giáp với Kon Tum.
Như vậy trong thời đại Kim khí ở Quảng Ngãi, có bóng dáng dòng chảy văn hóa mạnh mẽ từ phía Tây Nguyên, tụ hội nơi vùng đồng bằng duyên hải và phát triển trên cơ sở tiếp hợp với các yếu tố văn hóa mang tính cội nguồn xa hơn, đó là văn hóa Bàu Tró. GS.Chử Văn Tần cũng đã cho rằng đến cuối thời đại đá mới, đầu thời đại kim khí, dòng người và dòng văn hóa chảy từ miền cao phía Tây, lúc này đã tràn xuống sát biển. Ở đây họ hòa hợp và thu hút những yếu tố mới để tạo ra các dạng văn hóa mới đồng bằng và duyên hải.
Đ.N.K
_______________
Tài liệu tham khảo
1. Đào Linh Côn (1976), Điều tra khảo cổ học khu di tích Sa Huỳnh, NPH... 1976, tr.295-299.
2. Đào Linh Côn (1978), Khai quật địa điểm khảo cổ Bình Châu, (Bình Sơn, Nghĩa Bình), NPH... 1978, tr.226-245.
3. Đào Linh Côn (1979), Địa điểm khảo cổ học Núi Sứa (Nghĩa Bình), NPH... 1979, tr.154-155.
4. Đinh Bá Hòa (1987), Một số di tích văn hóa Sa Huỳnh vừa mới phát hiện, NPH... 1987, tr.107-108.
5. Đoàn Ngọc Khôi (1994), Một số di tích mới phát hiện ở Quảng Ngãi, PH... 1993, tr.102-104.
6. Đoàn Ngọc Khôi (1997), Đào thám sát di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Xóm Ốc (Lý Sơn - Quảng Ngãi), NPH... 1996, tr.211-214.
7. Đoàn Ngọc Khôi (1997), Phát hiện trống đồng loại I Hêgơ ở Quảng Ngãi, NPH... 1996, tr.279-280.
8. Đoàn Ngọc Khôi (1999), Đào thám sát di tích Chămpa ở núi Phú Thọ - Cổ Lũy (Quảng Ngãi), NPH... 1998, tr.234-240.
9. Đoàn Ngọc Khôi (2000), Một khuôn đúc mũi tên đồng được phát hiện ở Quảng Ngãi, NPH... 1999, tr.277-278.
10. Đoàn Ngọc Khôi (2001), Vai trò của các đảo ven bờ và vùng duyên hải trong nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam Hội thảo khoa học, một thể kỷ khảo cổ học Việt Nam, Viện KCH, Viện BTLSVN.
                      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét