Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Học thuyết đôminô: cái cớ?


Học thuyết đôminô: cái cớ?


Điện Biên Phủ & Hoa Kỳ
Hoc thuyet domino cai co
Các chuyến tàu chở đồ tiếp tế từ cảng Hải Phòng về Hà Nội liên tiếp bị Việt Minh cài mìn lật nhào
TTCN - Như đã thấy trong số trước, cho đến khi trận Điện Biên Phủ bùng nổ, tiền của vẫn còn được Mỹ rót cho Pháp như nước: năm 1954 Mỹ viện trợ cho Pháp tổng cộng 785 triệu USD, theo thời giá hiện tại tương đương 5,4 tỉ USD. Tại sao Mỹ lại hào phóng với Pháp đến thế?
Cho đến nay vẫn có một cách giải thích khá phổ biến rằng Mỹ nhảy vào VN vì, theo các nhà chiến lược Mỹ, VN là một “con cờ đôminô” mà Mỹ nhất quyết bảo vệ trong cuộc chiến tranh ý thức hệ. Học thuyết “đôminô” đó là nguyên nhân hay là cái cớ?
Học thuyết đôminô
Tổng thống Mỹ Eisenhower trong cuộc họp báo ngày 7-4-1954, tức ba tuần sau khi trận Điện Biên Phủ nổ ra và đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho quân Pháp, đã phát biểu về học thuyết này (trích đoạn):
- Hỏi (phóng viên Robert Richards của Copley Press): Thưa tổng thống, xin ngài bình luận về tầm quan trọng chiến lược của Đông Dương đối với thế giới tự do? Tôi nghĩ rằng trong nước (Hoa Kỳ) đã có một sự thiếu hiểu biết nào đó về ý nghĩa của Đông Dương đối với chúng ta.
Hoc thuyet domino cai co
Phi cơ tiếp viện cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị bắn hạ ngay tại chỗ
- Tổng thống: Đề cập đến những vấn đề này chính là đề cập đến cái riêng và cái chung. Đầu tiên, đó là đặc điểm của khu vực đó trong góc độ sản xuất những nguyên vật liệu mà thế giới có nhu cầu. Kế đến là khả năng nhiều người sẽ phải tách ra khỏi thế giới tự do. Cuối cùng là khái niệm “những con cờ đôminô đổ”. Chúng ta có một dãy con cờ đôminô được xếp đứng, nếu gạt đổ con cờ đầu tiên, chắc chắn cả dãy sẽ đổ theo thật nhanh. Đó sẽ là khởi đầu cho một sự tan rã có tác động sâu xa.
Trở lại với ý thứ nhất. Đông Dương có hai món mà thế giới đang sử dụng, đó là thiếc và tungsten. Hai mặt hàng này rất quan trọng. Còn có những sản phẩm khác, tất nhiên phải kể đến cao su, vân vân và vân vân.
... Kế đến, một khi mất Đông Dương, hậu quả sẽ là mất Miến Điện (từ 1990 mới gọi là Myanmar), Thái Lan, cả bán đảo, kế đến là Nam Dương (Indonesia). Nói đến mất mát các khu vực này vừa là nói đến những mất mát tài nguyên, vừa nói đến mất mát con người. Cuối cùng, vị trí địa lý của khu vực này cũng tạo ra nhiều vấn đề. Cả dãy hòn đảo Nhật Bản, Đài Loan, Phi Luật Tân (Philippines) sẽ rơi vào thế phòng thủ, rồi xuống phía nam, Úc, Tân Tây Lan sẽ bị đe dọa.
Hoc thuyet domino cai co
Các binh sĩ Pháp tử trận ở Điện Biên Phủ may mắn được cầu hàng không đưa về Hà Nội, giờ đây giã từ “địa ngục” Đông Dương để về Pháp
Điều đó có nghĩa là, về mặt kinh tế, Nhật Bản sẽ hoặc mất đi một vùng đất để buôn bán hoặc sẽ hướng đến phía cộng sản để có thể sống còn. Từ đó sẽ không thể tính nổi các hậu quả cho thế giới tự do.
(Nguồn: Public Papers of the Presidents, 1954, tr. 382)
Cuộc họp báo đó, trong cái nhìn của ngày hôm nay, 50 năm sau, không có gì mới. Thế nhưng, vào thời điểm đó, VN vẫn còn là một terra incognita- một vùng đất “xa lạ”- đối với người dân Mỹ. Cả người đặt câu hỏi lẫn người trả lời đều chung mục đích: “giới thiệu” VN với dân chúng Mỹ, hay chính xác hơn lý do tại sao Mỹ sẽ nhảy vào VN “bằng xương bằng thịt”.
Các lý do mà tổng thống Eisenhower đưa ra vừa mang tính ý thức hệ, vừa mang tính quân sự, vừa mang tính thực dụng của đất nước được xem là thực dụng nhất thế giới. Thực dụng với những kê khai về các nhu cầu tài nguyên. Quân sự với những chỉ dẫn về một vành đai bị đe dọa. Ý thức hệ với sự phân cực “thế giới tự do/ cộng sản”.
Khi tổng thống Eisenhower thản nhiên nói rằng cần chống cộng để cho Nhật Bản, nước vừa bại trận trước Mỹ chín năm trước đó, còn có được Đông Nam Á để mà buôn bán, thì đó chính là biểu thị của tính thực dụng tối đa: Nhật Bản phải có một thị trường để buôn bán hầu đừng gây chiến nữa. Đổi lại, Nhật, trong một thời gian dài, sẽ để yên cho Mỹ làm chủ thị trường châu Âu - lục địa có nền kinh tế cao nhất thế giới sau Mỹ vào lúc đó. Thị trường Đông Nam Á nhường cho Nhật Bản, một Đông Nam Á còn chưa độc lập hết tất cả, còn nghèo, chẳng là gì cả đối với Mỹ vào thời điểm đó.
Hoc thuyet domino cai co
Những chiếc máy bay DC-3 của Pháp thả dù các bộ phận rời của tám chiếc xe tăng xuống Điện Biên Phủ để công binh lắp ráp, 1954 - Ảnh: Everette Dixie Reese
Nền tảng lý thuyết mà Eisenhower viện dẫn chính là thuyết “đôminô”. Thật ra khái niệm này do trung tướng không quân Mỹ Claire Chennault đề ra. Chennault đã là người đầu tiên đưa ra hình ảnh cỗ “đôminô” sụp đổ từ kinh nghiệm tham gia Thế chiến thứ nhì, chống Nhật Bản tại Trung Quốc (lúc đó do Quốc Dân đảng nắm chính quyền) và tại Miến Điện.
Từ kinh nghiệm xương máu với Nhật Bản - sau chiến thắng bất ngờ Trân Châu cảng, Nhật thắng như chẻ tre trên con đường “Đại Đông Á” của mình - Chennault đã liên tưởng đến một chiến thắng tương tự của Trung Quốc (lúc này đã là CHND Trung Hoa). Từ ý tưởng của Chennault, năm 1950 bộ tham mưu liên quân Mỹ mới chính thức đúc kết thành một văn kiện mang tên Lượng giá tầm quan trọng của Đông Nam Á, nhìn từ góc nhìn quân sự với một số ý chính như sau:
a/ Đông Nam Á là một đoạn then chốt của phòng tuyến ngăn chặn cộng sản tràn lan từ miền Nhật Bản xuống phía nam và đến quanh bán đảo Ấn Độ. An ninh của ba khu vực cơ bản của châu Á là Nhật Bản, Ấn Độ và Úc phần lớn tùy thuộc nơi việc Đông Nam Á từ khước chủ nghĩa cộng sản. Nếu mất Đông Nam Á, ba khu vực cơ bản trên sẽ bị cô lập với nhau.
b/ Mất Đông Nam Á sẽ không hồ nghi gì nữa dẫn đến mất các quốc gia Đông Nam Á trên đất liền khác.
c/ Mất Đông Nam Á sẽ dẫn đến hậu quả là Hoa Kỳ hầu như mất vùng duyên hải Thái Bình Dương. ...
g/ Đe dọa các hòn đảo ngoài khơi của Hoa Kỳ.
(Nguồn: The Pentagon Papers)
Hoc thuyet domino cai co
Quân đội Pháp và liên quân Pháp - Việt hành quân lên đỉnh đồi phía bắc Lai Châu, 1953 - Ảnh: Jean Peraud
Giữa “nguy cơ cộng sản” và nguy cơ mất mát các tài nguyên, lãnh thổ..., đặc biệt là duyên hải Thái Bình Dương, đâu là nguy cơ chính? Qua các trích đoạn trên, có thể nghĩ rằng đối với một nước thực dụng như Hoa Kỳ thì nguy cơ thứ nhì, mất vành đai Thái Bình Dương, chính là nguy cơ chủ yếu.
“Thuyết đôminô” ra đời và ngày càng được triển khai là vì lý do đó, nhất là từ sau khi CHND Trung Hoa ra đời vào năm 1949. “Ngăn chặn cộng sản”, “bảo vệ thế giới tự do”, xem ra đã xuất phát từ thực tế chiến tranh Triều Tiên (tháng 6-1950), chỉ là một cái cớ về mặt lý luận để “trang điểm” cho nhu cầu phòng thủ từ xa và kinh tế của Mỹ.
Ngay chính cuộc đời và sự nghiệp của “cha đẻ” khái niệm đôminô là tướng Chennault đã là một minh chứng sống cho nhu cầu quốc phòng của Mỹ. Viên tướng này, vốn đã từng là một “ngôi sao” phi công chiến đấu trong Thế chiến thứ nhất, chủ trương rằng Hoa Kỳ chỉ cần lực lượng máy bay chiến đấu, chẳng cần phát triển lực lượng máy bay oanh tạc. Sở dĩ như thế là do Chennault đã chủ quan dừng lại ở “chuyên ngành hẹp” của mình là máy bay chiến đấu và ở hình ảnh các máy bay một chong chóng của Thế chiến thứ nhất ném vài quả bom bé tí teo..., nên không theo kịp đà phát triển của không quân Mỹ, không theo kịp tham vọng cường quốc của các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ.
Từ những năm 1930, không quân Mỹ đã đầu tư vào các “pháo đài bay” hai rồi bốn động cơ sau này để từ phòng thủ chuyển sang tấn công. Thua cuộc trong cuộc tranh luận này, năm 1937 Chennault phải xin từ chức và giải ngũ. Sau Thế chiến thứ nhì, Mỹ bước qua giai đoạn máy bay phản lực song chủ trương phát triển đồng đều cả máy bay chiến đấu lẫn oanh tạc cơ.
Đến 1980, khi cuộc chiến tranh lạnh lên đến cao điểm, khi từ 20 năm qua vũ khí đã là các tên lửa liên lục địa, tổng thống Reagan cùng Bộ Quốc phòng Mỹ chủ trương phòng thủ từ không gian, với kế hoạch “chiến tranh các vì sao”. Hơn 20 năm sau, đầu năm nay Tổng thống Bush trở lại với chủ trương này sau khi cảm thấy sẽ bị Trung Quốc đuổi kịp trên không gian, chẳng cần đến một ưu tiên phòng thủ trên Trái đất nữa như trước đó nửa thế kỷ. (Sự thật chi tiết về nhu cầu của một vành đai Thái Bình Dương đối với Mỹ, ngay từ đầu Thế chiến thứ nhì, sẽ được vén lên trong số báo tới).
Pháp phòng thủ cho Mỹ
Hoc thuyet domino cai co
Quân chi viện Pháp nhảy dù xuống mặt trận Điện Biên Phủ ngày 16-3-1954 - Ảnh: Jean Peraud
Bernard Fall trong tác phẩm Last reflections on a war (Những suy nghĩ cuối cùng về một cuộc chiến), xuất bản năm 1967 sau khi đã qua đời, đã phân chính sách Mỹ tại Đông Dương thành năm giai đoạn: giai đoạn chống chính quyền đầu hàng phát xít Đức (1940-1945) - giai đoạn “làm quen với Việt Minh” (1945-1946) - giai đoạn không can thiệp (1946- tháng 6-1950) - giai đoạn ủng hộ Pháp (1950- tháng 7-1954) - giai đoạn không can thiệp quân sự (1954 - tháng 11-1961) - giai đoạn can thiệp trực tiếp và toàn diện (1961 trở đi).
Tất nhiên, phân loại của Bernard Fall không trùng hợp với phân loại của VN, nhưng cũng có thể tạm nhìn nhận các giai đoạn đầu: Mỹ đứng ngoài cuộc chiến tranh bảo vệ thuộc địa của Pháp trong hầu như suốt thập niên 1940, sau đó Mỹ đột ngột quay qua ủng hộ cuộc chiến tranh này.
Trong thực tế, ngay sau khi CHND Trung Hoa được thành lập vào tháng 10-1949, Mỹ đã nhanh chóng công nhận các quốc gia thuộc Liên hiệp Pháp, theo tinh thần “kịch bản” biến cuộc chiến tranh này thành cuộc chiến tranh “ngăn chặn cộng sản”: ngày 4-2-1950, Quốc hội Pháp loan báo vừa thông qua “độc lập của VN” (do Bảo Đại, được Pháp khôi phục từ năm 1948, lãnh đạo), thì ngay trong ngày hôm đó tổng thống Mỹ Truman cũng loan báo nhìn nhận Bảo Đại.
Ngay lập tức Pháp lên tiếng kêu gọi Mỹ viện trợ quân sự cho Pháp tại Đông Dương. Ngày 8-5-1950 Bộ Ngoại giao Mỹ loan báo sẽ viện trợ kinh tế và thiết bị quân sự cho các nước thuộc Liên hiệp Pháp và cho Pháp. Ngày 30-6-1950, chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí và thiết bị quân sự viện trợ cho quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương cập bến.
Thật ra, sự viện trợ này là một sự đổi chác trong khuôn khổ một sự “phân công nhiệm vụ” lớn hơn. Pháp đóng vai trò tiền đồn của Mỹ không chỉ tại Đông Dương mà còn là và nhất là tại châu Âu, vào lúc mà quân đội Mỹ hầu như đang hoàn toàn kẹt cứng trong chiến tranh Triều Tiên vừa bùng nổ.
Biên bản các cuộc họp ngày 28-1-1951 và 30-1-1951 giữa phái đoàn Mỹ do tổng thống Truman và phái đoàn Pháp do thủ tướng Pleven dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Hoa Kỳ còn ghi:
“Thủ tướng Pleven nêu câu hỏi thứ nhì. Theo kế hoạch quốc phòng trung hạn, Pháp sẽ chịu đựng mũi dùi của trận đánh đầu tiên nổ ra tại châu Âu. Ông nói Pháp băn khoăn do lẽ không rõ đã có dự trù các bước kế tiếp gì nhằm lấp đầy khoảng trống lực lượng trong thời gian 90 ngày đầu tiên kể từ trận đụng độ đầu tiên. Phía Pháp muốn biết chúng ta sẽ làm gì để điền chỗ thế vào lực lượng sau giai đoạn mở màn này.
Sức mạnh của những bức ảnh tư liệu là tạo ra một cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại để có câu trả lời cho tương lai. Điều đó thể hiện trong những bức ảnh chụp ở Điện Biên Phủ cách đây 50 năm của nhà nhiếp ảnh Mỹ Everette Dixie Reese (1923-1955) và nhà nhiếp ảnh Pháp Jean Peraud (1923-1954).
Everette Dixie Reese chụp ảnh cho quân đội Mỹ và được phái tới Sài Gòn năm 1951 để ghi nhận diễn tiến cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Còn Jean Peraud là phóng viên ảnh của quân đội Pháp, có mặt ở Điện Biên Phủ từ tháng 3-1954 và trụ lại cho đến khi quân Pháp thất thủ vào ngày 7-5-1954 rồi mất tích luôn sau đó.
TRẦN ĐỨC TÀI
(Trích từ tập sách ảnh Requiem do Horst Faas và Tim Page chủ biên, NXB Random House, 1998)
Tướng Bradley (Hoa Kỳ) trả lời rằng chúng ta sẽ gửi thêm quân Mỹ sang châu Âu càng sớm càng tốt sau khi chiến tranh bùng nổ. Số quân gửi sang châu Âu trong 90 ngày đầu sẽ rất hạn chế do những vấn đề hậu cần. Tuy nhiên, khoảng trống lực lượng này sẽ được lấp đầy bởi các lực lượng dự trữ từ các nước châu Âu khác, cộng với quân Mỹ và Canada có thể được gửi qua.
Tướng Marshall (cha đẻ của kế hoạch hậu chiến Marshall) nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không thể tập trung tàu bè sớm do lẽ làm như thế hoạt động thương mại sẽ bị ảnh hưởng. Một sự huy động sớm như thế sẽ khiến phương Tây phá sản. Hiện đang thiếu thiết bị quân sự ở khắp nơi, song sau này, ông hứa, khi có thêm thiết bị, có lẽ Hoa Kỳ sẽ tìm ra được cách thức vận chuyển sang châu Âu trước khi chiến tranh nổ ra. Ông cũng ghi nhận rằng sẽ không có bao nhiêu sư đoàn Mỹ có thể gửi đi từ Hoa Kỳ trong 90 ngày giao tranh đầu tiên, song vấn đề là do thiếu tàu vận tải đủ số thiết bị mà quân đội Mỹ nhất thiết phải có đủ một khi được phái ra nước ngoài.
Tướng Bradley nói Hoa Kỳ sẽ yêu cầu Pháp cho lập kho tồn trữ các thiết bị này một khi có đủ thiết bị, nhằm giảm bớt thời gian cần thiết để xây dựng một lực lượng quân sự Mỹ đông đảo tại Pháp. Ông yêu cầu rằng các căn cứ không quân Pháp cần được chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng một khi chiến tranh xảy ra.
Thủ tướng Pleven đáp rằng các kho dự trữ thiết bị quân sự của Pháp trước chiến tranh đã bị Đức chiếm lấy hoặc phá hủy. Vấn đề thiết bị là nghiêm trọng nhất khi Pháp phải bắt đầu tất cả với tay không”.
Thế nhưng, phía Pháp trong khi “mở cửa” đón vai trò mới này, phần nào để được trang bị vũ khí, có thật sự tin rằng sẽ có một trận chiến với Liên Xô, trong đó Pháp sẽ là lực lượng tiền phong (Đức còn bị giải giới)? Biên bản cuộc họp này còn ghi:
“Thủ tướng Pleven nói rằng người dân Pháp bình thường không hiểu tại sao người Nga, vốn biết rõ cán cân lực lượng ở châu Âu, lại không ra tay tấn công châu Âu trước khi châu Âu xây dựng xong lực lượng quân sự?”.
(Nguồn: FRUS, Diplomatic Papers 1951)
HỮU NGHỊ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét