Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 - nguyên nhân và ý nghĩa lịch sử

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 - nguyên nhân và ý nghĩa lịch sử (Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội)

Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đảng ta trở thành một Đảng lãnh đạo chính quyền trong cả nước. Nước ta từ một nước thuộc địa và nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, một nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: đây là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. Nhận định quan trọng đó làm nổi bật ý nghĩa lịch sử và thời đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám.
Thắng lợi của cách mạng tháng Tám đã sáng tạo ra những bài học lịch sử góp phần xây dựng kho tàng lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, đồng thời để lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho cuộc kháng chiến lâu dài chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cuộc cách mạng tháng Tám thành công chứng tỏ rằng trong thời đại ngày nay, một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa do toàn dân nổi dậy dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mác-Lênin, có đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại thì hoàn toàn có khả năng thắng lợi. Thắng lợi đó là kết quả tổng hợp của những nhân tố bên trong là lực lượng toàn dân đoàn kết do Đảng lãnh đạo và nhân tố bên ngoài là thắng lợi của Liên Xô đánh bại phát xít Nhật; là kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng kết hợp với trí sáng tạo, tinh thần dũng cảm và sức mạnh đấu tranh của nhân dân ta; là kết quả của ba cao trào cách mạng lớn do Đảng lãnh đạo.
1. Nguyên nhân thành công.
Một là, Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nguồn gốc chủ yếu quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Đó là thắng lợi của việc xây dựng một Đảng Mác-Lênin có đường lối đúng đắn, bảo đảm thông suốt và quán triệt đường lối đó trong thực tiễn chuẩn bị khởi nghĩa và khởi nghĩa, làm cho tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh và bám rễ sâu trong quần chúng nhân dân. Cách mạng tháng Tám thắng lợi trước hết và chủ yếu là do đường lối chiến lược và sách lược của Đảng đúng đắn ngay từ đầu và không ngừng được bổ sung, phát triển cho phù hợp với từng giai đoạn cách mạng. Đảng luôn luôn tìm cách làm cho toàn bộ đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn của mình thông suốt, quán triệt xuống từng đảng viên và quần chúng cách mạng. Đảng luôn luôn nêu cao ý chí kiên cường, bất khuất, căm thù địch, nêu cao khí tiết người cộng sản, lòng trung thành với cách mạng, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ hy sinh. Tổ chức Đảng được xây dựng phù hợp với tình hình hoạt động, bí mật, gọn nhẹ, số lượng ít chất lượng cao, ăn sâu bám rễ trong xí nghiệp, đường phố và thôn xóm; trong sạch, tỉnh táo và nghiêm ngặt đề phòng bọn chống Đảng, thường xuyên kiểm tra nội bộ. Tổ chức tốt căn cứ địa và khu an toàn của cơ quan lãnh đạo là một điều kiện cơ bản bảo đảm cho phong trào phát triển liên tục. Các tờ báo của Đảng và của các đoàn thể cách mạng được tổ chức hoạt động tốt. Hệ thống thông tin liên lạc từ trên xuống dưới là biện pháp hàng đầu bảo đảm sự thông suốt, quán triệt đường lối, bảo đảm thống nhất tư tưởng và hành động trong toàn Đảng và trong phong trào cách mạng.
Hai là, từ chỗ tiến hành song song hai nhiệm vụ phản đế và phản phong, đến chỗ xác định rõ nhiệm vụ trước mắt là giải phóng dân tộc. Đây là cả một chặng đường chuyển biến nhận thức, đổi mới tư duy không đơn giản. Phong trào đấu tranh của quần chúng năm 1930 - 1931 cũng nổi lên với khẩu hiệu "Đả thực, bài phong”. Chuyển sang thời kỳ những năm 1936 - 1939, trước nguy cơ phát-xít, Đảng thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương nhằm kết hợp đấu tranh dân tộc với đấu tranh dân chủ để chống phát-xít. Điều đó bước đầu tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân, biểu hiện ở cuộc mít tinh đồ sộ với hơn hai vạn người tham dự ở nhà Đấu xảo Hà Nội, ngày 1-5-1938.
+Đến giữa năm 1939, cuộc chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ, các nước đế quốc xâu xé lẫn nhau, thời cơ giải phóng dân tộc sẽ đến, Đảng thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tạm thời hạ thấp khẩu hiệu phản phong. Tại Hội nghị Trung ương 6, họp từ ngày 6 đến ngày 8-11-1939, Đảng ta chỉ rõ: "Cách mệnh phản đế và điền địa là hai cái mấu chốt của cách mệnh tư sản dân quyền. Không giải quyết được cách mệnh điền địa thì không giải quyết được cách mệnh phản đế. Trái lại không giải quyết được cách mệnh phản đế thì không giải quyết được cách mệnh điền địa... Hiện nay tình hình có đổi mới. Đế quốc chiến tranh, khủng hoảng cùng với ách thống trị phát-xít thuộc địa đã đưa vấn đề dân tộc thành một vấn đề khẩn cấp rất quan trọng… Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết". Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, một làn sóng cách mạng phản đế đã dấy lên, tiêu biểu là ba cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương, làm rung động bộ máy thực dân.
Tháng 6-1941, Liên Xô tuyên chiến với Đức. Sau đó, Đồng Minh quốc tế chống phát-xít gồm Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Mỹ ra đời. Ở Việt Nam, thời cơ giải phóng dân tộc đang đến gần. Đầu năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, chỉ đạo Hội nghị Trung ương 8 (họp ở Pắc Bó, Cao Bằng). Tại Hội nghị này, Đảng đã hoàn thiện thêm một bước nữa việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, thay khẩu hiệu "Phản đế" (của Hội nghị Trung ương 6) hay "Phản đế cứu quốc" (của Hội nghị Trung ương 7) bằng khẩu hiệu "Cứu quốc". Nghị quyết Hội nghị nêu rõ: "Chính sách của Đảng ta hiện nay là chính sách cứu quốc, cho nên mục đích của các hội quần chúng cũng xoay về việc cứu quốc là cốt yếu... Công hội từ nay lấy tên là Công nhân cứu quốc hội, thu nạp hết thảy những người thợ Việt Nam muốn tranh đấu đánh Pháp - Nhật, lại có thể thu nạp hết cả những hạng cai ký, đốc công trong xưởng mà những công hội trước kia không hề tổ chức. Nông hội từ nay gọi là Việt Nam Nông dân cứu quốc hội, thu nạp hết thảy nông dân đến cả hạng phú nông, địa chủ muốn tranh đấu đuổi Pháp - Nhật". Đồng thời, Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương chuyển thành ba mặt trận "cứu quốc" của ba dân tộc Việt, Miên, Lào.
Ở Việt Nam, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (tức Mặt trận cứu quốc, gọi tắt là Việt Minh) ra đời. Các đoàn thể cứu quốc phát triển rộng khắp cả ba kỳ. Ngoài Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, còn có Quân nhân (hay binh sỹ, du kích) cứu quốc, Thương gia cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nhi đồng cứu vong... Như vậy, chiến lược cách mạng ngày càng được hoàn thiện và luôn đi đôi với những sách lược cách mạng mềm dẻo, thêm bạn bớt thù (như thu hút cả cai ký, đốc công, phú nông, địa chủ chống Pháp - Nhật vào Mặt trận cứu quốc). Chiến lược, sách lược đó phù hợp với yêu cầu cách mạng và nguyện vọng của quần chúng nhân dân, được cụ thể hoá trong Chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh. Qua nhiều con đường bí mật và bán công khai, Chương trình thâm nhập vào đại chúng, tạo nên Cao trào tiền khởi nghĩa rộng lớn, rồi dẫn đến Tổng khởi nghĩa thành công (chứ không phải đó chỉ là phong trào "tự phát" của quần chúng như có người đã nói).
Ba là, bố trí thế trận và sắp xếp lực lượng cách mạng phù hợp với yêu cầu khách quan của lịch sử.
Khi tình thế cách mạng có sự chuyển biến mau lẹ, đối tượng cách mạng luôn thay đổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng một cách xuất sắc lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào nhận thức xã hội Việt Nam để đề ra các quyết sách chiến lược đúng đắn. Đó là nhận thức rõ các mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu trong xã hội, xác định rõ kẻ thù chính, kẻ thù phụ của cách mạng Việt Nam. Cụ thể, lúc đầu mũi nhọn của cách mạng chĩa vào thực dân xâm lược Pháp và tay sai phong kiến. Khi Nhật vào Việt Nam, Pháp làm tay sai cho Nhật, kẻ thù chủ yếu của cách mạng là Pháp - Nhật. Từ năm 1943 trở đi, Nhật ngày càng lấn chân Pháp ở Việt Nam, kẻ thù chủ yếu của cách mạng được xác định lại là Nhật - Pháp. Từ ngày 9-3-1945 (ngày Pháp đầu hàng Nhật) trở đi, kẻ thù chủ yếu của cách mạng chỉ còn là phát-xít Nhật và tay sai. Điều này có tầm quan trọng rất lớn trong việc bố trí thế trận cách mạng và lực lượng cách mạng.
Từ năm 1943, bên cạnh Mặt trận Việt Minh là lực lượng nòng cốt, Đảng còn thành lập Mặt trận Dân chủ chống phát-xít và tuyên bố gia nhập Đồng Minh quốc tế chống phát-xít. Với sách lược này, ở trong nước có thể thu hút được các lực lượng dân chủ chống phát-xít, kể cả Pháp kiều, Hoa kiều. Ở ngoài nước có thể coi Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc đều là bạn đồng minh. Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp từ ngày 25 đến ngày 28-2-1943 khẳng định:"Từ Xô - Đức chiến tranh bùng nổ (22-6-1941), cuộc thế giới chiến tranh lần thứ hai này đã tiến lên giai đoạn mới và đã thay đổi tính chất. Nó không còn là đế quốc chủ nghĩa chiến tranh nữa, mà là chiến tranh phát-xít xâm lược và chống phát-xít xâm lược". Vì vậy, "Muốn cho Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát-xít Nhật - Pháp có thêm vây cánh, chúng ta phải ra sức tìm kiếm các phái đảng chống phát-xít của người ngoại quốc ở Đông Dương và đề nghị với Việt Minh liên minh với họ theo tinh thần bình đẳng và tương trợ đặng chính thức thành lập Mặt trận dân chủ chống Nhật ở Đông Dương". Sách lược này tạo nên thế chính nghĩa cho Việt Minh trong sự nghiệp kháng Nhật, cứu nước. Khi giành được chính quyền từ tay phát-xít Nhật, cách mạng Việt Nam đã có thế hợp pháp là đứng vào hàng ngũ Đồng Minh chống phát-xít để ra Tuyên ngôn Độc lập và tiếp đón quân Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật.
Bốn là, thực thi phương châm chiến lược "kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang", tiến từ khởi nghĩa từng phần đến Tổng khởi nghĩa
Trong thế trận lấy nhỏ đánh lớn, lấy yếu địch mạnh, cách mạng Việt Nam vừa phát huy truyền thống vũ trang anh hùng, bất khuất của ông cha, vừa vận dụng hình thức đấu tranh chính trị của quần chúng. Hình thức này đã nảy sinh từ cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) và phong trào Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939). Đến cuộc vận động cách mạng những năm 1939 - 1945, hình thức đấu tranh chính trị được vận dụng một cách phổ biến trong đại chúng. Ngoài công, nông, còn vận động được cả tiểu thương, tiểu chủ, cai ký, đốc công... cùng tham gia chống độc tài, phát-xít. Năm 1945, phát-xít Nhật - Pháp tăng cường vơ vét lương thực cho chiến tranh, gây nên thảm họa 2 triệu người Việt Nam chết đói, Đảng đã phát động một cao trào đấu tranh kết hợp chính trị với vũ trang: mít tinh, biểu tình đòi quyền sống, đi đôi với vũ trang phá kho thóc cứu đói, lập các căn cứ địa và các chiến khu cách mạng, tiến hành khởi nghĩa từng phần, thành lập chính quyền cách mạng địa phương, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc.
Năm là, nắm đúng thời cơ, kịp thời phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, ít phải đổ máu.
Cách mạng Tháng Tám nổ ra thành công, ít phải đổ máu là do các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã đứng vững trên thế chủ động chiến lược. Đến nay, nhiều người mới rõ, từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự đoán: năm 1945, cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam sẽ thành công. Chương trình cứu nước của Việt Minh ra đời từ Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941), đã đến tay những chiến sỹ cách mạng ở các địa phương, kể cả sự truyền miệng qua các lao tù. Khi thời cơ đến, khắp nơi đều chủ động đứng lên giành chính quyền địa phương, như các chiến sỹ Ba Tơ đã nổi lên phá ngục tù, lập căn cứ địa cách mạng ngay sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945). Trong Cao trào tiền khởi nghĩa, nhiều xã, huyện và một số tỉnh đã giành được chính quyền trước ngày giành chính quyền ở Hà Nội. Phương châm chiến lược kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nắm đúng thời cơ để nổi dậy đã góp phần quyết định vào việc giành được chính quyền ít phải đổ máu. Đây là cả một cuộc đấu trí, đấu dũng của cách mạng Việt Nam với bọn đế quốc, phát-xít. Nếu cuộc khởi nghĩa nổ ra sớm hơn, sẽ bị bọn phát-xít Nhật dập tắt; nếu nổ ra muộn hơn - khi quân Đồng Minh, trong đó có Anh, Pháp và Tàu (Tưởng) vào, thì cũng gặp khó khăn. Việc Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam nhân danh là người đứng về phía Đồng Minh chống phát-xít giành được quyền độc lập, đã nói lên tài vận dụng chiến lược của cách mạng Việt Nam: nắm đúng thời cơ, nổi dậy kịp thời, giành được chính quyền.
Như trên đã chứng minh, mặc dù có thuận lợi khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan mới là nguyên nhân quyết định sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Đó là do có sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng. Nói cách khác, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của đường lối chiến lược, sách lược chủ động và sáng tạo của Đảng.
2. Ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945
Từ chủ nghĩa yêu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và tìm thấy ở lý luận đó, cuộc cách mạng đó con đường cứu nước đúng đắn ở một nước thuộc địa như Việt Nam. Người đã truyền bá lý luận Mác-Lênin và những kinh nghiệm, bài học của Cách mạng Tháng Mười vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930). Đó là quá trình Nguyễn Ái Quốc và những người cộng sản tiền bối đã từng bước đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam hòa vào dòng chảy và lợi dụng cách mạng của thời đại. Ý nghĩa thời đại của cách mạng Việt Nam đã được chuẩn bị tiền đề từ đấy. Cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới, phát triển theo nội dung và xu thế của thời đại và do đó thắng lợi của cuộc cách mạng đó mang ý nghĩa thời đại.
Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc 1939-1945, Đảng ta nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, không chỉ nhằm mục tiêu giành độc lập cho dân tộc Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, góp phần vào ngăn chặn sự lan rộng của chiến tranh thế giới thứ II do chủ nghĩa phát xít gây ra. Khi hình thành lực lượng đồng minh chống phát xít, dân tộc Việt Nam đã kiên quyết đứng về phe đồng minh chống phát xít. Trong chiến tranh thế giới thứ II, lực lượng đồng minh gồm Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp và các dân tộc ngoan cường chống sự xâm lược và chiếm đóng của chủ nghĩa phát xít Đức, Ý, Nhật. Dân tộc Việt Nam từ tháng 9.1940 bị phát xít Nhật xâm lược và chiếm đóng, áp bức, bóc lột tàn tệ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh, dân tộc Việt Nam đã ngoan cường chống phát xít Nhật để giành độc lập. Từ sau khi Nhật gạt Pháp khỏi Đông Dương bằng cuộc đảo chính 9.3.1945, cả dân tộc Việt Nam đã dấy lên cao trào kháng Nhật cứu nước và đã giành chính quyền từ tay phát xít Nhật.
Cuộc Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam đã chứng minh khả năng các dân tộc bị áp bức dù nhỏ yếu vẫn có thể chiến thắng các thế lực xâm lược hùng mạnh nếu biết đoàn kết đấu tranh với ý chí tự lực tự cường cao độ và với sự lãnh đạo đúng đắn của một chính đảng cách mạng chân chính. Đây là cuộc cách mạng đã kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, kết hợp đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp thực hiện mục tiêu dân tộc và dân chủ mang lại không chỉ độc lập cho dân tộc mà còn tự do, hạnh phúc cho con người, đưa nhân dân lên địa vị làm chủ đất nước và xã hội để mở đường đi tới chủ nghĩa xã hội. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã gắn kết mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Ngay tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, tiếp tục Cương lĩnh năm 1930 của Đảng, nhân dân Việt Nam kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cũng là mục tiêu lớn của thời đại.
66 năm đã trôi qua, sự nghiệp cách mạng Việt Nam đã tạo ra những biến đổi sâu sắc trong xã hội, với những thành tựu quan trọng đạt được trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng những nguyên nhân thành công và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, đặc biệt là bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam.
Bài và ảnh DUY HÒA 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét