Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Những chặng đường đấu tranh cách mạng và thắng lợi lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010)


Những chặng đường đấu tranh cách mạng và thắng lợi lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010)

PGS, TS Ngô Đăng Tri, Đại học Khoa học Xã hội nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội
Nhân kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2010), PGS.TS Ngô Đăng Tri điểm lại những chặng đường lịch sử của Đảng cũng như ý nghĩa lịch sử của mỗi thời kì.
Lịch sử 80 năm của Đảng là lịch sử của quá trình lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh cho mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Lịch sử của Đảng gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam, đã trải qua nhiều chặng đường đấu tranh gian khổ, hào hùng và hết sức oanh liệt, vẻ vang.

1. Chặng thứ nhất và thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám (1930-1945)

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. “Thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn. Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình” (1).
Theo Cương lĩnh đó, Đảng đã phát cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, qua đó đã khẳng định trong thực tiễn vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng và sức mạnh của khối liên minh công nông. Sau cuộc đấu tranh đầy gian khổ để bảo vệ Đảng, duy trì tổ chức quần chúng, khôi phục phong trào cách mạng những năm 1932-1933, Đảng đã biết chuyển ngay sang đấu tranh đòi dân sinh dân chủ thời kì 1936-1939 khi tình hình trong nước và thế giới có sự biến chuyển mới. Phong trào đấu tranh những năm 1936-1939 đã làm cho ảnh hưởng của Đảng ăn sâu, lan rộng trong quảng đại quần chúng, sự giác ngộ chính trị của quần chúng được nâng cao.
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đảng ta đã chuyển hướng chiến lược cách mạng, nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tập trung vào mục tiêu giành độc lập, giành chính quyền về tay nhân dân, tích cực chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang nhằm đảnh đuổi mọi kẻ thù ngoại xâm bất luận da trắng hay da vàng. Chính từ sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc những năm 1939-1945 và nắm bắt thời cơ lịch sử một cách chuẩn xác và kịp thời khi Nhật đã đầu hàng quân Đồng Minh, Đảng đã phát động cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân gần 90 năm và chế độ quân chủ chuyên chế để lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một kỉ nguyên mới của dân tộc Việt Nam – kỉ nguyên độc lập tự do, dân chủ nhân dân, đi lên chủ nghĩa xã hội.

2. Chặng đường thứ hai và thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ (1945-1954)

Sau cách mạng Tháng Tám, khó khăn của nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà là hết sức to lớn. Ba thứ giặc: “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, đều là những hiểm hoạ đặt vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Trước tình hình đó, ngày 25-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương đã ra Chỉ thịKháng chiến kiến quốc, vạch con đường đi lên cho cách mạng Việt Nam. Với những cố gắng phi thường, đến cuối năm 1946, nhân dân ta đã làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xâm lược của các thế lực đế quốc, bảo vệ được độc lập của đất nước, giữ vững chính quyền cách mạng, thành quả lớn nhất của cuộc cách mạng Tháng Tám.
Từ ngày 19/12/1946, khi thực dân Pháp bội ước, gây chiến tranh xâm lược ra cả nước, với ý chí “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ“, Đảng đã phát động toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp theođường lối chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Trải qua những khó khăn ban đầu, đến cuối năm 1950, sau chiến dịch Biên Giới thắng lợi, cuộc kháng chiến của dân tộc ta đã giành được những thắng lợi quan trọng. Từ năm 1951, theo đường lối của Đại hội Đảng lần thứ hai, cuộc kháng chiến của quân dân Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới. Đặc biệt, với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953- 1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân ta đã buộc thực dân Pháp phải đi tới đàm phán và kí kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mĩ có ý nghĩ lịch sử vĩ đại. Đó là đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp được đế quốc Mĩ giúp sức ở mức độ cao, bảo vệ được chính quyền cách mạng, buộc thực dân Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương. Đã giải phóng hoàn toàn miền Bắc và tăng cường sức mạnh vật chất tinh thần cho cách mạng Việt Nam. Thắng lợi đoa còn có ý nghĩa cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, mở ra sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, trước hết là hệ thống thuộc địa của thực dân Pháp...

3. Chặng đường thư ba và thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh (1954-1975)

Với dã tâm làm bá chủ thế giới, từ tháng 7/1954, đế quốc Mĩ đã từ can thiệp chuyển sang trực tiếp thay chân Pháp xâm lược Việt Nam. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta vì độc lập, thống nhất trở nên hết sức gay go, phức tạp. Trải qua nhiều hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, chủ trương chiến lược cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới của Đảng từng bước hình thành. Đó là đường lối tiến hành đồng thời và kết hợp chặt chẽ hai chiến lược cách mạng khác nhau ở hai miền: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, nhằm thực hiện mục tiêu chung trước mắt của cả nước là giải phóng miền Nam, hoà bình thống nhất Tổ quốc.
Theo đường lối sáng suốt của Đảng, nhân dân miền Bắc đã hăng hái phấn đấu xây dựng hậu phương xã hội chủ nghĩa và giành được những thành tựu hết sức quan trọng. Đến năm 1965, miền Bắc trở thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng cả nước, hậu phương có tiềm lực kinh tế quốc phòng ngày to lớn cho miền Nam. Được sự chi viện của miền Bắc, với truyền thống “Thành đồng Tổ quốc”,quân dân ta ở miền Nam đã anh dũng đấu tranh vượt qua những năm tháng khó khăn của giai đoạn đấu tranh chính trị là chính, tiến tới cuộc nổi dậy và “Đồng Khởi” (1959- 1960) theo Nghị quyết lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giành quyền làm chủ ở các vùng nông thôn, rừng núi, đưa cách mạng chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Tiếp đó đã đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mĩ (1961- 1965), đưa cuộc chiến đấu tiến lên mạnh mẽ, làm lung lay tận gốc rễ chế độ nguỵ quân, nguỵ quyền tay sai.
Từ năm 1965, do đế quốc Mĩ gây chiến tranh cục bộ ở miền Nam, đánh phá ra miền Bắc, Đảng và Hồ Chí Minh đã phát động cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước trên phạm vi toàn quốc và đề ra đường lối cho cuộc kháng chiến trong giai đoạn mới, giai đoạn cả nước có chiến tranh. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân dân miền Bắc đã tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mĩ, bào vệ vững chắc hậu phương, đồng thời ra sức sản xuất, công tác tạo nên tiềm lực to lớn chi viện miền Nam với tất cả khả năng của mình. Quân dân miền Nam đã tỏ rõ ý chí kiên cường giành được thắng lợi trong các mùa khô 1965- 1966, 1966- 1967 và nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) làm cho cuộc chiến tranh cục bộ của Mĩ bị thất bại, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở hội nghị Paris. Trong những năm 1969- 1975, quân dân miền Nam đã liến tiếp đánh bại các thủ đoạn của chiến tranh “Việt Nam hoá” của đế quốc Mĩ, đã “đánh cho Mĩ cút” và tiến tới “đánh cho nguỵ nhào” với đỉnh cao làChiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975.
Thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nước ta và với thế giới. Đánh giá thắng lợi lịch sử của sự nghiệp chống Mĩ, cứu nước, Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ tư của Đảng đã ghi rõ: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chông Mĩ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng người về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc(2).

4. Chặng đường thứ tư và thắng lợi của công cuộc Đổi mới (1975-2010)

Thắng lợi của nhân dân ta sau hơn 30 năm đã đưa đất nước bước sang một thời kì mới, thời kì cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh phải khắc phục rất nhiều khó khăn do hậu quả nhiều mặt của chiến tranh để lại, Đảng và nhân dân ta lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới phía Nam, phía Bắc, trong những năm 1975- 1986, Đảng đã lãnh đạo nhân dân cả nước đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa với những thành quả to lớn trong bảo về Tổ quốc và những thành tựu đáng kể về kinh tế. Đồng thời, trong thời gian đó, với bản lĩnh chính trị vững vàng, Đảng đã kiên trì tìm tòi đề ra đường lối đổi mới. Được nhân dân đón nhận và thực hiện, trong những năm 1986- 1996, công cuộc đổi mới đã giành được nhiều thành quả to lớn, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội.
Theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện đường lối của Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996), lần thứ IX (2001), lần thứ X (2006), công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước càng được đẩy mạnh một cách toàn diện và sâu sắc.Nhìn chung, đến cuối năm 2009 đầu năm 2010, tiềm lực kinh tế của đất nước tăng lên, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hình thành; văn hoá, xã hội đạt được những kết quả nhất định, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, một số mặt đạt trình độ của các nước phát triển trung bình; công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được chú trọng và đạt được nhiều kết quả; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ có một số mặt chuyển biến tích cực; môi trường sống được quan tâm và có mặt được cải thiện; hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước được nâng lên; phòng, chống tham nhũng, lãng phí có kết quả bước đầu; quốc phòng, an ninh được tăng cường; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước…
Nhìn lại những chặng đường lãnh đạo và đấu tranh cách mạng của Đảng nhân dịp kỉ niệm 80 năm ngày Đảng ra đời và khi cả nước đang hướng tới Đại hội lần thứ XI của Đảng là việc có ý nghĩa nhiều mặt. Nó không chỉ giúp chúng ta nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn lịch sử đấu tranh cách mạng lâu dài với nhiều thắng lợi to lớn, vẻ vang của Đảng mà còn góp phần củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện tại.
_________
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, NXB CTQG, Hà Nội, 2000, trang 9.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977, tr. 5 – 6.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét