Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Nhớ Đội du kích Bắc Sơn

Nhớ Đội du kích Bắc Sơn
Tạp chí Xây dựng Đảng


   Ngày 22-9-1940, phát xít Nhật tiến đánh Lạng Sơn, quân Pháp ở đây tan rã nhanh chóng, nhân cơ hội đó, quần chúng nhân dân đã tự nổi dậy tước vũ khí của tàn binh Pháp, khí thế cách mạng của quần chúng ngày một dâng cao. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các đảng viên cộng sản ở địa phương, đêm 27-9-1940, hàng trăm đồng bào các tộc Tày, Dao, Nùng, Kinh... đã bao vây, tiến công đồn Mỏ Nhài (châu Bắc Sơn).
   Quân khởi nghĩa chiếm được châu lỵ, xóa bỏ chính quyền của địch. Nhưng ngay sau đó, Nhật - Pháp thỏa hiệp với nhau để thực dân Pháp quay trở lại chiếm Bắc Sơn và tiến hành khủng bố đàn áp quân khởi nghĩa.
   Trong tình hình đó, Xứ ủy Bắc Kỳ đã kịp thời chỉ đạo lực lượng khởi nghĩa ở Bắc Sơn phải duy trì lực lượng vũ trang, thành lập đội du kích, đấu tranh chống địch khủng bố, bảo vệ nhân dân, phát triển lực lượng, phát huy ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa. Thực hiện chỉ thị đó, quân du kích phân tán thành nhiều bộ phận để chiến đấu và tiếp tục hoạt động, lấy vùng Bắc Sơn - Võ Nhai làm trung tâm căn cứ.
   Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 và thứ 7 về việc duy trì và bồi dưỡng lực lượng vũtrang Bắc Sơn làm vốn quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này, cũng như xây dựng trung tâm căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai làm chỗ dựa cho đấu tranh vũ trang, tháng 12-1940, Trung ương cử đồng chí Lương Văn Tri, Xứ ủy viên Bắc Kỳ lên tăng cường cho căn cứ. Ban lãnh đạo đội du kích và khu căn cứ du kích được thành lập. Đồng chí
Phùng Chí Kiên làm Chỉ huy trưởng, phụ trách căn cứ địa, đồng chí Chu Văn Tấn làm Chỉ huy phó, đồng chí Lương Văn Tri làm Chính trị viên, dưới sự chỉ đạo chung của đồng chí Hoàng Văn Thụ.
   Ngày 14-2-1941, Đội du kích Bắc Sơn chính thức được thành lập trong một buổi lễ tổ chức tại khu rừng Khuổi Nọi (thuộc xã Vũ Lễ, châu Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thay mặt Trung ương Đảng công nhận, trao nhiệm vụ và lá Cờ đỏ sao vàng cho đơn vị vũ trang đầu tiên của Đảng gồm 32 chiến sĩ, do Chu Văn Tấn và Lương Văn Tri chỉ huy (từ tháng 6-1941 do Phùng Chí Kiên chỉ huy). Tuy vũ khí chỉ có mấy khẩu súng trường, súng kíp và dao găm nhưng các chiến sĩ đều nêu cao tinh thần cứu nước và ý thức kỷ luật, thể hiện ở lời thề danh dự:
                   “Không phản Đảng
                    Tuyệt đối trung thành với Đảng
                    Kiên quyết chiến đấu và trả thù cho các đồng chí bị hy sinh
                    Không hàng giặc
                    Không hại dân".

   Trong thời gian tiến hành Hội nghị Trung ương 8, Tiểu đội du kích Bắc Sơn được giao nhiệm vụ cùng lực lượng du kích Pác Bó bảo vệ Hội nghị, Đội du kích Bắc Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Tại đây, Bác Hồ đã tranh thủ mở lớp "Huấn luyện cách mạng" cho các đội viên Đội du kích Bắc Sơn. Sau này, các đồng chí đó đều trở thành những cán bộ xuất sắc của Đảng.

    Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, tháng 5-1941, các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương là Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, khi về xuôi đã dừng chân tại cơ quan bí mật ở Lâu Tây (Hữu Vĩnh - Bắc Sơn). Từ ngày 6-7 đến 21-7-1941, các đồng chí đã tranh thủ truyền đạt Nghị quyết Trung ương cho cán bộ địa phương, đồng thời, Thường vụ Trung ương cũng quyết định chuyển Đội du kích Bắc Sơn lên thành Trung đội Cứu quốc quân và cử đồng chí Phùng Chí Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Lương Văn Tri làm Chính trị viên.
   Trung đội vừa tổ chức huấn luyện, vừa tham gia các hoạt động quân sự nhằm bảo vệ căn cứ địa cách mạng và không ngừng phát triển lực lượng. Đội du kích Bắc Sơn đã đẩy mạnh các hoạt động chính trị và huấn luyện quân sự, củng cố phong trào, duy trì sức đấu tranh của quần chúng sau đợt khủng bố của địch. Khu căn cứ được mở rộng ra các xã: Vũ Lăng, Hữu Vĩnh, Hưng Vũ, Bắc Sơn, Vũ Lễ, Gia Hoà (Bắc Sơn, Lạng Sơn), Lâu Thượng, Phú Lương, Tràng Xá, Làng Mười, La Hiên (Vũ Nhai) và Cây Thị (Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Các tổ chức phản đế và các đội tự vệ địa phương được phục hồi và phát triển. Những cơ sở du kích ở khe Khuổi Nọi, rừng Phú Thượng, Lâu Thượng, Tràng Xá... đều trở thành những nơi huấn luyện quân sự, chính trị.
   Sau khi Đội du kích Bắc Sơn chuyển thành Trung đội cứu quốc quân thứ nhất, Trung đội Cứu quốc quân thứ hai cũng được thành lập vào ngày 15-9-1941, Trung đội Cứu quốc quân thứ ba được thành lập ngày 25-2-1944. Sau Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, đến ngày 15-5-1945, các Trung đội cứu quốc quân đã sáp nhập với Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam giải phóng quân.
    Trải qua hơn bốn năm vừa chiến đấu và xây dựng, các đội cứu quốc quân ngày càng lớn mạnh. Từ những cuộc đấu tranh chống địch khủng bố, bảo vệ căn cứ, bảo toàn lực lượng, bảo vệ nhân dân, cứu quốc quân trở thành chỗ dựa nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Các đội viên cứu quốc quân sát cánh cùng nhân dân xây dựng căn cứ địa cách mạng, góp phần thành lập khu giải phóng đầu tiên, đẩy mạnh phong trào đấu tranh tiến dần tới Tổng khởi nghĩa. Đóng góp của Đội du kích Bắc Sơn trong việc xây dựng lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh sinh tử do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo là hết sức to lớn và quan trọng, đúng như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Chúng ta ai cũng còn nhớ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã có tiếng vang như thế nào, bọn đế quốc đã đàn áp và tàn sát dã man như thế nào. Cơ sở du kích, tuy vậy, vẫn giữ vững và phát triển".
--------------
(*) Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, tr. 52-53.

Nguyễn Chí Linh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét