Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

Tầm nhìn và những quyết định sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước bước ngoặt của cách mạng

Tầm nhìn và những quyết định sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước bước ngoặt của cách mạng

Truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lê-nin và sáng lập Đảng
QĐND Online-  Truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào nước ta, hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, khởi thảo Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt-Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, xác định con đường của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội....Những công việc cách mạng vĩ đại đó cho thấy tầm nhìn xa, trông rộng của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam.
Xuất phát từ thực trạng của đất nước, Nguyễn Ái Quốc không thành lập ngay đảng cộng sản mà thành lập một tổ chức cách mạng theo khuynh hướng mác-xít để qua đó dần dần đưa chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào quần chúng lao động, đó là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Trong các tác phẩm, các bài báo, bài giảng của mình, Người đã kết hợp việc phổ biến lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin với việc giới thiệu những phương hướng cơ bản của cách mạng Việt Nam, vạch cho nhân dân ta con đường đi đến độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Đường Cách mệnh là một trong những tác phẩm có giá trị to lớn trên phương diện lý luận và thực tiễn, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở Việt Nam những năm 20. Người tổ chức chuyển tài liệu, sách vở, báo chí về nước, gấp rút đào tạo cán bộ làm nòng cốt cho phong trào cách mạng; tổ chức tuyên truyền, cổ động tư tưởng cứu nước trong nhân dân; mở lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu để trang bị cho các học viên những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, về những nguyên tắc hoạt động bí mật và kỹ năng thực hành các công việc vận động quần chúng; chọn những học viên ưu tú kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và cử về nước gây dựng phong trào... Việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã thúc đẩy sự phát triển những tổ chức cộng sản, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Phong trào "vô sản hóa" đã góp phần đẩy nhanh quá trình giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lê-nin của giai cấp công nhân. Phong trào đấu tranh của nhân dân lao động được lãnh đạo, liên kết với nhau thành một làn sóng mạnh mẽ. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin do Nguyễn Ái Quốc có công truyền bá, đã thật sự chiếm lĩnh được lòng tin của phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông G.Xanhtơny – đại diện Chính phủ Pháp và tướng Lơcléc – Trưởng phái đoàn quân sự Pháp đến chào Người tại Bắc Bộ Phủ, tháng 3-1946”

Năm 1930, việc hợp nhất thành công các tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản duy nhất là công lao to lớn của Nguyễn Ái Quốc. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là đã vạch ra đường lối cách mạng đúng đắn (qua Chánh cương, Sách lược), có hệ thống tổ chức thống nhất, chặt chẽ, rộng khắp cả nước, là một bước ngoặt quyết định của lịch sử cách mạng Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc - người tìm ra con đường cứu nước, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam; người tổ chức, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam; người rèn luyện, cán bộ, đảng viên theo chuẩn mực của đảng Mác - Lê-nin chân chính, trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân.
Những quyết sách chiến lược trọng đại
Bằng nhạy cảm chính trị thiên tài, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy tình hình thế giới có chuyển biến lớn, Người gấp rút trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Người triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Tám (5-1941). Đây là Hội nghị hoàn chỉnh thêm một bước sự chuyển hướng chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam được vạch ra từ Hội nghị Trung ương Sáu (11-1939). Tại Hội nghị này, Nguyễn Ái Quốc đã xác định nhiệm vụ dân tộc phải được đặt lên hàng đầu. Người khẳng định: Lúc này nếu quyền lợi của dân tộc không đòi lại được thì quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Người chỉ đạo thành lập một mặt trận rộng rãi và có tên thích hợp hơn Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương để tập hợp lực lượng chống đế quốc. Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) ra đời với Chương trình cứu nước do chính Hồ Chí Minh dự thảo. Người chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa, tích cực chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng khởi nghĩa giành chính quyền. Đón bắt kịp thời thời cơ, Người và Đảng ta đã triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc Dân ngày 16 và 17-8-1945 thống nhất ý chí toàn dân, quyết định Tổng khởi nghĩa, làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945.
Nắm vững vị trí quan trọng của chính quyền cách mạng, với Tuyên ngôn độc lập, Người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đặc biệt, với việc tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sự ra đời Hiến pháp 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập Nhà nước cách mạng- Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Suốt chặng đường sau đó, bằng tầm nhìn văn hóa sâu rộng, kinh nghiệm chính trị phong phú và sáng tạo, Người đã lãnh đạo, tổ chức và xây dựng Nhà nước kiểu mới của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, luôn phấn đấu vì độc lập tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Thủ đô Vácxava (Ba Lan), tháng 7-1957. Ảnh: Tư liệu

Với phương châm kháng chiến "toàn dân, toàn diện", "trường kỳ và tự lực cánh sinh", "vừa kháng chiến, vừa kiến quốc"; với ý chí "không có gì quý hơn độc lập tự do", "Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ", Người đã hiệu triệu được lòng yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Những tư tưởng chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong thời điểm đất nước "ngàn cân treo sợi tóc" với thù trong, giặc ngoài năm 1946; trong Nghị quyết Trung ương 15 (tháng 1-1959) về đường lối cách mạng miền Nam; trong chỉ đạo thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền Nam-Bắc và cả tinh thần "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào"... là những nhân tố quan trọng, quyết định làm nên thắng lợi và thể hiện tinh thần nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam trong xu thế thời đại, phát huy được sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong cuộc chiến đấu vì chính nghĩa của dân tộc. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - lá cờ bách chiến, bách thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giương cao, đưa Việt Nam thành lương tâm và khí phách của thời đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo lý luận về chủ nghĩa xã hội của học thuyết Mác - Lên-nin vào điều kiện Việt Nam. Chủ nghĩa xã hội-con đường phát triển của dân tộc mà Người đã lựa chọn, đang từng bước được hiện thực hóa sinh động trên đất nước Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét