Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Mối quan hệ giữa vương quốc Chămpa và Đại Việt trong lịch sử



Mối quan hệ giữa vương quốc Chămpa và Đại Việt trong lịch sử

(23.08.2010, 11:32 am)
Trong suốt 15 thế kỉ tồn tại, Chămpa đã thi hành một đường lối ngoại giao lấy chiến tranh làm chìa khóa giải quyết nội tại quốc gia. Không hòa hoản, không mềm dẻo khi gặp khó khăn, không cương quyết khi bắt buộc phải đối đầu. Tâm điểm trong chính sách ngoại giao của Chămpa là ba quốc gia Đại Việt, Campuchia và Trung Quốc. Mối quan hệ đối ngoại với ba quốc gia này ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình phát triển của Chămpa, thậm chí nó trở thành nhân tố quyết định sự diệt vong của vương quốc cổ này. Đặc biệt là mối quan hệ với quốc gia kề cận- Đại Việt.

Lãnh thổ vương quốc Champa trong lịch sử (www.wikipedia.org)


Mối quan hệ giữa Chămpa và Đại việt được xác lập ngay từ thời trị vì của vương triều Sinhapura và Virapura, lúc Đại Việt còn chịu sự thống trị của vương triều phương Bắc. Mối quan hệ ấy đầu tiên được xác lập là do sự chủ động đặt mối quan hệ ngoại giao của Mai Thúc Loan với vua Lâm Ấp (tên quốc gia Chămpa lúc mới thành lập) là Phạm Hà Dĩnh để cùng chiến đấu chống quân xâm lược nhà Đường, kẻ thù chung giữa hai dân tộc. Sau khi Mai Thúc Loan mất, mối quan hệ Chămpa- Đại Việt suốt vương triều Virapura (749- 854) đứt đoạn và  kéo dài đến 5 triều vua đầu tiên của vương triều Indrapura. Khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán 938 thì quan hệ Chămpa- Đại Việt cũng bắt đầu xuất hiện những căng thẳng. Nhiều cuộc xung đột đã xảy ra nhưng bất phân thắng bại vì lực lượng hai bên chưa bên nào vượt trội.
Giai đoạn thế kỉ XI - XIII chính sách đối ngoại của Chămpa đối với Đại Việt trở nên thiếu nhất quán không ổn định đến mức khó hiểu: “vừa tự hùng, vừa mặc cảm, chấp nhận tư thế cống nạp của một nước nhỏ nhưng lại luôn sẵn sàng gây chiến khi có cơ hội”. Từ năm 988 đến năm 1069 Chămpa giữ mối quan hệ giao hảo với Đại Việt,  vua Chămpa đã liên tiếp cử sứ thần hầu như mỗi năm một lần triều cống Đại Việt. Sự mềm dẻo này kéo dài đến thời trị vì của Bhadravarman (1060- 1061).           
Từ 1069- 1095 Chămpa bắt đầu xung đột và đối đầu với Đại Việt. Vua Chế Củ sau khi lên ngôi đã tích cực chuẩn bị quân đội, lương thực, vũ khí liên hệ chặt chẽ với nhà Tống chuẩn bị xâm lược Đại Việt nhưng thất bại, phải cắt vùng đất phía Bắc Chămpa cho Đại Việt.
Từ 1113 đến 1220 Chămpa lập lại quan hệ thân thiện với Đại Việt. Suốt hơn 100 năm sau đó Chămpa thường xuyên cử sứ thần sang Đại Việt cống nạp sản vật. Quan hệ Chămpa- Đại Việt đã được tăng cường và thể hiện hết sức tốt đẹp trong cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà Nguyên (1282- 1284). Mối hiềm tỵ từng có giữa Chămpa- Đại Việt không bị lợi dụng trong cuộc chiến này. Nhà Nguyên đã thất bại khi muốn muợn Đại Việt đánh Chămpa và muốn thôn tính Chămpa tấn công Đại Việt. Nhờ đó, một quan hệ hoà hiếu được thiết lập trước, trong và sau cuộc chiến và kéo dài đến thời vua Chế Mân (1285). Quan hệ trở nên hoàn toàn thân thiết đến mức có việc dường như đã vượt qua cả những thủ tục ngoại giao thông thường. Năm 1036 Chế Mân cưới em vua Trần Anh Tông, tức công chúa Trần Huyền Trân làm hoàng hậu. Sính lễ bao gồm cả hai châu Ô, Rí (ừ Quảng Trị đến Quảng Nam ngày nay). Hai châu này được vua Trần đổi lại thành Thuận châu và Hóa châu.
Từ giữa thế kỉ XIV, các vương triều Chămpa chủ động gây chiến đòi lại những đất đai đã mất trước đây. Quan hệ Chămp- Đại Việt bước vào giai đoạn căng thẳng nhất trong lịch sử ngoại giao, đó là sự tái diễn những xung đột trong vấn đề lãnh thổ. Đỉnh cao của mối quan hệ xung đột này kéo dài 30 năm dưới sự trị vì của vua Chế Bồng Nga (1360- 1390). Năm 1390 tướng Trần Khắc Chân của Đại Việt bắn chết Chế Bồng Nga. Cái chết của Chế Bồng Nga đã kết thúc 30 năm xung đột mất còn với Đại Việt, Chămpa không thắng mà cũng chẳng thu được gì ngoài sự suy kiệt do cuộc chiến đem lại.“Chính sự suy kiệt này đã đưa vương quốc này đi vào con đường suy vong như một tất yếu nằm ngoài những khả năng, nỗ lực của con người mong cứu vãn nó”.
Từ 1390 đến 1471 Chămpa vẫn tiếp tục thực hiện chính sách như cũ đối với Đại Việt. Triều cống, thần phục, tỏ vẻ hoà hiếu và song song là gây chiến, quấy nhiễu biên giới khi có điều kện. Tháng 2- 1471 Lê Thánh Tông tiến quân chiếm được kinh đô Vijaya. Nước Chămpa bị thu hẹp từ Bắc đèo Cả đến phía Nam lưu vực sông Đồng Nai. Trong thế kỉ XVI Chiêm Thành đã nhiều lần lấn và chiếm lại vùng đất Hoa Anh. Đến 1693, Chămpa bị sáp nhập vào lãnh thổ Đàng Trong của chúa Nguyễn, trở thành một trấn.
Như vậy trong quan hệ ngoại giao với Đại Việt, Chămpa đã thi hành một chính sách lấy chiến tranh là chìa khoá giải quyết nội tại của vương quốc. Có lúc Chămpa tỏ ra thần phục, hoà hảo Đại Việt nhưng khi Chămpa bắt đầu mạnh lên thì lại tính đến chuyện chiến tranh giành đất. Và trong những cuộc chiến tranh ấy Chămpa không thắng mà chỉ thu được thành quả là sự suy kiệt do cuộc chiến đem lại và bước vào con đường suy vong.
Tài liệu tham khảo:
Hà Bích Liên- Quan hệ giữa vương quốc cổ Chămpa với các nước trong khu vực, Trường ĐHSP Hà Nội.
Lương Ninh- Lịch sử vương quốc Chămpa, NXB ĐHQG Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét