Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

nước Vạn Xuân

Nước Vạn Xuân

1. Lý Nam Đế (503 – 548) là một vị vua Việt Nam, người đã sáng lập ra nhà Tiền Lý và khai sinh nhà nước Vạn Xuân. Ông tên thật là Lý Bí, còn gọi là Lý Bôn[1], người làng Thái Bình, phủ Long Hưng[2], Việt Nam (khoảng Thạch Thất và thành phố Sơn Tây, Hà Nội)[1].
Lý Nam Đế có tài văn võ. Ông đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, đánh đuổi được quân đô hộ, rồi xưng là Nam Đế(vua nước Nam), đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên (chưa rõ ở đâu, có lẽ gần thành phố Bắc Ninh ngày nay).
Nguồn gốc
Nhiều sách sử cho biết tổ tiên của Lý Nam Đế là người Trung Quốc, vào cuối thời Tây Hán thì tránh sang ở Việt Nam (lúc đó đang là thuộc địa của Trung Quốc) để trốn nạn binh đạo. Qua 7 đời, đến đời Lý Bí thì dòng họ Lý đã ở Việt Nam được hơn 5 thể kỷ. Chính sử Trung Quốc đều coi Lý Bí là "Giao Châu thổ nhân".
Theo sách Văn minh Đại Việt của Nguyễn Duy Hinh [3] căn cứ các thần phả thì Lý Bí không phải là thế hệ thứ 7 mà là thế hệ thứ 11 của họ Lý từ khi sang Việt Nam. Khoảng cách 11 thế hệ trong 5 thế kỷ hợp lý hơn là 7 thế hệ trong 5 thế kỷ. Theo đó, đời thứ 7 là Lý Hàm lấy bà Ma thị là người Việt, sinh ra Lý Thanh. Lý Thanh phục vụ dưới quyền thứ sử Giao châu là Đàn Hòa Chi nhà Lưu Tống thời Nam Bắc Triều (Trung Quốc). Lý Thanh sinh ra Lý Hoa, Lý Hoa sinh ra Lý Cạnh. Lý Cạnh sinh ra Lý Thiên Bảo và Lý Bí.
Tuy nhiên, nguồn tài liệu khác lại ghi cha Lý Bí là Lý Toản, trưởng bộ lạc, mẹ là Lê Thị Oánh người Ái Châu (Thanh Hoá).
Tuổi trẻ
Lý Bí sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (17-10-503). Từ nhỏ, Lý Bí đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, sớm hiểu biết. Khi Lý Bí 5 tuổi thì cha mất; 7 tuổi thì mẹ qua đời. Ông đến ở với chú ruột. Một hôm, có một vị Pháp tổ thiền sư đi ngang qua, trông thấy Lý Bí khôi ngô, tuấn tú liền xin Lý Bí đem về chùa nuôi dạy. Sau hơn 10 năm rèn sách chuyên cần, lại được vị thiền sư gia công chỉ bảo nên Lý Bí trở thành người học rộng, hiểu sâu, ít người sánh kịp. Nhờ có tài văn võ kiêm toàn, Lý Bí được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương.
Lý Bí đã từng ra làm quan cho nhà Lương, nhưng do bất bình với các quan lại đô hộ tàn ác, nên ông bỏ quan, về quê, chiêu binh mãi mã chống lại chính quyền đô hộ. Tù trưởng ở Chu Diên (Hải Dương) là Triệu Túc cùng con là Triệu Quang Phục phục tài đức của ông nên đã đem quân nhập với đạo quân của ông.
Năm 541, thứ sử Giao Châu Tiêu Tư hà khắc tàn bạo nên mất lòng người. Lúc ấy lại có giặc Lâm Ấp quấy phá ở phía Nam. Nhân dân Giao Châu rất khổ cực. Lý Nam Đế làm quan cho chính quyền đô hộ nhưng không hài lòng, nên bỏ về quê, chiêu mộ nghĩa quân. Tinh Thiều, một người giỏi từ chương, từng đến kinh đô nhà Lương xin được chọn làm quan, nhưng chỉ cho chức "gác cổng thành", nên bỏ về Giao Châu theo Lý Nam Đế. Lúc bấy giờ ông làm chức giám quân ở châu Cửu Đức (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay), liên kết với hào kiệt mấy châu, đều hưởng ứng. Triệu Túc, tù trưởng ở Chu Diên (có lẽ là Phả Lại, tỉnh Hải Dương ngày nay), phục tài đức của Lý Nam Đế, nên đã dẫn quân theo. Quân của Lý Nam Đế đánh Tiêu Tư thua chạy về Quảng Châu và chiếm lấy Long Biên. Tháng 12 năm 542, vua Lương sai Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng sang đàn áp. Thứ sử Quảng Châu là Hoán (theo Trần thư là Tiêu Ánh) không cho, Tiêu Tư cũng thúc giục. Tử Hùng đi đến Hợp Phố, 10 phần chết đến 6-7 phần, quân tan rã. Năm 543, tháng 4, vua Lâm Ấp xâm chiếm quận Nhật Nam, Lý Nam Đế sai Phạm Tu đánh tan địch ở Cửu Đức. Năm 544, tháng giêng, ông tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Đức (đức trời), lập trăm quan, đặt tên nước là Vạn Xuân thể hiện mong muốn rằng xã tắc truyền đến muôn đời. Đóng đô ở Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội). Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Thành lập triều đình với hai ban văn, võ. Lấy Triệu Túc làm thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ.
Chạy về động Khuất Lạo
Năm 545, tháng 6, nhà Lương cho Dương Thiêu (Thiệu hay Phiêu) làm thứ sử Giao Châu, Trần Bá Tiên[4] làm tư mã, đem quân xâm lấn, lại sai thứ sử Định Châu là Tiêu Bột hội với bọn Thiêu ở Giang Tây (theo Trần thư và Thông giám là Tây Giang, thuộc Quế Lâm). Trần Bá Tiên đem quân đi trước. Khi quân của Bá Tiên đến Giao Châu, Lý Nam Đế đem 3 vạn quân ra chống cự, bị thua ở Chu Diên, lại thua ở cửa sông Tô Lịch, tướng Tinh Thiều tử trận. Ông chạy về thành Gia Ninh (xã Gia Ninh, huyện Vĩnh Lạc tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay). Quân Lương đuổi theo vây đánh.
Tháng giêng năm 546, Trần Bá Tiên đánh lấy được thành Gia Ninh, tướng Phạm Tu tử trận. Lý Nam Đế chạy vào đất người Lạo ở Tân Xương. Quân Lương đóng ở cửa sông Gia Ninh. Tháng 8, ông đem 2 vạn quân từ trong đất Lạo ra đóng ở hồ Điển Triệt (xã Tứ Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Phú Thọ), đóng nhiều thuyền đậu chật cả mặt hồ. Quân Lương sợ, cứ đóng lại ở cửa hồ không dám tiến vào. Đêm hôm ấy nước sông lên mạnh, dâng cao 7 thước, tràn đổ vào hồ. Bá Tiên đem quân theo dòng nước tiến trước vào. Quân Vạn Xuân không phòng bị, vì thế tan vỡ, phải lui giữ ở trong động Khuất Lạo, ông ủy cho con thái phó Triệu Túc là tả tướng là Triệu Quang Phục giữ việc nước, điều quân đi đánh Bá Tiên.
Năm 548, ngày 20 (ngày Tân Hợi) tháng 3 (tức ngày 13-4 dương lịch), Lý Nam Đế ở động Khuất Lạo lâu ngày bị nhiễm lam chướng, ốm qua đời. Ông ở ngôi được 5 năm (544-548), thọ 46 tuổi.
Theo sách "Việt Nam văn minh sử" của Lê Văn Siêu dẫn một số nguồn tài liệu cổ, Lý Nam Đế ở lâu ngày trong động, vì nhiễm lam chướng nên bị mù hai mắt. Vì vậy đời sau đến ngày giỗ thường phải xướng tên các đồ lễ để vua nghe thấy. Lại cũng theo tài liệu này, có thuyết cho rằng không phải Lý Nam Đế ốm chết mà vua bị người Lạo làm phản giết hại. Tướng Lý Phục Man[5] cũng mất theo vua vì nạn này.
Ngày nay ở trung tâm Hà Nội có phố mang tên Lý Nam Đế.
Bình luận
Lê Văn Hưu nói: Binh pháp có câu: "Ba vạn quân đều sức, thiên hạ không ai địch nổi". Nay Lý Bí có 5 vạn quân mà không giữ được nước, thế thì Bí kém tài làm tướng chăng? Hay là quân lính mới họp không thể đánh được chăng? Lý Bí cũng là bậc tướng trung tài, ra trận chế ngự quân địch giành phần thắng không phải là không làm được, nhưng bị hai lần thua rồi chết, bởi không may gặp phải Trần Bá Tiên là kẻ giỏi dùng binh vậy.
Ngô Sĩ Liên nói: Tiền Lý Nam Đế dấy binh trừ bạo, đáng là thuận đạo trời, thế mà cuối cùng đến nỗi bại vong, là vì trời chưa muốn cho nước ta được bình trị chăng? Than ôi! Không chỉ vì gặp phải Bá Tiên là kẻ giỏi dùng binh, mà còn gặp lúc nước sông đột ngột dâng lên trợ thế cho giặc, há chẳng phải cũng do trời hay sao?
Chú thích
  1. Kiêng tên húy của Lý Nam Đế, người dân ở quê ông thường gọi quả  là quả bầu. Tên "Bí" cũng hay đọc chệch là "Bôn".
  2. Cương mục và Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi là "Tên Thái Bình đặt từ năm Vũ Đức thứ 4 (621) thời nhà Đường; tên Long Hưng đặt từ thời nhà Trần", còn Việt Nam Sử Lược lại ghi rõ là phủ Long Hưng thuộc tỉnh Sơn Tây
  3. NXB Văn hóa thông tin, 2005
  4. Trần Bá Tiên là một tướng giỏi nhất của nhà Lương lúc bấy giờ, sau này khi nhà Lương sụp đổ đã đánh bại các sứ quân khác để lập nên nhà Trần. Xem thêm K. Taylor "The birth of Vietnam"
  5. Một số thần phả lại cho rằng chính Lý Phục Man là Phạm Tu được cải họ Lý của vua và có công đánh Lâm Ấp
  6. nên gọi là Phục Man
    2. Triệu Việt Vương ( ? - 571) tên thật là Triệu Quang Phục, là con Triệu Túc, người huyện Chu Diên, uy tráng dũng liệt, theo Lý Nam Đế đi đánh dẹp có công, được trao chức tả tướng quân. Lý Nam Đế mất, ông xưng vương, sau khi đánh tan quân nhà Lương năm 550, đóng đô ở Long Biên, sau dời sang Vũ Ninh (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Năm 571, ông bị quân của Lý Phật Tử đánh úp và thua trận. Ông tự tử ở cửa sông Đáy, kết thúc triều đại Triệu Việt Vương.
    Triệu Quang Phục là người kế tục sự nghiệp của Lý Nam Đế. Ông là người huyện Chu Diên, là con của Triệu Túc, một thủ lĩnh địa phương có lòng yêu nước không chịu khuất phục nhà Lương. Triệu Quang Phục nổi tiếng giỏi võ nghệ. Sử chép ông là người "uy hùng sức mạnh".
    Cha con ông là người đầu tiên đem quân tham gia cuộc khởi nghĩa Lý Bí. Triệu Túc là một danh tướng của nước Vạn Xuân, được phong làm Thái Phó trông coi việc binh, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương ở vùng ven biển. Triệu Quang Phục lúc đầu theo cha đi đánh giặc, có công. Là một tướng trẻ có tài nên được Lý Nam Đế tin dùng làm tả tướng quân.
    Đầu năm 545, quân Lương xâm lược Vạn Xuân, cuộc kháng chiến của nhà Tiền Lý thất bại. Lý Nam Đế phải lẩn tránh ở động Khuất Lão thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay và giao binh quyền cho Triệu Quang Phục.
    Vốn thông thuộc vùng sông nước Chu Diên, Triệu Quang Phục quyết định chuyển hướng chiến lược, thay đổi phương thức tác chiến cũ là phòng ngự, cố thủ hay tập trung lực lượng quyết chiến với địch. Ông đưa hơn một vạn quân từ miền núi về đồng bằng, lập căn cứ kháng chiến ở Dạ Trạch (bãi Màn Trò, Khoái Châu, Hưng Yên).
    Dạ Trạch là một vùng đầm lầy ven sông Hồng, rộng mênh mông, lau sậy um tùm. ở giữa là một bãi phù sa rộng, có thể làm ăn sinh sống được. Đường vào bãi rất kín đáo, khó khăn. Chỉ có dùng thuyền độc mộc nhẹ lướt trên cỏ nước theo mấy con lạch nhỏ thì mới tới được...Triệu Quang Phục đóng quân ở bãi đất nổi ấy. Ngày ngày, quân sĩ thay phiên nhau vừa luyện tập, vừa phát bờ, cuốc ruộng, trồng lúa, trồng khoai để tự túc binh lương; ban ngày tắt hết khói lửa, im hơi lặng tiếng như không có người, đến đêm nghĩa quân mới kéo thuyền ra đánh úp các trại giặc, cướp được nhiều lương thực, "làm kế trì cửu" (cầm cự lâu dài) người trong nước gọi Triệu Quang Phục là Dạ Trạch Vương (vua Đầm Đêm). Nghe tin Lý Nam Đế mất, ông xưng là Triệu Việt Vương.

    Vùng đồng bằng này tuy không có thế đất hiểm như miền đồi núi nhưng có nhiều sông lạch chia cắt, nhiều đầm hồ lầy lội, không lợi cho việc hành binh của những đạo quân lớn. Địa thế như vậy buộc địch phải phân tán, chia quân đánh nhỏ, làm mất sở trường của chúng, đồng thời tạo điều kiện cho ta tiêu diệt gọn từng bộ phận nhỏ, tiêu hao sinh lực địch. Đồng bằng còn là nơi đông dân cư, nơi có nhiều sức người, sức của, cung cấp cho cuộc chiến đấu lâu dài của quân ta.
    Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, từ Lý Nam Đế qua Triệu Việt Vương đã có sự chuyển hướng chiến lược, thay đổi địa bàn và cách đánh. Lập căn cứ kháng chiến ở đồng bằng, đó là kế sách dụng binh hết sức mưu lược và sáng suốt của Triệu Quang Phục. Đưa quân xuống đồng bằng, Triệu Quang Phục không áp dụng phương thức tác chiến phòng ngự, cố thủ hay tập trung lực lượng quyết chiến với địch. Kế sách của ông nói theo ngôn ngữ quân sự hiện đại, là đánh lâu dài và đánh tiêu hao, đánh kỳ lập làm phương thức tác chiến chủ yếu.
    Nhờ sự chuyển hướng chiến lược sáng suốt đó mà cục diện chiến tranh thay đổi ngày càng có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Quân Lương cố sức đánh vào vùng Dạ Trạch, nhằm phá vỡ đầu não kháng chiến, nhưng âm mưu đó không thực hiện được. Quân của Triệu Quang Phục giữ vững căn cứ Dạ Trạch, liên tục tập kích các doanh trại và các cuộc hành binh của địch. Qua gần 4 năm chiến tranh (547-550) cuộc kháng chiến ngày càng lớn mạnh, địch càng đánh càng suy yếu.

    Viên tướng giỏi của địch là Trần Bá Tiên đã trở về Châu Quảng từ năm 547, làm Thái thú Cao Yên. Năm 548, bên triều Lương xảy ra loạn Hầu Cảnh (548-552). Viên hàng tướng này đã cướp kinh sư, số đông quý tộc nhà Lương bị giết chết, bọn cường hào địa phương nổi dậy khắp nơi. ở phía bắc, triều Tây Ngụy, từ lưu vực sông Vị, tổ chức một loạt các cuộc tiến công đế chế của Lương, năm 553 chiếm Tứ Xuyên, cắt đứt quan hệ giữa Nam Kinh và Trung á, chiếm Trương Dương (Hồ Bắc), xâm nhập tới Giang Lăng trung lưu Trường Giang, lập nên triều Hậu Lương bù nhìn (bị xóa năm 587). Quan tướng các châu - trong đó có Trần Bá Tiên - kéo quân đổ về kinh sư với danh nghĩa "cứu viện kinh sư" dẹp loạn Hầu Cảnh, rồi nội chiến liên miên.
    Chớp thời cơ đó. Triệu Quang Phục, từ căn cứ Dạ Trạch, đã tung quân ra mở một loạt cuộc tiến công lớn vào quân giặc giết tướng giặc là Dương Sàn thu lại châu thành Long Biên, đuổi giặc ngoại xâm, giành lại quyền tự chủ trên toàn đất nước.
    Về sau, vì tin lời cầu hòa của Lý Phật Tử (vốn là tướng của Lý Nam Đế, từng nổi dậy chống ông), ông chia cho y một phần đất và kết mối thông gia: con trai Lý (Nhã Lang) lấy con gái Triệu (Cảo Nương). Năm 571, Lý Phật Tử phản bội đem quân đánh úp, Việt Vương thua, chạy đến cửa bể Đại Nha, cùng đường gieo mình tự vẫn.
    Theo Việt điện u linh, cuốn sách xưa nhất (1329) chép về Triệu Quang Phục thì sau khi ông mất, người đời thấy linh dị, lập miếu thờ ở cửa biển Đại Nha. Năm Trùng Hưng thứ nhất (1285, đời Trần Nhân Tông) sách phong là Minh Đạo Hoàng đế. Năm Trung Hưng thứ tư (1288, đời Trần Nhân Tông) ban thêm hai chữ "Khai cơ". Năm Hưng Long thứ 21 (1313, đời Trần Anh Tông) ban thêm bốn chữ "Thánh liệt thần vũ".

    3. Triệu Việt Vương đi theo 'vết xe đổ' của An Dương Vương?

    Dù sống cách xa nhau về thời gian, nhưng ở An Dương Vương Thục Phán và Triệu Việt Vương Triệu Quang Phục, chúng ta nhìn thấy nhiều điểm trùng hợp đến ngẫu nhiên giữa hai tiền nhân này. Hãy cùng điểm qua điều đó.
    Tranh Minh Họa vua An Dương Vương trước lúc tự tận.
    Nắm quyền bằng chuyển giao quyền lực
    Thục Phán theo sử cũ chép, vốn dòng dõi Thục Vương, vì đời tiền nhân của Thục Phán cầu hôn con gái Hùng Vương không được nên sinh cừu hận. Nhân khi Hùng Vương không phòng bị, Thục Phán cướp nước Văn Lang lập nên nhà nước mới.
    Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Hùng Vương bỏ không sửa sang võ bị, chỉ ham ăn uống vui chơi. Quân Thục kéo sát đến nơi, hãy còn say mềm chưa tỉnh, rồi thổ huyết nhảy xuống giếng chết, quân lính quay giáo đầu hàng Thục Vương”.


    Đại Việt sử lược (khuyết danh) thì chép ngắn gọn: “Cuối đời nhà Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi rồi lên thay.” Lên ngôi rồi, An Dương Vương đặt tên nước là Âu Lạc. Tên gọi này theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép lại theo Dư địa chí của Cổ Hi Phùng “Giao Chỉ về đời Chu gọi là Lạc Việt, về đời Tần gọi là Tây Âu”. Như vậy tên Âu Lạc là cách gọi kết hợp về cùng một địa danh.
    Nếu An Dương Vương nắm quyền lực sau khi truất ngôi Hùng Vương thì Triệu Quang Phục cũng nắm quyền từ một cuộc chuyển giao quyền lực, nhưng mang tính chất hòa bình.
    Sau khi lập nên nước Vạn Xuân năm Giáp Tý (544), Lý Nam đế - Lý Bí lại phải chống quân Lương do Trần Bá Tiên dẫn đầu sang xâm lược. Tháng 8 năm Bính Dần (546) bị thua ở hồ Điển Triệt (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay), “phải lui giữ ở trong động Khuất Lão để sửa binh đánh lại, ủy cho đại tướng là Triệu Quang Phục giữ việc nước” (Đại Việt sử ký toàn thư). Năm 548, Lý Bí bị bệnh chết ở động Khuất Lão, Triệu Quang Phục lên nắm quyền, tức là Triệu Việt Vương.
    Hai vị vua tài
    An Dương Vương từng đánh Hùng Vương, rồi đuổi quân xâm lược Triệu Đà. Nhưng bằng chứng hùng hồn nhất cho tài thao lược của ông phải kể đến đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc quân sự thời Âu Lạc, đó là thành Cổ Loa (vì thành có hình xoáy ốc, lại có tên là Trung Qui thành, thời Đường gọi là Côn Lôn thành, có ý nói là thành rất cao) với ba vòng thành Nội, thành Trung, thành ngoại, phối kết hợp với hào lũy từ dòng nước tự nhiên của sông Hoàng làm nên công trình quân sự kiên cố chống giặc xâm lược.
    Tranh minh họa vua Triệu Quang Phục ở Đàm Dạ Trạch.
    Bên cạnh đó, nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương còn có thứ vũ khí đáng sợ là nỏ liên châu, hay Linh Quang thần trảo mà dân gian gọi là nỏ thần, một lúc có thể bắn được nhiều mũi tên.
    Đối với Triệu Việt Vương, tài năng của ông thể hiện rõ qua việc được Lý Nam đế Lý Bí tin cẩn giao cho quyền bính, và hiện thực hóa qua kế đánh “trì cửu” (cầm cự lâu dài) với việc lấy đầm Dạ Trạch (tức đầm Một Đêm, thuộc Khoái Châu, Hưng Yên) làm đại bản doanh chống giặc Lương: “Ngày ngày, quân sĩ thay phiên nhau vừa luyện tập, vừa phát bờ, cuốc ruộng, trồng lúa, trồng khoai để tự túc binh lương. Ban ngày tắt hết khói lửa, im hơi lặng tiếng như không có người, đến đêm nghĩa quân mới kéo thuyền ra đánh úp các trại giặc, cướp được nhiều lương thực” (Việt sử tiêu án – Ngô Thì Sỹ). Nhờ cách đánh “trì cữu” đó năm Canh Ngọ (550), Triệu Quang Phục đánh đuổi quân Lương lấy lại được nước.
    Được thần giúp vũ khí
    An Dương Vương đắp thành Cổ Loa vừa làm kinh đô, vừa làm căn cứ chống giặc phương Bắc. Nhưng thành cứ đắp lại đổ, sau nhờ có thần Kim Quy giúp mới đắp không quá nửa tháng thì xong. Lại được thần “trút chiếc móng trao cho vua và nói: “Nước nhà yên hay nguy đều do số trời, nhưng người cũng nên phòng bị; nếu có giặc đến thì dùng móng thiêng này làm lẫy nỏ, nhằm vào giặc mà bắn thì không phải lo gì”.
    Vua sai bề tôi là Cao Lỗ làm nỏ thần, lấy móng rùa làm lẫy, đặt tên là Linh Quang Kim Trảo thần nỏ” (Đại Việt sử ký toàn thư). Nhờ có nỏ thần đó, quân Nam Việt năm lần bảy lượt xâm lược Âu Lạc đều thất bại.
    Còn Triệu Việt Vương khi đóng quân ở đầm Dạ Trạch, cũng là đầm nơi trước kia hai vợ chồng Tiên Dung – Chử Đồng Tử theo truyền thuyết đã bay lên trời. Quang Phục thấy quân Lương không rút lui, bèn đốt hương khấn trời thì có điềm tốt là được móng rồng để đính lên mũ đâu mâu, dùng để uy hiếp quân giặc. Đại Việt sử ký toàn thư chép lại việc này: “tục truyền rằng thần nhân trong đầm là Chử Đồng Tử bấy giờ cưỡi rồng vàng từ trên trời rơi xuống, rút móng rồng trao cho vua, bảo gài lên mũ đâu mâu mà đánh giặc. Từ đó thanh thế quân đội lừng lẫy, đánh đâu được đấy”.
    Như vậy, An Dương Vương và Triệu Việt Vương đều được thần giúp. Có một điều rất hay nữa là, vũ khí thần ở đây đều là của hai con vật thần thoại nằm trong bộ “Tứ linh” (long, lân, quy, phụng) và đều là chiếc móng. Rùa và rồng là hai con vật gắn liền với cư dân nông nghiệp lúa nước Việt Nam (rồng được thần thánh hóa từ hình tượng có thật là con rắn).
    Thông gia và kết cục - Hai kịch bản, một nội dung?
    An Dương Vương - Triệu Đà - Trọng Thủy - Mỵ Châu: Không xâm lược được nước Âu Lạc, Nam Việt Vương Triệu Đà giả thác hòa thân, dùng con bài hôn nhân chính trị để cướp nước. Trọng Thuỷ con Triệu Đà kết hôn với công chúa Mỵ Châu của An Dương Vương. An Dương Vương vì trọng hòa bình, hữu hảo mà tác thành, lại cho Trọng Thuỷ theo cái tục “Chuế tế” - gửi rể chỉ ở Trung Quốc đời Tần mới có (con trai không có tiền nộp sính lễ, lấy thân ở gửi nhà vợ nên gọi là chuế tế (ở gửi rể). Để rồi từ đây, Mỵ Châu với tình yêu dành cho chồng đã tiết lộ hết bí mật quân sự (móng rùa thần), quốc gia cho Trọng Thuỷ, An Dương Vương mất nước.
    Triệu Việt Vương - Lý Phật Tử - Nhã Lang - Cảo Nương: Vết xe đổ xảy ra ở thế kỷ 2 TCN của An Dương Vương còn đó, nhưng Triệu Việt Vương vẫn dẫm vào. Sau khi đánh đuổi quân Lương, Triệu Việt Vương giao tranh với Lý Phật Tử (vốn là bộ tướng của Lý Thiên Bảo là anh của Lý Bí) rồi vạch đôi sơn hà cai trị. Lý Phật Tử cũng như Triệu Đà, cho con trai mình Nhã Lang kết hôn với công chúa Cảo Nương của Triệu Việt Vương rồi đánh cắp bí mật quân sự (móng rồng) để rồi cướp nước. Năm Canh Dần, (570), Triệu Việt Vương mất nước về tay Lý Phật Tử.
    Dù ở hai thời khác nhau, nhưng An Dương Vương và Triệu Việt Vương đều bị kẻ thù lừa cùng một kịch bản: Hôn nhân, gửi rể - vợ tiết lộ bí mật quân sự cho chồng - thông gia cướp nước. Bí mật quân sự ở được nói tới là móng rùa thần, móng rồng, nhưng thực tế đó chính là việc Trọng Thuỷ, Nhã Lang phá vỡ sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ triều đình An Dương Vương, Triệu Việt Vương. Mất đi điều đó, dù có thành cao, hào sâu, vũ khí lợi hại bao nhiêu đi chăng nữa cũng mất nước.
    Mất nước, cả An Dương Vương, Triệu Việt Vương đều đem theo con gái yêu chạy về nam và cùng tìm đến biển làm nơi tự tận. An Dương Vương “xuống biển” ở xã Cao Xá ở Diễn Châu, Nghệ An. Còn Triệu Việt Vương chết ở cửa biển Đại Nha, nay thuộc Nghĩa Hưng, Nam Định. Cái chết của An Dương Vương cùng việc mất nước Âu Lạc mở đầu cho thời kỳ hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Còn Triệu Việt Vương mất nước, chỉ thời gian ngắn sau, với việc Lý Phật Tử hàng Tuỳ, nước ta lại rơi vào thân phận nô lệ.
    5. Lý Phật Tử ( ? - 602) là vua nhà Tiền Lý trong lịch sử Việt Nam, còn gọi là Hậu Lý Nam Đế (571-602). Ông người Thái Bình, phủ Long Hưng (Sơn Tây), là cháu họ của Tiền Lý Nam Đế.
    Ẩn náu ở động Dã Năng
    Đầu năm 544, Lý Bí sau khi đánh thắng quân Lương, tự xưng là Nam Việt đế, đặt tên nước là Vạn Xuân.
    Tháng 6 năm 545, vua Lương Vũ đế (Tiêu Diễn) cử Dương Phiếu, Trần Bá Tiên, Tiêu Bột đi đánh Vạn Xuân. Trần Bá Tiên là tướng giỏi nhà Lương. Quân Lương đến Giao Châu, Lý Nam đế mang quân ra đánh bị thua nặng mấy trận, mất thành Gia Ninh (545), sau đó lui về Tân Xương là vùng của người Lạo, lại bị quân Lương đánh úp tại hồ Điển Triệt (546), phải ẩn náu trong động Khuất Lạo, giao lại binh quyền cho tả tướng quân Triệu Quang Phục.
    Trong khi đó, Lý Phật Tử cùng anh Lý Nam Đế là Lý Thiên Bảo đem 3 vạn người vào Cửu Chân, đánh chiếm được Đức châu (Hà Tĩnh), giết tướng nhà Lương là Trần Văn Giới. Sau đó, hai tướng họ Lý mang quân ra đánh Ái châu (Thanh Hóa), Trần Bá Tiên mang quân tới đánh, Thiên Bảo và Phật Tử bị thua, bèn thu nhặt quân còn sót được vạn người chạy sang đất người Di Lạo ở Ai Lao.
    Lý Thiên Bảo thấy động Dã Năng ở đầu nguồn Đào Giang, đất phẳng rộng màu mỡ có thể ở được, Lý Thiên Bảo mới đắp thành để ở, nhân tên đất ấy mà đặt quốc hiệu. Đến bây giờ quân chúng tôn làm chúa, xưng là Đào Lang Vương. Lý Phật Tử là tướng dưới quyền.
    Triệu Quang Phục đóng quân trong đầm Dạ Trạch cầm cự với Trần Bá Tiên, tự xưng là Dạ Trạch Vương. Tháng 3 năm 548, nghe tin Lý Nam Đế mất trong động Khuất Lão, Triệu Quang Phục tự xưng là Triệu Việt Vương. Năm 550, gặp lúc bên nước Lương xảy ra loạn Hầu Cảnh, nhà Lương gọi Bá Tiên về, ủy quyền cho tì tướng là Dương Sàn cầm quân.
    Triệu Việt Vương nhân lúc quân Lương không còn tướng giỏi, tung quân ra đánh. Sàn mang quân chống cự, bị thua chết. Quân Lương tan vỡ chạy về Bắc. Triệu Việt Vương lấy lại được nước Vạn Xuân, đóng đô ở thành Long Biên.
    Gây hấn với Triệu Việt vương
    Triệu Việt Vương làm vua ở thành Long Biên. Lý Thiên Bảo làm Đào Lang Vương ở nước Dã Năng. Năm 555, Thiên Bảo chết không có con nối, quân chúng suy tôn Lý Phật Tử lên nối ngôi.
    Năm 557, Lý Phật Tử đem quân xuống miền Đông đánh nhau với Triệu Việt Vương ở huyện Thái Bình. Hai bên năm lần giáp trận, chưa phân thắng bại, quân của Phật Tử có phần kém thế hơn. Phật Tử liệu không thắng được bèn xin giảng hòa xin ăn thề. Triệu Việt Vương nghĩ ông là người họ của Tiền Lý Nam Đế, không nỡ cự tuyệt, bèn chia địa giới ở bãi Quân Thần (nay là hai xã Thượng Cát, Hạ Cát ở huyện Từ Liêm) cho ở phía tây của nước.
    Phật Tử dời đến thành Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng).
    Thông gia để đoạt nước
    Lý Phật Tử có con trai là Nhã Lang, xin lấy con gái của Triệu Việt Vương là Cảo Nương. Việt vương bằng lòng, nên hai nhà kết thành thông gia. Vì yêu quý Cảo Nương nên Việt Vương cho Nhã Lang ở gửi rể.
    Sau Nhã Lang biết được bí mật về quân sự của Triệu Việt Vương, báo lại cho Hậu Lý Nam Đế. Lý Phật Tử mang quân đánh úp Việt Vương. Việt Vương tự biết thế yếu không thể chống được, bèn đem con gái chạy về phía nam, muốn tìm nơi đất hiểm để ẩn náu tung tích, nhưng đến đâu cũng bị quân Lý đuổi theo sau gót. Việt Vương cưỡi ngựa chạy đến cửa biển Đại Nha, cùng đường, bèn nhảy xuống biển tự vẫn.
    Lý Phật Tử lên làm vua cả nước, đóng đô ở Phong Châu. Vì ông cũng xưng là Lý Nam Đế, nên đời sau gọi là Hậu Lý Nam Đế để phân biệt với Lý Bí.
    Không đánh mà hàng
    Ở Trung Quốc, nhà Tuỳ đã diệt nhà Trần[1] thống nhất toàn quốc năm 589. Vua Tùy sai sứ sang dụ Lý Phật Tử sang chầu. Ông thoái thác không sang.
    Năm 602, Tùy Văn Đế muốn đánh Vạn Xuân. Thừa tướng Dương Tố tiến cử Thứ sử Qua Châu là Lưu Phương. Vua Tùy xuống chiếu sai Phương thống lĩnh 27 doanh quân sang đánh.
    Nghe tin quân địch kéo sang, Hậu Lý Nam Đế sai con của người anh là Lý Đại Quyền giữ thành Long Biên, Biệt súy là Lý Phổ Đỉnh giữ thành Ô Diên, còn tự Lý Phật Tử đóng ở Phong Châu.
    Quân Tùy đến núi Đô Long gặp quân Lý, Lưu Phương đánh tan hết, rồi tiến quân sang đến cạnh dinh của Lý Phật Tử. Phương lấy họa phúc mà dụ. Hậu Lý Nam Đế sợ hãi xin đầu hàng, bị quân Tuỳ bắt đưa về Bắc rồi chết.
    Dân làm đền thờ ông ở cửa biển Tiểu Nha[2] để đối với đền thờ Triệu Việt Vương.
    Nhận định
    Nhận định về Lý Phật Tử, sách Đại Việt Sử ký Toàn thư dẫn lời nhận xét xác đáng sử thần Ngô Sĩ Liên:
    Lấy bá thuật mà xét thì Hậu [Lý] Nam Đế đánh Triệu Việt Vương là đắc kế, lấy vương đạo mà xét thì việc ấy đã từng không bằng chó lợn. Sao thế? Là vì khi Tiền Lý Nam Đế ở động Khuất Lạo đem việc quân ủy cho Triệu Việt Vương. Việt Vương thu nhặt tàn quân giữ hiểm ở Dạ Trạch bùn lầy, đương đầu với Trần Bá Tiên là người hùng một đời, cuối cùng bắt được tướng của y là Dương Sàn. Tiên, người phương Bắc, phải lui quân. Bấy giờ vua [Hậu Nam Đế] trốn trong đất Di [Lạo], chỉ mong thoát khỏi miệng hùm mà thôi. May mà Bá Tiên về Bắc, [Lý] Thiên Bảo chết, mới đem quân đánh [Triệu] Việt Vương, dùng mưu gian trá xin hòa, kết làm thông gia. Việt Vương lấy lòng thành đối đãi, cắt đất cho ở, những việc làm của Việt Vương đều là chính nghĩa, giao hảo phải đạo, thăm viếng phải thời, há chẳng phải là đạo trị yên lâu dài hay sao ? Thế mà [Hậu Nam Đế] lại dùng mưu gian của Nhã Lang, vứt bỏ chính đạo nhân luân, kíp tham công lợi mà diệt nhân nghĩa, đánh cướp lấy nước, tuy rằng lấy được, mà Nhã Lang thì chết trước, bản thân cũng không khỏi làm tù, có lợi gì đâu?
    Chú thích
    1. Con cháu Trần Bá Tiên
    2. Tức cửa Càn, phía nam cửa Đại An

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét