Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Khởi nghĩa Nam Kỳ 23/11/1940 và vai trò của Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương


Khởi nghĩa Nam Kỳ 23/11/1940 và vai trò của Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương

Trong thời gian từ tháng 8/1936 đến cuối năm 1939 Trung ương Đảng về đóng tại làng Tân Thới Nhứt - Bà Điểm – 18 thôn vườn trầu (Hốc Môn – Gia Định) để chỉ đạo mọi hoạt động phong trào của Đảng, phong trào cách mạng trong cả nước. Còn Xứ ủy Nam Kỳ đóng trụ sở gần đó ở Xuân Thới Thượng. Đồng chí Võ Văn Tần Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ trực tiếp lãnh đạo Đảng bộ thực hiện nghị quyết của Đảng có sự góp ý thường xuyên của Ban Thường vụ Trung ương Đảng.
Ngày 29/9/1939, Trung ương Đảng đã ra thông báo chỉ rõ: ”Mấy năm gần đây, Đảng ta còn ở thời kỳ tranh đấu thế thủ, ủng hộ các quyền tự do dân chủ đơn sơ của quần chúng và đòi các quyền tự do dân chủ rộng rãi. Hoàn cảnh Đông Dương sẽ tiến bước đến vấn đề dân tộc giải phóng hoàn toàn, vấn đề  ấy mau hay chậm là tùy theo tình hình thế giới và năng lực của các đồng chí”. (Lịch sử MTDTTN Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh tập 1, trang 99).
Để đánh giá toàn diện, có hệ thống tình hình trong nước và đề ra những chủ trương kịp thời, Trung ương Đảng mở hội nghị lần thứ IV từ ngày 6 đến ngày 8/11/1939 tại xã Tân Thới Nhứt (Bà Điểm, Hốc Môn) Hội nghị do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì và các đồng chí Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Lê Duẩn… tham dự. Hội nghị phân tích sâu sắc tình hình đất nước, trong đó đặt ra yêu cầu: ”Đảng ta phải thay đổi chính sách Mặt trận dân chủ thích hợp với hoàn cảnh trước kia, ngày nay không còn thích hợp nữa. Ngày nay phải thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương.” Nội dung và đặc điểm của Mặt trận này là “Mặt trận cách mệnh”. Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương chủ trương cách mệnh giải phóng dân tộc cũng là một kiểu cách mệnh tư sản dân quyền trong Cương lĩnh năm 1930 của Đảng. Nhưng do thời kỳ bây giờ khác với thời kỳ 1930-1931 nên nó phải được thay đổi ít nhiều cho thích hợp vơi tình hình mới.
Sau hội nghị 6 của Trung ương, Đại hội toàn xứ Nam Kỳ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/11/1939. Nghị quyết của Đại hội này gồm có 10 điểm, trong đó có 4 điềm đầu là quan trọng nhất: 1-Thay đổi chính sách của Đảng, 2-Tổ chức quần chúng, 3-Phương pháp huấn luyện quần chúng và 4-Liên hiệp cùng các đảng phái khác trong cùng Mặt trận. (Sđd trang 100).
Sau nhiều cuộc họp của Xứ ủy và Ban thường vụ Xứ ủy vào tháng 10 và tháng 11/1940, tư tưởng chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang đã hình thành và chọn thời cơ ngày, giờ để hạ lệnh. Để tuyên truyền cho cuộc khởi nghĩa, tờ báo Tiến Lên, cơ quan đấu tranh của Mặt trận phản đế của Xứ ủy được in tại Sài Gòn và phát hành tới các tỉnh. Báo bị Pháp đóng cửa sau khi lãnh đạo là Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến bị giặc bắt. Cơ quan báo được Xứ ủy chuyển về tỉnh Vĩnh Long rồi Mỹ Tho. Nhiều cuộc mít tinh được tổ chức khắp nơi, ở thành phố và nông thôn vào các ngày có lễ kỷ niệm để giải thích đường lối của Đảng và của Mặt trận, vạch trần tội ác của bọn phát xít Pháp, Nhật. Truyền đơn của Ủy ban vận động thành lập Mặt trận phản đế giải thích ý nghĩa, mục đích và kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tham gia Mặt trận. Các loại truyền đơn được rải cho từng giới như : công, nông, trí thức, văn nghệ sĩ, học sinh, địa chủ, phú hào, binh lính, những người đang làm việc cho đế quốc, những người có đạo, tôn giáo, dân tộc.
Cùng với việc tuyên truyến qua sách báo, truyền đơn, biểu ngữ, treo cờ… các tổ chức Mặt trận tập hợp những cuộc diễn thuyết nơi đông người như chợ, đình đám. Phương pháp này có kết quả là đi thẳng vào lòng quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, số lượng Đảng viên cũng tăng lên đáng kể, 60%. Xứ ủy quan tâm và thúc đẩy nhanh việc tập hợp quần chúng vào Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế để tạo thành một lực lượng mạnh mẽ. Kết quả có đến 30% quần chúng nhân dân có xu hướng cộng sản. Trong phong trào của Mặt trận thời kỳ này là lực lượng khi tham gia vào Mặt trận đã ý thức là tham gia vào hàng ngũ cách mạng, đấu tranh sống chết với giặc khi nổ ra khởi nghĩa, ngoài việc đòi quyền dân chủ, dân sinh. Giữa lúc này, Mặt trận có lực lượng công nông làm nòng cốt cùng với các thành phần khác như tôn giáo, dân tộc.
Đối lại, giặc Pháp khi thấy dấu hiệu Mặt trận tập hợp lực lượng, chủ bị vũ khí các loại là tăng cường khủng bố, bắt nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng, Xứ ủy, Thành ủy và lực lượng nòng cốt của Mặt trận. Theo báo cáo chính thức của Viên chưởng lý Sài Gòn từ năm 1937 tới tháng 8/1939, thực dân Pháp kết án 115 người với gần 200 năm bị quản thúc. Riêng năm 1940, theo báo cáo chính thức của Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, chúng đã xử 408 người của ta kết án 1.117 năm tù, 1.434 năm quản thúc.
Tuy nhiều cơ sở của Đảng, Mặt trận bị phá hoại nhưng tinh thần khởi nghĩa vẫn kiên trì, dứt khoát. Căn cứ vào bốn điểm về thời cơ khởi nghĩa đã ban hành trong hội nghị tháng 9/1940, Thường vụ Xứ ủy phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền địch giành lấy chính quyền về tay nhân dân. Khi giao cho Mặt trận thành lập các Ban khởi nghĩa lãnh đạo toàn dân nổi dậy, Xứ ủy Nam Kỳ chọn Sài Gòn là nơi trung tâm của cuộc khởi nghĩa, vừa là nơi phát lệnh vừa là đòn đánh quyết định để giành thắng lợi.
Ngày 20/11/1940, Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ cho họp khẩn cấp, quyết định cho tất cả các nơi nổi dậy. Ngày 21/11/1940, Thường vụ Xứ ủy ra thông báo cho các cấp, cuộc khởi nghĩa sẽ bắt đầu vào lúc 24 giờ khuya ngày 22/11/1940, đó là ngày cuối tháng không trăng, trời tối, địch dễ lơ là, mất cảnh giác, có lợi cho ta khi nổi dậy.
Rất tiếc cuộc khởi nghĩa chưa thành công do có gián điệp chui vào hàng ngũ của ta nên địch đã sớm phát hiện và nhanh chóng ra tay ngăn chặn, bắt bớ, tù đầy, sát hại…nhưng cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã giương cao khầu hiệu “Đánh đổ đế quốc Pháp thống trị! Chống phát xít Nhật xâm lược !” mang tính chất của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, kế thừa và nêu cao truyền thống, tinh thần quật khởi của dân tộc ta cho nên đã tập hợp trong Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế tất cả các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo rộng rãi. Đây là cuộc nổi dậy mang tính chất nhân dân rộng rãi và sâu sắc vì lực lượng khởi nghĩa dù giai cấp, dân tộc nào cũng đều tham gia khởi nghĩa trên quy mô khắp cả Nam Kỳ, hoặc tỏ thái độ ủng hộ, kể cả sau khi cuộc khởi nghĩa đã thất bại (Sđd trang 130).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương nay là Đảng Cộng sản Việt Nam được Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân, nếu như cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23/11/1940 chưa thành công thì Mặt trận Việt Minh với tên gọi mới được Nguyễn Ái Quốc thành lập tháng 5/1941 tiếp tục tập hợp lực lượng tổ chức Đại hội quốc dân bầu ra Ủy ban kháng chiến toàn quốc tại Tân Trào tháng 8/1945 và đề ra Chương trình hành động 10 điểm làm cơ sở cho Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân trong ngày độc lập 2/9/1945 với sự thành công của Cách mạng tháng Tám diễn ra lần lượt từ Bắc vào Nam, từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau.
Như vậy, khi chưa có chính quyền và nhà nước thì Mặt trận Dân tộc Thồng nhất Việt Nam với nhiều tên gọi khác nhau tùy từng thời kỳ đóng một vai trò hết sứ quan trọng kể từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, đã cùng với Đảng đấu tranh cách mạng đem lại thắng lợi to lớn là giành chính quyền về tay nhân dân lập ra nhà nước pháp quyền giành độc lập dân tộc thống nhất đất nước tiến tới xây dựng Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới.
Vương Liêm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét