Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Lê Cơ, người khai sáng phong trào thực nghiệm


Lê Cơ, người khai sáng phong trào thực nghiệm

Đầu thế kỷ XX, phong trào Duy tân do "bộ ba" Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp khởi xướng ở Quảng Nam rồi lan rộng miền Trung và cả nước. Bên cạnh cuộc vận động " Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh " thì việc cải cách, thực nghiệp ở nông thôn là minh chứng cho việc đưa chủ thuyết duy tân vào đời sống xã hội, nó là hậu phương vững chắc của phong trào - mà người đầu tiên trong phạm vi cả nước đã tiến hành cuộc cải cách vĩ đại ấy là Lê Cơ ở làng Phú Lâm, Quảng Nam. 
 
   Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công cửa Hàn - Đà Nẵng, mở đầu xâm lược Việt Nam, một năm sau, năm 1859(1) Lê Cơ sinh ra ở làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương(2) nay thuộc xã Tiên Sơn huyện Tiên Phước trong một gia đình trung nông. Lúc còn nhỏ, do gia đình khá giả nên từ nhỏ ông được ăn học chu đáo, nhưng vì sống ở vùng miền núi bán sơn địa khó khăn cách trở nên ông chỉ học đến trường Ba(3), từ đó ông không đi thi tú tài, chỉ ở làng làm nông. Lê Cơ vốn tính tình bộc trực, ngay thẳng, không sợ cường quyền, trong thời gian thôi học về nhà, ông đã nhiều lần thưa kiện bọn cường hào tới tận tòa tỉnh.
Đầu thế kỷ XX, tư tưởng dân chủ, dân quyền ở các nước Nhật, Trung Quốc và Châu Âu thâm nhập vào giới sĩ phu Việt Nam. Năm 1903, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp khởi xướng cuộc vận động Duy Tân, lúc này tại làng Phú Lâm, Lê Cơ ra nhận chức lý trưởng, ông suy nghĩ “ Túng bất năng hành chi thiên hạ, do khả nghiệm chi nhất hương” (Nếu không làm được việc lớn cho thiên hạ thì cũng làm những việc đúng trong một làng ). Từ đây, Lê Cơ được nhân dân gọi tên thân mật là Cụ Xã Sáu. Với chí hướng ấy và tiếp thu tư tưởng dân chủ, hơn nữa làng Phú Lâm lại là nơi gần làng Thạnh Bình, quê của Huỳnh Thúc Kháng và đặc biệt Lê Cơ rất gần gủi với Tây Hồ Phan Châu Trinh bởi vì cụ Phan là người anh em cô cậu với ông(4).
Trong bối cảnh nước nhà bị nô lệ, nạn cường quyền áp bức làm cho đời sống nhân dân cơ cực, Lê Cơ nhận thấy việc cải cách xã hội, làng xã là việc cần thiết trước hết là để tự cường, sau đó là xây dựng nền dân chủ để cứu nước. Lê Cơ đã sớm hưởng ứng tham gia phong trào Duy Tân và cho đến khi thực sự nắm quyền ở làng, ông mới có điều kiện bắt tay thực hiện công cuộc cải cách trọng tâm là lập trường tân học, mở mang dân trí cho dân. Ngày 25/12/1903, Lê Cơ đưa đơn lên tri phủ Thăng Bình xin mở tiệm buôn tạp hóa và trường dạy chữ quốc ngữ.  
Được đồng ý, ông hô hào nhân dân trong xã đóng góp tiền của, công sức xây dựng một trường học ở phái giữa(5) làng Phú Lâm. Ngày 30/4/1904, trường quốc ngữ Phú Lâm khai giảng dạy nam giới học, ban ngày dạy thanh niên, tối dạy trung niên, ngày chủ nhật dân trong làng và các vùng lân cận đến nghe diễn thuyết, nghe thơ, nghe nói vè, đánh cờ... Năm 1915, số người trong làng và vùng xung quanh xin học quá đông, Lê Cơ lập thêm 4 trường ở 4 phái dạy nam giới học chữ quốc ngữ, trường phái giữa chuyển sang dạy nữ thanh thiếu niên. Chương trình học lúc bấy giờ gồm nhiều môn như lịch sử, địa lý, hát, vẽ, toán đố. Dần dần một số thanh niên được học tiếng Pháp và tiếng Nhật, đặc biệt trường Phú Lâm còn dạy quân sự, rèn luyện sức khoẻ cho học sinh dưới hình thức thể thao, luyện võ. Lúc này, học sinh của trường trai gái trên 100 người, việc học tập ở trường tân học Phú Lâm càng phát triển mạnh mẽ, nếu năm 1905 ở Phú Lâm chỉ có vài ba người biết chữ thì sau 3 năm mở trường tân học, năm 1908, trong 1.200 dân của xã, với khoảng 850 người từ 14 tuổi trở lên thì đã có hơn 650 người biết đọc, biết viết thông thạo chữ quốc ngữ(6).
Trường Phú Lâm trở thành trường tân học đầu tiên của phong trào Duy Tân và cũng là trường đầu tiên ở Quảng Nam và cả nước dạy nữ học sinh. Ngoài việc thành lập trường Phú Lâm, Lê Cơ tham gia cùng với các nhân sĩ Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh vận động thành lập trường Dục Thanh (trường tân học ở Phan Thiết) và Công ty Liên Thành vào năm 1906.
Tại quê hương ông, làng Phú Lâm, Lê Cơ cũng tích cực thực hiện cải cách xã hội. Ban đêm, ông tổ chức họp dân theo từng phái để diễn thuyết, đọc cho dân nghe những bài thơ cổ súy tinh thần yêu nước, vận động mọi người mặc áo tây, cắt tóc ngắn và chính ông là người đứng đầu trong hội mặc đồ tây ở Quảng Nam. Tháng 5 năm 1904, ông kêu gọi nhân dân góp  cổ phần thành lập Thương hội bình dân, có Ban trị sự phân công người đem nông sản đi bán các nơi và mua hàng hóa ở Tam Kỳ, Hội An về bán lại cho dân trong vùng, riêng các loại hàng giấy mực chỉ bán một số ít, chủ yếu cấp không cho dân nghèo đi học. Khi trường tân học Phú Lâm đã hoạt động ổn định, hưởng ứng chủ trương của phong trào Duy Tân mở rộng mô hình ra các địa phương khác, Lê Cơ cho người vừa đi mua bán vừa liên lạc tiếp xúc với các sĩ phu yêu nước để vận động cho phong trào.
Trước thực trang người nông dân bị thực dân phong kiến bóc lột, sưu cao thuế nặng, không có ruộng cày phải đi làm thuê, Lê Cơ đã nghĩ ra phương cách sản xuất tập thể với tên gọi Nông đoàn, Hợp xã do một Ban trị sự quản lý, điều hành sản xuất. Nông đoàn ban đầu canh tác số ruộng vườn do Lê Cơ và một số người tích cực trong làng hiến, sau đó nông dân tiếp tục vỡ hoang phát triển thành những khu vườn rộng lớn trồng trọt cây lâu niên và cây ăn quả. Mô hình hoạt động của Hợp xã cũng giống như Nông đoàn bao gồm các đám ruộng do dân tự nguyện hiến, ruộng công hoặc ruộng đổi, ruộng mua tập hợp thành một quỹ đất để dân nghèo cày cấy chung. Hoa lợi của Nông đoàn, Hợp xã được đem bán lấy tiền mua sắm nông cụ, chi tiêu vào việc công ích, chi cho nông dân tính theo công người, công trâu; đối với những người tàn tật, già yếu và thợ thủ công cũng được chia một phần. Số lợi tức còn lại đem bán lấy tiền nộp thuế, ủng hộ việc xuất dương du học và nuôi cơm thầy giáo dạy học, mua giấy mực cấp cho học sinh nghèo, đón tiếp các nhân sĩ yêu nước khi đến Phú Lâm trao đổi, nghiên cứu, học tập công cuộc cải cách. Ngoài ra, để khuyếch trương công nghệ, ông thành lập lò rèn, lò gạch, lò gốm(7), xưởng mộc trong làng để sản xuất phục vụ nhân dân và trao đổi buôn bán với bên ngoài.
Thời kỳ này, Phú Lâm thực sự trở thành trung tâm điểm thực hành cải cách ở Việt Nam, làng Phú Lâm như một đơn vị kinh tế độc lập, phát triển mạnh về sản xuất, kinh doanh buôn bán, nghề thủ công và trình độ dân trí, dân quyền được nâng lên rất nhiều so với trước, làng Phú Lâm như là một đơn vị hành chính riêng lẽ không bị phụ thuộc chính quyền thực dân phong kiến, mọi công việc trong làng đều do Lê Cơ và những sĩ phu yêu nước điều hành hoạt động, người dân thực sự sống trong xã hội dân chủ, no ấm và hạnh phúc.
Mặc dù việc làm cải cách trong làng theo chủ thuyết Duy Tân, nhưng tư tưởng của Lê Cơ vẫn âm thầm chuẩn bị cho bạo động. Để bảo vệ làng xã và tránh sự can thiệp của thực dân phong kiến, Lê cơ cho dân làng cắm biển yết thị giờ giấc ra vào tại các cổng ngõ, dựng điếm canh bên trong đặt cùm sắt để răn đe kẻ phi pháp. Ông thành lập một đội tuần đinh lấy tên là Đoàn Kiết, chia thành nhiều tổ, mỗi tổ 10 người để tuần phòng làng xã vào ban đêm, lúc rổi ông còn đến thăm công việc sản xuất, việc ăn ở vệ sinh theo đời sống mới, việc luyện tập võ nghệ, quân sự của các gia đình trong làng.
Công việc cải cách tại làng Phú Lâm đang tiến triển thì một số kẻ ganh ghét báo với thực dân Pháp rằng ông mưu đồ chống chính phủ bảo hộ, Tri phủ Lê Bá Đằng đến Phú Lâm định thu giấy phép mở trường học, nhưng Lê Cơ phản đối quyết liệt, kiện tòa công sứ Pháp tại Hội An. Tại tòa sứ, trước lý lẽ thuyết phục của Lê Cơ về dân sinh, dân quyền, mở mang dân trí cho nhân dân, Công sứ Charles và Tổng đốc Nguyễn Hữu Thảng buộc phải cho phép ông tiếp tục thực hiện công việc. Phong trào cải cách ở Phú Lâm phát triển mạnh, trong nước đều nghe tiếng, các nhà yêu nước ở Nghệ An như Lương Văn Can, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế và nhiều người khác đến Phú Lâm học tập, đồng thời lúc này ở các tổng thuộc Tiên Phước và một số huyện trong tỉnh cũng có các nhà yêu nước tiến bộ như Lê Vĩnh Huy ở Thạnh Bình, Phan Quang ở Cẩm Y, Nguyễn Xuân Vận ở Bình An Xuân, Trần Huỳnh ở Tân An Tây lên Phú Lâm tìm hiểu, nhân rộng phong trào. Từ mô hình trường tân học và công cuộc cải cách ở Phú Lâm, các nơi đã học tập và lần lượt cho ra đời nhiều trường tân học (tỉnh Quảng Nam có 40 trường tân học, sau đó là trường Dục Thanh, Phan Thiết thành lập năm 1906, trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Nghệ An thành lập năm 1907).
 Trước tình hình phát triển của trường tân học và công cuộc cải cách thực nghiệp ở Phú Lâm và các nơi khác trong nước, thực dân Pháp lo sợ bắt đầu chú ý đề phòng. Tháng 2 năm 1906, Pháp tiến hành đắp đường 60 km từ Hà Lam lên Việt An, ngang qua làng Phú Lâm, qua Eo Gió, vòng xuống Cẩm Khê - Tam Kỳ để phòng bị việc bạo động của Lê Cơ và quần chúng. Đúng như sự tính toán của thực dân Pháp, đầu năm 1908, cùng thời điểm với cuộc biểu tình kháng thuế cự sưu của hàng nghìn nông dân nổ ra ở Đại Lộc, lan xuống phủ Điện Bàn, Hội An, tại Tiên Phước đã bùng lên phong trào chống sưu thuế - nó là hệ quả tất yếu của chính sách cai trị hà khắc của thực dân phong kiến và sự ảnh hưởng tác động tư tưởng dân chủ của phong trào Duy Tân. Tết Nguyên đán năm đó, Lê Cơ cùng một số đồng sự Lê Tiệm, Lê Vĩnh Huy, Phan Quang, Trần Thuyết... tổ chức ăn thề tại Nà Lá (Tiên Cảnh), sau đó về họp kín ở trường học Phú Lâm bàn việc vận động học trò làm đơn, cổ động nông dân kéo xuống phủ đường Tam Kỳ xin giảm sưu thuế, đòi đổi Trần Tuệ - tên đề đốc gian ác coi việc đi phu làm đường Tam Kỳ - Trà My đi nơi khác.
Ngày 21/2/1908, gần 50 nông dân Hà Đông kéo đến phủ đường Tam Kỳ đưa 36 lá đơn. Tiếp theo đó, có sự liên kết từ trước, được tin nông dân Đại Lộc biểu tình, ngày 26 -28/3/1908, nông dân các làng thuộc tổng Vinh Quý, Phước Lợi, Chiên Đàn và các tổng khác tổ chức họp dân diễn thuyết và bàn kế hoạch biểu tình bao vây phủ đường Tam Kỳ. Sáng 30/3/1908, hàng nghìn nông dân tập trung tại các đình làng hô hào chống sưu thuế, đàn ông cắt tóc ngắn, mặc áo quần ngắn, đàn bà để tóc xõa, áo quần tả tơi, vai mang bị ăn xin, đem mỏ tre, dây dừa, đòn gánh... đi bắt bọn cường hào, sau đó kéo xuống phủ Tam Kỳ, Lê Cơ là người dẫn đầu cuộc biểu tình này. Sau khi nông dân bao vây phủ đường, Lê Cơ từ trong phủ cưởi ngựa ra báo cho họ biết Trần Tuệ trốn bên trong, lực lượng biểu tình hò hét “Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!” và đồng thanh đòi ăn gan Tuệ. Trần Tuệ hoảng sợ cực độ hộc máu chết. Dân vây phủ ba ngày đêm, sáng 4/4/1908, thực dân Pháp đem 60 lính tập giải vây, bắt Lê Cơ, Trần Thuyết, Lê Vĩnh Huy... đưa đi giam nhà lao Hội An và đàn áp khốc liệt cuộc biểu tình ở Đại Lộc cũng như ở Hà Đông, làng Phú Lâm bị 500 lính tập canh giữ, chúng triệt phá các cơ sở cải cách: trường tân học, lò chén, lò rèn, thương hội, tịch thu rộng đất của Nông đoàn, Hợp xã sung vào công điền và bắt trên 500 người về phủ Tam Kỳ. Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng bị bắt đày biệt xứ đi Côn Đảo. Lê Cơ, Lê Tiệm, Lê Kiều, Lê Vĩnh Huy và nhiều người khác bị kết án 5 năm khổ sai tại nhà lao Hội An. Năm 1913, Lê Cơ ra tù về lại Phú Lâm là lúc phong trào Duy Tân đã tan rã, một số sĩ phu yêu nước chuyển sang tham gia hoạt động trong phong trào Đông Du, không nản lòng ông tiếp tục nuôi chí đánh đổ thực dân và phong kiến.
Lúc này tại Trung Quốc, Phan Bội Châu, lãnh tụ phong trào Đông Du, thành lập Việt Nam Quang Phục Hội đã gây ảnh hưởng đến trong nước. Lê Cơ lại bí mật tiếp xúc các chí sĩ yêu nước ở Quảng Nam đứng đầu là Thái Phiên vận động khởi nghĩa nhằm " đánh đổ chế độ bảo hộ của Pháp và Nam triều, thành lập An Nam cộng hòa dân quốc, thực hiện dân quyền, bình đẳng tài sản ". Tháng 8/1915, các tổng Vinh Quý, Phước Lợi, Chiên Đàn ở Hà Đông đã thành lập Ban chỉ huy khởi nghĩa, tập trung dân binh, chuẩn bị lương thực, khí giới. Lê Cơ được cử vào Ban chỉ huy khởi nghĩa của tổng Vinh Quý, ông bí mật rèn vũ khí ở làng Phú Lâm, may trang phục, quân dụng, ông lên tận thượng nguồn sông Ô Gia (Đại Lộc) cùng Đỗ Đăng Tuyển rèn thêm vũ khí, tích trữ lương thực. Ngày 1/5/1916, cuộc khởi nghĩa nổ ra, Lê Cơ được giao nhiệm vụ cùng Thái Phiên chỉ huy tấn công cửa Nhà Đồ, Huế. Tại Quảng Nam, lực lượng khởi nghĩa được chuẩn bị trước kéo xuống bao vây phá phủ Tam Kỳ. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội bị lộ, Pháp đàn áp dữ dội, Thái Phiên, Trần Cao Vân bị chém tại An Hoà, Huế; Trần Huỳnh bị chém ở chợ Cũi, Vĩnh Điện. Lê Cơ, Lê Tiệm, Lê Vĩnh Huy, Đỗ Đăng Tuyển... bị bắt tuyên án 10 năm khổ sai đày đi Lao Bảo. Lê Tiệm, Lê Vĩnh Huy chết trong ngục, Đỗ Đăng Tuyển tự vận, còn Lê Cơ vào cuối năm 1916, tại nhà tù Lao Bảo, ông bị bắt đi làm phục dịch, đang vót tre, ông thấy một người tù bị kiết lỵ ngồi trong đám cỏ mà bọn lính tàn ác dùng báng súng đánh đập, xúc động mãnh liệt, ông cầm rựa xông đến can thiệp thì bị bắn chết, trên gương mặt còn căm giận nộ khí. Lê Cơ hy sinh lúc 57 tuổi.
 Hoạt động của Lê Cơ chỉ trong vòng 10 năm (1905 - 1915) nhưng lại rất đặc biệt, ít có nhân vật kiệt xuất nào như ông. Ông là người cải cách thực nghiệp duy tân và cũng là người tham gia tích cực bạo động - đây là một hiện tượng lạ trong con người của Lê Cơ.  Ông không chỉ dừng lại ở việc khởi đầu cải cách dân chủ trong phong trào Duy Tân, mà còn là người tiên phong trong các cuộc đấu tranh bạo động kháng thuế, cự sưu và cuối cùng là khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục hội đầu thế kỷ XX của phong trào Đông Du. Lê Cơ là người sinh ra là để hành động, mặc dù ông không có điều kiện để học hành, thi cử, nhưng ông đã đóng góp to lớn cho phong trào đấu tranh chống Pháp của dân tộc đầu thế kỷ XX - đây là bài học quý báu nhất để thế hệ sau này noi gương ông trong việc đem tri thức phục vụ cho dân tộc, cho đất nước. Nhận định về Lê Cơ, có thể lấy ý kiến của Giáo sư sử học Phan Huy Lê để thay lời kết về cuộc đời và sự nghiệp vì dân, vì nước của ông: " Tất cả mọi khẩu hiệu hành động của phong trào Duy Tân đều đi đến chỗ đề cao lòng yêu nước, đoàn kết vươn lên một thế giới mới. Những quan điểm này, khi nó còn nằm trong đầu óc một số sĩ phu thì cố nhiên là hiền lành, êm ả không bạo động... Nhưng khi nó vào với nông dân, những người đang bị khốn cùng vì sưu cao, thuế nặng, vì đi phu, đi lính, vì quan lại cường hào sách nhiễu... thì nó không còn ngoan ngoãn nữa... Nó phải được phát tiết những căm hờn đang nung nấu, nó phải lồng lên... " (8)
Một thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày thành lập trường tân học Phú Lâm - trường tân học đầu tiên ở Quảng Nam và cả nước đã để lại nhiều dấu ấn và những bài học quý báu về giáo dục dân trí, thực hiện dân chủ, dân quyền. Lịch sử dân tộc mãi mãi ghi nhận và tôn vinh làng Phú Lâm, nơi phát nguồn công cuộc cải cách bằng nhiều việc làm tốt đẹp phục vụ thiết thực cho cuộc sống dân nghèo, mà Cụ Xã Sáu Lê Cơ - vị anh hùng thảo dã - là người khởi nghiệp khai sáng.
                                                                                                                      Nhà báo Tôn Thất Hướng 
 Chú thích:
(1) Lịch sử Đảng bộ huyện Tiên Phước ghi Lê Cơ sinh ngày 22/2/1859
(2) Nay thuộc xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, cách thị xã Tam kỳ 40 km về phía Tây
(3) Thời đó, sĩ tử học xong trường Ba thì dự thi tú tài, nếu đỗ thì dự kỳ thi Hương lấy Cử nhân, sau đó thi Hội lấy Tiến sĩ, Phó bảng
(4) Bà Lê Thị Trung, thân mẫu Phan Châu Trinh, cùng quê làng Phú Lâm, là chị ruột ông Lê Tuân (thân sinh Lê Cơ)
(5) Tên gọi một khu vực địa lý nhỏ hơn làng. Ở Tiên Phước, làng chia thành nhiều phái
(6) Trần Ngọc Chương. Sơ thảo phong trào yêu nước và chống Pháp của nhân dân Tiên Phước (bản viết tay của tác giả).
(7) Trên sơ sở lò gốm của Lê Cơ, sau này vào năm 1936 -1939, Xứ ủy Trung kỳ giao nhiệm vụ cho đ/c Lê Tuất và đ/c Huỳnh Lắm xây dựng lại lò gốm tại Phú Lâm để làm kinh tài cho Đảng hoạt động, hiện còn di tích tại thôn 2, xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, Quảng Nam.
(8) Phan Huy Lê. Phong trào Duy Tân và hệ quả lịch sử. Khoa Lịch sử, ĐHTH Huế,1984
Nguồn tin: Đồng hương Tiên Phước (donghuongtienphuoc.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét