Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Lịch sử Champa

Lịch sử Champa
(theo P-B Lafont, «Vương Quốc Champa. Địa Dư, Dân Cư và Lịch Sử», Champaka số 11, 2011, tr. 133-142)


1. Nguồn gốc của Champa: Lin Yi


Cho đến hôm nay, lịch sử Champa vẫn còn là một chủ đề cần được nghiên cứu thêm một cách sâu rộng, vì đa số tư liệu của vương quốc này bị biến mất theo thời gian và văn bản còn lưu lại thì có số lượng quá ít, nhưng thường chứa đựng một nội dung rất khó hiểu. Chính đó là nguyên nhân giải thích tại sao nhiều nhà nghiên cứu thường dựa vào những lời tường thuật sơ sài và ngắn gọn trong biên niên sử của Trung Hoa để thiết kế lại lịch sử thời cổ đại của vương quốc này.


Ai cũng biết, những chi tiết của sự kiện nằm trong biên niên sử Trung Hoa thường được chép lại sau một thời gian dài của biến cố đã xảy ra, có phần thêm bớt để phù hợp với quan điểm của chính quyền thời đó, bất chấp mọi hậu quả có thể xảy ra. Thêm vào đó, biên niên sử của quốc gia này chỉ bàn đến những gì có sự liên hệ giữa Champa và Trung Hoa mà thôi. Riêng về bia ký viết bằng tiếng Phạn và Chăm cổ mà người ta thường dựa vào đó để nghiên cứu về Champa vào những thời đại kế tiếp thì không được dồi dào cho lắm so với số lượng bia ký xuất hiện ở Campuchia. Hơn nữa, nội dung của những bia ký này thường bị gián đọan trong không gian của niên đại, vì một phần bị tàn phá theo hoạch định của chính sách Nam Tiến của dân tộc Việt. Trên tổng số 206 tấm bia Champa còn tồn tại và đã được kiểm kê, chỉ có 81 tấm bia đã được nghiên cứu và phiên dịch. Chính đó cũng là nguyên nhân không cho phép các nhà khoa học đi sâu vào chi tiết của lịch sử Champa. Vì quá quan tâm đến vấn đề tôn giáo, các bia ký Champa thường hay bỏ qua những biến cố chính trị quan trọng đã xảy ra tại vương quốc này. Hơn nữa, một số bia ký đã mất đi ngày tháng và niên đại, cho nên việc sử dụng nguồn tư liệu bia đá đòi hỏi nhiều phần khách quan và luôn luôn dè dặt. Bên cạnh bia ký, người ta còn có một nguồn tư liệu lịch sử nữa đó là các biên niên sử viết bằng chữ Chăm trung đại (cham moyen) và cận đại (cham modern). Tiếc rằng, những văn bản này chỉ đề cập đến Champa sau thế kỷ thứ XV, tức là chỉ chú tâm vào lịch sử của tiểu vương quốc Panduranga mà thôi, chúng tôi chưa nói đến những kho tàng tư liệu khác đã biến mất theo môi trường tự nhiên của khí hậu và tính vỡ vụn của phương pháp bảo trì. Riêng về nguồn tư liệu Việt Nam vào giai đoạn cận đại (période moderne) và hiện đại (période contemporaine), văn bản này chỉ chú trọng đến Champa trong giai đọan của cuộc Nam Tiến hoặc chỉ nói đến các biến cố đã xảy ra có sự liên hệ trực tiếp đến triều đình Việt Nam mà thôi.
Dù việc phân kỳ niên đại có hệ thống đến đâu đi nữa, lịch sử Champa vẫn là tổng thể của những biến cố chia thành 3 thời kỳ rõ rệt.
–      Thời kỳ đầu tiên là giai đọan lập quốc và sự ra đời của vương quốc Lin Yi (Lâm Ấp), danh xưng lịch sử mà các sử gia Trung Hoa thường sử dụng để ám chỉ Champa.
–      Thời kỳ thứ hai gọi là thời kỳ Champa Ấn Hóa (Champa indianisé), kéo dài qua nhiều thế kỷ, trong đó văn hóa Phạn ngữ, Siva Giáo, Phật Giáo đại thừa (dù là ngắn ngủi) và nhất là truyền thống Bà La Môn du nhập từ miền nam nuớc Ấn cấu thành nền tảng cơ bản của mọi cơ cấu tổ chức chính trị và xã hội của vương quốc Champa. Giai đoạn này là giai đọan đánh dấu cho một cuộc chiến lâu dài giữa hai nền văn minh đối nghịch nhau, đó là nền văn minh Ấn Giáo mà vương quốc Champa dựa vào đó để xây dựng di sản văn hóa tinh thần của mình nhằm gây tiếng vang sang phía bắc, chống lại nền văn minh Trung Hoa, tức là nôi sinh văn hóa của dân tộc Việt lúc nào cũng tìm cách tràn xuống phía nam.
–      Thời kỳ thứ ba gọi là thời kỳ Champa Bản Ðịa ra đời sau ngày sụp đổ của Champa Ấn Hóa, nhất là sau ngày lãnh thổ miền bắc của Champa bị rơi vào tay của Ðại Việt vào thế kỷ thứ XV. Kể từ ngày lãnh thổ Champa bị thu hẹp lại vào hai tiểu vương quốc Kauthara và Panduranga cho đến lúc danh xưng của quốc gia này bị xóa bỏ trên bản đồ vào đầu thế kỷ XIX, vương quốc Champa không ngừng dựa vào yếu tố văn hóa bản địa của tiểu vương quốc miền nam để xây dựng cho mình một nền văn minh mới và một hệ thống tổ chức xã hội hoàn toàn mới mẻ.
* *
Nói đến nguồn gốc của vương quốc Champa, tư liệu lịch sử Trung Hoa cho rằng vào cuối thế kỷ thứ II sau Công Nguyên, quận Nhật Nam (Rinan) là một đơn vị hành chánh (commanderie) nằm về phía nam của Trung Hoa, có lãnh thổ, chạy dài từ mũi Rộn (mũi Hoành Sơn) cho đến đèo Hải Vân của miền trung Việt Nam. Mặc dù vị trí địa dư và qui chế chính trị như thế, nhưng tư liệu Trung Hoa vẫn cho rằng đa số dân cư của quận Nhật Nam là người dân bản địa; phần còn lại là dân cư người Hoa có số lượng rất là ít ỏi. Vào cuối thế kỷ thứ II, một đơn vị hành chánh nằm trong quận Nhật Nam mang tên là phủ (préfecture) Xianglin lợi dụng tình hình suy yếu của Trung Hoa để tìm cách thoát ra khỏi ách thống trị của quốc gia này. Sau khi nghiên cứu và phân tích những văn bản Trung Hoa liên quan đến quận Nhật Nam, học giả R. A. Stein (Le Lin-Yi. Sa localisation, sa contribution à la formation du Champa et ses liens avec la Chine, in Han-Hiue, Pékin, volume II, Fascicules 1-3, 1947, 335 trang) cho rằng vào khoảng cuối năm 192 Tây Lịch, một nhân vật gốc người bản địa đã giết chết vị thủ trưởng gốc người Trung Hoa nắm quyền ở phủ Xianglin rồi tự xưng là quốc vương của quốc gia này mà lãnh thổ đất đai bao gồm cả khu vực của tỉnh lỵ Huế hiện nay chạy dài cho đến biên giới miền nam của núi Bạch Mã.
Vào những năm 220-230, nhân cuộc trao đổi đại sứ với các nước lân bang, tư liệu Trung Hoa lần đầu tiên dùng tên gọi Lin Yi để ám chỉ cho một vuơng quốc vừa mới độc lập này. Chính vì thế, một số nhà khoa học tin rằng Linyi có thể là tên địa danh xuất phát từ cụm từ của phủ Xianglin. Ngay khi ra đời, Lin Yi bắt đầu mở rộng đất đai bằng cách sát nhập một phần đất phía bắc của quận Nhật Nam vào lãnh thổ của mình và chấp nhận tiếp thu một số ảnh hưởng văn hóa của Trung Hoa. Tài liệu Trung Hoa là nguồn sử liệu duy nhất nói về Champa cho đến thế kỷ thứ VII, nhưng không bao giờ đề cập đến Lin Yi chịu ảnh hưởng của Trung Hoa trong khoảng thời gian là bao lâu và kể từ lúc nào Lin Yi lại tiếp thu các ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Giáo,
Kể từ thế kỷ thứ III, Lin Yi đã thắt chặt các mối bang giao với Phù Nam (Campuchia), một vương quốc đã chịu ảnh hưởng Ấn Giáo kể từ ngày lập quốc vào thế kỷ thứ nhất sau Tây Lịch. Thêm vào đó, tài liệu Trung Hoa cho rằng 16 vị quốc vương của Lin Yi lên nắm chính quyền giữa thế kỷ thứ III và thứ VII đều mang danh hiệu bắt đầu bằng chữ Fan, tức là cách phiên âm từ chữ brahma của Phạn ngữ. Từ hai yếu tố vừa nêu ra, người ta có thể kết luận rằng vương quốc Lin Yi đã tiếp thu nền văn minh Ấn Giáo rất sớm so với lý thuyết mà một số nhà khoa học đã từng đưa ra cho đến hôm nay, mặc dù người ta không biết Lin Yi bị Ấn Hóa vào năm nào. Ðây là một chủ đề trọng đại cần nghiên cứu thêm vì quá trình Ấn Hóa của vương quốc Lin Yi cấu thành động cơ đã làm thay đổi tên gọi Lin Yi thành danh xưng Champa mà học giả R. A. Stein đã từng chứng minh, dựa vào nhiều nguồn tư liệu lịch sử, ngôn ngữ và dân tộc học.
Trong suốt chiều dài của lịch sử, Lin Yi đã trải qua bao đời vua tiếp tục thay thế nhau lên nắm chính quyền, trong số đó có một vài thủ lãnh dùng quyền lực để chiếm đoạt ngôi báu. Cho đến thế kỷ thứ VI, hầu hết tên tuổi vua chúa của Lin Yi đều do người Trung Hoa biên chép, rất khó mà khôi phục lại tên thật của họ. Nhưng đưa ra danh sách vua chúa của Lin Yi ra đây, chắc không phải là việc cần thiết cho lắm, bởi vì quyền nối ngôi của họ vẫn còn là một chủ đề tranh cãi, chưa tìm ra câu trả lời thích đáng. Một khi Trung Hoa nằm trong tư thế hùng mạnh, Lin Yi thường gởi các phái đoàn ngọai giao và lễ vật sang triều cống. Lợi dụng các cơ hội bang giao tốt đẹp với Trung Hoa, Lin Yi không ngần ngại xô quân đánh phá vùng ven biển của Giao Chỉ (Jiaozhou), tức là miền bắc Việt Nam hôm nay. Cũng vì lý do đó mà Trung Hoa phải xua quân chinh phạt Lin Yi, kéo theo các cuộc chiến liên hồi giữa Lin Yi và các thống đốc người Hán nắm quyền cai trị Giao Chỉ, một thuộc địa của Trung Hoa nằm phía cực nam, kể từ thế kỷ thứ III.
Theo tài liệu Trung Hoa, Linyi có ranh giới phía nam giáp với một số quốc gia hay tiểu vương quốc có hình thái tổ chức chính trị và xã hội hoàn toàn biệt lập, nằm trên vùng đồng bằng ven biển và các châu thổ nhỏ thuộc về phía cực nam của bán đảo Ðông Dương, chạy dài từ núi Bạch Mã (Huế) cho đến Funan (Campuchia). Ðây là khu vực của những người man rợ (barbare) vì họ có nếp sống hoàn toàn khác biệt với văn hóa của người Trung Hoa. Hoàn toàn khác hẳn với vương quốc Linyi, những tiểu vương quốc này đã tiếp thu đậm nét nền văn minh Ấn Giáo từ đầu kỷ nguyên. Các bia ký tìm thấy ở vùng lân cận của thánh địa Mĩ Sơn (Ðà Nẵng-Hội An) và khu vực Nha Trang đã chứng minh rằng tiếng Phạn đã trở thành một ngôn ngữ thông dụng kể từ thế kỷ thứ III trong phần đất nằm về phía nam của miền trung Việt Nam hôm nay, trong khi đó tiếng Chăm chỉ được sử dụng kể từ bán thế kỷ thứ IV trong khu vực Quảng Nam-Ðà Nẵng, tức là tiểu vương quốc Amaravati (K. Bhattacharya, Précisions sur la paléographie de l'inscription de Võ-canh, trong Artibus Asiae XXIV - 3-4, 1961, trg. 219-224). Các bia ký ấy cũng cho biết về sự phát triển của môn phái Siva Giáo cũng như tầm mức thịnh hành của nó tại khu vực Quảng Nam trong thời điểm đó. Cũng nhờ bốn bia ký bằng Phạn ngữ viết vào đời vua Bhadravarman I, thủ lãnh của một quốc vương đầu tiên thuộc về giai đoạn lịch sử của một quốc gia (sau này là Champa) nằm về phía nam của núi Bạch Mã (Huế) và cũng là nhân vật sáng lập ra điện thờ thần Siva trong quần thể Mĩ Sơn, một thánh địa tôn giáo của vương quốc này. Các bia ký Phạn ngữ vừa nhắc đến cũng như các bia ký viết bằng tiếng Chăm cổ, tức là ngôn ngữ đã được sử dụng tại khu vực Mĩ Sơn nằm ngay ở phía nam của Linyi và có thể trong những khu vực khác nửa, không bao giờ đề cập đến các mối liên hệ giữa Linyi với các tiểu vương quốc nằm về phía nam của đèo Hải Vân (phía nam Huế). Tấm bia Phạn ngữ gọi là bia của Vat Luong Kau tìm thấy tại Champassak (miền nam nuớc Lào) là tư liệu duy nhất viết vào cuối thế kỷ thứ V, tức là vào thời đại của Lin Yi, nhưng tấm bia này cũng không bàn đến một chi tiết gì về vương quốc này. Một khi không tìm ra các bia ký khác viết vào thế kỷ thứ V và thứ VI, vì bị tàn phá trong chiến tranh, người ta buộc phải dựa vào tài liệu Trung Hoa để tìm hiểu thêm những biến cố đã diễn ra tại Lin Yi trong hai thế kỷ đó. Tiếc rằng, các tài liệu Trung Hoa chỉ cung cấp một số tin tức rất là sơ sài về vương quốc này để rồi từ đó người ta tự đặt ra bao câu nghi vấn, có chăng vào thế kỷ thứ V và vào đầu thế kỷ thứ VI, biên giới phía nam của Lin Yi đã nằm bên kia đèo Hải Vân (phía nam Huế) nhưng thủ đô của nó vẫn tọa lạc trong khu vực của thành phố Huế hiện tại? Chỉ cần băng qua ngọn đèo Hải Vân, nguời ta có cảm tưởng rằng Lin Yi có thể chiếm trọn cả tỉnh Quảng Nam để thống trị các dân cư sống ở phía nam của núi Bạch Mã (Huế) và di chuyển thủ đô của mình từ thành phố Huế sang miền nam của đèo Hải Vân để tạo cho mình một quốc gia lớn mạnh hơn gọi là vương quốc Champa sau này. Ðây chỉ là một giả thuyết không thuyết phục cho lắm liên quan đến chủ đề tại sao vương quốc Lin Yi lại trở thành tên gọi Champa! Vì rằng, sự liên hệ về tên gọi giữa Lin Yi và Champa chỉ được xác nhận vào cuối thế kỷ thứ VI bởi một tư liệu Trung Hoa ghi lại lộ trình viễn chinh của Liu Fang, mặc dù người ta không thể biết rõ ngày tháng chính xác của văn bản này (Suizhou, K. 53, 4b). Ðây là lần đầu tiên mà Liu Fang nhắc đến thủ đô của Lin Yi vào đầu năm 605 nằm tại Simhapura (Trà Kiệu), tức là phía nam của đèo Hải vân. Thêm vào đó, danh xưng Champa lại xuất hiện lần đầu tiên trên một bia ký Phạn ngữ vào năm 658 tìm thấy ở Mĩ Sơn (xem L. Finot, Stèle de Cambhuvarman à Mĩ-sơn, trong BEFEO III, năm 1903, trg. 209-210). Và danh xưng Champa này cũng tìm thấy trong bia ký Campuchia kể từ năm 667 và trong các bản văn Trung Hoa phiên âm thành Zhancheng kể từ năm 877.
2. Thời kỳ đầu của vương quốc Champa (thế kỷ VII - VIII)
    Vị quốc vương đầu tiên của quốc gia mang tên Champa, ám chỉ cho vương quốc Lin Yi có lãnh thổ nới rộng về phía nam của đèo Hải Vân, có thể là vua Sambhuvarman (?-629) hay thân phụ của ông ta tên là Rudravarman I (530 - ?) và cũng có thể là Vijayavarman (?- 529), tức là người đã lên ngôi trước vua Rudravarman I. Lần đầu tiên, người ta nhắc đến vua Sambhuvarman cùng một lúc với sự ra đời của danh xưng Champa. Ông ta là vị vua chủ trương mở rộng chính sách bang giao thân thiện với Zhenla (Campuchia). Dưới thời trị vì của ông, Champa cũng bị nhiều lần tấn công bởi đoàn quân Trung Hoa do Liu Fang chỉ huy. Sau đó, con trai của ông ta tên là Kandarpadharma lên nối ngôi vua cha và tiếp tục duy trì mối bang giao chặt chẽ với Campuchia. Vua Kandarpadharma nhường ngôi lại cho đứa con của mình là hoàng tử Prabhasadharma. Các quốc vương kế tiếp của vua Prabhasadharma đã gây ra một khúc quanh trong biên niên sử Champa thời đó. Bởi vì bia ký Champa và Campuchia cũng như tư liệu Trung Hoa không đồng quan điểm về tên tuổi cũng như tổng số quốc vương cai trị Champa cho đến ngày lên ngôi của vua Prakasadharma vào năm 653. Prakasadharma là người con trai của giòng tộc Kandarpadharma. Mẹ của ông ta xuất thân từ gia đình hoàng gia Campuchia, tức là một trong những đứa con gái của Isanavarman I, quốc vương Campuchia thời đó. Prakasadharma lên ngôi qua sự biểu quyết của hội đồng hoàng gia Champa, một qui chế thường diễn ra tại vương quốc này. Sau ngày lên ngôi, ông ta lấy tên vuơng hiệu là Vikrantavarman và nhận chức phong là Po Tana Raya Champa (vị vua tối cao của đất đai Champa). Trong những năm trị vì, ông ta gia tăng công trình xây dựng nhiều đền đài tôn giáo tại Mĩ Sơn và tại nhiều nơi khác trong khu vực Amaravati. Vikrantavarman là vị vua đầu tiên đã sáng tạo ra phong cách nghệ thuật của nền điêu khắc Champa, và đã để lại một số bia ký, nhất là bia nằm về phía bắc của khu vực Nha Trang. Sự hiện diện của bia ký này đã chứng minh rằng vua Vikrantavarman có một ảnh huởng chính trị lớn lao ở miền nam Champa, nhất là tiểu vương quốc Kauthara. Mặc dù có ảnh hưởng như thế, nhưng chưa chắc ông ta đã nắm trọn trong tay quyền cai trị trên tiểu vương quốc Panduranga nằm trong hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện nay. Vị vua nối ngôi của Vikrantavarman cũng mang tên là Vikrantavarman, đã gởi nhiều phái đoàn ngoại giao sang Trung Hoa cho đến năm 731. Sau đó, tài liệu Trung Hoa tiếp tục nói đến sự hiện diện tại quốc gia này vào năm 749 một phái đoàn ngọai giao Champa do vua Rudravarman II gởi sang, một thủ lãnh Champa mà người ta cũng không biết gì nhiều về lai lịch của ông ta. Và sau đó, các tài liệu Trung Hoa vẫn tiếp tục dùng cụm từ Lin Yi để ám chỉ cho Champa, nhưng đột nhiên danh xưng Lin Yi bị biến mất vào năm 757-758, để thay vào đó bằng một tên gọi mới, đó là Huan Wang (Hoàn Vương).
3. Champa: Thời kỳ Hoàn Vương (thế kỷ VIII - IX)
     Tên gọi vương quốc Hoàng Vương mà các nhà sử quan (historiographe) Trung Hoa thường xử dụng cho đến năm 859 tương ứng với giai đoạn mà trung tâm chính trị của Champa đã dời về phía nam nằm trong tiểu vương quốc Kauthara và Panduranga. Bằng chứng cụ thể đó là sau ngày dời thủ đô Champa sang miền nam, nguời ta không tìm thấy bia ký Phạn ngữ và Chăm cổ ở miền bắc Champa nữa, trong khi đó số lượng bia ký này lại tăng thêm rất nhiều ở miền nam. Thêm vào đó, vị quốc vương Champa mà hội đồng hoàng gia đã chọn lựa để thay thế vua Rudravarman II là hoàng tử Prthivindravarman, người gốc miền nam. Thay vì đặt trung tâm chính trị tại phía bắc, vua Prthivindravarman và những vị vua kế tiếp của ông ta có quyền chọn tiểu vương quốc của mình ở miền nam để làm thủ đô của Champa thời đó, kéo dài trong suốt một thế kỷ. Vua Prthivindravarman dường như là người xuất thân từ tiểu vương quốc Kauthara, vì đền Po Nagar (Nha Trang) là nơi tập trung hầu hết những bia ký thuộc triều đại của ông ta cho đến năm 854, trong lúc đó các bia ký liên quan đến quan chức thuộc về triều đình của ông ta cũng nằm rải rác ở phía nam của thánh địa Po Nagar Nha Trang và trong tiểu vương quốc Panduranga mà thôi. Các bia ký này đã cung cấp rất nhiều tin tức, nhất là chú trọng đến việc tôn vinh các vị vua miền nam và đề cao dòng tộc của họ, chứ không bao giờ nhắc đến công lao của các vua chúa ngự trị ở phía bắc của Champa. Những bia ký này cũng quan tâm rất nhiều đến việc thờ phụng Bhagavati (phu nhân của Siva) có đền thờ mang tên là đền Po Nagar tại Nha Trang, một vị nữ thần quan trọng nhất của tiểu vương quốc Kauthara và có nguồn gốc xuất xứ lâu đời nhất tại Champa, để rồi quên đi Bhadresvara của thánh địa Mĩ Sơn, một vị nam thần và cũng là vị vua Champa đầu tiên ghi trên bia ký, được tôn thờ nhất ở khu vực miền bắc.
     Triều đại Champa của miền nam dường như có thủ đô đặt tại Virapura, tức là khu vực Phan Rang, một địa điểm mà các nhà khoa học vẫn còn tranh luận về lý thuyết của nó. Vị thủ lãnh đầu tiên đóng đô tại Virapura là vua Prthivindravrman. Ông ta và các vị vua nối nghiệp là những người có công đưa các truyền thống bản địa ở miền nam vào hệ thống nghi lễ của triều đình Champa ở miền bắc. Ông ta cũng sáng chế ra việc sử dụng danh xưng thánh hiệu (nom posthume) sau ngày băng hà của vua chúa. Tên thánh hiệu của ông ta là Rudraloka. Các vị vua miền nam cũng tiếp tục dùng tên thánh hiệu này sau khi chấm dứt việc cai trị của họ. Cháu của vua Prthivindravrman tên là Satyavarman là nguời được tôn lên làm vua kế vị ông ta. Vừa mới lên ngôi, Satyavarman phải đương đầu vào năm 774 với những cuộc quấy nhiễu bằng đường biển bởi một nhóm người ốm yếu và đen thui đến từ Java (quốc gia Ða Ðảo) để đánh cắp tượng Linga ở đền Po Nagar (Nha Trang) và đốt phá điện thờ này. Một bia ký tại đền Po Nagar Nha Trang cũng ghi rằng vua Satyavarman đã xua quân đánh bại đoàn quân cướp biển Java và ra lệnh xây dựng lại một điện thờ mới vào năm 784 ở thánh địa Po Nagar Nha Trang (Barth và A. Bergaigne, Inscriptions sanskrites du Cambodge et du Campa, Paris, 1885, trg. 252-253). Sau khi băng hà, vua Satyavarman nhận tên thánh hiệu là Isvaraloka và nhường ngôi lại cho con trai của mình tên là Indravarman. Trong thời gian trị vì, vua Indravarman cũng bị những đoàn quân Java đột kích một lần nữa bằng đường biển vào năm 787 để tàn phá một điện thờ gần Virapura (Phan Rang), thủ đô của Champa thời đó. Mười hai năm sau, Indravarman ra công xây dựng lại đền này, bị tàn phá vào năm 787. Ông ta trị vì ít nhất đến năm 801 và nhường ngôi lại cho Harivarman I, dường như là anh rể của ông ta. Harivarman I là vị vua hiếu chiến. Cũng vì trung thành với truyền thống gây chiến của Lin Yi, vua Harivarman I tổ chức hai cuộc viễn chinh vào năm 803 và 809 tấn công biên giới quốc gia láng giềng miền bắc, lúc đó là thuộc địa của Trung Hoa. Sau khi xóa bỏ chính sách bang giao thân thiện với Campuchia kể từ đầu thế kỷ thứ VII, vua Harivarman I ra lệnh cho chỉ huy trưởng quân đội (Senapati) tên là Par xua quân tấn công vương quốc này. Chính vì thế, một bia ký của vua Harivarman I lưu lại tại đền Po Nagar Nha Trang có ghi lại cuộc chiến thắng của đoàn quân Champa chống lại vương quốc Campuchia vào thời buổi đó, nhưng không đưa ra một lý do nào để giải thích cho cuộc tấn công này. Sau khi vua Harivarman I băng hà, người con trai của ông ta tên Vikrantavarman III lên nối ngôi vào giữa năm 813 và 817. Trước khi lên ngôi, bia ký cho biết vua cha đã trao cho Vikrantavarman III quyền cai trị Panduranga, một tiểu vương quốc mà các tài liệu Trung Hoa thường ghi rằng Panduranga không phải là một quốc gia độc lập có chủ quyền trong nghĩa rộng của nó và cũng không phải là một tỉnh của vương quốc Champa. Cũng theo tài liệu Trung Hoa, Panduranga là một xứ sở có biên giới chung với Champa, thường triều cống vương quốc này và sẵn sàng chấp nhận các vị thống đốc do triều đình trung ương của Champa phái đến để cai trị họ, nhưng lúc nào Panduranga cũng tìm cách để bảo vệ nền tự trị của mình. Chính đó là nguyên nhân đã giúp L. Finot (« Panduranga », trong Album Kern, Leide, E. J. Brill, 1903, trg. 386) đưa ra kết luận rằng kể từ thế kỷ thứ IX, Panduranga có một qui chế tổ chức chính trị như là một quốc gia chư hầu (feudataire) của vương quốc Champa, được cai trị bởi một phó vương (Adhipati), thường là một tướng lãnh cao cấp nhất (Senapani) và mang phẩm tước Pandurangesvara, tức là vương hầu của Panduranga. Lãnh thổ của Panduranga thường được xem như là đất phong (apanage) dành cho những vị thái tử thừa kế ngôi vua (Yuvaraja). Các bia ký mà vua Vikrantavarman III đã lưu lại, có nội dung rất là ngắn ngủi, đột nhiên ngưng bặt vào năm 854 không biết vì lý do gì, để rồi không ai biết đến cuộc đời của ông kết liễu như thế nào, cũng như vị vua nối ngôi của ông ta là ai. Thêm vào đó, sau ngày trị vì của vua Vikrantavarman III, tất cả các bia ký ở miền nam Champa tự nhiên ngưng lại, giống như việc bia ký Phạn ngữ đã biến mất một thế kỷ trước ở miền bắc.
      Cũng trong thời kỳ này, người ta nhận thấy rằng nền thương mại hàng hải nối liền thế giới Ả Rập, Ấn Ðộ với miền nam Trung Hoa càng ngày càng phát triển mạnh mẽ kéo dài trong suốt một thế kỷ, vì lý do bất an ở vùng Trung Á đã làm gián đọan trục giao thông trên lục địa mà người ta thường gọi là con đường tơ luạ. Thông thường, các thuyền buồm di chuyển trên đại dương có tộc độ rất là chậm chạp, cho nên các thủy thủ buộc phải dừng chân để lấy tiếp liệu, nhất là nước uống. Thêm vào đó, ngoài khơi của biển Nam Hải là khu vực có đá ngầm buộc các thuyền buồm di chuyển trên con đường nối liền Ấn Ðộ Dương với Trung Hoa phải lái dọc theo bờ biển của Champa, biến quốc gia này trở thành những hải cảng dừng chân hầu như bắt buộc của tất cả thương thuyền quốc tế (xem thêm P. Pelliot, « Textes chinois sur Panduranga »  trong BEFEO III, 1903, trg. 630-654, và Relation de la Chine et de l'Inde redigée en 851. Texte établi, traduit et commenté par J. Sauvaget, Paris, Les Belles Lettres, 1948, trg. 8-9). Vào giữa thề kỷ thứ VIII và giữa thế kỷ thứ IX, hệ thống giao lưu hàng hải này đã đưa đẩy Champa và Panduranga - tài liệu Á Rập thường phân biệt rõ rệt hai địa danh này - vào chu trình giao lưu quốc tế. Việc phát triển hệ thống hàng hải của vương quốc Champa là điều tất nhiên, vì người Chăm là dân tộc chuyên về nghề thủy thủ. Về phương diện kinh tế, Champa cũng là quốc gia đã từng xuất cảng rất nhiều sản phẩm lâm nghiệp mà các thương thuyền quốc tế rất cần mua. Ðứng trên khía cạnh văn hóa, Champa cũng là vương quốc đã từng đón nhận nhiều nền văn minh. Bằng chứng cụ thể là Phật Giáo đã từng nắm giữ một vi trí quan trọng trong triều đình và sự hiện diện rất sớm của những thương thuyền Hồi Giáo tại vương quốc này mặc dù người ta không biết họ sang Champa để truyền đạo hay không.
4. Vương triều Indrapura (thế kỷ IX - XI)
     Ai cũng biết, tư liệu Champa khắc trên bia ký tự nhiên biến mất vào năm 854. Hai mươi năm sau, tức là vào năm 875, người ta mới tìm thấy lại các văn bản này, nhưng hầu hết nằm trong lãnh thổ của tiểu vương quốc Amaravati. Ðiều này chứng tỏ rằng tình hình chính trị Champa dưới danh nghĩa là một quốc gia thống nhất đã từng xảy ra trước bán thế kỷ thứ VIII được phục hồi trở lại. Vào thời kỳ này, các bia ký thường đề cập đến sự ra đời của một triều đại mới của Champa đặt thủ đô tại Indrapura. Sáng lập viên của vương triều Indrapura là vua Indravarman II, xuất thân từ một gia đình trong đó vua cha của ông ta là Bhadravarman, tức là người chỉ nhận tước vua nhưng chưa chắc ông ta lên ngôi để trị vì. Vua Indravarman II tự cho mình là người xuất thân từ một dòng tộc mang tính cách huyền thọai (généalogie fictive) được ghi lại trên bia ký vào năm 875, được tìm thấy tại Ðồng Dương, khoảng 20 cây số về phía đông nam của Mĩ Sơn. Bia ký này nhấn mạnh rằng vương quyền của vua Indravarman II không phải do ông nội hay thân phụ truyền lại mà là do thành quả của công trình tu luyện mà ông ta đã thực hiện trong nhiều kiếp sống, cho nên định mệnh đã đưa đẩy ông ta trở thành vị thủ lãnh của vương quốc Champa, (xem L. Finot, «Inscriptions du Quang nam I, Première stèle de Dong-duong», trong BEFEO IV, 1904, trg. 92 và 94). Indravarman II là vị vua rất tôn sùng Phật Giáo. Chính đó là nguyên nhân giải thích cho sự ra đời của nhiều công trình xây dựng các đền Phật Giáo ở Ðồng Dương. Mặc dù đã từng đứng ra thực hiện những trung tâm Phật Giáo đại thừa rất là đồ sộ có chu vi lớn hơn một cây số cộng thêm đức tin của ông đối với đạo Phật, nhưng vua Indravarman II vẫn còn giữ nguyên truyền thống Siva Giáo của các vị vua tiền bối đã từng cai trị miền bắc của Champa trước đó. Sau khi băng hà, Indravarman II nhận thêm thánh hiệu là Paramabuddhaloka.
       Sau mấy năm trị vì, Indravarman II nhường ngôi lại dường như vào năm 898 cho cháu trai tên là Jaya Simhavarman I, một vị vua chỉ để lại hai công trình duy nhất, đó là xây dựng một số đền Shiva Giáo và Visnu Giáo. Vị thủ lãnh kế thừa của Jaya Simhavarman I chính là người con trai của ông ta, tên là Jaya Saktivarman mà người ta chỉ biết đến tên tuổi được ghi trên một tấm bia ký do một vị quan chức xuất thân từ gia đình hoàng tộc khắc lại. Jaya Saktivarman cũng là nhân vật đã từng phục vụ cho 4 vị quốc vương kế thừa vua Indravarman II (xem E. Huber, «La stèle de Nhan-biễu», trong BEFEO XI-3,1911, trg. 309). Vị vua kế tiếp tên là Bhadravarman II mà người ta không biết thế nào là mối quan hệ thân tộc của ông ta đối với gia đình của vua Jaya Saktivarman. Nối gót chính sách của bậc tiền nhân đã để lại, Bhadravarman II tiếp tục phát triển các mối liên hệ tôn giáo với Java (quốc gia Ða Ðảo). Ðiều này không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm, bởi vì dân tộc Ða Ðảo (Nam Dương và Mã Lai) và dân tộc Chăm đã có các mối quan hệ thân thiết từ lâu đời, nhất là các đoàn thủy thủ của hai dân tộc này, ngoài việc đảm trách các công tác thương mại hàng hải, thường xuyên cấu kết với nhau trong các cuộc tấn công đánh phá bờ biển của các nuớc láng giềng, càng làm tăng thêm uy quyền và sức mạnh ngành hải quân của Champa thời đó. Người lên kế vị để thay thế vua Bhadravarman II chính là con trai của ông ta tên là Indravarman II, trị vì từ năm 916 đến năm 960. Vua Indravarman II là người đã cống hiến một bức tượng làm bằng vàng của nữ thần Bhagavati (phu nhân Siva) cho đền Po Nagar ở Aya Trang (Nha Trang). Hành động của một vị vua Champa gốc miền bắc đã dâng hiến một phẩm vật cho nữ thần Bhagavati nằm trên đất thánh Kauthara ở phía nam, đã bộc lộ một ý nghĩa mang mầu sắc chính trị hơn là lòng tin vào tôn giáo. Vì rằng, vua Indravarman II muốn dựa vào thế tôn giáo để xây dựng lại một quốc gia Champa thống nhất, một chủ thuyết mà các tiểu vương quốc miền nam, vì quá đề cao nền tự trị của họ, không bao giờ chấp nhận. Bên cạnh đó, Indravarman II còn phải đối phó trước mối bang giao với vương triều Angkor (Campuchia) càng ngày càng gay gắt. Lúc ban đầu, sự khủng hoảng giữa Champa và Campuchia chỉ là cuộc tranh chấp đơn thuần giữa hai gia đình hoàng gia mà thôi. Sau đó, cuộc tranh chấp này biến thành các cuộc chạm trán quân sự. Bằng chứng cụ thể là vào năm 947, vua Campuchia ra lệnh xua quân đốt phá thánh địa Kauthara thành tro bụi mà một tấm bia ký của Campuchia đã từng xác nhận, sau đó chiếm lấy bức tượng bằng vàng của nữ thần Bhagavati (G. Coedes, «Stèle de Pré-Rup» trong Inscriptions du Cambodge I, Paris, Publications de l'École Francaise d'Extrême-Orient, Textes et documents sur l'Indochine III, 1937, trg. 73 sq). Nhưng sau đó, lực lượng quân sự Champa vùng dậy phản công, đánh bại và đẩy lùi đoàn quân xâm lược Campuchia. Khoảng một năm sau, vua Indravarman II tìm cách tái lập lại mối quan hệ ngoại giao với Trung Hoa đã bị gián đoạn kể từ năm 877. Năm 960, vua Indravarman II băng hà và nhường lại ngai vàng cho Jaya Indravarman I để cai trị Champa cho đến năm 971 hay 972. Vị vua này là người có công trùng tu lại điện thờ Po Nagar Nha Trang vào năm 965 và thiết kế lại bức tượng của nữ thần Bhagavati, lần này làm bằng đá chứ không phải là kim quí nữa hầu né tránh lòng tham lam của kẻ cướp. Tương tự như vua cha và các vua kế nghiệp, Jaya Indravarman I thường xuyên gởi các phái bộ sang Trung Hoa để tăng cường chính sách bang giao giữa hai quốc gia.
     Vị vua nối ngôi kế tiếp tên là Paramesvaravarman I, một thủ lãnh đầu tiên của vương quốc Champa bắt đầu đối diện trực tiếp với quốc gia láng giềng miền bắc vừa mới giải phóng ra khỏi ách đô hộ của Trung Hoa để hình thành một quốc gia độc lập mang tên là Ðại Cồ Việt tức là Ðại Việt sau này, nằm trong vùng châu thổ sông Hồng Hà và tỉnh Thanh Hóa. Kể từ đó, mối bang giao giữa Champa và Ðại Việt đã trở thành mối quan hệ giữa hai đối tượng thù địch. Sau cuộc đánh phá lần đầu tiên của quân đội Champa trên lãnh thổ của Ðại Việt vào năm 979, vua Lê Ðại Hành, người sáng lập triều đại Tiền Lê, trả lời ngay cho sự quấy nhiễu này bằng cách cử một đoàn binh sang đánh phá Champa, giết chết vua Paramesvaravarman I ngay từ đầu của cuộc chiến vào năm 981 hay là 982. Vị vua Champa kế thừa tên là Indravarman IV, vì không kháng cự nổi với đoàn quân của Lê Ðại Hành, phải bỏ chạy về miền nam lánh nạn, trong lúc đó đối phương tha hồ đốt phá thủ đô Indrapura của Champa cho đến năm 983. Một năm sau, Lưu Kỳ Tông, nhân vật gốc dân tộc Việt, lợi dụng tình hình rối ren tại Indrapura, vùng dậy cướp lấy chính quyền. Chờ khi vua Indravarman IV băng hà vào năm 986, Lưu Kỳ Tông tự phong cho mình là quốc vương Champa và trình báo với hoàng đế Trung Hoa về triều đại mới này. Ðể phản lại cuộc tiếm quyền của Lưu Kỳ Tông, các quan lại của triều đình Champa đã chạy vào miền nam lánh nạn bốn năm về trước, quyết định tôn một nhân vật gốc Champa lên ngôi vào năm 988 tại Vijaya (tỉnh Bình Ðịnh hiện nay) mang vương hiệu là Harivarman II. Sau ngày từ trần của Lưu Kỳ Tông vào năm 989, Harivarman II dời thủ đô Champa về Indrapura lại. Một năm sau, Ðại Việt xua quân tấn công miền bắc của Champa vào năm 995 và năm 997 nhằm trả đũa cho các cuộc quấy rối của quân Champa trên lãnh thổ của mình. Kể từ đệ tam niên thế kỷ thứ X, hầu hết các bia ký Champa bị biến mất vì sự phá hủy của chiến tranh. Trong khoảng thời gian này, người ta chỉ tìm thấy một tảng đá viết bằng tiếng Chăm cổ có nội dung chỉ nói về tôn giáo mà thôi, khiến cho việc nghiên cứu về lịch sử Champa cho đến bán thế kỷ thứ XI hoàn toàn tùy thuộc vào các tư liệu Trung Hoa và các biên niên sử Việt Nam. Cũng vì thế mà người ta không biết ai là người kế thừa vua Harivarman II, cũng như tên tuổi của các vị quốc vương Champa kế tiếp cho đến năm 1044.
5. Vương triều Vijaya (thế kỷ XI - XIII)
     Mặc dù khiếm khuyết tư liệu, nhưng người ta biết sau khi vua Harivarman II băng hà vào năm 998, vị tân vương Champa với tên thực thụ là Yang Po Ku Vijaya Sri đã dời thủ đô Indrapura vào năm 1000, vì quá gần biên giới của Ðại Việt, về phía nam tại Vijaya. Kể từ đó, Vijaya được xem như trung tâm chính trị của Champa, mặc dù vương quốc này đã thành công mấy lần thu hồi lại lãnh thổ miền bắc bị nước láng giềng xâm chiếm. Năm 1000, đánh dấu sự nhường bước của Champa trước sức ép của dân tộc Việt, tức là một sự thoái lui dần dần về phương nam cho đến lúc vương quốc này cáo chung vào 800 năm sau.
     Sau cuộc băng hà của Yang Po Ku Vijaya Sri, có lẽ trước năm 1010, các tư liệu có nói đến bốn đời vua kế tiếp lên nắm chính quyền mà người ta không biết rõ tên tuổi của họ. Ngoài việc gởi phái đoàn ngoại giao thường xuyên sang Trung Hoa để xin hậu thuẫn và sang Ðại Việt để né tránh mọi sự đe dọa, thì người ta được biết vương quốc Champa, trong suốt thời gian trị vì của 4 vị vua này, đã chuốt lấy bao lần thất bại trước sự tấn công của các vị vua đầu tiên thuộc triều đại nhà Lý vừa lên thay thế nhà Lê vào năm 1009. Năm 1021, con của Lý Thái Tổ xua quân tấn công miền bắc Champa. Năm 1026 ông ta trở lại quấy nhiễu Champa. Sau khi lên nối ngôi vua cha vào năm 1028 với danh xưng Lý Thái Tông kể từ năm 1039, ông ta bắt đầu nhúng tay vào việc tranh giành quyền hành giữa các vị hoàng tử Champa. Rồi viện cớ một tân vương Champa được tấn phong vào năm 1042 đánh phá bờ biển Ðại Việt, Lý Thái Tông cầm đầu một đoàn quân đổ bộ lên bờ biển Champa trong vùng Thừa Thiên vào năm 1044. Thành Ðồ Bàn bị thất thủ và cướp phá. Quân đội Champa bị đánh tan và vua Champa bị giết trong khi đó một phần dân chúng của thủ đô Champa bị quân Ðại Việt tàn sát mà Việt Sử Lược đã từng ghi lại.
    Sau cuộc thảm họa này, một vị quốc vương mới của Champa mà người ta không biết rõ nguồn gốc, đã lên ngôi tại Vijaya vào năm 1044. Vị vua đầu tiên của triều đại này là Jaya Paramesvaravarman I. Ngay từ lúc nhận vương phong là Rajadiraja (vua của các vua), Jaya Paramesvaravarman I phải đương đầu với sự chống đối của Panduranga không công nhận ông ta là thủ lãnh của liên bang Champa, vì tiểu vương quốc này đã chọn một hoàng tử xuất thân từ miền nam lên làm vua vương quốc này. Vị hoàng tử nối ngôi (Yuvaraja), tức là cháu của quốc vương Jaya Paramesvaravarman I nhận lệnh đem quân sang miền nam dẹp loạn vào năm 1050. Ðó là những biến cố mà 3 bia ký đã ghi lại trong đó có tấm bia ghi trên tảng đá gần đền Po Klaung Garai (Ninh Thuận) cho rằng dân cư của Panrang (Phan Rang) là những người «hư hỏng, hung dữ, ngu dốt, luôn luôn nổi loạn chống lại các nhà vua» đã bị quân đội Champa đánh bại. Những quân phản loạn ở miền nam bị bắt và chia ra thành hai nhóm. Một nhóm giữ lại tại chỗ để tái thiết thành phố, nhóm còn lại để phục vụ cho các điện thờ và các tu viện (L. Finot, «Inscriptions inédites de Panrang», trong BEFEO III, 1903, trg. 645-646). Vua Paramesvaravarman I cũng là người có công tái thiết nhiều công trình xây dựng cho đền Po Nagar tại Nha Trang vào năm 1050 và 1055 mà các bia ký bằng Phạn ngữ và Chăm ngữ ghi lại. Vị vua nối ngôi kế tiếp là Bhadravarman III mà người ta không biết gì nhiều về tiểu sử của ông ta. Tiếp theo là người em trai của Bhadravarman III lên ngôi vào năm 1061 tại Vijaya lấy vương hiệu là Rudravarman III. Ông ta đã xây dựng nhiều công trình vào năm 1064 trong khu vực của đền Po Nagar tại Nha Trang. Năm 1068, Rudravarman III xua quân tấn công Ðại Việt. Vua Lý Thánh Tông phản công tức khắc bằng cách tiến quân theo đường biển, đổ bộ gần khu vực Vijaya, đánh tan quân đội Champa, trong lúc đó vua Rudravarman III phải chạy sang Campuchia lánh nạn và đã bị đội quân Ðại Việt đuổi theo bắt được vào năm 1069. Sau khi phá hủy thủ đô Vijaya, Lý Thánh Tông đưa vua Rudravarman III về thủ đô Thăng Long vào năm 1069. Ðể chuộc mạng của mình, vua Rudravarman III chấp nhận dâng hiến cho Ðại Việt phần đất phía bắc của Champa nằm giữa cửa Hoành Sơn và đèo Lao Bảo, tức là khu vực Quảng Bình và Quảng Trị, sau này Ðại Việt sát nhập vào đơn vị hành chánh của mình mang tên là Ðịa Lý, Ma Linh và Bố Chính.
    Sau ngày được trả tự do, Rudravarman III phải đương đầu với tình hình chính trị Champa đang lâm vào con đường suy sụp, chia năm xẻ bảy thành hàng chục khu vực tự trị, nhất là đối đầu với Panduranga, một tiểu vương quốc có qui chế độc lập trong liêng bang Champa cho đến 1084 (E. Aymonier, «Première étude sur les inscriptions tchames» trong Journal Asiatique XVII-1, 1891, trg. 33 và tiếp theo). Người ta không biết vương triều của Rudravarman III cáo chung như thế nào và có phải ông ta hay vị vua kế tiếp là người đứng ra triều cống nhà Lý vào năm 1071 và 1074 như là một quốc gia chư hầu của Ðại Việt. Cho đến hôm nay, không có một tài liệu nào đưa ra giải đáp cho vấn đề đó. Ngược lại, nhờ một bia ký Mĩ Sơn bằng Phạn ngữ và Chăm ngữ mà người ta được biết có hai vị hoàng tử không biết thuộc về dòng tộc nào, tên là Thang và Pang tìm cách chấm dứt tình trạng hỗn loạn và thiếu thống nhất do chế độ ‘phong kiến’áá gây ra từ ngày ra đời của vương quốc này bằng cách chia cắt đất đai Champa thành 5 tiểu quốc : Indrapura ở phía bắc rồi xuống dần về phía nam là Amravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga, chưa kể đến nhiều khu vực hành chánh khác nằm trong một tiểu vương quốc cũng vùng dậy đấu tranh đòi quyền tự trị có nhiều quyền hạn hơn, một khi chưa đạt đến qui chế độc lập.
    Năm 1074, hoàng tử Thang lên nắm chính quyền. Sau khi trùng tu lại đền Bhadresvara tại Mĩ Sơn, tức là vị nam thần che chở Champa, ông ta tự phong vương cho mình với danh hiệu là Harivarman IV. Một năm sau, Harivarman IV đã đẩy lùi một cuộc tấn công của Ðại Việt và tiếp tục khai trừ các vị hoàng tử Champa tìm cách ly khai với triều đình. Tiếp đó, ông ta tiến quân xâm chiếm Campuchia nhưng không nêu ra vì lý do gì bằng cách phá hủy các điện thờ Sambor nằm trên bờ sông Mékong và di tản dân chúng Campuchia ra khỏi khu vực này. Một khi phục hưng lại Champa thành một ‘quốc gia huy hoàng’ như xưa, Harivarman IV quyết định về hưu trí bằng cách đưa con trai của mình tên Vak vừa mới 9 tuổi, lên nối ngôi vào năm 1080 dưới danh hiệu là Jaya Indravarman II. Năm sau, Harivarman IV băng hà. Nhiều người vợ (hoàng hậu và thứ phi) của ông ta cũng lên dàn hỏa táng theo nghi lễ Sati mà một bia ký đã từng xác nhận. Sau ngày hỏa táng của vua Harivarman IV, các quan thần trong triều đình nhận thấy rằng Jaya Indravarman II, vì tuổi chưa trưởng thành, không đủ khả năng để điều hành quốc gia, thành ra phải đưa người chú của ông ta, tức là hoàng tử Pang lên thay thế để lãnh đạo quốc gia vào năm 1081, lấy vương hiệu là Pamarabodhisattva, một tên gọi mang ảnh hưởng Phật Giáo. Pamarabodhisattva tiếp tục triều cống Ðại Việt và dẹp tan những vị hoàng tử nắm quyền tự trị của tiểu vương quốc Panduranga từ 16 năm qua để phục hưng lại vương quốc Champa thống nhất và độc lập vào năm 1084. Sau đó ông ta nhường ngôi lại cho người cháu là Jaya Indravarman II vào năm 1086. Sau ngày lên ngôi, vua Jaya Indravarman II tiếp tục triều cống Thăng Long (Hà Nội) nhưng vẫn chuẩn bị cuộc chiến vào năm 1103 nhằm thu hồi lại phần đất phía bắc của Champa đã lọt vào tay của Ðại Việt vào năm 1069, nhưng bất thành. Sau đó, ông mất vào năm 1113 và được phong chức thánh hiệu là Paramabuddhaloka. Cháu của ông ta là người lên nối ngôi vua với danh hiệu là Harivarman V. Người ta chỉ biết về lai lịch của Harivarman V qua các công trình kiến trúc tại Mĩ Sơn và các phái đoàn ngoại giao mà ông ta cử sang Ðại Việt và Trung Hoa.
6. Champa đối đầu với Angkor (thế kỷ XII - XIII)
    Người kế thừa vua Harivarman V là một vị thái tử (Yuvaraja) lên ngôi vào năm 1139 với danh hiệu là Jaya Indravarman III. Chưa đầy 2 năm, sau khi hoàn tất các công trình xây dựng môt số đền đài tôn giáo tại thánh địa Mĩ Sơn vào năm 1140 và tại khu vực Po Nagar ở Nha Trang vào năm 1143, Jaya Indravarman III phải đối phó với cuộc tấn công của Campuchia mà người ta không tìm ra lý do tại sao. Thế là thủ đô Vijaya của Champa lại lọt vào tay của quân đội Khmer và vua Jaya Indravarman III bị tử trận trong cuộc chiến.
    Trong khi thủ đô Vijaya bị chiếm đóng bởi quân viễn chinh Campuchia, Jaya Rudravarman IV được tấn phong làm vua Champa, nhưng sau đó ông ta với đoàn tùy tùng phải bỏ Vijaya để chạy sang Panduranga lánh nạn. Ðây là cuộc thảm họa đã đưa đến cuộc chiến giữa Champa và Campuchia kéo dài trong suốt 75 năm. Cho đến hôm nay, nguời ta không tìm thấy một tư liệu nào nói về tình hình Champa ngoại trừ lời kể mà con trai của vua Jaya Rudravarman IV ghi lại trong bia ký tìm thấy ở phía nam Champa và ở Mĩ Sơn cho rằng quốc vương này băng hà vào năm 1147, mang thánh hiệu là Paramabrahmaloka. Sau đó, các quan chức Champa đang lánh nạn tại tiểu vương quốc Panduranga tôn người con trai của ông lên nối ngôi lấy danh hiệu là Jaya Harivarman I. Ðể trả lời cho thái độ này, vua Campuchia ra lệnh cho đoàn quân viễn chinh Campuchia ở Vijaya (thành Ðồ Bàn) có sự hỗ trợ của quân đội Champa ở miền bắc kéo quân sang miền nam tấn công vua Jaya Harivarman I, nhưng không đạt được kết quả. Cuộc tấn công lần thứ hai cũng bị thất bại. Trước tình thế này, vua Campuchia là Suryavarman II tự phong cho hoàng tử Harideva, tức là người em vợ của mình, lên làm vua Champa ở miền bắc, đóng đô tại Vijaya. Vừa nghe tin này, vua Jaya Harivarman I đang lánh nạn ở miền nam, xuất quân tấn công miền bắc, giết chết hoàng tử Campuchia là Harideva và làm chủ tình hình Vijaya. Sau đó Jaya Harivarman I tự xưng là vua Champa vào 1149 và cũng là năm kết thúc cuộc chiến giữa Champa và Campuchia (L. Finot, «Les inscriptions de Mĩ-sơn XXI», trong BEFEO IV, 1904, trg. 964-965). Mặc dù đã thành công đánh đuổi quân Campphuchia, Jaya Harivarman I phải đương đầu với một người anh rễ tìm cách tranh quyền chiếm ngôi, bằng cách kêu gọi dân tộc Cao Nguyên vùng dậy chống lại ông ta. Bị đánh bại vào năm 1150, anh rể của vua Jaya Harivarman I phải chạy sang Ðại Việt để xin cầu cứu. Mặc dù có sự giúp quân của Ðại Việt, anh rể này vẫn bị đánh bại và biến mất trên bàn cờ chính trị. Sau biến cố này, vua Jaya Harivarman I xua quân chinh phạt tiểu vương quốc Amaravati về tội vùng dậy chống lại uy quyền của ông ta vào năm 1151, sau đó trở lại miền nam để dẹp những cuộc nổi loạn ở Panduranga. Mãi cho đến năm 1160, tiểu vương quốc Panduranga mới chấp nhận phục tùng uy quyền của Jaya Harivarman I như một vị lãnh tụ tối cao của liêng bang Champa. Jaya Harivarman I là vị vua dũng cảm và cũng là nhân vật đã thực hiện nhiều công trình xây dựng đền đài tại Mĩ Sơn và tại Po Nagar ở Nha Trang và băng hà có thể vào những năm 1162-1166. Theo bia ký do cháu của vua Jaya Harivarman I để lại, con trai của ông ta đã nhận vương hiệu là Jaya Harivarman II, nhưng người ta cũng không biết vị tân quốc vương này có lên ngôi trị vì hay không? Vào năm 1167, Jaya Indravarman IV tổ chức cuộc đảo chánh để chiếm quyền ngôi vua và gởi phái đoàn sang Trung Hoa để xin phong chức. Jaya Indravarman IV là một vị quan lại đã từng phục vụ trong triều đình của Jaya Harivarman I trước kia và cũng là vị vua đã từng cống hiến nhiều công trình xây dựng đền đài tại Mĩ Sơn và Po Nagar ở Nha Trang. Ông ta cũng là người mà các bia ký đã từng ca tụng đức độ, sự hiểu biết và am tường về nhiều lãnh vực. Nếu Jaya Indravarman IV lên nắm chính quyền, là vì ông muốn trả thù cho sự thất bại của Champa vào năm 1145, kéo theo sự chiếm đóng Champa của Campuchia. Trong suốt mười năm đầu của vương triều, Jaya Indravarman IV tập trung mọi nổ lực vào việc chiến đấu chống lại vương quốc Campuchia, mặc dù không mang lại kết quả. Vì không thể tiến quân đến thủ phủ Angkor bằng đường bộ, vua Jaya Indravarman IV thay đổi chiến thuật bằng cách di chuyển quân đội Champa trên các chiến thuyền chạy dọc theo bờ biển tiến vào vùng châu thổ sông Mékong. Nhờ sự giúp đỡ của một viên thuyền trưởng người Trung Hoa, vua Jaya Indravarman IV đưa quân đi ngược giòng sông Mékong và Tonlé Sap để tiến đến Biển Hồ vào năm 1177. Cuộc tấn công bất ngờ này đã giúp cho quân đội Champa thành công đốt phá thành Angkor đầy vàng bạc và châu báu và giết luôn nhà vua Campuchia, cũng là một vị vua tiếm quyền tại vương quốc này (M. Giteau, Histoire d'Angkor, Paris, Ed. Kailash, 1966, trg. 77-78).
    Sau ngày đánh phá Angkor, một vị hoàng tử Campuchia thuộc dòng hoàng gia chính thống và cũng là vị vua tương lai mang vương hiệu là Jayavarman VII, xua quân phản chiến, nhất là trận thủy chiến chống lại đoàn quân viễn chinh Champa trên Biển Hồ và Tonlé Sap, và một trận chiến khác, có lẽ là bãi chiến trường quyết liệt nhất, tại đền Preah Khan cũng nằm trong khu vực Angkor. Trận chiến này đã giúp người Campuchia giải phóng hoàn toàn đất nước của họ ra khỏi ách thống trị của Champa vào năm 1180-1181 và cũng là năm mà Jayavarman VII đã nhận tấn phong tại Angkor.
     Người ta không biết ngày tháng băng hà của Jaya Indravarman IV, một vị vua chiến thắng tại đền Angkor, mặc dù sự hiện hữu của ông ta vẫn còn được xác nhận vào năm 1183 và nhất là vào lúc Jaya Indravarman Ong Vatuv lên ngôi để kế vị thay thế ông ta. Sau ngày lên ngôi, Jaya Indravarman Ong Vatuv lại mở trận chiến tấn công vào Campuchia vào năm 1190. Kể từ đó, vua khmer là Jayavarman VII buộc phải ra tay giải quyết vấn đề bang giao với Champa. Ðể thực hiện dự án này, Jayavarman VII trao quyền chỉ huy quân đội Campuchia cho một vị hoàng tử trẻ tuổi gốc Champa tên là Vidhyanandana đã từng sinh sống tại triều đình Angkor từ thuở thiếu thời. Hòang tử này là người rất tôn sùng Ðạo Phật đại thừa, một tín ngưỡng hoàn toàn mới lạ đối với vua chúa Campuchia thời đó và đã từng tuyên thệ trung thành với vua Jayavarman VII. Một khi đã nhận lệnh, Hoàng tử Vidhyanandana dẫn đầu một đoàn quân Campuchia sang đánh chiếm Vijaya vào năm 1191 và bắt sống vị vua Champa Jaya Indravarman Ong Vatuv làm tù binh đưa về Angkor.
   Kể từ năm 1191, Champa bị chia cắt thành hai quốc gia riêng biệt. Champa miền bắc đặt dưới quyền cai trị của một vị hoàng tử tên là In, gốc người Campuchia, tức là anh rể của vua Jayavarman VII. Khi lên ngôi, hoàng tử In lấy danh hiệu là Suryajayavarmadeva. Champa phía nam đặt dưới quyền điều hành của hoàng tử Vidhyanandana, gốc Champa nhưng đã từng lánh nạn ở Campuchia. Khi lên ngôi, Vidhyanandana lấy vương hiệu là Suryavarmadeva, đặt thủ đô của mình tại Panrang (tức Phan Rang hiện nay) và đã để lại nhiều tin tức thời sự cho đến năm 1194 trên một tấm bia viết bằng Chăm ngữ cổ tìm thấy tại Mĩ Sơn do L. Finot nghiên cứu. Theo nội dung của tấm bia này, trong khoảng 2 năm sau ngày chia đôi đất nước, dân tộc Champa ở miền bắc vùng dậy chống lại hoàng tử In, gốc nguời Campuchia nắm quyền điều hành ở thủ đô Vijaya, buộc ông ta phải tháo chạy về nước để tôn một vị hoàng tử gốc Champa tên là Rasupati lên ngôi vua ở miên bắc lấy danh hiệu là Jaya Indravarmadeva. Vì muốn tái lập quyền thống trị trên Champa, vua Campuchia là Jayavarman VII gởi một đoàn quân sang Vijaya cùng với Jaya Indravarman Ong Vatuv, tức là vị vua Champa đã bị bắt làm tù binh đưa về Campuchia. Với sự hợp tác của Vidhyanandana-Suryavarmadeva, tức là thủ lãnh của tiểu vương quốc Panduranga, Jaya Indravarman Ong Vatuv tiến quân đánh chiếm Vijaya và giết chết Rasupati. Lợi dụng cơ hội thắng trận này, Vidhyanandana-Suryavarmadeva lọai bỏ Jaya Indravarman Ong Vatuv ra khỏi bàn cờ chính trị và tự tôn mình là quốc vương Champa tại Vijaya, thống nhất lại hai miền nam bắc của vương quốc. Trước tình thế này, Jaya Indravarman Ong Vatuv tìm cách chạy sang tiểu vương quốc Amaravati nhằm dấy quân trở lại đánh chiếm Vijaya. Vidhyanandana-Suryavarmadeva xua quân phản chiến, giết chết Jaya Indravarman Ong Vatuv. Ðể trả lời cho biến cố này, vua Campuchia gởi quân sang Champa vào năm 1193 và 1194 để chinh phạt hoàng tử Vidhyanandana-Suryavarmadeva, nhưng cả hai lần đều bị thất bại. Theo tài liệu Trung Hoa, Vidhyanandana-Suryavarmadeva xin Trung Hoa tấn phong vào năm 1198 và được triều đình của quốc gia này phong vương vào năm 1199. Năm 1203, ông ta bị truất phế bởi một vị thái tử (Yuvaraja) Champa khác tên là Ong Dhanapatigrama, cũng là một nhân vật đã từng sinh sống trong triều đình Angkor và rất trung thành với vua Campuchia. Kể từ đó, vương quốc Champa đặt duới quyền cai trị của hoàng tử Ong Dhanapatigrama và trở thành một tỉnh lỵ của Campuchia.
     Việc sát nhập Champa vào lãnh thổ của Campuchia kéo dài 17 năm đã biến vương quốc này trở thành một quốc gia nghèo đói và suy sụp. Trong khoảng thời gian này, tài liệu lịch sử lại nhắc đến một vị hoàng tử Champa thuộc dòng hoàng tộc Ansaraja, nhưng sinh trưởng trong triều đình Angkor và đã từng chỉ huy quân đội Campuchia sang tấn công Ðại Việt. Tại Campuchia, hoàng tử dòng Ansaraja này đã nhận nhiều chức hàm bên cạnh thái tử (Yuvaraja) Ong Dhanapatigrama, cũng là nhận vật đã từng trưởng thành tại Campuchia. Chính sách chiếm đóng Champa và chủ nghĩa bành trướng đất đai của Campuchia thời đó đã làm suy yếu trầm trọng vương quốc này, vì không đủ tiềm năng để kiểm soát quá nhiều thuộc địa cũng như việc duy trì an ninh trên lãnh thổ quá rộng lớn này. Ðó cũng là nguyên nhân có thể giải thích một phần nào lý do tại sao Campuchia tự động rút quân ra khỏi Champa vào năm 1220, nhưng lúc nào cũng tìm cách duy trì uy quyền của mình tại Champa bằng cách giao cho hoàng tử thuộc dòng hoàng tộc Ansaraja đã từng sinh trưởng trong triều Angkor, quyền cai trị Champa với niềm hy vọng rằng Campuchia vẫn tiếp tục giữ một vai trò ảnh hưởng trên bàn cờ chính trị tại quốc gia này.
     Lên ngôi vào năm 1226, hoàng tử dòng Ansaraja lấy vương hiệu là Jaya Paramesvaravarman II. Trong suốt những năm trị vì, ông ta trùng tu lại các di tích đền đài bị tàn phá bởi chiến tranh dưới thời đô hộ của Campuchia. Jaya Paramesvaravarman II cũng là vị vua có một chính sách rất ưu đãi đối với tiểu vương quốc Panduranga ở miền nam nơi mà ông ta đã để lại hầu như toàn bộ bia ký nói về cuộc đời của ông. Sau ngày từ trần mà người ta không biết rõ ngày tháng, người em của ông lên nối ngôi, có thể vào khoảng giữa năm 1230 và 1243, lấy danh hiệu là Jaya Indravarman VI.
7. Champa vào đệ nhị bán thế kỷ XIII
   Sau ngày lên ngôi, Jaya Indravarman VI đã thực hiện nhiều công trình xây dựng tại Mĩ Sơn, nhưng lại gặp phải bao cuộc vùng dậy tại Panduranga mà ông ta phải cử một người cháu tên là hoàng tử Harideva dẫn đoàn quân sang miền nam dẹp loạn vào năm 1249. Thêm vào đó, ông ta không ngừng đương đầu với một triều đại mới của Ðại Việt, đó là nhà Trần vừa mới lên thay thế nhà Lý vào năm 1225.

    Ai cũng biết, Champa là quốc gia thường gia tăng các cuộc đánh phá tàu bè trên bờ biển của Bắc Việt và vùng châu thổ sông Hồng. Ðã mấy lần, vua Trần Thái Tông yêu cầu vương quốc này phải ngưng các cuộc đột kích đó. Vua Champa đáp lời bằng việc yêu cầu nhà Trần phải trả lại các phần đất đai phía bắc của Champa đã bị chiếm đóng vào năm 1069. Trước sự trả lời khiêu khích này, vua Trần Thái Tông đích thân dẫn một đoàn quân chinh phạt Champa vào năm 1252, tịch thu rất nhiều của cải, bó buộc vương quốc này phải phục tùng và chấp nhận triều cống như một nước “chư hầu” của Ðại Việt. Năm năm sau, tức là 1257, Jaya Indravarman VI bị ám sát bởi người cháu của ngài tên là Harideva (Yuanchi, XX, 55a). Sau vụ án thành công, Harideva lên nắm chính quyền, gởi đồ vật sang triều cống Ðại Việt vào năm 1262 và dẫn đoàn quân để phá tan sự vùng dậy của Panduranga vào năm 1265, sau đó ông được tấn phong lên làm vua Champa năm 1266 với vương hiệu là Indravarman V. Năm 1277, Panduranga lại tiếp tục vùng dậy nữa. Vừa đánh dẹp xong cuộc phiến loạn này, vua Indravarman V nhận lệnh phải đi trình diện trước mặt thủ lãnh của Mông Cổ tên là Kubilai Khan vào năm 1278 để dâng cống lễ vật của một nước chư hầu như ông ta đã từng thi hành đối với triều đại nhà Tống của Trung Hoa trước kia. Cũng nhờ chiến lược trì hoãn thi hành mệnh lệnh và bày tỏ lòng trung thành của mình bằng cách gởi các phái đoàn và nhiều lễ vật sang Mông Cổ, vua Indravarman V đã tránh được những yêu sách của Kubilai Khan cho đến năm 1281. Vì không chờ đợi được nữa, Kubilai Khan cử hai vị sứ thần quan trọng đến Champa để áp đặt nền hành chánh Mông Cổ tại vương quốc này. Nếu vua Indravarman V tỏ vẻ chấp nhận sự hiện diện của Mông Cổ trên lãnh thổ của mình, thì người con trai của ông tên là Harijit từ chối điều đó. Vào năm 1282 hoàng tử Harijit tổ chức một cuộc vùng dậy nhằm đánh đuổi các sứ thần Mông Cổ về nước. Ðể trả lời cho thái độ bất qui phục của hoàng tử Harijit, Kubilai Khan quyết định biến Champa thành một thuộc địa của Mông Cổ bằng cách xua quân tấn công vương quốc này bằng đường biển và đường bộ từ tháng chạp 1282 cho đến tháng giêng 1283. Sau khi thủ đô Vijaya lọt vào tay quân Mông Cổ, Indravarman V cùng với con trai chạy lên vùng Tây Nguyên để lập chiến khu. Nhờ sự hỗ trợ của dân cư miền núi, Indravarman V cầm cự chống quân ngoại xâm kéo dài cho đến năm 1285, năm mà nhà du hành Tây Phương tên là Marco Polo có mặt tại Champa. Cũng vào năm 1285 này, Mông Cổ rút quân ra khỏi Champa để tấn công Ðại Việt, nhưng bị đẩy lui bởi lực lượng quân sự của vua Trần Nhơn Tông vừa mới lên ngôi vào năm 1278. Kể từ đó, Champa đã thoát ra khỏi mối đe dọa của Mông Cổ. Tuy nhiên, sự xâm chiếm trong vòng hai năm của quân Mông Cổ đã làm suy yếu tiềm năng Champa một cách mãnh liệt, một vương quốc vừa mới tìm ra lối thoát sau 75 năm chiến tranh liên tục với Campuchia. Cuộc chiến chống quân Mông Cổ càng tàn phá Champa nhanh hơn, vì lúc đó nền văn hóa Phạn ngữ bắt đầu suy sụp (năm 1253 đánh dấu bia ký cuối cùng bằng Phạn ngữ tại Champa) kéo theo sự phai mờ dần dần triết lý Ấn Giáo và Phật Giáo đại thừa mà Champa thường dựa vào đó để làm cơ sở cho các hệ thống tổ chức chính trị và xã hội của mình.
    Sau khi Indravarman V băng hà vào năm 1287, người con trai của ông ta là hoàng tử Harijit lên ngôi vua với danh hiệu Jaya simhavarman III (Chế Mân). Vị vua này là người có công xây dựng tháp Po Klaung Garai ở Phan Rang và ngôi đền Yang Prong ở cực bắc của Darlac (H. Parmentier, Inventaire descriptif des monuments căms de l'Annam, tome I, Paris, Imprimerie Nationale, Ernest Leroux, 1909, trg. 81-95 và 557-559). Ðiều này đã chứng minh rằng dân cư khu vực Tây Nguyên thời đó nằm trong biên giới chính trị của vương quốc Champa. Jaya simhavarman III cũng là vị vua đã kết hôn với công chúa của vương quốc Java. Cuộc tình này càng làm tăng thêm mối quan hệ thân thiện giữa gia đình hoàng tộc Champa và vương quốc Ða Ðảo vào cuối thế kỷ XIII.
Bên cạnh công chúa của vương quốc Java, Jaya simhavarman III còn kết hôn với công chúa của Ðại Việt. Sau khi thoái vị để nhường ngôi lại cho người con trai là Trần Anh Tông, vua cha Trần Nhơn Tông hứa gả con gái của ông ta tên là Huyền Trân cho vua Chế Mân, tức là Jaya simhavarman III, vào năm 1301. Sự kiện này đã gây bao phản ứng trong triều đình và người dân Ðại Việt thời đó. Chính vì thế, cuộc hôn nhân của công chúa Huyền Trân mà lịch sử Việt Nam thường nhắc đến, đã trải qua một cuộc thương thuyết lâu dài. Ðể được kết hôn với công chúa Huyền Trân, vua Jaya Simhavarman III đồng ý dâng cho Ðại Việt hai châu Ô và Lý tức là phần đất nằm giữa đèo Lao Bảo và đèo Hải Vân (Quảng Trị và Thừa Thiên hiện nay). Ðó cũng là nguyên nhân để giải thích tại sao hôn nhân này chỉ được cử hành vào năm 1306.
     Việc quyết định dâng hiến lãnh thổ cho nước láng giềng vào năm 1069 đã chứng minh rằng giai cấp lãnh đạo dưới thời phong kiến Champa chỉ xem lãnh thổ quốc gia như một tài sản riêng tư của mình, hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn riêng tư của nhà vua. Chính vì thế, người ta không thể kết tội Ðại Việt thời đó đã có ý định xâm chiếm đất đai Champa, bởi vì quốc gia này chỉ bắt đầu áp dụng chính sách đế quốc kể từ cuối thế kỷ XV hầu mở rộng bờ cõi về phía Nam. Như người ta đã thấy và còn thấy nữa về sau, trước thế kỷ thứ XV, Ðại Việt chỉ lợi dụng vào các cuộc chiến thắng quân sự nhằm buộc các nước thua trận phải chấp nhận làm chư hầu, nhưng chưa nghĩ đến việc xâm chiếm lãnh thổ của các quốc gia này.
    Jaya Simhavarman III từ trần vào năm 1307, vì tuổi già. Vua Trần Anh Tông thừa cơ hội tìm cách đưa Huyền Trân về Thăng Long, nhưng vẫn tiếp tục chiếm giữ hai Châu Ô và Lý. Kể từ đó, núi Bạch Mã (Huế) trở thành ranh giới phía bắc của Champa. Thế là lãnh thổ Champa bị lọt vào tay của Ðại Việt vào năm 1069 và năm 1306 chính là đất đai nguyên thủy của vương quốc Lin Yi (Lâm Ấp) thời trước.
8. Champa đối đầu với Đại Việt (thế kỷ XIV)
    Cũng vì không còn bia ký bàn về Champa kể từ cuối thế kỷ XIII, người ta không nắm vững cho lắm những chi tiết liên quan đến vương triều của người con trai lên ngôi thay thế vua Jaya Simhavarman III. Người ta cũng không biết danh xưng vương hiệu của các vị vua kế tiếp hay những yếu tố nhằm chứng minh rằng họ có được tấn phong lên làm thủ lãnh Champa hay không. Do đó, người ta buộc phải gọi các vị vua nối ngôi thay thế Jaya Simhavarman III hay những vị vua kế tiếp khác bằng những tên gọi như Chế, Chi, v.v. mà các biên niên sử Việt Nam đặt ra mà thôi.
    Việc dâng hiến hai Châu Ô và Lý cho Ðại Việt đã đưa đẩy dân cư Champa sống trên lãnh thổ bị chiếm đóng vào những cuộc vùng dậy một cách liên tục. Thêm vào đó, triều đình Champa cũng không quên khuyến khích thêm những phong trào bài trừ Ðại Việt. Chính đó là nguyên nhân buộc vua Trần Anh Tông phải đứng ra điều hành một cuộc chinh phạt Champa vào năm 1312, bắt được thủ lãnh của vương quốc này làm tù binh để đưa về Thăng Long, nơi mà ông vua này từ trần vào năm 1313.
    Sau cuộc chinh phạt vào năm 1312, Trần Anh Tông đề cử người em của vua Champa mà biên niên sử Ðại Việt gọi là Chế Năng lên ngôi cai trị vương quốc này như là một vị vua chư hầu của Ðại Việt. Ðiều này đã chứng minh rằng Champa đã trở thành một vương quốc đặt dưới quyền đô hộ của Ðại Việt thời đó. Lợi dụng ngày đăng quang của vua Trần Minh Tông vào năm 1314, Chế Năng toan tính thâu hồi lại những đất đai đã mất cũng như xây dựng lại chủ quyền của một quốc gia Champa độc lập, nhưng không thành. Chính vì thế, ông ta phải chạy sang vương quốc Java tị nạn vào năm 1318.
    Lợi dụng tình hình bất ổn ở Champa, Ðại Việt gia tăng chính sách nhúng tay vào nội bộ của nước láng giềng bằng cách đề nghị một vị tướng lãnh của Champa lên nắm chính quyền như một phó vương mà biên niên sử Ðại Việt gọi là Chế A Nan. Nối gót các cuộc đấu tranh của các vị vua tiền bối, Chế A Nan cũng tìm cách giải phóng Champa ra khỏi ách đô hộ của Ðại Việt. Ðể thực hiện chính sách này, ông ta phải trông cậy vào sự yểm trợ của triều đình Mông Cổ kể từ năm 1322. Kết quả là Chế A Nan đã đánh bại quân Ðại Việt tấn công Champa vào năm 1326. Cuộc chiến thắng này đã giúp Champa xây dựng lại chủ quyền quốc gia độc lập của mình và chấm dứt mọi chính sách lệ thuộc của Champa vào nước láng giềng. Kể từ đó Champa không còn gởi những lễ vật và các phái đoàn ngoại giao sang Ðại Việt nữa.
     Triều đại kế thừa vua Chế A Nan đánh đấu một thời kỳ rất là yên bình. Trước hết, vua Champa thường cử các phái đoàn ngoại giao sang Trung Hoa cho đến năm 1331 và có dịp tiếp đón cuộc thăm viếng của Franciscan Odoric de Pardenone, một nhà tu sĩ Âu Châu đã để lại cho hậu thế một cuốn hồi ký trong đó ông ta cho rằng Champa là một xứ sở có vẻ đẹp hồn nhiên. Nhưng đây không phải là điềm báo hiệu nhằm cho rằng vương quốc Champa đang bước vào một trang sử yên bình và thịnh vượng. Vì từ một thế kỷ qua, Champa không ngừng trải qua bao sự khủng hoảng trầm trọng về các giá trị tinh thần mà vương quốc này thường dựa vào đó để làm nền tảng của xã hội mình. Chính đó là yếu tố đã đưa đẩy Champa vào con đường suy yếu một các nghiêm trọng. Các nghi lễ Ấn Giáo biểu tưởng cho uy quyền thiêng liêng của vương triều đã bất đầu suy thoái. Các cuộc tranh giành quyền lực giữa các hoàng tử trong cung đình cũng như sự nối tiếp triền miên của những cuộc nội chiến giữa miền bắc và miền nam đã xé nát vương quốc này một cách liên tục. Chính đó cũng là yếu tố giúp người ta ta hiểu rằng vào giữa thế kỷ XIV, Champa đang bước vào thời kỳ bất ổn trầm trọng.
     Một khi Chế A Nan băng hà vào năm 1342, cuộc tranh chấp quyền hành giữa các thành viên trong gia đình hoàng gia bắt đầu bùng nổ. Người con rể của vua Chế A Nan tên là Trà Hòa lại đứng ra tiếm ngôi của Chế Mổ, tức là con trai của Chế A Nan. Chính vì thế, Chế Mổ phải tìm cách loại trừ kẻ cướp ngôi, nhưng đã thất bại để rồi phải chạy sang Ðại Việt tị nạn và xin cầu cứu. Vua Trần Dụ Tông của Ðại Việt sẵn sàng giúp đỡ Chế Mổ với điều kiện là Champa phải chấp nhận tái lập lại qui chế triều cống. Năm 1353 một đoàn quân Ðại Việt tháp tùng Chế Mổ tiến đến Champa, nhưng chưa kịp tấn công Vijaya thì phải quay ngược trở về cùng với Chế Mổ và không bao lâu hoàng tử này từ trần trên lãnh thổ của nước láng giềng. Lúc đó Trà Hòa là vị vua Champa đang trị vì, tưởng rằng có thể thu hồi lại hai Châu Ô và Lý bằng bạo lực, nhưng ông ta phải chuốt bao thất bại. Kể từ đó người ta không biết thế nào là tiềm năng và thế lực quân đội của Champa nữa cho đến khi ông ta băng hà, dường như vào năm 1360.
     Sau năm 1360, lịch sử Champa đang trải qua một khoảng trống về niên đại, vì các tư liệu Trung Hoa chỉ nói đến hoàng đế đầu tiên của nhà Minh đã tấn phong cho một vị vua Champa vào năm 1369 mà biên niên sử Việt Nam gọi là Chế Bồng Nga kể từ năm 1376, nhưng không bao giờ đề cập đến nguồn gốc dòng tộc cũng như ngày tháng lên ngôi của ông ta. Chế Bồng Nga là một chiến lược gia quân sự đã gây bao kinh hoàng cho Ðại Việt trong suốt 30 năm liền. Vị vua này đã chiến thắng trong những trận chiến chống quân Ðại Việt vào các năm 1361, 1362, 1365, 1368, 1377, 1378, 1383, 1386 và đã ba lần đốt phá thủ đô Thăng Long vào năm 1371, 1377, 1378. Chế Bồng Nga là vị vua đã thành công thu hồi lại các phần đất đai đã lọt vào tay của Ðại Việt vào năm 1069 và 1306, sau đó đưa biên giới phía bắc của Champa trở lại Cửa An Nam (Hoành Sơn), tức là vị trí nguyên thủy của vương quốc này vào giữa thề kỷ thứ IV. Trong lúc Ðại Việt đang ở trong tình trạng hoàn toàn rối loạn, thì nhà chiến lược quân sự Chế Bồng Nga bị phản bội bởi một số nguời nằm trong vương triều Champa và bị giết chết trên chiến thuyền của ông ta vào năm 1390 (G. Maspéro, Le royaume de Champa, Leide, E. J. Brill, 1914, trg. 275-298).
     Chế Bồng Nga là vị vua đã đưa vương quốc Champa lên đỉnh cao của thời kỳ huy hoàng và sáng chói nhất. Nhưng giai đoạn huy hoàng này chỉ dựa vào nhân cách, nghị lực và tài năng quân sự của Chế Bồng Nga, một nhân vật đã biết khai thác sự suy tàn của nhà Trần để phát triển sức mạnh và tiềm năng Champa của mình. Chính vì thế, cái chết của Chế Bồng Nga trên bãi chiến trường đã đưa đẩy Champa vào khúc quanh của bao sự nguy cơ khác mà người ta thường quên lãng đi, đó là thực trạng của một vương quốc và một nền văn minh đang ở trong thời kỳ hấp hối và suy sụp.
    La Khải là vị vua kế thừa của Chế Bồng Nga. Mỗi lần xua quân nhằm quấy nhiễu Ðại Việt, La Khải buộc phải đánh tháo lui để chạy về Champa. Ông ta cũng là vị vua lên nắm chính quyền qua vũ lực bằng cách loại trừ các đứa con trai của Chế Bồng Nga ra khỏi vương quyền và bỏ rơi cho Ðại Việt các phần đất nằm về phía bắc của núi Bạch Mã (Huế) mà Chế Bồng Nga đã dày công thu hồi. Một bia ký tìm thấy trước cửa của thành lũy ở Bình Ðịnh cho biết La Khải lên ngôi lấy vuơng hiệu là Jaya Simhavarman, trị vì 12 năm. Ðó là những gì mà người ta biết về ông ta.
9. Sự cáo chung của Champa Ấn hóa (thế kỷ XV)
    Jaya Simhavarman (La Khải) mất vào năm 1401. Người con trai của ông ta tên là Virabhadravarman (hay Ba Ðích Lại gọi theo biên niên sử Việt Nam) lên ngôi kế vị. Lợi dụng ngày băng hà của vua La Khải, Hồ Quí Ly, vị vua đầu tiên của nhà Hồ thay thế nhà Trần vào năm 1394, xua quân tấn công Champa, nhưng thất bại.
    Vua Hồ lại mở trận tấn công thứ hai vào năm 1402. Ðứng trước lực lượng quân sự quá hùng mạnh của đối phương, vua Virabhadravarman (Ba Ðích Lại) phải trả lại cho Hồ Quí Ly tiểu vuơng quốc Amaravati bị mất vào năm 1306 để đổi lấy việc rút quân Ðại Việt ra khỏi Champa. Vì tưởng rằng có thể chiếm thêm đất đai Champa một cách dễ dàng, vua Ðại Việt mở trận tấn công Vijaya lần thứ ba vào năm 1403-1404. Nhưng sự can thiệp của nhà Minh (Trung Hoa) buộc quân đội viễn chinh của Ðại Việt phải quay đầu trở về. Rồi lấy cớ việc nhà Hồ tiếm ngôi nhà Trần, hoàng đế nhà Minh xua quân tấn công Ðại Việt vào năm 1407. Chiến tranh giữa Trung Hoa và Ðại Việt đã giúp Champa thoát ra khỏi sự đe dọa của lân bang miền bắc và thu hồi lại tiểu vương quốc Amaravati. Lợi dụng tình hình bất ổn ở Ðại Việt, vua Virabhadravarman (Ba Ðích Lại) xua quân tấn công Campuchia, một quốc gia rất suy yếu vì phải đối phó với chiến tranh liên miên chống lại vương quốc Ayudhya (Thái Lan) kể từ giữa thế kỷ XIV. Mặc dù Trung Hoa đã hai lần khiển trách vào năm 1408 và 1414, vua Virabhadravarman (Ba Ðích Lại) vẫn tiếp tục tấn công Campuchia để chiếm vùng Biên Hòa (A. Cabaton, «L'inscription de Biên-hòa», trong BEFEO IV, 1904, trg 687 và tiếp theo). Cũng nhờ trận chiến này, Champa dời biên giới phía nam của mình đến núi But, ngọn núi mà nhà thương thuyền Bồ Ðào Nha cho biết nó là biên giới phía đông chia cách Champa và vương quốc Campuchia kể từ đầu thế kỷ XVII. Năm 1427, Virabhadravarman (Ba Ðích Lại) cử một phái đoàn sang Thăng Long để tiếp kiến với vua Lê Lợi, nhân vật đã giải phóng Ðại Việt ra khỏi sự đô hộ của Trung Hoa vào năm 1428 để thiết lập triều đại nhà Lê. Sau 32 năm phục vụ cho vương quốc, Virabhadravarman (Ba Ðích Lại) được nhận tấn phong vào năm 1432 với tên vương hiệu là Vrasu Indravarman.
    Năm 1441, Vrasu Indravarman băng hà và được thay thế bởi một vị vua mà biên niên sử Việt Nam gọi là Maha Bí Cai. Kể từ năm 1444, Maha Bí Cai gia tăng các cuộc chiến đánh phá láng giềng miền bắc. Sau khi đã chinh phục được thái độ trung lập của nhà Ming, vua Ðại Việt xua quân chinh phạt Champa vào năm 1446, chiếm Vijaya và bắt được Maha Bí Cai làm tù binh đưa về Thăng Long, sau đó đưa người cháu của ông ta tên là Maha Quí Lai lên nắm chính quyền. Vừa mới lên ngôi, Maha Quí Lai tức thời dâng lễ vật lên vua Lê Nhân Tông vào năm 1447. Hai năm sau tức là năm 1449, Maha Quí Lai đã bị người em tên Maha Quí Ðô truất phế. Sau ngày lật đổ chính quyền, Maha Quí Ðô xin Trung Hoa tấn phong vào năm 1457. Lên ngôi chưa đầy một năm, Maha Quí Ðô bị ám sát vào năm 1458. Người kế ngôi của ông ta mà biên niên sử Ðại Việt gọi là Trà Duyệt chỉ trị vì môt thời gian rất ngắn ngủi, vì năm 1460, ông vua này buộc phải thoái vị nhưng không cho biết lý do, để nhường ngôi lại cho người em là Trà Toàn tức là vị vua cuối cùng của Champa đóng đô ở Vijaya.
    Mặc dù vua Lê Thánh Tông đã mấy lần yêu cầu Champa phải dâng thêm cống vật, nhưng Trà Toàn từ chối tuân lệnh và còn xua quân tấn công vào Ðại Việt vào năm 1468 và năm 1469. Ðể trả lời cho thái độ của Trà Toàn, vua Lê Thánh Tông xua quân phản công, đánh chiếm Champa năm kế tiếp. Năm 1471, Vijaya bị thất thủ và bị san bằng. Khoảng 20 000 người dân của Vijaya bị bắt làm tù binh và di đày sang nơi khác và một phần còn lại có số lượng vào khoảng 40 000 cho đến 60 000 người bị tàn sát. Trà Toàn bị bắt và từ trần trên đường về Thăng Long (Bùi Quang Tung, Le Ðại Việt et ses voisins, Paris, L'Harmattan, 1990, trg. 73-86).
   Sự thất thủ Vijaya vào năm 1471 đánh dấu cho sự cáo chung của một nền văn minh và một vương quốc Champa trên bước đường suy tàn. Nhưng đây cũng là thời điểm suy đồi của một nền văn minh Ấn Giáo trước đà tiến quân của Hồi Giáo để xâm chiếm Ấn Ðộ kể từ cuối thế kỷ XII, để rồi Champa không còn nhận thêm ảnh hưởng văn hóa Ấn Giáo nữa. Sự xụp đổ của nền văn minh Ấn Giáo tại Champa đã gây ra sự tan vỡ của các cơ cấu tổ chức xã hội và tín ngưỡng mà vuơng quốc này đã cố gắng gầy dựng gần 15 thế kỷ. Và nó phát sinh từ sự thất bại quân sự dồn dập kể từ thế kỷ XI đã làm mất đi những niềm tin vào Ấn Giáo mà Champa thường dựa vào đó để làm nền tảng di sản tinh thần của mình, một di sản thiêng liêng do các vị thần linh sáng tạo, nhưng chính con người đã đứng ra phá hỏng nó. Kể từ đó, dân chúng Champa không còn đặt niềm tin vào Ấn Giáo nữa. Sự thất thủ của Vijaya vào năm 1471 là kết quả của một cuộc đấu tranh dai dẳng giữa nền văn minh Ấn Giáo của Champa chống lại nền văn minh Trung Hoa của dân tộc Việt. Một khi Ðại Việt không đủ sức để tiến quân sang phía bắc vì bị Trung Hoa ngăn chận lại, thì họ phải tìm cách áp dụng chính sách Nam Tiến. Ðây là cuộc chiến giữa hai đối tượng thù địch Champa và Ðại Việt nhằm bảo vệ sự sinh tồn của mình. Tiếc rằng ván bài đã diễn ra kể từ cuối thế kỷ thứ X đã đánh dấu bằng những cuộc thoái lui liên tục của Champa. Chính vì thế, năm 1471 đã trở thành biểu tượng cho cuộc chiến thắng vẻ vang của nền văn minh Hoa-Việt chống lại di sản Ấn Giáo tại Champa đã từng thống trị khu vực miền đông của bán đảo Ðông Dương kể từ thế kỷ thứ IV. Cũng nhằm biểu dương cho cuộc chiến thắng này mà Ðại Việt đã tàn phá thành Vijaya (Ðồ Bàn) và chiếm đọat đất đai của Champa bất cứ lúc nào mà quốc gia này cảm thấy có thể thực hiện được để áp đặt nền văn hóa Hoa-Việt lên dân tộc Champa thua trận. Lãnh thổ đã lọt vào tay Ðại Việt là các tiểu vương quốc nằm ở phía bắc của Champa, vốn là trung tâm quyền lực của nền văn minh Ấn Giáo, nơi còn tồn tại toàn bộ di sản tinh thần của nó. Nếu Mĩ Sơn là biểu tượng cho công trình kiến trúc và nghệ thuật Ấn Giáo, Ðồng Dương biểu tượng cho trung tâm Phật Giáo đại thừa thì Trà Kiệu cũng là trung tâm truyền bá và phát triển triết lý Ấn Giáo qua các thời đại.
10. Champa bản địa: giai đoạn chuyển tiếp
    Sau ngày chiếm đóng Vijaya (Ðồ Bàn), Lê Thánh Tông xua quân xuống miền nam Champa đến ngọn đồi đối diện với mũi Varella và dựng một cột mốc trên núi Ðá Bia (cũng gọi là Thạch Bi) để đánh dấu biên giới của Ðại Việt mà Ðại Nam Nhất Thống Chí đã ghi lại. Biến cố này đã gây bao sự hiểu lầm, vì đa số các nhà nghiên cứu cho rằng kể từ năm 1471, Thạch Bi nằm trong khu vực tỉnh Phú Yên là ranh giới phía nam của Ðại Việt. Cũng theo Ðại Nam Nhất Thống Chí, phần nói về dư địa chí của tỉnh Bình Ðịnh lại cho rằng dưới thời Lê Thánh Tông, biên giới phía nam của Ðại Việt nằm ở đèo Cù mông tức là hơn một trăm cây số về phía bắc của tỉnh Phú Yên. Các biên niên sử khác cũng xác nhận điều này bởi vì tỉnh Phú Yên dưới thời Lê Thánh Tông bao gồm các vùng đất trải dài giữa đèo Cù Mông và núi Ðá Bia chỉ lọt vào tay nhà Nguyễn vào năm 1611.
    Vấn đề về biên giới phía nam của Ðại Việt vào cuối thế kỷ XV đã trở thành một chủ đề tranh luận lâu dài. Theo Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư (tập III, bản dịch bằng quốc ngữ, Hanoi, 1972), sau khi thành Ðồ Bàn bị thất thủ, vua Lê Thánh Tông chia lãnh thổ nằm về phía nam của thủ đô này thành ba vương quốc chư hầu: vương quốc Chiêm Thành, tức là phần phía nam của Champa, vương quốc Hoa Anh và vương quốc Nam Bàn. Tiếc rằng văn bản này chỉ nhắc đến vương quốc Hoa Anh một lần duy nhất và chỉ nói đến vương quốc Nam Bàn gần 3 thế kỷ sau và cũng không cho biết tên tuổi của các vị vua của Hoa Anh và Nam Bàn. Chính vì thế người ta có quyền nêu ra bao câu hỏi: sự hiện diện của hai vương quốc Hoa Anh và Nam Bàn có thật sự hay không? Ngoài ra biên niên sử Việt Nam cũng không xác nhận vị trị của Hoa Anh và Nam Bàn ở đâu. Ðiều này đã đưa một số tác giả đề ra lý thuyết cho rằng vương quốc Hoa Anh nằm giữa đèo Cù Mông và núi Ðá Bia; vương quốc Nam Bàn nằm ở trên vùng cao nguyên Công Tum-Gia Lai. Trong khi đó, các tác giả khác nghĩ rằng hai vương quốc này đều nằm ở phía tây của dãy Trường Sơn, nhưng họ không đưa ra những yếu tố thuyết phục nào nhằm chứng minh cho giả thuyết.
    Nếu biên giới phía nam của Ðại Việt vào cuối thế kỷ thứ XV vẫn còn là đề tài tranh luận thì người ta biết chắc chắn rằng sự sụp đổ của vương triều Champa Ấn Giáo ở miền bắc sau ngày thất thủ Vijaya vào năm 1471 không có nghĩa là sự sụp đổ toàn diện của vương quốc Champa như một số nhà nghiên cứu thường nêu ra. Một khi miền bắc bị rơi vào tay của Ðại Việt, vương quốc Champa vẫn còn tiếp tục hiện hữu nhưng bị thu hẹp lại ở miền nam nằm trên lãnh thổ của tiểu vương quốc Kauthara và Panduranga, nơi mà người dân có bản chất rất là hiếu động, luôn luôn đòi tự trị và đôi lúc còn tìm cách tách rời ra khỏi liên bang Champa để tạo cho mình một quốc gia độc lập.
    Sau ngày thất thủ thành Ðồ Bàn vào năm 1471, một tướng lãnh quân sự Champa mà biên niên Việt Nam gọi là Bố Trì Trì đã chạy thoát về Panduranga, tự xưng là vua Champa và được Trung Hoa và Ðại Việt phong chức. Vương quốc của Bố Trì Trì mà các tư liệu lịch sử thường nhắc đến mang tên là Chiêm Thành mới. Người ta không biết nhiều về Bố Trì Trì. Tài liệu Mingshi (CCCXXV-15a) chỉ ghi rằng sự từ trần của Bố Trì Trì vào năm 1478 có thể do một trong số các người em của ông ta tên là Gulai gây ra.
    Gulai lên nối ngôi vua cũng vào năm 1478 và tự hướng dẫn một phái đoàn sang Trung Hoa để xin tấn phong. Theo biên niên sử Việt Nam, Gulai trị vì đến 1505 sau đó nhường ngôi lại cho con trai tên là Trà Toại. Vị vua mới này cũng gởi người con trai của ông ta tên là Trà Phúc sang Trung Hoa để xin hoàng đế nhà Minh tấn phong vào năm 1509 và một phái đoàn ngọai giao khác sang Trung Hoa vào năm 1543. Ðây là phái bộ ngọai giao cuối cùng mà vương quốc Champa gởi sang Trung Hoa, vì các tư liệu bằng tiếng Hán không còn nói đến quốc gia này nữa. Kể từ đó, Champa trở thành một vương quốc bị cô lập, không còn ai che chở để đương đầu với cuộc Nam Tiến của nhà Nguyễn. Mặc dù tình hình quân sự càng ngày càng lâm vào con đường suy yếu, nhưng vương quốc Champa vẫn còn hiện hữu như một quốc gia có chủ quyền trải qua một thời gian an bình cho đến giữa thế kỷ XVII.
     Bố Trì Trì, Gulai và Trà Toại là ba vị vua Champa chịu ảnh hưởng của hai thế giới rỏ rệt. Thế giới thứ nhất tự cho mình kể từ thế kỷ thứ XIV là thế giới Ấn Giáo, mặc dù hệ thống tín ngưỡng này không còn tồn tại nữa. Thế giới thứ hai là thế giới của nền văn minh bản địa xuất phát từ truyền thống của miền nam Champa pha trộn với sắc thái của người dân bản xứ ở Panduranga và Kauthara, cấu thành một yếu tố văn hóa rất sống động và lưu truyền trong mọi tầng lớp dân gian cho đến hôm nay. Từ cuối thế kỷ XV cho đến thế kỷ XVI, các giá trị tinh thần và hệ thống tổ chức xã hội ở miền nam bắt đầu phát triển khá nhanh mà tân Champa dựa vào đó để xây dựng cho mình một nền văn minh riêng biệt. Kể từ đó, văn hóa Champa Ấn Giáo đã đi vào con đường phôi thai cùng một lúc với sự biến mất của giai cấp quí tộc Bà La Môn để nhường chỗ cho các nghi lễ bản địa thường gắn liền với yếu tố đất đai và khu vực địa dư. Chính đó là hệ thống tín ngưỡng có một đặc trưng riêng biệt mà quần chúng miền nam Champa xem như là di sản tinh thần của họ. Mọi lý thuyết về sự sinh tồn của vũ trụ Ấn Giáo không còn thích hợp nữa để thay thế vào đó bởi một hệ thống triết lý mang tính chất bản địa của miền nam Champa pha lẫn với yếu tố văn hóa Hồi Giáo kể từ thế kỷ XVII càng làm phong phú thêm cho nền văn minh mới của vương quốc này. Các giai cấp thượng lưu không còn quan tâm đến Ấn Giáo nữa, tức là hệ thống tín ngưỡng quá chú trọng đến các nghi lễ hoàng gia và hình thức tôn thờ cá nhân của giai cấp lãnh đạo, nhưng lại tin vào tục thờ hình tượng thường hay lẫn lộn với các hình thái của tín ngưỡng dân gian địa phương. Các vua chúa Champa thời đó không còn tự phong cho mình là nhân vật xuất thân từ thế giới siêu hình để điều hành một vương quốc như thời Ấn Giáo, mà là một nhà một nhà lãnh đạo thông thường có chức năng quản lý quốc gia. Họ không còn sử dụng tên và họ của vua chúa viết theo Phạn ngữ nữa và không còn ra lệnh khắc tượng của họ với bao phong cách trang điểm mang yếu tố Ấn Giáo nữa. Hay nói một cách khác, vua chúa Champa sau thế kỷ thứ XVII chỉ là một người phàm tục như những người công dân khác. Nhưng điều đó không ngăn cản họ tiếp thu những di sản tinh thần từ xưa mà các vua chúa Champa miền nam đã để lại cho họ.
11. Tình hình vào cuối thế kỷ XVI và XVII
tl hoang gia
Tài liệu hoàng gia Champa

    Từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVII, các tin tức mà biên niên sử Việt Nam cung cấp về vương quốc Champa, tức là Chiêm Thành, rất hiếm hoi, vì các tư liệu này chỉ chú tâm đến cuộc nội chiến của Ðại Việt, hết nhà hậu Lê chống nhà Mạc đến cuộc gây chiến của chúa Trịnh ở miền bắc chống lại chúa Nguyễn ở miền nam. Các thông tin do các nhà thương thuyền Tây Phương cung cấp về Champa cũng không đáng kể. Thêm vào đó, các biên niên sử viết bằng chữ Chăm nói đến Champa cho đến cuối thế kỷ XVII không còn chứa đựng những dữ kiện chính xác cho lắm, nhất là vị trí địa dư và niên đại của biến cố. Mãi cho đến sau thế kỷ thứ XVII, những tài liệu viết bằng tiếng Chăm trở thành môt kho tàng sử liệu quí giá và đáng tin cậy hơn (P-B. Lafont, «Pour une rehabilitation des chroniques rédigées en cam moderne», trong BEFEO LXVIII, 1980, trg. 105-111).
     Các nguồn tư liệu vừa nêu ra, mặc dù không phong phú cho lắm, nhưng đã giúp cho nguời ta biết rằng vào năm 1578, lợi dụng tình trạng nội chiến của nước láng giềng ở miền bắc, Champa xua quân chiếm lại thành cũ nằm trong vùng Tuy Hòa (Phú Yên). Theo ký sự của người Hòa Lan kể lại, một vị vua Champa mà họ không nêu ra danh tánh, đã gởi một đội binh đến giúp vua của tiểu vương quốc Johor (Mã Lai) vào năm 1594 để chống lại người Bồ Ðào Nha. Ngoài ra, những thương thuyền Tây Ban Nha đến Nam Vang vào năm 1596 cũng nhắc đến những người Chăm phục vụ trong triều đình của vua Campuchia và còn cho biết vào năm 1602 vua Champa, dường như là Po Klaong Halau, đã gởi một phái bộ sang triều đình của nhà Nguyễn. Cũng theo tài liệu này, vào năm 1603, người con trai của Po Klaong Halau tên là Po Nit đã đặt thủ đô Champa tại vùng Phan Rang mà các nguồn tư liệu của Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha đã từng xác nhận. Cuối cùng, các biên niên sử hoàng gia Campuchia cũng không quên ghi rằng dưới thời vua Paramaraja VII tức là giữa năm 1602 và 1619, hoàng tử Jayajettha đã thu hồi lại các tỉnh Baria và Daung Nay, tức là vùng Biên Hòa hiện tại, mà Champa đã chiếm đóng vào đầu thế kỷ XV.
     Cũng vào thời kỳ đó, chúa Nguyễn Hoàng viện cớ Champa thường quấy phá biên giới bên kia sông Ðà Rằng (Phú Yên) để xua quân chiếm đất đai Champa nằm giữa đèo Cù Mông và núi Ðá Bia vào năm 1611 và mở rộng biên giới miền nam của nhà Nguyễn đến đỉnh cao của ngọn núi này. Kể từ đó, Nguyễn Hoàng và người kế vị là Nguyễn Phúc Nguyên bắt đầu áp dụng chính sách di dân vào lãnh thổ Champa bị chiếm đóng vào năm 1611. Họ là nhóm quân điền (vừa làm lính phòng thủ lãnh thổ vừa làm nghề nông), tập thể dân cư người Kinh bị lưu đầy, nhất là những người phạm tội. Theo lời kể của linh mục A. de Rhodes, người Chăm trong khu vực bị chiếm đóng không bao giờ muốn phục tùng chính quyền mới của nhà Nguyễn. Lợi dụng tình hình căng thẳng kể từ năm 1620 giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn kéo theo sự ly khai của nhà Nguyễn để thành lập một vương quốc riêng, người Chăm khởi sự những cuộc vùng dậy một cách thường trực trong khu vực Phú Yên kể từ năm 1620 nhằm chống lại triều đình nhà Nguyễn và dân cư người Kinh. Mặc dù Nguyễn Phúc Nguyên đã biến khu vực Phú Yên của Champa thành một đơn vị hành chánh của mình vào năm 1629, nhưng điều đó không ngăn chận được sự phản đối của người Chăm, buộc nhà Nguyễn phải duy trì một cách thường trực quân đội của họ tại biên giới miền nam trong suốt 25 năm trường.
    Kể từ thế kỷ XV, Champa vốn là quốc gia nằm trên địa cầu kinh tế đặt dưới quyền kiểm soát của vương quốc Malacca (Mã Lai). Kể từ đó, Champa không ngừng hội nhập vào mạng lưới thương mại của Mã Lai nối liền các quốc gia nằm trên bờ biển Nam Hải. Ðiều này đã giải thích cho sự hiện diện của thương thuyền Champa tại tiểu vương quốc Malacca mà biên niên sử Mã Lai (Sejarah Melayu) đã từng nhắc đến vào thế kỷ XV và XVI; trên bờ bể của lãnh thổ nhà Nguyễn vào các thời yên bình; tại tiểu vương quốc Pattani (miền bắc Mã Lai); tại cửa Ménam Chao Praya, tức là con sông lớn của Thái Lan mà người Bồ Ðào Nha đã ghi lại vào thế kỷ XVI; tại quần đảo Nam Dương và tại tiểu vương quốc Johor (Mã Lai) mà người Hòa Lan thường nói đến vào thế kỷ XVII. Ðiều đó cũng giải thích cho sự hiện diện một cách thường trực của các tàu bè Nam Dương và Mã Lai trong hải cảng Malithit (Phan Thiết), Parik (Phan Rí), Panrang (Phan Rang) và Kam-ran (Cam Ranh) của Panduranga, chưa nói đến các tàu bè của Trung Hoa, Nhật Bản (cho đến thời kỳ bế môn tỏa cảng vào năm 1636), của Ả Rập sang buôn bán với Champa. Và kể từ thế kỷ XVI, người Âu Châu cũng thi đua nhau vào thị trường Champa và biến cuộc cạnh tranh thương mại trong khu vực này thành những cuộc tranh chấp về quyền buôn bán với Champa, một quốc gia chuyên sản xuất những món hàng gia vị và xa xỉ phẩm mà thị trường Âu Châu đã đòi hỏi càng ngày càng nhiều. Trong số các loại hàng này, Champa đã cung cấp hàng lượng vàng mà Suma Oriental của T. Pires đã nói đến. Một phần lớn của số lượng vàng này đã được xuất cảng sang Malacca để rồi từ đó được chuyển đi nơi khác. Champa cũng là vương quốc đứng hàng đầu trong ngành cung cấp gỗ hương gọi là gỗ trầm (bois d'aloès) hay Calambac để xuất cảng sang Ấn Ðộ, Ả Rập, Âu Châu và Trung Hoa, chưa nói đến gỗ bạch đàn (bois de santal), ngà voi, các loại da thú dữ và sừng tê giác. Cho đến giữa thế kỷ XVII, nền thương mại này phát triển nhanh chóng đã đem lại nguồn lợi nhuận quan trọng cho triều đình Champa. Chính vì thế, vương quốc này đã biến ngành nghề buôn bán bằng đường biển thành một công ty độc quyền của vua chúa thời đó. Kể từ đó, chính quyền Champa thường có chính sách bảo vệ các thương thuyền nước ngoài có mối liên hệ trực tiếp với triều đình. Thí dụ điển hình nhất đó là vua Champa, có thể là vua Po Romé (1627-1651), đã chấp thuận vào năm 1644 cho các thương thuyền người Hòa Lan được phép buôn bán với Champa, với điều kiện là không được tấn công các thương thuyền người Bồ Ðào Nha trong các hải cảng của quốc gia này.

     Phải công nhận rằng tình hình kinh tế của Champa phát triển rất thuận lợi cho đến 1653, năm mà biên niên sử Việt Nam cho rằng vua Champa tên là Bà Thấm, có thể là Po Nraop trong các văn bản Chăm, đã xua quân tấn công Phú Yên. Tiếc rằng không có tài liệu nào nói đến biến cố này. Chính vì thế mà người ta có quyền đưa ra câu nghi vấn về tính xác thực của nó. Ai cũng biết, chúa Nguyễn Phước Tần có một đoàn quân hùng mạnh để đương đầu với chúa Trịnh. Trong suốt thời gian hòa bình khá lâu từ năm 1649 đến năm 1655, nếu nhà Nguyễn không muốn nuôi dưỡng một đoàn quân chỉ biết ăn không ngồi rồi chờ ngày sang miền bắc tấn công chúa Trịnh, thì nhà Nguyễn chỉ còn cách là sử dụng đoàn quân này tràn xuống miền nam để thống trị Champa. Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, Nguyễn Phước Tần không quên đeo đuổi chính sách đế quốc do các bậc tiền nhân của Ðại Việt đã khởi xướng, bằng cách tấn công Kauthara vào năm 1653, bắt sống Bà Thấm và xua quân đến tận sông Phan Rang mà ông ta tự ấn định là biên giới miền nam của nhà Nguyễn. Cuộc chiến này đã làm mất thêm phần đất đai của Champa ở phía bắc mà triều đình Phú Xuân (Huế) đã tức khắc biến thành hai đơn vị hành chánh của nhà Nguyễn gọi là Thái Khang và Diên Khánh. Kể từ đó, lãnh thổ của Champa bị thu hẹp lại vào tiểu vương quốc của Panduranga mà tư liệu viết bằng tiếng Chăm gọi là Pangdarang. Thế là sau năm 1653, Champa đã mất đi phân nửa bờ biển của nó với các hải cảng rất tốt có biển sâu cho tàu bè cập bến. Một khi nhà Nguyễn đã nắm quyền kiểm soát tất cả mạng lưới tàu bè đến Champa, các thương thuyền nước ngoài không còn ghé bến Champa nữa, một quốc gia đã từng làm chủ các hải cảng nằm trên bờ biển Nam Hải từ mấy thế kỷ qua. Các thương thuyền này cũng chấm dứt luôn mối liên hệ buôn bán với Champa, một ngành thương mại đã đem lại phần lợi tức khá lớn cho vương quốc này.
      Vì nhà Nguyễn không ngăn cấm công dân của họ vượt biên giống như trong quá thời khứ, một số lượng người Kinh rất là đông đảo mà phần đông là những người không có đất đai, nghèo đói, du đãng, tội phạm, tìm cách tràn xuống miền nam, kể từ cuối thế kỷ XVI cho đến thế kỷ XVII, để định cư trong vương quốc Champa và nhất là trong các khu vực thưa thớt dân cư của Campuchia như Barea (Bà Rịa) và Daung Nay (Ðồng Nai). Lợi dụng sự hiện diện của dân cư Việt và với lý do là để bảo vệ cho họ, triều đình Phú Xuân (Huế) bắt đầu can thiệp vào nội bộ Campuchia một cách trắng trợn, tạo ra các cuộc nổi dậy bài trừ người Kinh, đã làm lung lay tình hình chính trị của vương quốc này. Sau khi làm chủ khu vực hải quan Prei Nokor (Sài Gòn) của Campuchia vào năm 1623, nhà Nguyễn xua quân chiếm Biên Hòa vào năm 1658. Sau biến cố đã đưa đẩy Champa có biên giới chung với lãnh thổ của nhà Nguyễn không những riêng ở phía bắc (tức là Cam Ranh) mà còn ở phía nam nữa, tức là Biên Hòa. Kể từ đó, Champa trở thành một quốc gia hoàn toàn cô lập, không còn cửa biển để liên hệ với Campuchia qua Prei Nokor và đất đai Champa hoàn toàn nằm trong gọng kìm của nhà Nguyễn.
    Nếu nhà Nguyễn không muốn xâm chiếm Champa ngay từ lúc ban đầu, bởi vì triều đình Phú Xuân còn quá bận rộn vào việc mở rộng ảnh hưởng của họ trên châu thổ sông Mékong và áp đặt chủ quyền của mình trên vương quốc Campuchia. Thêm vào đó, vương quốc Champa không ngừng triều cống Phú Xuân hằng năm mà giáo sĩ Choisy đã ghi lại trong nhật ký của mình vào năm 1686 (Journal du voyage de Siam fait en 1685 et 1686 par Monsieur l'abbé de Choisy, Paris, Mabre-Cramoisy, 1687) và vua chúa Champa đã chấp nhận làm quốc gia chư hầu của nhà Nguyễn. Chính đó là nguyên nhân giải thích tại sao nhà Nguyễn không muốn nuốt trọn vương quốc Champa vào thời điểm đó.
   Vào năm 1692, vua Champa là Po Saut mà các văn bản Việt Nam gọi là Bà Tranh xua quân tấn công tỉnh Diên Khánh (Kauthra). Biến cố này đã giúp cho Nguyễn Phước Chu có lý do chính đáng để xóa bỏ Champa trên bản đồ, vì chúa Nguyễn có đủ thế lực để làm điều đó và nhất là từ khi xứ Việt đã bị phân chia thành hai miền nam bắc, nhà Nguyễn có sẵn trong tay một đoàn quân đông đảo và hùng mạnh trong khi đó Champa nằm trong vị trí địa dư hoàn toàn bất lợi cho mình. Năm 1692, Nguyễn Phước Chu tiến quân đánh chiếm Parik (Phan Rí), tức là thủ đô của Champa kể từ năm 1653, bắt sống vua Po Saut. Sau ngày thắng trận, nhà Nguyễn cải tên danh xưng vương quốc Chiêm Thành (Champa) thành Trấn Thuận Thành, giao cho ba vị tướng người Việt chỉ huy đội quân viễn chinh của Phú Xuân nắm quyền cai trị của ba vùng, đó là vùng Panrang đổi tên thành Phan Rang, Parik thành Phan Rí và Pajai thành Phố Hài. Một năm sau, tức là năm 1693, nhà Nguyễn sát nhập lãnh thổ Champa vào phủ Bình Thuận, vừa mới thành lập trên lãnh thổ của vương quốc này.
     Vì không chấp nhận chính sách xâm lược của nhà Nguyễn và làm tôi tớ cho dân tộc Kinh thường hay khinh miệt dân tộc bản địa, một số đông người Chăm phải chấp rời bỏ quê hương ra đi giống như trường hợp của biến cố đã xảy ra vào năm 1471. Nhưng lần này, họ chạy sang Campuchia lánh nạn. Theo biên niên sử Campuchia, có khoảng 5 000 gia đình người Chăm dưới sự hướng dẫn của các quan chức cao cấp thuộc triều đình Champa đã vượt dãy Trường Sơn đến Campuchia vào năm 1692-1693. Vua Campuchia là Jayajetta III cũng là nạn nhân của chính sách đế quốc xâm lược Việt Nam đã đón tiếp họ một cách niềm nở và ban cấp cho họ đất đai xung quanh thủ đô hay tại các tỉnh khác để họ sinh sống (Mak Phoeun, Histoire du Cambodge de la fin du XVI siècle au début du XVIII siècle, Paris, Presses de l'EFEO, Monographie 176, 1995, trg. 397-398).
    Trong thời gian đó, Nguyễn Phước Chu đưa hoàng tử Po Saktiraydapatih (Kế Bà Tử của tài liệu Việt Nam), tức là người em trai của cố vương Po Saut lên nắm quyền điều hành dân chúng Champa trong phủ Bình Thuận, với niềm hy vọng rằng người dân hiếu động của Panduranga chấp nhận qui chế mới của xứ sở họ. Theo biên niên sử Việt Nam, chiến lược của Nguyễn Phước Chu chẳng đem lại hiệu quả gì, vì dân tộc Champa thời đó không bao giờ chấp nhận chính sách xâm lược của nhà Nguyễn. Cuộc chống đối của nhân dân Champa kể từ năm 1693 đã nhanh chóng trở thành một cuộc nổi dậy đấu tranh vũ trang chống lại quân đội xâm lược của nhà Nguyễn và bài trừ người Kinh định cư trên lãnh thổ Champa thường hay tiếp tay cho nhà Nguyễn. Sức mạnh của sự vùng dậy này đã làm cho triều đình Phú Xuân ngạc nhiên và buộc nhà Nguyễn phải thoái lui một bước. Năm 1694, Phú Xuân chấp thuận hủy bỏ chính sách xâm chiếm Champa và tái lập lại nền độc lập của vương quốc này, nhưng vẫn duy trì tên gọi Champa là Trấn Thuận Thành (tạm gọi là Champa-Panduranga) mà Phú Xuân đã đặt cho nó lần đầu tiên vào năm 1692 và thay tên danh xưng quốc vương Champa thành Trấn Vương Thuận Thành.
Po Saktiraydapatih (Kế Bà Tử) là người đầu tiên mà triều đình Huế đã phong cho chức vụ để cai trị vương quốc Champa vào năm 1694. Ông là người duy nhất có quyền thu thuế trên dân cư champa và tuyển chọn quan lại để điều hành vương quốc dưới danh nghĩa là một quốc gia chư hầu, phải triều cống nhà Nguyễn hằng năm (Ðại Nam Thực Lục Chính Biên I, Bản dịch quốc ngữ, Hanoi, 1962, trg. 147-151). Ba năm sau, tức năm 1697, triều đình Phú Xuân tìm cách gỡ gạc phần nào sự thất bại của mình để rồi nuốt trọn vương quốc Champa. Ðể tiến đến mục tiêu, Phú Xuân thành lập trên lãnh thổ Champa một Phủ Bình Thuận có qui chế rất là đặc biệt. Qui chế của Phủ Bình Thuận ra đời vào năm 1697 không liên hệ gì với qui chế của Phủ Bình Thuận hình thành vào năm 1693 như một số chuyên gia về Việt Nam thường hiểu lầm. Phủ Bình Thuận này tập trung tất cả thôn xóm người Kinh nằm trong khu vực Hàm Thuận nơi dùng làm trụ sở hành chánh của Phủ, cũng như tất cả thôn xóm người Kinh thuộc khu vực Hòa Ða (Phan Rí) và An Phước (Phan Rang), sau này trở thành hai huyện Hòa Ða và An Phuớc. Sau đó, Nguyễn Phước Chu cho sát nhập tất cả các làng ấp người Kinh cũng như đất đai của họ vào đơn vị chính trị và hành chánh của phủ Bình Thuận. Kể từ lúc đó, các dân cư nguời Kinh sinh sống trên lãnh thổ Champa không còn là công dân ngoại kiều đặt dưới quyền kiểm soát của Champa nữa mà là thần dân của nhà Nguyễn. Trước biến cố này, vua Po Saktiraydapatih (Kế Bà Tử) không dám phản đối và cũng không nói được lời nào. Sự hiện diện của các thôn ấp và đất đai của người Kinh nằm khắp nơi trên lãnh thổ Champa thời đó đã biến vương quốc này trở thành một quốc gia có biên giới hình trái độn, tập trung nhiều khu vực có thôn xóm người Kinh đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của triều đình Phú Xuân. Hơn nữa, Nguyễn Phước Chu đã quyết định rằng tất cả làng xã và đất đai thuộc về người Kinh phải trực thuộc vào phủ Bình Thuận nhằm giúp nhà Nguyễn nắm trọn trong tay một lực lượng địa phương rất là hữu hiệu để nuốt trọn vương quốc Champa lúc nào cũng được mà không cần can thiệp trực tiếp. Lực lượng này chính là dân cư người Kinh sinh sống trên lãnh thổ Champa thời đó. Nhà Nguyễn bắt đầu áp dụng chiến lược này bằng cách khuyến khích dân cư người Kinh đến Champa định cư càng nhiều càng tốt.
12. Tình hình Champa vào thế kỷ XVIII
    Trong suốt 60 năm đầu tiên của thế kỷ XVIII, người ta không biết nhiều về tình hình chính trị đã xảy ra trong vương quốc Champa-Pandurang. Ngược lại, các tài liệu viết bằng tiếng Chăm và một vài đoạn nằm trong biên niên sử Việt Nam thường nêu ra hàng loạt các cuộc xung đột giữa người Kinh và Chăm trong quốc gia này, nhất là những nơi có địa bàn dân cư của dân tộc Kinh và Chăm nằm xen kẽ với nhau. Nguyên nhân phát sinh từ dân cư người Kinh, dựa vào quyền thế của các quan lại của triều đình Phú Xuân phục vụ trong phủ Bình Thuận, không ngần ngại bốc lột lao động người Chăm, nhất là tìm cách cho người Chăm vay mượn tiền bạc với số lãi quá nặng nề để tịch thu tài sản hay bán nhượng con cái của họ, một khi dân tộc này không thể trả nổi vốn nợ đã vay mượn.
    Cũng vì chính sách bốc lột này ngày càng gia tăng và chồng chất lên nhau, nông dân Việt Nam cũng phải vùng dậy vào năm 1771 chống lại các đại điền chủ và giai cấp lãnh đạo của nhà Nguyễn. Cuộc nổi dậy của dân tộc Việt mang tên là phong trào Tây Sơn đã kéo dài cho đến năm 1802 (Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện, «Nhà Tây Sơn», Bản dịch quốc ngữ, Saigon, 1970) và làm nguy cơ đến sự sống còn của Champa-Panduranga thời đó. Ðây là cuộc nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, tức là chiến tranh nội bộ giữa người Việt, nhưng lại diễn ra một cách thường trực trên lãnh thổ của Champa-Panduranga trong suốt ba mươi năm (1771-1802). Vào buổi ban đầu của cuộc nội chiến, anh em Tây Sơn chiếm trọn phần lãnh thổ của chúa Nguyễn nằm phía bắc Champa-Panduranga, trong khi đó, Nguyễn Ánh trấn giữ phần đất đai ở Gia Ðịnh tức là miền nam của vương quốc này. Kể từ đó Champa trở thành một quốc gia nằm giữa gọng kìm của hai đối tượng thù địch, đó là Nguyễn Ánh và Tây Sơn. Muốn tấn công đối thủ của mình, Tây Sơn hay Nguyễn Ánh bắt buộc phải băng qua biên giới Champa-Panduranga, biến lãnh thổ của vương quốc này (Bình Thuận và Ninh Thuận) thành bãi chiến trường liên tục. Cũng vì Champa-Panduranga nằm ngay trên vị trí chiến lược quân sự của cuộc nội chiến, thành ra Tây Sơn và Nguyễn Ánh, mỗi bên đều tìm cách chụp lấy mảnh đất của Champa ngay từ lúc khởi đầu của sự xung đột, để làm điểm tựa và đặt căn cứ quân sự của mình. Năm 1773 Tây Sơn xua quân vào Champa-Panduranga trước khi tiến quân đánh phá Nguyễn Ánh ở Sài Gòn. Một năm sau, tức là năm 1774-1775, Nguyễn Ánh đánh đuổi quân Tây Sơn để chiếm lại Champa. Năm 1776-1777, Tây Sơn tái chiếm lại Champa, sau đó Nguyễn Ánh tìm mọi phương cách để làm chủ tình hình tại Champa kể từ năm 1779. Chưa đầy ba năm sau, tức là vào năm 1782, Tây Sơn tái chiếm miền bắc Champa (Ninh Thuận), trong khi đó Nguyễn Ánh trấn giữ phần đất phía nam của Champa tức là vùng Phan Rí từ năm 1790 cho đến năm 1793. Sau năm 1793-1794, Tây Sơn rút quân ra khỏi vùng Phan Rang và giao lãnh thổ Champa cho Nguyễn Ánh.
      Những cuộc chiếm đóng liên tục của quân đội Tây Sơn và Nguyễn Ánh trên lãnh thổ Champa-Panduranga đã biến vương quốc này thành một quốc gia không còn biên giới nữa trong suốt chiều dài của cuộc nội chiến giữa người Việt và đưa đẩy dân tộc Chăm vào một khúc quanh mới, vì họ phải chấp nhận đối diện trực tiếp với quân đội người Kinh, lúc nào cũng xem người Chăm là những kẻ man rợ (người Mán), có văn hóa khác biệt với văn hóa của họ. Một khi đã thành công chiếm cứ Champa-Panduranga, phe thắng trận, dù Tây Sơn hay Nguyễn Ánh, thường hay bắt buộc người dân Champa phải qui phục phe mình và trừng trị những nguời Chăm nào đã liên minh với kẻ thù của họ. Cũng vì muốn trả thù cho những sự ngược đãi của chính quyền Champa mà họ đã từng trải qua, hoặc không muốn trở thành những nạn nhân vô tội của phe người Việt thắng trận hoặc bị mắc mưu trong cơn biến động chính trị, một số người Chăm phải chấp nhận theo Tây Sơn hay Nguyễn Ánh và họ còn tham gia vào cuộc chiến bên cạnh của hai phe này. Hiện tượng này đã gây ra bao sự chia rẽ trầm trọng trong nội bộ người Chăm, kéo theo những phong trào chống đối lẫn nhau trong một xã hội đã từng gắn bó chặt chẽ với nhau. Bên cạnh của thực trạng xã hội đang lâm vào con đường thoái hóa, những phe thắng trận dù là Tây Sơn hay Nguyễn Ánh chỉ nghĩ đến chiến lược làm chủ tình hình quân sự tại Champa, bằng cách chỉ định một nhân vật theo phe mình lên nắm quyền để cai trị vương quốc này. Chính vì thế, người ta thấy rõ vào năm 1790 phía nam của Champa (vùng Phan Rí) thì đặt dưới quyền cai trị của Po Ladhuenpughuh (Nguyễn Văn Thừa theo biên niên sử Việt Nam) một nhân vật do Nguyễn Ánh chỉ định, trong khi đó phía bắc Champa (khu vực Phan Rang) thì đặt dưới sự giám hộ của Po Tisuntiraydapuran do Tây Sơn bổ nhiệm. Po Tisuntiraydapuran là một nhân vật rất thân cận với Tây Sơn đã từng chạm trán quân sự với Po Ladhuenpughuh, tức là người nằm trong phe của Nguyễn Ánh (Ðại Nam Thực Lục Chính Biên II-1, Bản dịch quốc ngữ, Hanôi, 1963, trg. 58, 125).
       Nhưng cũng không nên tin rằng hai đối tượng thù địch Tây Sơn và Nguyễn Ánh có ý định bổ nhiệm những nhân vật gốc Champa để nắm quyền cai trị vương quốc này. Trên thực tế, dù là Nguyễn Ánh hay Tây Sơn, họ không bao giờ ban cho giai cấp lãnh đạo Champa những quyền lực chính trị thật sự để điều hành một quốc gia, mà chỉ cấp cho họ những chức hàm để hợp thức hóa oai quyền của họ trước quần chúng Champa với niềm hy vọng là những giới lãnh đạo này có thể lôi kéo nhân dân Champa theo phe mình. Những gì vừa nêu ra là sự thật của lịch sử thời đó, bởi vì trong suốt chiều dài của cuộc nội chiến hay sau cuộc nội chiến, Nguyễn Ánh cũng như Tây Sơn không bao giờ phong vương cho những nhà lãnh đạo Champa thời đó với danh nghĩa thật sự là Trấn Vương Thuận Thành, tức là vua Champa, mà chỉ ban cho họ một chức Chưởng Cơ, tức là chỉ huy trưởng của một trung đoàn trong hệ thống quân đội thời đó. Và cả Nguyễn Ánh cũng như Tây Sơn thường đối xử với những nhà lãnh đạo Champa rất là tồi tệ. Chính Tây Sơn là người đã chỉ định Po Cei Brei (tức là Nguyễn Văn Chiêu trong biên niên sử Việt Nam), làm Chưởng Cơ của Trấn Thuận Thành (tức là thủ lãnh Champa) vào năm 1783/1784 để thay thế Po Tisuntiraydapuran đã từng cai trị vương quốc này vào năm 1780/1781, nhưng Tây Sơn lại truất phế Po Cei Brei để đưa Po Tisuntiraydapuran trở lại nắm chức vụ vào năm 1786/1787 mà chẳng bao giờ cho biết lý do tại sao.
     Kể từ năm 1794/1795, Champa-Panduranga hoàn toàn nằm trong biên giới thuộc quyền quản trị của Nguyễn Ánh. Ðó cũng là năm đánh dấu cuộc chấm dứt chiến tranh trên lãnh thổ Champa, ngọai trừ cuộc nổi dậy ngắn ngủi của dân tộc miền cao mà biên niên sử Việt Nam đã nói qua vào năm 1796 nhằm tấn công khu vực Phan Rí. Nhưng biến cố này không có một hậu quả nghiêm trọng nào đối với tình hình chính trị của Champa-Panduranga thời đó. Ngược lại, vương quốc này phải đương đầu với làn sóng di dân của những người Kinh nghèo khó và khốn cùng vào lãnh thổ Champa. Dựa vào quyền lực quân viễn chinh của nhà Nguyễn, dân cư người Kinh tìm cách xâm chiếm đất đai của người dân bản địa Champa bị chết trong các cuộc nội chiến giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, hoặc đất đai của những người Chăm chạy sang Campuchia lánh nạn để thoát khỏi những cảnh tương tàn mà họ đã từng gánh chịu.



13. Tình hình vào thế kỷ XIX
    Sau ngày chiến thắng chống quân Tây Sơn vào năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy vương hiệu là Gia Long và trở thành thủ lãnh tối cao của một quốc gia thống nhất mà ông ta đặt tên là Việt Nam. Kể từ đó, Gia Long phục hưng lại vương quốc Champa nhưng không công nhận quyền độc lập và qui chế chính trị của nó. Vì rằng Gia Long chỉ ban cho vương quốc này một thể chế tự trị, vì lý do đặc thù của một dân tộc đã từng nằm trong phe của Nguyễn Ánh để chống lại với quân Tây Sơn hơn là lý do mang tính chất pháp lý chính trị. Dựa vào thể chế tự trị này, triều đình Huế thăng chức Chưởng Cơ cho Po Saong Nhung Ceng (Nguyễn Văn Chấn theo tài liệu Việt Nam), một vị tướng lãnh gốc người Chăm đã từng chiến đấu bên cạnh Nguyễn Ánh ở Gia Ðịnh và bổ nhiệm ông ta quyền cai trị Champa-Panduranga thời đó. Po Saong Nhung Ceng là người rất trung thành với Nguyễn Ánh, đã từng điều hành khu vực giải phóng nằm trên lãnh thổ Champa sau khi Po Ladhvenpughuh qua đời vào năm 1799.
   Ðiều mà người ta thường nêu ra câu hỏi có chăng việc phục hưng lại vương quốc Champa thời đó, tức là một quốc gia không còn quyền lực nữa và việc bổ nhiệm một vị tướng lãnh gốc người Chăm lên làm vị lãnh đạo của vương quốc này dù có sự đồng ý của hội đồng hoàng gia Champa đi nữa, chỉ là chiến lược của hoàng đế Gia Long nhằm đảm bảo nền an ninh trật tự trên khu vực Champa-Panduranga, rất nổi tiếng là quê hương của những phong trào vùng dậy đấu tranh chống ngoại xâm. Giả thuyết này rất có lý đối với tình hình vương quốc Champa thời đó. Sau khi đã trải qua một thời kỳ phân hóa nghiêm trọng vào những năm cuối cùng của thế kỷ XVIII, dân tộc Champa chỉ còn giải pháp là nghĩ đến sự trùng tu lại xứ sở của mình bị đổ nát và thực hiện giấc mơ phục hưng lại cơ chế xã hội-chính trị để bảo tồn giá trị truyền thống của quốc gia này. Cũng nhờ chính sách ưu đãi của Gia Long, vương quốc Champa đã trải qua một giai đoạn an bình, các biên niên sử Việt Nam và Chăm không còn nói đến những sự biến động quân sự cũng như mối bất hòa chính trị nào đã xảy ra tại vương quốc này, nhất là trong khu vực biên giới phía tây của Bình Thuận, từ 1802 cho đến 1820.
    Sự từ trần của Gia Long vào năm 1820 để nhường ngôi lại cho hoànng đế Minh Mệnh đã đưa vương quốc Champa vào một khúc quanh mới (Minh Mệnh Chính Yếu I-VI, Bản dịch quốc-ngữ, Saigon, 1972-1974). Vừa mới lên ngôi vào năm 1820, Minh Mệnh bắt đầu áp dụng chính sách chống lại uy quyền của phó vương Gia Ðịnh Thành tên là Lê Văn Duyệt, một nhân vật rất thân cận với hoàng đế Gia Long đã từng nắm trong tay mọi quyền hành trên 6 tỉnh miền nam của xứ Việt. Sự tranh chấp giữa Minh Mệnh và Lê Văn Duyệt đã đưa đẩy Champa vào con đường rất khó xử, nhất là kể từ năm 1822 khi vua Minh Mệnh quyết định tách phủ Bình Thuận ra khỏi Gia Ðịnh Thành để sát nhập nó vào quyền chỉ đạo của triều đình Huế. Ðứng trên mặt địa dư, tỉnh Bình Thuận là đơn vị hành chánh của Việt Nam nằm trên lãnh thổ Champa. Sự quyết định của Minh Mệnh liên quan đến qui chế của phủ Bình Thuận cũng là chính sách nhằm tách rời Champa ra khỏi quyền kiểm soát của Lê Văn Duyệt, một nhà bảo trợ cho vương quốc này ngay từ buổi ban đầu. Kể từ đó, Champa đã trở thành một con cờ chính trị mà triều đình Huế và Gia Ðịnh Thành phải tìm cách sử dụng với bất cứ giá nào đề giải quyết vấn đề nội bộ của Việt Nam giữa Minh Mệnh và Lê Văn Duyệt thời đó.
     Tình thế chính trị bất ổn ở Gia Ðịnh Thành và sự từ trần của Po Saong Nhung Ceng vào năm 1822 mà biên niên sử Chăm xem đó như là vị lãnh đạo cuối cùng của Champa-Panduranga, đã đưa ra bao nghi vấn có chăng một vương quốc Champa không còn nắm giữ trong tay định mệnh sống còn của mình, có còn tồn tại như là một quốc gia có chủ quyền hay không ? Ðứng trên khía cạnh địa dư của Champa mà phân tích, câu trả lời chắc chắn là không. Nếu nhìn qua bình diện chính trị, thì câu trả lời càng khó khăn hơn nữa. Thêm vào đó, chính sách của triều đình Huế nhằm đưa người lên kế vị ngôi vua tại Champa-Panduranga và phong cách cư xử của Minh Mệnh đối với những thủ lãnh người Chăm kế thừa vua Po Saong Nhung Ceng cũng như tên gọi của các chức hàm Việt Nam mà triều đình Huế dành cho vua chúa Champa thời đó, càng gây thêm bao nghi ngờ nữa. Bằng chứng cụ thể, hoàng đế Minh Mệnh xóa bỏ đi qui chế nối ngôi của Champa theo truyền thống đã có sẵn bằng cách không chọn vị phụ tá của vua Po Saong Nhung Ceng, tên là Po Klan Thu (Nguyễn Văn Vĩnh), để nối nghiệp ông ta. Không cần hỏi ý kiến của hội đồng hoàng gia Champa, Minh Mệnh tự chỉ định một quan chức trong triều đình Champa thời đó tên là Bait Lang lên nắm chính quyền với lý do là nhằm bình thường hóa mối liên hệ giữa dân cư Champa và người Kinh sinh sống tại phủ Bình Thuận. Sự quyết định của Minh Mệnh về quyền nối ngôi tại Champa và qui chế của vị tân lãnh tụ này đã gây ra cuộc nổi dậy tại khu vực có biên giới chung giữa Champa và Gia Ðịnh Thành vào năm 1822 mà người ta cứ nghi ngờ là có sự chỉ đạo của Lê văn Duyệt. Cũng vì không đủ sức để dẹp tan cuộc vùng dậy này, vua Champa vừa mới lên ngôi là Bait Lang bị Minh Mệnh cách chức để thay thế vào đó Po Klăn Thu (Nguyễn Văn Vĩnh), nhân vật mà hoàng đế Minh Mệnh đã từ chối trước đó. Nhưng Minh Mệnh không ban cho Po Klan Thu chức Chưởng Cơ mà triều đình Huế thường áp dụng cho vua chúa Champa trước kia, mà là quyền quản lý vương quốc Champa, tức là một nhân vật chỉ có vai trò điều hành cơ cấu hành chánh mà thôi. Nhờ sự yểm trợ của triều đình Huế, Po Klan Thu đã thành công đẩy lui phong trào nổi loạn vào năm 1823 và buộc họ phải rút về phía tây trong vùng rừng núi của Champa. Nhưng phải nhờ sự can thiệp trực tiếp của Lê Văn Duyệt mà phong trào nổi loạn này chấp nhận ngưng chiến. Kể từ đó, những thành viên của phong trào này không bao giờ tuân lệnh triều đình Huế nửa, mà chỉ phục tùng oai quyền của Lê Văn Duyệt, tức là phó vương của Gia Ðịnh Thành.
      Vào năm 1826, dân tộc Champa vùng dậy một lần nữa cũng tại biên giới giữa Champa và Gia Ðịnh Thành. Mục tiêu của phong trào này nhằm lên án Po Klan Thu về tội chỉ biết phục vụ cho nguời Kinh, một tập thể vừa mới đến định cư nhưng lúc nào cũng tìm cách cướp đoạt đất đai của người Chăm và phục tùng cho triều đình Huế, một chế độ chuyên đè bẹp dân chúng Champa để thu hút thuế má. Và phong trào vùng dậy này còn có mục tiêu khác nữa, đó là bài trừ người Kinh sinh sống tại Champa và phủ Bình Thuận, bắt đầu lan tràn đến tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Vì Po Klan Thu (Nguyễn Văn Vĩnh) không đủ khả năng chống lại cuộc nổi dậy này, hoàng đế Minh Mệnh ra lệnh cho đoàn quân của triều đình Huế phải dẹp tan cho bằng được phong trào đấu tranh của dân tộc Champa và bắt sống vị chỉ huy của tổ chức này vào năm 1827.
    Năm 1828, Po Klan Thu qua đời. Phó vương Lê Văn Duyệt phản đối công khai vị vua Champa kế thừa do hoàng đế Minh Mệnh đề ra. Vì rằng Lê Văn Duyệt và Minh Mệnh, mỗi người đều muốn đề cử người cùng phe phái của mình lên nắm chính quyền Champa thời đó. Sau cuộc tranh chấp này, Lê Văn Duyệt thành công đưa một người thân cận của mình lên làm vua Champa vào năm 1828 đó là Po Phauk The (Nguyễn Văn Thừa), tức là con trai của Po Saong Nhung Ceng và cũng là vị phụ tá của Po Klan Thu (Po Dharma, Le Panduranga (Campa) 1802-1835, Ses rapports avec Le Vietnam, I, Paris, Publications de L'EFEO, Vol. CXLIX, 1987, trg. 105-118). Cho đến hôm nay, người ta không biết sự chọn lựa này có sự đồng ý của Minh Mệnh hay không. Và người ta cũng không biết Po Phauk The có xin hoàng đế Minh Mệnh phong cho ông ta vương chức hay không? Dù sao đi nữa, Lê Văn Duyệt đã thành công chiếm lại quyền kiểm soát vương quốc Champa thời đó và cả phủ Bình Thuận, một đơn vị hành chánh không còn nằm trong tay của ông ta kể từ năm 1822. Kể từ đó, quan lại và dân chúng Champa hoàn toàn ngã về phía Lê Văn Duyệt và vua Champa là Po Phauk The chỉ nộp thuế cho Gia Ðịnh Thành thay vì phải nộp cho triều đình Huế như trước kia.
14. Sự cáo chung của Champa - Panduranga
   Một khi đã ngã về phe của Lê Văn Duyệt, kéo theo sự cắt đứt mọi mối liên hệ với triều đình Huế, vương quốc Champa chẳng thu được một mối lợi gì trong chiến lược liên minh với Lê Văn Duyệt. Theo các tư liệu Chăm cho biết, Lê Văn Duyệt vẫn đeo đuổi chính sách Việt Nam Hóa đối với dân tộc Champa mà Minh Mệnh đã từng áp dụng. Ðiều này đã giải thích tại sao một số quan lại của Champa thời đó không chấp nhận chính sách tách rời Champa ra khỏi quyền kiểm soát của triều đình Huế mà mối liên hệ đã cấu thành một qui chế chính trị từ lâu. Chính vì thế, những thành phần quan lại này không đồng tình với chính sách mà Po Phauk The đang theo đuổi kể từ cuối năm 1831. Lợi dụng cơ hội quần chúng Champa không tán thành với chính sách của Lê Văn Duyệt, hoàng đế Minh Mệnh ra lệnh bắt giam vị thủ lãnh Champa là Po Phaok The và buộc vương quốc Champa phải nộp cho triều đình Huế các loại thuế mà Po Phaok The chưa thực hiện.
    Năm 1832, Lê Văn Duyệt từ trần ở Gia Ðịnh Thành. Lợi dụng cơ hội này, hoàng đế Minh Mệnh thu hồi lại toàn lãnh thổ miền nam của Gia Ðịnh Thành, ra lệnh bắt giam Po Phauk The và trừng phạt vương quốc Champa về tội phản nghịch dám chống lại oai quyền của ông ta. Các biên niên sử Việt Nam và Chăm (CAM 30-8) ghi rằng Minh Mệnh quyết định vào năm 1832 hủy bỏ qui chế tự trị của Champa, biến thần dân của vương quốc này thành công dân của quốc gia Việt Nam thống nhất, xóa bỏ danh xưng Champa trên bản đồ và chia cắt lãnh thổ Champa thành đơn vị huyện và tổng theo mô hình tổ chức hành chánh Việt Nam nằm trong hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.
    Kể từ năm 1832, vương quốc Champa không còn hiện hữu nữa, từ qui chế chính trị cho đến hệ thống tổ chức kinh tế và xã hội mà bản văn Chăm ngữ CM 30-15 (trg. 116) đã ghi lại như sau :
“Vua chúa bị truất phế. Vương triều thì tiêu tan. Các bậc đàn em không còn tin vào thế hệ của những người anh trưởng. Thế hệ đàn cháu cắt đứt các mối quan hệ gia đình với bậc đàn cậu. Các thành viên xuất thân từ một gia đình chỉ biết cư xử với nhau như sự cư xử giữa người Chăm và Kinh, không ngần ngại truy tố gia đình của mình trước pháp lý. Các quan chức và thần dân không phân biệt chức vị hay gia tộc, đều phải mặc quần theo kiểu người Việt. Dân chúng Champa thời đó hết sức khốn đốn và không biết thế nào là định mệnh của họ trong tương lai”.
15. Champa sau ngày sụp đổ 1832
     Một khi Champa bị xóa bỏ trên bản đồ, thần dân của vương quốc này phải gánh chịu bao thống khổ trước sự áp chế của triều đình Huế. Họ phải đóng thuế gấp đôi bằng hiện vật và hiện kim thể theo lời yêu cầu của quan lại Việt Nam để họ có cơ hội bỏ vào túi riêng. Bên cạnh sự áp chế về thuế vụ, dân tộc Champa thời đó phải gánh chịu bao qui chế lao dịch chính thức hay không chính thức, không có quyền lên tiếng chống lại chính sách tịch thu đất đai của họ do chính quyền địa phương đề ra. Trước thực trạng xã hội này, triều đình Huế phải tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách trừng phạt thẳng tay những quan lại người Kinh đã từng bóc lột dân tộc Champa, như trường hợp đã xảy ra tại Bình Thuận vào năm 1835 (Ðại nam Thực Lục Chính Biên XVI, Bản dịch quốc ngữ, Hanoi, 1966, trg. 289). Hết đối phó với sự hiếp đáp và thực trạng thối nát trong giai cấp quan lại của triều đình Huế, dân tộc Champa còn gánh chịu thêm những sự bóc lột và tước đoạt tài sản của họ bởi những dân cư người Kinh. Trước thảm trạng của xã hội đang diễn ra thời đó, rất nhiều người Chăm buộc phải bỏ rơi thôn xóm để thoát thân ra khỏi thể chế làm nô lệ cho người Kinh (CM 29-1) bằng cách chạy lên khu vực cao nguyên ẩn náu hầu chuẩn bị cho các cuộc vùng dậy trong tương lai.
     Năm 1833 đánh dấu những cuộc vùng dậy ở nhiều nơi trên lãnh thổ Champa bị chiếm đóng. Ðáng kể nhất là cuộc khởi nghĩa trong khu vực Panduranga mang mô hình tổ chức rất là mới lạ, đặt dưới quyền lãnh đạo của một người Hồi Giáo gốc Campuchia mà người ta không biết ông ta là người Mã Lai hay Chăm, mặc dù đã nhiều năm cư trú tại Makah, tức là tiểu bang Kelantan, Mã Lai hôm nay. Lãnh tụ của phong trào khởi nghĩa này là một vị cả sư Katip (chức sắc Hồi Giáo) tên là Sumat. Sau khi thành lập xong mật khu trong vùng Ðồng Nai, Katip Sumat tập họp xung quanh ông ta những thành viên người Chăm và người Tây Nguyên tình nguyện gia nhập phong trào giải phóng Champa ra khỏi ách thống trị và sự áp bức của triều đình Huế. Lợi dụng lòng nhiệt huyết của các thành viên đối với mục tiêu giải phóng Champa, Katip Sumat, một nhân vật có tài thuyết phục, đã chuyển hướng tinh thần yêu nước của họ sang một chủ thuyết mới của cuộc đấu tranh dựa vào tôn giáo Islam để làm bàn đạp cho mọi dự án giải phóng Champa. Ðể thực hiện việc này, ông ta ra lệnh cho những nhà truyền giáo đi thuyết phục người Churu và người Raglai cải đạo để theo tín ngưỡng Islam, nhưng đồng thời cũng buộc những người Chăm Bani (tức là Islam không chính thống) cũng phải theo truyền thống và nghi lễ của Islam chính thống. Sự hiện diện của Katip Sumat nhằm tuyên truyền cho giáo lý Islam trên lãnh thổ Champa bị chiếm đóng hoàn toàn đi ngược với chính sách bài đạo của Minh Mệnh, vì nó sẽ gây ra phương hại đến ý thức hệ đoàn kết dân tộc trong một quốc gia Việt Nam đa chủng tộc thời đó. Chính vì thế mà hoàng đế Minh Mệnh phải có một thái độ cứng rắn đối với phong trào Islam này (CAM 167-6).
    Ðể trả lời cho chính sách bài đạo của Minh Mệnh, Katip Sumat ra lệnh cho đoàn quân của mình vùng dậy chống lại triều đình Huế về tội phỉ báng Islam và Thượng Ðế Allah. Sau đó ông đứng ra hô hào cho cuộc thánh chiến (jihad) chống Việt Nam nhằm giải phóng Champa và hứa hẹn với đoàn quân thánh chiến rằng Thượng Ðế Allah và sức mạnh pháp thuật của riêng ông sẽ giúp cho đoàn quân đạt mọi chiến thắng. Cuộc nổi dậy này có một tầm ảnh hưởng rất quan trọng, bởi vì triều đình Huế buộc phải gởi thêm đoàn quân để tiếp viện và trang bị vũ khí cho những người Kinh sinh sống ở Bình Thuận để họ tham gia trực tiếp vào cuộc chiến. Trong lúc dân cư người Kinh giữ vai trò bao vây các thôn làng người Chăm dù họ có tham gia với Katip Sumat hay không, quân đội chính qui của Minh Mệnh khởi đầu tấn công mật khu của phong trào nổi loạn. Vì nhận thấy không có thần linh hay sức mạnh thần kỳ nào đến trợ giúp, đoàn quân của Katip mất hết nhiệt tâm và bị đánh tan vào năm sau năm 1833, bắt buộc phải lẫn trốn trong vùng rừng núi mà người ta không biết thế nào là số mệnh của những người còn sống sót. Kể từ đó, không có một tài liệu nào còn đề cập đến Katip Sumat nữa.
     Trước cuộc thất bại này, dân tộc Champa thời đó vẫn còn giữ niềm tin vào những cuộc đấu tranh kế tiếp. Họ chỉ qui tội cho Katib Sumat đã chọn lựa sai lầm mục tiêu. Vì cuộc thánh chiến của ông chống lại triều đình Huế không thể thu hút đông đảo thành viên so với các cuộc nổi dậy khác đã diễn ra. Sau ngày thất bại của Katip Sumat, một ông cả sư người Chăm Bani tên là Ja Thak Wa hay là ông Biện Sư theo tư liệu Việt Nam, dựa vào bối cảnh của xã hội Chăm đang chịu bao cam khổ dưới quyền thống trị của người Kinh thời đó, đứng ra kêu gọi tất cả thần dân Champa, không phân biệt tín ngưỡng và chủng tộc, phải gia nhập vào phong trào của ông ta nhằm giải phóng vương quốc này ra khỏi ách thống trị của triều đình Huế. Vào năm 1834, sau khi triệu tập một hội đồng trong khu vực miền núi nằm về phía tây của tỉnh Ninh Thuận, Katip Ja Thak Wa đề nghị tái lập lại quốc vương Champa, bầu luôn một vị hoàng tử kế thừa và đề cử thêm một thủ lãnh quân sự, cấu thành một hội đồng nội các Champa mà ông ta muốn phục hưng lại nền độc lập. Hội đồng này đã đồng ý đưa một nhân vật gốc dân tộc Raglai, tức là em rể của vua Po Phoak The lên làm quốc trưởng Champa. Theo Ðại Nam Thực Lục Chính Biên XVI (Hanoi, 1966), Ja Thak Wa là người đã chỉ định vị vua này. Theo tư liệu Chăm, hoàng tử Raglai tên là Po Var Palei và biên niên sử Việt Nam gọi là La Bông. Tiếp đó hội đồng chỉ định một người gốc dân tộc Churu làm vị hoàng tử thừa kế và một người Chăm tên Ja Yok Ai làm vị thủ lãnh quân sự.
     Cuối năm 1834 đánh dấu cho các cuộc nổi loạn đến cực điểm của dân tộc Việt trên lãnh thổ Việt Nam kéo theo sự đe dọa của đoàn quân Xiêm La (Thái Lan) xua quân quấy phá miền nam Việt Nam. Lợi dụng cơ hội này, Ja Thak Wa mở rộng những trận tấn công vào các vùng duyên hải của Ninh Thuận và Bình Thuận (CM 32-6), tiêu diệt các căn cứ quân sự của triều đình Huế trên lãnh thổ Champa. Mặc dù Ja Thak Wa có đủ tài năng quân sự nhưng ông ta không đủ điều kiện để vận động quần chúng Champa vùng dậy tham gia vào cuộc chiến, vì triều đình Huế áp dụng một chính sách khủng bố vô cùng dã man bằng cách ra lệnh hành hạ và tàn sát những thành viên nào tham gia vào cuộc nổi loạn của Ja Thak Wa. Sau trận chiến này, Ja Thak Wa rút ra kinh nghiệm rằng mọi sự thắng lợi của một cuộc vùng dậy chỉ tùy thuộc vào ý thức hệ đoàn kết đấu tranh của quần chúng Chăm và Thượng, tức là thần dân của Champa thời trước. Chính vì thế ông ta truyền lệnh trừng trị nghiêm khắc những ai không theo chính nghĩa của cuộc cách mạng đặt duới quyền chỉ đạo của ông ta.
    Ðầu năm 1835, Ja Thak Wa với đoàn quân của Churu và Raglai tấn công khu quân sự của Việt Nam nằm trong vùng duyên hải (CAM 30-17) của Bình Thuận và mở rộng chiến dịch trừng trị những nguời Chăm nào không gia nhập phong trào của ông ta (Minh Mệnh Chính Yếu V, Saigon, 1974, trg. 180). Cuộc tấn công lần này mang lại một thành công vẻ vang. Kể từ đó, Ja Thak Wa dường như làm chủ tình hình quân sự trên lãnh thổ Champa bị chiếm đóng. Truớc biến cố này, triều đình Huế phải gởi những đoàn quân chính qui sang Champa để tiêu diệt phong trào nổi loạn và hứa sẽ ban thưởng xứng đáng cho những ai bắt được hay giết chết một thành viên tham gia phong trào của Ja Thak Wa. Ðồng thời, hoàng đế Minh Mệnh ra lệnh cho các quan lại Việt Nam không được quyền hà hiếp và bóc lột dân chúng Champa nữa để lôi kéo họ hướng về chính nghĩa của triều đình Huế và ly khai với mặt trận Ja Thak Wa. Vừa mới khai trương chiến dịch của Minh Mệnh, biên niên sử Việt Nam cho rằng Po Var Palei, vị quốc vương Champa gốc Raglai bị giết vào tháng 5 năm 1835 trên bãi chiến trường trong khi đó Ja Thak Wa thì bị thương gần Phan Rang và bị quân đội Việt Nam bắt giữ và chặt đầu ngay sau đó.
     Sau ngày từ trần của hai nhà cách mạng này, phong trào Ja Thak Wa vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng bị dập tắt đi một cách nhanh chóng và hầu hết những thành viên tham gia phong trào quyết định đầu hàng để trở về xum họp với gia đình. Tiếc rằng Minh Mệnh vẫn không khoan hồng cho họ bằng cách đưa ra chính sách vô cùng tàn bạo để trừng trị họ. Kể từ giữa năm 1835, Minh Mệnh đã ra lệnh giết ngay một số thành viên của Ja Thak Wa sau ngày về chiêu hồi, và một số khác thì bị lưu đày đi nơi khác hoặc bị bắt để làm nô lệ, chưa nói đến chính sách truy quét và đốt phá làng mạc của người Chăm. Nhằm kiểm soát hữu hiệu mọi hành động của người Chăm có mưu đồ vùng dậy, triều đình Huế ra lệnh chia cắt làng mạc của họ thành những thôn xóm lẻ loi nằm xen kẻ với thôn xóm người Kinh. Thêm vào đó, triều đình Huế còn cấm tuyệt mọi sự liên hệ giữa dân tộc miền núi và người sinh sống ở đồng bằng hầu không cho phép người Chăm có cơ hội chạy lên miền thượng du được xem như là khu vực chiến lược dùng làm căn cứ cho những cuộc nổi loạn chống lại triều đình Huế.
    Vào những năm kế tiếp, các quan lại của triều đình Huế và nhất là các cư dân người Kinh được sự che chở của chính quyền địa phương tiếp tục theo đuổi việc bóc lột người Chăm và biến họ thành một tập thể nô lệ mà các tư liệu Chăm thời đó thường hay đề cập. Vì không cam chịu nổi chính sách này, dân tộc Chăm lại vùng dậy một lần nữa vào cuối thế kỷ XX dưới thời Pháp thuộc, dường như chỉ giới hạn trong khu vực Phan Rang và Phan Rí mà sử liệu viết bằng tiếng Chăm (CM 37-29) cho đây là cuộc nổi dậy chống lại phong trào Bieng Theng, tức là Văn Thân (Cần Vương). Cuộc vùng dậy này xảy ra vào lúc có sự hiện diện của người Pháp, đặc biệt nhất là ông E. Aymonier được bổ nhiệm vào năm 1866 làm công sứ Pháp của tỉnh Bình Thuận, một khu vực có sự họat động mạnh mẽ của phong trào Cần Vương (1885-1895).
    Sau khi phác họa các cuộc hành quân chống lại Cần Vương, E. Aymonier đã thành công bình định chỉ trong vòng 5 tuần lễ những khu vực từ Bình Thuận cho đến Khánh Hòa (C. Fourniau, Annam-Tonkin 1885-1896. Lettrés et paysans vietnamiens face à la conquête coloniale, Paris, L'Harmattan, 1989, trg. 63-67). Cũng vì người Kinh không ngừng áp bức họ, dân tộc Chăm phải ngã theo phe ông E. Aymonier để chống lại phong trào Cần Vương. Kể từ đó, chính quyền Pháp trang bị vũ khí cho các làng mạc người Chăm, đưa ra chính sách xây dựng lại thôn ấp của nhóm người thiểu số này và ban cho họ nền tự trị hành chánh nhằm giúp họ tự giải phóng ra khỏi sự kìm kẹp của chế độ Việt Nam (CM 60). Kể từ đó, dân tộc Chăm không còn lo âu đến sự khủng hoảng giữa họ và triều đình Huế nữa.
Sau cuộc chia đôi Việt Nam thành hai quốc gia có chủ quyền vào năm 1955, người ta lại chứng kiến thêm những cuộc vùng dậy tại miền trung Việt Nam. Các phong trào vùng dậy này không những tập trung những thành viên gốc người Chăm mà cả người Thượng, nhất là dân tộc Ê Ðê (Rhadé), tức là chủ đất đai của khu vực Tây Nguyên mà chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã trưng dụng để làm khu định cư cho những người Việt tị nạn, từ khi miền bắc bị rơi vào tay của cộng sản. Ngay từ lúc mới đến định cư, những người Kinh di cư này bắt đầu tước đoạt đất đai của người Thượng và xem họ như là nhóm người thiếu văn minh, một thái độ tương tự như nhà Nguyễn đã từng áp dụng cho người Chăm tại vùng duyên hải vào các thế kỷ XVII, XVIII và XIX. Ðể trả lời cho chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với dân tộc thiểu số, những người Thượng đứng ra tổ chức Mặt Trận Giải Phóng Người Thượng (Front de Libération des Montangards - FLM), sau này là Bajaraka vào năm 1958, một phong trào đấu tranh để bảo vệ quyền lợi và đòi lại việc trao trả đất đai của họ.
    Thay vì giải quyết một cách thích đáng những nguyện vọng của người Thượng, chính quyền Sài Gòn lại sử dụng sức mạnh của quyền lực để đối xử với họ càng ngày càng tệ hơn, khiến một số thành viên của Bajaraka phải gia nhập vào Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (FNL) thân Cộng và một số khác tham gia Mặt Trận Giải Phóng Champa, sau này là Mặt Trận Giải Phóng Cao Nguyên Champa (Front de Libération du Champa / Front de Libération des Hauts Plateaux du Champa - FLC/FLHPC), tức là một trong 3 thành viên của Mặt Trận Thống Nhất Giải Phóng Dân Tộc Bị Áp Bức (Front Unifié de Lutte des Races Opprimées) viết tắt là FULRO. Phong trào này đặt dưới quyền điều hành bởi một vị lãnh tụ có uy tín lớn, đó là Y Bham Enuôl. Năm 1964, Fulro chiếm tỉnh Darlac (Ðak Lak) và sau đó tìm cách thương thuyết với phính phủ Sài Gòn để đi đến một thỏa hiệp nhằm bảo đảm sự sống còn của người Thượng, nhưng bị thất bại (Po Dharma và Mak Phoeun,Du FLM au FULRO, Paris, Les Indes Savantes, 2006). Kể từ năm 1968, mặt trận này không còn sức mạnh quân sự như lúc ban đầu vì có sự nhúng tay của nước ngoài.
16. Tổ chức chính trị Champa
     Cũng giống như các quốc gia nằm trong khu vực vào thời kỳ Ấn Giáo và những giai đoạn tiếp theo, Champa là một vương quốc dựa vào quân chủ chuyên chế để làm mô hình tổ chức chính trị của mình. Nhưng Champa không phải là một quốc gia trung ương tập quyền như một số nhà khoa học thường hiểu lầm, mà là một quốc gia liên bang tập trung nhiều tiểu vương quốc (principauté) gồm có: Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga. Mỗi tiểu vương quốc được chia thành các đơn vị hành chánh đặt dưới quyền quản lý chung của tiểu vương.
     Ðứng đầu của liên bang Champa là vị thủ lãnh đóng đô tại Vijaya từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV mang danh hiệu là rajadiraja (vua của các vua), tức là nhân vật duy nhất có quyền nhận lễ đăng quang (abhiseka) để lên ngôi vua của liên bang mà bia ký thường ghi lại. Nghi lễ này được tổ chức tại thủ phủ Vijaya, một địa điểm nằm lân cận thành phố Qui Nhơn hiện nay. Ðây là một qui chế chính trị không phù hợp cho lắm với ước vọng của Panduranga, một tiểu vương quốc ở miền nam lúc nào cũng tìm cách tách rời ra khỏi liên bang Champa để tạo dựng cho mình một quốc gia độc lập riêng.
     Tất cả các vị vua Champa đều là những người xuất thân từ giai cấp Ksatriya (giai cấp quí tộc, tướng lãnh quân sự) hay là những Brahman-Ksatriya (tu sĩ-quí tộc). Khi đã lên ngôi, họ thường đặt một tầm mức quan trọng vào việc thần thánh hóa bản thân của mình. Mỗi vị thủ lãnh tự xưng mình là vua của vương quốc Champa, nhưng đồng thời là hiện thân của một vị thần, thông thường nhất là hiện thân của đấng Siva. Chính vì thế, vua Champa thường ra lệnh tạc tượng mang hình thể cá nhân của mình nhưng lại đeo các đồ trang sức của vị thần linh. Mỗi vị vua thường đặt cho mình một tên gọi mang tính cách tôn giáo bên cạnh danh xưng chính thức của triều đại (L. Finot, “Stèle de Cambhuvarman à Mĩ-sơn”, trongBEFEO III, 1903, trg. 210-211). Vua chúa Champa là biểu tượng cho quyền lực và vinh quang trong một quốc gia mà các bia ký thường tôn vinh qua những lời tâng bốc đôi khi rất là quá đáng. Nhưng mô hình chính trị này cũng không ngăn cấm được vào thế kỷ XII và XIV một số hoàng tử thường đứng ra chống lại uy quyền của nhà vua hoặc tìm cách lật đổ chính quyền Champa, như trường hợp Indravarman V và Maha Quí Ðô đã từng nhúng tay vào cuộc đảo chánh nhằm chiếm quyền ngôi vua tại vương quốc này. Các cuộc tranh chấp quyền hành giữa các vị hoàng tử cộng thêm sự khủng hoảng chính trị triền miên giữa miền bắc và miền nam Champa cũng là nguyên nhân đã làm suy yếu đi ý thức hệ đoàn kết của vương quốc này. Ðiều này đã giải thích rằng quyền lực của vua chúa phải nằm trên pháp lý của một quốc gia mà lịch sử của Champa thường chứng minh điều đó. Vào những giai đoạn xáo trộn và giao thời, các nhà vua thường chọn sức mạnh của quyền lực như là chính sách ưu tiên để trấn áp đối phương và củng cố ngai vàng. Họ chỉ bận tâm đến những biến cố chính trị mang tích cách thời sự có thể làm lung lay oai quyền của triều đình hơn là lo nghĩ đến vấn đề xây dựng một thể chế chính trị dựa vào hiến pháp của một quốc gia. Vào những giai đoạn yên bình, các vua chúa Champa thường lo đảm bảo trật tự và an ninh trong nước hầu né tránh những việc tranh chấp chống lại uy quyền của nhà vua.
    Nhằm đảm bảo việc điều hành quốc gia và tăng cường quyền lực của mình, các vị quốc vương Champa thường thành lập một nội các chính phủ tập trung một số quan thần cao cấp (hauts dignitaires) chứ không phải các vị bộ trưởng trong nghĩa rộng của nó. Bên cạnh đó, vua chúa Champa còn có một hệ thống khuê phòng gồm có các bà hoàng hậu và nhiều cung phi mỹ nữ. Các quan lại trong nội các thường là những nhân vật xuất thân từ giai cấp thượng lưu có ảnh hưởng lớn trong quốc gia, với mục đích nhằm biến họ thành một tập thể luôn luôn trung thành với vua.
     Cho đến hôm nay, người ta không biết thế nào là danh xưng và quyền hạn của các vị quan lại cao cấp trong nội các Champa. Ngược lại, nhiệm vụ chính yếu của họ là quản trị ngành thu thuế, huấn luyện bộ binh và thủy binh để chuẩn bị cho việc chinh chiến. Mối ưu tư lớn nhất của mỗi vị quốc vương Champa là nguồn kinh phí quốc gia. Chính vì thế thuế má là yếu tố cần thiết trong việc phát triển ngân khố của hoàng gia hầu nâng cao cuộc sống của các quan đại thần trong vương quốc, nuôi dưỡng quân đội, xây dựng các công trình dẫn thủy nhập điền, thiết kế các cung điện hoặc xây dựng các đền đài tôn giáo để làm nền móng cho uy quyền của mình. Tiếc rằng, các nhu cầu chi phí thường vượt quá khả năng cung ứng của quốc gia, bởi do sự nghèo khó của dân chúng và sự miễn thuế dành cho các trung tâm tôn giáo mà một số bia ký của Ðồng Dương thường nêu ra (L. Finot và E. Huber, BEFEO IV, 1904, trg. 89 và 95; BEFEO V, 1905, trg. 280, 281). Ðể phục hồi ngân khố nhà nước, một số quốc vương Champa phải nghĩ đến các chiến dịch đánh phá các nuớc láng giềng, nhất là vương quốc Ðại Việt, hoặc áp dụng vũ lực để đánh thuế các tàu bè di chuyển trong hải phận của mình. Vì nhu cầu cần thiết trong chính sách phòng thủ quốc gia, vua chúa Champa thường đặt mọi trọng tâm vào vấn đề xây dựng một đội ngũ lục quân và hải quân hùng mạnh mà hình ảnh của các binh sĩ, các động vật tham chiến và các chiến cụ vẫn còn lưu lại trên các bức phù điêu tại đền Angkor Vat, Bayon (Angkor) và Banteay Chmar của vương quốc Campuchia (M. Jacq- Hergoualc’h, L’armement et l’organisation de l’armée khmère aux XII et XIII siècles, Paris, PUF, 1979).
     Sau ngày sụp đổ nền văn minh Ấn Giáo ở miền bắc vào năm 1471, vương quốc Champa ở miền nam vẫn tiếp tục hiện hữu, nhưng lại từ bỏ mọi thể chế chính trị vây mượn từ Ấn Ðộ rất có hiệu lực cho đến thế kỷ thứ XV, để thay thế vào đó một hệ thống tổ chức quốc gia hoàn toàn mới mẽ, dựa vào truyền thống bản địa của Kauthara và Panduranga, pha lẫn với một số yếu tố của thế giới Mã Lai, một khu vực mà vương quốc Champa đã hòa nhập vào kể từ cuối thế kỷ thứ XV qua các mạng lưới thương mại hàng hải nối liền với các hải cảng nằm trên bờ biển Nam Hải của Trung Hoa (D. Lombard,Le Carrefour javanais. Essai d’histoire globale: II. Les réseaux asiatiques, Paris, Editions de l’EHESS, 1990). Kể từ đó, các quốc vương Champa ở miền nam từ bỏ hoàn toàn quan niệm thần thánh hóa bản thân của mình như thời xa xưa để trở thành các nhà lãnh tụ chính trị điều hành quốc gia trong nghĩa rộng của nó. Ðây cũng là thời điểm đánh dấu cho sự ra đời của một khái niệm chính trị rất mới mẻ trong đó quyền lực của một chính quyền chỉ dựa vào sự giàu có và thịnh vượng của một quốc gia mà thôi. Kể từ đó, Champa không còn chú tâm nhiều đến việc phát triển nông nghiệp cổ truyền như vào thời Ấn Giáo nữa mà là tìm cách làm chủ hệ thống trao đổi kinh tế giữa những hải cảng lớn nằm trong khu vực. Chính vì thế, các quốc vương Champa đã biến hệ thống thương mại hàng hải thành một tổ chức độc quyền của nhà vua và đã nhiều lần trở thành các đại thương gia giống như các quốc vương Mã Lai thường áp dụng.
     Nhằm phát triển mạnh hệ thống kinh tế mới này, các quốc vương Champa sau thế kỷ thứ XV thường tuyển chọn vào giai cấp điều hành quốc gia của mình một số nhân vật gốc người Ða Ðảo nhằm nắm giữ các chức vụ cố vấn kinh tế cho hoàng gia Champa cũng như việc thiết lập và phát triển các mối quan hệ với các thương gia, các người lái tàu, các đại diện chủ hàng và nhất là mối quan hệ với nước ngoài mà các tài liệu Champa cũng như các lời tường thuật của các nhà thương thuyền Tây Phương thường kể lại. Cũng nên nhớ rằng, vào giữa thế kỷ XVI và XVIII tiếng Mã Lai là ngôn ngữ ngoại giao rất thông dụng ở vùng Ðông Nam Á Châu. Vì rằng tất cả các cuộc trao đổi kinh tế chính trị qua các cuộc đối thoại hay viết thành văn bản chính thức giữa các quốc gia nằm trong khu vực hay với những người Tây Phương đều thực hiện bằng ngôn ngữ Mã Lai. Hiệp ước giữa vương quốc Campuchia và Hòa Lan ký vào năm 1656 nhưng viết bằng tiếng Mã Lai là một thí dụ điển hình. Chính vì thế, trong triều đình của các quốc gia nằm trong khu vực Ðông Nam Á Châu thời đó thường có những người nói tiếng Mã Lai rất thông thạo. Họ phải là những người Mã Lai chính thống mới có thể nói rành tiếng mẹ đẻ của họ và có khả năng để đọc cả văn bản viết bằng tiếng Ả Rập. Bên cạnh những người Mã Lai giữ vai trò cố vấn, vua chúa Champa thường tuyển chọn vào triều đình của mình những quan lại gốc người Chăm Ahier (tạm gọi là Bà La Môn) và bắt đầu từ thế kỷ XVII cả người Chăm Bani (Hồi Giáo không chính thống) và kể cả người Tây Nguyên như sắc dân Eđê, Churu và Raglai, tức là dân tộc nói tiếng nói Ða Ðảo. Mỗi sắc dân phục vụ trong triều đình Champa thường đóng vai trò riêng biệt trong tổ chức tôn giáo, quân sự, tài chánh (kiểm soát việc thu thuế, v.v..), kinh tế (kiểm soát việc đãi vàng, v.v..) và hành chánh.
    Hệ thống tổ chức chính trị mới này đã diễn ra tại miền nam Champa cho đến giữa thế kỷ thứ XVII. Kể từ đó, vua chúa nhà Nguyễn, sau khi đặt quyền bảo hộ trên lãnh thổ Panduranga, đứng ra chọn lựa những nhà cầm quyền Champa rất thân cận với mình hầu kiểm soát họ chặt chẽ hơn bằng cách ban cho họ những vương hiệu tối cao với mục đích dỗ dành họ phải phục tùng oai quyền của triều đình Huế. Tình trạng này kéo dài trong suốt cuộc nội chiến giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn từ năm 1771 cho đến năm 1802. Trong khoảng thời gian này, các quốc vương Champa nắm quyền cai trị đất nước mất hết tất cả quyền hành và chỉ hành động như kẻ múa rối theo chiêu bài của nhà Nguyễn, nhưng họ vẫn còn tồn tại trên ngai vàng cho đến khi hoàng đế Minh Mệnh quyết định khai trừ họ và xóa bỏ danh xưng Panduranga-Champa ra khỏi bản đồ vào năm 1832.

17. Champa Ấn hóa
    Sau nền văn minh của thời kỳ đá mới (néolithique) được xem như là giai đoạn sáng chói nhất, người ta phải nói đến nền văn minh của thời đại đồng thiếc (bronze) từ Trung Hoa tràn xuống pha trộn với một vài ảnh hưởng của văn hóa Ðồng Sơn. Thời đại này bất đầu đưa khu vực miền trung và nam của vùng duyên hải Trung Việt vào một không gian mới của thời tiền sử kể từ thế kỷ thứ VI trước Công Nguyên. Sau thời đại của đồng thiếc (bronze), khu vực vùng duyên hải Trung Việt đã từng có một nền văn minh cực thịnh, bắt đầu tiếp thu thêm một nền văn minh mới nữa từ Ấn Ðộ truyền sang kể từ thế kỷ đầu của Công Nguyên.
      Cho đến hôm nay, người ta không tìm thấy những dấu tích cổ nói đến lịch sử của sự phát triển Ấn Giáo trên lãnh thổ mang tên là vương quốc Champa. Ngược lại, người ta chỉ biết các thương thuyền và nhà buôn Ấn Ðộ chuyên đi tìm vàng đã từng đến vùng đông-nam và trung-đông của bán đảo Ðông Dương vào đầu thế kỷ Công Nguyên càng ngày càng đông đảo. Họ thường thiết lập các trạm giao thương buôn bán tại các vùng ven biển có đông dân cư sinh sống. Sự hiện diện của những tu sĩ (Brahman) và giai cấp thượng lưu (Ksatriya) của Ấn Ðộ đã biến các trạm giao thương này trở thành trung tâm truyền bá nền văn minh Ấn Giáo vào cộng đồng của người dân bản địa (G. Coedès, Les États hindouisés d’Indochine et d’Indonésie, Paris, De Boccard, 1964, trg 44-72). Người ta cũng không biết lúc nào nền văn minh Ấn Giáo trở thành một tôn giáo thịnh hành trong khu vực này, mặc dù một số nhà nghiên cứu cho rằng sự phát triển của Ấn Giáo chỉ bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ IV. Người ta vẫn không biết sự du nhập Ấn Giáo vào Champa qua hệ thống đường biển hay là theo đường bộ như trường hợp của khu vực nằm ở phía nam của bán đảo Ðông Dương (tức là Funan và bán đảo Mã Lai). Quá trình Ấn Hóa (indianisation) này chắc chắn đã giúp cho những nhà tăng lữ Bà La Môn du nhập một cách dễ dàng vào cuộc sống dân bản địa Champa, một cộng đồng đã từng sẵn có một nền văn minh hưng thịnh nhằm xây dựng lại cho mình một nền móng chính trị vững chắc hơn dựa vào hệ thống của Ấn Giáo. Hoàn toàn trái ngược hẳn với lý thuyết đã từng đưa ra gần một thế kỷ qua, Ấn Giáo là hệ thống tôn giáo chỉ giành cho một số giai cấp xã hội ở vương quốc Champa mà thôi, chứ không phải là một tín ngưỡng quần chúng dành cho mọi tầng lớp của người dân bản địa Champa thời đó. Trên thực tế, Ấn Giáo chỉ đặt nền tảng vào cộng đồng người dân bản xứ có mối quan hệ chặt chẽ với các người Ấn nhập cư, đặc biệt là cộng đồng của người bản địa Champa thuộc đẳng cấp cao, chấp nhận tiếp thu nền văn minh Ấn Ðộ và gò mình vào nếp sống của họ. Ðây là hiện tượng đã từng xảy ra vào thế kỷ thứ XV và cho phép người ta đưa ra kết luận rằng chỉ có một thiểu số thuộc tầng lớp của giai cấp thượng lưu Champa mới có quyền theo Ấn Giáo trong khi đó đa số thần dân Champa còn lại chỉ tiếp thu một số yếu tố tín ngưỡng mang tính cách kỹ thuật được sơn phết lên trên một lớp mỏng của màu sắc Ấn Giáo mà thôi. Vì rằng đa số quần chúng Champa vẫn tiếp tục duy trì truyền thống và bản sắc văn hóa riêng tư khá tiến bộ của họ đã có sẵn trước khi người Ấn chưa xâm nhập vào vương quốc này. Kể từ đó, người ta thường nghĩ rằng Ấn Giáo là một tín ngưỡng đặc quyền chỉ dành cho giai cấp lãnh đạo Champa thường dựa vào đó để áp đặt nền thống trị của họ lên trên thành phần của xã hội nơi mà họ đã từng xuất thân.
    Cũng nhờ sự phát triển của nền Ấn Hóa (indianisation), các tầng lớp lãnh đạo Champa đã dựa vào mẫu tự của devanagari của Ấn Ðộ để sáng chế cho mình một loại chữ viết riêng và có cơ hội để sử dụng Phạn ngữ cho đến năm 1253. Và giai đoạn Ấn Hóa (indianisation) này đã mang lại cho vương quốc Champa hai nền giáo lý rõ rệt đó là Shiva Giáo và Phật Giáo và một hệ thống tổ chức xã hội dựa vào sự phân chia quần chúng thành bốn giai cấp xã hội cha truyền con nối, được tồn tại cho đến thế kỷ thứ XV (L. Finot, “Les inscriptions de Mĩ-sơn XVI” trong BEFEO IV, 1904, trg. 950). Nền văn minh Ấn Hóa này còn cung cấp thêm các tác phẩm văn học về tôn giáo, sử thi (épic), văn chương kỹ thuật cũng như hệ thống quân chủ cấu thành một nền tảng của tổ chức quốc gia Champa Ấn Hóa và còn tồn tại dưới thời Champa bản địa (Champa indigène) sau thế kỷ XV.
     Liên quan đến khu vực miền cao, các tài liệu cho thấy rằng vào những thế kỷ đầu của Tây Lịch, dân chúng Tây Nguyên chưa tiếp thu những ảnh hưởng của Ấn Giáo và cuộc sống của nhóm tộc người này vẫn còn ở trong tình trạng kém mở mang. Mãi cho đến lúc bia ký Batau Tablah (gần thôn Văn Lâm, Phan Rang) viết vào thế kỷ XII cho rằng các dân tộc «Randaiy (Rhadé), Mada, Mleccha và các người dân lạc hậu khác» chấp nhận thần phục vương quốc Champa. Kể từ đó, dân tộc Tây Nguyên thuộc gia đình ngôn ngữ đa đảo (austronesien) mới bắt đầu tiếp thu một nền văn hóa và kỹ thuật mới do dân tộc Chăm truyền sang, đã giúp họ tự biến hóa từ nhóm người lạc hậu (Mleccha) sang hình thái xã hội của dân tộc miền núi (Kirata). Quá trình lịch sử này đã cho phép dân tộc Tây Nguyên phát triển nhiều mối quan hệ rất là chặt chẽ với dân tộc Chăm mà bia ký Champa thường ghi lại, mặc dù bia ký này cũng như các đền đài của Champa Ấn Giáo tìm thấy trên cao nguyên không bao giờ nói rõ dân tộc Tây Nguyên đã hòa nhập vào giai cấp xã hội Champa Ấn Hóa như người Chăm sinh sống ở vùng duyên hải hay không ?
18. Nguồn gốc dân tộc Champa
   Hoàn toàn trái ngược với các lý thuyết đã đưa ra gần một thế kỷ qua, vương quốc Champa không những bao gồm các phần đất nằm ở ven biển của miền trung Việt Nam hiện nay mà kể cả dẫy Trường Sơn (Codillère Annamitique) và vùng cao nguyên tiếp nối với nó. Dựa vào yếu tố địa dư này, người ta đưa ra kết luận rằng dân cư Champa kết hợp không những người dân sinh sống ở vùng đồng bằng mà còn bao gồm cả dân cư của vùng cao nguyên, thường gọi là người Thượng (Montagnards) hay là người bản xứ Ðông Dương (Proto-Indochinois). Chính vì thế, vương quốc Champa không phải một là đất nước riêng của người Chăm mà là một quốc gia đa chủng gồm cả dân tộc Tây Nguyên, trong đó mỗi sắc dân thường đóng một vai trò riêng biệt trong tiến trình lịch sử của vương quốc này mà chúng tôi sẽ trình bày ở phần dưới đây.
   Vào đầu kỷ nguyên của Tây Lịch, người ta không biết nhiều về nguồn gốc dân cư sinh sống trong lãnh thổ xưa kia của Champa. Các bản văn Trung Hoa được xem như là nguồn sử liệu duy nhất nhưng cũng chỉ nói một cách sơ lược liên quan đến dân tộc sinh sống trong khu vực nằm giữa Hoành Sơn (Porte d’Annam) và đèo Hải Vân. Theo tài liệu này, đây là khu vực nằm về phía nam của biên giới Trung Hoa mà dân cư bao gồm một số người Trung Hoa nhập cư và đa số còn lại chiếm phần quan trọng là dân bản địa ở vùng ven biển và trên cao nguyên có cuộc sống rất gần gũi với nhau. Theo tác phẩm Jinshu (trang 57, 4b. Bản dịch của Paul Pelliot), “những người bản địa này cấu thành từng nhóm biết hỗ trợ lẫn nhau”. Hơn nữa các tài liệu trên gọi họ là dân tộc “man rợ” (barbare), vì rằng đối với tác giả Trung Hoa thời đó, tất cả những ai không phải là người Trung Hoa hay không mang sắc thái của nền văn minh Trung Hoa đều bị gán cho cụm từ là “người man rợ”. Tài liệu trên cũng qui luôn cả người Khu Liên (Qulian) vào nhóm “man rợ” này, một thuật ngữ để ám chỉ cho tộc người có nước da rám nắng.
Riêng về dân tộc sinh sống trên lãnh thổ nằm về phía nam của núi Bạch Mã (Huế), một số tài liệu khảo cổ đã nêu ra vài chi tiết khá rỏ ràng hơn. Theo tài liệu này, các hài cốt dưới thời thượng cổ được tìm thấy trên Tây Nguyên nằm về phía tây của dẫy Trường Sơn là những hài cốt của người bản địa Mã Lai (Proto-Malais) có sọ đầu dài (dolichocé phales) với thân hình vạm vỡ. Ngay từ thời kỳ đá mới (néolithique), họ là dân bản địa Ðông Dương (Proto-Indochinois) duy nhất đã từng làm chủ khu vực Tây Nguyên và tồn tại cho đến giữa thế kỷ XX. Bên cạnh đó, người ta cũng tìm thấy các hài cốt ở vùng ven biển có nguồn gốc nằm trong thành phần dân bản địa Mã Lai (Proto-Malais) có đầu dài và di trú đến Champa đợt thứ hai nhưng lại pha trộn với một số yếu tố của chủng tộc Mông Cổ do các người nhập cư gốc Trung Hoa mang đến. Vào thời kỳ đá mới (néolithique), sau khi tiếp thu nhiều nguồn văn minh của thời tiền sử vào đầu kỷ nguyên Tây Lịch, những người bản địa Mã Lai (Proto-Malais) này đã trở thành một tập thể chủng tộc mà người Âu Châu thường dùng thuật ngữ Việt Nam để gán cho họ là người Chăm, trong khi đó cụm từ “Chăm” hoàn toàn bị lãng quên trong ngôn ngữ của dân tộc Tây Nguyên và cũng không bao giờ xuất hiện trong các bia ký hay trong các bản văn xưa viết bằng tay tại vương quốc Champa. Cụm từ thường sử dụng để ám chỉ cho thần dân của vương quốc Champa xưa kia là Urang Champa (urang = người, cá nhân) chứ không phải là Urang Cham tức là người Chăm như một số nhà khoa học thường hiểu lầm. Hơn một thế kỷ qua, cũng vì việc sử dụng từ “Chăm” là cách nuốt âm (apocope) của từ “Champa” để ám chỉ một sắc dân cư ngụ từ xưa tại vùng duyên hải Champa đã trở thành một thông lệ, thành ra người ta tiếp tục dùng từ “Chăm” này với ý nghĩa mang tính đặc trưng để ám chỉ chung những gì thuộc về Champa, không nhất thiết thuộc về dân tộc Chăm hôm nay.

























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét