Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Dấu ấn cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh

Dấu ấn cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh

  • Đền Xuân Hòa từng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trong cao trào xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, là cơ sở cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
  • Di tích đền Xuân Hòa nằm ở trung tâm làng Xuân Hòa, xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Ngôi đền được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (1533 - 1789), đây là công trình kiến trúc, tín ngưỡng của dân làng xây dựng lên để thờ vị thần có công với dân, với nước như Cao Sơn, Cao Các, Thành hoàng làng. Thần chủ của đền là Cao Sơn, Cao Các.
    Đặc biệt, nơi đây từng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trong cao trào xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, là cơ sở cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đền Xuân Hoà được xếp hạng di tích lịch sử và văn hoá cấp tỉnh cuối năm 2010.
     
    Theo sử sách, thần Cao Sơn có tên thật là Cao Hiển, tự Vân Trường, người quê Bảo Sơn (Trung Quốc). Cao Hiển là người thông minh chính trực, học rộng hiểu sâu, văn võ song toàn.
     
    Tuy là sứ thần của nhà Tống nhưng trong thời gian làm Tuyên phó sứ (thế kỉ XI) ông lại rất thông cảm với những khó khăn của một quốc gia mới tự trị, nền kinh tế chưa ổn định, lại gặp sâu keo tàn phá, mùa màng thất bát như Đại Việt.
     
    Cao Hiển một mặt xin vua nhà Tống giảm bớt các khoản triều cống, mặt khác giúp nhân dân Đại Việt khắc phục thiên tai, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, xây dựng mối giao hảo hòa bình tốt đẹp giữa hai nước Trung Quốc và Đại Việt.
     
     
    Một góc đền Xuân Hòa
     
    Còn thần Cao Các, theo Ngọc phả Đại vương tôn vị Trung thần triều đình, là vị tướng mưu lược, có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, đánh đuổi quân Chiêm Thành. Sau khi ông mất, nhà Đinh thương tiếc cho lập đền thờ. Các triều vua về sau đã phong sắc cho ông là "Thượng thượng đẳng tối linh Tôn Thần".
     
    Chính trên mảnh đất này đã từng chứng kiến sức mạnh đoàn kết dân tộc, đấu tranh giành lại cuộc sống độc lập và tự chủ của nhân dân ta. Đây là cơ sở hoạt động cách mạng, nơi gặp gỡ, hội họp, in ấn tài liệu của các chiến sỹ cách mạng trong những năm 1930 - 1931.
     
    Đặc biệt là nơi tập trung quần chúng nhân dân mít tinh, biểu tình, treo cờ búa liềm của Đảng trên cây trôi, phát hiệu lệnh đấu tranh của toàn phủ Hưng Nguyên vào ngày 12/9/1930. Trong cuộc tổng khởi nghĩa dành chính quyền cách mạng tháng 8 năm 1945, sân đền là nơi tập trung nhân dân đi biểu tình giành chính quyền cách mạng.
     
    Xưa kia vùng đất Hưng Long thường xuyên lũ lụt, úng ngập, mùa màng bị sâu bọ phá hoại, nhân dân làm lễ cầu đảo nhờ thần Cao Sơn, Cao Các phù hộ, quả nhiên linh ứng nên đã rước bài vị hai ông về lập đền thờ phụng. Tại đền Xuân Hòa hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật, đặc biệt là 16 sắc phong do vua Lê và triều Nguyễn ban cho thần chủ của Đền.
     
    Đền Xuân Hòa là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của làng xã, thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn của nhân dân địa phương nói riêng và của người Việt Nam nói chung.
     
    Lễ hội đền Xuân Hòa trước đây được tổ chức trong 2 ngày 14 và 15/7 âm lịch (lễ trọng ở đền) nhân dân các làng tập trung đi lễ hội, lễ rước kiệu vị thần ở đền, chùa, miếu, trong làng được trang hoàng chu đáo, trịnh trọng điều hành tiến về đình làng làm lễ cầu phúc.
     
    Sau đó, rước thần về tại đền Xuân Hòa làm lễ để tế thần, lễ vật gồm có: cỗ tam sinh, hoa quả, có ban hành lễ với các nghi thức truyền thống như hiến tửu, hiến trà, dâng hương tưởng niệm các vị thần được tổ chức long trọng, trang nghiêm.
     
    Ngoài các nghi lễ trên, già, trẻ, gái, trai trong vùng nô nức tham gia các hội như kéo co, đấu vật, cờ người, cờ thẻ... không khí diễn ra sôi động cả một vùng.
     
    Các hoạt động diễn ra tại đền từ xưa đã phản ánh truyền thống trọng đạo nghĩa, tín ngưỡng thờ thần, phong tục tập quán, đời sống văn hóa, văn nghệ dân gian giàu bản sắc của địa phương, đồng thời góp phần nâng cao niềm tự hào về quê hương và là cơ sở quan trọng để gắn kết tình cảm cộng đồng, làng xã, thông qua đó để giáo dục truyền thống.
     
    Sau cách mạng tháng 8/1945, lễ hội không còn điều kiện duy trì mà chỉ tồn tại dưới hình thức dâng hương tưởng niệm. Năm 1968, đền bị bom Mỹ tàn phá. Đến 2009, đền Xuân Hòa được phục hồi.
     
    Hiện nay, trong những ngày sóc vọng, nhân dân trong xã và các vùng phụ cận thường xuyên đến thắp hương, bày tỏ sự tôn kính các vị thần. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương và nhân dân đang có phương án phục hồi lại lễ hội với quy mô như ngày xưa.
     
    Công trình kiến trúc đền Xuân Hòa được xây dựng tại vị trí trung tâm của làng Xuân Hòa, trong một không gian bằng phẳng, thoáng đãng. Xưa kia, đền Xuân Hòa được xây dựng bao gồm cổng tam quan, tắc môn, hạ điện, trung điện và thượng điện. Trải qua năm tháng, mưa gió, chiến tranh, các công trình chính của đền không còn nữa, chỉ còn nền đất, khuôn viên đều bị thu hẹp.
     
    Hiện nay, di tích đã được phục hồi trên nền cũ với diện tích 987m2, bao gồm các hạng mục công trình như cổng tam quan, tường bao, tắc môn, bia dẫn tích, sân vườn, bái đường và hậu cung. Kiến trúc đền làm bằng gỗ lim, mít chắc chắn, được chạm khắc công phu, tinh xảo thể hiện trình độ thẩm mỹ cao với nhiều mảng chạm có thần, đem lại vẻ đẹp cổ kính cho di tích. 
    Nguồn: http://nghean24.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét