Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Thu tin “Ấp chiến lược” từ mật vụ địch


Thu tin “Ấp chiến lược” từ mật vụ địch




QĐND - LTS: Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng số 220 (tháng 4-2012) đã ghi lại lời kể của Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn (bí danh Hai Trung) trong thời gian ông hoạt động dưới vỏ bọc là Phóng viên Tạp chí Time của Mỹ. Kỳ này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu với bạn đọc câu chuyện Phạm Xuân Ẩn đã tìm cách tiếp cận được tài liệu nguyên bản về “Kế hoạch ấp chiến lược” của chính quyền Ngô Đình Diệm khi ông đang là phóng viên thường trú của hãng Roi-tơ (Reuters) tại Sài Gòn...
Sau cuộc đảo chính bất thành ngày 11-11-1960 của nhóm Nguyễn Chánh Thi - Vương Văn Đông, Hai Trung nắm được thông tin Mỹ quyết định gây sức ép nhằm buộc Diệm sửa đổi cơ cấu chính quyền, tăng cường củng cố, huấn luyện quân đội, đẩy mạnh hoạt động kiểm soát vùng nông thôn và tổ chức lại guồng máy hành chính tại đây, từng bước “dân chủ hóa” miền Nam Việt Nam theo kiểu Mỹ, trên cơ sở đó quy tụ lực lượng, gia tăng khả năng chống cộng sản. Những diễn biến tiếp theo cho thấy thông tin trên là hoàn toàn chính xác. Tháng 4-1961, ngay sau khi tái đắc cử Tổng thống, Diệm đã thành lập thêm Bộ Xây dựng nông thôn và Bộ Công dân vụ, đồng thời tiến hành một số cải cách về hành chính, khiến Mỹ khá hài lòng. Giữa tháng 5-1961, Mỹ cử Phó tổng thống Giôn-xơn (Johnson) sang thăm Sài Gòn, bày tỏ sự ủng hộ đối với Diệm và thể hiện quyết tâm giữ vững miền Nam Việt Nam nằm trong vòng ảnh hưởng của Mỹ.
Rõ ràng Mỹ - Diệm đang có sự thay đổi lớn về chiến lược. Trong lĩnh vực quân sự, Hai Trung đã thu được nguyên bản tài liệu “Tactics and Technics of Counter Insurgency” (Các chiến thuật và kỹ thuật chống nổi loạn) do Trung tướng L.C Mắc Ga-rơ (Lionel Charles Mc Garr), chỉ huy trưởng Phái bộ cố vấn quân sự Mỹ (Military Assistance Advisory Group - MAAG) tại Sài Gòn soạn thảo, nhưng trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội… thì anh vẫn chưa hiểu rõ ý đồ, kế hoạch của địch ra sao. Đây cũng là yêu cầu điều tra chủ yếu mà Trung tâm đặt ra đối với anh.
Để triển khai tìm hiểu, Hai Trung tới gặp Trần Kim Tuyến (Giám đốc Sở nghiên cứu chính trị - xã hội trực thuộc Phủ tổng thống, trùm mật vụ của chế độ Diệm), Lê Văn Thái (tức Thái trắng, phụ tá của Trần Kim Tuyến). Hai Trung nói với họ rằng sau khi đi tham quan khu trù mật Vị Thanh, khu trù mật Ba Thê và một số khu trù mật khác, ở đâu cũng thấy cả dân chúng lẫn quan chức chính quyền kêu ca, oán thán. Tuyến bèn tiết lộ Diệm sắp ra lệnh ngừng thực hiện kế hoạch khu trù mật. Được đà, Hai Trung hỏi luôn kế hoạch đó sẽ được thay thế bằng kế hoạch nào, bởi chính tướng Mắc Ga-rơ đã xác định nếu không bình định được nông thôn thì không thể chống lại chiến tranh du kích. Tuyến, Thái còn cho biết, Phủ tổng thống chưa có kế hoạch mới nào, song Diệm đã giao cho hai bộ mới thành lập cùng lo việc đó. Mấy hôm sau, nhằm tạo dư luận thuận lợi để tiến hành công việc, Hai Trung đề nghị sếp của mình là Pi-tơ Xmác (Peter Smark - người Ô-xtrây-li-a, Trưởng phân xã Roi-tơ ở Sài Gòn) cho ra một loạt bài viết về sự thất bại của kế hoạch khu trù mật và loan tin chính quyền Sài Gòn đang nghiên cứu xây dựng một kế hoạch mới để thay thế. Pi-tơ Xmác đồng ý ngay vì thấy đề nghị này hết sức hợp lý.
Phạm Xuân Ẩn (ngoài cùng, bên trái) thời kỳ làm cho Tạp chí Time của Mỹ .Ảnh tư liệu.
Cuối tháng 5-1961, Hai Trung tình cờ gặp lại R. Phi-líp (R.Phillips) - người quen cũ từ ngày Hai Trung còn làm ở Bộ tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn khi Phi-líp là phụ tá cho Đại tá tình báo Ét-uốt Lên-xđên (Edward Lansdale) - và nghe Phi-líp nói rằng, mới quay trở lại Việt Nam làm việc tại Bộ Công dân vụ, là cố vấn cho Kiều Công Cung (vốn phụ trách Đặc ủy Công dân vụ - cơ quan tiền thân của Bộ Công dân vụ), Hai Trung đoán ra ngay Mỹ - Diệm đang chủ trương tăng cường mạng lưới tình báo ở nông thôn, nhất là các vùng được phía ta bàn giao theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Vào một ngày giữa tháng 6-1961, khi tới dự buổi họp báo định kỳ do Bộ Thông tin của chính quyền Sài Gòn tổ chức, Hai Trung rất mừng vì được nghe Sta-lây (Eugene Staley) (Giáo sư kinh tế của Viện nghiên cứu Standford thuộc Trường ĐH Stanford – bang California – Mỹ) giới thiệu khái quát về một bản phúc trình nhằm nâng cao đời sống ở nông thôn mà Sta-lây cho rằng, chắc chắn hữu hiệu hơn kế hoạch khu trù mật. Kết thúc buổi họp báo, Hai Trung lập tức tới gặp Sta-lây. Sau khi trình bày với Sta-lây về sự thất bại của kế hoạch khu trù mật và tán dương bản phúc trình Sta-lây mới đưa ra, Hai Trung khéo léo cài thêm: “Tôi vẫn băn khoăn là liệu chính quyền Sài Gòn có đánh giá đúng mức và thực hiện đầy đủ bản phúc trình tuyệt vời của giáo sư hay không? Giáo sư có thể cho tôi biết rõ hơn một chút về bản phúc trình này và có thể cung cấp một ít tài liệu để tôi viết một bài dài về nó cho Hãng thông tấn Roi-tơ không?”. Sta-lây vui vẻ trình bày thêm một số chi tiết rồi bảo: “Tài liệu nguyên bản thuộc diện tuyệt mật, tôi không thể cung cấp cho anh được. Tuy nhiên, nếu muốn biết rõ hơn, anh có thể tới gặp Giáo sư Vũ Quốc Thúc (Khoa trưởng của Luật khoa ĐH đường, tức giám đốc Trường ĐH Luật Sài Gòn), người cùng tôi chủ trì việc soạn thảo bản phúc trình này”.
Nghe vậy, Hai Trung mừng hơn bắt được vàng. Những tin tức, tài liệu mấy tháng qua anh ra sức tận dụng các mối quan hệ để thu thập mà vẫn chưa có kết quả gì đáng kể, giờ đã xuất hiện manh mối rõ ràng. Về tới nhà, Hai Trung gọi điện báo ngay với Trần Kim Tuyến và Lê Văn Thái rằng Mỹ vừa xây dựng một kế hoạch mới về bình định nông thôn, gợi ý họ nên lấy danh nghĩa Sở nghiên cứu chính trị - xã hội, yêu cầu Vũ Quốc Thúc cung cấp một bản để báo cáo với Ngô Đình Nhu (em ruột, cố vấn chính trị của Diệm). Hai ngày sau, Thái gọi Hai Trung tới rồi cho anh mượn nguyên bản tài liệu trên, đồng thời đề nghị Hai Trung nghiên cứu, tham khảo, góp ý kiến để giúp Tuyến, Thái “ghi điểm” với Ngô Đình Nhu. Hai Trung phấn khởi đem tập tài liệu về đọc và dĩ nhiên là trước khi đem trả đã chụp lại toàn bộ, gửi về Trung tâm. Hai Trung được Trung tâm biểu dương và chỉ thị tập trung theo dõi sát những diễn biến của địch xung quanh việc hoàn chỉnh, phê duyệt, triển khai kế hoạch này.
Được khoảng dăm hôm, Trần Kim Tuyến cùng phụ tá của ông ta lại mời Hai Trung tới gặp và tiết lộ Ngô Đình Nhu đã sơ bộ chấp nhận kế hoạch mới của Mỹ và giao cho Nguyễn Văn Khoa (bạn thân của Nhu) cùng Sở nghiên cứu chính trị - xã hội căn cứ kế hoạch này và tham khảo kế hoạch xây dựng làng chiến đấu (kibbutz) của I-xra-en, kế hoạch bình định Mã Lai Á (Malaysia) của Anh mà soạn thảo một kế hoạch thật sự mang tầm chiến lược. Tuyến, Thái cung cấp cho Hai Trung một số tài liệu, đề nghị Hai Trung đem về đọc rồi cho ý kiến.
Tối hôm ấy, khi tới một sàn nhảy, nơi các công chức cao cấp và sĩ quan ở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn thường tụ tập, thấy Đặng Đức Khôi ngồi một mình để chờ cô vũ nữ mà hắn mê tít, Hai Trung bèn tới bắt chuyện vì biết Khôi rất thân với Vũ Quốc Thúc và trước khi chuyển sang Bộ Ngoại giao, Khôi từng làm việc cho Trường Đại học Michigan State. Do đã quen biết Khôi nên sau vài câu tán gẫu, anh vào chủ đề chính luôn: “Cậu làm ngoại giao, đi nhiều, vậy có để ý tới kế hoạch xây dựng làng chiến đấu của I-xra-en và kế hoạch bình định Mã Lai Á của Anh không? Tớ không hiểu sao chúng được rất nhiều người khen ngợi trong khi kế hoạch khu trù mật ở Việt Nam lại phá sản. Tớ còn nghe nói Mỹ mới đưa ra bản phúc trình Sta-lây - Vũ Quốc Thúc có nội dung rất hấp dẫn. Cậu đã nghiên cứu nó chưa?”. Khôi cười, đáp: “Bản phúc trình ấy, tớ đọc rồi. Tớ còn đọc cả cuốn “Modern Warfare: A French View of Counterinsurgency” (Chiến tranh hiện đại: Một cách nhìn của Pháp về chống nổi dậy) vừa mới được xuất bản của cựu Đại tá Pháp Roger Trinquier nữa cơ. Đọc xong, tớ có nảy ra mấy ý tưởng mới mẻ về việc bình định vùng nông thôn Việt Nam. Tớ mới thảo luận chúng với tướng Chác-lít Tim-mít (Charles J. Timmes) ở MAAG để thu thập thêm ý kiến bổ sung của giới quân sự Mỹ. Cha đó rất đồng quan điểm với tớ. Kế hoạch xây dựng làng chiến đấu của I-xra-en và kế hoạch bình định Mã Lai Á của Anh thì tớ thấy khó mà áp dụng ở Việt Nam”.
Hai Trung cẩn thận tổng hợp ý kiến của mình và các ý kiến thu thập được, viết thành một văn bản khá rành mạch rồi đưa cho Thái để Thái đem trình bày trong các buổi làm việc với Tuyến và Nhu. Ít bữa sau, Thái gọi điện mời anh tới ngay, nói là có việc gấp. Anh vừa bước vào cửa văn phòng của Thái thì Thái đã chìa ra một tập tài liệu dày viết bằng tiếng Việt có tiêu đề “Kế hoạch ấp chiến lược” và khoe rằng Nhu đã thông qua. Thái nhờ anh khẩn trương dịch tập tài liệu này ra tiếng Anh để Nhu đưa cho các cố vấn Mỹ và Anh đọc.
Vậy là một kế hoạch chiến lược tuyệt mật của đối phương đã được Hai Trung chuyển về Trung tâm tình báo của ta. Ngoài tập tài liệu trên, cuối năm 1962, Hai Trung còn thu thập nguyên bản tài liệu “Kế hoạch chiêu hồi” do Bộ Công dân vụ soạn thảo để bổ trợ, tăng cường cho “Kế hoạch ấp chiến lược” của chính quyền Sài Gòn.
Vũ Sáng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét