Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Góp phần tìm hiểu sự biến thể của hồi giáo trong văn hóa CHĂMPA

Góp phần tìm hiểu sự biến thể của hồi giáo trong văn hóa CHĂMPA

Đỗ Văn Khoa
Tôn giáo và Văn hoá là hai vấn đề rất rộng nhưng lại có mối liên hệ mật thiết với nhau. Tại các nước Đông Nam Á, vai trò của tôn giáo ảnh hưởng rất lớn trong đời sống xã hội, hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới đều có mặt tại khu vực này, nhưng khi các tôn giáo ấy du nhập vào lại khúc xạ dưới tác động của văn hoá khu vực và văn hoá của từng quốc gia.
Việt Nam là một quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á, về mặt văn hoá chịu ảnh hưởng trực tiếp văn hoá khu vực, vị trí địa lý của Việt Nam rất thuận lợi trong việc giao lưu, tiếp kiến văn hoá, rất nhiều các học thuyết và các tôn giáo lớn được truyền bá vào đây. Nhưng khi tiếp thu các tôn giáo ấy, cư dân địa phương đã bản địa hoá nó trở thành một nét đặc trưng riêng của dân tộc. Hồi giáo (Islam) là một điển hình. Hồi giáo là một tôn giáo lớn, có số lượng tín đồ đông nhất trên thế giới. Hiện nay sự phát triển của Hồi giáo có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều thế lực chính trị lợi dụng tôn giáo này để mưu cầu lợi ích cho mình. Trong khuôn khổ đề tài này tôi muốn tìm hiểu về Hồi giáo và sự biến đổi của nó trong văn hoá Chăm pa cũng nhưng sự ảnh hưởng của nó đối với văn hoá Chăm pa..
CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ HỒI GIÁO
    1. Quá trình hình thành và phát triển
      1. Quá trình hình thành
Hồi giáo (tôn giáo của tộc người Hồi) là cách gọi của người Trung Quốc xuất phát từ tộc người Hồi Hột, tên nguyên thuỷ là đạo Islam (theo tiếng Ảrập nghĩa là phục tùng theo ý chân chủ) xuất hiện ở bán đảo Ảrập vào khoảng thế kỷ thứ VII. Ảrập Xêut là quê hương của Hồi giáo. Hồi giáo ra đời do hàng loạt nguyên nhân kinh tế, xã hội, tư tưởng gắn liền với sự chuyển biến từ chế độ công xã nguyên thủy sang xã hội có giai cấp của các tộc người ở vùng Trung cận Đông và yêu cầu thống nhất các bộ lạc trong bán đảo Ảrập thành một nhà nước phong kiến thần quyền, do đó cần một tôn giáo độc thần để thay thế những tôn giáo đa thần tồn tại ở đó từ trước.
    1. Quá trình phát triển
Sự ra đời của Hồi giáo gắn liền với tên tuổi một người nổi tiếng là giáo chủ Mohammed (Mahomet). Mâohammed (570 – 632) là một người thuộc gia tộc Casimu ở Mecca.
Tục truyền rằng khi Mohammed được 40 tuổi (năm 610) ông một mình vào trong một hang nhỏ ớ núi Xira, ngoại thành Mecca để tu luyện và trầm ngâm suy tưởng. Trong một đêm thánh Allah (Ala – Chân chủ) đã cử thiên sứ Gabrien đến truyền đạt Thần dụ và lần đầu tiên “khải thị” cho ông chân lý của Kinh Coran khiến ông trở thành “Thánh thụ mệnh” và ông tự xưng là đã tiếp thụ sứ mệnh của chân chủ trao cho và bắt đầu truyền đạo. Đầu tiên ông bí mật truyền giáo trong số những bạn bè thân thiết và họ trở thành những tín đồ đầu tiên, về sau sự truyền đạo trở nên công khai, đối tượng mở rọâng tới quần chúng ở Mecca nhưng bị giới quý tộc đả kích và bức hại. Môhamet đã trốn được đến Yathrib (sau đổi thành Madinah - Thành phố tiên tri). Nơi đây ông phát động và tổ chức quần chúng đấu tranh và cuộc cách mạng của ông giành được thắng lợi. Sau đó ông tổ chức vũ trang cho các tín đồ (Muslim) và dùng khẩu hiệu “Chiến đấu vì Allah” và đè bẹp được giới quý tộc ở Mecca.
Cùng với việc mở rộng phạm vi truyền đạo Mohamet còn liên minh với các bộ tộc và dùng sức mạnh buộc các thế lực còn lại phải quy thuận theo Hồi giáo. Có thể nói cuộc cách mạng do Mohammed lãnh đạo là một cuộc cách mạng tôn giáo và cải cách xã hội kết hợp với nhau. Sự ra đời của Hồi giáo đã mở ra một thời kỳ lịch sử mới thống nhất trên bán đảo Ảrập.
Sau khi Mohamet mất đi, ông không có con trai để kế vị nên nội bộ Hồi giáo chia rẽ, các cuộc thanh toán tranh dành quyền lực diễn ra. Lúc bấy giờ không còn chức danh giáo chủ mà đứng đầu là các Kha – líp. đến thời A – Bu – Bắc và U – Than, các Kha – líp này chủ trương cứu chuộc thế giới bằng kinh Coran. Lúc bấy giờ lá cờ xanh của đạo Hồi lan truyền đến Ấn Độ, Tây Âu và Châu Phi.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 900 triệu tín đồ Hồi giáo chia làm 2 giáo phái chính là Suni và Xiai, có mặt ở hơn 50 quốc gia trên khắp các châu lục nhưng tập trung chủ yếu ở các nước Ảrập (trừ Li băng và Ixraen) và chiếm đại đa số ở các nước như Iran, Irắc, Pakistan, Apganistan, Thổ Nhĩ Kỳ… và một số nước vùng Trung Á và cả ở Đông nam Á (chủ yếu ở Inđonesia). Một số quốc gia tự coi mình là quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên Hồi giáo ở các quốc gia khác nhau nên đã phân chia thành các hệ phái khác nhau nhưng về cơ bản không đối lập nhau.
    1. Nội dung cơ bản của Hồi giáo
1.2.1. Giáo lý của Hồi giáo
Đặc điểm giáo lý của Hồi giáo là rất đơn giản nhưng luật lệ và lễ nghi rất phức tạp và nghiêm khắc thậm chí đến mức khắt khe và nhiều khi nó vượt ra khỏi phạm vi tôn giáo và trở thành một chuẩn mực pháp lý của xã hội. Trong Hồi giáo khó thấy ranh giới giữa cái thiêng và cái tục.
Giáo lý cơ bản của Hồi giáo là Kinh Coran (Coran theo nguyên nghĩa tiếng Ảrập là “tụng đọc”) vì đó là những lời nói của Môhamet được ghi lại và những lời này do thánh Allah thông qua thiên sứ Gabrien “khải thị” cho Mohammed. Kinh Coran tổng cộng có 30 quyển, 114 chương hơn 6200 tiết (là những đoạn thơ). Nội dung Kinh Coran vô cùng phong phú đại thể bao gồm những tín ngưỡng cơ bản và chế độ tôn giáo của đạo Hồi và những ghi chép về tình hình xã hội trên bán đảo Ảrập đương thời cùng với những chính sách về chủ trương xã hội, quy phạm luân lý đạo đức… Giáo lý Hồi giáo gồm các điểm cơ bản sau:
+ Allah là đấng tối cao sinh ra trời đất.
+ Allah là đấng tối cao sinh ra muôn loài trong đó có con người.
+ Con người là bình đẳng trước Allah nhưng số phận và tài năng tạo nên sự khác nhau giữa những con người .
+ Số phận con người có tính định mệnh và do Allah sắp đăït.
+ Tín đồ Hồi giáo phải luôn có thái độ đúng: trong cộng đồng (Hồi giáo) thì phải kiên nhẫn chịu đựng, phục tùng Allah, đối với người ngoài thì phải kiên quyết bảo vệ mọi lợi ích của Hồi giáo và phải có tinh thần thánh chiến.
+ Về y lý: khuyên bảo con người phải giữ gìn sức khỏe.
+ Những lời khuyên về đạo lý:
* Tôn thờ thần cao nhất là Allah.
* Sống nhân từ độ lượng.
* Thưởng phạt công minh, trừng phạt chủ yếu đối với kẻ thù.
* Thánh chiến là thiêng liêng và bắt buộc.
* Kiên định và nhẫn nại trong mọi thử thách.
* Tin vào định mệnh và sự công minh của Allah.
* Cấm một số thức ăn: thịt heo, rượu bia và các chất có men. (Heo là con vật gắn với khởi nguyên: phát triển là nhờ chăn nuôi).
* Trung thực.
* Không tham của trộm cắp
* Làm lễ và tuân thủ các nghi lễ Hồi giáo.
1.2.2. Tín ngưỡng Hồi giáo
Xét về niềm tin, tín đồ Hồi giáo tin vào Alah, sứ giả Mohammed, thiên sứ, thiên kinh, hậu thế.
- Tin vào Alah: Đây là một nội dung quan trọng của tín điều cơ bản. Theo Hồi giáo, Alah là vị thần duy nhất trong vũ trụ, tự sinh ra và bất tử. Alah sáng tạo thế giới, và là chúa tể. Hồi giáo không thờ ảnh tượng của Alah vì họ quan niệm Alah toả khắp nơi, không một hình tượng nào đủ để thể hiện Alah.
- Tin vào sứ giả Mohammed: Giáo lý Hồi giáo cho rằng Allah từng cử nhiều sứ giả đến các dân tộc khác nhau trong những thời kỳ nhất định để truyền đạt ngôn luận của Allah cho con người. Có đến 5 sứ giả. Trong đó Mohammed là sứ giả cuối cùng mà Allah chọn lựa. Đây cũng là sứ giả xuất sắc nhất. Chỉ có Mohammed là được nhận những ngôn luận của Allah một cách đầy đủ nhất.
- Tin Thiên kinh: Allah từng trao thiên kinh cho các sứ giả trước Mohammedû, mỗi người một bộ. Nhưng những bộ ấy không đầy đủ, bị thất lạc hoặc bị người đời sau giải thích sai lệch. Chỉ có bộ thiên kinh mà Allah truyền cho Mohammed là bộ kinh điển cuối cùng nhưng đầy đủ nhất. Đó là kinh Coran. Vì vậy, kinh Coran dưới mắt người Hồi giáo làø bộ kinh điển thần thánh duy nhất.
- Tin vào Thiên sứ: Thiên sứ do Allah tạo ra, là một loại linh hồn, vô hình trước con người, không có tính thần. Mỗi thiên sứ có một nhiệm vụ. Trong Thiên sứ cũng có sự phân chia cao thấp. Cao nhất là thiên sứ Gabrien. Con người không phải phủ phục trước thiên sứ.
- Tin vào hậu thế: Sẽ có ngày tận thế. Trong ngày ấy, mọi sinh linh sẽ kết thúc để rồi tất cả sống lại nhận sự phán xét của Allah. Dựa vào hành vi của mỗi người mà Allah quyết định: thiên đường dành cho người thiện, địa ngục là nơi của kẻ ác.
1.2.3. Nghĩa vụ Hồi giáo 
Hệ thống nghĩa vụ của tín đồ Hồi giáo rất rộng và chi tiết, dựa trên cơ sở kinh Coran và sách Thánh huấn.
Các tín đồ có 5 nghĩa vụ chủ yếu. Đó là niệm, lễ, trai, khoá, triều. Đây là 5 trụ cột của Hồi giáo, tạo nên sườn cốt cho đời sống của người Hồi giáo.
- Niệm: tín đồ phải thường xuyên tụng niệm thành tiếng tín điều cơ bản (Vạn vật không phải là Chúa, chỉ có Chân chúa; Mohammed là sứ giả của Chúa).
- Lễ: tức là lễ bái. Các tín đồ mỗi ngày hành lễ 5 lần (sáng, trưa, chiều, tối, đêm). Thứ 6 hàng tuần thì làm lễ tại thánh đường 1 lần vào buổi trưa. Trước khi làm lễ, tín đồ phải rửa mặt, tay chân, quỳ xuống, hướng về đền Kabah để cầu nguyện.
- Trai: tức là trai giới. Tháng 9 theo lịch Hồi là tháng trai giới của Hồi giáo. Trong tháng này mọi tín đồ không ăn uống, quan hệ tính dục từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, trừ một số trường hợp đặc biệt. Kết thúc tháng này là lễ Phá bỏ sự nhịn đói, các tín đồ sẽ cùng nhau cầu nguyện, sau đó tặng quà cho nhau, và bố thí.
- Khoá: các tín đồ có nghĩa vụ đóng góp cho các hoạt động từ thiện. Sự đóng góp đó có thể là tự nguyện, nhưng cũng có khi là bắt buộc dựa vào tài sản của tín đồ (khoảng 1/40 tài sản).
- Triều: Các tín đồ có nghĩa vụ hành hương về Mecca ít nhất 1 lần trong cuộc đời, để triều bái Kabah trong tháng 12 theo lịch Hồi (hành hương Haji). Cuộc lễ triều bái kéo dài trong 10 ngày. Ngày cuối cùng tín đồ sẽ hiến lễ là một con cừu hoặc lạc đà, hoặc một con vật có sừng. Triều bái Mecca trong dịp này là chính triều. Còn phó triều thì diễn ra trong thời gian bất kỳ của năm và ít nghi lễ hơn.
Ngoài ra, Hồi giáo còn có nhiều quy định cụ thể về hành vi của tín đồ trong các mối quan hệ xã hội.
1.2.4. Tổ chức Hồi giáo
1.2.4.1. Thánh đường

Thánh đường Hồi giáo là nơi sinh hoạt tập thể và có tính thiêng với các tín đồ. Thánh đường gồm có Đại Thánh đường và Tiểu Thánh đường. Trong Thánh đường có bài trí đơn giản, không bàn ghế, không có đồ thờ quý hay nhạc cụ, chỉ có chiếc gậy mà theo truyền thuyết là của giáo chủ Môhammet đã dùng nó để đi truyền đạo.
1.2.4.2. Hệ thống chức sắc
Hệ thống chức sắc gồm có Giáo chủ (Mufty), phó giáo chủ (Naib Mufty), Giáo cả (Ha Kim), phó giáo cả (Naib Ha Kim), Imân, Khatib, Tuan, Bilat, Slak, HaDji.

CHƯƠNG 2 : HỒI GIÁO VÀ BIẾN THỂ TRONG VĂN HOÁ CHĂM PA
2.1. Quá trình du nhập Hồi giáo
Tộc người Chăm vốn sinh sống lâu đời ở dãi đất miền Trung Việt Nam,  từ thế kỷ đầu công nguyên, cho đến thế kỷ thứ XVII, người Chăm đã xây dựng một vương quốc Chăm Pa phồn thịnh, đã kiến tạo nên một nền văn hoá rất rực rỡ. Một trong những nét đặc sắc nhất trong văn hoá Chăm chính là tín ngưỡng, tôn giáo. Tín ngưỡng dân gian xưa của người Chăm là tín ngưỡng vật linh (animism) và tính ngưỡng đa thần (politheism).
Bắt đầu từ những năm đầu công nguyên, người Ấn Độ đã đến Việt Nam thông qua con dường thương mại, khu vực giao thương chủ yếu của họ đó là dãi đất ven biển Miền Trung
. Họ đến mang theo cả Bà – La – Môn giáo và Ấn Độ giáo. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi tín ngưỡng người Chăm chịu ảnh hưởng nhiều của người Ấn Độ. Ấn Độ giáo có vai trò rất quan trọng trong tín ngưỡng truyền thống của người Chăm.  Ấn độ giáo ở Chăm Pa chủ yếu là Si-va giáo, tức là đạo thờ thần Shiva, và có ảnh hưởng của các yếu tố tôn giáo bản địa như thờ nữ thần Đất Yan Po Nagar. Biểu tượng chính của tôn giáo Si-va của người Chăm là linga, mukhalinga, jatalinga, linga chia tầng và kosa
Đạo Hồi du nhập vào Việt Nam vào khoảng thế kỷ X – XIV bằng con đường hòa bình cùng với quá trình tan rã của quốc gia Chiêm Thành (Chămpa) và sự suy giảm dần của đạo Hinđu - tôn giáo chính thống của người Chăm. Hiện nay vấn đề thời điểm cụ thể Hồi giáo vào Việt Nam vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
- Theo kết quả nghiên cứu của một số nhà nghiên cứu văn hóa Chăm thì khoảng từ thế kỷ X trở đi, vương quốc Chăm với sự phát triển khá mạnh về hàng hải nên đã có sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa và buôn bán với người Indonesia và Malaysia là những nước đã có đạo Hồi lan rộng. Do tình hình chiến tranh liên miên và thất bại, vương triều dần suy yếu và niềm tin vào đạo Hinđu dần giảm sút nên đạo Hồi đã bám rễ được vào một bộ phận người Chăm. 
Hồi giáo ở Việt Nam hiện nay
2.2. Biến thể Hồi giáo Bàni trong văn hoá Chăm Pa
2.2.1. Hệ thống thần linh và hệ thống giáo luật

Từ tín ngưỡng đa thần của Bàlamôn giáo, người Chăm Bàni chuyển sang tín ngưỡng nhất thần, chỉ thờ phụng thánh Ala và thiên sứ Môhamet. Tuy nhiên, trong tiềm thức của người Chăm Bàni vẫn sâu đậm quan niệm đa thần, thể hiện trong việc tham gia vào các nghi lễ mang tính chất nông nghiệp như lễ hội Rija nưgar, lễ hội Kaplau krong, Plao Pasah.... Các thầy Char vẫn làm chủ một số nghi lễ cộng đồng quan trọng. Người Chăm Bàni ngoài việc cầu nguyện Pô Âu lóa (Ala), vẫn cầu nguyện các thần linh từ xa xưa như các thần thiên nhiên: thần Mưa, thần Biển, thần Núi, thần Nước, thần Sông và một số nhân thần như Pôklongirai, Pôrômê, Pô Inư Nưgar…
Tôn giáo Bàni là Hồi giáo du nhập từ Indonesia, Malaysia từ lâu đời và cũng từ lâu, nó đã bị bản địa hóa khá đậm. Hồi giáo Bàni không có sự liên lạc với Hồi giáo quốc tế mà còn không chịu chấp nhận Hồi giáo mới. Vì vậy, hệ thống giáo lý giáo luật của tôn giáo Bàni hiện nay đã khác xa với hệ thống giáo lý giáo luật của Hồi giáo quốc tế. Tuy vậy, hệ thống giáo lý giáo luật của Bàni vẫn có một cái gốc chung là kinh Coran, ngoài ra còn có sách Sunna và Hadit hướng dẫn các tín đồ trong mọi ứng xử có tính thực tế mà chính Mohamet và các Kha - líp kế vị giảng giải. Các tu sỹ Bàni chỉ biết đến mỗi kinh Coran và kinh này cũng đã qua nhiều lần “dị bản”. Các tu sỹ đọc kinh nhưng không hiểu được nội dung. Chữ Ả Rập trong kinh Coran đã bị cải biến và chuyển sang nhiều thế hệ chữ Chăm nên ngày càng xa bản gốc. Việc tụng kinh, đọc kinh của các tu sỹ là chỉ làm sao phát âm cho đúng các câu kinh và những động tác thực hiện nghi lễ. Bên cạnh đó, do quan niệm sách kinh là sách thiêng nên không được lấy xuống đọc một cách tùy tiện để nghiên cứu, nghiền ngẫm. Chỉ vào những mùa chay Ramưvan, các tu sỹ mới mang kinh xuống để học.
2.2.1. Hệ thống nghi lễ, việc thờ cúng
Khác với Hồi giáo chính thống, tín đồ Bàni không làm lễ năm lần mỗi ngày. Ngày thánh lễ là vào thứ sáu hàng tuần và cũng chỉ tổ chức đơn giản vào một thời gian nhất định và mỗi năm chỉ có 9 tháng tổ chức ngày thánh lễ thứ sáu.
Tháng chay Ramưvan là thời gian quan trọng nhất của người Bàni, Nhưng người theo Bàni không phải nhịn ăn vào ban ngày như luật Hồi giáo quy định. Chỉ có các tu sỹ phải nhịn ăn ba ngày đầu của tháng Ramưvan mà thôi. Trong tháng Ramưvan, các tu sỹ phải tu ở thánh đường, không được về nhà và chỉ được ăn những lễ vật dâng cúng. Khi ăn cơm chỉ được dùng tay và chỉ ăn nửa bên phải. Tu sỹ phải tắm rửa sạch sẽ, ít nhất mỗi ngày một lần.
Tại thánh đường, vào đêm 27 của tháng Ramưvan diễn ra cuộc họp các thầy Char và các nhân sỹ trí thức, bô lão và những người có uy tín trong thôn và bầu ra một vị Mưtìn (mưdin). Vào rạng sáng ngày cuối tháng Ramưvan, các tu sỹ được ăn bữa cơm cuối cùng để làm lễ mãn tháng thụ thai. Thức ăn gồm cơm nấu với dừa, cá đuối, trứng.
Nghi lễ vòng đời của người Chăm Bàni ở Ninh Thuận có nhiều điểm khác biệt với các nghi lễ Hồi giáo thế giới, có sự pha trộn với tín ngưỡng bản địa và Bàlamôn giáo.
2.2.2.1. Lễ Karơh và lễ Katắt
Lễ Karơh (cấm phòng) được coi là quan trọng hơn và được tổ chức lớn hơn cho các thiếu nữ đến tuổi dậy thì (15 tuổi). Đây là lễ thức chuẩn bị cho con gái trưởng thành chuẩn bị bước vào hôn nhân, thường được tổ chức cho nhiều cô gái một lúc. Người ta dựng hai căn nhà tạm đối mặt nhau: Chiếc nhà lớn ở phía đông để làm lễ, chiếc nhỏ ở phía tây cho các cô gái vào cầm mình. Suốt đêm hôm trước, ông thầy Pôgrù và các thầy Imưm đọc kinh cầu nguyện trong căn nhà lớn. Các cô gái ngủ trong căn nhà nhỏ và được bốn bà già canh giữ không cho ra ngoài. Sáng hôm sau, các cô gái mặc lễ phục nhiều màu xanh đỏ, được một người đàn ông mặc đồ trắng và một bà già bồng trên tay một đứa bé chừng một tuổi hướng dẫn sang căn nhà lớn làm lễ. Các cô gái vào lần lượt từng người. Ông thầy cả đặt vào miệng cô gái một hạt muối, cắt một lọn tóc nhỏ trên đầu rồi cho uống nước. Chịu lễ xong, cô gái lại trở về căn nhà nhỏ tiếp tục cầm mình. Khoảng mười giờ sáng, các cô lại trở ra, lần này mặc áo dải trắng, lần lượt sang nhà lễ, lạy tạ ông Pôgrù và các thầy Imưm. Ông thầy Pôgrù sẽ đặt tên thánh cho các cô. Trong dịp này, các cô gái sẽ được cha mẹ, bạn bè, người thân tới tặng các loại của cải vật chất như đồ trang sức, quần áo, tiền bạc, thậm chí cả trâu bò, ruộng đất. Những tặng vật ấy được coi như là của cải hồi môn khi các cô cưới chồng về.
Lễ Katắt (cắt qui đầu) còn có ý nghĩa là lễ nhập đạo và để sau này có thể trở thành tu sỹ. Ngày nay, lễ cắt quy đầu chỉ mang tính tượng trưng. Nếu như người Chăm Ixlam An Giang coi trọng lễ Katắt cho con trai thì người Chăm Bàni Ninh Thuận lại coi trọng lễ Karơh cho con gái. Điều này thể hiện chế độ mẫu hệ còn rất đậm ở cộng đồng Chăm Ninh Thuận.
2.2.2.2. Tang lễ
Tang lễ người Chăm Bàni Ninh Thuận đơn giản, không phân biệt đẳng cấp, dòng họ nhưng cũng có nhiều nghi thức tang lễ khác nhau phân biệt bởi tuổi bị chết:
Loại lễ tang do một thầy Char làm lễ trong các lễ tang cho trẻ con, người chết không bình thường, chết khi còn là bào thai, phải chôn tạm rồi sau này mới được đưa vào nghĩa địa. Loại lễ tang có hai thầy Char dành cho trẻ chết dưới 10 tuổi nhưng được chôn vào nghĩa địa. Loại lễ tang do ba thầy Char làm lễ dành cho những người chết dưới 70 tuổi. Loại lễ tang do sáu thầy Char làm lễ dành cho những người chết trên 70 tuổi. Tang lễ này có nghi thức rửa tội. Loại lễ tang do 13 thầy Char làm lễ dành cho các tu sỹ và những người giàu có. Loại lễ tang do 17 thầy Char làm lễ dành cho những người chết là Pôgrù (thầy cả).
2.2.2.3. Cưới hỏi
Qui định của luật và giáo lý Hồi giáo buộc tín đồ Hồi giáo chung sống với nhau phải thông qua lễ cưới hỏi, cho nên người Chăm hồi giáo nào chung sống không thông qua lễ cưới hỏi thì họ gọi là “dì nà” là điều không tốt. Từ quan niệm giáo lý hôn nhân đóng một vai trò khá quan trọng trong đời sống người Chăm Hồi giáo, và có thể nói đó là tiêu chuẩn đầu tiên để làm thước đo chuẩn mực của một người hồi giáo. Người Chăm Hồi giáo Islam cũng như người Chăm Hồi giáo Bà Ni coi sự độc thân là một tội lỗi, nên trong gia đình thường gả con sớm.
Quan hệ nam nữ trước hôn nhân của người hồi giáo Bà Ni được quan niệm giống như của những người theo đạo Bà La Môn. Nghĩa là bước đầu của lễ thành hôn là một giai đoạn khó khăn, người ta thường dùng một danh từ có nhiều nghĩa đó là danh từ “pa luak pa noih” (dạm hỏi) để chỉ: thầm kín, cần nhiều tài khôn khéo, xã giao, hùng biện (dạm hỏi).
Cũng như người Chăm Bà La Môn, người Chăm Hồi Giáo Bà Ni quan niệm người con gái thuộc nội tộc, con gái là nội tướng, có bổn phận nội trợ, quản lý tài sản, phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc chồng con, thờ cúng tổ tiên v.v... Người con gái ngoài bổn phận làm mẹ, làm vợ còn cả tứ đức: Công, dung, ngôn, hạnh và rất hiếu khách.
2.2.2.4. Lễ Katê
Theo lịch Chăm, lễ hội Katê nhằm vào ngày 1.7. Năm nay, lễ hội chính rơi vào các ngày 28,29,30 tháng 9 dương lịch. Tuy Katê chỉ là lễ hội dành cho người Chăm theo đạo Bàlamôn, nhưng thực ra hậu duệ của Pô rô mê là người Chăm theo Bà ni ở khắp các palei Chăm Bàni vẫn hành hương lên tháp Pôrômê để hành lễ. Những năm gần đây, Katê không chỉ là lễ hội của riêng cộng đồng người Chăm Bàlamôn nữa mà đã cuốn hút các dân tộc, tôn giáo khác như người Chăm Bàni, người Kinh, người Hoa và các dân tộc sống cộng cư khác ở các vùng Chăm.
Ngày 1.7 (theo lịch Chăm) là ngày lễ hội chính. Từ sáng sớm, các chức sắc dẫn đầu đoàn người đi rước trang phục của nhân thần Pôklongirai từ đền Pôklongirai lên tháp Chàm Pôklongirai. Khi đi qua mỗi palei Chăm, đoàn người lại được bổ sung thêm, gần lên đến tháp, đoàn người đã có hàng ngàn người. Đi đầu là đoàn chức sắc Bàlamôn với cờ quạt võng lọng sặc sỡ rước kiệu trang phục. Tiếp đến là đoàn trai tráng người Raglai đóng khố, cởi trần, vừa đi vừa đánh mã la, thổi khèn bầu, theo sau là tốp vũ nữ Chăm vừa đi vừa múa quạt. Các phụ nữ Chăm trong trang phục truyền thống, đầu đội các mâm lễ vật lên tháp để cúng tế, tạo nên một quang cảnh lễ hội hoành tráng. Trước khi thực hiện các nghi lễ cúng tế của các thầy chủ lễ là màn biểu diễn múa lễ của người Raglai và người Chăm trước cửa tháp. Các nghi lễ như lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng, lễ mặc y phục cho thần Pôklongirai được các vị chức sắc Bàlamôn như OânKadhar, MukPajaau và Pôdhia (ông cả sư trụ trì tháp) thực hiện một cách trang nghiêm và thần bí. Các bài hát lễ được các vị chủ lễ hát trong tiếng đàn Kanhi và tiếng trống Paranưng thực sự là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Kết thúc cuộc lễ là điệu múa thiêng của bà bóng. Trong khi bà bóng múa, bà con đi dự lễ cũng chúc tụng nhau và vui múa say sưa trong những điệu dân ca, dân vũ, trong nhịp trống ghi năng rộn rã, tiếng kèn saranai réo rắt. Bà con lần lượt bày mâm lễ vật của mình ra và dâng cúng, mọi người đi dự lễ cúng cầu sức khỏe, phúc lành, gặp nhiều may mắn trong thời gian tới. Tiếp theo là lễ tạ ơn, lễ ban ơn, sau cùng là lễ đóng cửa tháp.
Buổi sáng ngày hôm sau, mọi người làm lễ cúng ở làng, mỗi palei (làng) lại có một vị thần riêng của mình. Sau đó, ở các dòng họ, ở các gia đình tổ chức cúng riêng. Chủ lễ là chủ gia đình hoặc chủ họ (theo mẫu hệ). Vào ngày lễ, các thành viên trong gia đình từ khắp nơi tụ mặt đầy đủ, cầu mong thần linh, tổ tiên phù hộ cho thời tiết thuận lợi, làm ăn phát đạt, gặp nhiều điều tốt lành. Mọi người kéo nhau đi chúc tụng, thăm viếng nhộn nhịp. Các palei Chăm trong những ngày này rực rỡ, tràn ngập niềm vui với những cuộc thi đấu thể thao, thi dệt thổ cẩm, thi các trò chơi dân gian và biểu diễn văn nghệ. Cứ như thế, Katê kéo dài cả tháng. Vào những ngày lễ hội chính, lãnh đạo các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện, xã, thôn đến các tháp dự lễ và đến các palei Chăm chúc Tết các vị chức sắc tôn giáo, chúc Tết các gia đình Chăm, coi đây như là ngày tết cổ truyền của đồng bào Chăm , khuyến khích bà con phát huy truyền thống cách mạng, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, tăng cường mối đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo để tạo nên sức mạnh trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.
2.2.2.5. Lễ hội Ramưvan
Danh từ Ramưvan là danh từ đọc chệch (trại) ra từ gốc từ Ảrập “Ramadan”, có nghĩa là tháng 9 (Hồi lịch). Đây không chỉ là tháng chay niệm của người Chăm Awal (người Chăm Bàni) mà là của cả cộng đồng Hồi giáo trên thế giới. Nhưng cũng như các lễ tục khác, lễ Ramưvan của người Chăm Bàni (Hồi giáo đã bản địa hóa). Lễ hội Ramưvan của cộng đồng người Chăm Bàni năm nay bắt đầu từ ngày 13 tháng 9 dương lịch. Lễ Ramưvan diễn ra trong một tháng. Trước khi vào lễ chay niệm chính thức, người Chăm Bàni thường tổ chức lễ hội trong 3 ngày đầu.
            Phần “hội” chỉ mới xuất hiện vài chục năm gần đây với các hoạt động như bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ, thi các trò chơi dân gian. Lễ Ramưvan gồm có 3 phần: lễ tảo mộ, lễ cúng gia tiên và lễ chay niệm tại thánh đường. Lễ tảo mộ là lễ khởi đầu tháng lễ Ramưvan, diễn ra vào cuối tháng 8 Hồi lịch. Tất cả các tộc họ ở các làng Chăm Bàni đều đi tảo mộ.
            Lễ vật trong lễ tảo mộ khá đơn giản gồm bánh trái, bình trà, rượu, trứng gà. Từng tộc họ đến nghĩa địa để làm cỏ, vun đất phần mộ (khác với mộ của các dân tộc khác, mộ của người Chăm Bàni là những hòn đá tròn xếp thành những hàng dài). Vào lễ, ông thầy Char làm lễ tẩy uế phần mộ và mời tiên tổ về dự lễ.
            Sau khi tảo mộ về, từng gia tộc làm lễ cúng gia tiên. Lễ vật cúng được làm rất nhiều mâm, mỗi thành viên phải có một mâm lễ. Mâm ngọt gồm bánh tét, bánh ít, chè, xôi, bánh sakaya. Mâm mặn có thịt gà luộc, cơm, canh, cá khô v.v... Mâm lễ dâng cúng trong lễ Ramưvan được cộng đồng và các tộc họ trang trí, bày biện rất đẹp mắt. Sau khi kết thúc lễ cúng gia tiên và những ngày hội vui tươi, các làng Chăm Bàni bước vào tháng chay Ramưvan trang nghiêm. Lễ Ramưvan kết thúc vào ngày 30 của tháng chay tịnh. Ngày kết thúc được tổ chức rất long trọng tại thánh đường.
            Nếu như Katê là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chăm Ahiêr thì Ramưvan là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chăm Bàni (người Chăm ảnh hưởng Hồi giáo). Khác với lễ Ramadan của cộng đồng những người theo Hồi giáo Islam, lễ Ramưvan của người Chăm Bàni mang nhiều sắc thái văn hóa Chăm, đó là sự kết hợp với những nghi lễ bản địa như lễ cúng gia tiên, cúng dâng gạo, cúng nữ thần và những năm sau này còn xuất hiện các loại hình văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian.
 2.2.2. Hệ thống thánh đường
Tín đồ Bàni và tín đồ Ixlam có thánh đường riêng. Hiện có 7 thánh đường Bàni ở 7 làng. Người Chăm gọi thánh đường Bàni là “Thang mưgik” hay “Thang Pô” (nhà thánh), “Thang Dhar” (nhà phước), nhiều người ở Ninh Thuận gọi là chùa Bàni. Ngày xưa, thánh đường làm bằng nhà tranh, sau này được xây cất bằng gạch ngói, hiện nay nhiều thánh đường từng bước được tu bổ khang trang, hiện đại theo phong cách thánh đường nhưng không hoàn toàn chịu ảnh hưởng của phong cách các thánh đường Hồi giáo quốc tế.
Thánh đường Bàni là một ngôi nhà lớn nằm trong khuôn viên được bao bọc bằng những tường rào ở trung tâm làng. Cổng khuôn viên hướng đông bắc, có mái che. Các bức tường thánh đường được xây dựng bằng gạch nhưng vẫn có khung nhà bằng gỗ, những hàng cột gỗ lớn. Đòn dông nhà đặt theo hướng đông - tây, cửa thánh đường mở hướng đông ở phía đầu hồi. Có một nhà khách làm bằng gỗ, đòn dông hướng bắc - nam. Trong lòng thánh đường để trống, không trang trí gì. Chỉ có một mihrab ở bức tường trong cùng, là một khung gỗ cao chừng 2m, rộng khoảng 1,5m, là nơi để các tu sỹ đọc kinh và làm lễ. Bên phải của mihrab có một cái bục gọi là minbar, là nơi để vị Khotip giảng kinh. Trong khuôn viên thánh đường còn có một cái giếng để lấy nước làm lễ thánh tẩy.
Thánh đường là nơi các tu sỹ và các tín đồ Bàni đến cầu nguyện và dâng lễ trong các dịp lễ, là nơi làm lễ phong các chức sắc tu sỹ Bàni, nơi tập trung tín đồ tham dự mùa chay Ramưwan. Phụ trách thánh đường là một hội đồng do tín đồ bầu lên, có nhiệm kỳ từ 3 đến 5 năm. Hiện nay thánh đường còn là nơi hội họp của các chức sắc, các nhân sỹ trí thức để bàn bạc việc làng.
2.2.3. Hệ thống chức sắc Bàni
Mỗi thánh đường Bàni đều có đội ngũ chức sắc phụ trách các sự vụ tôn giáo. Tầng lớp tu sỹ Bàni được gọi chung là “thầy char”(cũng giống như thầy pà xế bên Bàlamôn). Theo quan niệm “nhất thể lưỡng hợp”, chức sắc Bàlamôn được coi là âm (tóc búi tó) thì chức sắc Bàni là dương, cạo tóc, để râu. Các cấp tu sỹ có trang phục chức sắc riêng: áo quần màu trắng, áo dài, cạo tóc và bịt khăn.
Hệ thống tu sỹ Bàni được tổ chức rất chặt chẽ, được phân công theo khu vực thánh đường và được chia thành bốn cấp:
- Chức sắc Char (Achar): là những người mới gia nhập vào hàng ngũ tu sỹ. Tùy theo thời gian và khả năng của từng người để chia chức thầy Char ra làm bốn cấp: thầy char Jăm ak, thầy char Talavi, thầy char Pôsit và thầy char Pô prong. Lễ tôn chức Char được tổ chức trong tháng ăn chay Ramưvan. Cấp Char cũng có người được tham gia vào trong ban thường trực của thánh đường và được gọi là imưmtình.
- Chức Khotíp hay típ: Là thầy giảng giáo lý hàng tuần vào thứ sáu. Thầy típ có nhiệm vụ thực hiện một số nghi lễ tại thánh đường và ở gia đình. Thầy típ nằm trong ban thường trực của thánh đường thì gọi là tip tanh.
- Chức Imưm hay mưm: Ông thầy điều khiển các buổi lễ “thứ sáu”. Muốn lên chức thầy imưm, phải là người đã trải qua hơn 15 năm tu hành, thuộc hết kinh Coran và thực hiện được các nghi lễ của tôn giáo. Trong số các thầy Imưm, những người có khả năng và các tiêu chuẩn được chọn ra mắt 40 vị thánh của đạo và được gọi là Imưm pah pluh (mưm bốn mươi). Sự lựa chọn tu sĩ để tôn chức Imưm pah luh rất khắt khe, phải được các thầy cả trong vùng chấp nhận.
Thầy cả Pô grù là chức vụ cao nhất và duy nhất trong một thôn hay một thánh đường Bàni. Ông là người có quyết định tối cao những vấn đề đạo và đời của các tín đồ Bàni thuộc khu vực thánh đường mình phụ trách, là người chọn ngày tổ chức các nghi lễ. Hiện nay ở Ninh Thuận có bảy thánh đường và bảy thầy cả phụ trách, bảy thầy này có chức quyền ngang nhau. Cứ ba năm, tất cả các chức sắc đến làm lễ suk yâng. Tại lễ này, các chức sắc của bảy khu vực thánh đường cử ra một ông phụ trách chung (như kiểu thư ký ban liên lạc) để quyết định những việc lớn liên quan đến cả bảy khu vực. Ông thư ký này thường phải là Imưm pah pluh, sau ba năm lại cử ra một ông khác.
Đối với tín đồ Bàni, thầy Char rất được nể trọng. Ông vừa là người thay mặt cho thánh Ala làm các nghi thức tôn giáo, vừa là người thay mặt cho người Chăm của cả hai tôn giáo Bàlamôn và Bàni làm chủ nhiều nghi lễ mang tính chất dân gian của người Chăm Bàlamôn và Bàni. Trong các lễ Ri chà của người Chăm Bàlamôn, phải có các thầy Char đến khai lễ. Trong các nghi lễ cộng đồng mang tính nông nghiệp như Rija nưgar, Kap hlâu Krong, Mưrôi, Plao asah, các thầy Char đều đến và làm chủ lễ một số tiểu lễ. Trong các lễ tẩy uế đất đai, nhà mới, chữa bệnh, các gia đình Chăm Bàlamôn đều có mời thầy Char làm lễ.
Chức sắc Bàni phải nối theo dòng họ và mỗi họ phải có một người làm thầy Char. Như vậy, mỗi thầy char trong một thánh đường đều là đại diện cho dòng họ mình. Muốn trở thành thầy char thường phải hội đủ các tiêu chuẩn: Phải giỏi chữ để học kinh thánh. Trước khi làm lễ tôn chức đã phải học kinh thánh; Là người đã có vợ, bản thân người nhập vào hàng ngũ thầy Char và vợ phải trong sạch. Vợ hoặc chồng không phải là một trong các trường hợp song sinh; Phải là tín đồ Bàni ít nhất là ba đời.
Kết luận:
Người Chăm cũng như các dân tộc ở Đông Nam á, đều có nền văn hóa bản địa chung của cư dân nông nghiệp lúa nước. Trải qua những giai đoạn lịch sử đầy biến động thăng trầm, văn hóa của người Chăm biến đổi đồng hành cùng diễn trình vận động trong không gian, qua thời gian của sự tiếp biến, loại trừ đa nguồn văn hóa, sự giao thoa, hòa nhập, giữa những yếu tố văn hóa nội sinh và ngoại sinh, tạo nên một sắc thái văn hóa Việt Nam ngày nay.
Tín ngưỡng của người Chăm rất phong phú và đa dạng, là bộ phận cấu thành của nền văn hóa Chăm, chi phối sâu sắc tới đời sống cộng đồng của người Chăm và hệ thống luật tục của người Chăm. Đó là hình thức tín ngưỡng sơ khai nguyên thủy với tục thờ núi, thờ các loài cây và thờ biển trong các dòng họ Chăm. Đó là hình thức tín ngưỡng liên quan tới sản xuất nông nghiệp với các lễ cúng thần lúa, lễ xuống cày, lễ đắp đập khai mương... Đó là hình thức tín ngưỡng liên quan tới vòng đời người với hệ thống các tục lệ về các lễ trong đám cưới, đám tang, lễ nhập Kút, nhập Ghôl và các hình thức tín ngưỡng liên quan tới thờ cúng tổ tiên. Bên cạnh các lễ nghi tín ngưỡng đó, người Chăm còn thờ các vị thần núi, thần sông, thần sấm sét... Tất cả những lễ nghi tín ngưỡng đó tuy một số nội dung không còn phù hợp với cuộc sống hiện nay song từ lâu nó đã là một bộ phận đời sống tâm linh và trở thành hạt nhân cơ bản hình thành nên diện mạo tôn giáo người Chăm.




Trước thế kỷ thứ VII, cư dân Arập theo tín ngưỡng đa thần, thờ thần mặt trăng, mặt trời…và tiêu biểu là thờ các phiến đá thiên. Đến thế kỷ VII do nhu cầu thống nhất đất nước cần có một hệ tư tưởng thống nhất, xuyên suốt Mô – ha – mét đã sáng lập đạo Islam
Miền Trung nổi tiếng với Trầm hương, Kỳ nam, gia vị và đặc biệt Vàng là những sản vật mà người Ấn Độ rất thích
Linga (hay còn gọi là lingam) là một cột trụ có hình dương vật đại diện cho Shiva. Các vua Chăm thường xuyên dựng và cúng các linga bằng đá để thờ ở trung tâm các đền tháp của hoàng gia. Tên mà vua Chăm đặt cho một linga sẽ bao gồm tên của nhà vua và đuôi "-esvara," tức là Shiva
Mukhalinga là một linga mà trên đó có vẽ hoặc chạm hình ảnh Shiva dưới dạng hình người hay hình khuôn mặt.
Jatalinga là một linga mà trên đó chạm phong cách điển hình của Shiva là kiểu tóc búi
Linga phân tầng là một cột linga chia làm ba phần đại diện cho ba thể (trimurti) của thượng đế trong Ấn giáo: phần dưới cùng, là một khối hình lập phương, tượng trưng cho Brahma; phần ở giữa, là một hình lăng trụ tám mặt, đại diện cho Vishnu; và phần trên cùng, có hình tròn, đại diện cho Shiva.
Kosa là một khối kim loại hình trụ được sử dụng để che phủ cho linga. Việc hiến tế một kosa để trang trí cho linga là một nét đặc trung độc đáo của đạo Si-va của người Chăm. Các vua Chăm thường đặt tên cho các kosa đặc biệt cũng theo cách họ tự đặt tên cho các linga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét