Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

TRẦN CHÁNH CHIẾU – NHÀ YÊU NƯỚC GẮN HOẠT ĐỘNG KINH TẾ VỚI HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ

TRẦN CHÁNH CHIẾU – NHÀ YÊU NƯỚC GẮN HOẠT ĐỘNG KINH TẾ VỚI HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ
Trần Chánh Chiếu (sinh năm 1867 tại Rạch Giá, mất năm 1919 tại Sài Gòn), còn được gọi là Gibert Chiếu hay Phủ Chiếu (theo hàm tri phủ). Gilbert Chiếu xuất thân là đại điền chủ quốc tịch Pháp, trở thành nhà trí thức yêu nước, nhà doanh nghiệp dân tộc, nhà hoạt động chính trị, nhà báo, nhà văn.
Trong những năm 1900 – 1906, ông giao du với nhiều nhân vật chủ chốt trong phong trào Đông du, Duy tân. Ảnh hưởng các phong trào này, ông thành lập một số tổ chức kinh tế vừa để kinh doanh vừa để liên lạc hỗ trợ các nhà cách mạng. Năm 1906, ông là chủ bút báo Nông cổ mín đàm(1), tờ báo kinh tế đầu tiên của nước ta. Năm 1907, là chủ bút báo Lục tỉnh tân văn(2), một tờ báo vừa đề cập chính trị vừa bàn về các vấn đề kinh tế, văn hóa, ông chú trọng tuyên truyền tư tưởng duy tân cứu nước. Trong 3 năm (1906 – 1908), ngoài quyên tiền, ông còn vận động được 100 thanh niên cho phong trào Đông du. Vì hoạt động yêu nước và cạnh tranh thương mại, nên ông bị Pháp bắt giam hai lần (1908, 1917).
Năm 1908, sau khi tiếp xúc với Phan Bội Châu ở Hương Cảng, Trần Chánh Chiếu đã đứng lên cổ động công khai ở Nam Kỳ một phong trào gọi là Cuộc Minh Tân (“cuộc” tức là công cuộc, “minh tân” lấy từ một câu trong sách Đại học là “tác minh đức, tác tân dân” làm cho cái đức sáng hơn, người dân mới hơn). Ông đề ra những công việc phải làm theo gương Duy Tân của Trung Quốc: phát triển trường dạy học, phát triển công nghệ trong nước, mở mang trường quân sự dạy thủy quân, lục quân. Ba nội dung chính của phong trào là phát động cổ xuý người Việt đứng ra buôn bán, hùn vốn mở mang kỹ nghệ tranh thương với người Pháp, Hoa, Ấn đang khống chế kinh tế nước ta; khai dân trí, chống các hủ tục, tệ nạn xã hội, mê tín… và cuối cùng là đả kích sự cai trị của Pháp.
Trong chủ trương phát triển công kỹ nghệ của Trần Chánh Chiếu thì việc thành lập công ty Nam Kỳ Minh Tân công nghệ là khá đặc sắc. Đây là công ty gồm nhiều cổ phần, đa số người đóng góp là giới điền chủ và công chức, thành lập công khai theo pháp luật bấy giờ vào ngày 1-6-1908 tại Sài Gòn, với bản điều lệ gần giống như các công ty của người Pháp, đến tháng 8-1908 quy tụ hơn 3.000 cổ đông. Điều lệ ghi rõ: “1/Lập lò nghệ tại Nam kỳ: lò chỉ (kéo sợi bông vải), lò dệt, lò savon (xà bông), thuộc da và pha ly (thuỷ tinh)… 2/Dạy con nít làm các nghề ấy. M.Gilbert Chiếu làm tổng lý công ty. Quán chánh công ty ở tại thành Mỹ Tho”. Báo Lục Tỉnh Tân Văn số 39 (30-8) rao: “Tổng lý là G. Chiếu ra thông cáo cho biết ai có hùn vốn thì có quyền gởi con đến học nghề, thời hạn học là 7 năm, công ty nuôi cơm nước còn quần áo, mùng mền thì cha mẹ phải chịu. Công ty lo nhà ngủ, nhà ăn cho học trò, đứa nào học giỏi sẽ được hưởng lương tháng, sau đó, khi biết nghề rồi phải giúp việc cho công ty 7 năm”. Trong thời gian biểu học tập có ghi rõ các phần học nghề, học chữ quốc ngữ, học chữ “Lang sa” (tiếng Pháp), thời gian luyện tập thể thao và dọn dẹp vệ sinh...
Tháng 9-1908 xà bông hiệu Con Vịt công ty Minh Tân tung ra thị trường, cạnh tranh rất hiệu quả với xà bông của Hoa kiều, buộc họ phải hạ giá bán, khiến thu hút thêm nhiều cổ đông mới. Hội Minh Tân lại tuyên bố trên Lục tỉnh tân văn tiếp tục hạ giá bán sỉ bán lẻ có khuyến mãi cho người mua số lượng lớn. Lần đầu tiên người tiêu dùng ở Nam kỳ được hưởng lợi từ sự cạnh tranh phá thế độc quyền.
Ngoài ra, còn có hai khách sạn hoạt động với mục đích làm kinh tài cho phong trào, đồng thời cũng là nơi tụ họp để che mắt nhà cầm quyền thực dân: Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho và Nam Trung khách sạn ở Sài Gòn.
Cùng với Nam Kỳ Minh Tân công nghệ, một phong trào đưa ra những đề án, những cuộc vận động để thành lập những cơ sở công kỹ nghệ hưởng ứng cuộc Minh Tân nở rộ ở Sài Gòn và nhiều tỉnh Nam kỳ. Chẳng hạn, ông Nguyễn An Khương (thân sinh chí sĩ Nguyễn An Ninh) lập ra Chiêu Nam lầu, vừa là nhà hàng vừa là khách sạn. Công ty nhà in, “lập ra là có ý muốn mua một cái nhà in để mà in nhật trình, cùng là sách vở và in công việc cho quan làng và người mua bán, sách nói đủ việc cơ xảo, bán giá rẻ cho mọi người, lớn, nhỏ, già, trẻ, nghèo, giàu đều đọc được” (Lời rao trên Lục tỉnh tân văn). Mỹ Tho Minh Tân túc mễ tổng cuộc, một dạng tổng công ty xuất khẩu lúa gạo do ông Trần Văn Hài ở làng Mỹ Tho khởi xướng. Y Dược công ty, một cơ sở bào chế Đông Nam dược, làm ra các loại thuốc dạng tán, dạng nước, dạng viên, ngâm rượu… Nam Hoà Thạnh, một hội thương mại thành lập ngày 19-4-1908 tại Biên Hoà với sự góp vốn của khoảng 130 người. Chợ Lớn Nam Chấn Thành thương xã, có người góp vốn khắp 6 tỉnh Nam kỳ. Tân Thành thương cuộc, một cơ sở ở Bến Tre mua sỉ lúa để bán cho nhà máy và xay ra để bán lẻ… Tổng cộng có 15 tổ chức rải rác ở Sài Gòn và các tỉnh ở Nam Kỳ, từ Biên Hòa đến Rạch Giá đã hưởng ứng phong trào.
Ngoài việc kêu gọi góp vốn thành lập các cơ sở kinh doanh của người Việt, Trần Chánh Chiếu còn chủ trương lập Hãng cho vay Sài Gòn – Chợ Lớn, một tổ chức kinh doanh tài chính, dạng như một ngân hàng tín dụng.
Trần Chánh Chiếu là một trong ít người Nam Kỳ thuộc thế hệ đầu tiên có điều kiện đi thăm nhiều nơi trong và ngoài nước với tư cách người đi du lịch. Ông thường ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe, những kinh nghiệm kinh doanh, sinh hoạt để giới thiệu cho người trong nước. Như là tập du ký Hương Cảng nhơn vật, được in ở Sài Gòn năm 1909, ông viết về cung cách làm ăn, buôn bán của người Hoa ở Hương Cảng. “Người Quảng Ðông trời sanh chính là người buôn, quan buôn chức sắc, giàu bán điền viên, nghèo bán quần áo, thảy thảy có lời thì mua, mỗi mỗi có lợi thì bán. (…) Xa xa thấy có nhiều nhà vuông xây cao lên không nóc, đấy là chỗ Ðiếu Ðương tiệm cầm đồ. Người ngoại quốc mới đến tỉnh thành thấy tiệm cầm đồ một đường tưởng là chùa miễu, một đường tưởng là thùng ciment để chứa nước. (…) Tiệm cầm đồ cho vay, cầm đất, cầm nhà dưới 10 lượng thì tam phân lợi, song đến tháng chạp thì chế còn 2 phân. Trên 10 lượng thì cứ hai phân làm hạng. Có nhiều khi thấy kẻ nghèo qua đông thiên thì cầm đồ mặc mát, chuộc đồ mặc ấm ra mà dùng, đến thu, hạ thì cầm đồ mặc ấm, chuộc đồ mặc mát ra...
Hay trong du ký Chơi bời lãng phí, đăng trên Lục tỉnh tân văn năm 1907, ghi chép ngày Tết ở Sài Gòn đầu thế kỷ XX, ông tỏ thái độ phê phán nếp sống chưa văn minh của dân ta: “Theo tục ông bà để lại, hễ mãn một năm thì ăn Tết một lần ấy cũng là phải. Sao tôi thấy hễ tới ngày ấy, ai ai cũng đốt pháo, dựng nêu, treo bùa tứ tung ngũ hoành, đánh đáo đánh quần tới bảy bữa, rồi nào me, nào lú(3); bài cào, xóc đĩa, tổ tôm đủ thứ. Thậm chí có ông ăn Tết rồi thì bán nhà bán cửa, nợ réo trước nợ réo sau. Ðã bần nhược lại đãi đọa(4) vậy thì biết chừng nào mà giàu có như người ta đặng”.
Trong mục đích cải hóa xã hội, với tư cách là người làm báo, làm văn, Trần Chánh Chiếu thường phê phán chính sách của thực dân Pháp ở Nam kỳ, cổ động người Việt dùng hàng nội hóa và kêu gọi dân chúng khuếch trương kinh tế, xây dựng nền văn hóa mới. Phần lớn quan điểm của ông đều được thể hiện trên Lục tỉnh tân văn.
Trong thời gian này, Lục tỉnh tân văn cũng có nhiều bài công kích chế độ thuộc địa, kêu gọi đồng bào đoàn kết chống quan lại tham nhũng khiến thực dân chú ý. Cuối tháng 10-1908, Tổng lý là Trần Chánh Chiếu bị bắt nên công ty Minh Tân ngừng hoạt động và giải tán, Lục tỉnh tân văn cũng bị rút giấy phép.Cũng trong năm này, thực dân Pháp đã đóng cửa Đông kinh nghĩa thục và khủng bố trắng phong trào Duy Tân trong cả nước. Nhiều chí sĩ tham gia phong trào đều bị bắt, bị giết và đưa đi đày, riêng phong trào Minh Tân ở Nam Bộ của Trần Chánh Chiếu đã bị bắt đến 91 người.
Nhờ sử dụng công cụ báo chí công khai, phong trào Minh Tân tạo ra hiệu ứng xã hội rõ rệt. Hàng chục công ty, cơ sở kinh doanh của người Việt được thành lập. Trong đó hội Minh Tân mễ cốc công cuộc tồn tại và phát triển đến hàng chục năm sau. Tổ chức kinh tế tập thể của các doanh nhân Nam kỳ đã làm ngạc nhiên rất nhiều người, đặc biệt khi xét trong điều kiện thương mại nước ta còn chưa phát triển hồi đầu thế kỷ XX.
(1) Nông cổ mín đàm (uống trà nói chuyện nông nghiệp và thương mại), số ra mắt ngày 1-8-1901, do một người Pháp là Canavaggio, Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, làm Giám đốc, trước năm 1906 do Lương Khắc Ninh (1862 – 1943) làm chủ bút. Báo đình bản vào năm 1924.
(2) Tuần báo viết bằng chữ quốc ngữ số đầu tiên ra ngày 14-11-1907 do F.H. Schneider – một chủ nhà in người Pháp sáng lập, Trần Chánh Chiếu làm chủ bút. Sau khi Trần Chánh Chiếu bị bắt, Lục tỉnh tân văn không còn giữ được màu sắc như lúc đầu; qua nhiều thay đổi, báo đình bản vào năm 1944.
(3) Theo Huỳnh Tịnh Của, đánh me là gây ăn thua trong cuộc chơi tiền, còn lú là ‘cuộc con nít’ dùng tiền mà đánh đố
(4) Từ cổ, có nghĩa là biếng nhác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét