Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

MẶT TRẬN VIỆT MINH VÀ CÁC HÌNH THỨC CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG THỜI KỲ TIỀN KHỞI NGHĨA


MẶT TRẬN VIỆT MINH VÀ CÁC HÌNH THỨC CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG THỜI KỲ TIỀN KHỞI NGHĨA
NGUYỄN THANH TÂM
 Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) ra đời ngày 19-5-1941 theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5-1941) là hình thức tiêu biểu, điển hình nhất của mặt trận đoàn kết dân tộc, đoàn kết toàn dân đã thực hiện được mục tiêu giành độc lập cho nước Việt Nam, giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Có thể nói đây là bước phát triển lên đỉnh cao của các hình thức mặt trận trước đó: Mặt trận thống nhất phản đế, Mặt trận dân chủ Đông Dương, Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế.
Trước Mặt trận Việt Minh, cách mạng nước ta do Đảng lãnh đạo cũng đã xuất hiện một số hình thức chính quyền cách mạng: Các xô viết nông dân, công nhân ở Nghệ - Tĩnh trong cao trào cách mạng 1930 - 1931; chính quyền dân chủ nhân dân sơ khai ở một số xã thuộc tỉnh Mỹ Tho trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11-1940.
Khi Mặt trận Việt Minh ra đời, gắn với phong trào thời kỳ tiền khởi nghĩa cũng đã xuất hiện một số hình thức thấp của chính quyền cách mạng, đó là những xã, tổng, châu Việt Minh hoàn toàn, ở các căn cứ địa Cao Bằng, Bắc Sơn - Vũ Nhai trong những năm 1941 - 1944. Song đó cũng chỉ là những hình thức chính quyền tự quản của nhân dân, có tính chất giao thời khi chính quyền địch còn mạnh.
Chỉ đến thời kỳ cao trào tiền khởi nghĩa (từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 8-1945) Đảng ta gọi thời kỳ này là cao trào kháng Nhật. Trong điều kiện mới, Mặt trận Việt Minh mới thể hiện đầy đủ vai trò chính trị, tập hợp mọi lực lượng nhân dân tiến hành đấu tranh dưới nhiều hình thức, đi từ khởi nghĩa từng phần lên tổng khởi nghĩa, lập chính quyền cách mạng vững chắc trong nhiều địa phương, vùng, miền làm tiền đề cho việc lập chính quyền cách mạng cả nước trong Cách mạng Tháng Tám.
Mở đầu là sự kiện Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng với cán bộ Xứ uỷ Bắc Kỳ từ ngày 9 đến ngày 12-3-1945, trong lúc Nhật đảo chính Pháp để độc quyền cai trị nhân dân ta. Hội nghị đã chủ trương củng cố, mở rộng cơ sở Mặt trận Việt Minh ra khắp toàn quốc và phát động cao trào chống Nhật, cứu nước để gấp rút chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Nhiệm vụ chủ yếu của cao trào theo chỉ thị của Đảng lúc này là tập trung lực lượng đánh đuổi phát xít Nhật - kẻ thù chính, kẻ thù cụ thể trước mắt - duy nhất của nhân dân Đông Dương, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân trong từng địa phương; đồng thời phải cảnh giác đề phòng cuộc tuyên truyền vận động của bọn Pháp Đờ Gôn định khôi phục quyền thống trị của Pháp ở Đông Dương. Chủ trương đó của Đảng được tiếp tục quán triệt trong các Đảng bộ Bắc Kỳ, Nam Kỳ, Trung Kỳ và đặc biệt là Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ (4-1945). Lãnh tụ Hồ Chí Minh lúc ở Cao Bằng, cũng như khi về đến Tân Trào (Tuyên Quang) đã có những lời kêu gọi đồng bào đoàn kết đứng lên cứu nước.
Ở Việt Bắc, phối hợp với Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân (sau đó hợp nhất thành Việt Nam giải phóng quân), Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc động viên nhân dân nổi dậy giải phóng hàng loạt xã, châu, huyện thuộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên và thành lập Uỷ ban nhân dân cách mạng trong các vùng đó. Tại xã Trung Màu (Bắc Ninh), nhiều xã ở Hiệp Hoà (Bắc Giang) trong an toàn khu của Xứ uỷ Bắc Kỳ và Trung ương, phong trào Việt Minh phát triển rất mạnh, trên thực tế nắm quyền quản lý mọi mặt chính trị, xã hội của địa phương, tạo nên những hình thức quá độ tiến lên lập chính quyền cách mạng. Ở Ba Tơ (Quảng Ngãi), cán bộ, đảng viên và nhân dân khởi nghĩa từ ngày 11-3-1945, lập Uỷ ban nhân dân cách mạng tuyên bố quyền tự do dân chủ, phân phát những tài sản tịch thu của địch cho nhân dân.
Những hình thức quá độ chính quyền cách mạng được hình thành ngày càng nhiều ở những nơi có phong trào Việt Minh, cùng với các Uỷ ban nhân dân cách mạng ra đời ở những nơi nhân dân và quân du kích làm chủ thay thế bộ máy thống trị của Nhật. Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về việc tổ chức các Uỷ ban dân tộc giải phóng.1
Tổng bộ Việt Minh nói rõ Uỷ ban dân tộc giải phóng là hình thức Mặt trận Dân tộc Thống nhất ở các xí nghiệp, các làng, hầm mỏ, đồn điền, trường học, trái lính, các công sở hay tư sở. Đó là những Uỷ ban dân tộc giải phóng nền tảng. Trên đó một huyện, châu, phủ, quận, một thành phố, tỉnh, khu, một xứ cho tới toàn quốc cấp nào cũng có thể tổ chức ra Uỷ ban dân tộc giải phóng của cấp ấy. Uỷ ban dân tộc giải phóng toàn quốc hay Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức là Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.
Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa Uỷ ban dân tộc giải phóng là tổ chức có tính chất tiền Chính phủ. Đến lúc tổng khởi nghĩa, thì Uỷ ban dân tộc giải phóng hết nhiệm vụ, tự giải tán để cho nhân dân cử ra Uỷ ban công nhân cách mạng xí nghiệp, hay Uỷ ban nhân dân cách mạng ở các làng, xã. Cố nhiên ở những nơi đã lập Uỷ ban nhân dân cách mạng trong các vùng quân du kích và nhân dân đã làm chủ và những nơi có điều kiện, khả năng lập Uỷ ban nhân dân cách mạng thì không cần tổ chức Uỷ ban dân tộc giải phóng.
Sau Hội nghị quân sự Bắc Kỳ và trong tháng 5, tháng 6, Uỷ ban dân tộc giải phóng lập ra nhiều nơi trong 10 tỉnh đồng bằng và 2 thành phố lớn ở Bắc Kỳ. Điều đó chứng tỏ chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh đã được thực hiện kịp thời. Các tỉnh Thanh Hoá, Hoà Bình, Ninh Bình đã lập chiến khu Hoà - Ninh - Thanh do Trung ương và Xứ uỷ Bắc Kỳ chỉ đạo. Cùng với Đội quân giải phóng ra đời, chính quyền cách mạng được thành lập ở các căn cứ trung tâm Tu Lý, Mường Khói, Cao Phong - Thạch Ngân (Hoà Bình); Nho Quan (Ninh Bình); Ngọc Trạo (Thanh Hoá). Quân du kích và nhân dân Hải Dương, Quảng Yên, công nhân mỏ Hồng Gai nổi dậy khởi nghĩa lập chiến khu Trần Hưng Đạo tức Đệ tứ chiến khu, hình thành chính quyền Việt Minh. Chính quyền Việt Minh được thành lập trong các chiến khu ở Ba Tơ, Mộ Đức, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi); một số địa phương thuộc Thừa Thiên - Huế.
Từ tháng 5-1945, ở Nam Kỳ có phong trào lập công hội công khai và Thanh niên tiền phong rộng rãi theo xu hướng yêu nước, tiến bộ và Việt Minh hoá, tự quản nhiều công việc đời sống xã hội.
Cùng thời gian đó, nhiều châu, huyện thuộc các tỉnh ở Việt Bắc tiếp tục được giải phóng, chính quyền cách mạng được thiết lập tạo ra thế liên hoàn từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên nối liền với An toàn khu Bắc Giang, chiến khu Trần Hưng Đạo và chiến khu Quang Trung. Trong điều kiện đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị lập Khu giải phóng và ngày 4-6-1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị thảo luận kế hoạch và tuyên bố Khu giải phóng Việt Bắc ra đời, thống nhất chính quyền cách mạng, chấn chỉnh lực lượng quân sự toàn khu, lập Uỷ ban lâm thời khu giải phóng, ra báo Nước Nam mới. Các tổ chức chính quyền cách mạng trong khu giải phóng Việt Bắc là hình thức cao của chính quyền cách mạng địa phương trong thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Theo gương khu giải phóng Việt Bắc, trong tháng 6, tháng 7, Uỷ ban dân tộc giải phóng được thành lập ở nhiều xã, huyện, như: Hiệp Hoà, Phú Bình, Việt Yên, Yên Thế, Lục Ngạn, Yên Dũng (Bắc Giang); Quỳnh Côi, Phương Quả (Thái Bình). Thạch Thất, Tùng Thiện (Sơn Tây); Hoài Đức, Chương Mỹ (Hà Đông); Nho Quan, Gia Viễn (Ninh Bình); Thạch Thành, Hà Trung, Hoằng Hoá (Thanh Hoá); Kim Sơn, An Lão, Tiên Lãng (Kiến An)...
Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Mặt trận Việt Minh, trong cao trào kháng Nhật, cứu nước tiền khởi nghĩa, các hình thức chính quyền cách mạng đã nảy nở phong phú. Từ các hình thức thấp đến hình thức cao, đặc biệt là Uỷ ban dân tộc giải phóng các cấp, Uỷ ban nhân dân cách mạng trong khu giải phóng Việt Bắc và các chiến khu chống Nhật trong cả nước đã hoạt động hiệu quả. Đó là kinh nghiệm thực tiễn quý giá để Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) ngày 13-8-1945 nhận định điều kiện tổng khởi nghĩa đã chín muồi, quyết định chuyển thời kỳ tiền khởi nghĩa sang tổng khởi nghĩa trong toàn quốc và chủ trương “Đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng không kể thành phố hay thôn quê. Thành lập những Uỷ ban nhân dân ở những nơi ta làm chủ”, thi hành 10 chính sách Việt Minh và chính sách đối ngoại tránh một mình đối phó với nhiều lực lượng Đồng minh, giành lấy sự đồng tình của Liên Xô và Mỹ. Cũng nhờ kinh nghiệm việc tổ chức các hình thức chính quyền đó, Tổng bộ Việt Minh trong bản đề án của mình về tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc trình trước Đại hội Quốc dân Tân Trào, họp ngày 16-8-1945 đã đề nghị thành lậpUỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và đã được Đại hội quyết định thông qua. Uỷ ban này là Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trước khi thành lập một chính phủ chính thức, có nhiệm vụ thay mặt Quốc dân giao thiệp với các nước ngoài và chủ trì mọi công việc trong nước. Đó chính là kết quả to lớn có ý nghĩa lịch sử của quá trình Mặt trận Việt Minh hy sinh, phấn đấu xây dựng các hình thức chính quyền cách mạng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa để tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền hoàn toàn trong cả nước.
 _________________
1. Trong nguyên bản Văn kiện công bố năm 1946 ghi là Chỉ thị việc tổ chức các Uỷ ban giải phóng, ngày 16-4-1945 của Tổng bộ Việt Minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét