Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Nhìn lại chính phủ VNDCCH 2/9/1945 đến 1/1/1946


Nhìn lại chính phủ VNDCCH 2/9/1945 đến 1/1/1946


Dưới đây là danh sách Chính phủ lâm thời 2/9/1945 và Chính phủ liên hiệp lâm thời 1/1/1946.

I. Chính phủ ra mắt quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945
Ngày 27/8/1945, theo đề nghị của Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội ở Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chính phủ đầu tiên đã ra mắt nhân dân trong tiếng reo hò vang dậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với thế giới nước Việt Nam từ đây độc lập, nhân dân Việt Nam từ đây tự do.
Danh sách thành viên
1.Chủ tịch Chính phủ lâm thời kiêm Bộ trưởng Ngoại Giao: Hồ Chí Minh.
2.Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Võ Nguyên Giáp
3.Bộ trưởng Bộ Thông tin, tuyên truyền: Trần Huy Liệu
4.Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Chu Văn Tấn.
5. Bộ trưởng Bộ Thanh niên: Dương Đức Hiền.
6. Bộ trưởng Bộ Kinh tế quốc gia: Nguyễn Mạnh Hà
7.Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội: Nguyễn Văn Tố
8. Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Vũ Trọng Khánh.
9. Bộ trưởng Bộ Y Tế: Phạm Ngọc Thạch
10.Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính: Đào Trọng Kim
11.Bộ trưởng Bộ Lao động : Lê Văn Hiến
12.Bộ trưởng Bộ Tài chính : Phạm Văn Đồng
13.Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục : Vũ Đình Hòe
14.Bộ trưởng không bộ: Cù Huy Cận
15.Bộ trưởng không bộ: Nguyễn Văn Xuân

(Theo chinhphu.vn)

1. Chủ tịch Chính phủ lâm thời kiêm Bộ trưởng Ngoại Giao Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 2/9/1969): tên thật là Nguyễn Sinh Cung, quê ở làng Kim Liên, Nam Đàn - Nghệ An.
 
Hồ Chí Minh là người viết và đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Người giữ cương vị Chủ tịch nước trong thời gian 1945 – 1969, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trong thời gian 1951 – 1969, kiêm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ 10/1956 đến 1960.
Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; lãnh đạo sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Người đã sáng lập ra Đảng Macxist-Leninist ở Việt Nam, sáng lập ra Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, sáng lập ra các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, góp phần tăng cường đoàn kết quốc tế.
 
2. Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Võ Nguyên Giáp (28/8/1911), sinh ra tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
 
Là đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông tham gia vào nhiều chiến dịch quan trọng như Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ông từng giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

3. Bộ trưởng Bộ Thông tin, tuyên truyền: Trần Huy Liệu ( 5/11/1901- 28/7/1969), quê ở làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
 

Ông là Bộ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền đầu tiên trong Chính phủ lâm thời VNDCCH 2/9/1945, tiếp tục cương vị này trong Chính phủ Liên hiệp lâm thời 1/1/1946. Sau đó ông lần lượt giữ các chức vụ Chính trị cục trưởng trong Quân sự Ủy viên hội, Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc.

Từ 1953, ông giữ các chức vụ: vụ Trưởng ban Ban nghiên cứu Văn sử Địa trực thuộc Trung ương Đảng, viện trưởng viện Sử học, chủ tịch đầu tiên Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, xã hội Việt Nam.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Chu Văn Tấn (22/5/1909- 1984), dân tộc Nùng, quê xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
 


Tháng 8 năm 1945, ông tham gia Ban lãnh đạo Tổng khởi nghĩa. Sau Cách mạng, ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời cho đến ngày 2/3/1946. Sau đó ông giữ nhiều vị trí quan trọng khác trong quân đội và Chính phủ. Ông được phong hàm Thượng tướng năm 1959. Từ 1976, ông làm Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa III đến khóa VI, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa I, II và III.

5. Bộ trưởng Bộ Thanh niên: Dương Đức Hiền (1919-20/2/1967), quê ở xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là huyện Gia Lâm, Hà Nội). 
 


Ông từng là cộng tác viên của báo Thanh Nghị, thành viên nhóm Đảng Dân chủ Việt Nam. Trong Quốc dân đại hội họp ở Tân Trào, ông là Ủy viên Ủy ban Dân tộc giải phóng, bộ trưởng Bộ Thanh niên, đại biểu quốc hội khoa I đơn vị tỉnh Bắc Ninh, ủy viên chính thức Ban thường trực Quốc hội, là đồng tác giả soạn thảo Hiến pháp năm 1946.
 
 
6. Bộ trưởng Bộ Kinh tế quốc gia: Nguyễn Mạnh Hà (1913-1992), quê ở tỉnh Hưng Yên.

Năm 1937 ông tốt nghiệp khoa luật học và chính trị trường Đại học Paris. Ông đã kết hôn với con gái nghị sỹ cộng sản Pháp George Marrane, đồng thời cũng là Thị trưởng thành phố IVRY. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế Quốc dân trong Chính phủ lâm thời. Ông là thành viên trong phái đoàn VNDCCH sang đàm phán với Pháp tại Hội nghị Fontainebleau với cương vị là thành viên Ủy ban kinh tế tài chính.

Sau 1946, ông sang Pháp làm Thanh tra lao động của Chính phủ Pháp, không còn là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

7. Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội: Nguyễn Văn Tố (5/6/1889-7/10/1947), quê ở làng Đông Thành, tổng Tiến Túc, huyện Thọ Xương cũ, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
 
 
 Ông là một nhà trí thức Nho học và Tây học. Thời Pháp thuộc, ông chuyên nghiên cứu sử  học  tại Trường  Viễn Đông bác cổ.
Ngày 25/5/1938, Hội truyền bá quốc ngữ chính thức ra mắt quốc dân, ông được bầu làm Hội trưởng. Cách mạng thành công, ông được mời tham gia Chính phủ và giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, rồi sau đó là Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam.

Tháng 10/1947, ông Nguyễn Văn Tố bị giặc bắt và sát hại ở Bắc Kạn ngày 7/10/1947.

8. Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Vũ Trọng Khánh (13/3/1912-1996), quê làng Cự Đà, Thanh Oai, Hà Đông (nay là Hà Nội).
 

Ông tốt nghiệp cử nhân Luật ở Hà Nội, năm 1939 từng làm Luật sư bào chữa cho nhiều chiến sĩ cách mạng tại tòa án của chính quyền Pháp.  Sau cách mạng tháng Tám, ông được mới bầu làm thị trưởng thành phố Hải Phòng. Sau đó, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Chính phủ lâm thời, tham gia Ủy ban soạn thảo Hiến pháp, đến 2/3/1946 thì thôi chức.
 
Sau đó ông giữ các chức vụ: Giám đốc Tư pháp Liên khu 10, Trưởng ban Nghiên cứu pháp lý, Giám đốc Vụ Hành chính tư pháp - Bộ Tư pháp, tham gia soạn thảo nhiều văn bản pháp quy cho hệ thống luật chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

9. Bộ trưởng Bộ Y Tế: Phạm Ngọc Thạch (7/5/1909-7/11/1968), quê Quy Nhơn- Bình Định.
 

Ông được phân công là Bộ trưởng Y tế của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ủy viên Ủy ban Nhân dân Nam Bộ. Sau đó, lần lượt ông giữ chức Thứ trưởng Phủ Chủ tịch, Trưởng phái đoàn Chính phủ tại Nam Bộ (1948-1950), Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Trưởng ban Y tế của Đảng Lao Động Việt Nam, Thứ trưởng Y tế (1954-1958).

Từ năm 1958, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế cho tới khi mất lúc 6 giờ 30 phút ngày 8/11/1969 tại một khu căn cứ kháng chiến ở vùng rừng núi tỉnh Tây Ninh do viêm phúc mạc mật và sốt rét ác tính.
10. Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính: Đào Trọng Kim, giữ chức từ ngày 2/9/1945 đến 7/1960.
11. Bộ trưởng Bộ Lao động: Lê Văn Hiến (15/9/1904- 15/11/1997), quê xã Nại Hiên, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam (nay là thành phố Đà Nẵng).
 

Ông là Bộ trưởng Bộ Lao động trong Chính phủ lâm thời, sau là Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến 3/11/1946. Ngoài ra, ông còn là Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, một trong 7 thành viên của Ủy ban dự thảo Hiến pháp năm 1946, đồng thời giữ vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng Tối cao khóa đầu tiên. 

Ông là đại sứ Đặc mệnh toàn quyền đầu tiên và duy nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Vương quốc Lào (1962-1975).

12. Bộ trưởng Bộ Tài chính: Phạm Văn Đồng (1/3/1906- 29/4/2000), quê xã Đức Tân, Mộ Đức, Quảng Ngãi.
 

Ông là Ủy ban Thường trực thuộc Ủy ban Dân tộc giải phóng, chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám. Ông được cử giữ chức Bộ trưởng Tài chính, Phó Trưởng ban Thường vụ Quốc hội. Năm 1954, ông là Trưởng phái đoàn Chính phủ dự Hội nghị Genève về Đông Dương. Sau đó, ông là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Thủ tướng chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng cho đến khi về hưu năm 1987. Ông cũng liên tục là đại biểu Quốc hội từ năm 1946 đến năm 1987.

Ông là Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12 năm 1986 đến năm 1997.

13. Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục: Vũ Đình Hòe ( 1/6/1912- 29/1/2011) quê làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
 

Luật sư Vũ Đình Hòe là một trong các thành viên sáng lập của Đảng Dân chủ Việt Nam, giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng, phó Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ, đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, đại diện cho Đảng Dân chủ. Ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục, sau đó làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp . Năm 1957, ông là một trong số 29 thành viên Ban sửa đổi Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban.

Năm 1960, Bộ Tư pháp giải thể, ông chuyển về Viện Luật học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, làm chuyên viên nghiên cứu luật pháp và về hưu năm 1975.

14. Bộ trưởng không bộ: Cù Huy Cận ( 31/5/1919- 19/2/2005), quê làng Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.
 

Ông là Bộ trưởng Bộ Canh nông trong Chính phủ lâm thời Việt Nam, Ủy viên Ban thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Sau này ông làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Bộ trưởng đặc trách Văn hóa Thông tin trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ 1984, ông là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I, II và VII.
Huy Cận cũng là một nhà thơ nổi tiếng, được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ Thế giới.

15. Bộ trưởng không bộ: Nguyễn Văn Xuân
II.    Chính phủ Liên hiệp lâm thời  1/1/1946
 Nhằm mở rộng hơn nữa khối đoàn kết toàn dân, ổn định tình hình bên trong để tập trung đối phó với bọn xâm lược nước ngoài, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời có sự tham gia của một số phần tử trong Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội. Nhiệm vụ của Chính phủ này phải tổ chức tốt cuộc Tổng tuyển cử, thống nhất các lực lượng vũ trang và sẽ từ chức khi triệu tập Quốc dân đại hội.       

Ngày 1/1/1946, Chính phủ liên hiệp lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch đã làm lễ ra mắt tại Nhà hát thành phố, trước 30 nghìn nhân dân Hà Nội.
 
Danh sách thành viên
Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao: Hồ Chí Minh
Phó Chủ tịch: Nguyễn Hải Thần
Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Võ Nguyên Giáp
Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền và Cổ động: Trần Huy Liệu
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Chu Văn Tấn
Bộ trưởng Bộ Thanh niên: Dương Đức Hiền
Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế: Nguyễn Tường Long
Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội: Nguyễn Văn Tố
Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Vũ Trọng Khánh
Bộ trưởng Bộ Y tế: Trương Đình Tri
Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính: Đào Trọng Kim
Bộ trưởng Bộ Lao động: Lê Văn Hiến
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Phạm Văn Đồng
Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục: Vũ Đình Hoè
Bộ trưởng Bộ Canh nông: Cù Huy Cận
Bộ trưởng  không  Bộ: Nguyễn Văn Xuân
(Theo Chinhphu.vn)

1. Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao : Hồ Chí Minh. (Xem mục I)
2. Phó chủ tịch: Nguyễn Hải Thần(1878-1959): quê ở làng Đại Từ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội), tên thật là Võ Hải Thu, còn có tên là Nguyễn Cẩm Giang.
 
Để thực hiện sách lược tạm thời hòa hoãn với quân Tưởng, ngày 1/1/1946, Chính phủ  ta để Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch Chính phủ lâm thời, sau đó bổ sung vào Quốc hội (không qua bầu cử) làm Phó Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Khi quân Tưởng rút, Nguyễn Hải Thần chạy sang Nam Kinh, sau đến Quảng Châu, sống lưu vong và mất ở Trung Quốc.
 
3. Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Võ Nguyên Giáp (Xem mục I)
4. Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền và Cổ động: Trần Huy Liệu (Xem mục I)
 
5.Bộ trưởng Bộ Quốc phòng : Chu Văn Tấn (Xem mục I)
 
6.Bộ trưởng Bộ Thanh niên : Dương Đức Hiền (Xem mục I)
7. Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế: Nguyễn Tường Long (16/11/1907-22/7/1948), Quảng Nam, sinh ở phố huyện Cẩm Giàng - Hải Dương.
 

Từ 1932 Nguyễn Tường Long làm các tờ báo Phong hóa, Ngày nay. Ông lấy bút danh Hoàng Đạo, cùng với người anh Nguyễn Tường Tam và Khái Hưng chủ trì bút nhóm Tự Lực văn đoàn.

Ngày 1/1/1946 Chính phủ liên hiệp lâm thời ra đời, ông được bổ sung (không phải bầu) làm đại biểu Quốc hội khóa I, được cử giữ chức Bộ trưởng Quốc dân Kinh tế một thời gian ngắn, theo Sắc lệnh số 94 ngày 4/6/1946.
 
 8. Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội: Nguyễn Văn Tố ( Xem mục I)
 9. Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Vũ Trọng Khánh (Xem mục I)
 
10. Bộ trưởng Bộ Y tế: Trương Đình Tri (chưa có thông tin)
 
11. Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính : Đào Trọng Kim (Xem mục I)
 
12. Bộ trưởng Bộ Lao động: Lê Văn Hiến (Xem mục I)
 
13. Bộ trưởng Bộ Tài chính: Phạm Văn Đồng (Xem mục I)
 
14. Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục: Vũ Đình Hòe (Xem mục I)
 
15. Bộ trưởng Bộ Canh nông: Cù Huy Cận (Xem mục I)
 
16. Bộ trưởng không Bộ: Nguyễn Văn Xuân (Xem mục I)


Kỳ II: Chính phủ liên hiệp kháng chiến 2/3/1946
Nhiệm vụ của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến vô cùng nặng nề: ứng phó với kẻ thù, thống nhất quốc dân, động viên nhân lực, tài sản quốc dân chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ngày 6/1/1946, lần đầu tiên cuộc tổng tuyển cử tự do được tổ chức trên toàn quốc trong không khí náo nức phấn khởi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ra đời. Ngày 2/3/1946, Quốc hội khoá I đã tiến hành  kỳ họp thứ nhất tại Thủ đô Hà Nội, bầu ra Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chính phủ liên hiệp kháng chiến ra mắt
Chính phủ liên hiệp kháng chiến ra mắt 2/3/1946
 
 
Quốc hội trao cho Chính phủ Liên hiệp kháng chiến nhiệm vụ “thực hiện triệt để sự thống nhất các lực lượng của quốc dân về phương diện quân sự, tuyên truyền, hành chính, tư pháp”, tổng động viên nhân lực và tài  sản của quốc gia theo nhu cầu của tình thế để đưa kháng chiến đến thắng lợi và nước nhà đến độc lập hoàn toàn.
 
Trong thời gian hoạt động của mình, ở tình thế thù trong giặc ngoài, Chính phủ đã có những quyết sách và hành động đúng đắn, sáng tạo. Để đối phó với quân Tưởng, Chính phủ đã cử phái đoàn Việt Nam gồm 5 thành viên là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Tường Tam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Anh, Chủ tịch Kháng chiến ủy viên hội Võ Nguyên Giáp và Phó chủ tịch Kháng chiến Ủy viên hội Vũ Hồng Khanh ký với Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 đồng ý cho 15.000 quân Pháp thay thế cho 20 vạn quân Tưởng ở miền Bắc.

Sau đó, Chính phủ thay mặt quốc dân đàm phán với Pháp tại Hội nghị Đà Lạt, Hội nghị Fontainebleau và ký với Pháp bản Tạm ước ngày 14 tháng 9 năm 1946, tạo sự hòa hoãn tạm thời để kiện toàn lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

Ngày 9/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố bản Hiến pháp đầu tiên của nước VNDCCH.  
 
Danh sách thành viên
Chủ tịch: Hồ Chí Minh
Phó Chủ tịch: Nguyễn Hải Thần
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Nguyễn Tường Tam
Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Huỳnh Thúc Kháng
Bộ trưởng Bộ Kinh tế: Chu Bá Phượng
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Lê Văn Hiến
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Phan Anh
Bộ trưởng Bộ Xã hội kiêm Y tế, Cứu tế và Lao động: Trương Đình Tri
Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Đặng Thai Mai
Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Vũ Đình Hoè
Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính: Trần Đăng Khoa
Bộ trưởng Bộ Canh nông: Bồ Xuân Luật (đến 4-1946)
                                  Huỳnh Thiện Lộc  (từ 4-1946)
Đoàn Cố vấn tối cao:  Vĩnh Thụy
Chủ tịch Kháng chiến ủy viên hội: Võ Nguyên Giáp
(Theo Chinhphu.vn)

1. Chủ tịch: Hồ Chí Minh (xem kỳ trước)

2. Phó Chủ tịch: Nguyễn Hải Thần (xem kỳ trước)

3. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Nguyễn Tường Tam
Nguyễn Trường Tam
Nguyễn Trường Tam (1905-1963)

Nguyễn Tường Tam (1905-1963), quê ở làng Cẩm Phổ, Hội An, Quảng Nam. Ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ 02/03/1946 đến 03/11/1946 trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến. Ông cũng tham gia Quốc hội khóa I đặc cách không qua bầu cử.

Ngoài ra, ông từng là chủ bút những tờ báo lớn như Phong Hóa, Ngày Nay... Ông là người thành lập nhóm văn chương Tự Lực Văn Đoàn và là cây bút chính của nhóm với bút danh Nhất Linh.

4. Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Huỳnh Thúc Kháng

Huỳnh Thúc Kháng
Huỳnh Thúc Kháng
Huỳnh Thúc Kháng (1876–1947) là người làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Năm 1926, ông đắc cử dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kì. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông ra tham gia nội các Chính phủ Liên hiệp kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
 
Năm 1946, Huỳnh Thúc Kháng được cử làm quyền Chủ tịch nước. Thời gian này ông còn là Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt). Cuối năm 1946, ông là đặc phái viên của Chính phủ vào cơ quan Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ tại Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
 
 
5. Bộ trưởng Bộ Kinh tế: Chu Bá Phượng 

Chu Bá Phượng là đại biểu Việt Nam Quốc dân đảng, được cử làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, thay Nguyễn Tường Long trong Chính phủ Liên hiệp Lâm thời. Ngày 4/6/1946, ông được Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa cử làm phái viên trong phái đoàn Việt Nam sang Paris.

6. Bộ trưởng Bộ Tài chính: Lê Văn Hiến (xem kỳ trước)
 
Ông Lê Văn Hiến trong hai Chính phủ Lâm thời 2/9/1945 và Chính phủ Liên hiệp Lâm thời 1/1/1946 giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động, nay chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Tài chính.

7. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Phan Anh
Phan Anh
Phan Anh (1912-1990)

Phan Anh (1912-1990) quê làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là luật sư nổi tiếng, được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngoài ra, ông được Chính phủ giao chức Tổng thư ký phái đoàn Chính phủ Việt Nam (1946), Bộ trưởng Bộ Kinh tế (1948), Bộ trưởng Bộ Công thương (1954) và là phái viên phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Genève (1954).

Sau năm 1954, ông liên tục giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương trong Chính phủ Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Từ năm 1988, ông giữ cương vị phó Chủ tịch Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

8. Bộ trưởng Bộ Xã hội kiêm Y tế, Cứu tế và Lao động: Trương Đình Tri 

Bác sĩ Trương Đình Tri làm Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Xã hội kiêm Y tế, Cứu tế và Lao động tròng Chính phủ Liên hiệp Lâm thời 1/1/1946 và Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến 2/3/1946.

9. Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Đặng Thai Mai

Đặng Thai Mai
Đặng Thai Mai (1902-1984)
Đặng Thai Mai (1902-1984) quê ở làng Lương Điền (nay là Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá I, Ủy viên Ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời là Bộ trưởng Bộ giáo dục trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến.

Đặng Thai Mai cũng là nhà nghiên cứu phê bình văn học. Ông là Hội trưởng Hội văn hóa Việt Nam, Giám đốc Trường dự bị đại học và Sư phạm cao cấp Liên khu IV, Giám đốc trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện trưởng Viện Văn học, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

10. Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Vũ Đình Hoè (xem kỳ trước)

Ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục từ tháng 2/9/1945 đến tháng 1/1/1946, rồi làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp từ 2/3/1946 đến 15 năm sau.

11. Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính: Trần Đăng Khoa

Trần Đăng Khoa (1907-1989)  quê ở ngoại ô thành phố Huế. Sau Cách mạng tháng Tám, ông được giao nhiều chức vụ quan trọng: Giám đốc Công chính Trung bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Công chính (từ tháng 3/1946  đến tháng 9/1955), Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi và Kiến trúc, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi.

Ông là đại biểu Quốc hội liên tục từ khoá I đến khóa VII, Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI, là Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Xô trong nhiều năm.

12. Bộ trưởng Bộ Canh nông:
 
Bồ Xuân Luật (2/3/1946 đến 4/1946)
Bồ Xuân Luật
Bồ Xuân Luật (1907-1994)

Bồ Xuân Luật (1907-1994) quê ở xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Sau khi Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến thành lập, Bồ Xuân Luật được Hồ Chủ Tịch giao cho giữ chức Bộ trưởng Bộ Canh nông, sau này là Bộ trưởng không Bộ, Ủy viên Thường vụ Quốc hội từ khóa I đến khóa IV, Ủy viên Ủy ban Trung ương và Ủy viên Ban thư ký Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (I, II, III).

  - Huỳnh Thiện Lộc (từ 4/1946)

Huỳnh Thiện Lộc (1910-1952) sinh ra tại Rạch Giá, miền Tây Nam Bộ. Tháng 1/1946, là một trí thức, ông được Chính phủ Cách mạng chọn vào đoàn đại biểu Quốc hội. Tháng 4/1946, ông được Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Canh nông trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến và được chọn vào phái đoàn đi dự Hội nghị Fontainebleau ở Pháp. Năm 1947, ông được bổ nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban kháng chiến Hành chính Nam Bộ, kiêm Phó Chủ tịch Hội Liên Việt Nam Bộ. Năm 1952, ông ngã bệnh và một thời gian sau ông qua đời.

13. Cố vấn Vĩnh Thụy

Vĩnh Thụy
Vĩnh Thụy (1913-1997)
Vĩnh Thụy (1913-1997) là tên húy của vua Bảo Đại - vị Hoàng đế thứ mười ba và cuối cùng của triều Nguyễn. Tháng 9 năm 1945, ông được Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mời ra Hà Nội nhận chức "Cố vấn tối cao Chính phủ Lâm thời Việt Nam", ông là một trong 7 thành viên của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Hồ Chí Minh đứng đầu.

Ngày 6 tháng 1 năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đại diện đoàn cố vấn tối cao trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến.
 
  
15. Chủ tịch Kháng chiến ủy viên hội Võ Nguyên Giáp (xem kỳ trước)
 
 
LỜI TUYÊN THỆ NHẬM CHỨC
CỦA CHÍNH PHỦ DO HỒ CHỦ TỊCH ĐỌC NGÀY 2-3-1946

Chúng tôi, Chính phủ Kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Tối cao cố vấn đoàn và Uỷ viên Kháng chiến hội, trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, thề xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hoà Việt Nam, mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi nỗi khó khăn dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2002, t. 4, xuất bản lần thứ hai, tr. 195.


Diệu Thủy- Duyên Anh - Ngọc Ánh (Tổng hợp từ chinhphu.vn, quochoi.vn và các báo, tạp chí, website Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét