1.Chính sách Hán hóa và sự giao lưu cưỡng bức
Từ năm 179TCN, sau thất bại của An Dương Vương trong cuộc kháng chiến chống Triệu, đất nước Âu Lạc bị nội thuộc vào lãnh thổ Nam Việt của Triệu Đà. Đến năm 111TCN, nhà Hán tiêu diệt họ Triệu, sáp nhập Nam Việt vào đế chế Hán.từ đây cho đến năm 905 sau công nguyên, đất nước Âu Lạc rơi vào ách thống trị của bọn phong kiến phương Bắc.
Dưới ách Bắc thuộc, bọn thống trị Trung Quốc ra sức thực hiện chính sách Hán hóa. Chúng cho di thực mô hình tổ chức chính trị và sinh hoạt xã hội Trung Hoa sang đất Việt. chúng xóa bỏ chính quyền trung ương của vua Thục và chia nhỏ miền đất nước ta thành các đơn vị hành chính địa phương các cấp theo hệ thống hành chính địa phương ở Trung Quốc là châu, quận, huyện, hương, xã và đến thời Đường bao trùm lên các châu ở miền đất nước ta chúng đặt thành một phủ (An Nam đô hộ phủ). Từ một quốc gia độc lập, nước ta trở thành một địa phương của Trung Quốc. Chúng thiết lập bộ máy quan lại, xây dựng hệ thống quân đội và áp đặt hệ thống pháp luật để thống trị nhân dân ta, tiến hành cống phẩm, bắt lao dịch và bóc lột về kinh tế. Trên phương diện văn hóa, chúng đã sử dụng văn hóa Hán như một công cụ xâm lược quan trọng. chúng bắt nhân dân Âu Lạc phải làm ruộng theo lối Hán, ăn mặc kiểu người Hán, nói tiếng Hán, học chữ Hán, ứng xử theo phong tục Hán. Trên lĩnh vực tư tưởng và tôn giáo, chúng cho du nhập Nho giáo và Đạo giáo sang để khống chế về tinh thần và nhất thể hóa tư tưởng của nhân dân ta, nhằm tạo thành cái lõi trung tâm để đi đến nhất thể hóa cấu trúc văn hóa giữa chính quốc và thuộc địa. Để thúc đẩy quá trình đồng hóa văn hóa, giai cấp thống trị Hán đã cho di cư ồ ạt người Hán sang đất Việt, gồm quan lại và người nghèo Hán. Chúng khuyến khích nhóm người này lấy vợ Việt, sinh con trên đất Việt và hình thành một bộ phận “dân Mã lưu” ở nước ta nhằm thực hiện chủ trương thực dân theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Có thể nói, dưới ách Bắc thuộc, nhân dân Âu Lạc đã phải chấp nhận mọt cuộc giao lưu cưỡng bức vô cùng nghiệt ngã với nền văn hóa Hán, một nền văn hóa có khả năng đồng hóa rất cao, đã từng đồng hóa một cộng dồng Bách Việt rộng lớn từ phía Nam sông Dương Tử trải dài về nam cho đến núi Ngũ Lĩnh.
2.Đấu tranh chống Hán hóa và phát triển văn hoa dân tộc
Để tồn tại, nhân dân Âu Lạc đã phải liên tục tiến hành các cuộc đấu tranh vũ trang giành độc lập và ra sức bảo tồn phát triển văn hóa dân tộc. Từ trong các xóm làng Việt cổ, mà bọn đô hộ phương Bắc không thể nào với tay tới được, cư dân Âu Lạc đã ra sức bảo tồn và phát huy vốn liếng văn hóa bản địa đã tích lũy được qua hàng nghìn năm trước, đồng thời “không chối từ” việc tiếp thu, tiêu hóa và làm chủ những ảnh hưởng ngoại lai.
Tranh thủ sự giao thương dưới thời Bắc thuộc, nhân dân Âu Lạc đã trao đổi và trang bị rộng rãi các công cụ bằng sắt cho ngành nông nghiệp. Họ đã tiếp thu kỉ thuật bón phân Bắc của người Trung Quốc, phát triển giống cây trồng nhằm đa canh hóa và mở rộng lúa hai vụ. Kết hợp giữa kinh nghiệm cổ truyền với kinh nghiệm học tập của Trung Quốc, cư dân Âu Lạc đã sản xuất được loại gốm tráng men nửa sành nửa sứ. Hơn thế nữa, họ còn biết phát triển sáng tạo những kỉ thuật tiếp thu được của người Trung Quốc như sản xuất xành hai quai, ống nhổ, bình con tiện có đầu voi, bình gốm nạm đá ở cổ, sản xuất được loại giấy trầm hương v.v…Đó là những sản phẩm mà người Trung Quốc không có và chất lượng tốt hơn của người Trung Quốc. Trong nghề dệt, nhân dân Âu Lạc đã sản xuất được lụa, vải bông, vải cát bá, vải tơ chuối, vải bạch diệp…và người Trung Quốc đã phải mua của ta.
Trong cuộc đấu tranh chống đồng hóa, một thành tựu quan trọng của cư dân Âu Lạc là đã bảo tồn được tiếng nói của dân tộc, làm thất bại ý đồ nham hiểm của bọn xâm lược. Tất nhiên, dưới ách thống trị lâu ngày của bọn xâm lươc, cùng với sự phát triển của cuộc sống, tiếng Việt cũng cần có những biến đổi. Nó đã hấp thụ được nhiều yếu tố của ngôn ngữ Hán về mặt ngữ âm và thanh điệu, tiếp thu nhiều từ ngữ gốc Hán. Nhưng người Âu Lạc đã hấp thụ ảnh hưởng ngôn ngữ Hán một cách độc đáo, sáng tạo, đã Việt hóa những từ ngữ ấy theo cách dùng, cách đọ của người Việt, tạo thành một lớp từ mới gọi là từ Hán-Việt. Như vậy là Tiếng Việt không bị mất đi mà lại còn được giàu có và hoàn thiện về mặt âm tiết. Chữ viết của người Hán cũng được ông cha ta tiếp thu và xây dựng thành chữ Nôm, một thứ chữ viết của người Việt Nam dựa trên cấu liệu chữ Hàn để ghi âm tiếng Việt. Trong tín ngưỡng và phong tục, người Việt vẫn một lòng tôn kính và biết ơn với cha mẹ, tổ tiên, tôn trọng phụ nữ, sống chan hòa, cộng đồng trong các làng chạ, thờ cúng các thiên thần, nhiên thần và nhân thần, các biểu tượng về khát vọng dân tộc. Các tục lệ như búi tóc, xăm mình, nhuộm răng, ăn trầu vẫn được giữ gìn. Nền văn học bác học Hán-Đường đã ảnh hưởng đến nền văn học của người Việt. Trên lĩnh vực âm nhạc, trong thời Bắc thuộc người Việt đã tiếp thu một số nhạc cụ của người Trung Quốc như chuông, khánh, của Ấn Độ như trống cơm, của Trung Á là Hồ cầm. Trong kiến trúc và điêu khắc là kĩ thuật kiến trúc lối vòm cuốn sử dụng gạch múi bưởi của người Trung Quốc, tượng tròn bàng đồng có nguồn gốc Nam Á-Ấn Độ. Trên lĩnh vực chính trị, mô hình tổ chức nhà nước của Trung Quốc đã bước đầu được Lý Nam Đế tiếp thu trong việc xây dựng chính quyền tự chủ thời Vạn Xuân. Nền pháp luật thời Hán, Đường cũng tự nhiên đi vào trong sinh hoạt tổ chức nhà nước thời tự chủ ở nước ta. Với bản lĩnh dân tộc vững vàng, người Việt đã tiếp nhận một số ảnh hưởng của Đạo giáo và Nho giáo, nhưng không vì thế mà họ nhụt ý chí đấu tranh, trái lại nó giúp cho họ những hiểu biết rộng rãi để lý giải về các vấn đề đặt ra cho đất nước, cho dân tộc và họ đã kiên quyết đứn dậy đấu tranh chống lại chính quyền đô hộ, chống lại các đạo sĩ thực dân, chống lại thiên tử, thiên triều Trung Quốc.
Trong xu hướng giao lưu tự nguyện lúc bấy giờ, cha ông ta đã tiếp nhận những ảnh hưởng của Phật giáo từ Ấn Độ, sử dụng nó làm ngọn cờ giải phóng dân tộc, đấu tranh cho sự bình đẳng, chống áp bức dã man. Nhũng đóng góp của Phật giáo trung hòa các ảnh hưởng đến từ Trung Hoa, khiến cho văn hóa Âu Lạc tuy bị Hoa hóa nhưng vẫn khác với Văn hóa Trung Hoa. Trong ảnh hưởng của hệ tư tưởng Phật giáo ở nước ta lúc bấy giờ thì tư tưởng thiền tông với chủ trương “Phật tại tâm” chiếm vai trò chủ đạo, tạo điều kiện cho xu hướng nhập thế của Phật giáo ở Việt Nam
Với cuộc đấu tranh chống Hán hóa một cách tích cực đó, khi bước ra khỏi ách Bắc thuộc, nền văn hóa của người Việt “như một tòa nhà chỉ thây đổi ở mặt tiền và vẫn giữ được cấu trúc ở bên trong”.
Nguồn: Huỳnh công Bá. Cơ sở văn hóa Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét